Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Đi Tìm Chữ Hiếu

Mùa Vu Lan. Ở Việt Nam, không kể là người theo tôn giáo nào, nhưng hầu như ai cũng biết đây là mùa báo hiếu. Các tôn giáo dường như đều dạy cho con người ta hướng đến đạo làm con, lấy chữ Hiếu làm đầu. Trong suốt 3 tháng an cư kiết hạ kể từ rằm Phật đản trở đi , nếu đến chùa, bạn sẽ thấy rất nhiều lễ cúng long trọng cúng dường chư tăng như trai tăng, trai phạn, đóng góp từ thiện … hầu hồi hướng công đức đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, cầu siêu cho người thân đã mất. Rằm tháng bảy, tín đồ Phật giáo đến chùa, thường là cài bông hồng đỏ trên áo nếu còn cha mẹ, hay bông hồng trắng nếu cha mẹ đã qua đời. Thói quen này gần như đã ăn sâu từ lâu trở thành một truyền thống đẹp và mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao quý. Riêng trên mạng thì những ngày này rất nhiều chia xẻ về nỗi nhớ thương, tình con đối với mẹ cha. Hoặc cả những câu chuyện cổ tích về chữ hiếu như trong Cổ học tinh hoa, Nhị thập tứ hiếu cũng được dịp nhắc lại. Vẫn đang trong mùa báo hiếu, cách đây ít hôm có một người đến tìm tôi. Tôi khá ngạc nhiên vì đã mấy năm rồi không gặp. Năm ngoái qua Mỹ tôi đã muốn đi tìm mà không được, gọi điện thoại vài lần mới có một ai đó bốc máy và trả lời: “Mr. Yan? He’s not here anymore!” Lý do tôi đi tìm là vì mấy năm trước đây Mr. Yan đã về VN dự định mở một xưởng gỗ. Ông đi tìm đất, tìm người, tưởng mọi thứ đã xong ông ta mua luôn máy cưa gỗ. Cuối cùng không hiểu công chuyện trở ngại thế nào mà một ngày kia ông gọi tôi nhờ gửi kho bộ máy cưa gỗ nặng to đùng đến 10 người xúm nhau mới khiêng nổi. Rồi từ ngày gửi cái máy đó không thấy ông về VN nữa. Lần đầu tiên tôi gặp ông cách đây gần 15 năm. Lúc đó ông đến mua hàng ở công ty và nhờ tôi đóng ghép container với một số hàng từ các nhà cung cấp bên ngoài. Ông bảo ông phải về Mỹ gấp và không thể chờ cho đến khi các nhà cung cấp kia giao đủ hàng. Ông gửi tôi một số tiền để thanh toán khi các nhà cung cấp này giao đủ hàng. Sau đó khi quay trở lại, ông kể: “Cách đây 10 năm tôi đã về VN mua nhiều miếng đất, để cho người anh vợ đứng tên. Một thời gian sau phát hiện người anh vợ bán đi của tôi mấy lô. Giận quá khi về tôi bán hết và thề không bao giờ về VN làm ăn nữa.” Hỏi bây giờ ông tính sao, định làm gì? Ông bảo: “Tôi đã suy nghĩ lại. Tôi sẽ về VN làm ăn, một ngày nào đó. Bây giờ tôi cần mua hàng từ VN bán qua Mỹ. Có lẽ tôi sẽ cần chị giúp cho tôi nhiều việc.” Sau đó ông trở lại VN vài lần, khi thì nhờ tôi đưa đi tham quan các khu công nghiệp, khi thì tham quan một số xưởng sản xuất may mặc, đi đến đâu ông cũng chê máy móc cũ kỹ lạc hậu quá. Ông nói ông làm trong nghề dệt may tại Mỹ đã hơn 30 năm, rồi làm địa ốc, v.v.. và trong đời ông chưa hề thất bại bao giờ. Tôi thắc mắc thầm nghĩ sao ông ấy tự tin thế. Làm sao mà có ai trong đời chưa một lần thất bại? Tôi nói: “Vậy là anh quá may mắn, Mr. Yan!” Một ngày ông đưa vợ về chơi. Chị cũng là người Việt, lớn hơn ông vài tuổi, ông khoe hai vợ chồng từng học đại học chung lúc còn ở Việt Nam, khi lấy nhau rồi đi Mỹ cùng làm ăn chung với nhau, cùng phát triển kinh doanh để có được thành công ngày hôm nay. Sau đó ông nói: “Tôi muốn đưa bả về VN cho biết tình hình vì tụi tôi đi đã quá lâu rồi. Tôi muốn sau này hai chúng tôi về VN sống và làm ăn. Bả giỏi về nhà hàng lắm”. Nhưng tôi chỉ gặp chị về VN một hay hai lần gì đó, còn lại chỉ là ông chồng bay đi bay về liên tục. Có lúc ông biến mất đâu đó 1, 2 năm, rồi lại xuất hiện, khi thì dự án này, lúc thì dự án khác. Và hầu như chưa bao giờ nghe ông than thở về công việc làm ăn hay gia đình. Ông còn khoe ở Mỹ nhà ông có vườn rất rộng, ông trồng được nhiều loại cây ăn trái của Việt Nam như xoài, mít, có cả mãng cầu trái rất to. Công việc làm ăn vẫn tốt tại Mỹ, ông còn xây siêu thị cho mướn, nhiều nhà cho thuê, bên cạnh đó cứ bay đi bay về Sài Gòn, Bangkok, Thượng Hải làm ăn. Ông cũng nói vợ ông bây giờ sướng lắm, chẳng làm gì chỉ ở nhà đi chùa với bạn bè. Ông nhất định sẽ kéo bà về Việt Nam ở với ông cho đến cuối đời. Vậy mà hôm nay ngồi trước mặt tôi, ông khóc nức nở trông thật thảm hại. Hỏi thì ông nói “Tôi chán sống ở Mỹ lắm rồi. Ngày nào tôi cũng sống trong phập phồng âu lo. Tôi muốn đi tìm sự bình yên”… Ông bảo đã có nhiều chuyện xảy ra và hiện nay đã mua đất ở Tây Ninh, Lâm Đồng … và quyết định xây nhà máy làm ăn ở Việt Nam, nhưng vợ ông sẽ không về Việt Nam với ông. Hỏi vì sao, ông trả lời: “Bả nói bây giờ bả không cần tiền nữa, lớn tuổi rồi, làm gì nữa cho khổ thân. Giờ bả chỉ muốn đi chùa. Bả mặc kệ tôi muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Ở Mỹ tôi sống như chiếc bóng, con cái đều ở riêng và chúng cũng không hề quan tâm đến tôi. Những ngày tôi về VN bệnh nặng, tụi nó không một lời thăm hỏi. Bả cũng vậy. Tôi trách sao bà dạy con bất hiếu với cha chúng quá vậy. Bả không trả lời. Tôi nghĩ rất buồn, cả đời mình lo làm ăn kiếm tiền lo cho gia đình, bây giờ già rồi chỉ mong có mái nhà êm ấm, con cháu đề huề, nối nghiệp mình cai quản gia sản, nhưng con cái lớn lên ở Mỹ chán lắm chị ơi, chúng chỉ biết lo cho chúng, cũng không cần thứ mà mẹ cha để lại, cũng chẳng quan tâm đến mẹ cha. Tôi nghĩ, chắc tại trong tiếng Anh Mỹ, không có chữ “lòng hiếu thảo”, nên tụi nhỏ không biết!“ Khi nghe ông nói đến đây, tôi nhớ có lần đã cùng mấy người bạn nói chuyện về chủ đề này. Tôi bảo ông: Trong tự điển Việt Anh, tôi thấy “lòng hiếu thảo” được dịch là A Child’s love, Filial love. Có đấy chứ Mr. Yan! Do nền văn hóa và môi trường sống, mỗi nơi có một quan niệm và cách hành xử khác nhau, chứ tình cha mẹ con cái thì ở đâu cũng vẫn là mối thâm tình cao quý nhất không gì thay thế được. Tôi cũng từng nghe, nhìn thấy những cảnh người cha già, mẹ già sống lẻ loi một mình lúc tuổi già bóng xế. Có lẽ nhiều nhất là ở các nước Âu Mỹ. Dĩ nhiên có người thích sống một mình để không quấy rầy ai. Nhưng có ai mà không thèm khát một tình cảm và sự gần gũi với con cháu, cho dù họ chấp nhận cuộc sống một mình khi người bạn đời đã ra đi trước họ. Một ông thầy người Đức từng dạy lớp tiếng Đức của chúng tôi ở ĐH Khoa Học Xã hội & Nhân văn thường rủ chúng tôi về nhà thầy chơi. Chúng tôi mỗi người đem theo một món ăn đến với thầy những ngày Chủ nhật. Thầy sống trong một căn hộ chung cư khang trang ở quận 7, và mỗi lần đến nhà thầy tôi rất thích ngắm những món đồ sưu tập thầy mua từ các nước, và căn nhà trang trí theo kiểu Đức cổ điển trông hay hay. Vốn là một cựu chiến binh, sau cuộc chiến bị mất một chân trái, vậy mà thầy từng đi rất nhiều nước để chọn một nơi sống cho đến ngày cuối đời. Cuối cùng thầy dừng chân ở Việt Nam. Thầy bảo thầy thích Việt Nam, “vì nơi đây tình người ấm áp nhất”. Vậy là thầy dọn nhà, chở nguyên một container đồ đạc từ Đức về VN. Tôi thật hâm mộ và xúc động khi mỗi ngày thầy vẫn đạp xe đạp từ quận 7 về quận 1 để dạy lớp Speaking tiếng Đức. Nhìn dáng thầy đi xiêu xiêu, râu tóc bạc phơ, thương làm sao! Hỏi ra mới biết thầy cũng có một người con trai là tiến sĩ khoa học, nhưng đã từ lâu lắm rồi người con không hề liên lạc với cha, dù chỉ là một cuộc điện thoại. Hiểu là vậy, nhưng sao tôi vẫn nghe nhiều chuyện chạnh lòng. Có lần chồng của một cô bạn tôi từ Mỹ về chơi thấy chị em tôi xúm xít bên giường bệnh của mẹ, anh đã rớt nước mắt mà nói: “Ở VN con cái còn lo lắng chăm sóc cha mẹ lúc bệnh hoạn, già yếu, còn ở Mỹ, gia đình tôi không được như vậy chị ơi. Nuôi con lớn rồi, chúng tự động dọn ra khỏi nhà năm 18, 20, không cần có gia đình. Cha mẹ bệnh tật chúng cũng không quan tâm. Tốt lắm thì chúng ghé vào nursing home thăm đôi bữa. Tôi cũng không biết rồi về già thân tôi sẽ ra sao đây!”… Tôi cũng nghe bạn tôi kể khi mẹ bạn bệnh nằm trong nursing home, bạn thường xuyên vào thăm mẹ. Cùng phòng có một bà mẹ già người Mỹ bệnh lẫn không thấy có con cháu vào thăm nom. Một hôm bà mẹ Mỹ lén lấy chiếc áo len của bà mẹ Việt, ôm khư khư vào lòng không trả lại. Hỏi thì bà bảo: “Tôi muốn lấy chiếc áo của bà ấy để thơm hơi, rồi con cháu tôi chúng cũng bắt chước mà vào thăm tôi như bà ấy”… Câu chuyện làm tôi ứa nước mắt. Nhớ lại cha tôi ngày còn sống chiều nào ông cũng đứng trước cửa chờ từng đứa con đi học, đi làm về. Nhớ mẹ tôi những ngày nằm trên giường bệnh, dù có một số con trai con gái bên cạnh, bà vẫn không nguôi nhớ thương những đứa con ở xa lâu lâu mới có dịp về thăm một lần. Lòng cha mẹ thương nhớ con cũng có khi được đáp lại, nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy. Tôi vẫn còn thấy chua xót vì có biết một người mẹ khi bệnh, cô con gái duy nhất còn lại đang ở xa gửi tiền về nhờ người chăm sóc bà, nhưng khi bà mất, cô lại không thể về, và có lẽ vì cô lấy chồng ngoại quốc nên những đứa con trai con gái của cô cũng không thấy về chịu tang bà. Đám tang quạnh hiu và buồn làm sao, dù có cả đoàn tăng ni Phật tử đi đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cho đến bây giờ đã nhiều năm trôi qua, đã xong lễ tiểu tường, rồi đại tường, vẫn không thấy ai về viếng mộ bà. Cũng có nhiều người kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện tương tự như vậy, tôi chỉ đành giải thích có lẽ tùy gia đình có phước có phần hay không. Cha mẹ ở đâu cũng đều yêu thương con, mong nuôi con khôn lớn thành đạt, dường như chỉ biết hy sinh chứ ít khi đòi hỏi. Còn những đứa con, đến khi đủ lông đủ cánh thì bay đi tìm tương lai, danh phận, hạnh phúc riêng cho mình, có khi quên mất ở quê nhà còn cha mẹ già đang hắt hiu ráng sống tiếp những ngày còn lại của cuộc đời. Chưa kể bao nhiêu thảm cảnh khác! “Nước mắt chảy xuôi” cũng là câu ông bà mình hay nói mà thôi. Trở lại câu chuyện của Mr. Yan, hôm nay ông không đến một mình mà còn có một người phụ nữ trẻ xinh xắn đáng tuổi con gái ông. Trên tay cô bế một thằng bé trai chừng một tuổi. Ông giới thiệu: “Vợ sau và con trai tôi đó chị!” Vì thằng bé không chịu ngồi yên, mẹ nó phải bế nó ra sân đi tới đi lui. Trong lúc đó, Mr. Yan tiếp tục tâm sự: “Những ngày ở Thái tôi bị bệnh nặng phải mổ, cô này là người chăm sóc tôi. Một năm sau tôi quyết định ly dị bà xã ở Mỹ và cưới cô ta. Có được thằng con trai là điều tôi mừng nhất trên đời. Đi đâu về nó quấn quýt bên tôi, tôi thấy ấm áp lắm. Tôi nói với cổ “Em phải biết dạy con cho có hiếu. Nó mà bất hiếu thì em cũng không sống yên với anh đâu!”… Dĩ nhiên là tôi im lặng. Chuyện đã đến nước này có nói gì cũng bằng thừa. Thôi thì mong sao Mr. Yan cuối cùng sẽ có được một mái gia đình hạnh phúc như ý: Một đứa con có hiếu và một người vợ ngoan hiền chăm sóc ông ta đến cuối đời. Chỉ nhẩm tính… và lo dùm cho ông. Năm nay ông đã gần 70 tuổi. Khi đứa con bé bỏng này đến tuổi có thể báo hiếu được, không biết ông có còn sống trên cõi đời này để hưởng chữ Hiếu từ con hay không?... Dieu Tam Nguyen