Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

CÂY KEO



Có những loại cây gắn liền với tuổi thơ tôi ở miền Trung.
Ngày bé ở Phan Rang là những cây bàng trong công viên trước nhà. Khi ra Huế, vườn nhà trồng toàn Đỗ mai, trước mặt hàng xóm có những cây trứng cá sai trái và con đường hai bên là cây sầu đông. Lớn hơn, vào Qui Nhơn sống bên những cây khuynh diệp hoa vàng, phía sau nhà có một cây keo to lắm, tàng lá rộng xoè cho bóng mát cả sân vườn nơi đám con trai thường chơi bắn bi. Lá keo nhỏ, xanh um và trái đẹp như trong bức ảnh ngẫu nhiên được nhìn thấy sáng nay. Càng ngắm nhìn bức ảnh tôi càng cảm thấy như mình ngửi được cả mùi thơm của chùm keo. Hơi hăng hắc, nhưng rất tươi mát. Trái keo chín nở bung ra có màu trắng như bông ửng xanh và hồng thật êm dịu, cắn một miếng nghe chan chát nhưng bùi bùi, nay kéo theo về nhiều ký ức tuổi thơ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi. 
 Bạn bảo ai biết cây này hẳn có một "tuổi thơ dữ dội"? Với tôi thì "tuổi thơ êm đềm" nhiều hơn, đến lớn mới "dữ dội". Ngày ấy chơi dưới bóng mát cây keo thích lắm. Mùa mưa lá xanh um và cây thường tỏa một mùi thơm thơm dễ chịu. Trái keo, hình như ăn cũng vui vui, trẻ con thường thế, trái gì là lạ không bán ngoài chợ, không thuộc dòng "chính quy" vẫn muốn ăn thử. Suốt thời trung học tôi sống bên cây keo. Và hình như, một trong những "hẹn hò" đầu tiên cũng bên cây keo. Tất nhiên khi ấy tôi lớn rồi. Đi học về anh thường lặng lẽ theo sau không nói lời nào suốt ... hai năm. Mùa hè đỏ lửa, theo gia đình "chạy" vào Nha Trang ở tạm trong một ngôi nhà kiểu Pháp có khu vườn lớn trồng nhiều loại cây và hoa kiểng rất đẹp, nhưng tôi thích nhất là bụi hoàng anh trước cổng, vì nó làm cho ngôi nhà thêm thơ mộng, tôi hay gọi đó là "ngôi nhà có hoa vàng trước ngõ". Một đêm lang thang trong vườn hoa, tôi ra cổng đứng dưới giàn hoàng anh. Và nhìn thấy anh từ bên kia đường đi đến, thật tự nhiên còn tôi thì trố mắt ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xảy ra, giống như con người đang từ đâu đi tới đó như vừa bước ra từ trong một giấc mơ vậy. Đó là lần đầu tiên anh dám mở miệng làm quen. Sau đó thì cả hai bắt đầu tập viết thư ... tình. Khi mùa hè đã qua, trở về lại Qui Nhơn, ít gặp nhau hơn vì sợ ba má rầy không lo học. Anh cũng không dám đến nhà. Ngày ấy IPhone IPad không có, đành chịu thua, ngồi mà chờ những lá thư xanh từ bác đưa thư chăm chỉ của bưu điện.
Một hôm có "mật vụ" bé con đến kề tai thì thầm: "Chị ra nhà sau, nơi có cửa sổ sát bên cây keo. Có một anh đang chờ"... Tim đập liên hồi vì hồi hộp, vì sợ, vì ... cái gì không biết nữa! Nhưng tôi phải làm theo lời "mật vụ". Mở cửa sổ nơi ngó ra cây keo, anh đã đứng đó, cười thật dễ thương với chùm trái keo trên tay...

* Nguyễn Diệu Tâm 
Cuối tháng 6 - 2016

5 nhận xét:

  1. Tìm trong wikipedia thì chi Keo có rất nhiều loại, có loại keo dậu, keo lá tràm, keo "tương tư" v.v... không biết cây keo của tuổi thơ mình là loại nào các bạn ơi.
    Thôi thì cứ dẫn ra, phải chi nhà có trồng cây keo bây giờ thì còn so sánh, chứ cây keo thấy từ thời con gái làm sao mà nhớ nổi từng chi tiết :-)
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Keo
    Chi Keo (danh pháp khoa học: Acacia) là một chi của một số loài cây thân bụi và thân gỗ có nguồn gốc tại đại lục cổ Gondwana, thuộc về phân họ Trinh nữ (Mimosoideae) thuộc họ Đậu (Fabaceae), lần đầu tiên được Linnaeus miêu tả năm 1773 tại châu Phi. Hiện nay, người ta biết khoảng 1.300 loài cây keo trên toàn thế giới, trong đó khoảng 950 loài có nguồn gốc ở Australia, và phần còn lại phổ biến trong các khu vực khô của vùng nhiệt đới và ôn đới ấm ở cả hai bán cầu, bao gồm châu Phi, miền nam châu Á, châu Mỹ. Tuy nhiên, chi Acacia dường như là không đơn ngành. Phát hiện này đã dẫn tới sự chia tách Acacia thành 5 chi mới, xem thêm bài Danh sách các loài cây keo.
    Loài sinh trưởng xa nhất về phía bắc của chi này là Acacia greggii (keo vuốt mèo), đạt tới 37°10' vĩ bắc ở miền nam Utah, Hoa Kỳ; loài sinh trưởng xa nhất về phía nam là Acacia dealbata (keo bạc), Acacia longifolia (keo bờ biển hay keo vàng Sydney), Acacia mearnsii (keo đen) và Acacia melanoxylon (keo gỗ đen), đạt tới 43°30' vĩ nam ở Tasmania, Australia, trong khi Acacia caven đạt tới vĩ độ tương tự như thế về phía nam, tại khu vực đông bắc tỉnh Chubut, Argentina. Trong tiếng Anh, các loài ở Australia gọi chung là wattle (cây keo Úc), còn các loài châu Phi và châu Mỹ gọi chung là acacia (cây keo)....

    Trả lờiXóa
  2. Nguyen BN: Minh biet trai keo. Hoi tieu hoc thinh thoang van mua o mot ba gia ban hang rong rat de thuong. Trai keo co vi hoi ngot, chua chin thi hoi chat. Hoi nho thuong ba Tu hang rong nen mua qua giup ba, nho vay ma moi nho trai nay.

    Nguyen BN: Buon cuoi ghe, DT nho cay keo thi nho "chang", minh nho trai keo lai nho mot ba gia . KKK the moi biet DT nghe si, con minh thi...

    Dieu Tam Nguyen Nguyen BN ơi, nhớ bà già cũng làm thơ được mà :-)

    KH Vu Thi Hồi nhỏ ở Nha Trang cây này nhiều lắm mình hay đi khèo ăn lắm. Trái nó chín đỏ trong ruột trắng phau rất đẹp nhưng cây nhiều gai lắm. Nhớ "tuổi thơ dũ dội"

    Dieu Tam Nguyen Ủa vậy là tuổi thơ của KH Vu Thi "dữ dội" lắm hả? ... Kể mình nghe đi! :-)

    KH Vu Thi Hehe kể ra xấu hổ suốt ngày (nhất là mấy tháng hè) theo ông anh đi trèo cây uýnh lộn.

    Dieu Tam Nguyen Lúc nhỏ mình cũng hay được anh (hơn 3 tuổi) đèo xe đạp đi chơi. Ổng cũng chẳng phải tốt bụng cho em đi chơi đâu nhưng ổng mê đánh bi da, đi một mình sợ ba má rầy nên nói đèo em đi chơi. Lớn hơn, có lần ổng đòi đi đón em ở trường, lại lén lấy xe mobylett của ông anh bà con, đang vi vu chạy thì gặp khúc quẹo cua, ngã cái rầm :-). Đi chơi với con trai phải né xa xa nếu không bị uýnh lộn trúng hoặc bị té xe.

    Trả lờiXóa
  3. TK Nguyen Em chưa từng biết trái keo. Trái đẹp ghê chị hí. Trái keo chắc dính như keo nên làm chị Tâm nhớ hoài chàng trồng cây si bên gốc keo :-)

    Dieu Tam Nguyen Hi hi liên tưởng của em thật dễ thương TK Nguyen. Ừ sao người ta nói trồng cây si mà không nói ... Trồng cây keo há? "Cây keo" này tội lắm, đến khi chị có chồng rồi mà không biết lại nghe lời tên "mật vụ" nói chị still single nên 10 năm sau còn đi tìm chị nơi không có cây keo :-(

    TK Nguyen Tội "cây Keo" chưa tề. Chắc "mật vụ " mê ô mai, xí mụi nên mới nói rứa hí :-p

    DN: Tâm và các bạn có nhớ trên sân trường mình , phía trái, có một bụi keo nhỏ. Lúc D còn học hình như cây chưa có trái. Có một dạo giờ chơi nào cũng có một nhóm túm tụm ở đó ...cầu cơ!:-)

    Dieu Tam Nguyen Mình có nhớ DN. Cũng có ... cầu cơ :-) nhưng không dám ra ngoài sân mà ngay trong lớp, giờ học Anh văn thầy Kh. Thầy thấy mình và LH Hoàng lúi húi làm gì mà chúi đầu vào nhau mà ngồi thật xa, nên khi thầy la "hai em kia làm chi đó"? Lật đật rút tay ra khỏi hộc bàn là xong :-)

    Trả lờiXóa
  4. Có 1 comment về cây keo như sau:
    Cây này ở xứ nóng chịu hạn, thân có nhiều gai, trồng làm hàng rào ranh đất. Cây lâu năm có thân to như cây me nhưng rất dòn, trèo dễ gãy, o dai như me. Lá keo nấu nước gội đầu trị giảm gầu, giúp tóc mượt.
    Ăn trái keo có vị chát chát ngọt ngọt, nhưng ăn vào mà không xúc miệng thì răng sâu miệng hôi khủng khiếp,...đi kiết lỵ, tiêu chảy mà ăn trái này thì cầm luôn.
    Ăn ghiền lắm! Tuổi thơ tui ngày nào cũng hái 1 bụng gùi trong áo ăn trừ cơm.
    Món này là còn là thức ăn khoái khẩu cho loài chim chấu quạch. Chim này nhổ lông nướng trên than hồng mỡ chim chảy ra chấm với nước mắm me ngon hết biết!

    Trả lờiXóa
  5. Một bạn đọc "tò mò" ... dễ thương :-)

    LT: Rồi keo có kết dính mối tình ây khg chị??? Tuổi thơem cũng dữ dội dưới tàng cây keo ngõ sau để chơi "tạt lon"... đánh đáo :-)... chi cũng có kỹ niệm từ cây Keo dễ thương qúa Dieu Tam Nguyen ơi...

    Dieu Tam Nguyen Có bạn đã nói mối tình dính như "keo" nên đến giờ chị còn nhớ LT. Nhưng đó chỉ là "tình yêu thời con gái" (em đọc bài viết này của chị chưa? :-) . Sau đó vì chiến tranh nên anh ra trận, chị vào SG học ĐH. 10 năm sau 75, cũng cái tên "mật vụ" đó mách lẻo "chị T còn single" làm anh đi kiếm chị. Tiếc thay chị đã "như chim vào lồng như cá cắn câu" rồi :-(

    Trả lờiXóa