Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

NGÔI CHÙA MỚI, LỚP HỌC MỚI VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI LÊNH ĐÊNH


NƠI CHỈ CÁCH QUÊ HƯƠNG MỘT DÒNG SÔNG V:
NGÔI CHÙA MỚI, LỚP HỌC MỚI VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI LÊNH ĐÊNH

Ngày thứ sáu 23/11/2018, sau một ngày đi Tiền Giang cùng các bạn trở về lại thành phố lúc 7 giờ tối khi trên đường vào thành phố bị kẹt xe rất nhiều mà nguyên nhân một phần là do ngày “thứ sáu Đen” Black Friday trong chương trình giảm giá của các shops và siêu thị đồng loạt ăn theo sau ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ, tôi vội vã chỉ kịp dùng cơm tối rồi lại chuẩn bị hành lý lên đường đi Campuchia. Đến nơi tập trung lúc nửa đêm vì xe sẽ khởi hành rất sớm lúc 2:30 g sáng thứ bảy. Khác với những lần trước tôi và nhóm trưởng Hiểu & Thương Kim Nga thường nhắn nhủ cho nhau “không ai đi thì hai đứa mình đi!” thì lần này chỉ có một mình tôi lên đường vì Nga phải chuẩn bị hành lý và thu xếp mọi thứ trước khi đi Myanmar tham dự khóa tu 2 tháng rưỡi. “Để hoàn tất dự án xây chùa và lớp học tình thương ở Bến Ván, có Tâm đi thì mình yên tâm. Và cũng vì có thể lần này là lần cuối mình đi Campuchia…” Vì câu nói của bạn mà tôi không nỡ chối từ, đành … gắn bánh xe vào hai chân chạy tiếp!

Thuyền neo Bến Ván. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Trong một năm qua tại ngôi chùa An Hòa Tự ở Bến Ván đã xảy ra nhiều thay đổi. Chuyện xây cất cứ tạm ngừng rồi lại tiếp tục nhiều lần vì một số trục trặc bất ngờ, thiếu kinh phí, đổi thầu xây dựng v.v… Tháng 3/2018 khi Kim Nga và tôi trở lại lần thứ hai thì việc xây dựng chỉ mới được nửa chừng, những tưởng khoảng cuối tháng 7 âm lịch sẽ hoàn tất nhưng sau đó sư cô An Nghĩa trên 75 tuổi đã phải hơn 7 lần qua lại Bến Ván để giúp đỡ, đôn đốc cho công việc chóng hoàn thành. Nhờ sự tận tâm tận lực góp sức của các nhóm Sư cô An Nghĩa, Ni sư và Phật tử chùa Hoa Nghiêm tại Toronto, chùa Tam Bảo tại Montreal, Canada; nhóm của dì Huệ ở Bến Tre cùng các mạnh thường quân, nhóm Hiểu & Thương, cuối cùng rồi ngày khánh thành cũng đã đến. Khác với lần đầu và lần thứ hai đến Bến Ván đoàn có nhiều tình nguyện viên tham gia là những cô cậu thanh niên trẻ tuổi, việc bốc xếp hàng hóa quà tặng mấy trăm phần gồm gạo, mì, đường, bánh kẹo … có họ đỡ đần, còn lần này đoàn đi được 38 người nhưng đa số là các sư bà sư cô, Phật tử cao tuổi đến từ Bến Tre, Hóc Môn, Củ Chi, Sài Gòn …, có nhiều người đi lần đầu, còn lại chỉ có 2 cậu thanh niên nên cả tài xế là phụ xế cũng phải cùng tiếp sức.

Ngôi chùa cũ. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Xe khởi hành lúc 2:30 g sáng, đến cửa khẩu khoảng 7:00 g và Phnompenh lúc 11:00 giờ. Vài tiếng đồng hồ cho đoàn ghé tham quan Wat Phnom, một ngôi chùa linh thiêng ở Pnom Penh và chùa Vàng chùa Bạc, hoàng cung Campuchia, sau đó xe đi ngay đến Bến Ván cách Phnom Penh 70 km.
Hoàng hôn rơi xuống rất nhanh, chẳng mấy chốc trời đã sập tối thì đó là lúc xe chúng tôi đi vào một con đường gập ghềnh, rất vắng và tối vì không có đèn đường, thi thoảng mới có ánh đèn leo lét hắt ra từ những căn nhà hai bên đường sông nước mênh mông, cỏ cây mọc rậm rạp như trong rừng. Vì tài xế lần đầu đi Bến Ván nên anh ta suýt đi lạc phải quay lại và chờ chú Hòa, người chủ đất đã cúng dường miếng đất cho nhà chùa, đem xe ra dẫn đường. Xe lắc lư dữ dội vì con đường khá xấu lại bị sạt lở nhiều do vừa trải qua mùa mưa lũ. Lần gần đây nhất trong mùa mưa, khi đến đây con đường vào Bến Ván ngập nước nặng xe khách không vào được nhóm sư cô An Nghĩa phải đi xuồng bơi vào tận chùa.

Bình minh Bến Ván.
Lúc đến nơi trời đã tối hẳn. Sư Minh Trung ra tận xe đón đoàn và cho câu điện sang mé nhà bè sát bờ sông đưa cả đoàn đi ăn cơm tối. Trong bóng tối nhập nhòe tôi nhận ra một chút hình ảnh quen quen nhưng lại có gì đó rất lạ, trống vắng hơn hẳn lần trước. Con đường dẫn vào chùa và nhà bè nổi trên sông cao hơn nhưng lại hẹp hơn trước đây, mới biết do gần sông có lúc mưa nhiều cùng lúc thủy triều lên nước đã dâng lên cao đến 2, 3 mét. Chiếc cầu lót bằng những tấm ván cũ nối nhau khá dài vượt qua bãi sình mọc ken kín lục bình. Thấp thoáng bên sông vài chiếc xuồng neo vắng người dường như không còn ai ở đây như trước nữa.
Đêm ấy chúng tôi chia nhau nhóm ngủ trên chùa mới, nhóm muốn thưởng thức gió lộng mát mẻ thì ngủ trên nhà bè nổi trên sông. Không còn cảnh những con thuyền qua lại nghe tiếng chèo khua trong đêm. Không còn ánh đèn leo lét hắt ra từ những túp nhà bè chung quanh nơi xúm xít những gia đình nhỏ và tiếng cười nói. Càng về khuya gió càng thổi lồng lộng. Chỉ có một hình ảnh quen thuộc như những lần trước là vầng trăng sau rằm treo giữa trời vằng vặc sáng một mình giữa đêm khuya.

Mặt tiền ngôi chùa mới
Mặt hậu ngôi chùa mới.
Khi trời vừa sáng, tôi mới nhận ra ngôi chùa mới thật rất đẹp so với những gì mình đã nghĩ. Ngôi chùa cũ lợp sơ sài bằng mái tôn vách lá quá nghèo nàn thiếu thốn, sư vẫn giữ ở đó suốt trong thời gian xây dựng để thờ Phật. Riêng lớp học mái lá tình thương đã được dở bỏ từ lâu vì đất chùa thuê phải trả lại cho chủ, còn các cháu học sinh dời qua nhà bè nổi để học. Hôm nay ngày Chủ nhật 25/11 sau buổi lễ khánh thành ngôi chùa và lớp học mới, các cháu sẽ được chính thức học tập và sinh hoạt ở khu nhà mới kể từ ngày thứ hai 26/11/2018.
Công trình được xây bằng bê tông, lát gạch, có 2 tầng, nhiều cửa sổ hai bên hông. Tầng một là chánh điện với diện tích 12 x 20 m có hành lang chạy dài hai bên và phía trước mặt tiền nở rộng, đặt một bức tượng bồ tát Quán Thế Âm bằng đá trắng đứng trên tòa sen cao khoảng 2 m. Bên trong chánh điện rộng thoáng với hai hàng cửa sổ. Ở giữa đặt tượng Phật Thích Ca phía trên, thấp hơn là tượng Phật Chuẩn đề cũng bằng đá trắng. Đối diện là bàn thờ Sư tổ Đạt Ma. Hai bên vách phía trên cao và trên bệ thờ chưng bày bộ 7 tượng Phật Dược sư Lưu Ly rất đẹp do một mạnh thường quân cúng dường. Phía sau có hai phòng nối với thang lầu đi xuống và 2 nhà vệ sinh. Do gần sông, phía tầng trên luôn lộng gió rất thoáng mát.

Chánh điện mới An Hòa tự.


Tầng trệt có diện tích 8 x 19 m, dành cho lớp học và các sinh hoạt học tập, họp hành, phát quà từ thiện, cũng có 2 nhà vệ sinh như tầng trên. Lớp học đã có bảng, bàn ghế của thầy giáo và học trò, trông sạch sẽ và sáng sủa. Nhìn chung ngôi chùa và lớp học mới thật khang trang. Mọi người trong đoàn ai cũng khen đẹp và trang nghiêm lắm dù cũng còn chút ít còn lại cần hoàn thiện.

Nhìn từ chánh điện chùa mới.
Khi xây dựng, sư Minh Trung đã cho đổ đất lên cao hơn mặt đường trước kia nhiều để chống thủy triều lên và mùa mưa lũ về. Tuy vậy, lần gần đây nhất nước lũ dâng cao hơn mặt đất đã đắp 1 m.
Cũng như ở Biển Hồ trước đây, sống trên sông nước Mekong khu vực này phần lớn là những gia đình người Việt. Phía trên bờ là xóm làng của người Campuchia. Ngoài một số căn nhà có vẻ khang trang còn lại là xóm nghèo, hầu như nhà nào cũng đông con, lúc cha mẹ đi làm kiếm ăn thì lũ trẻ lang thang trong xóm, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc tai rối bù. Thấy có khách đến chúng kéo nhau vào xin tiền hay bánh kẹo. Đầu ngõ vào có một túp nhà là nơi ở của anh Phuông, người được sư Minh Trung giao phó việc nấu cơm từ thiện cho xóm người Campuchia mỗi tuần một ngày. Anh cho biết lý do vì sao Bến Ván hôm nay vắng vẻ hẳn. Người dân sống lang bạt trên các thuyền bè làng nổi trước đây đã phải dời đi không được sống trên sông nữa từ đầu tháng 11. Thời gian từ tháng 8 đến 11 cũng là mùa sinh sản của cá nên chính phủ Campuchia không cho bắt cá, có thể bị bắt và phạt rất nặng. Chính quyền đã thu xếp cho người dân ở một nơi khá xa Bến Ván. Một số nhà do quen sống nơi đây đã thuê nhà gần đó để ở, tiền thuê khoảng 100 US dollars/ năm.
Riêng lớp học thì các cháu học sinh dù ở xa vẫn đi học bằng xe đạp về xóm cũ. Một cháu bé kể: “Có người không có xe đạp thì thuê xe chở. Hết 1.000 Riel/ngày”.(*)

Bình minh Bến Ván

Sư Minh Trung cho biết phần lớn trong số hơn 200 hộ cư dân Việt sống trên làng nổi tại đây đã dời về ở gần khu người Việt trên bờ. Nhưng dù đi đâu họ cũng luôn quấn quít với sư, nhất là các cháu ở xa cũng gắng về trường cũ học, vì vậy số lượng học sinh tuy có giảm bớt nhưng cũng được 70 cháu theo học. Việc giảng dạy do sư đảm trách chính, hiện nay còn có thêm 1 cô giáo.
8:30 giờ sáng, đến lúc làm lễ khánh thành. Các ni sư tập trung tại chánh điện đọc kinh cùng đoàn Phật tử và các cháu học sinh. Các cháu nhỏ được mặc đồng phục áo trắng quần hoặc váy màu xanh dương, các cháu lớn mặc quần áo hoặc áo tràng màu lam. Trước giờ làm lễ, tôi đã thấy các cháu nhỏ dẫn nhau lên chùa cũ lễ Phật theo thói quen hàng ngày trước khi vào lớp. Được nhà chùa dạy dỗ, các cháu đều thuộc kinh vanh vách, ngoan ngoãn lễ phép hơn hẳn đám trẻ con trong xóm người Campuchia bên ngoài.

Chánh điện mới An Hòa tự.


 Tiếp theo là làm lễ khai trương lớp học mới. Khác hẳn lớp học chật hẹp nghèo nàn ngày nào, nay được ngồi trong nhà xây bằng gạch, bàn ghế tử tế khang trang đẹp đẽ, các cháu trông hân hoan rạng ngời ra mặt. Các cháu được sư Minh Trung dò bài bằng cách đọc 10 bài kệ Bồ đề tâm. Tiếp theo là một bài chú nguyện và các cháu được sư hướng dẫn lên bục nói lời cảm ơn đến quý ni sư, mạnh thường quân đã giúp đỡ cho các cháu có được ngôi chùa và lớp học đẹp đẽ ngày hôm nay. Cuối cùng là đoàn từ thiện đã phát 150 phần quà gồm một bao gạo, một thùng mì, đường và bánh kẹo cho các cháu cùng gia đình các hộ nghèo ở Bến Ván. Ni sư An Nghĩa và đoàn Phật tử đi cùng cũng đóng góp thêm một số tiền để sư hoàn thiện một số công đoạn sau cùng cho công trình. Ni sư An Nghĩa đề nghị sư Minh Trung cho làm thêm 2 nhà vệ sinh nữa cho các cháu. Không khí vui vẻ ấm áp làm ai cũng cảm động và vui mừng cho Bến Ván hôm nay đã có được một ngôi chùa Việt và lớp học tình thương khang trang như ý.

Lớp học mới. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 

Mọi việc đã xảy ra như một giấc mơ. Có duyên mới thành. Chúng tôi còn cảm thấy Bến Ván như một câu chuyện cổ tích nhỏ đã đến hồi kết có hậu “happy ending”, huống chi là các cháu học sinh nhỏ bé trong cộng đồng người Việt tha hương ở nơi đây. Nhìn những nụ cười ngây thơ sung sướng ấy, ngắm những đôi mắt trong veo vô tư ấy, không ai khỏi chạnh lòng thương yêu và mong ước cho sau này những thiên thần bé bỏng này sẽ có tương lai tốt đẹp sáng sủa hơn đời ông cha các cháu. Hàng ngàn người Việt sống lang thang trên Biển Hồ từ bao đời qua nay dần dần đã được đưa lên bờ nhưng để giải quyết những bế tắc của cuộc sống vẫn còn dài. Nhà nào cũng không dưới chục đứa con nheo nhóc, kiếm ăn từng ngày không xong, tiền đâu để có được giấy tờ hợp pháp, cho con đến trường!
Như dòng sông vẫn chảy và lục bình vẫn sinh sôi ken kín cả bờ …

Tháng 11. 2018
Bài và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
(*) 1.000 Riel # 6.000 đồng VN
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.2072223552841397&type=3
 

3 nhận xét:

  1. Nga Le: Tuyệt vời quá Tâm ơi, không đi được nhưng đọc bài viết của Tâm mình cứ có cảm giác y như được đến đó thật ,nhớ làm sao những ánh mắt trẻ thơ trong veo mà vẫn đầy vẻ u hoài ,bây giờ thì cả người và cảnh đều rạng rỡ quá, chúc mừng các cháu. Tâm viết bài này thật công phu, rất hay và đầy cảm xúc ,💖💖💖
    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn bạn hiền đã động viên :-). Viết vội để kịp cho Kim Nga Nguyen gửi đến các mạnh thường quân và các bạn đã tham gia chương trình nhưng vì còn phải lu bu nhiều việc nên tối hôm qua chỉ gửi được album Những đôi mắt Biển Hồ trước và chúc cô nàng đi Myanmar bình an, còn lại nàng giao cho mình gần 100 địa chỉ email với lời hứa "bài tường thuật gửi sau" đó Nga Le.
    Vân Đoàn: Bài viết và hình ảnh thật xúc động!!!
    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn bạn hiền đồng cảm.
    Nguyễn Đia Xúc động quá ,cho mình chia xẻ niềm vui này với DT ơi.
    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn Nguyễn Đia! ❤
    Nga Le Thích chùa mới quá à!
    Dieu Tam Nguyen Buổi tối hôm đó ngủ trên hành lang chính điện với các ni sư. Trời ơi mát lạnh luôn vì gió sông lồng lộng Nga Le không con muỗi nào dám cắn 🙂

    Trả lờiXóa
  2. 9 tháng sau khi khánh thành An Hòa tự và lớp học tình thương tại Bến Ván, huyện Kang Meas, tỉnh Kampong Cham, Campuchia. Hiện nay sư phụ của sư Minh Trung từ Mỹ đã về Bến Ván phát thuốc chữa bệnh cho người nghèo và sắp tới chùa sẽ tổ chức lễ Trai đàn bạt độ rất lớn.
    Trong số các em trong lớp học tình thương, năm ngoái ni sư Chánh Quyết đã chọn lọc ra một số em có tín tâm và thông minh lanh lẹ, đã chu cấp chi phí ăn uống và xe cộ từ Campuchia về VN tham dự khóa tu mùa hè 10 ngày ở chùa Vạn Linh, núi Cấm, để các em quen với sinh hoạt môi trường tu tập với tập thể sau này giúp sư Minh Trung lo việc chùa. Bây giờ trong số mười mấy em đó đã có 6 em xuất gia.
    Dưới sự dẫn dắt của Sư Minh Trung, hy vọng các em sẽ là những nhân tố tích cực giúp gia đình người thân cùng Phật tử Việt Nam ở Campuchia tiếp tục phát triển trên con đường tu tập.
    Thành quả này là nhờ công đức của nhóm sư cô An Nghĩa, nhóm của dì Huệ ở Bến Tre, Ni sư và Phật tử chùa Hoa Nghiêm tại Toronto, chùa Tam Bảo tại Montreal, Canada và quý mạnh thường quân đã đồng hành cùng nhóm Hiểu & Thương.
    Xin gửi lời tri ân đến mọi người.
    (Trích mail của ni sư Adhiṭṭhāna Chánh Quyết).

    Trả lờiXóa
  3. Dieu Tam Nguyen: Adhiṭṭhāna Chánh Quyết Nga Le mình share lại bài viết này về An Hòa Tự, Bến Ván vì thấy bài share cũ đã biến mất trong page của các bạn. Cảm ơn Chánh Quyết đã báo tin vui. Thật hoan hỷ và rất mừng cho Bến Ván hôm nay vì chưa đến một năm khánh thành chùa An Hòa tự đã có những hoạt động và thành quả tích cực.
    Adhiṭṭhāna Chánh Quyết Dieu Tam Nguyen
    Lan nay minh moi doc duoc bai nay Tam oi vi lan truoc di qua Myanmar, sau do quên lãng luon
    Nho co vu nay moi doc duoc .Tks Tam nhieu
    Dieu Tam Nguyen Adhiṭṭhāna Chánh Quyết à thì ra CQ chưa đọc 🙂 Có thấy mình report kỹ không hay vẫn còn thiếu thì bổ sung nhé!

    Thích
    · Trả lời · 1 ngày · Đã chỉnh sửa
    Adhiṭṭhāna Chánh Quyết: Dieu Tam Nguyen quá đầy đủ luôn , phóng viên oi
    Tks nhieu lam 🥰

    Dieu Tam Nguyen Adhiṭṭhāna Chánh Quyết Chúc Vu Lan an lành <

    Trả lờiXóa