Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN

Hôm nay tôi kể cho các bạn về chuyến xuất ngoại đầu tiên và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một hội chợ quốc tế, cách đây hơn 20 năm.
Đó là những ngày trung tuần tháng 3 năm 1991. Đây là một hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại Kuala Lumpur - Mã Lai, và Du lịch Việt Nam đã tham gia để giới thiệu về Việt Nam, một đất nước mà nhiều quốc gia trên thế giới lúc đó hầu như ít biết đến. Công ty tôi làm lúc đó được mời đi cùng để nhân tiện đem mặt hàng truyền thống của đất nước giới thiệu ra nước ngoài. Trước chuyến đi vài ngày, tôi đã phải đến bên văn phòng du lịch để tập tháo ráp các mô hình trang trí gian hàng ở hội chợ cho quen tay vì nhiều mô hình lớn phải cắt rời từng phần rồi sau đó khi đến nơi mới ghép lại. Phần chuẩn bị hàng hóa đi hội chợ của công ty thì có bộ phận Cửa hàng, Phòng Kế hoạch và Sản xuất lo. Sau đó hàng được đóng gói và vận chuyển bằng tàu thủy vì hàng cồng kềnh và khá nhiều. Không giống như ngày nay, những năm trước 90 hàng sơn mài mỹ nghệ thường là mẫu mã truyền thống, cổ điển và được làm bằng sơn ta, màu sắc đa phần là tối, sử dụng rất nhiều vàng bạc, ốc xà cừ để làm cho nổi bật.

Đến sân bay Kuala Lumpur

Đoàn đi gồm 8 người, phía du lịch và công ty LS là 6 người, cùng 2 anh em của một cô Á hậu Việt Nam. Em gái tôi từ Úc về thăm Việt Nam mấy tuần và thời gian tôi đi Mã Lai, em cũng sẽ bay về Úc, em đã nói "Kuala Lumpur lúc ấy là thiên đường shopping". Em hẹn gặp tôi lúc máy bay transit tại Kuala Lumpur để hai chị em cùng đi mua sắm.
Đúng là lần đầu mở mắt nhìn thấy xứ người, cái gì cũng lạ lẫm. Đến sân bay Kuala Lumpur, tôi đã ngẩn ngơ vì sự hiện đại to lớn của nơi này, dù lúc ấy đó là phi trường cũ. Những gian hàng Duty Free sáng choang ánh đèn, bóng lộn và đẹp mắt. Tôi đã không dám bước chân lên cầu thang cuốn vì sợ ngã. Khi xe đưa vào trung tâm thành phố, lại càng ngẩn ngơ vì quá đẹp và hiện đại. Đoàn ở trong một khách sạn gần một trung tâm thương mại. Ổn định chỗ ở xong, chưa làm gì tôi đã tìm đường đi ra khu thương mại để xem và thực sự là lóa mắt. Vẫn không quên cảm giác đầu tiên đó. Ra đường nhiều người Mã Lai đã hỏi tôi từ đâu đến, có phải là Nhật Bản không. Khi tôi trả lời tôi là người Việt Nam, có người ngạc nhiên hỏi: Việt Nam ở đâu? Nghe cũng kỳ lạ, vì đâu phải xa xôi gì, nhưng lúc đó chưa được quảng bá rộng rãi, nhiều người không biết Việt Nam ở đâu thật.
Buổi tối ấy có một công ty tài chính Mã Lai mời chúng tôi đi ăn cơm. Bà chủ tịch đã nói một câu mà tôi còn nhớ: "Trước 1975, tôi có qua Sài Gòn, lúc ấy ở Mã Lai chúng tôi chưa có đèn đường bằng điện thắp sáng mà là đèn dầu. Tôi đã đứng nhìn Sài Gòn mà khóc vì không biết đến bao giờ đất nước chúng tôi mới đuổi kịp sự tráng lệ như Sài Gòn lúc đó. Bây giờ thì phải hơn 20 năm nữa Sài Gòn mới có thể được như Kuala Lumpur ngày nay."
Sáng hôm sau đoàn chúng tôi đến thăm đại sứ quán Việt Nam tại Mã Lai. Sau đó ra hội chợ để nhận gian hàng, trang trí gian hàng và sắp đặt hàng hóa. Một ngày mệt đừ vì phải tháo hàng từ các kiện hàng chở đến bằng đường thủy, rồi lau chùi, sắp xếp.


Gian hàng Việt Nam

Ngày khai mạc, rất tưng bừng rộn rã. Các quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương tham dự hội chợ được treo cờ của nước mình từ ngoài cửa trung tâm. Một chùm bong bóng vĩ đại có đến ngàn chiếc đủ màu được cột giữa nơi cử hành lễ khai mạc. Khi cắt băng khai mạc, chùm bong bóng được thả lên trời trong tiếng hò reo của hàng nghìn người tham dự. 
Gian hàng Việt Nam được rất đông người đến xem. Chúng tôi có bày 2 bình soie cẩn ốc xà cừ cao 2 mét. Vì vận chuyển khó khăn nên chúng tôi chỉ đem loại này chứ ở cửa hàng chúng tôi có nhiều bình cao đến 3 mét. Các bình soie, tranh ảnh lớn sau đó đã được một tỷ phú Mã Lai mua.
Buổi trưa, lúc vắng khách, tôi đi một vòng xem các gian hàng bạn. Mỗi gian hàng là một quốc gia, một sắc thái khác nhau. Tất cả đều mặc quốc phục. Tôi cũng phải mặc áo dài. Hồi đó là áo dài mini, vạt ngắn, cổ thấp, quần ống rộng. Nhiều gian hàng nước bạn trưng bày lạ mắt, rất đẹp. Vì chủ đề là giới thiệu du lịch chứ không phải là một hội chợ thương mại nên đa số các gian hàng là từ các hãng hàng không như Ansett, Garuda, hoặc các resort, khách sạn của các nước đến. Họ đã chuyên nghiệp trong việc tham dự hội chợ quốc tế, còn chúng tôi là lần đầu, rất nhiều bỡ ngỡ. Sau này, đi dự các hội chợ ở Mỹ, tôi mới hiểu vấn đề không phải chỉ có hàng là chưng bày ra và chưng sao cũng được mà cần phải biết cách thiết kế không gian và trang trí sao cho thoáng, bắt mắt. Trong một số hội chợ thương mại tham dự cùng với các công ty trong nước, lúc đó tôi thấy hình như mọi người đều có một suy nghĩ là hàng có bao nhiêu chưng bày bấy nhiêu, càng nhiều càng tốt mà không biết rằng chỉ làm rối mắt người xem. Có nhiều loại hội chợ: theo chuyên đề hoặc tổng hợp, theo loại và ngành hàng. Hội chợ bán sỉ khác hội chợ bán lẻ. Hội chợ dạng Exhibition thường là giới thiệu sản phẩm, mặt hàng mới.

Gian hàng của South Australia - Cùng với cô người mẫu Úc.
Miss Áo Dài Việt Nam cùng chú Kangaroo, biểu tượng của xứ Úc
Đến với Marco Polo Holidays, gian hàng của Hồng Kông
Welcome to Pelican, Australia!

Tôi không nhớ lúc tôi chụp bức hình ngồi câu cá với chú pelican là ở gian hàng nào nhưng tôi rất thích. Có lẽ là một gian hàng nào đó trong khu vực Úc châu vì loại bồ nông của Úc có lông màu đen và trắng, mỏ màu hồng, khác với những loài bồ nông Bắc Mỹ lông màu trắng. Theo truyền thuyết vùng Queensland thì con vật này xưa kia có màu đen, thường cứu người bị đắm trong những trận lũ lụt lớn. Có lần cứu được một cô gái, nó đem lòng yêu, nhưng bị cô gái và người tình của nàng gạt bỏ trốn. Con vật mới nhúng mình trong đất sét trắng để rượt đuổi theo đôi tình nhân kia, nhưng không may, chưa nhúng hết cả mình thì có một con pelican khác lại tưởng nó không phải đồng loại nên đã dùng mỏ cắn nó đến chết. Từ đó pelican xứ Queensland có lông hai màu. Con vật bắt cá giỏi này có thể dài đến 1.90 m, cánh xoãi rộng hơn 3 m, là chủ đề cho nhiều câu truyện thần thoại và là hình ảnh khá phổ biến của nhiều quốc gia.


Gian hàng New Zealand

Còn đây là gian hàng New Zealand, một quốc gia hải đảo tuyệt đẹp ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương. Gian hàng này thiết kế ấn tượng với hai cột mang hình ảnh đậm nét mỹ thuật thổ dân, vì dân cư New Zealand ngoài đa số là người gốc châu Âu thì thiểu số đông nhất là người Maori, một số khác gốc Polynesia và châu Á.

Damai Beach, Kuching, bang Sarawak, Malaysia

Kế tiếp là một gian hàng của Mã Lai đang giới thiệu bãi biển Damai ở Kuching, thủ phủ của bang Sarawak trên đảo Borneo thuộc Đông Mã Lai. Kuching là thành phố đông dân nhất của bang Sarawak và xếp thứ 7 Mã Lai. Biệt danh là "Thành phố Mèo". Trong tiếng Mã Lai, "Kuching" được dịch là "Mèo", vì có số lượng mèo ở đây rất đông so với những thành phố khác, đến nỗi có nhiều tượng Mèo và Bảo tàng Mèo Kuching. Nhưng gần đây thì có lẽ hình ảnh Mèo được xây dựng chỉ để thu hút du khách.
Còn đây là gian hàng Singapore rất xanh mát với hình ảnh công viên sinh vật và vườn thực vật. Có lẽ lúc ấy Singapore chưa có vườn chim Jurong và đảo Sentosa với bảo tàng sáp, công viên nước nổi tiếng như ngày nay.

Gian hàng Singapore với hình ảnh Bird Park và Ecological Gardens
Perdana resort ở Kelantan, một bang phía Đông Bắc của Malaysia
Gian hàng của hãng hàng không Garuda, Indonesia

Queensland, Đông Bắc lục địa Úc châu
Welcome to Melbourne, Australia

Một trong những sự đau khổ của tôi trong những ngày hội chợ là vì mặc áo dài, mang giày mà đôi gìay mới mua lúc ấy là made in Vietnam. Tôi đã bị sưng phồng hai chân, đau không đi nổi. Buổi tối tôi phải ra trung tâm thương mại mua luôn hai đôi giày da, giá mỗi đôi là 300 Ringgit, tương đương 100 USD lúc đó. Có lẽ nhờ vậy mà tôi phát hiện ra rằng Mã Lai sản xuất hàng da rất đẹp và tốt. Khi mang vào thật lạ kỳ, chân tôi như dịu đi, nhờ vậy mà tôi mới trụ được suốt 2 ngày hội chợ tiếp theo và nhiều ngày đi đường tham quan thành phố sau đó. Vậy là tối nào tôi cũng ra trung tâm thương mại ấy để mua sắm. Có rất nhiều mặt hàng đang sale off. Tôi đặc biệt chú ý đến hàng da. Nhiều ví cầm tay đã giảm giá chỉ với giá 5 USD, da rất đẹp. Tôi đã mua về tặng bạn bè, gia đình. Nhiều năm sau những cái ví da này tôi vẫn còn dùng được.

Shopping
Tham quan xưởng làm khăn quàng tại Mã Lai


Qua 3 ngày hội chợ, công ty chúng tôi tách riêng để đi tìm hiểu thị trường. Một công ty Mã Lai mời chúng tôi đi thăm công ty của họ, ở một tỉnh khác, tôi không nhớ tên, chỉ biết đi bằng xe cũng khá xa, nửa ngày đường và đó là một tỉnh nhỏ, khác hẳn với thủ đô Kuala Lumpur tráng lệ.
Tôi làm quen với một cô bé nhân viên của công ty ấy. Cô bé tốt bụng dẫn tôi đi shopping tiếp. Những ngày còn lại là shopping liên tục, như người đang khát nước vậy!
Nghĩ lại chuyến đi  này, tôi vẫn còn nhớ cảm giác của người lần đầu tiên đi ra khỏi cái giếng làng. Vừa ngơ ngác, ngớ ngẩn, thích thú, cái gì cũng thấy đẹp thấy hay, mua sắm điên cuồng vì lúc đó ở Việt Nam chưa có nhiều hàng hóa nhập khẩu như hiện nay, nhiều thứ không có. Những người đi cùng đoàn cũng mua sắm đến hết tiền, đa số họ mua máy móc, hàng kim khí điện máy. Tôi đã mua chiếc máy ảnh đầu tiên ở đây, hiệu Olympus, lúc đó dùng pin và phim Kodak. Không hiểu sao, sau này vô tình tôi cũng có một máy ảnh kỹ thuật số hiệu Olympus. Năm 2005, khi trở lại Mã Lai, lúc đó Việt Nam cũng đã phát triển và có nhiều trung tâm thương mại, hàng hiệu, muốn mua gì cũng có, đi nước ngoài tôi không còn sự hào hứng mua sắm như lúc trước nữa. Riêng về hội chợ quốc tế thì từ năm 2001 trở về sau tôi đã được tham gia các hội chợ lớn ở Mỹ, Thụy Sỹ, Đức, Hồng Kông ... nên mới thấy cái hội chợ ở Mã Lai mà mình được tham gia đầu tiên chỉ thuộc loại nhỏ dành cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Lần ấy, Du lịch Việt Nam có lẽ đã thành công trong việc giới thiệu các điểm du lịch của đất nước. Còn chúng tôi thì bán hàng sơn mài rất được, sau 3 ngày đã bán hết hàng để về tay không. Sau dịp này, nhiều đoàn Mã Lai đã qua Việt Nam. Sơn mài là một trong các mặt hàng truyền thống được họ ưa thích. Có lần chúng tôi đã được hân hạnh tiếp đoàn Hoàng gia Mã Lai.



Tháp đôi Petronas Towers

 Trong những bài tới tôi sẽ mời các bạn cùng đi các hội chợ quốc tế khác. Riêng Mã Lai thì tôi đã có dịp trở lại trong chuyến tour Singapore và Mã Lai. Sau 20 năm, Mã Lai lại càng phát triển vượt bực hơn nữa. Đến Kuala Lumpur bây giờ là sân bay mới, trung tâm hành chính mới, tòa Tháp đôi Petronas Towers cao 88 tầng, cao nguyên Genting tuyệt đẹp... Lần này đi du lịch nên được đến nhiều thành phố, tham quan nhiều địa danh, hấp dẫn hơn!

NGUYỄN DIỆU TÂM

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

THƯ CHO BẠN : Lưu Xá Trinh Vương và Kỷ Niệm Một Thời

Các "tí" bạn Lệ Hồng, Ngọc Lan và Lima thân thương,
Hôm qua trên nhiều con đường, màu đỏ hoa phượng thật rực rỡ báo hiệu cho mùa hè đã đến. Những ngày thi đại học vừa qua tuần trước, bây giờ là lúc học trò được nghỉ học và tận hưởng mùa hè, như chúng mình ngày nào năm xưa.

Phượng vỹ mùa hè trong sân trường Marie Curie

Mình đã đi qua trường đại học Văn Khoa, đứng tần ngần trước cổng trường xưa một lúc. 39 năm trước, lúc đó cũng đang là mùa hè. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chúng mình đã kéo nhau từ Quy Nhơn vào Sài Gòn tìm trường thi. Đây là ngôi trường đầu tiên Hồng và mình đã học để lấy bằng Dự bị Văn Khoa, với ban Việt văn là bằng Văn chương Quốc âm trước khi thi vào Đại học Sư Phạm. Khu giảng đường ngày nào cũng không còn. Bây giờ trường đã xây mới khu bên trái và trở thành trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Ban đêm, trường là nơi mà sau này mình vẫn đến để học thêm ngoại ngữ tiếng Đức và dự định tiếp sẽ là tiếng Nhật.
Nhớ những giờ học ở giảng đường ngày ấy đông nghẹt sinh viên mà nhiều thầy cô mình không thấy được mặt vì hay ngồi xa và trong góc phòng. Lúc đó ngoài những môn Việt văn, còn được học chữ Hán, rất nhiều môn học lạ lẫm so với thời trung học và phải bù đầu mới học nổi. Thời đó chưa có Internet nên mọi chuyện sưu tầm tài liệu đều phải vào thư viện. Đôi khi không tìm ra như trong giờ học Văn học dân gian truyền khẩu, mình nhớ rất vất vả vì đi tìm nguyên tác cuốn Phạm Công Cúc Hoa, có lẽ đã được xuất bản đâu tận những năm 50, 60. Cuối cùng mình đã phải nhờ người bạn gốc Hoa vào Chợ Lớn tìm trong những hàng bán sách cũ khá cực khổ mới có được .

Một góc trường ĐH Văn Khoa cũ

Từ Đinh Tiên Hoàng, mình đã rẽ trái về phía Nguyễn Đình Chiểu ( xưa là Phan Đình Phùng ), về lại lưu xá Trinh Vương - 23 bis Lê Quý Đôn, Q. 3, nơi chúng mình từng trọ học trước 1975.
Như một người từ nơi rất xa trở về lại chốn cũ, mình đã đứng bên góc trái khá lâu phía trường trung học Marie Curie dưới tàng cây phượng vỹ hoa đang nở đỏ rực để nhìn qua phía tòa nhà 5 tầng, nơi mà ngày ấy có đến trăm nữ sinh và sinh viên các trường đại học Luật, Văn khoa, Marie Curie từ các tỉnh miền Trung như Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng vào trọ học. Còn nhớ giá phòng trọ kể cả tiền phòng và ăn 2 bữa chính lúc ấy là 18.000 đồng/ người. Bốn đứa chúng mình ở cùng một phòng. Thời đó mỗi tháng ba mình gửi vào cho con gái 22.000 đồng, số tiền tương đương lương tháng của chị hai của mình ra trường đi dạy tiểu học Mai Xuân Thưởng, Quy Nhơn. Và với số tiền này lúc ấy, mình biết chỉ có con nhà khá giả mới ở được nơi đây mà cha mẹ cũng đã phải cố gắng rất nhiều vì nhà con đông. Đóng tiền ăn, ở xong, còn thừa là tiền ăn quà vặt. Mình không biết các bạn có để dành được chút ít tiền không chứ với mình, hình như không tháng nào dư! Đến lúc thi đậu vào Đại học Sư phạm rồi được tiền học bổng 3.000 đ/tháng, mình có thêm tiền may áo dài mặc đi học. Tính ra tiền hồi đó cứ mỗi bộ áo dài lụa tơ Hồng Hoa là 1.500 đồng / bộ. Trọ học ở đây khá lý tưởng vì yên tĩnh và phòng trọ sạch đẹp không thua khách sạn. Có lần bà chủ nhà tăng giá tiền, chúng mình đã rủ nhau dọn qua Trương Minh Giảng ( Lê Văn Sỹ bây giờ ), giá rẻ hơn nhưng chỉ 2 tuần sau lại kéo nhau chạy về chỗ cũ vì chỗ trọ mới nằm ngay đường lớn ồn ào suốt đêm không ngủ được. Đêm nào cũng vậy, xe chạy rần rần ngoài đường hầu như suốt ngày, chỉ tạm yên ắng từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Lại chưa kể đến cái màn buổi sáng sắp hàng chờ toilet! Sao bằng ở 23 bis Lê Quý Đôn phòng tụi mình có toilet riêng? Vì vậy suốt thời gian từ lúc đậu Tú tài II rồi vào Sài Gòn học cho đến 1975 chúng mình đâu thể dọn ra chỗ khác nữa, cứ ở đó khi thì tầng 3, khi tầng 5...

Lưu xá Trinh Vương

Nơi đây tràn ngập kỷ niệm khó quên phải không các bạn? Ngày đó vì là lưu xá nữ nên cứ đến cuối tuần dưới sân dập dìu nam thanh nữ tú. Bà chủ nhà xuất thân từ trường dòng nên đặt ra quy định nghiêm nhặt cho sinh viên ở trọ. Đêm cứ đến 9 giờ tối là đóng cửa. Không về kịp thì ráng mà chịu. Nhớ nhất là đêm Giáng sinh năm 1973, bốn đứa tụi mình đã theo 4 ông : anh S, anh L, H cận và anh Th. đi boum về còn ghé nhà anh S ăn réveillon quá giờ giới nghiêm bị hốt vào bót Lê Văn Ken ở bùng binh Quách Thị Trang, gần chợ Bến Thành. Khi được anh L lãnh ra ( vì cảnh sát ưu tiên cho lính ) thì về đến nhà trọ đã gần 4 giờ sáng. Thật là một đêm "over- night" nhớ đời. Không dám gọi cửa, cả bọn ngồi trước cổng chờ, vừa run vì lạnh và cũng vì lo lắng bị bà chủ nhà phát hiện. May sao đến khoảng 5 giờ, bà Năm nấu bếp thức dậy lo nấu nướng, mừng rơn, ló đầu vào hàng rào gọi nhỏ. Bà Năm mở cửa, tụi mình đã rón rén leo lên lầu từng em một. Vào đến phòng hú hồn hú vía, coi như thoát nạn! Nhưng nhờ kỷ luật như vậy mà các cô sinh viên mới sợ và cha mẹ có đem con đến gửi ở đây cũng đỡ lo chuyện các cô "over night" phần nào.
Ở đó, những con đường quanh khu lưu xá đều trở nên rất thân quen với chúng mình. Bên hông tay trái là đường Ngô Thời Nhiệm dẫn ra chùa Xá Lợi, nơi có hàng chè đậu đỏ bánh lọt ngon mê hồn. Hình như tối nào tụi mình cũng phải dẫn nhau ra đó ăn một ly chè rồi về mới ngủ được. Ôi bây giờ mà nhắc đến ly chè đậu bùi bùi ngọt lịm thơm mùi dầu chuối, bánh lọt dai dai giòn giòn, nước dừa béo ngậy, trộn với nước đá bào, vẫn không quên nổi! Lan nói tí chủ dọa họ bỏ á phiện, mình thấy hình như ở đâu ăn uống mà có khách đông, người ta cũng hù như vậy đó! Tụi mình ăn quá trời mà có sao đâu?

Con đường Lê Quý Đôn, Q. 3

Trước mặt, con đường Lê Quý Đôn và những con đường chung quanh lúc đó đa phần là những biệt thự kín cổng cao tường. Trong những khu vườn buổi tối đi ngang qua ai cũng có thể cảm nhận được mùi hương ngọc lan thơm ngát tỏa ra sang trọng và quyến rũ. Mùa mưa đến, những hàng cây sao lá xanh hơn, đẹp hơn. Đến mùa hoa nở, những cánh hoa hình ngôi sao màu trắng nở bung rơi xuống phủ kín mặt đường, sau đó là trái sao màu nâu bay trong gió xòe ra rơi từ trên cao xuống như chong chóng quay mà mình đã rất thích. Có lần mình còn nhìn thấy có mấy con sóc nâu nhỏ chui ra chui vào các hốc cây ở đó nữa. Bên cạnh lưu xá là một tòa dinh thự của người Ấn Độ, có sân rộng trồng nhiều loại cây to và vườn cỏ xanh. Buổi tối đi dạo mỏi chân mà chưa muốn về phòng, chúng mình hay ngồi bên hàng rào nói chuyện. Sao mà nói hoài không hết chuyện vậy chứ! Chuyện học hành, chuyện bồ bịch, chuyện bạn bè v.v...
Mình nhớ mỗi ngày Chủ nhật, Lan ăn mặc thật đẹp để đi nhà thờ. Lúc đó Lan hay mặc áo đầm màu trắng, đẹp như cô tiên! Nàng Hồng thì lúc nào cũng xinh tươi như bông hoa hàm tiếu, không bao giờ thấy buồn. Còn Lima thì hay dẫn tụi mình đi may đồ. Rồi lúc Lima học ĐH SP Kỹ Thuật, bạn đã dạy làm thú nhồi bông. Mình còn nhớ mình làm được một con gấu với chùm hoa vải ôm trước ngực, rồi một con Kangaroo rất dễ thương, có cái túi ở bụng đựng con nữa. Mình đã đố các bạn con Kangaroo có túi đựng con là đực hay cái. Mình thích con vật này vì thú vật mà cũng biết phân chia trách nhiệm, vợ mang nặng đẻ đau thì chồng phải gánh vác lo cho con! Còn con người, có khi ... không bằng đó các bạn nhỉ!

Gặp lại nhau sau 37 năm lưu lạc

Lima nấu ăn, làm bánh, may đồ rất khéo. Sinh nhật mình, Lima lui cui làm bánh bông lan có kem, rồi tụi mình mời các bạn phòng bên như Quỳnh Trâm, Thuận, Như, Phượng còi, Thanh Mai v.v... qua ăn tiệc. Thật vui!
Nhắc đến Trâm, nhớ nhất mái tóc đen dài và khuôn mặt đẹp thánh thiện của cô nàng. Thời đó, những chuyện tình như Love Story của Erich Segal, Romeo & Juliette của Shakespeare được quay thành phim, rồi nhạc Love Story, A Time For Us đang là "hit". Mọi người đã ví chuyện tình của Trâm y hệt ... Romeo và Juliette vì hình như hai gia đình cũng có mâu thuẫn thế nào đó đã ngăn cản không cho hai trẻ đến với nhau. Những lúc nhìn Trâm xõa mái tóc dài bên ban công, cứ y như nàng Juliette đang chờ Romeo leo lên hò hẹn! Rồi Huệ "tây", đẹp như Tây lai. Cặp Thuận - Như bạn thân và cũng là chị dâu em chồng tương lai... Cả một tòa nhà 5 tầng chứa gần 100 nữ sinh viên ấy lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui. Những bữa ăn cứ "repeat" nhiều món mà Hồng hay nhăn mặt "Hôm nay lại ăn món đậu hủ ... thắt ceinture!" Vì vậy mỗi lần có ai từ Quy Nhơn vào, nhà gửi cho món thịt mặn hay thịt chà bông là sang lắm!
Ngay tầng trệt có một cái chuông. Mỗi lần có khách, bấm chuông thì ai ở tầng nào sẽ được loa gọi tên thông báo. Khách nam hay nữ đều phải tiếp ở phòng khách, không được dẫn lên phòng. Nhìn vào phòng khách có khi thấy toàn cặp ngồi nói chuyện trước bao nhiêu con mắt nhìn, trông "quê" chịu không nổi. Có lần bạn trai đến thăm mình lần đầu, đứng dưới nói chuyện mà không dám ngước nhìn lên lầu, vì biết sẽ có nhiều con mắt nhìn xuống xem xét, chấm điểm... Cũng nhớ cả lần anh Th. đang học Võ bị Đà Lạt, con trai út của một bà bạn của mẹ ở Phan Thiết, vào Sài Gòn chơi, anh đến thăm thì sau đó mình bị các bạn truy vấn tới tấp: Tí nào mà ...đẹp trai thế? - À, con bạn của má mình. Hôm sau anh Th. lại đến: Tâm có thuốc cảm không cho anh 1 viên. Các bạn biết lại ré lên: Mắc cười chưa, ở đâu tự dưng đến cái xin thuốc cảm hà! ... Sợ đám con gái ồn ào, sau đó anh trốn luôn. Có cả lần một nhóm con trai ở đâu cũng đến xin trọ, lúc đó không hiểu sao tí chủ cũng cho, hình như vì phòng đang trống. Trời à, mấy người này bỗng trở thành con nai hết, đi đâu đi túm tụm với nhau, ăn cũng ngồi chung với nhau, mà vẫn bị cả đoàn nữ binh xúm lại chọc ghẹo, chưa được 1 tháng nhóm con trai ấy giã từ lưu xá, đi luôn không dám hẹn ngày tái ngộ.
Lúc đó chỉ có mấy ông lính là "chì" thôi, không sợ, chứ các anh chàng sinh viên trẻ thì "rét" cái lưu xá nữ này lắm. Không biết anh L có nhớ không chứ có lần anh rủ mình đi xi nê, mình nói sẽ đi, với điều kiện là anh phải mua vé cho hết cả 4 đứa. Nghe vậy, anh ... nín luôn, hết dám rủ! Thỉnh thoảng nhóm anh T đi lính về phép, ghé lưu xá bằng xe Zeep, ông anh này hào phóng, thường chở hết mấy nàng đi ra La Pagode - góc đường Lê Thánh Tôn - Tự Do ( Đồng Khởi bây giờ ) uống café, nghe nhạc Pháp thịnh hành thời bấy giờ hát bởi những danh ca như Francoise Hardy, Christophe, Adamo v.v... Có lần anh về khuya, hơi có men rượu, đi đâu không biết lại chạy xe Vespa đến lưu xá mà đứng dưới đường réo tên Tâm. Bà chủ nhà thấy ồn ào đi ra. Anh không chịu về nên bà phải cho gọi mình xuống để năn nỉ anh đi về. Lần đó mình sợ quá giận anh ấy luôn! Nghĩ thật là trẻ con.

Tứ cô nương vẫn ... ăn hàng 37 năm sau!

À mình cũng không biết các bạn còn nhớ xe bánh mì gà không? Lúc đó ở Tân Định có mấy xe bánh mì gà nổi tiếng Ba Lẹ, Bé Bự ... gì đó, nhưng mình chỉ thích bánh mì gà của một người hay đẩy xe đi ngang qua lưu xá vào mỗi buổi sáng. Ổ bánh mì nhỏ, luôn nóng giòn, bên trong bà cho chà bông gà và ít đồ chua, sao mình ăn thấy ngon lạ kỳ. Nhớ đến bây giờ và hình như từ đó đến nay mình chưa ăn lại ổ bánh mì gà nào mà ngon như thế cả. Còn có món ăn gì của mấy ông lính như cơm gạo sấy, đổ nước sôi vào là thành cơm rồi tụi mình đem chiên lên. Ăn cũng thấy ngon. Hay là cái gì mình ăn lúc nhỏ cũng ngon hơn bây giờ? Thắc mắc ghê!
Ngày ấy tụi mình không có chụp hình chung bốn đứa. Mình chỉ còn mấy tấm hình lúc về ăn Tết Quy Nhơn với gia đình, mặc áo mousseline màu xanh lá cây, quần patte màu vàng may ở ông thợ may trong đường Kỳ Đồng thôi. Tụi mình đứa nào cũng đến đó may, kiểu cũng na ná giống nhau. Đó là thời áo lửng ngắn ngang eo, quần ống chân voi ( tiếng Pháp là patte d'éléphant ), ống càng rộng càng "mô đen"! Cái ống quần này đến bây giờ mình thấy cứ túm vô rồi rộng ra, lui tới cũng nhiêu đó, mà nghĩ quần ống túm gọn hơn rất nhiều. Nhưng lúc đó đang là mode nên cũng khoái ống rộng. Về nhà, nhìn thấy quần ống rộng ba mình ghét lắm, đòi .. lấy kéo cắt, phải cầu cứu với má!
Riêng chuyện tình cảm riêng tư của mỗi người thì mình không biết các bạn dấu kỹ như thế nào, ngoài mặt mình không hay. Vậy thì mình chỉ kể những gì mà mình thấy và biết. Còn chuyện tình yêu thời mới lớn ấy của bạn nào bạn đó tự kể đi nha. Biết người nào cũng có người yêu là lính. Chỉ thấy có anh S hay đến đón Lima đi học, đi chơi. Còn có một anh bạn làm việc ở sân bay TSN, gần nên thường đến thăm mình gần như mỗi ngày. Hai anh này áp dụng cách huýt gió - mỗi người huýt một kiểu để khỏi nhầm, sau đó người nào nhận ra đó là bạn của mình thì cứ tự động lặng lẽ lội bộ xuống 5 tầng lầu. Cách này dùng để các anh khỏi phải vào thưa trình với bà chủ nhà rồi mới cho bấm chuông gọi xuống, mất công!
Bây giờ, sau 37 năm lưu lạc, người bay qua tận xứ Kangaroo là Lệ Hồng, kẻ trôi đến đất Phù Tang, là Ngọc Lan, hai đứa còn lại ở Sài Gòn - Lima và Tâm, cũng ít có dịp gặp nhau, tháng 4 vừa rồi là lần đầu tiên sau 37 năm bốn đứa được gặp lại nhau trong chuyến đi về Quy Nhơn. Dĩ nhiên là nhắc rất nhiều những kỷ niệm của hơn 37 năm về trước. Những người từng đứng dưới đường ngó lên lầu 5 "huýt gió" ngày ấy sau 1975 đã lưu lạc qua xứ Cờ Hoa, cũng có quay về thăm lại người xưa. Gặp lại, các quý nhân ấy cảm khái vì thấy tứ cô nương còn ham ăn ham chơi quá, vẫn còn xí xọn như không chịu cảnh già. Còn các anh thì nay huýt gió hết nổi rồi :-).
Lần đi Quy Nhơn này vui thật là vui, vừa là bạn cũ gặp lại nhau, vừa được về thăm lại quê nhà, trường xưa, bạn cũ. Những hồi ức đẹp mình đã ghi lại trong bài ký Quy Nhơn Ngày Trở Lại.



Thắng cảnh Hầm Hô trong chuyến đi Quy Nhơn tháng 4. 2012

Lần đi này có được một người "lạ" với các bạn nhưng đã cùng làm việc với mình gần 10 năm, xin đi theo làm "gạc đờ co" ( garde-corps ) nên cũng đồng ý duyệt đơn. Anh ta to con, cao 1.99 m, nặng hơn 100 kgs, Judo đai đen, biết bắn súng, bơi giỏi,  nên đi đường, cả đoàn rất yên tâm. Đặc biệt lúc đi chơi Hầm Hô, đoàn chia nhau trong 2 chiếc xuồng, nàng nào cũng sợ không dám ngồi chung xuồng với anh ta, sợ bị ... chìm. Chỉ có tí Lan và Tâm vì không còn chỗ đã lấy hết can đảm leo lên cùng xuồng với chàng, ngồi mà nín thở mỗi khi xuồng chòng chành. Xem lại hình, thấy xuồng luôn có vẻ nghiêng nặng về phía anh chàng ta. Nhưng thật ra, vì hiểu chàng võ nghệ cao cường, nên mình cũng yên tâm lắm đó.
 Để tận hưởng lại cảm giác thời còn trọ ở lưu xá Trinh Vương, bốn cô nương kỳ này cũng chen chúc với nhau trong một phòng. Vui thật là vui. Đêm không ai muốn ngủ để chỉ nhắc đến chuyện ngày xưa.

Bốn con mèo ngày ấy, bây giờ (2012)!

Gặp nhau tại Sài Gòn


Đã đi qua gần hết cuộc đời, có lẽ chúng ta đều nhận thấy thời kỳ đẹp nhất của mình là thời học trò. Và những người bạn hồn nhiên nhất là những người bạn từ tuổi học trò. Mình thường cảm thấy rất tiếc nuối giai đoạn đó. Có phải vì vậy mà khi đã lớn tuổi, mình vẫn còn thích đến trường học. Học ngoại ngữ, học thiết kế đồ họa, Corel Draw hay Photoshop, gì cũng được miễn là được ngồi trong lớp học. Mới hiểu vì sao có nhiều người lớn tuổi vẫn còn thích đến trường như mình. Vì chỉ ở không gian đó, họ mới thấy mình được sống vô tư và bình yên, không bon chen tranh đua với đời.

Bạn cũ thời trung học gặp lại - Tháng 4. 2012

Mình cũng không biết trên đời này có ai sống mà không cần có bạn? Từ đứa trẻ con mới chập chững biết đi, chúng đã rất vui khi gặp một đứa bé đồng tuổi, đến một người già cần có bạn cùng nhau đi chùa, tập dưỡng sinh, hoặc trò chuyện, chia sẻ với nhau về kỷ niệm, kinh nghiệm đã trải qua, về gia đình, con cháu.
Có bao giờ bạn thử làm một định nghĩa về chữ BẠN? Vì sao có những người bạn mà ta rất quý mến, những người bạn mà ta sung sướng khi nghĩ rằng đó mới là bạn của mình?
Cũng có những người bạn, nhưng không phải là bạn, vì không chia sẻ được những tâm tình mà còn làm cho mình phiền lòng. Các bạn có thấy như vậy không?
Mình không bao giờ đòi hỏi bạn phải làm gì cho mình, cũng không nhất thiết bạn phải thế này thế kia theo ý mình được. Bạn có thể có những tính nết khó khăn, nghiêm trang hay nghịch ngợm, tếu táo, có khi “vô ý” nữa, nhưng xin đừng bắt bẻ bạn, mà hãy lựa lời khuyên nhủ bạn nếu những sự vô ý đó có thể làm mất lòng người khác. Cũng xin đừng ganh tỵ với bạn nếu bạn có thể “hơn” mình ở một hay nhiều điểm nào đó. Hãy luôn tha thứ cho bạn nếu bạn lỡ làm mình buồn lòng, vì có thể điều đó có nguyên nhân. Trong tiếng Anh có câu "A friend in need is a friend indeed" ( Một người bạn thật sự là người bạn có mặt khi ta cần ), mình thấy đúng nhưng nếu phân tích chữ "in need", thì cũng không hẳn là đúng, vì như vậy là có "đòi hỏi". Biết thế nào là "in need"? "Need" cái gì ở đây? Người ấy đòi hỏi nhiều quá thì sao?
Theo mình, bạn là người mà mình có thể chia sẻ buồn vui. Đôi khi là một sự giúp đỡ tận tình nhưng không đòi hỏi nếu mình là người có điều kiện để giúp. Trường hợp mình trong vai người được giúp, đừng bao giờ quên ơn bạn, đừng bao giờ lừa dối, gạt gẫm hay lợi dụng bạn. Một người bạn dẫu ở xa, nhưng mỗi lần nghĩ đến người ấy làm cho tâm hồn mình ấm áp, nhẹ nhàng, biết yêu đời, biết sống hơn, sẽ cần thiết hơn. Ngày nay thì phương tiện liên lạc cũng dễ dàng hơn xưa nhiều, chỉ cần một vài phút trò chuyện qua điện thoại, chat qua Face Book, Skype, Yahoo hay những lời tâm tình qua email, mình thấy cũng đủ rồi.

Tâm & Ngọc Lan - Angkor Wat 2011
Tâm và Ngọc Lan ở đảo Koh Larn, Pattaya - Thái Lan 2011

Và hạnh phúc, là thỉnh thoảng được gặp lại nhau, có thể mỗi năm, hai hoặc ba năm, có khi lâu hơn. Một khi tình cảm đối với nhau thật trong sáng, vô vụ lợi, thì mãi mãi ta vẫn còn bạn.
Như thế, mình nghĩ rằng khi những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu vẫn còn, gặp lại nhau tình cảm giữa chúng ta vẫn còn, đó là tình bạn thật sự. Mong sao cho đến 10 năm sau, thậm chí 20 năm sau, mỗi lần gặp lại nhau chúng mình vẫn luôn cười vui như thế!

NGUYỄN DIỆU TÂM
Mùa hè 2012

NHỮNG TẤM ẢNH NGÀY XƯA VỪA TÌM LẠI ĐƯỢC ( Do Hồng Phượng cung cấp )

Lưu xá Trinh Vương xưa ( vào năm 1974 )
Bà chủ lưu xá TV và một số sinh viên trọ học
Quỳnh Trâm đàn piano cho các bạn nghe
Dung ( áo sọc ), Minh ( áo hoa vàng ), Phượng, Lima, Hồng, Tâm

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

THOÁNG NHÀN DU MÙA HÈ

Sáng hôm nay ra khỏi nhà, trời đẹp làm tôi nhớ đến câu thơ của Hồ Dzếnh: 
"Trời không nắng cũng không mưa, 
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung"! (*)
....
Hẹn với nhóm bạn ĐH Sư Phạm Sài Gòn trong khu Mỹ Kim, Phú Mỹ Hưng - đến phúng điếu ông cụ bố vợ một "tiên ông" trong động tiên Việt Hán. Chúng tôi gặp nhau lại nhắc đến chuyến đi Gò Công rất vui hôm cuối tháng 4. Lần này có mặt 6 tiên bà. Bên phía tiên ông thì ngoài nhân vật đang đóng vai nghĩa tế - tên tiên là Lưu Thần, có mặt thêm ba ông, một đi lạc trần gian lâu ngày nay mới tìm lại được đường về động tiên, một Tiên Ca ( hay đàn hay hát năm nào ), một biệt danh "Hoàng Cóc" - thời sinh viên làm văn nghệ anh đóng vai Nguyễn Triệu cùng Lưu Thần lạc chốn Thiên thai, nay sau 35 năm gặp lại, trông anh rất ra dáng "tiên phong đạo cốt" với mái tóc trắng phau như lão Thái Bạch Tinh quân cùng phu nhân trẻ đẹp y như "Hà tiên cô" trong Tây Du Ký vậy. "Tiên cô" mời cả nhóm hôm nào lại đến thăm động Cóc ở Thủ Đức. "Tiên ông" Hoàng Cóc tuyên bố tháng 7 sẽ bao xe cho cả nhóm đi Cai Lậy tìm lại hương xưa ở ngôi làng mà 35 năm trước lớp chúng tôi đã về thực tập 1 tháng trời. Đó là chương trình sắp tới của động tiên Việt Hán.
Khi chia tay, tôi hỏi đường đi đến cầu Tân Thuận chứ không rẽ ra phía Nguyễn Hữu Thọ đi về cầu Kinh Tẻ như lúc đến. Các tiên sợ tôi đi lạc nhưng có lẽ họ quên tôi từng chạy xe gắn máy từ Sài Gòn đi Bình Dương hơn 30 km. Cách đây một tháng, từ studio họa sĩ NTS ở quận 7 đi ra, tôi rất bất ngờ khi thấy có một chợ trái cây và ghe tàu đang neo bến nhộn nhịp ở dưới chân cầu Tân Thuận. Cảnh ghe tàu trên sông thường làm tôi rất thích. Lúc ấy không có thì giờ dừng lại nên tôi phải đi luôn. Lần này tôi nhất quyết phải đến. 
Đây là nơi cập bến các ghe thuyền trái cây miền Tây và miền Đông Nam bộ. Trên ghe chở đầy trái cây, trong lòng ghe là nơi sống của những gia đình, trẻ con chơi đùa, đàn bà nấu cơm giặt giũ. Những chiếc ghe này cứ đi đi về về phiêu bạt như thế trên sông nước, cùng những mảnh đời tha phương.
Không biết có phải đã khá trưa rồi không mà lúc tôi đến không thấy quang cảnh nhộn nhịp như hôm trước đã thấy. Có lẽ sáng sớm lái buôn đã đến lấy hàng cả rồi, chỉ thấy vài người ngồi bán mít, đu đủ, thanh long, dừa, bưởi, thốt nốt ... bên lề đường và ghe thuyền vẫn còn neo bên sông. Giữa sông vài chiếc thuyền đầy ắp dừa từ miền Tây lên đang trôi về phía cầu.



Ghe chở dừa từ miền Tây đến
Ghe chở mít từ Bình Dương lên


Tập trung thành chợ trái cây dưới chân cầu
Chợ trái cây dưới chân cầu Tân Thuận, Q. 7
 
Mua một trái mít. 10.000 đồng một trái mít tố nữ loại nhỏ. Trái mít tôi mua thuộc loại mít dừa, nặng 4 ký, 15.000 đồng một ký. Hỏi cô bé bán hàng mít ở đâu. Cô bé nói "Bình Dương!" Ái chà, vậy là "trúng" rồi. Vì đúng là mít Bình Dương rất ngon. Cô bé kể bán hàng xong tối về ghe ngủ, bán hết hàng thì quay ghe về Bình Dương vào vườn mít lấy tiếp, bảo đảm mít vườn chín tự nhiên rất ngon ngọt chứ không chích thuốc như nhiều nơi vẫn làm.
Nói là làm, cô bé lấy mũi dao khoét một góc cho tôi ăn thử một chút. Múi nhỏ nhưng ngọt và thơm. Đúng là mít dừa. Chở trái mít đi về. Tôi đi theo hướng ra Khu Chế xuất Tân Thuận, rồi vòng qua cầu Tân Thuận 2, qua quận 4 rồi về hướng quận 1.
Một buổi sáng thanh thản vì là ngày thứ bảy cuối tuần. Xe cộ không quá đông trên đường. Đi qua cảng Sài Gòn quận 4. Nơi đây đã hơn 2 lần tôi được đến và lên tàu tham quan. Một lần vào mùa hè năm 2003 khi tàu Europa Cruise ghé bến trong chuyến đưa khách quốc tế du lịch châu Á, tôi ra cảng đón K cùng cha mẹ anh từ Đức đến trên con tàu. Một đoàn hướng dẫn viên du lịch nữ đứng phía dưới chân tàu cầm băng rôn chào mừng "Willkommen in Vietnam". Buổi tối hôm đó tôi đã mời gia đình họ đến nhà ăn cơm cho biết không khí gia đình người Việt Nam. Qua hôm sau, K đã nhiệt tình mời tôi lên tàu ăn sáng. Tàu cập bến cảng Việt Nam mà tôi phải trình passport mới được lên. 


Tàu Europa cập bến cảng Sài Gòn mùa hè năm 2003

Tàu Europa rất lớn và có nhiều tầng. Khách đi tàu phải trả cho chuyến hành trình trong vòng 1 tháng khoảng 40.000 Euro. Lúc đó K đi cùng cha mẹ anh. Khi đến, cha mẹ K đứng trên tầng cao nhìn xuống vẫy tay chào đón tôi. Chúng tôi đi thang máy lên boong tàu. Ở đó là sinh hoạt buổi sáng của giới thượng lưu châu Âu mà trước giờ tôi chỉ thấy qua phim ảnh. Tất nhiên là khi nghe đến tàu cruise, tôi nghĩ đến chuyến tàu Titanic nổi tiếng. Một dãy bàn dài trải khăn trắng, trên bàn cắm những bình hoa lớn rất đẹp. Số hành khách trên tàu khoảng 200 người. Người đang đứng nhìn ra biển, người nằm dài trên ghế trong bộ đồ tắm phơi nắng mùa hè miền nhiệt đới, người khác ngồi trong bàn vừa nhâm nhi thức ăn sáng vừa thưởng thức cảnh sông Sài Gòn. Hết sức bỡ ngỡ vì không biết làm thế nào trước mấy dãy bàn bày gần hàng trăm món ăn sáng phục vụ cho khách từ nhiều nước đi trên tàu, tôi cứ loay hoay không biết chọn món nào. K vừa đi theo tôi vừa hướng dẫn. Cuối cùng tôi chỉ chọn một ít bánh mì và thịt nguội trong lúc K bưng một dĩa đầy thịt nướng và khoai tây chiên cùng nhiều thứ khác. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn với cha mẹ K. Họ rất lịch thiệp và nhã nhặn. Cuộc nói chuyện rất cởi mở vui vẻ. Ăn sáng xong, mẹ K về phòng còn cha K hỏi tôi có muốn đi tham quan tàu không. Vậy là tôi đi với ông. Đi đến đâu ông tận tình giải thích đến đó. Có 3 nhà hàng Pháp, Tây Ban Nha và Ý trong tàu, có rạp chiếu phim, quán bar, khu shopping, v.v... tất cả những giải trí phục vụ cho khách suốt một tháng trời lênh đênh trên biển. K giới thiệu tôi với người thuyền trưởng con tàu. Họ nói với nhau bằng tiếng Đức. Những người thủy thủ, phục vụ tất bật đi lại. Gặp chúng tôi họ chào: Guten Morgen! GutenTag! Wie geht es Ihnen? K hỏi tôi rằng cha anh đã dẫn tôi đi xem những gì, có vào Art Gallery trong tàu không, tôi nói không, K nhăn mặt: Chắc ông ấy khoe với cô phòng La Habana chứ gì? Ông rất ghiền xì gà La Habana!
Lần thứ hai vào cảng Sài Gòn là một đêm Giao thừa đón Tết tây tôi đến dự party mừng đón Năm Mới 2008 trên tàu Fashion TV, lúc đó có chương trình chung kết cuộc thi Miss Fashion TV được tổ chức trên tàu mà chị tôi và các bạn chị muốn xem thử cho biết. 

Con tàu F. Diamond của FTV cập cảng Sài Gòn tối 31.12.2007
Đêm chung kết Miss F TV Diamond Awards tại Việt Nam

Trình diễn áo dài Việt Nam cách điệu
Các người mẫu dự thi FTV Diamond Awards
 
Lần đầu tàu Fashion TV đến nên rất đông người đến dự. Đa số đều muốn đón giao thừa Tết tây trên con tàu Diamond này để thay đổi không khí. Giá vé không rẻ dù bao gồm tất cả ăn uống, xem trình diễn thời trang người mẫu Fashion TV ( 120 USD vào cuối năm 2007 ) nhưng vì đông quá, không xem được buổi trình diễn một cách thoải mái. Mọi người phải đứng chen chúc nhau trong một không gian quá chật chội lại không có người sắp xếp hướng dẫn vị trí. Có người lại dẫn trẻ con theo, khóc la um sùm vì bị chen lấn, xô đẩy. Không có chỗ đứng, rất đông người phải tràn lên tầng 1 và  2, số người đứng phía sau lưng sân khấu càng không thể xem được phần trình diễn của các người mẫu xinh đẹp. Tôi cũng phải tách nhóm bạn của chị để tìm một chỗ ngồi ngay chân cầu thang, vì vậy để bấm được những tấm ảnh "nghiêm túc", cũng khá là khổ vì bị chen lấn xô đẩy đến thô bạo! Nhiều người đã bỏ về trước khi bắt đầu dù chương trình kéo dài đến quá nửa đêm. Phần cuối cùng thật bát nháo, lộn xộn khi MC count down đến giờ Giao thừa, mọi người la hét chúc tụng HAPPY NEW YEAR, rồi tràn lên sân khấu nhảy trong tiếng nhạc ầm ỹ. Đi tham quan tàu thì khá thất vọng vì đó chỉ là một chiếc tàu cũ kỹ và rỉ sét, không có gì để xem dù biết đây chỉ là chiếc tàu đi lưu diễn của FTV chứ không phải tàu du lịch. Phòng ăn thì chẳng còn gì để mà ăn do lượng vé bán ra có lẽ vượt dự tính với phần ăn. Nhiều người cho rằng đó là một đêm  thất vọng đối với khán giả. Từ đó đến giờ không thấy tàu Fashion TV ghé lại nữa.

Saigon bên sông

Qua khỏi cảng Sài Gòn, từ trên cầu Khánh Hội đã thấy bến Nhà Rồng, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, những con tàu neo ở bến Bạch Đằng và dọc theo ven sông Sài Gòn, trong đó có những chuyến tàu cánh ngầm đi về phía Vũng Tàu có lần tôi đã leo lên đi thử đến Vũng Tàu, cũng vui. Cũng có cả những chiếc tàu nhà hàng của Saigon Tourist. Trong đêm Giao thừa đón Tết tây 5 năm trước, một anh bạn làm trong ngành thiết kế in ấn - anh Cao, đã mời tôi và gia đình ông khách hàng người Canada đi ăn trên tàu. Trên tàu có chương trình ca nhạc mừng Năm mới, đúng 8 giờ tối tàu bắt đầu chạy trên sông Sài gòn, chạy đến Nhà Bè thì quay trở lại. Mọi người ăn uống và nghe nhạc đến nửa đêm để đón Giao thừa. Từ trên tàu nhìn thành phố trong đêm thật lộng lẫy và tuyệt đẹp. Sau lần đó, mỗi khi có khách hàng từ Mỹ qua, ông Micheal lại mời tôi và anh CT đi ăn trên tàu với họ. Những loại tàu nhỏ này xuất hành từ Thanh Đa, Bình Quới. Tàu sẽ chạy một vòng từ Bình Quới ra đến Sài Gòn rồi quay trở về. Trên tàu có phục vụ ăn uống. Khách có thể đi ghép đoàn hoặc đặt riêng tàu. Lâu lâu đi tôi cũng thấy thích vì nhìn sông nước, nhất là khi tàu xuất hành khoảng 5 giờ chiều vừa ngắm được cảnh hoàng hôn vừa nhìn thành phố và sinh hoạt bên sông, thích nhất là nhìn những chiếc cầu và khi tàu chui qua dưới chân cầu.

Trên sông Sài Gòn nhìn từ phía Bình Quới

Tuy nhiên vì trên những chuyến tàu như thế này cũng như những chương trình lễ hội ẩm thực quốc tế,  những buổi dạ tiệc mừng Giáng sinh và Năm mới tổ chức ở khu du lịch Văn Thánh hay Tân Cảng mà chúng tôi tham dự thường có mặt anh Cao, do anh là người hay đứng ra tổ chức cho cả nhóm, nay anh đã mất, chúng tôi không còn thấy hứng thú nên từ đó cũng dần bớt đi.
Đó là một người bạn mà cả tôi và vợ chồng ông Michael đều quý mến. Quen anh từ lúc tôi mở công ty và Ken nhờ tìm người in catalog tại Việt Nam cho mặt hàng tôi bán qua châu Âu. Từ đó trở thành thân. Ban đầu anh ngạc nhiên vì không biết tôi làm cái gì mà hay dẫn khách nước ngoài đến anh đặt hàng in. Có lần anh nói "Nếu bà xã tôi làm công việc như chị, chắc tôi ghen lắm, không cho đâu!" Tôi chỉ cười: "Anh đúng là đàn ông Việt Nam, vô cùng ... phong kiến!" Khi Michael thuê một biệt thự ở khu Thảo Điền, nhà có hồ bơi, ông ta hay mời tôi và anh đến dự "Pool party", có lúc rất đông khách, mà cũng có lúc chỉ có mình anh và tôi. Anh thường trêu tôi "Hơi lạ à nha, tại sao ông ta chỉ mời có tôi và chị đến Pool party?" Tôi cười lớn: "May quá, có anh đỡ đạn. Không thì chắc tôi cũng chẳng dám đến!" Sự tháo vát và nhiệt tình của anh trong công việc đã làm chúng tôi rất mến. Và nỗi ân hận lớn nhất của tôi là không được nhìn thấy anh vào những phút cuối cùng. Lúc đó là những ngày sắp Tết, anh gửi cho tôi một New Year E-card anh vẽ một đám trẻ con đang chơi đùa trên cánh đồng. Có một cô bé áo hồng ngồi nhìn chú bé đang thả diều. Anh viết: "Tôi vẽ tuổi thơ của chị đây. Chị là con bé áo hồng. Còn boyfriend của chị là thằng bé thả diều. Lâu quá không gặp chị. Hôm nào rảnh chị nhớ ghé văn phòng tôi chơi nha!" Và tôi đã hứa sẽ đến. Nhưng lại bận rộn không đi được. Qua Tết, mới nghe tin anh bị u não phải đi Singapore mổ gấp. Anh nằm điều trị ở đó hơn một tháng. Khi anh về lại Việt Nam, tôi cứ nghĩ anh đã bình phục nên cũng chưa đi thăm anh. Một buổi sáng có người bạn nhắn tin cho tôi biết anh đã qua đời. Tôi bàng hoàng không nói được. Tôi gửi email cho ông Michael báo tin. Ông viết: "Tôi lặng người trước tin này. Cao là người bạn mà tôi rất yêu quý. Nước mắt tôi đang rơi...." Tôi đến thăm anh ngay lúc đó. Muộn quá rồi. Tôi nhìn di ảnh của anh, thầm xin lỗi anh cho sự đến thăm muộn màng của mình. Đôi mắt anh như muốn khóc. Và nét mặt anh sao buồn quá! Khi ông Vineberg trở lại Việt Nam, điều đầu tiên ông mong muốn là đi tìm thăm anh ở một nghĩa trang tận Bình Chánh. Mộ anh lát đá hoa cương màu đen. Vợ anh có treo mấy giò lan trên mái mộ. Tôi nói với ông Michael: "Cao thích màu đen. Ông có thấy không, trước khi mất anh ấy cũng vừa mới mua một chiếc xe hơi màu đen". Ông ta chỉ thì thầm: "Tôi muốn nhờ cô một việc, là thuê hộ tôi một người đến đây mỗi ngày quét lá rơi trên mộ anh ấy."
Nghĩa trang thật yên tĩnh. Chỉ nghe tiếng lá khô rơi. Tôi nói thầm với anh trước khi đi về: "Cao ơi, yên nghỉ anh nhé. Đây là thời gian khó khăn mà tất cả chúng ta đều đang nỗ lực vượt qua. Bây giờ thì anh không cần phải bận tâm cho cuộc sống này nữa rồi"...
Không phải bỗng dưng mà tôi nhớ đến anh khi nhìn thấy sông Sài Gòn, lục bình trôi trên sông và những con tàu. Dường như mỗi nơi đến đều gắn liền kỷ niệm với một người, mà khi người ấy đã vắng mặt không còn, ta chỉ thấy nỗi buồn lớn thêm mỗi lần nhìn thấy cảnh vật xưa, có khi không còn muốn trở lại nơi ấy nữa.

Trên đường Tôn Đức Thắng, Q 1
Thợ cắt tóc bên đường

Đến những ngã rẽ vào hướng Quận 1, tôi không vào đường Nguyễn Huệ mà chạy thẳng Tôn Đức Thắng đi về hướng Đinh Tiên Hoàng. Con đường này tuyệt đẹp nhờ hai hàng cây cổ thụ bên đường, tuổi cây có lẽ cũng hơn trăm năm, gốc rất to và vỏ cây xù xì. Đi dưới tàng lá xanh um che kín vòm trời mà những giọt mưa cũng khó chen qua nổi thật là thích. Một hình ảnh bắt gặp trên con đường này là người thợ cắt tóc bên đường. Tôi lưu lại hình ảnh này vì có lẽ không lâu nữa, có muốn đi tìm cũng không thấy. Bức ảnh ngẫu nhiên làm tôi thoáng nghĩ đến chàng họa sĩ Thái Lan D. Kingnox rất tuyệt trong những bức tranh vẽ màu nước về Việt Nam.

Và phượng đỏ mùa hè

Một buổi sáng nhàn du. Lang thang cùng sông nước và kỷ niệm vui lẫn buồn. Cũng may trời rất đẹp.
"Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương"!

NGUYỄN DIỆU TÂM

(*) Mùa Thu Năm Ngoái - Thơ Hồ Dzếnh
Hình ảnh : Nguyễn Diệu Tâm