Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Đến Với Thơ

Những ngày gần đây, trên trang nhà của các bạn trường cũ nthqn.org chúng tôi đọc được nhiều bài viết của bạn bè thân hữu về chủ đề THƠ. Có những ý kiến hay, đưa ra những vấn đề khá nhức nhối ngoài định nghĩa về Thơ, làm tôi cũng có ít nhiều bâng khuâng suy nghĩ. Thơ là gì? Những ai có thể "xuất khẩu thành thi"? Làm thơ có khó không hay chỉ dành cho những ai có khả năng thiên phú? Vì sao ngày nay ít người đọc Thơ, vì sao những tập thơ in ra khó bán? Với người yêu Thơ, thì con đường đến với Thơ như thế nào? v..v..


Nữ Thần đọc thơ ( Muse reading ) - Bảo tàng Louvre ( Nguồn: google.com )


Clio, Euterpe và Thalia, 3 nữ thần truyền cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật
( Nguồn: google.com )

Từ những năm trung học cơ sở, tôi đã được học nhiều thơ, văn cổ, nhiều từ Hán Việt, tuy hay nhưng khó nuốt. Học qua thơ chữ nôm, thật tuyệt khi được học Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Bà Huyện Thanh Quan v.v. Tôi thích những "ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, sóng biếc theo làn hơi gợn tí, lá vàng trước gió sẽ đưa vèo"... của Nguyễn Khuyến, thích Tú Xương .. và có vẻ như tôi hâm mộ tư tưởng vô vi của Lão Trang. Những kiến thức thầy cô giảng dạy đã cho tôi căn bản đến với văn chương. Khi phải chọn ban lúc lên trung học phổ thông, tôi suy nghĩ trằn trọc rất nhiều. Những năm cấp 2 tôi học giỏi đều các môn, trong đó có cả Toán, Lý Hóa, nhưng dường như tôi nghiêng về văn chương, ngoại ngữ nhiều hơn. Tôi đã quỳ trước bàn thờ Phật, có 3 mảnh giấy viết sẵn A, B, C được xếp lại cho tôi "bốc thăm". Bốc lần thứ nhất, mở ra, là B, tôi thất vọng, tự cho phép mình được bốc lại, lần thứ hai là A. Tôi bắt đầu run, vái Phật cho tôi còn cơ hội lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng. Lần này thì may sao, chữ C hiện ra, như tôi đã mong muốn. Tôi sung sướng quá, nghĩ rằng Phật đồng ý cho tôi học ban C rồi. Tôi thưa với ba, may sao ba cũng "ừ", có lẽ vì ba chỉ muốn con gái ba làm cô giáo.
Vào đầu năm học đệ tam, bạn bè lớp 9-1 của tôi đa số qua ban A và B. Vì thế tôi có nhiều bạn mới từ lớp 9-2 qua học chung, và thêm nhiều bạn từ các trường khác như Trinh Vương, Bồ Đề, có bạn từ Đà Lạt xuống. Tôi còn nhớ mãi lúc cô Thúy Nga bước vào lớp dạy môn Toán, nhìn thấy tôi ngồi trong lớp C cô đã sửng sốt. Cô gọi tôi lên mắng cho một trận nên thân: "Tại sao em lại chọn ban C? Lẽ ra em nên theo ban B, môn Toán em rất giỏi mà..." Tôi buồn lắm, nghĩ mình đã sai ư? Trong thời gian học, có một số bạn nói rằng ban C học bài nhiều quá, vội xin chuyển qua ban A. Còn tôi, tôi rất sung sướng với những giờ học ngập tràn văn chương, ngoại ngữ, đến năm lớp 12 còn có thêm 4 môn Triết học Tâm lý, Siêu hình, Đạo đức, Lý luận .. nữa. Chúng tôi tha hồ mà chép thơ và những trích đoạn văn chương cho nhau vào lưu bút, vào những tập thơ riêng. Ngày ấy những bài thơ trong Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa được chúng tôi chuyền tay nhau mà chép. Những bài như "Áo lụa Hà đông" của Nguyên Sa, "Trên ngọn tình sầu" của Du Tử Lê, "Qua mấy ngõ hoa" của Mường Mán và rất nhiều bài thơ khác v.v. được chúng tôi học thuộc lòng. Các bạn chép thơ văn rồi nhờ tôi vẽ trang trí, mà tôi cũng không ngờ sau này gặp lại, nhiều bạn nói rằng ngày ấy bạn cũng có những tập thơ chép, cũng có những hình vẽ trang trí của tôi. Tôi đùa "vậy sao? Sao ngày ấy mà mình đã vẽ nhiều như vậy kìa. Biết vậy, hồi đó mình thu tiền các bạn, thì mình .. giàu rồi!"
Nhưng .. thú thật với bạn, đến lúc đó tôi vẫn chưa làm nổi một bài thơ nào. Hình như tôi thích viết và dịch hơn. Ba tôi làm việc ở Ty ngân khố, gia đình tôi ở trên lầu. Chiều nào sau giờ làm việc tôi cũng chui vào dãy phòng làm việc có rất nhiều máy đánh chữ. Tôi tập gõ. Vừa gõ tôi vừa sáng tác .. truyện cổ tích cho đến lúc trời tối mò. Sau đó thì tôi dịch từ cổ tích anh em nhà Grimm, cuốn Le livre de la jungle của Ruyard Kipling bản tiếng Pháp. Bầy em tôi lúc đó đã có đến 6 đứa, là "độc giả" yêu dấu của tôi. Các em rất hăm hở chờ đón "tác phẩm" của chị ra lò. Chưa kịp đóng thành tập chúng đã dành nhau xem, có lúc khóc la om sòm vì không dành được.
Năm vào đại học, lại một ngẫu duyên nữa đưa tôi đến với ban Văn. Tôi thích hội họa từ thuở bé, và tôi đã mơ trở thành họa sĩ vẽ phim hoạt họa. Vì vậy, tôi ái mộ Walt Disney. Những bộ phim, những sách truyện của Walt Disney như "Bạch Tuyết và 7 chú lùn", "Nai Bambi", "Công chúa ngủ trong rừng" v.v. tôi đều đi xem, đều mua sách về ..gối đầu giường. Tôi đã ôm hồ sơ đến trường Mỹ thuật Gia định. Nhưng ba tôi không muốn con gái "khổ" vì làm họa sĩ .. lang thang lắm. Ba viết tối hậu thư từ Qui Nhơn gửi vào Sài gòn cho tôi: "Con phải hoàn tất một đại học văn hóa, còn vẽ vời, con dùng tay trái. Không thì về nhà!"... Tôi buồn lắm, đi học xa nhà mà không có "nhà tài trợ" thì làm sao mà học? Vậy là phải thi vào ĐH Sư phạm. Lượng sức mình nếu thi ban Pháp văn thì không địch nổi với dân trường Tây như Marie Curie, Taberd ở Sài gòn, Lycée Yersin ở Đà Lạt xuống, tôi đành vào Văn khoa học một năm lấy bằng dự bị Văn khoa ban Văn chương quốc âm để thi vào ban Việt Hán của ĐH Sư phạm. Vào đây cũng chẳng dễ dàng chút nào khi các bạn thi vào khoa này cũng từ các trường nổi tiếng như Gia Long, Trưng Vương, nhiều bạn đã từng đoạt giải văn từ thời trung học. Chúng tôi phải thi viết 3 môn chính: Văn, Pháp văn và Hán văn rất gắt gao, 1 phải chọi với 10. Trong số 1.000 thí sinh, đậu được phần thi viết đã khó lại phải thi Vấn đáp, 100 người đậu phần thi Viết đến Vấn đáp chỉ lấy 1 lớp 40 sinh viên. Vậy mà cuối cùng tôi cũng đậu. Một người bạn trai đã đi xem bảng cho tôi vì tôi không đủ can đảm đi xem. Xem bảng xong, anh hớn hở báo tin cho tôi biết: "Bạn anh nghe tin em đậu, nể quá, vì bạn gái nó thi vào Sư phạm hoài đâu có đậu nổi!" Tôi mừng, vì .. được ở lại Sài gòn, không bị bắt về nhà!
Những năm học ban Việt Hán thật vui. Chúng tôi được học rất nhiều môn ngoài Việt văn, Pháp văn, còn có Hán văn và giờ học tiếng Nôm nữa. Lớp học gọn, nhỏ, không quá đông như năm học ghi danh ở Văn khoa đôi khi ngồi cuối giảng đường lắm lúc không nhìn được mặt thầy. Ở đây, chúng tôi đã được nuôi dưỡng trong không gian đầy chất thơ, những giờ học phủ kín văn chương chữ nghĩa. Giờ học chữ Nôm là lúc mà chúng tôi được cười nhiều nhất, lý do là vì không phải từ Nôm nào chúng tôi cũng biết, do phải dựa trên các thành tố của chữ Hán để viết thành tiếng thuần Việt, thường là ghép từ 2 chữ Hán hoặc thêm nét, thêm bộ chữ Hán vào để thành chữ, mà như vậy thì phải thật giỏi chữ Hán mới viết nổi chữ Nôm. Mỗi khi thầy ra một đề luận văn viết bằng chữ Nôm là cả lớp cứ ôm bụng cười vì nhiều chữ chế ra chỉ có mình hiểu!
Bốn năm đại học trôi qua trong bối cảnh đổi thay hoàn toàn của 2 chế độ, sau 1975 chúng tôi phải cấp tốc học cho xong chương trình 4 năm của đại học Hà Nội trong vòng 2 năm để ra trường. Chúng tôi cũng được học rất nhiều về văn chương nước ngoài, những nền văn học lớn của thế giới từ văn học Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức. Học và thảo luận về những tác phẩm vĩ đại như Faust của Goethe, Anna Karenina của Lev Tolstoy, thơ Pushkin, Tứ đại danh tác của văn học Trung quốc ( gồm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử của Thi Nại Am, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Hồng lâu Mộng của Tào Tuyết Cần ), Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, Ông già và Biển cả của Ernest Hemingway và còn rất nhiều. Chúng tôi cũng được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng từ trước như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh .. mà nhà trường đã mời đến thỉnh giảng ngoại khóa. Lúc ấy, văn chương đã phần nào giúp cho chúng tôi tạm quên đi thực tại khó khăn.
Tôi được phân công về Vĩnh Long dạy Cao đẳng sư phạm, môn Văn chương Việt nam. Tôi cho giáo sinh tổ chức các sinh hoạt câu lạc bộ Truyện Kiều để họ nghiên cứu, thảo luận sâu hơn về nhiều chủ đề trong tác phẩm kinh điển ấy. Hai năm trôi qua, do không chịu nổi áp lực từ công việc, phần chán ngán vì những bài giảng chỉ có như vậy thiếu sáng tạo, tôi bỏ việc trở về nhà.
Cả một quá trình, nhiều năm được đào tạo, hít thở cùng với văn chương như vậy, thế nhưng .. tôi không làm một bài thơ nào, cũng không viết được một đoản văn nào ngoài những bài giảng soạn để lên lớp mỗi ngày trong thời gian còn đi dạy. 
Gần 20 năm sau, khi tôi đã có công việc ổn định tại thành phố, nhưng hoàn toàn khác với nghề được đào tạo, tôi bắt đầu viết chút ít cho mình đọc! Tôi vẫn thích đi học, những năm 90 thành phố bắt đầu xuất hiện các trường đại học tại chức dành cho những người ham học nhưng không có thì giờ ban ngày. Tôi chọn một đại học ngoại ngữ thi vào. Trường có 2 khoa: Kinh tế thương mại và Văn chương Anh. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi lại chọn Văn chương Anh, dù lúc đó tôi cũng đang cần kiến thức về kinh tế thương mại. May sao trong chương trình chúng tôi cũng được học về các môn kinh thương rất thực tế. Do đã có bằng đại học, tôi được miễn học các môn tiếng Việt, chỉ học tiếng Anh. Thế mà tôi vẫn đến lớp ban đêm sau một ngày làm việc, không muốn bỏ một giờ nào suốt 4 năm trời cho đến ngày tốt nghiệp. Thích nhất là giờ Văn hóa Việt Nam của giáo sư Trần Ngọc Thêm. Tôi say mê với những triết lý Âm dương, với Ngũ Hành, Hà Đồ. Và dĩ nhiên các giờ tiếng Anh, tôi đi học ghi chép đầy đủ đến nỗi cứ mỗi lần đến kỳ thi học kỳ là các bạn cùng lớp tranh nhau mượn tập của tôi để photocopy lại. Trong giờ Văn chương Anh, cô giáo cho chúng tôi dịch thơ Anh cổ, còn nhớ bài thơ "How do I love thee" của nhà thơ nữ Elizabeth Barrett Browning (1806-1861) với những câu thơ thật đẹp:

How do I love thee? Let me count the ways?
I love thee to the depth and breadth and height 
My soul can reach, when feeling out of sight
For the ends of Being and ideal Grace
I love thee to the level of everyday....

Dịch thơ cổ rất khó, tôi phải dịch thoát ra, bài thơ cô giáo chưa kịp sửa, nhưng đọc tới đọc lui tôi thấy ... vừa ý rồi, nên còn giữ đến bây giờ :

Tình Yêu
Hãy để cho em nói - Em đã yêu anh như thế nào!
Em yêu anh đến tận cùng vực sâu, tàn hơi thở,
Và hơn cả đỉnh núi cao xanh,
Lòng em vẫn yêu anh như thế, cả khi anh đã xa rồi!
Bởi tận cùng Tạo vật và cái Đẹp lý tưởng,
Em yêu anh hơn thế từng ngày,
Như trong cô tịch cần mặt trời và ánh nến,
Em yêu anh cuồng say, như người cố vượt lên đỉnh non cao
Yêu anh trong sáng, như vừa qua buổi kinh cầu,
Yêu anh bằng tất cả niềm đam mê,
Bằng nỗi muộn phiền xưa cũ,
Cùng niềm tin của tuổi trẻ.
Yêu anh với một tình yêu ngỡ như đã mất,
Lạc cả thánh thần, em vẫn yêu anh!
Đến tàn hơi,
Nụ cười, nước mắt, cả cuộc đời,
Và, nếu Thượng đế cho em quyền lựa chọn,
Em sẽ càng yêu anh nhiều hơn khi đã lìa đời ...

Từ bài thơ dịch lần đầu tiên này, tôi đâm ra thích dịch thơ, dù đây là một công việc khó. Một lần vào nhà sách, tôi cầm một tập thơ dịch từ những bài thơ hay tiếng Pháp, dịch giả là ai tôi không nhớ. Rất thích thơ Pháp, tôi định mua, nhưng lật xem vài trang, tôi thấy bài thơ "Ariette" của Paul Verlaine được dịch thật ... nhức đầu, tôi cũng không nhớ hết nhưng đại khái anh ta dịch 2 câu sau của đoạn đầu tiên

"Il pleure dans mon coeur,
Comme il pleut sur la ville
Quelle est cette langueur,
Qui pénètre mon coeur?"...

thành "Có nỗi buồn này, rơi lọt vào lòng tôi"... và còn nhiều câu nữa. Tôi bỏ cuốn thơ ấy xuống, không mua nữa. Về nhà tôi dịch lại .. cho tôi đọc:
"Mưa rơi trên phố xa,
Như lòng ai đang khóc,
Có một nỗi sầu nào,
Len lén vào hồn ta?

Ôi, tiếng mưa rơi êm!
Trên mái nhà, mặt đất.
Cho trái tim phiền muộn,
Ôi bài hát mưa đêm!

Lòng buồn không nguyên do,
Trong trái tim se thắt.
Có phải vì bội phản
Đau thương không nguyên do?

Này chính là nỗi đau,
Nên không biết vì sao
Không yêu, không thù hận
Mà lòng trĩu nỗi đau!"...


Sau thời gian này, trong hoàn cảnh và tâm trạng thoải mái hơn, tôi bỗng dưng thích làm thơ, tự viết chứ không dịch nữa. Để trêu anh chàng trưởng phòng Kinh doanh nhát gái, tôi viết bài "Ngày hôm qua". Suy nghĩ về cô bạn lớn tuổi không muốn lấy chồng, tôi viết "Người đi tìm hạnh phúc". Mỗi ngày trên đường đi làm ngang qua cầu Sài gòn, nhìn những ngôi nhà nhấp nhô bên sông đẹp như trong tranh ấn tượng của Paul Cezanne, tôi viết "Qua sông". Nhớ đến một người bạn họa sĩ chuyên vẽ về chủ đề Totem và những bức tượng nhà mồ dân tộc Tây nguyên, tôi viết "Từ nơi cuối cùng". Đọc báo nghe tin làng tranh Đông Hồ dần mai một và nghề in tranh khắc gỗ cổ truyền nay thay thế bằng hàng mã, tôi viết "Câu chuyện thời gian". Đau lòng khi nghĩ đến ông sếp đang ngồi tù, tôi viết "Hư danh". Xót xa một mùa hè hạn hán miền Trung, tôi viết "Cầu Mưa". Một lần đi Mỹ dự hội chợ thương mại, gặp lại một người bạn cũ sau 30 năm, từ khung cửa kính nhà hàng xoay, nhìn vầng trăng rằm lửng lơ treo trên Bay Bridge đẹp như trong giấc mộng, tôi viết "Đêm San Francisco". Rồi tình cờ thấy trên mạng có cuộc thi thơ dành cho người không chuyên ở Mỹ, tôi gửi bài thơ "Số phận" đã chuyển sang tiếng Anh. Khi đăng ký để gửi bài thơ, cuộc thi không dành cho người ở Việt Nam, tôi gõ vào tên em gái tôi đang ở San Diego. Ít lâu sau, em gái tôi ngạc nhiên nhận được thư mời đến tham dự cuộc gặp gỡ của những người có bài thơ được vào chung kết.
Và có lẽ, thời gian tôi làm thơ nhiều nhất là lúc tôi gặp một người Pháp đến Việt Nam quay một bộ phim về ngành nghề thủ công sơn mài. Tôi giúp cho ông tư liệu và kiến thức, kinh nghiệm tôi có được trong hơn 20 năm trong nghề. Bộ phim này sau đó được giải nhất tại Pháp, về phim tư liệu dành cho các nhà làm phim không chuyên. Ông trao đổi với tôi nhiều chủ đề, trong đó có lần ông hỏi tôi có làm thơ không, vì ông cũng thích làm thơ. Ông gửi tôi đọc những bài thơ của ông, và tôi cũng gửi cho ông những bài thơ của tôi, dịch ra tiếng Pháp, ông đọc và sửa lại cho đúng cách hành văn của người Pháp.
Năm 2004, khi ra mở công ty riêng, bận rộn với công việc, tôi quên đi chuyện làm thơ. Thêm 6 năm sau nữa, gặp lại các bạn lớp Việt Hán ngày xưa, các bạn rủ vào blog của lớp cho vui, tôi bắt đầu tham gia với vài bài viết ngắn. Chỉ mới gần đây, tôi mới vào trang nhà nthqn.org của một số bạn cũ thời trung học, làm quen với các bạn vài bài ký sự, du ký, vài bài thơ nhỏ...
Tôi không có năng khiếu thiên phú để làm thơ dễ dàng theo kiểu "xuất khẩu thành thi". Tôi không phải là thi sĩ. Tôi chỉ là người thích đọc thơ, thích bày tỏ nỗi lòng, tâm sự qua thơ. Thơ, đối với tôi, là những ý tưởng chợt đến cùng với cảm xúc ngập tràn, được viết ngắn gọn, với ngôn từ có thể vang lên như nhạc. Không cần phải cầu kỳ, bí hiểm, Thơ phải mở ra cho mọi người, nỗi lòng của ta có thể chỉ là của riêng ta, nhưng cũng có khi ta nói hộ cho mọi người điều mà họ từng suy ngẫm trong lòng nhưng không thể thốt ra thành lời. Và để gần gũi hơn với mọi người, Thơ phải đi vào cuộc sống, Thơ không chỉ là "ru theo gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" mà còn phải đến với nhiều mảng đời "Để linh hồn ràng buộc bởi muôn giây, Hay chia sẻ cùng trăm tình yêu mến"... như thi sĩ Xuân Diệu đã định nghĩa.
Tôi nhớ đến bài viết của một người bạn, về chuyện "Ngáp được ruồi". Khi bỗng dưng một vài bài thơ của tôi được lọt vào "mắt xanh" của một nhạc sĩ ở phương trời xa xôi mà anh và tôi chưa hề một lần gặp mặt. Tôi cảm thấy vui vì ít ra những bài thơ nhỏ của tôi có thể gợi nên cảm hứng cho một người viết nhạc, có thêm những nốt nhạc vui cho cuộc đời. Khi anh đưa bản demo ca khúc "Bảo Tàng Tình Yêu" vào You tube, nhiều fan đã đàn và hát rất hay, có người đàn guitar, có người đàn piano, có người hát. Nhiều người khen giai điệu tiết tấu ca khúc hay, ý thơ lạ. Bây giờ anh đang viết thêm một ca khúc nữa dựa vào ý thơ trong "Người đi tìm Hạnh Phúc" và "Số phận". Tôi nói với nhạc sĩ rằng không phải bài thơ nào phổ nhạc cũng thành công. Nếu có, thì đó là nhờ tài hoa và ngón đàn của nhạc sĩ, kết hợp cái duyên văn nghệ của người viết ra bài thơ ấy. Vì lý do nào đi nữa, tôi mong con "ruồi" ngáp phải này sẽ ngọt như mật, dễ thương như hoa hồng nở sớm mai, và còn có đôi cánh tí xíu như nàng tiên Tinker Bell trong câu chuyện Peter Pan chấp chới bay vào thế giới thần tiên ...
Con đường đưa tôi đến với Thơ là như thế đó, còn bạn thì sao?

NGUYỄN DIỆU TÂM
11.2011