Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

TIỂU THƯ

Buổi sáng cuối tuần, còn đang ngái ngủ, tôi nhận được tin nhắn của Rod, một trong những người khách hàng lâu năm: "Tôi vừa đến Việt Nam. Đây là số di động mới của tôi. Hãy liên lạc với tôi qua số này. Rất mong được gặp cô lúc 10 g sáng ở Highland Coffee, phía sau Opera House."
Vẫn như bao nhiêu lần trước mỗi khi Rod qua Việt Nam, thường là vài lần hoặc ít nhất cũng một lần mỗi năm, lần nào qua đến thành phố ông ta cũng liên lạc với tôi ngay lúc vừa đến nơi và hẹn đi ăn trưa. Là một khách hàng từ Canada lâu năm nhất của tôi, quen biết nhau đã lâu, làm ăn với nhau cũng đã lâu, nhưng lạ một điều là tôi cảm thấy mình luôn cảnh giác với ông ta. Khác rất nhiều với những khách hàng khác, Rod luôn có những thái độ đối xử bất nhất với những người có quan hệ với ông ta trong công việc, khi thì thân thiện, tốt bụng hòa nhã rộng rãi và không kém phần từ bi, khi thì lạnh lùng hiểm ác, keo kiệt bủn xỉn. Nhiều lần thấy ông mặc cả tiền xe với người tài xế taxi, hoặc buộc nhà hàng phải trả lại tiền thừa chưa đến 700 đồng, tôi cảm thấy xấu hổ. Ông luôn giải thích: Với tôi, mọi chuyện phải rõ ràng. Tôi không muốn bị ai lừa mình, dù chỉ một xu!
Tôi gặp ông khoảng 10 năm trước, lúc ông đến Việt Nam lần đầu tiên tìm nguồn hàng mua bán. Tôi cũng giới thiệu cho ông một số nhà cung cấp, trong đó có Tuân, chủ một nhà in. Ông rất quý Tuân. Khi nghe tin Tuân mất đột ngột vì tai nạn, ông đã khóc lúc đọc những dòng email tôi gửi báo tin. Lần qua Việt Nam vài tháng sau, ông rủ tôi đi thăm mộ Tuân, cách xa thành phố chừng 30 km. Ông đưa tay phủi những chiếc lá khô rơi trên mộ Tuân, rồi đứng lặng người rất lâu. Trên đường về ông nói với tôi: - Làm ơn tìm cho tôi một người săn sóc mộ Tuân. Tôi sẽ trả tiền để người ấy ngày nào cũng ra đây quét dọn cho mộ Tuân sạch sẽ và chăm sóc những bông hoa.
Ông thuê Hoàng, một người phiên dịch tiếng Anh để giúp ông trong công việc rồi cùng người này đi khắp miền Trung và Bắc tìm nguồn hàng, từ cà phê, trà, gỗ, sắt thép gì cũng làm. Hoàng kể: "Ông ta thật là siêng năng và dẻo dai, với thân hình đồ sộ hàng trăm ký lô thế kia, ông đi rất nhiều, hang cùng ngõ hẹp đều tìm đến, leo lên những ngọn đồi cao miền Bắc thoăn thoắt để mua trà, cà phê, tôi còn chạy theo không lại, chỉ sợ ông ấy to béo quá, có thể bị đứt mạch máu thì khổ!" 
Tôi đến Highland trễ khoảng nửa tiếng vì trên đường kẹt xe do mưa quá lớn. Rod ngồi bàn phía ngoài, gần hàng rào gỗ sơn màu trắng có những chậu hoa màu đỏ.
Tôi gọi một miếng bánh Tiramisu và một tách trà nóng. Vẫn như bao giờ, Rod nói hơi nhiều về chuyện gia đình, chuyện kinh doanh, chuyện thời sự quốc tế ... và tôi chỉ việc ngồi nghe. Quán cà phê càng lúc càng đông khách vì trời lại bắt đầu đổ mưa. Lại một cơn bão về.
- Cô còn nhớ con bé "Tiểu thư" chứ?
Đang im lặng nhìn ra ngoài trời đang mưa, tôi giật mình quay lại. 
- Có, tôi nhớ. 
- Tôi có hẹn với cô bé trưa nay. 
- Sao lần trước tôi nghe ông kể cô bé đã đi Mỹ rồi mà?
- Phải, cô bé ấy được một đôi vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi và bảo lãnh đi cách đây 8 năm.
- Thời gian qua nhanh thật! Vậy bây giờ vì sao "Tiểu thư" lại đang ở Sài Gòn?
- Trước đây, mùa hè nào nó cũng về Việt Nam mà không đi đâu nơi khác dù cha mẹ nuôi sẵn lòng cho nó đi holiday ở nhiều nơi. Khi vừa hoàn tất trung học, nó xin cha mẹ nuôi cho về Việt Nam học tiếp chương trình đại học. Họ đồng ý.
- Thật là lạ! Tại sao cô bé không học đại học bên Mỹ cho có tương lai hơn?
- Vấn đề là cô bé không thể rời xa gia đình. Nó là một đứa con gái tốt, rất thương yêu gia đình của mình.
Mưa càng lúc càng lớn, vì ngồi ngay ở phía ngoài nên mưa tạt vào phía bàn chúng tôi. Rod bảo tôi dời chỗ vào bên trong, nơi có cửa kín và không ai hút thuốc lá nhưng tôi vẫn thích ngồi bên ngoài. Những quán cà phê ngay trung tâm thành phố bây giờ thường có khoảng sân cho khách ngồi nhìn ngắm phố phường, người, xe qua lại vui mắt. Tôi nhìn ra đường, bên phải là khách sạn Caravelle, bên trái là khách sạn Park Hyatt, Continental và con đường chạy qua Nhà hát lớn thành phố là đường Catinat thời Pháp thuộc, mang tên đường Tự Do trước năm 1975 và bây giờ là Đồng Khởi. Vào thời kỳ nào thì con đường này cũng là một trong những con đường "vàng" của thành phố.
Vào thời khách du lịch đổ vào Việt Nam từ những năm 80, vì con đường này là một trong những trung tâm của những cửa tiệm, khách sạn, nhà hàng sang trọng nhất nên lúc nào du khách cũng đông. Du khách càng đông thì những dịch vụ mua bán càng nhiều, không chỉ trong tiệm mà còn tràn ngập đường phố. Một trong những dịch vụ mua bán đường phố này là đội ngũ trẻ em bán báo, sách tiếng nước ngoài, bưu thiếp, bán vé số v.v... cũng đông không kém. Để dễ tiếp cận khách nước ngoài, các em nói tiếng nước ngoài như gió, từ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hoa .., chỉ là những từ học lỏm đâu đó, nói riết rồi thành quen. Nhiều lần đi trên con đường này, tôi gặp những bé gái chừng 9, 10 tuổi, tay ôm cả chồng sách báo. Tôi hay xót lòng nên thường dừng lại mua chút ít gì đó để giúp đỡ. Hỏi về hoàn cảnh thì đa số kể: " Con đi bán hàng nuôi em con!" Hỏi cha mẹ đâu, cháu bảo "Cha mẹ con chết hết rồi!"... Có lúc thì là một bà cụ ngồi bên góc đường với chiếc nón lá rách để ngửa. Cho tiền, hỏi con cái cụ đâu. Bà trả lời: Tui có 3 đứa con trai. Vì con dâu bất nhơn quá không chịu nuôi nên thôi, ra đường kiếm ăn! Có lần một người khách đi cùng tôi nghe tôi kể đã xua tay: Không chắc đó đã là sự thật đâu!
"Tiểu thư" cũng ở trong đội quân trẻ em đường phố đó. Cũng hoàn cảnh tương tự như các em khác. Cha sớm say chiều xỉn, lại còn nghiện ma túy. Mẹ bệnh hoạn quanh năm suốt tháng, phần thiếu ăn nên người xanh xao vàng vọt. "Tiểu thư" là chị lớn của đàn em 3 đứa con trai cũng theo chị mạnh đứa nào bán thứ đó. Cuối ngày về các em nộp tiền cho cha. Cha quăng cho vợ con vài đồng lẻ, còn lại ông trút vào rượu và ma túy. 
Rod gặp "Tiểu thư" trên con đường đó. Còn tôi biết đến cô bé khi Rod viết E-mail nhờ tôi tìm hộ một trường tiểu học nội trú của các ma soeur, và Hoàng thay mặt ông làm người giám hộ cho con bé. Ông từng nói với tôi: "Đó là một đứa bé thông minh, tôi sẽ giúp đỡ cho nó học hành tử tế. Học chữ và học đàn piano".
Vài tháng sau gặp lại Hoàng, cậu ta nói: "Ông Rod nuôi con bé ấy chỉ uổng công! Nó trốn học hoài. Nó quen cuộc sống tự do ngoài đường phố rồi, là một đứa bé bụi đời, giờ ông ta bắt nó phải nhốt mình trong những bức tường và biến nó thành cô tiểu thư nhà giàu, học hành tử tế, đàn piano, làm sao mà được! Trời, "Tiểu thư đường phố"!
Cái tên "Tiểu thư" bắt đầu được chúng tôi gọi từ đó. Có gì đó thật chua xót khi tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi từng nói với Rod: Tôi thật lo là ông sẽ uổng công. Con bé như một cánh chim tự do, nay ông nhốt nó vào lồng son, rồi nó sẽ vỗ cánh bay đi thôi. Còn người cha như thế, chỉ suốt đời làm khổ gia đình. 
Nhưng Rod thì cho là nhà trường quản lý không tốt và Hoàng đã làm vai trò giám hộ không hết lòng. Ông nói với tôi: - Khổ cho Tiểu thư là nếu nó phải đi học như vậy thì ai là người kiếm tiền nuôi lão cha già nghiện ngập và bà mẹ bệnh hoạn cùng đám em nheo nhóc đó! Con bé mới 12 tuổi! Nhưng nếu tôi phải giúp cho gia đình nó để nó yên tâm học hành thì không thể được! Tôi không thể bỏ tiền ra để nuôi một tên nghiện!
Giờ đây tôi xúc động vì câu chuyện này. Tôi thấy ân hận vì mình đã có những lúc thoáng qua nghĩ không tốt về Rod, về suy nghĩ và hành động của "Tiểu thư". Tôi cứ tưởng ngày con bé được cha mẹ nuôi giàu có lãnh qua Mỹ, sẽ trở thành một cô tiểu thư thật sự, sẽ được học hành tử tế, rồi tuổi thơ cơ cực sẽ qua, rồi cô sẽ lập gia đình với một chàng trai nào đó, và cùng lắm cô sẽ về thăm gia đình lúc đã có công ăn việc làm ổn định, có tiền đủ để giúp đỡ gia đình. Nhưng không, một cô gái 20 tuổi, rời nước Mỹ và cuộc sống giàu sang của một tiểu thư thật sự để trở về nhà chỉ vì cái gia đình tội nghiệp của mình vẫn còn sống trong cảnh lang thang đầu đường xó chợ. Khi thấy cha mình đêm đêm ngủ ở gầm cầu, nay ở chợ Ông Lãnh, mai chợ Cầu Muối, những con đường Sài Gòn ngày nay càng phát triển thì cầu càng nhiều. Còn mẹ cô từng tha đứa em út ra miền Bắc kiếm ăn, 2 đứa em trai nhỏ còn lại thì đi nhặt ve chai, đói khát là chuyện thường ngày. Bên kia bờ đại dương, "Tiểu thư" ứa nước mắt hàng đêm, tâm nguyện của cô bé là sẽ có một ngày về Việt Nam gom gia đình lại thành một. Chỉ sợ nếu để muộn màng thì không bao giờ cô còn có thể gặp lại gia đình mình nữa. Và vì thế, con chim nhỏ tự do lại thêm một lần nữa, bay ra khỏi chiếc lồng son.
Rod nhìn đồng hồ chỉ 12 g trưa. Ông nhấn phím từ chiếc Black Berry nhắn tin. Rồi đưa điện thoại cho tôi đọc những dòng “Tiểu thư” viết trả lời: "Dad, ở chỗ con trời đang mưa lớn".  – "Cô bé đang ở đâu"? Tôi hỏi. Rod trả lời: – "Tôi không biết. Nhưng tôi bảo con hãy đi bằng taxi đến đây. Ta sẽ trả tiền xe". Tôi nhìn Rod lúc đó đang chăm chú vào điện thoại nhưng toát lên một vẻ thật trìu mến. Khuôn mặt với bộ râu quai nón rậm rạp lùm xùm và cặp kính tròn trễ xuống mũi trông ông giống như ông già Nô-en. Ông có vẻ hạnh phúc vì chữ DAD. Tôi lại nhớ có lần ông kể cho tôi nghe chuyện đời ông 40 năm về trước: “Lúc đó vợ chồng tôi rất nghèo, tôi phải may nệm ghế sa lông bằng tay. Nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Và rồi hạnh phúc đã không còn khi vợ tôi mất vì bệnh ung thư. Một thời gian dài tôi sống trong đau khổ vì mất mát quá lớn. 20 năm sau tôi gặp Christy. Bà ấy có 2 con gái riêng. Người chồng quá ích kỷ và tàn nhẫn nên bà ly dị. Khi tôi đến với bà ấy, tôi đã xem 2 đứa con gái của bà như con của mình. Tôi không có con. Và tôi thèm được làm cha".
- Bây giờ “Tiểu thư” làm gì?
- Con bé đi học đại học, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường Đại học Quốc tế ở Sài Gòn.
- Tiền đâu để đóng học phí? Trời đất, đắt lắm ông à! Tôi kêu lên.
- Cha mẹ nuôi cho tiền học. Buổi tối nó đi làm thêm kiếm tiền lo cho gia đình. Nó thuê một căn hộ chung cư nhỏ, gom cha mẹ và các em lại. Một đứa con gái mới 20 tuổi đầu mà lo cho cả gia đình như vậy thật là một gánh nặng quá sức. Nó là một thiên thần!
Khoảng vài giây sau, Rod ngoắc gọi tính tiền rồi đứng dậy:
- Thôi tôi phải đi đây. Tôi sẽ gặp Tiểu Thư ở bên kia đường.
Tôi cũng đứng dậy: - Cảm ơn ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện này. Tôi thật sự rất cảm động!
Mưa nhỏ hạt dần nhưng khi bước ra đường vẫn bị ướt. Tôi mượn ở quán cà phê cây dù để đưa Rod đi qua đường rồi ông đi dọc theo con phố dưới những mái che. Tôi định nói với ông cho tôi gặp cô bé xem bây giờ con bé ra sao, nhưng rồi lại thôi. Cũng hơn 8 năm rồi tôi không gặp từ buổi tiệc bên hồ trong ngôi biệt thự Rod thuê ở khu Thảo Điền, Thủ Đức. Đêm hôm đó nhân dịp mẹ và Christy, vợ ông qua Việt Nam dịp Giáng sinh, Rod đã tổ chức party và mời nhiều bạn bè đến, có cả người nước ngoài và Việt Nam. Ông còn nói với tôi: Có lẽ chưa bao giờ mẹ con nhà "Tiểu thư" được tham dự buổi tiệc như thế này. Tôi muốn họ được biết đến tiệc Giáng sinh ít nhất là một lần trong đời. Lúc đó con bé chừng 12 tuổi, gầy nhom, nhỏ xíu, tôi chỉ còn nhớ mang máng nó có đôi mắt linh hoạt, ngồi cùng người mẹ gầy gò và 3 đứa em trai nhỏ khá quậy phá đêm hôm đó.
Khi quay trở về quán cà phê, trời vẫn còn mưa. Tôi đứng chờ cho mưa tạnh hẳn. Những bông hoa màu đỏ bên hàng rào gỗ sơn trắng trở nên tươi tắn hơn trong mưa. Tôi nghĩ đến cô bé Tiểu Thư, cuộc đời còn dài lắm. Em chỉ mới 20 tuổi. Rồi em sẽ làm gì, sẽ là ai trong ngày mai? Em sẽ tiếp tục sống ở đất nước này để đùm bọc cho gia đình em suốt đời hay khi họ tự ổn định cuộc sống được rồi em sẽ ra đi? Tôi có hỏi Rod câu này nhưng ông cũng lắc đầu: - Tôi không biết rồi cha mẹ con bé có khác hơn không chứ bây giờ họ vẫn sống hoàn toàn dựa vào nó. Nó tạo cho mẹ một tủ nhỏ bán thuốc lá trong khu chung cư nhưng hình như bà ta cũng chẳng làm được gì. Còn người cha, thật vô phương! Tôi cũng không biết phải khuyên nó như thế nào khi đã khuyên nó cách tốt nhất có thể, nhưng con bé vẫn lặng thinh làm theo ý mình. Chỉ mong rồi đây cuộc đời con bé sẽ sáng sủa hơn và gia đình nó hiểu được đứa con gái bé bỏng này đã thương yêu họ và hy sinh như thế nào.
Tôi vẫn chưa gặp lại Tiểu Thư, nhưng tôi đã hình dung ra em, một thiên thần có đôi cánh bé nhỏ.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi...


Tháng 10, 2013
NGUYỄN DIỆU TÂM

Tranh của họa sĩ Ou Chujian CN


9 nhận xét:

  1. Tam Nguyen: Trang Sao, Ynhi Ha Nguyen, chị Chieu Uyen Vu, Doan Dieulam, Nguyen Duyen, Thanh Doan: Tam Nguyen nộp bài chủ đề Tự do ở đây nè, khỏi làm thơ nghen!

    Doan Dieulam Chi Tam Nguyen oi. Bai viet nhu mot bong hoa den voi em trong buoi sang hom nay. Cuoc doi that dep. Cau chuyen nhu mot bai tho. Chuyen that phai khong chi ?
    24 minutes ago · Like
    Tam Nguyen Chuyện thật 100% em ạ. Chị chỉ thêm chút xíu cho ra vẻ truyện ngắn thôi! Mới xảy ra hôm qua, khi chị có một lúc 2 cuộc hẹn ở quán cafe cùng trong 1 buổi sáng: 8 g ở cafe Du Miên - Phú Nhuận, 10 g ở Highland - Q 1 với người tên Rod ( nhân vật đã được đổi tên ) . Ra về trong cơn mưa, chị nghĩ phải viết ngay, không thì cơn hứng và xúc cảm qua đi. Cảm ơn em đã đọc!

    Tam Nguyen: Cảm ơn anh Khổng Xuân Hiền và Than Vo Dan đã "like"!

    Trang Sao: Một truyện ngắn tuyệt vời! "Tiểu Thư" làm người đọc phải suy nghĩ. Tự do là được tự do đi theo sự dẫn dắt cuả trái tim!

    Tam Nguyen: Cảm ơn chủ tiệm Trang Sao! "Tiểu Thư" là tên Tâm đặt cho cô bé khi viết truyện thôi đó nghe Sa!

    Trang Sao: Vậy đây là một câu chuyện có thật.

    Tam Nguyen: Thật 100% đó Sa! Và Tâm cũng đã viết rất thật!

    Tam Nguyen: cảm hứng mới xảy ra hôm qua thôi. Nhưng để có câu chuyện này phải mất đến ... 8 năm

    Trang Sao: Nếu thế thì, cô bé là một con người Tự Do, đúng theo nghiã cuả Tự Do.

    Tam Nguyen: Điều đó làm cho Tâm khá ân hận, khi đã không thể ngờ cô bé hành động như thế Sa à!

    Trang Sao: "Làm sao biết từng nỗi đời riêng..." (TCS)

    Tam Nguyen: Có những người chối bỏ gia đình của mình vì xấu hổ, xấu hổ vì nghèo khổ, vì hoàn cảnh tồi tệ như gia đình cô bé này. Không thể ngờ một cô bé như thế mà có một nghị lực phi thường! Nên Tâm đã viết trong tâm trạng rất xúc động. Chúng ta có lỗi trong việc mất niềm tin về một con người.

    Trang Sao: Khi còn sống, ông Bùi Giáng ăn mặc lếch thếch, lang thang đầu đường xó chợ muá may quay cuồng, có người mắng ông điên, có người thấy tội nghiệp, nhưng ông ấy đã sống một cách Tự Do nhất có thể!


    Trả lờiXóa
  2. Ngoai trời mưa vẫn rơi nhưng rồi mưa sẽ tạnh...
    Chỉ sợ bão không ngừng thổi trong lòng Tiểu Thư thôi chị ạ.
    Cám ơn chị đã cho đọc một bài ký thật lôi cuốn như bao bài ký khác của chị...Vui và hạnh phúc chị nhé

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Phuvang Huynh đã đọc! Viết xong câu chuyện này chị cũng ... buồn và cảm thấy có lỗi ...
    Bức hình avatar 2 người đi quay lưng đẹp lắm! Chúc "cặp đôi hoàn hảo" luôn hạnh phúc nha!

    Trả lờiXóa
  4. www.nthqn.org

    # RE: Tiểu Thư — Bạn đọc 04-10-2013 13:28
    Biết chị viết đã lâu ở đây, nay lần đầu tiên đọc một truyện ngắn của chị; ngạc nhiên vì sự gòn gàng, mạnh mẽ và cao đẹp.
    Cảm ơn chị Tâm.
    Bạn đọc

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 04-10-2013 23:38
    Cảm ơn bạn đã đọc.
    Thân mến, NDT

    Bạn Già Sài Gòn
    # Chào Diệu Tâm; — Bạn Già Sài Gòn 05-10-2013 01:22
    Một bài ký hay. Một góc nhìn nhân bản. Và một DT viết càng ngày càng...lên tay :-)
    Cảm ơn bạn

    Nguyễn Diệu Tâm
    # Mến gửi anh Bạn Già SG — Nguyễn Diệu Tâm 05-10-2013 07:55
    Cảm ơn anh đã đọc và có lời nhận xét.
    Đó là nhờ buổi sáng được "tiếp lửa" bởi 2 anh Hải, Ngọc Dao & Ngô Thanh Vân ở Du Miên, sau đó mới đến nhân vật Rod ở Highland :D

    CaoNgọcBông
    # # RE: Tiểu Thư — CaoNgọcBông 05-10-2013 06:27
    Người Mỹ ngày nay đã đánh gía cao về tình nghĩa và sự hy sinh đùm bọc lẫn nhau của người Việt như DTâm nêu lên đây :P

    Huỳnh Minh Lệ
    # RE: Tiểu Thư — Huỳnh Minh Lệ 05-10-2013 09:08
    Bài viết hay. Đồng ý với BGSG :-) . Cảm ơn DT.

    Nguyễn Diệu Tâm
    # Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 05-10-2013 09:31
    Cảm ơn anh Lệ đã đồng ý với ... BGSG ;-)
    Từ một câu chuyện có thật, DT đã viết rất thật. Cảm xúc thôi thúc mình phải viết đến chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, mới hôm kia đây thôi, nhưng nhân vật Rod và "Tiểu Thư" đã mất đến ... 8 năm để DT có được một cốt truyện để kể. Có lẽ vì có thật mà DT đã viết trong một tâm trạng xúc động và có phần ray rứt ân hận. Đôi khi chúng ta có lỗi trong việc thiếu niềm tin về một con người.

    Trả lờiXóa
  5. # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Trác Hiếu 05-10-2013 10:59
    Cảm ơn Diệu Tâm cho đọc một mẫu truyện hay.

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 05-10-2013 14:23
    Anh Hiếu mến, em kể chuyện đó mà! Cảm ơn anh đã đọc.

    Ngô Đình Hải
    # RE: Tiểu Thư — Ngô Đình Hải 05-10-2013 13:59
    Một bài viết đáng để đọc. Có lẽ là do tính thật của câu chuyện và người kể. Cảm ơn Diệu Tâm

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 05-10-2013 14:35
    Cảm ơn anh Hải. Có lẽ bây giờ DT hiểu vì sao các anh hay gặp nhau mỗi sáng ở 64! :-)

    Ngô Thanh Vân
    # RE: Tiểu Thư — Ngô Thanh Vân 05-10-2013 15:19
    Chị DT mến,
    V ngờ rằng chính Rod mới là nhân vật chính. V rất thích đoạn mô tả Rod với những cách xử sự bất nhất đã khiến chị, một đối tác làm ăn phải "cảnh giác", nhất là câu giải thích này: " Với tôi, mọi chuyện phải rõ ràng. Tôi không thích bị lừa, dù chỉ một xu!". Một cái đầu kinh doanh lạnh ngắt, nhưng tấm lòng của ông đối với Tuân, Christy và hai đứa con của bà, đặc biệt là đối với cô bé "đường phố" thật là mênh mông!
    Cảm ơn chị đã kể, một câu chuyện đầy ắp tình người với những tình tiết đan xen mạch lạc làm say sưa người đọc.

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 05-10-2013 16:18
    Vân ơi, rất hay là Vân đã đoán ra được gần gần ... "ý đồ" của chị! Cũng dễ hiểu thôi, khi chị viết "làm ăn với nhau đã lâu", có nghĩa là chị hiểu Rod nhiều hơn "Tiểu Thư" chứ. Thế nhưng, dường như cả hai nhân vật đều gây cho chị sự bất ngờ, nên chị cảm thấy ray rức - "Đôi khi chúng ta có lỗi trong việc thiếu niềm tin về một con người"... như trong câu chị viết trả lời anh HML trên đây.
    Cảm ơn Vân đã đọc và bàn rất thú vị. Chúc Vân và anh xã ngày cuối tuần vui vẻ ở Biên Hòa.

    Trả lờiXóa
  6. # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Kim Tiến 05-10-2013 16:10
    Bài viết hay quá chị Tâm ơi. Những cái thật luôn dễ đi vào lòng người theo một trình tự rất tự nhiên và nhất là nó phát xuất từ một tấm lòng yêu mến tha nhân.
    Một chút chia sẻ với chị nơi đây về ông Rod và cái nhìn của chị về ông, chị nhé!
    Thường chúng ta hay đánh giá con người chỉ qua một góc nhìn thấy của chúng ta nên thường hay khiếm khuyết là vậy, mà để nhìn thấy toàn bộ của một con người thì cần nhìn thấy nhiều góc độ và qua thời gian, nhưng mấy ai có đủ thì giờ và kiên nhẫn, nên điều này luôn xảy ra chị ạ. Vậy thì làm sao để mà mình không có cái nhìn như vậy, thật khó quá phải không? Tiến, có khi, cũng hay tự trách mình lắm!
    Nếu chị gặp Tiến chị cũng sẽ nhìn thấy Tiến bủn xỉn như ông Rod vậy! Đó là hôm Tiến về đưa ba Tiến đi khám bệnh, mua thuốc xong, chờ hoài không thấy cô thu ngân thối lại tiền và cô chẳng nói gì cả, và Tiến cứ đứng chờ, cuối cùng Tiến hỏi cô "sao mình không thấy tiền thối lại" cô mở hai con mắt thật to nhìn mình như nhìn một người từ hành tinh nào rớt xuống "có vài chục ngàn mà, không có tiền lẽ để thối" Tiến giận lắm và bảo cô "làm ơn tìm tiền lẽ thối lại cho tôi, vì đó là tiền của tôi dù chỉ là vài chục ngàn"....có thể một xu không đáng là bao nhưng điều này cho chúng ta thấy rằng cái giá trị của một xu hay vài đồng, vài ngàn không khác nhau nếu nói về giá trị của lòng tự trọng. Có lẽ ông Rod quen với ở đây, một xu người ta cũng phải thối lại cho mình. Trong thời gain ở laị VN, Tiến cũng bắt gặp thêm vài lần như thế nhưng Tiến tin rằng đó chỉ là những cá biệt trong xã hội mình chứ không phải là tất cả.
    Như khi Tiến đi xe xích lô hay xe thồ, Tiến cũng muốn họ lấy đúng giá, và sau đó Tiến có thể biếu họ còn gấp nhiều lần hơn như thế, nhưng cái cảm giác bị "lừa" nó làm Tiến vô cùng khó chịu, bởi Tiến cảm thấy cái giá trị đạo đức, lòng tự trọng đang đi xuống và Tiến cảm thấy như chính mình bị tổn thương.
    Và cái mà Tiến muốn chia sẻ với chị thêm nữa là cái cánh tay của những người như ông Rod vươn dài ra xa lắm...cái vòng tròn của họ rất rộng lớn ra khỏi vòng tròn gia đình cật ruột hay bạn bè thân thích....Một cánh tay rất dài mà mới thoạt nhìn chúng ta không thấy được bởi nó vượt ra khỏi tầm nhìn của chúng ta.
    Chị Tâm ơi, một bài viết thật quí để chúng ta hiểu thêm về tính nhân văn! Hy vọng là những gì Tiến chia sẻ với chị nơi đây không làm chị và các bạn phiền lòng chứ hả. Thân mến. KT

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 06-10-2013 05:27
    Tiến thân mến, chị cảm ơn và đồng ý với những gì Tiến chia xẻ ở đây. Cũng như Tiến, chị cảm thấy thầm "coi thường" những người không thối lại tiền cho người khác, dù vì lý do nào đó. Tùy trường hợp, chị thường biếu luôn người đã trả tiền lẻ cho mình. Tiền thừa không bao nhiêu, nhưng khi thấy người ấy nở một nụ cười cảm ơn, chị thấy vui!
    Còn chi tiết 700 đồng trong truyện, là hiện nay ở Việt Nam tiền nhỏ nhất chỉ còn tiền 1.000 đồng. Còn 200 và 500 đồng cắc, 200 thì không xài nữa và 500 khi mình trả cho ai đó 2 tờ 500 thay vì 1.000 đ, nhiều nơi không chịu lấy. Khi chị giải thích có lẽ nhà hàng không có 700 đ, ông Rod cau mày: "Vậy thì tại sao họ không đưa cho tôi 1.000 đồng? Tôi rất ghét khi vào siêu thị mà người ta không trả tiền lẻ dù là 200 đồng. Nếu lấy 200 đồng nhân cho hàng ngàn người vào siêu thị trong một ngày, họ sẽ lời biết bao nhiêu!"
    Chị chỉ nói rõ hơn điểm này: Khi chị cho rằng ông ta có lúc thấy "keo kiệt bủn xỉn", đó không phải chỉ là chuyện đòi tiền thừa, mà còn nhiều chuyện khác nữa không tiện kể ra. Sau hơn 10 năm lui tới VN làm ăn, thì số nhà cung cấp còn lại cho ông đang bớt dần, vì sao chị cũng không biết, hay bởi vì người VN ... chưa quen? :-?

    Trả lờiXóa
  7. # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Kim Tiến 06-10-2013 13:30
    Chị Tâm ơi, chút chia sẻ với chị về những điều mình bắt gặp trên cuộc hành trình của đời người để mình hiểu nhau và gần nhau hơn chứ bên cạnh những điều nghe thấy, đằng sau đó là cả một chuỗi những sự kiện và tuỳ theo trường hợp, tùy theo cái nhìn và tuỳ theo nơi mình lớn lên và sống với. Nhân vật "Rod" trong bài viết chỉ là một cái cớ để chúng ta thao thức về những điều xảy ra chung quanh chúng ta. Rất cảm ơn chị đã cảm thông với những suy tư của Tiến và nhất là một tấm lòng lúc nào cũng sâu sắc bao la để viết nên những bài viết rất nhân văn, và điều này làm chúng ta xích lại gần nhau hơn trong tình thân ái. KT

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 06-10-2013 14:47
    Chị rất thích những chia xẻ của Tiến, Tiến ơi! Đúng như Tiến nói, nhân vật Rod chỉ là cái cớ để chị nói lên những thao thức về con người và cuộc đời. Vì sao có những thái cực mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành xử của một con người? Tất cả đều có lý do của nó. Trong câu chuyện chị muốn kể, một cô bé "đường phố" đã có thể làm cho con người đầy tính toán như Rod phải ngã mũ khâm phục. Chị từng nghe ông nhắc đến cô bé nhiều lần, nhưng quả thật lần này quyết định và sự cương quyết phải thực hiện theo mơ ước có một mái nhà êm ấm cho gia đình của Tiểu Thư đã làm ông tăng thêm sự khâm phục và kính trọng về "người Việt Nam nhỏ bé"!

    Nguyen thi Hung
    # RE: Tiểu Thư — Nguyen thi Hung 05-10-2013 21:49
    Bai chi viet hay qua di. Chuc chi nhieu suc khoe va viet cung that khoe nha chi.

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 06-10-2013 05:29
    Cảm ơn bạn đã đọc. Mình chúc bạn luôn có một cuộc sống vui vẻ. Thân mến, NDT

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 06-10-2013 05:48
    Anh Hiếu thân mến, 10% thì nhiều quá anh! Ông Thọ đòi là phải rồi! :sad:
    Qua đây, em cũng thấy có nhiều chuyện mà người VN mình xem là bình thường thì người phương Tây rất coi trọng, và đó là một cái hay. Thí dụ: chuyện "cảm ơn". 20 năm trước khi em lần đầu tiên qua Úc du lịch, ông anh em có nói: "Anh thấy ở VN người ta không có thói quen cảm ơn". Em giật mình. Trong bàn ăn, anh ấy dọn cơm cho cả nhà, vợ và 4 con của anh đều nói "Thank you" khi nhận dĩa cơm, kể cả đám trẻ sinh ba mới 5 tuổi. Rồi anh đặt cạnh phần của mỗi người một chén sauce, một chén canh, mọi người cũng cảm ơn... Em thì chưa quen nên thấy hơi ... mỏi miệng vì trong suốt bữa ăn phải chia xẻ qua lại nhiều thứ nào trái cây, rau, nước v.v... mà nói cảm ơn liên tục thì mệt quá! Nhưng phải nói là sau 6 tháng "thực tập" chuyện cảm ơn ở Úc, về lại VN em trở nên "lịch sự" hơn rất nhiều, ai đưa cho em thứ gì dù nhỏ nhất em cũng nói "Cảm ơn". Và em bắt đầu thấy người khác "bất lịch sự" khi không nói ra được câu đó! ;-)
    Kỳ vừa rồi có một người khách Tây mời em và vài đồng nghiệp của em đi ăn tối. Bữa ăn ngon và mọi người đều vui, nhưng em không biết là đã có ai cảm ơn ông ta không. Em thì quen rồi, nên có nói "Cảm ơn vì bữa ăn tối". Ông ta hơi xịu mặt xuống "Họ không cảm ơn tôi!" Em đã phải giải thích thế này "Tôi thay mặt mọi người cảm ơn ông. Hãy thông cảm vì người VN quen cảm ơn ... thầm trong lòng ông à!" Không biết ông ta có tin được không? :D

    Nguyễn Trác Hiếu
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Trác Hiếu 06-10-2013 01:52
    Đồng ý với Kim Tiến. Người phương Tây thường không coi sòng phẳng là bủn xỉn. DT nhớ anh kể chuyện ông Thọ không? Ông có gia tài 300 triệu đô la Mỹ nhưng đi nhà hang nhân viên thu ngân không trừ cho ông 10% giá mua theo luật khuyến mãi thì ông sẽ hỏi hay nhắc họ làm việc đó. Ông lý luận rang nhân viên nầy không theo luật giảm giá cho ông thì sẽ quen thói không giảm giá cho người nghèo và già theo luật. Chúng ta cũng nên bắt đầu học tánh thực tế của của người Mỹ.

    Trả lờiXóa
  8. Phạm Ngọc Dao
    # RE: Tiểu Thư — Phạm Ngọc Dao 06-10-2013 08:01
    Chi Tâm mến
    Dao không hoàn toàn đồng ý với câu trả lời cuà chị (trả lời anh BGSG) là nhờ bạn bè tiếp lửa mà chính những gì ray rức trong một thời gian dài đã tạo cảm xúc để chị "kể" một câu chuyện hay và nhân bản như thế. Cảm ơn "người kể chuyện"
    Nhưng Dao hoàn toan đồng ý với các anh chị về chuyện "tiền thối", sòng phẳng đối với Dao là một đức tính nói chung trong mọi lãnh vực của cuộc sống, còn chuyện "thối tiền" là một thói quen và tùy vào cá thể, Dao cũng không thích bi áp đặt mà thích tự nguyện trong chuyện gởi tiền "tip" này. Tuy nhiên, Rod sống ở Canada và đã tiếp xúc với thị trường Vn lâu năm mà ông quá ư là "lạc hậu" và "bủn xỉn" trong chuyện đòi tiền thối ở mức 700 đồng ở nhà hàng mà ông đã không phải trả 15% tiền "tip" như tất cả các nhà hàng ở Canada :-) Đây nhe, ở Canada (Dao chỉ nói Canada thôi nhe) không có vụ thối đồng penny (1 cent) nữa, nếu mình mua một món gì đó giá 1 đồng 13 cents, đưa 2 đồng thì chỉ được thối 80 cents thôi, vì đồng penny quá nhỏ không tiện lưu hành và quá đắt khi chế tạo. Đây là một chuyện xảy ra rất thường đối với người dân Canada, nhỏ nhất là khi mua món đồ 1 đồng, khi tính tiền sẽ cộng thêm 13% thuế, nghiễm nhiên khách hàng trả 1đồng2, dư 7 cents tương đương 1400 vnd. Chính phủ đã có thông báo về chuyện hạn chế xử dụng đồng penny như vậy. Dao ngạc nhiên sao Rod không có một chút liên kết nào trong ý nghĩ của ông giữa hai thị trường khi đòi thối 700. Nhưng cũng có thể ý nghĩ của ông ở trong một trạng thái mặc định không muốn mình bị overcharged dù chỉ vài cents ở thị trường VN? Còn "có vài chục ngàn mà, không có tiền lẻ để thối" như cô bán thuốc cho chi Tiến là bậy quá đi chứ.
    Dao về thăm nhà trước kia hay đi "xe ôm" mà xe ôm thì làm gì có đồng hồ để tính tiền chính xác, nên tiền xe luôn luôn rất chẵn và xê xích tùy theo các bác tài xế. Sau này ngại mang theo cái helmet nên đi taxi và trả tiên theo đồng hồ, chắc vì giá taxi tính theo tiền ngàn nên chưa gặp rắc rối về vụ tiền thối và thấy dịch vụ taxi ở Sg khá tốt. Tuy nhiên khi đi đến những nơi mình chưa biết thì hỏi người nhà lộ trình trước cho yên tâm nhưng nếu lỡ có bị chở đi vòng vòng thì mình cũng chịu chết thôi :-)

    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 06-10-2013 15:20
    Dao mến, Dao nhận xét về nhân vật Rod "bủn xỉn" thì cũng giống như chị nghĩ. Và chị cũng cho rằng ông ta luôn không muốn bị overcharged. Ngay cả chị bán hàng cho ông cũng rất khó, trong số khách hàng ông là người chị "ngán" nhất! Nhưng qua chuyện "Tiểu Thư", chị bỗng thấy ông giống ... ông già Nô-en nên cũng muốn xem trong cái túi sau lưng của ông còn đựng ... chuyện gì nữa để chị kể tiếp cho các bạn nghe nữa đây! :-)

    Phạm Ngọc Dao
    # RE: Tiểu Thư — Phạm Ngọc Dao 06-10-2013 22:27
    Chi Diệu Tâm ơi, trái tim của Rod nhân hậu và đẹp trong những tự nguyện của ông, Dao tìm thấy Rod qua những người bạn gốc Do Thái cực kỳ thông minh của Dao ở đây. Mong được đọc thêm nhiều đìều trong cái túi trên vai của Rod qua ngòi bút của chị

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 07-10-2013 04:11
    Dao mến, thật ra từ lâu chị đã lục lọi được trong cái túi của ông Rod nhiều mẩu chuyện, có ngắn có dài, do ông ta để hở ;-) còn lại phần đáy túi, người Do Thái khôn ngoan quá nên chị chưa ... lấy được. Câu chuyện về ông Rod vẫn còn dài! 8)

    Trả lờiXóa
  9. # RE: Tiểu Thư — Nguyễn Diệu Tâm 11-10-2013 09:00
    Ngọc Bông thân mến, hôm nay mình mới đọc được comt của bạn! Cảm ơn Bông cho mình biết điều này. Có lẽ vì thế mà cha mẹ nuôi người Mỹ của cô bé chấp nhận và tạo điều kiện cho cô bé trở về VN học và đùm bọc cho gia đình. Mình cũng tin rằng tương lai cô bé sẽ tươi sáng khi cô bé có hậu thuẫn là cha mẹ nuôi. Với nghị lực đó, tấm lòng nhân hậu và tình yêu dành cho gia đình như thế, cô bé sẽ thừa sức chống đỡ với những rủi ro, cạm bẫy của cuộc đời để luôn sống tốt.

    Trả lờiXóa