Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

TÂY TRÀ, KHI LÀN SƯƠNG CHƯA TAN



Tôi biết đến Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng (CTVCĐ) qua nhóm Hiểu Và Thương (H & T) của nhóm bạn cựu nữ sinh trường Gia Long Sài Gòn qua chương trình Nhà Bán trú – Chung tay vì cộng đồng tại trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh thôn Vuông xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.
Giữa tháng 7-2016 bạn hỏi tôi có muốn đi đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thì đăng ký trước, chuyến đi sẽ khởi hành vào ngày 25 tháng 8. Quảng Ngãi là quê nội mà chưa bao giờ tôi có dịp về, trong lòng đã rất muốn, nay nhân dịp tham gia chương trình còn thêm đảo Lý Sơn, một hòn đảo có nhiều di tích thắng cảnh và biển đẹp như mơ nên lại càng muốn đi. Vậy là cùng với nhóm 29 người gồm các sư cô, Phật tử, các cô chú, anh chị giáo viên đã hưu trí hoặc còn đang làm việc và các bạn trẻ sinh viên, chúng tôi lên đường vào một ngày nắng đẹp.
Đã đọc, nghe nhiều tin tức từ báo đài, nhiều người trong chúng ta từng không thể tưởng tượng nổi khi biết được hành trình đến với con chữ của trẻ em dân tộc vùng cao gian nan đến dường nào. Những hình ảnh các ngôi trường tiểu học gió lùa tứ phía, mái lá te tua, lợp tạm bợ ở các huyện vùng cao, còn học sinh thì đa số các em phải đi bộ từ 10 đến 20 km để đến trường như trường Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tại trường THCS Sa Lý, xã Sa Lý, Lục Ngạn, Bắc Giang, nhiều em phải trèo đèo, lội suối, băng rừng. Có em phải đi từ 4 giờ sáng với chặng đường 8 cây số để đến kịp giờ học. Hàng ngày, nhiều học sinh của trường tiểu học xã Tĩnh Bắc (Lộc Bình, Lạng Sơn) đi học phải 2 lần lội qua con sông Kỳ Cùng để đến lớp hay những học sinh người H’Mông ở trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) mỗi ngày phải 2 lần mạo hiểm vượt con sông Đăk Tin hung dữ để tới trường. Và vẫn còn nhiều lớp học “gió lùa” ở Trường Tiểu học Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; trường Tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) hay một số huyện miền núi tỉnh Quảng Trị. Tại Quảng Ngãi, trước đây ai cũng biết chuyện mỗi ngày hơn 200 học sinh ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, phải đu dây kéo bè, vượt sông sâu chảy xiết đến trường. Tại một xã khác cũng thuộc huyện miền núi Sơn Hà, hơn 4.000 người dân và học sinh ở bên kia bờ Nam sông Re của xã Sơn Ba, người dân phải đu dây thừng đi bè qua sông. Ngày 14/3/2015, “làng đu dây qua sông” ấy đã rất vui mừng khi cầu Mò O trị giá hơn 23 tỷ đồng bắc ngang qua sông được đưa vào sử dụng, có ít nhất 300 học sinh bậc Tiểu học và THCS không còn phải đu dây qua dòng sông nguy hiểm này nữa. 

Một góc Thôn Vuông xã Trà Thanh, huyện Tây Trà.
Riêng chương trình mà hôm nay nhóm CTVCĐ tổ chức đến Quảng Ngãi là khánh thành nhà bán trú cho trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh thôn Vuông xã Trà Thanh, huyện Tây Trà. Là huyện mới tách lập từ vùng đất phía Tây huyện Trà Bồng từ đầu năm 2004, Tây Trà nằm ở vị trí xa xôi nhất Quảng Ngãi, nằm cách thành phố khoảng 100 km về phía Tây Bắc. Dân số toàn huyện tính đến 31/12/2008 là 3780 hộ, trong đó, dân tộc Cor chiếm 82.49%, dân tộc Sơ Đang chiếm 9,2%, dân tộc Kinh chiếm 5,28%, dân tộc Hrê chiếm 2,9%, dân tộc khác chiếm 0,13%. Do điều kiện tự nhiên, Tây Trà bị chia cắt bởi sông núi khí hậu khá khắc nghiệt, lượng mưa lớn, nắng nóng gay gắt, thường gây ra hạn hán, lũ lụt lớn, lũ quét, sạt lở núi, mưa giông sấm sét lớn và nguy hiểm. Đời sống kinh tế nơi đây còn hết sức khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn quá cao với hầu hết dân cư trong huyện. Về giáo dục, là huyện phát triển giáo dục muộn nhất trong tỉnh Quảng Ngãi. Đa phần trường ốc vẫn còn tạm bợ, xây bằng mái tranh tre, nứa lá. Nhiều điểm trường, bị chia cắt mạnh bởi sông núi (vùng có độ cao trung bình 500 - 700m, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, độ dốc bình quân 15 – 20o). 

Trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh, Huyện Tây Trà

Công trình Nhà Bán trú – Chung tay vì cộng đồng của nhóm CTVCĐ cùng một số nhà tài trợ như ca sĩ Thanh Duy, Nhóm Hiểu và Thương đã được bắt đầu thực hiện từ năm 2015, đến nay công trình đã hoàn thành. Toàn bộ công trình gồm có: - 06 phòng nhà bán trú. - 400 m vuông sân nhà bán trú. - Trang thiết bị điện. - Giường tầng cho học sinh. - Dụng cụ học tập. Hành trình chuyến đi như sau:
Ngày 25/08/2016, chúng tôi khởi hành đi Đà Nẵng, đến nơi lúc 16:30. Còn thời gian, chúng tôi đi thăm chùa Linh Ứng, Sơn Trà. Sau đó ăn tối tại Đà Nẵng rồi đi Hội An. Chúng tôi la cà ở phố cổ Hội An hơn 3 tiếng đồng hồ, cũng kịp ngắm lồng đèn phố Hội, ăn tào phớ, chè đủ loại bên đường cho đến 24:00 di chuyển đi Quảng Ngãi để 5 giờ sáng hôm sau phải có mặt ở Trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh chuẩn bị cho chương trình lễ. Ngoài các cậu sinh viên của nhóm CTVCĐ chờ xe tải chở đến 6 ghế đá cho nhà bán trú, còn lại là việc của cả nhóm chuẩn bị quà tặng cho học sinh giỏi, tập vở cho số học sinh còn lại toàn trường.

Khu dân cư người Cor ở Thôn Vuông, Xã Trà Thanh, Huyện Tây Trà.

Ngôi trường nằm trong một vị trí khá thơ mộng với núi rừng bao quanh. Những ngọn núi xa xa sương mù còn bao phủ và khi nắng lên, sương tan, mây trắng vẫn bay là đà trên đỉnh núi. Hai bên đường là cây rừng rất cao, hoa và cỏ dại. Nhiều nhất là hoa xuyến chi, hoa mắc cỡ, và một loài hoa tim tím không biết tên. Có tiếng mưa rơi nhẹ trên lá hay tiếng nước chảy róc rách của dòng suối nào đó trong rừng. Và có cả tiếng con chim nào lạ đang hót nữa. Tôi nghe nói nơi này nhờ địa hình núi cao, vực sâu, lại thêm luật tục lâu đời gìn giữ rừng thiêng núi cấm của tộc người Cor nên đến nay nhiều khu vực Tây Trà vẫn còn giữ được cảnh tự nhiên với những cánh rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, nhiều loài thú quý hiếm. Người Cor nói ti ếng Co (Cùa), một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Đa số cư trú ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi và huyện Trà My, Núi Thành ở Quảng Nam. Về tổ chức cộng đồng, từng làng của người Cor có tên gọi riêng theo tên người trưởng làng hoặc tên sông, suối, tên đất, tên rừng. Trong xã hội Cor, các bô lão luôn được nể trọng. Ông già được suy tôn làm trưởng làng phải là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm cao và thuộc dòng họ có công lập làng. Người Cor xưa kia không có tên gọi của mỗi dòng họ, về sau người Cor nhất loạt mang họ Đinh và chục năm sau có một số người Cor lấy thêm một số họ khác.

 
Một lớp học ở trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh.




Khu dân cư chung quanh ngôi trường bán trú cũng là nơi người Cor cư ngụ. Những túp nhà đơn sơ, hàng rào xiêu vẹo. Họ nuôi gà, bò, heo mọi trước và bên hông nhà. Thỉnh thoảng một người đàn ông lưng đeo gùi đi về phía núi, thấy tôi đang lang thang chụp hình, ông ta cũng cười chào bằng tiếng Việt không dấu: “Đi chup hinh hi?” Rồi thoắt một cái, ông ta lủi vào lùm cây rậm rạp và biến mất. Khoảng 6 giờ, đã thấy các em học sinh lác đác đến trường. Một số em từ hướng Đông đến, trong các ngõ hẻm túa ra. Các em đều mặc đồng phục sơ mi trắng, quần xanh, thắt khăn quàng đỏ. Tôi ghé vào một lớp học nhỏ, những cánh cửa sổ ghép bằng mấy tấm ván ép cong queo, hở trước hụt sau, cửa chính của lớp học thì chằng chịt những sợi thép nối ngang nối dọc. Trong phòng không có gì ngoài những dãy bàn gỗ ọp ẹp tội nghiệp nhưng trên tường vẫn dán chữ “Thi đua – dạy tốt – Học tốt”. Đó là lớp hai. Có chừng hơn 15 cháu nhỏ đang ngồi nghiêm chỉnh trong lớp nhưng không thấy có sách vở gì trước mặt. Tôi để ý thấy lúc các cháu hỏi chuyện nhau thì bằng tiếng dân tộc, nhưng khi tôi hỏi thì các cháu trả lời bằng tiếng Việt khá sõi. Cô giáo còn rất trẻ, hỏi thăm thì cô nói cô đã dạy học ở ngôi trường này được 5 năm. -“Hôm nay là ngày đầu tiên, chỉ cho các em làm quen lớp chứ chưa học.” Có một cuốn vở cũ trên bàn chú bé nơi tôi đang đứng gần, mở ra xem thì đó là một cuốn tập viết của một cháu lớp ba, có lẽ của chị của chú bé để lại. Tự dưng tôi thấy mừng khi thấy chữ viết trong cuốn vở cũ ấy rất đẹp, và những câu, chữ viết rất gần gũi với lịch sử, quê hương như “Quê em đồng lúa nương dâu, Bên dòng sông nhỏ, nhịp cầu bắc ngang”, hay “Phá Tam Giang nối đường ra Bắc, Đèo Hải Vân hướng mặt vào Nam”, và tên các anh hùng lịch sử “Quang Trung”, “Phan Bội Châu” … Phía sau sân là dãy nhà bán trú cũ của các em. Nhà lợp mái tôn cũ nát, tường ghép phên nứa, tôn vụn, nền đất tối tăm, nơi các cháu nằm nghỉ trưa là những cái chõng tre ọp ẹp. Mùa khô nóng nực có lẽ không chịu nổi, mà mùa mưa to bão lớn thì chắc chắn là dột tơi tả vì mái tôn nát quá và gió lùa tứ phía.
   
Khu nhà bán trú cũ của trường


07:30 chương trình lễ cắt băng khánh thành bắt đầu. Có sự tham dự của các vị đại diện xã, phòng Giáo dục xã, ban giám hiệu trường cùng toàn thể các học sinh (chừng trên 100 em cho cả các lớp tiểu học và trung học cơ sở). Được xem các em hát và múa. Rồi sau khi tặng phần thưởng cho 40 em học sinh giỏi và chia quà cho tất cả các học sinh khác, chúng tôi đi thăm khu nhà bán trú mới. Nằm trên ngọn đồi phía sau trường, khu nhà bán trú mới trông tinh tươm, sáng sủa (tất nhiên là vì mới xây). Chúng tôi phải níu nhau leo lên đồi vì đường đi còn rất gập ghềnh. Nghĩ chắc sau này phải làm tam cấp cho các em lên đồi. Nhìn khu nhà bán trú mới, khang trang, nghĩ đến cảnh các cháu học sinh từ nay có phòng nghỉ tử tế, sân chơi sạch sẽ, mọi người đều thấy vui vẻ. Ở đây, tuy gọi là bán trú nhưng chính là cho các học sinh nhà ở xa thì ở luôn tại trường, mỗi tuần hoặc có khi một tháng các cháu mới về nhà một lần, vì thế phải có chỗ ăn và chỗ ngủ t tế cho các cháu. Khu đất trống hiện đã xây xong nền, bên cạnh có một phần diện tích khoảng 100 m2 đang trong giai đoạn chuẩn bị xây bếp và nhà ăn tập thể cho các em. Phần còn lại, ước gì những lớp học thiếu thốn của các cháu cũng được chính quyền và các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ nâng cấp để các cháu có được một môi trường học tập tốt thì hay biết mấy! 

Tham quan nhà bán trú mới của trường dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh



Trưa hôm ấy, nhà trường chiêu đãi đoàn một bữa cơm chay thật ngon. Chia tay trong lưu luyến. Nhiều em học sinh đứng trên lan can lầu cúi xuống vẫy tay chào. Sau 10 giờ, chúng tôi tiếp tục đi đến cảng Sa Kỳ, lên tàu ra đảo Lý Sơn, cách Quảng Ngãi 30 km và cách quần đảo Hoàng Sa 200 km. Giữa trưa trời nắng lớn, biển xanh thẳm rất đẹp. Chúng tôi sẽ được thăm quan hòn đảo hoang sơ xinh đẹp nổi tiếng này với những thắng cảnh địa danh như chùa Hang, chùa Đục, Hang Câu, Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, các nhà thờ tộc họ, khu mộ gió là những nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu liên quan đến đội dân binh Hoàng Sa dưới triều nhà Nguyễn năm xưa.

Chuyến đi thật tuyệt vời. Cảm ơn nhóm tình nguyện Chung tay vì cộng đồng với Danh Nguyen Tien, ca sĩ Thanh Duy, nhóm Hiểu Và Thương của nhóm các cựu nữ sinh trường Gia Long Sài Gòn với sư cô An Nghĩa, nhóm trưởng Kim Nga và cô bạn Nga Le cùng các cô chú anh chị em đi trong đoàn. Mong rằng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau nhiều lần nữa trên con đường “chung tay vì cộng đồng”. Sau chuyến đi này trong tháng 9 tới sẽ có nhiều chuyến đi tiếp theo như chuyến đi khánh thành 3 cây cầu ở Bến Tre của nhóm Hiểu & Thương (ngày 9/9), chương trình Trung Thu 2016 ở một số trường tiểu học Tiền Giang, Cần Thơ (11/9), Cà Mau (17/9), Daklak (17/9 – 18/9) của nhóm CTVCĐ.

Các bạn quan tâm có thể theo dõi trang web http://chungtayvicongdong.vn

 
Bài viết có tham khảo một số tư liệu từ Wikipedia, vnexpress.online.
Hình ảnh: Ngôi làng và lớp bán trú mới trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Trà Thanh ở thôn Vuông, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.
Photos by Dieu Tam Nguyen