Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

KHÔNG CÒN MẸ

Dẫu biết sẽ có ngày
Con xa mẹ, mẹ ơi!
Nước mắt không ngừng chảy,
Trong lòng con giờ này.

Ai cũng chỉ một mẹ,
Mẹ mất rồi mới hiểu,
Tìm đâu mà gặp mẹ,
Mẹ đi mãi, không về!

Thuở nhỏ chờ mẹ về,
Mẹ đi chợ chút thôi!
Con ngồi đợi bên hè,
Thao thức chờ bóng mẹ.

Chiếc kẹo, miếng bánh ngon,
Mẹ dành cho con trọn.
Cả một đời lo toan,
Dẫu con giờ đã lớn.

Con đi xa mẹ chờ,
Con về muộn mẹ mong,
Về nhà chồng mẹ nhớ.
Lo con mẹ bơ vơ!

Như đứa trẻ không rời,
Vòng tay mẹ thương yêu,
Con giờ ngơ ngác đợi.
Mẹ hiền đã về trời...

* NGUYỄN DIỆU TÂM
11-07-2013, ngày mất Mẹ

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

HUYỀN THOẠI VÀ BI KỊCH


"Có bao giờ em tin,
Rằng anh sẽ xây một bảo tàng?
Như Picasso có thời kỳ Xanh, thời kỳ Hồng,
Anh sẽ có thời kỳ trắng, tím, hồng, nâu...." (1)
Những câu bắt đầu trong bài thơ "Bảo tàng Tình yêu" tôi viết ngẫu hứng, đã nhắc đến một danh họa thiên tài mà thế giới ngưỡng mộ. Vì tôi là một trong những người ngưỡng mộ đó nên không phải bỗng dưng mà tôi nhớ đến "Thời kỳ Xanh, thời kỳ Hồng" của ông.
Vào những năm 80, đời sống còn nhiều vất vả, có một người thường đem sách hội họa mỹ thuật đến phòng vẽ của chúng tôi bán và cho trả góp. Tôi chọn 2 bộ để mua, Picasso và Van Gogh. Mỗi bộ gồm 2 cuốn. Riêng bộ Picasso thì volume I dày 380 trang, volume II 360 trang, tổng cộng 740 trang. Giá bán 70 USD một bộ. Tôi để dành tiền mua được sách. Mua rồi tôi quý như vàng, sách được giữ gìn cẩn thận sạch sẽ, đến giờ vẫn còn mới, vẫn đi theo tôi suốt 30 năm trời. Mỗi lần cầm đến cuốn sách tôi lại thấy cả những ngày trong quá khứ trở về và niềm yêu thích hội họa vẫn không thay đổi trong tôi, nó cứ lớn lên và lớn lên mãi, như một tình yêu vô tận.
Những thiên tài, danh họa như Claude Monet, Edgar Degas, Henri Matisse, Gustav Klimt, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh, và còn rất nhiều họa sĩ trên thế giới nữa là những kho tàng tuyệt tác vô tận mà mỗi lần được xem những tác phẩm của họ là tôi như mê man cứ dõi theo không muốn dừng. Từ tác phẩm, tôi thường thích tìm đọc về cuộc đời của họ. Không ai giống ai, nhưng hầu hết để đạt được thành công ngoài tài năng thiên phú, họ đã phải đánh đổi rất nhiều để đi đến mục đích. Mỗi một cuộc đời là một cuốn phim dài, có nụ cười và nước mắt, có hạnh phúc có đau thương, sống và chết, đằng sau ánh hào quang của một huyền thoại lắm khi là một bi kịch đau buồn, và Pablo Picasso là một trong những thiên tài đã không thoát khỏi định mệnh đó. 

1- HUYỀN THOẠI  VỀ MỘT THIÊN TÀI:
Trong nhiều bài viết về Pablo Picasso, người ta thường nhắc đến huyền thoại về nhà danh họa này ( The Legend of the Artist ). Suốt cả cuộc đời, ông dành cho hội họa và nghệ thuật không mệt mỏi, cống hiến cho thế giới một số lượng lớn tác phẩm và sáng tạo độc đáo, một trong những họa sĩ tiền phong mở đường cho hội họa hiện đại của thế kỷ 20.
Người ta thường phân loại lượng tác phẩm đồ sộ của Picasso thành nhiều thời kỳ trong cuộc đời ông. Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng phần lớn đều chấp nhận các thời kỳ sáng tác của ông từ Thời kỳ Xanh (1901-1904), Thời kỳ Hồng (1904-1906) đến Thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu - Điêu khắc (1908–1909), Thời kỳ Lập thể phân tích (1909–1912) và Thời kỳ Lập thể Tổng hợp (1912-1919). Ngoài ra còn có chủ nghĩa Cổ điển - Siêu thực, và giai đoạn sau cùng của ông.
Pablo Picasso sinh năm 1881 và mất năm 1973, là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha, họa sĩ nổi bật nhất, một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới của thế kỷ 20. Xuất thân trong một gia đình nghệ thuật, cha là họa sĩ theo trường phái Hiện thực, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về hội họa của mình. Khi mới 14 tuổi, Picasso đã hoàn thành tác phẩm Portrait of Aunt Pepa (Chân dung dì Pepa), một bức chân dung gây ấn tượng sâu sắc đến mức Juan-Eduardo Cirlot, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật của Tây Ban Nha, đã đánh giá rằng "không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những tác phẩm lớn nhất trong lịch sử hội họa Tây Ban Nha".
Thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu bắt đầu với tác phẩm nổi tiếng Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d'Avignon)  năm 1907.
Sau Thế chiến thứ nhất, Picasso bắt đầu thực hiện các tác phẩm theo trường phái Tân cổ điển (Neoclassicism). Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Picasso, bức Guernica (1937) đã được sáng tác trong thời kỳ này. Bức tranh mô tả cuộc ném bom vào Guernica của phát xít Đức trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha ( 17.7.1936 - 1.4.1939 )

Guernica - Tranh Pablo Picasso 1937 - Bảo tàng Reina Sofia (*)

Những lĩnh vực nghệ thuật mà ông tham gia rất thành công. Người ta ca ngợi những tác phẩm của ông, từ hội họa đến điêu khắc. 
Không chỉ thế, ông còn là một nhà thơ và tác giả của nhiều tác phẩm văn học khác. Tuy đắm mình trong lĩnh vực văn học nhiều năm, nhưng ông không sáng tác một tác phẩm văn chương nào mãi cho đến năm 53 tuổi. Vào năm 1935 ông tạm ngưng vẽ và điêu khắc để tập trung cho thi ca. Sau đó khi quay trở lại với lĩnh vực chính của mình, ông vẫn tiếp tục niềm đam mê văn chương, sáng tác hàng trăm bài thơ, 2 vở kịch "siêu thực", một vở kịch hài "Bắt được đuôi Ham muốn"( Le Désir attrapé par la queue ) viết miệt mài trong vòng 3 ngày vào năm 1941 và  "Bốn Cô Gái nhỏ" (Les Quatre Petites Filles-1949) cùng tác phẩm văn xuôi "Tang lễ Bá tước Orgaz" (The Burial of the Count of Orgaz - 1959). Tuy nhiên, dù nỗ lực trong văn chương, nhưng Picasso vẫn được xem như đã làm thơ theo cách ông vẽ tranh hay điêu khắc. Vào tháng 5 năm 1949 Alice B. Toklas,  viết: "Rắc rối của Picasso là ông tự cho phép mình được tâng bốc như thể ông chính là một nhà thơ" (2)
Khi qua đời, Picasso được an táng tại công viên Vauvenargues ở Vauvenargues, Bouches-du-Rhône, nước Pháp.
Tác phẩm ông để lại gồm có 1.800 bức tranh sơn dầu, 30.000 bản tranh, 7.000 bức ký họa phác thảo và có khá nhiều tác phẩm khó hiểu.
Picasso có một số bức tranh nằm trong danh sách những tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế giới như: 
* Bức "Nude on a black armchair" ( Cô gái khỏa thân trên chiếc ghế bành đen ) - được bán với giá 45,1 triệu USD năm 1999. 
* Bức Les Noces de Pierrette ( Đám cưới của Pierrette ) - được bán với giá hơn 51 triệu USD năm 1999 
* Bức Garçon à la pipe ( Chàng trai với tẩu thuốc ) - Bức tranh được Picasso vẽ vào năm 1905 khi ông mới 24 tuổi, được bán với giá 104 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby's tháng 5 năm 2004 đã lập kỷ lục thế giới về giá cho một tác phẩm nghệ thuật. 
* Bức Dora Maar au Chat ( Nàng Dora Maar với con mèo ) - được bán với giá 95,2 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby's tháng 5 năm 2006.

Garçon à la pipe  - Tranh: Pablo Picasso 1905 (*)

2- BI KỊCH GIA ĐÌNH :
Về đời sống riêng tư của Picasso, ông có hai lần cưới vợ, nhiều bạn gái và nhân tình.
Người vợ đầu tiên của ông là Olga Khokhlov, một nữ vũ công ba lê người Nga. Họ cưới nhau năm 1918, sau khi sinh con trai Paolo, Olga bị Picasso bỏ rơi nhưng ông không ly dị vì sợ phải chia một nửa tài sản của mình cho đến khi bà qua đời vào năm 1955 vì bệnh ung thư. Năm 1971 vào tuổi 69, Picasso cưới người vợ thứ hai, Jacqueline Roque. Giữa quãng thời gian này, Picasso gặp gỡ và yêu nhiều phụ nữ khác.
Năm 1927 Picasso gặp cô gái 17 tuổi Marie-Thérèse Walter và bắt đầu đi lại bí mật với cô. Với Marie-Thérèse, Picasso cũng có một người con gái, Maya. Marie-Thérèse luôn sống với hy vọng hão huyền rằng người họa sĩ nổi tiếng sẽ lấy cô làm vợ và cô đã treo cổ tự vẫn bốn năm sau cái chết của Picasso. Nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, nhà thơ Dora Maar cũng là một người tình lâu năm của Picasso. Hai người gắn bó trong giai đoạn cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940. Sau đó Dora Maar bị trầm cảm và họ chia tay vào năm 1946, ba năm sau khi Picasso bắt đầu có quan hệ với một phụ nữ tên là Françoise Gilot, trẻ hơn ông 40 tuổi và có 2 con nữa là Claude và Paloma. Khác với những người tình khác của họa sĩ, chính Françoise là người rời bỏ ông vào năm 1953. Đây là một cú sốc với Picasso. Sau đó ông đã trả thù bà bằng đám cưới với Jacqueline Roque vào năm 1961 khi Gilot ly hôn với chồng và muốn quay trở lại. Vào năm 1964 Françoise Gilot viết cuốn sách "Sống với Picasso" ( Life with Picasso ) mô tả về việc ông bạo hành và bội tình khiến bà phải đem con rời xa ông.
Những người vợ và người tình của Picasso đều là những người phụ nữ tài năng, xinh đẹp, và phần lớn những tác phẩm của ông đã vẽ những người phụ nữ này.
Picasso đã sống với Jacqueline, người vợ thứ hai, cho đến khi ông qua đời. Cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm và ông đã vẽ cho bà hơn 400 bức chân dung. 13 năm sau khi Picasso mất, bà tự tử bằng súng.

Olga Khokhlova - Tranh: Pablo Picasso 1923 (*)
 
Marie-Thérèse Walter - Tranh: Pablo Picasso (*)

3- VÀ NGƯỜI THỪA KẾ:


Khi qua đời, ông để lại rất nhiều tác phẩm của mình và một bộ sưu tập giá trị của nhiều họa sĩ khác mà ông sở hữu. Vì không để lại di chúc, một phần bộ sưu tập này được dùng để trả thuế cho chính phủ Pháp, được trưng bày tại Bảo tàng Museé Picasso tại Paris. Năm 2003, những người thân của họa sĩ đã cho khánh thành một bảo tàng tại thành phố quê hương ông, Málaga, đó là Bảo tàng Museo Picasso Málaga.
Trong số 4 con của Picasso, Paolo Picasso - người con trai đầu tiên của ông và Olga Khokhlova lấy vợ và có được 3 người con là Pablito, Marina và Bernard Picasso. Nhưng cuối cùng, người thừa kế di sản đồ sộ còn lại này của Picasso lại chính là người cháu gái Marina Picasso.
Marina được sinh ra tại Cannes vào năm 1950. Cuộc sống của bà được đánh dấu bằng sự đau khổ và bi  kịch của cuộc sống gia đình xung quanh một người chủ gia đình ích kỷ, độc tài và tàn nhẫn. Bà đã kể lại tất cả trong cuốn hồi ký mang tên "Ông nội" ( Grand-père ) xuất bản năm 2001).
Trong cuốn hồi ký, Marina bắt đầu bằng hồi ức về tuổi thơ của mình, đầy đau khổ và nghèo túng vì bà nội và cha mẹ cô bị Picasso ruồng bỏ. Người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời của Marina mà cô yêu quý chỉ là bà nội Olga, người vợ đầu tiên của Pablo Picasso. 
Dora Marr au chat - Tranh: Pablo Picasso 1941 (*)

Francoise Gillot - Tranh: Pablo Picasso (**)


Paolo Picasso, con trai của Pablo Picasso và Olga Khokhlova và là cha của Marina, là một kẻ nghiện rượu và tay đua xe phóng đãng sống bám vào gia đình từ cha mình và là tài xế cho chính họa sĩ. Pablo Picasso luôn tìm cơ hội để khuyên nhủ con trai nhưng đành đau khổ cam chịu thất bại. Trong "Ông nội," Marina giải thích rằng ông nội mình đã không chỉ là một Picasso thành công sáng chói trong nhiều lĩnh vực, mà còn thành công trong việc khiến cho con trai mình trở thành kẻ ăn bám, không bao giờ độc lập. Sau một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, Paolo tự hủy hoại cuộc đời mình trong men rượu trong khi vợ ông, Emilian, chỉ muốn quyến rũ người cha chồng mà không màng chăm sóc chồng con của mình.

Jacqueline Roque - Tranh: Pablo Picasso (*)

Pablito, anh trai của Marina, bị ông nội cũng như cha mẹ từ bỏ, đã không còn ai khác hơn là Marina để bám víu mà sống. Một ngày kia, Pablo Picasso, người tự gọi mình là "mặt trời" hay "bậc thầy" đã nói cho Marina biết rằng sau khi ông chết, gia đình sẽ bị chìm đắm trong tai họa. Dự đoán đã thành sự thật: một vài ngày sau cái chết của nhà danh họa vào năm 1973, Pablito đã cố tự tử bằng cách uống một chai thuốc tẩy vì Jacqueline Roque, người vợ thứ hai của Picasso đã từ chối không cho Pablito đến dự đám tang của ông nội mình. Pablito qua đời sau ba tháng sống trong đau khổ. Hai năm sau đến phiên Paolo, cha của Marina chết vì rượu. Bốn năm sau, Marie-Therese Walter, người tình của Picasso, treo cổ tự vẫn và 13 năm sau người vợ thứ hai Jacqueline Roque tự tử bằng một phát súng. Picasso đã khống chế cuộc sống của gia đình ông như cách ông khống chế các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của mình. Ông ra đi và để lại cho gia đình một đống đổ nát.
Marina Picasso trở thành người sống sót cuối cùng còn lại của dòng họ Picasso, các thành viên khác của gia đình ông đều bị hủy họai, xâu xé dằn vặt nhau. Về sau, bà đã nói rằng không ai trong gia đình của bà có thể thoát khỏi ám ảnh của thiên tài, “vi khuẩn" Picasso. Chính bà cũng đã phải cần đến 14 năm điều trị tâm lý để tự giải thoát.
Marina Picasso thừa hưởng một gia tài đồ sộ của nhà danh họa, với hơn 400 bức tranh và gần 7.000 bản phác thảo, bản vẽ và tác phẩm điêu khắc thường xuyên gửi trên toàn thế giới vào dịp triển lãm và trong các sự kiện dành riêng về ông nội của bà.
Từ năm 1990, với tổ chức Marina Picasso Foundation, bà đến Việt Nam xây dựng trại trẻ mồ côi và 2 bệnh viện nhi. Ngoài ra Marina Foundation còn tổ chức đào giếng ở các thôn làng xa xôi của Việt Nam, gửi thường xuyên các chuyến tàu chở sữa đến cho các viện mồ côi, bệnh viện, cấp học bổng và trợ cấp cho nông nghiệp Việt Nam. Về sau bà có nhận 3 trẻ em mồ côi người Việt Nam làm con nuôi. 

4- MARINA PICASSO VÀ TRẺ EM MỒ CÔI VILLAGE OF YOUTH, THỦ ĐỨC:
Vào năm 1992, tôi có nhận làm theo đơn đặt hàng một bức tranh sơn mài vẽ bà Marina Picasso cùng với các trẻ em ở làng trẻ mồ côi The Village of Youth. Lúc đó tôi có phần ngạc nhiên và thắc mắc vì sao cô cháu gái của nhà danh họa Picasso lại chọn Việt Nam làm nơi giúp đỡ từ thiện. Thời gian trôi qua, tôi không nhớ đến bà mà chỉ vẫn còn yêu thích những bức tranh của Picasso, đặc biệt là những bức tranh ông sáng tác trong Thời kỳ Xanh và Thời kỳ Hồng.

Marina Picasso và các trẻ em mồ côi tại Village of Youth - Thực hiện: Nguyễn Diệu Tâm




Vài ngày trước đây, trong trang Face Book của Mia Feigelson, một nhà quay phim và quảng bá cho nghệ thuật, tình cờ tôi xem được những bức tranh Picasso đã vẽ Olga Khokhlova thuở mới yêu nhau và tìm thấy bài viết về người vợ đầu tiên bất hạnh này của ông, trong đó có một đoạn nói đến việc cô cháu gái của hai người đã đến Việt Nam sử dụng một phần tài sản của ông nội để làm từ thiện.
Và tôi đã kiếm tìm thông tin qua Internet để hiểu thêm về người phụ nữ này cùng cô cháu gái của họ. Tôi mới hiểu ra lý do vì sao Marina đã thành lập tổ chức Marina Picasso Foundation và làm từ thiện tại Việt Nam.  Đồng thời cảm thấy chua xót cho số phận của những người mà khi không biết, không hiểu, ta đã nghĩ rằng họ rất hạnh phúc và hãnh diện vì từng có mối liên hệ tình cảm, gia đình hay mang trong mình dòng máu của một thiên tài vĩ đại.
Theo bài viết trong trang web babelio.com, nói đến Marina Picasso, là giáo viên trong một trung tâm cho người khuyết tật, ở tuổi 25 đã thừa hưởng một tài sản rất lớn và biệt thự La Californie tại thành phố Cannes nơi Picasso sống sau cùng với người vợ thứ hai, và cũng là nơi từng bị ông nội xua đuổi vào tuổi ấu thơ nghèo khổ, khi ông ruồng bỏ bà nội và gia đình cô. Dần dần, người phụ nữ trẻ học được cách chế ngự ngôi nhà khổng lồ này. đã phục hồi nội thất sắp xếp các phòng nghỉ dưỡng cho con cái, Gaël và Flore, hai con với người tình đầu tiên của cô. Sau đó bắt đầu treo một vài bức tranh của ông nội Pablo Picasso. Ngày nay, La Californie thêm ba cư dân nữa, đó là Florian, May Dimitri, 3 con nuôi người Việt Nam, từ đất nước mà Marina Picasso Foundation đã thành lập hai trại trẻ mồ côi. Marina nói: "Đó là cách tôi phân phối lại di sản này và cảm thấy bình an với chính mình. Bây giờ tôi ổn. Rất ổn”. Marina không còn có bất kỳ mối quan hệ với những người mà cô gọi "những người thừa kế của mình”, là những nạn nhân của bi kịch gia đình. để giải thích lý do, nhắc lại câu nói của Picasso với người sáng lập tạp chí "Cahiers d’Art” : "Mỗi một bức tranh một khoản tiền thêm vào. Ở nhà tôi, mỗi một bức tranh là một khoản  tàn phá." (3)
Như ông đã từng nói: "Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi nói với tôi rằng: Nếu con đi lính, con sẽ trở thành một vị tướng. Nếu con đi tu, con sẽ là một giáo hoàng. Thay vào đó, tôi trở thành một họa sĩ và nổi loạn thành Picasso."(4)
Ở đây Picasso đã nói đến "sự tàn phá" nhưng có lẽ ông đã nghĩ đến đồng tiền là tác nhân chứ không hề nghĩ rằng chính thiên tài "nổi loạn" Picasso đã gây ra bi kịch gia đình. 

* NGUYỄN DIỆU TÂM

Viết theo nguồn tham khảo và lược dịch từ các trang webs:
http://www.bacfrancais.com/bac_francais/biographie-marina-picasso.php
http://www.babelio.com/auteur/Marina-Picasso/28111
http://www.facebook.com/MiaFeigelson
http://en.wikipedia.org/wiki/Pablo_Picasso
Hình ảnh: 
(*) Wikipedia, Wikipaintings.org  
(**)  sapergaleries.com/PicassoWomen

(1) Bảo Tàng Tình Yêu
http://nthqn.org/index.php/tho/100-nguyen-dieu-tam/1112-bao-tang-tinh-yeu
(2) "The trouble with Picasso was that he allowed himself to be flattered into believing he was a poet too".
Alice B. Toklas ( 1877-1967 ) người đã cùng với Gertrude Stein thành lập một salon thu hút các văn sĩ Mỹ hải ngoại như Ernest Hemingway, Paul Bowles, Thornton Wilder, Sherwood Anderson, và các họa sĩ tiền phong bao gồm Picasso, Matisse, Braque )
(3) "When I was a child, my mother said to me, "If you become a soldier, you'll be a general. If you become a monk you'll end up as the pope. Instead, I became a painter and wound up as Picasso." - Pablo Picasso
(4) "Un tableau est une somme d’additions. Chez moi, un tableau est une somme de destructions" - Pablo Picasso 
* Những hồi ký về Picasso viết  từ những thành viên trong gia đình ông:
1- "Sống với Picasso" ( Life with Picasso, 1964 ) Françoise Gilot
2- "Ông nội" ( Grand-père, 2001 ) Marina Picasso
3- "Câu chuyện thật của gia đình" ( Picasso: The Real Family Story, 2004 ) Olivier Widmaier Picasso, cháu ngoại của Picasso và Marie-Thérèse Walter, con trai của Maya, đã viết cuốn sách Picasso: The Real Family Story tiết lộ những bí ẩn của cuộc đời huyền thoại người đã sáng lập hội họa hiện đại, chống lại những vu khống về ông.