Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Lion Rock - Sigiriya, Srilanka

Sigiriya hoặc Sinhagiri (Lion Rock Sinhalese:, tiếng Tamil:, phát âm là see-gi-ri-yə) là một pháo đài đá cổ nằm ở phía bắc Matale District gần thị trấn Dambulla thuộc miền Trung đất nước Sri Lanka. Đây là một địa điểm có ý nghĩa lịch sử và khảo cổ có một cột đá khổng lồ cao gần 200 mét (660 ft).
Theo biên niên sử Sri Lanka vào thời cổ đại Culavamsa, địa điểm này đã được vua Kasyapa (477 - 495 CE) chọn làm thủ đô mới cho triều đại của ông. Ông đã xây dựng cung điện trên đỉnh của tảng đá này và trang trí các phía mặt ngoài bằng những bức bích họa đầy màu sắc. Trên một cao nguyên nhỏ nằm ở lưng chừng của tảng đá này, ông đã xây dựng một cổng vào dưới hình dạng một con sư tử khổng lồ. Tên của nơi này bắt nguồn từ cấu trúc này - Sīnhāgiri, Lion Rock (một từ nguyên tương tự Siṃhapura, tên tiếng Phạn của Thành phố Sư tử Singapore).


Thủ đô và cung điện hoàng gia đã bị bỏ hoang sau khi nhà vua băng hà. Nơi đây được sử dụng làm một tu viện Phật giáo cho đến thế kỷ thứ 14. Ngày nay Sigiriya được UNECSO công nhận là Di sản Thế giới và được tuyên bố là kỳ quan thứ tám của thế giới. Đây cũng là một trong những di tích được bảo tồn tốt nhất về quy hoạch đô thị thời cổ đại.
Lal Srinivas và Mirando Obesekara đã mô tả Sigiriya như một bước ngoặt khảo cổ học sau lịch sử của Ravana. Theo họ, Sigiriya có thể là Alakamandava (Thành phố của các vị thần) được xây dựng trước 50 thế kỷ cách đó bởi vua Kubera, người anh em cùng cha khác mẹ của Ravana (Ravan) như được mô tả trong Ramayanaya.
Theo Palm Leaf Book (Puskola Potha) của Ravana Watha, kiến trúc sư của Sigiriya là một Danava (dòng dõi con trai Thần Brahma) tên là Maya Danava. Ông đã xây dựng Sigiriya theo những chỉ dẫn được đưa ra bởi vua Visthavasa (Vishravasamuni), cha đẻ của Ravana. Trong thời kỳ đó, Sigiriya được gọi là Alakamandava và trong thời kỳ vua Kuwera, được gọi là Cithranakuta. Sau cái chết của Ravana, Vibeeshana lên ngôi Vua và ông đã chuyển vương quốc sang Kelaniya. Theo cuốn sách này, Chiththaraja đã sử dụng Alakamandava làm nơi ở của mình. Chiththaraja cũng được cho là một trong những cá nhân đã giúp Hoàng tử Pandukabhaya có được vương quyền vì cha mẹ của Pandukabhaya được truyền thừa từ bộ lạc Chiththaraja.


Ravana Watha cũng mô tả rằng Hoàng tử Kassapa, con trai của Vua Daathusena, đã chọn Chithrakuta làm nơi ở của mình do thực tế là mẹ ông là tín đồ của Yakka và cũng là hậu duệ của họ. Vua Kassapa là vị vua duy nhất đã tái thiết và duy trì Chiththakuta như được thực hiện bởi nhà vua Ravana. Những bức tranh tường nổi tiếng ở Chiththakuta (Sigiriya về sau) có thể được coi là hiển thị cho vùng đất Sinhala, tức là Sri Lanka. Ravana Watha giải thích rằng bức tranh về người phụ nữ da màu đại diện cho bộ lạc Yakka và những người phụ nữ khác đại diện cho các bộ lạc Nāga (Serpentine), Deva (Divine) và Gandabhbha (for distinct heavenly beings), những bông hoa xinh đẹp cho thấy sự thống nhất của đất nước.
Vào năm 477 CE, Kashyapa I, con trai của vua Dhatusena với một người không phải là hoàng tộc, đã chiếm ngai vàng từ vua cha. Người thừa kế hợp pháp, Moggallana, đã trốn sang Nam Ấn Độ. Lo sợ bị Moggallana tấn công, Kashyapa đã chuyển thủ đô và nơi cư trú của mình từ Anuradhapura đến Sigiriya cho an toàn. Trong triều đại vua Kashyapa, (477 đến 495 CE), Sigiriya được phát triển thành một phức hợp với thành phố và pháo đài. Hầu hết các công trình trên đỉnh núi đá và bao bọc chung quanh, bao gồm các cấu trúc phòng thủ, cung điện và vườn hoa, đã có từ thời kỳ này.


Sử Culavamsa viết bằng tiếng Pali của hoàng gia và văn hóa dân gian mô tả Vua Kashyapa đã giết cha mình và sau đó chiếm lấy ngai vàng vốn thuộc về người anh em cùng cha khác mẹ của ông là Moggallana, con trai của Hoàng hậu Dhatusena. Moggallana trốn sang Ấn Độ và thề sẽ trả thù. Ở Ấn Độ, ông đã nuôi một đội quân với ý định trở về Sri Lnaka chiếm lại ngai vàng. Để tránh Moggallana, Kashyapa được cho là đã xây dựng cung điện cho mình trên đỉnh Sigiriya như một pháo đài và là một cung điện hưởng thụ khoái lạc. Cuối cùng Moggallana đã đến, tuyên chiến và đánh bại Kashyapa vào năm 495 CE. Trong trận chiến, quân đội của Kashyapa đã bỏ rơi ông ta và ông đã tự sát.
Moggallana đã đem Anuradhapura trở lại thành thủ đô, chuyển Sigiriya thành một tu viện Phật giáo, và tu viện đã tồn tại cho đến thế kỷ 13 hoặc 14. Sau thời kỳ này, không có tài liệu nào được tìm thấy ở Sigiriya cho đến thế kỷ 16 và 17, khi nơi đây được sử dụng như một tiền đồn của Vương quốc Kandy trong một thời gian ngắn.

Nhìn từ đỉnh Lion Rock, Sigiriya, SL. Photo by Nguyễn Diệu Tâm
Theo các nguồn tài liệu khác thì người xây dựng chính Sigiriya là Vua Dhatusena, được hoàn thành bởi Kashyapa để vinh danh cha mình. Vẫn còn có những câu chuyện khác mô tả Kashyapa là một vị vua ăn chơi, và Sigiriya là cung điện khoái lạc của ông. Ngay cả số phận của Kashyapa kết thúc cũng không rõ ràng. Trong một số phiên bản, ông bị ám sát bởi chất độc do một người hầu thiếp; ở những nguồn khác thì cho rằng ông tự cắt cổ mình khi bị bỏ rơi trong trận chiến cuối cùng. Một số nguồn khác coi nơi này là một khu vực của cộng đồng Phật giáo, không có chức năng quân sự. Địa điểm này có thể là nơi rất quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các phái Phật giáo truyền thống Đại thừa và Nguyên thủy vào thời Sri Lanka cổ đại.
Vào năm 1831, Thiếu tá Jonathan Forbes thuộc trung đoàn Highlanders thứ 78 của quân đội Anh, trong khi trở về trên lưng ngựa sau chuyến đi tới Pollonnuruwa, đã gặp phải "đỉnh Sigiriya phủ đầy bụi rậm". Từ đó Sigiriya đã thu hút sự chú ý những nhà sưu tầm cổ vật và sau đó là các nhà khảo cổ học. Công việc khảo cổ tại Sigiriya bắt đầu ở quy mô nhỏ vào những năm 1890. H.C.P. Bell là nhà khảo cổ học đầu tiên tiến hành nghiên cứu sâu rộng về Sigiriya. Dự án Tam giác văn hóa (The Cultural Triangle Project), do Chính phủ Sri Lanka khởi xướng, đã tập trung sự chú ý vào Sigiriya vào năm 1982. Công việc khảo cổ bắt đầu trên toàn thành phố lần đầu tiên cho dự án này. Có một cái đầu sư tử được điêu khắc trên đôi bàn chân có móng vuốt ở lối vào, nhưng cái đầu đã bị sụp đổ nhiều năm trước.

Lối vào cung điện Sigiriya. Ảnh: Ng Diệu Tâm

Sigiriya bao gồm một tòa thành cổ được xây dựng bởi vua Kashyapa trong thế kỷ thứ 5. Nơi đây vừa là cung điện vừa là pháo đài. Cung điện phía trên đỉnh của Lion Rock bao gồm các bể chứa nước khoét từ đá nằm trên phần bằng phẳng của đỉnh núi đá, gồm một sân thượng ở giữa bao gồm Cổng Sư tử và bức tường gương với những bức bích họa, những cung điện thấp hơn nằm phía sau những khu vườn xa hoa, những hào nước và thành lũy bảo vệ cổ thành.
Hiện nay Sigiriya vẫn còn một hang động với dấu tích một bức tranh bích họa nổi tiếng gây nhiều bàn cãi.
John Still (1880 - 1941) là một nhà khảo cổ học và tác giả người Anh, được biết đến với những phát hiện tại Sigiriya và cuốn sách "The Jungle Tide". Vào năm 1907 ông đã viết về Sigiriya như sau: "Toàn bộ khuôn mặt của ngọn đồi dường như là một bộ sưu tập hình ảnh khổng lồ ... có lẽ là bức tranh lớn nhất thế giới". Các bức tranh bao phủ hầu hết mặt phía tây của tảng đá một khu vực dài 140 mét và cao 40 mét. Có nhiều tài liệu tham khảo tranh graffiti cho những bức tranh này với khoảng 500 phụ nữ được vẽ trong đó . Tuy nhiên, hầu hết đã bị biến mất vĩnh viễn. Nhiều bức bích họa khác, khác với những bức tranh trên mặt đá, có thể được nhìn thấy ở nơi khác, ví dụ trên trần ở một vị trí trong "Hang rắn hổ mang".

Một phần của bức bích họa trong hang động Lion Rock. Nguồn: Internet
Mặc dù các bức bích họa được phân loại như trong thời Anuradhapura, nhưng phong cách hội họa ở đây được coi là độc nhất; đường nét và phong cách ứng dụng của các bức tranh khác với tranh Anuradhapura.
Danh tính thực sự của những người phụ nữ trong những bức tranh này vẫn chưa được xác nhận. Có nhiều ý tưởng khác nhau về danh tính của họ. Một số người tin rằng họ là những thê thiếp của nhà vua trong khi những người khác nghĩ rằng họ là những người đàn bà đang tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Và những bức ảnh này rất giống với những bức tranh được nhìn thấy trong hang động Ajanta ở Ấn Độ.

Trích dịch từ nguồn Wikipedia english.
Photos by Dieu Tam Nguyen
Sri Lanka 3-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét