Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

I AM STERDAM!

I AM STERDAM! (*)


Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, là thành phố lớn nhất của tỉnh Bắc Hà Lan (tiếng Hà Lan: Noord-Holland), thủ phủ của tỉnh là Haarlem.
Amsterdam nằm trên các bờ vịnh IJ và sông Amstel. Thành phố được thành lập vào thế kỷ 12 từ một làng chài nhỏ bên bờ sông Amstel. Ngày nay, đây là thành phố lớn nhất Hà Lan, là trung tâm chính trị, kinh tế.
Tên của thành phố có nguồn gốc từ Amstellerdam, một con đập trong sông Amstel. Từ một làng chài nhỏ ở cuối thế kỷ 12, Amsterdam đã trở thành một trong những cảng quan trọng nhất trên thế giới trong thời kỳ hoàng kim Hà Lan, là trung tâm tài chính và kim cương hàng đầu thế giới. Trong thế kỷ 19 và 20, thành phố mở rộng, và nhiều khu vực lân cận và các vùng ngoại ô mới được thành lập.


Thành phố là thủ đô tài chính và văn hoá của Hà Lan. Nhiều tổ chức lớn của Hà Lan có trụ sở chính ở đây, và 7 trong 500 công ty hàng đầu thế giới, bao gồm Philips và ING, có trụ sở ở thành phố này. Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam, thị trường chứng khoán lâu đời nhất trên thế giới nằm ở trung tâm thành phố. Địa điểm thu hút chính của Amsterdam bao gồm các kênh lịch sử của nó, Rijksmuseum, bảo tàng Van Gogh, Hermitage Amsterdam, nhà Anne Frank, phố đèn đỏ De Wallen, và các quán cà phê cần sa thu hút hơn 3.660.000 du khách quốc tế mỗi năm.
Bên cạnh đó, Amsterdam còn có một trong những trung tâm phố cổ lớn nhất châu Âu.
5 thành phố lớn nhất của Hà Lan ngoài thủ đô Amsterdam, là Rotterdam, Den Haag (La Haye), Utrecht và Eindhoven.


Hà Lan (Netherlands) nghĩa đen là "các vùng đất thấp" (Lower countries). Các Vùng đất thấp ngày nay là một định danh gồm có Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, song trong hầu hết các ngôn ngữ Roman, thuật ngữ "Các Vùng đất thấp" được sử dụng dành riêng cho Hà Lan.
Hà Lan có địa hình thấp và bằng phẳng, chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1 m so với mực nước biển. Hầu hết diện tích dưới mực nước biển là đất cải tạo. Từ cuối thế kỷ 16, nhiều khu vực rộng lớn được cải tạo từ biển và hồ, chiếm gần 17% diện tích đất hiện nay của quốc gia. Với mật độ dân số trên 400 người/km², nếu không tính mặt nước thì sẽ hơn 500 người/km², Hà Lan thuộc vào hàng các quốc gia có mật độ dân số rất cao. Tuy vậy, Hà Lan là quốc gia xuất khẩu lương thực và nông sản lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, do đất màu mỡ và khí hậu ôn hòa, và là quốc gia thứ ba trên thế giới có các đại biểu được bầu cử để kiểm soát hành động của chính phủ; có nền dân chủ nghị viện và quân chủ lập hiến từ năm 1848. Hà Lan có lịch sử lâu dài về khoan dung xã hội và thường được nhìn nhận là một quốc gia tự do, đã hợp pháp hoá mại dâm và an tử, chính sách về ma túy tiến bộ và là quốc gia đầu tiên hợp pháp hôn nhân đồng giới sớm nhất vào năm 2011. Hà Lan cũng đã bãi bỏ án tử hình vào năm 1870 và nữ giới được tham gia bầu cử vào năm 1919.



Hà Lan là một thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu, Khu vực đồng Euro, G-10, NATO, OECD và WTO, nằm trong Khu vực Schengen và Liên minh Benelux. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của năm toà án quốc tế như Tòa án Trọng tài thường trực và Tòa án Công lý Quốc tế, trong đó có bốn toà án đặt tại Den Haag, do đó thành phố này được mệnh danh là "thủ đô pháp luật thế giới."
Hà Lan đứng thứ hai trong chỉ số tự do báo chí năm 2016 của Phóng viên không biên giới. Có nền kinh tế hỗn hợp dựa trên thị trường, đứng thứ 17 về chỉ số tự do kinh tế năm 2013. Có GDP PPP bình quân cao thứ 13 thế giới vào năm 2016 theo số liệu của IMF. Năm 2017, Báo cáo Hạnh phúc thế giới của Liên Hiệp Quốc xếp Hà Lan đứng thứ sáu, phản ánh chất lượng sinh hoạt cao tại đây. Hà Lan là một nhà nước phúc lợi hào phóng, cung cấp chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục công cộng và hạ tầng tốt, và nhiều phúc lợi xã hội.


Về mỹ thuật, Hội hoạ Thời kỳ hoàng kim Hà Lan nằm vào hàng được tôn vinh nhất thế giới đương thời, trong thế kỷ 17. Đây là thời của "các bậc thầy Hà Lan" như Rembrandt van Rijn, Johannes Vermeer, Jan Steen, Jacob van Ruisdael. Từ thập niên 1620, hội hoạ Hà Lan tách biệt dứt khoát khỏi phong cách Baroque để bước sang một phong cách miêu tả hiện thực hơn, quan tâm rất nhiều đến thế giới thực. Các loại tranh gồm có tranh lịch sử, chân dung, phong cảnh, cảnh đô thị, tĩnh vật và thể loại. Trong bốn loại tranh cuối nêu trên, các hoạ sĩ Hà Lan lập ra các phong cách được giới mỹ thuật châu Âu dựa vào trong hai thế kỷ sau đó. Trường phái Haag xuất hiện vào khoảng lúc bắt đầu thế kỷ 19, thể hiện toàn bộ những gì tối nhất hoặc sáng nhất trong cảnh quan Hà Lan, những gì âm u nhất hoặc trong trẻo nhất trong khí quyển. Trường phái ấn tượng Amsterdam thịnh hành vào giữa thế kỷ 19, cùng thời kỳ với trường phái ấn tượng Pháp, tập trung vào miêu tả sinh hoạt thường nhật của thành phố.


Vào cuối thế kỷ 19, Amsterdam là một trung tâm nhộn nhịp về mỹ thuật và văn học. Vincent van Gogh là một họạ sĩ hậu ấn tượng, các tác phẩm của ông được chú ý vì vẻ đẹp thô, tính chân thật biểu cảm và màu sắc rõ nét, có ảnh hưởng sâu rộng đến mỹ thuật thế kỷ 20. Trong thế kỷ 20, Hà Lan sản sinh nhiều hoạ sĩ như Roelof Frankot, Salomon Garf, Pyke Koch. Từ năm 1911 đến năm 1914, toàn bộ các phong trào mỹ thuật mới nhất lần lượt truyền đến Hà Lan, bao gồm trường phái lập thể, trường phái vị lai và trường phái biểu hiện. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, De Stijl (phong cách) được dẫn dắt bởi Piet Mondrian và xúc tiến mỹ thuật thuần tuý, chỉ bao gồm các đường dọc và ngang, sử dụng các màu cơ bản.



(Trích nguồn wiki.)
Photo by Dieu Tam Nguyen

(*) Vào tháng 9 năm 2004, cụm từ "I am sterdam", (một cách chơi chữ của người Amsterdam) trở thành khẩu hiệu và nhãn hiệu cho cả con người và thành phố Amsterdam nhằm quảng bá cho thành phố trở thành điểm đến thu hút nhất của du lịch và thương mại Hà Lan.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

TRÊN ĐỈNH TÀ LƠN

Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe người lớn nói với nhau “Muốn tu thì lên núi Tà Lơn mà tu!” Cứ tưởng núi Tà Lơn chỉ là truyền thuyết, vậy mà hôm nay tôi đã đặt chân lên đến đỉnh Tà Lơn, mới hay nơi từng gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ, đầy huyền thoại này nằm ở đất Campuchia mà người Khmer gọi là núi Bokor.
Núi Tà Lơn hay Bokor cách thị xã Kompot, tỉnh Kompot chừng 10 km về hướng Tây Nam, và cách Phnompenh 150 km. Đỉnh cao nhất so với mặt nước biển khoảng 1.080 m. Năm xưa dãy núi này là nơi các cụ tổ sư, giáo chủ, đạo sĩ người Việt từng tu luyện trên đỉnh núi thiêng, trong nhiều hang động, có người đắc đạo tiên. Trong số đó có Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, Nguyễn Thành Đa ( Cử Đa, đạo hiệu là Ngọc Thanh), Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo), Ngô Văn Chiêu (khai sáng đạo Cao Đài) v.v.. Có cả các vị tu sĩ người Thái Lan, Miến Điện hoặc các pháp sư, thầy bùa, thầy ngải khắp nơi cũng thường lui tới. Đây cũng được xem như là một thánh địa linh thiêng mà nhiều đoàn hành hương đã lội suối băng rừng tìm đến hội tụ để tinh tấn tu hành.

Lan Thiên, cao nguyên Bokor.

Xưa kia ngọn núi này là chốn thâm sơn cùng cốc, địa thế hiểm trở, nơi rừng thiêng nước độc, có nhiều loài cầm thú nguy hiểm, hùm beo, chằng tinh gấu ngựa, “Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú, Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan, Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn, Nhìn trên suối sấu nằm như trăm khúc” (*). Tại ngọn núi này cũng có nhiều hang động, đá tảng hình thù kỳ lạ, cùng nhiều loại cây ngải, thảo dược quý mà có người đã phát hiện được trên con đường “tầm sư học đạo”. Đến năm 1917 khi người Pháp bắt đầu khai phá núi thiêng xây dựng nhà thờ, đền chùa, cửa hàng, bưu điện. khách sạn, casino v.v… thì tấm màn huyền bí về Tà Lơn dần tỏ lộ, dấu tích những hang động cổ xưa cùng những xây dựng thời Pháp nay đổ nát hoang tàn nhiều đã trở thành di sản kỳ thú gắn liền với truyền thuyết của Tà Lơn như tượng nữ thần Veang Kh’mau (người Việt gọi là dì Mâu), tượng Ông Địa, chùa Năm Thuyền (Wat Sampov Pram), điện Tứ Giao, Minh Châu, Lan Thiên, Trung Tòa, cổng Bàn Ngự … là những nơi linh thiêng, cùng một số đền tháp, nhà thờ cổ phủ đầy rêu đỏ với thời gian.

Wat Sapov Pram - Chùa Năm Thuyền cổ.

Ngày nay, để đến núi Tà Lơn, nếu đi từ An Giang, Kiên Giang thì đi qua cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu địa phương mất khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ đi xe từ biên giới Việt Nam là đến núi.
Từ Phnompenh đi lên núi Tà Lơn thì xa hơn, khoảng trên 5 tiếng. Còn chúng tôi, cùng với sư Minh Trung, khi đoàn khởi hành từ Bến Ván lúc 5 giờ sáng, đến thành phố biển Sihanoukville (tiếng Khmer là Krong Preah Sihanouk hay Kampong Som) 12 giờ trưa, nghỉ ngơi chừng 2 tiếng tiếp tục lên đường, đến tỉnh Kompot khoảng 4 giờ chiều, gần hết cả ngày.
Đến Kompot, khi lên đến ngọn đồi lưng chừng núi nơi có tượng thờ nữ thần Veang Kh’mau, trời bỗng sập tối, mây đen kéo về, gió lạnh và có mưa nhỏ hạt. Con đường ngoằn ngoèo như rắn lượn dưới xa kia như mờ dần đi. Trên bầu trời bao la, phía xa xa trên đỉnh núi Tà Lơn chợt xuất hiện một cánh chim đại bàng đang xòe rộng cánh bay lượn mấy vòng thật ngoạn mục rồi từ từ biến mất trong lớp sương mù dày đặc. Có được nhìn thấy cánh đại bàng dang cánh bay lượn trên bầu trời mây vần vũ mới thấy loài chim này đúng là hình ảnh của tự do và kiêu hùng giữa núi rừng bát ngát. Tiếc là tôi không chụp hình kịp! Rồi chừng 15 phút sau, mây tan, chút nắng hoàng hôn ló dạng. Thời tiết trên núi Tà Lơn chợt nắng chợt mưa là như vậy.


Tượng nữ thần Veang Kh'mau (dì Mâu) trên đỉnh Tà Lơn.
Trên ngọn đồi cao, tượng nữ thần cai quản núi Tà Lơn Veang Kh’mau cao 28 m to lớn nổi bật thật đẹp giữa núi rừng. Truyền thuyết kể rằng, bà là một phụ nữ người Việt đến dạy cho dân làng cách trồng lúa, làm ăn. Một ngày kia bà đi tìm chồng rồi bị bão đánh lật thuyền mà chết. Bà hiển linh cứu giúp dân làng và yêu cầu người dân cúng bà biểu tượng Linga.
Trên đường lên đỉnh núi, chúng tôi dừng lại Lan Thiên. Trong lúc mọi người cùng tản qua phía bên trái cung đường thì riêng tôi được một người khuyên nên qua cánh đồng phía bên phải sẽ bắt gặp nhiều thứ lạ lùng hơn. Không biết ngày xưa như thế nào nhưng nơi đây bây giờ chỉ là cánh đồng bát ngát nhấp nhô vô số những tảng đá lớn nhỏ, hình thù lạ kỳ, có tảng thành hình rồng, hình Phật Di Lặc v.v.. Một số chỗ từng là nơi tu hành của các vị tổ sư, đạo sĩ. Ở đây có nhiều cây bá tùng (lá của cây bách và tùng trên một cây), một loại cỏ thân mảnh và nhọn, nhiều loại địa lan và cây "nắp nước", một loại cây có hoa với nắp đậy mà ngày xưa những người đi lạc vào rừng có thể uống nước mưa trữ trong các bông hoa, cũng là một trong các loại thảo dược quý. Theo các tài liệu địa chất, xưa kia có lẽ Bokor là biển nên ngày nay có nhiều đá tảng hình thù kỳ lạ do nước xói mòn, và mặt đất lẫn nhiều cát trắng mịn. Và cứ thế, tôi say sưa đi theo rừng đá lạ, nếu không có tiếng còi xe báo hiệu lên đường có lẽ tôi còn đi nữa, xa nữa … rồi lạc!

Bình minh trên đỉnh Tà Lơn (cao nguyên Bokor)

Đi tiếp hơn nửa tiếng nữa, chúng tôi ghé tham quan Thansur Sokha hotel, một khách sạn lớn sang trọng có đến 564 phòng. Từ thời Pháp Bokor đã trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, bị bỏ phế hoang tàn sau chiến tranh thì ngày nay là khu nghỉ mát, du lịch và hành hương, vì vậy đường đi lên núi rất tốt, phong cảnh và các khách sạn, resort rất đẹp. Bokor nay đã hồi sinh bằng việc xuất hiện một khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí trên cao nguyên cao cấp đầu tiên do Tập đoàn Sokimex của Oknha Sokun (Công tước Sokun), một tỷ phú gốc Việt, làm chủ đầu tư. Ông cũng là người đầu tư xây dựng Angkor Wat ở Seam Reap và nhiều công trình, dự án lớn khác ở nhiều thành phố như Sihanoukville, Seam Reap… Ở Bokor ông cho xây dựng các khách sạn, villa nằm cạnh các phế tích huyền bí và cho tái hiện resort và casino cổ thời Pháp. Thansur rộng 4.000m2, đường nội bộ được xây dựng dài 200km đã giúp kéo các điểm di tích lại gần nhau hơn. Kể từ đó, Bokor thu hút khá nhiều du khách từ nhiều nơi trên thế giới. Đỉnh điểm, Bokor có thể đón 70.000 lượt khách tham quan trong ngày. Một số điểm tham quan khác ở Bokor còn có Thạch Lâm, Cánh đồng 500 và 100 mẫu, Đầm Đen, thác nước hai tầng Povokvil (Đám mây xoáy), Trung tâm Thiền Bokor, biệt thự vua Monivong… Gần phía khách sạn Palace có những tảng đá xếp như vảy rồng, ngày xưa người ta tin nơi đây thần tiên từ trên trời thường xuống đây đàn ca hát xướng vào những đêm trăng rằm. Cách đó không xa là nhà thờ cổ do người Pháp xây dựng năm 1920, khu khách sạn cổ đã bỏ hoang nhiều năm, bám đầy rêu đỏ. Trên đỉnh Tà Lơn, dưới nắng chiều một ngôi chùa hiện ra uy nghiêm giữa trời mây bên vực núi cao dựng đứng, đó là Wat Sampov Pram (chùa Năm Thuyền), là nơi đoàn chúng tôi trú ngụ một đêm khi lên đến núi. Đây cũng chính là nơi sư Minh Trung của An Hòa tự, Bến Ván từng tu tập trước khi hạ sơn. Chùa do vua Monivong xây dựng vào năm 1924. Người Việt gọi là chùa Năm Thuyền vì có 5 tảng đá nhô ra hình dạng như 5 chiếc thuyền vươn ra phía biển, gắn với tích truyện 5 con thuyền đầy châu báu của hoàng tử Preah Thong và công chúa Thủy cung Nagani năm xưa từng đến vùng núi này trú ngụ và hoàng tử Preah Thong được xem như là cha đẻ của nền văn minh Khmer. Đây cũng là nơi đắc đạo của nhiều bậc chân tu, có cả giáo chủ các tôn giáo miền Nam là Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Giáo Chủ…

Wat Samov Pram - Chùa Nam Thuyền trên đỉnh Tà Lơn.
Dựa theo một số tài liệu thì hình ảnh chùa Năm Thuyền ngày xưa khá nhỏ chứ không phải nằm trong một quần thể lớn như bây giờ, có lẽ đã được đại trùng tu. Wat Sampov Pram nằm trên ngọn đồi cao, vách đá rêu phủ đỏ thắm. Còn ngôi chùa lớn nằm giữa sân ngày nay có hai tầng, khá dài và rộng. Bên ngoài thiết kế theo kiểu đền tháp Campuchia với hai tượng đầu rắn thần Naga chầu hai bên bậc cấp dẫn lên cửa chính của chùa, nhưng cách trang trí bên trong lại đậm màu sắc Phật giáo dân gian của miền Tây Nam bộ. Bàn thờ Phật ở chính điện, nhỏ gọn. Hai bên hành lang và trên trần là những bức phù điêu thạch cao lớn khắc họa các tích truyện trong cuộc đời đức Phật từ lúc đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ tại chùa, tắm nước suối trong, ăn cơm chay và nằm đất. Về đêm trời càng lạnh, có mưa nhỏ và gió núi thổi về hun hút. Do đi đường khá mệt nên mọi người đều lăn ra ngủ say. Tôi thức giấc mấy lần trong đêm vì lạnh, phải lấy thêm áo ấm mặc. Mở cửa ra ngoài chỉ thấy một màn đêm và sương phủ bao quanh núi rừng. Một số chị em trong đoàn ban đêm không dám ra ngoài vì sợ ma. Riêng tôi lại có một cảm giác kỳ lạ, có phần thú vị khi nghĩ mình đang ở trên đỉnh núi Tà Lơn … nghe tiếng mưa rơi trên lá khuya, tiếng dế giun, chim núi kêu và gió lạnh trong đêm vắng. Càng về khuya, không khí núi rừng càng trong trẻo thanh khiết. Không còn là nơi rừng thiêng nước độc, hùm beo thú dữ như năm xưa, mà dường như chỉ còn lại đâu đây dấu tích của người năm cũ, những vị tổ đạo, thiền sư, hiền giả đi tìm nơi thanh vắng tu hành còn lưu lại bên những hang động, những mái chùa, đền tháp cổ linh thiêng. 

Tượng Phật ở Wat Sampov Pram, Bokor.

Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy khi mặt trời chưa lên. Sương mù dày đặc che kín cây cỏ hai bên đường mòn. Dần dần sương tan và nắng lên. Tôi đi tản bộ quanh chùa. Có nhiều tảng đá chất chồng tự nhiên bám đầy rêu xanh rải rác đó đây. Có hai lối đi, một phía bên trái lên đồi cao hơn, có bậc cấp cao đá đỏ dẫn lên trên Wat Sampov Pram. Điện thờ, tháp cổ và những bức tường gạch đỏ đầy rêu phong huyền bí, có rêu xanh và cả rêu đỏ. Giữa sân có tượng đức Phật trên một hồ nước. Phía bên phải là lối dẫn đến vườn tượng, mô tả cảnh đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân cho 5 anh em Kiều Trần Như. Trên cao nhất là tượng Phật Bổn sư uy nghi rất đẹp ngự trên tòa tháp phía vườn hoa. Quanh chùa không có lan can, chỉ có một bức tường thấp ngắn và nhiều tảng đá lớn nằm chênh vênh nơi vực sâu thăm thẳm bên dưới. Từ chùa phóng tầm mắt nhìn ra xa thấy biển và đảo Phú Quốc. Cảnh thiên nhiên nơi đây thật không kém chi thiên đường, nhất là khi bình minh mặt trời ló dạng và lúc hoàng hôn rơi xuống những tia nắng cuối ngày. Tôi cảm thấy mình thật may mắn đã chứng kiến Tà Lơn vào cả hai thời điểm trong ngày đó. Sắc màu của những pho tượng dát vàng hay bằng đá tuyệt đẹp, của mái ngói đền chùa, vừa cổ kính nghiêm trang khơi gợi quá khứ và lịch sử, những tàng cây và bông hoa đủ màu trong vườn chùa, thung lũng bên dưới xanh thẳm, tất cả khi ẩn khi hiện trong màn sương núi có thể ập đến bất cứ lúc nào, rồi những tia nắng lại tràn đến làm vạn vật trở nên óng ánh ... Ôi thật tuyệt vời. Vậy mà nơi đây từng bị bỏ phế hoang tàn, là thành phố ma cho đến năm 2002 khi đoàn làm phim của Hollywood đến quay bộ phim City of Ghost, Tà Lơn mới thật sự thức giấc ... như nàng công chúa ngủ trong rừng ... sau 100 năm!
Vẫn còn nhiều nơi chưa đến. Tôi hy vọng lần sau lại đến Bokor một lần nữa để được thấy nhiều hơn, và sẽ muốn ghé Shihanoukville, Koh Rong và Koh Rong Samloem, hai hòn đảo hoang sơ của xứ chùa Tháp được ví như “thiên đường Maldives” của Đông Nam Á.

Tháng 4-2018
Bài viết và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen

(*) Trích “Thơ Núi Tà Lơn" của nhà văn Sơn Nam (1926-2008), một thời từng trú ngụ tại núi Tà Lơn.
Tham khảo một số tư liệu từ Google, Wikipedia.

Nghĩ về kiến trúc chùa VN

Nhân mùa an cư, chợt nghĩ về kiến trúc chùa chiền tại Việt Nam, là một trong những điều mà tôi từng thắc mắc.
Là một Phật tử, thích đi chùa, vãn cảnh chùa, tôi có duyên được dịp viếng nhiều chùa trong và ngoài nước. Những ngôi chùa kiến trúc độc đáo nổi tiếng gây cảm xúc đặc biệt như đền Mahabodi ở Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ; chùa Shwedagon, chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo ở Miến Điện; chùa Nan Tien ở tiểu bang New South Wales nước Úc; quần thể Angkor Wat, chùa Vàng chùa Bạc ở Campuchia, Thái Lan; Linh Ẩn tự với 500 tượng Phật La Hán bằng đồng ở Hàng Châu, Hàn Sơn tự và bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế ở Tô Châu ... Thế nhưng ở VN, tôi thường rất thích viếng các ngôi chùa cổ mang tính chất dân gian địa phương, không thích những ngôi chùa quá to lớn bề thế hiện đại mà kiến trúc không nhất quán, hoặc quá nhiều hình tượng, trang trí màu sắc lòe loẹt, bài trí lộn xộn, thiếu thẩm mỹ "đầu Ngô mình Sở". Nói về một kiến trúc chùa đẹp, ngoài yếu tố thẩm mỹ, đáp ứng được những sinh hoạt nghi lễ, tôi tâm đắc với ý tưởng của thầy Viên Minh trong loạt bài viết về Kiến trúc Phật giáo là "cần hội đủ 3 yếu tố: tính Phật giáo, tính dân tộc và thời đại".

Tháp Mahabodi, Bồ Đề Đạo Tràng, Bodhgaya, Ấn Độ.


Năm 2012, trở về sau hơn 45 năm xa Huế, lần đầu tiên viếng thăm 2 ngôi chùa Huyền Không, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ngôi tháp ở Huyền Không Sơn Hạ (về sau khi được đến Ấn độ mới biết ngôi tháp này gợi hình ảnh tháp Mahabodi Bồ đề Đạo tràng), lạ và đẹp. Thêm vào đó, cảnh quan thơ mộng, thoát tục, gần gũi với thiên nhiên, cách bài trí chánh điện đơn sơ, thanh nhã ở Huyền Không Sơn thượng khác với nhiều ngôi chùa âm u buồn bã hay sơn son thếp vàng màu sắc lòe loẹt tôi mới thật sự muốn tìm hiểu về Phật giáo, bao gồm tư tưởng triết lý, giáo lý, kiến trúc và mỹ thuật. Chuyến đi đó, ngơ ngẩn vì cảnh chùa, tôi viết "Lạc Bước Rừng Thiền", như bước chân đầu tiên đánh dấu cho một hành trình đến với Phật pháp về sau.

Cảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế.

Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Tuy nhiên, một số chùa Việt Nam ngoài thờ Phật còn thờ thần ( thờ các vị thiền sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông và Lý Thần Tông ), thờ tam giáo (Phật – Lão – Khổng), thờ Trúc Lâm Tam tổ...
Chùa Việt Nam thường không phải là một công trình mà là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Tên các kiểu chùa truyền thống thường được đặt theo các chữ Hán có dạng gần với mặt bằng kiến trúc chùa.
Cấu trúc được phân loại theo hình dạng chữ Hán như chữ Đinh (丁), có nhà chính điện hay còn gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Một số chùa tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình); chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Dư Hàng (Hải Phòng)...
Chùa chữ Công (工) là chùa có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An); chùa Keo (Thái Bình)...

Chùa Cầu, Hội An.

Chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội có dạng bố cục như thế này.
Chùa kiểu "nội Công ngoại Quốc" là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國).
Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, là nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan.
Chùa kiểu chữ Công (宮) là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên có một số ngoại lệ, tiêu biểu là chùa Một Cột ở Hà Nội có hình dáng một bông sen nở trên mặt nước, hay ngôi chùa mới được xây cất như chùa Vĩnh Nghiêm có hai tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình cả những nét truyền thống Phật giáo và cả những thành tựu của kiến trúc. Nhưng những ngoại lệ như vậy không nhiều" (1).

Chùa Một Cột, Hà Nội.

Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ, Huế.

Ngoài ra còn có cổng tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện, hậu đường...
Ở sân trước nhiều chùa còn có tháp chuông (chùa Xá Lợi, Thiền viện Trúc Lâm, Thường Chiếu...), tháp thờ Phật (chùa Thiên Mụ), tháp vong, nhà bia (chùa Từ Hiếu, chùa Phổ Minh...), nhỏ hơn thường có gác chuông, lầu trống...
Kiến trúc chùa Việt Nam được xây dựng và phát triển khá đa dạng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau và không gian khác nhau, ở các phong cách kiến trúc địa phương. Chùa kiểu chữ Tam phổ biến ở miền Nam hơn ở miền Bắc. Chùa của người Mường thường xây bằng tre và vật liệu đơn giản. Chùa của người Khmer miền Tây Nam bộ xây theo kiến trúc của Campuchia và Thái Lan ảnh hưởng văn hóa của đế chế Khmer. Chùa của người Hoa hay người Ấn (ở Q.1 Tp HCM) cũng có sắc thái kiến trúc riêng.
Văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ là hai nền văn hóa ảnh hưởng sâu đậm đến toàn vùng. Riêng về phương diện Đạo học, văn hóa Trung Hoa nghiêng về tính hiện thực nhập thế, tiêu biểu là Khổng giáo; Ấn Độ nghiêng về tính siêu hình xuất thế, điển hình là Ấn giáo.
Về kiến trúc chùa chiền, đa số chùa Bắc Tông ảnh hưởng Trung Hoa, Nhật Bản. Chùa Phật giáo Nam tông ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhiều hơn, thường theo khuôn mẫu Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Myanmar ... Chùa Mật tông lại mang vẻ huyền bí, thâm trầm.

Chánh điện chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, Tp HCM

Chánh điện bài trí kim thân các đức Phật cũng không giống nhau. Ở giữa các chánh điện các chùa Bắc Tông thường thờ Tam thế Phật, là tượng các vị Phật của Quá Khứ - Hiện tại - Vị Lai, bên dưới là 3 pho tượng Di Đà tam tôn: tượng Phật A Di Đà (Amitabha) ở giữa, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara) ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta) ở bên phải. Trong một số chùa còn có tượng Phật Quan Âm Chuẩn đề" có nhiều tay (Cundi-Avalokitesvara). Phía dưới Di Đà Tam tôn có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamumi) ở giữa, ngồi trên tòa sen; Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri) bên trái và Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra) bên phải, cùng đứng trên tòa sen hoặc tượng Văn Thù ngồi trên lưng con sư tử màu xanh và Phổ Hiền ngồi trên lưng con voi màu trắng. Có khi là hai đệ tử của Thích Ca, Ca Diếp (Kasyapa) và A Nan Đà (Ananda). Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp. các tượng Phật Thích Ca thường có nhiều kiểu khác nhau thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật như đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn. Có khi là tượng Tuyết Sơn biểu hiện thời kỳ Phật Thích Ca tu khổ hạnh trong núi tuyết Himalaya, gầy guộc, thân hình lộ rõ xương sườn. Một số chùa thờ tượng Phật Di Lặc, tượng Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) - là một nhà sư Ấn Độ đến Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ VI, được coi là người sáng lập Thiền Tông tại đây; có chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Phật mẫu, Diêm Vương, hoặc 18 vị La Hán (Arhat) dọc theo hành lang hai bên, mỗi bên 9 vị..v.v... Nói chung không theo một nguyên tắc nào.
Riêng chùa Phật giáo Nam tông chỉ thờ duy nhất một tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà thôi.

Chùa Tam Thai, Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Theo HT Viên Minh: "Khó có thể xác định đâu là kiến trúc riêng biệt của Việt Nam, vì Việt Nam tiếp thu nhiều nguồn văn hóa khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng Trung Hoa trong kiến trúc chùa chiền.
Kiến trúc chùa đời Lý - Trần có đường nét độc đáo và giàu tính sáng tạo, đã hơn một lần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và Nho giáo so với đời Lê - Nguyễn. Khi nhà Nguyễn dời đô về Thuận Hóa (Huế) tiếp thu thêm văn hóa phương Nam của dân tộc Chăm; kiến trúc chùa và cung đình cũng có phần thay đổi để tạo chỗ đứng cho riêng mình; tuy vậy, vẫn chưa thể nào thoát được ảnh hưởng Trung Hoa quá sâu nặng và lâu đời.
Sự sáng tạo của kiến trúc đời Lý đáng cho chúng ta nghiên cứu học hỏi, tiếc rằng, kiến trúc đó chỉ còn không nhiều và ở miền Bắc mà thôi.
Chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương... có thể xem là tiêu biểu cho kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam, đáng cho chúng ta hãnh diện và noi gương để phát huy tính dân tộc và tính sáng tạo độc đáo này.
Nếu so sánh thì nói chung, chùa Trung Hoa giàu chi tiết, chùa Nhật Bản dáng nhẹ nhàng, chùa Cao Ly màu sắc phong phú, chùa Tây Tạng thâm u với nhiều biểu tượng huyền bí, còn chùa Việt Nam đời Lý giản dị, trầm hùng và bố cục chặt chẽ.
Chùa Việt Nam không vĩ đại, kiêu sa như chùa Trung Hoa, Tây Tạng, cũng không nguy nga đồ sộ như chùa Nhật Bản, Thái Lan. Chùa Việt Nam khiêm tốn, khoan thai, u nhã và hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên". (2)

(1) Trích Wikipedia
(2) Trích đoạn trong "Định hướng kiến trúc Phật giáo Nam tông VN", tác giả HT Viên Minh.

Các bạn đọc thêm bài viết về kiến trúc Phật giáo Việt Nam của HT Viên Minh:
http://huyenkhongsonthuong.com/kien-truc-phat-giao-viet-nam-tham-duom-hon-dan-toc.html

Ảnh: Dieu Tam Nguyen
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1886713911392363.1073742312.100001613180918&type=3

Ngọn gió đi qua ...

"Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về"...(*)


Đã 53 năm rồi, ngày từ giã trần gian, gia đình, bạn bè... chị ra đi khi mới vừa 18 tuổi xuân và kịp hay tin vừa thi đậu Tú Tài, trên môi còn nở một nụ cười. Một căn bệnh bất ngờ đến với chị giữa lúc hoa xuân vừa hé nở. Mẹ vội vàng đem chị vào bệnh viện Grall, Sài Gòn chạy chữa. Vài tháng sau, khi bác sĩ lắc đầu, cha mẹ đem chị về lại Huế. Mẹ lao như điên cuồng vào chùa chiền đền miếu ai chỉ đâu mẹ theo đó chỉ mong một phép lạ từ trời cao cứu đứa con gái đầu lòng yêu quý của mẹ khỏi bệnh. Còn em, nhờ theo mẹ mà từ đó em biết đi lễ chùa cầu nguyện cho chị. Nằm trên giường bệnh chị vẫn không quên sách vở. Ngày chị đi thi cha mẹ cũng không cản được khi chị muốn chiến thắng bệnh tật. Nhìn các anh họ trong nhà dìu chị đi thi mà em muốn khóc. Chị được tin đỗ Tú Tài khi nằm trong bệnh viện lớn của thành phố, em còn kịp nhìn thấy chị nở một nụ cười trên khuôn mặt xanh xao. Sau đó là những ngày chị mê man...
Trong một giấc mơ mẹ thấy đến một ngôi chùa có một nhà sư và bốn chú tiểu. Sáng hôm sau hai người bạn của cha đến thăm, nghe tin chị bệnh nặng đang nằm mê man trong bệnh viện, họ chỉ cho mẹ đường đến một ngôi chùa ở Kim Long, nơi có một nhà sư chữa bệnh bằng Đông y rất giỏi. Khi mẹ đến nơi, thầy trụ trì cùng bốn chú tiểu bước ra đón, hệt như trong giấc mơ... Chùa có một cội bồ đề to, nhiều cây cối trong vườn và hoa đang nở. Chị chợt tỉnh cơn mê, mỉm cười và nói với mẹ: "Mẹ ơi, con thích ở đây!" Chị cảm thấy khỏe và muốn ăn sau khi sư thầy cho uống thuốc. Hai ngày sau, trong lúc mẹ đang đọc kinh trên chánh điện thì chị thanh thản ra đi. Sư thầy cho phép chị được an táng trong khu đất của nhà chùa. Vài tuần sau, một đêm sư cô trong chùa kể lại: "Đêm qua chị về chùa, cô nghe chó sủa và nhìn ra ngoài thấy chị bước vào, vui vẻ lắm, giữa mùi hoa huệ thơm ngát"...
Buổi tối bước ra sân nhà nhìn thấy cha ngồi lặng lẽ một mình trên những bậc cấp. Hình như cha đang khóc. Lúc đó em 10 tuổi. Sao vẫn thương nhớ chị nhiều! Em còn nhớ những ngày chị xa nhà, em hay vào phòng chị đọc trộm những bài văn chị đang viết dang dở, hay những bức tranh chị vẽ chưa xong, và ngưỡng mộ chị biết chừng nào! Cô giáo của chị ở trường Đồng Khánh, cô Thúy Nga, về sau cũng là cô giáo của em ở Nữ Trung học QN, kể cho em nghe về chị "D. học giỏi lắm, nhất là văn chương và ngoại ngữ, lớp đệ tam D. đã dịch Les étoiles (Những Vì Sao) của Alphonse Daudet."
Trong lòng em, chị dường như vẫn gần gũi đâu đây. Em không được cùng chơi với chị ngày còn bé vì chị lớn hơn em nhiều quá, nhìn hình cũ của chị trong album gia đình luôn nghiêm trang, đôi mắt buồn, ít cười, nhưng khi chị mất rồi em cứ thấy chị quẩn quanh, chị hiền hậu và thương đàn em nhỏ 9 đứa biết bao! Ngày mẹ còn khỏe, thỉnh thoảng mẹ về Huế thăm mộ chị. Có lần vừa bước chân vào chùa, mẹ đã thấy sư thầy ngồi chờ bên khay trà nóng. Thầy cười nói: "Thầy biết hôm nay bà đến, vì đêm qua cô ấy về, vui lắm, khoe sáng mai mẹ con đến thăm thầy ạ!"
Những năm 80 nghe mẹ nói bức ảnh của chị thờ ngoài chùa Huế đã hỏng, em đã vẽ lại một bức ảnh nhỏ chân dung chị bằng sơn mài, với sơn mài thì ít nhất hình chị cũng phải hơn 50 năm mới hỏng nếu không biết cách bảo quản. Trong hình, đôi mắt chị vẫn buồn, em không hiểu tại sao!
Năm 2000, sau 35 năm, đất nhà chùa quy hoạch, gia đình dời mộ chị vào Nam. Khi bốc mộ, anh N. kể lại 3, 4 người đàn ông không thể xách túi đựng hài cốt chị lên vì nặng quá. Gieo quẻ thì ý chị là muốn đi, nhưng cả quan tài cũng phải phá đi không để lại. Làm theo ý chị, chiếc túi xách lên nhẹ tênh. Xong xuôi, anh N. chở chị đi một vòng thành phố Huế, ngang qua ngôi trường Đồng Khánh thân thương của chị để chào tiễn biệt rồi mới lên đường. Lúc đó ở Sài Gòn cả nhà đang lo đất Gò Dưa cho chị, sẽ chôn gần bà ngoại và cha. Nhưng nghe nói không còn đất, chủ đất đề nghị một rẻo nhỏ nằm ở một góc nghĩa trang. Đang chưa biết tính sao thì vào phút cuối chủ đất báo tin có một ai đó vừa hủy không lấy phần đất đã chọn, phần đất ngay ngắn thật đẹp, thế là chị vào Sài Gòn cũng có mồ yên mả đẹp. TD tủm tỉm cười: "Chị ... khôn quá, không chịu ở trong hẻm mà muốn nhà ... mặt tiền!"
Riêng tấm ảnh trên ngôi mộ mới của chị được chụp lại từ bức chân dung em đã vẽ thay cho bức ảnh đã hỏng của chị ngày ấy. Bây giờ nhìn lại em thấy ... dường như, ánh mắt ấy đã lấp lánh niềm vui!...
Hôm nay giỗ chị, em chỉ mua một bó hoa cúc nhỏ nhiều màu, trái cây miền Nam có chùm chôm chôm nhãn đầu mùa, chè trôi nước Huế xưa ... chắc chị thích!

Nguyễn Diệu Tâm
Saigon, 11.6 âm lịch, ngày giỗ chị lần thứ 53.
(*) Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du.

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

MƯỜI NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT ( II )



Phần II: LÂM TỲ NI, NEPAL.

Hành hương Ấn Độ đến các thánh tích tứ động tâm của Phật giáo có nhiều cách đi. Địa bàn hoạt động của Đức Phật chỉ trong phạm vi hai bang Uttar Pradesh,  Bihar và một phần của nước Nepal ngày nay, diện tích tổng cộng khoảng 340.000 km2  , chỉ hơn 1/10 diện tích của nước Ấn Độ ngày nay. Trong đó thành phố Kushinagar ở vị trí trung tâm các thánh tích, cách Lumbini khoảng 100km, cách Vaishali 150km, cách Sarnath 200km, cách Bodhigaya 300km, cách Sankasya khoảng 400km. Có nhiều đoàn chỉ đến hoặc sẽ đi từ Bodhigaya (Bồ Đề Đạo tràng) là nơi tập trung hành hương đông nhất, lớn nhất, riêng chương trình của chúng tôi có vẻ là đi khá nhiều khi từ New Delhi đi Agra, Lucknow, Shravasti, qua Nepal đến Lâm Tỳ Ni rồi mới trở về lại Ấn Độ đi theo tuyến đường Kushinagar- Vaishali- Patna - Nalanda - Rajgir - Bodhgaya viếng đền Đại Niết Bàn, đại học Nalanda, núi Linh Thứu, Bồ Đề đạo tràng rồi cuối cùng mới đến Varanasi viếng sông Hằng và Sarnath (vườn Lộc Uyển) và từ đây mới ra sân bay về lại New Delhi để chuyển tiếp máy bay đi Kuala Lumpur trở về Việt Nam. Vì vậy, có thể nói đây là một chuyến đi dài viếng được đầy đủ các thánh tích quan trọng của Phật giáo và một số địa danh lớn ở đất Ấn. 

Lumbini, Nepal.

Từ Shravasti, chúng tôi đi về biên giới Ấn Độ - Nepal. Xe đi qua nhiều tỉnh thành, làng mạc. Đồng thời đây cũng là những quãng đường mà tôi có thể nhìn thấy một đất nước Ấn Độ với nhiều sắc màu của nó. Thủ đô New Delhi với sân bay lớn, thành phố với những khu vực hành chính, khách sạn, nhà hàng, các shoping malls sang trọng; thành phố cổ Agra với kiệt tác đền Taj Mahal, pháo đài Agra đỏ nổi tiếng xa hoa lùi dần về phía sau, nhường chỗ cho những thị trấn nhỏ, những ngôi làng, đồng ruộng, người dân Ấn và sinh hoạt đời thường của họ. 


Càng đi xa dần thành phố càng nhìn thấy cảnh làng quê xơ xác nghèo nàn, nhất là hướng đi về phía Nepal. Hai bên đường cao tốc những cánh đồng cũng xanh tươi, hoa cải nở vàng khá đẹp nhưng những xóm làng nhỏ và nghèo lắm. Khi qua nhiều khu chợ quê, tôi nhìn thấy những cửa hàng nhỏ bề ngang chỉ chừng 1 m, rất nhỏ, nhìn từ trên xe xuống trông như một cái hộp. Một tiệm may chỉ vừa đủ đặt một cái bàn máy may. Tiệm hớt tóc chỉ vừa đủ chỗ cho một cái ghế để khách ngồi hớt tóc. Các tiệm tạp hóa, các xe hàng bán trái cây treo hàng chung quanh kín mít. Có đi xa ra ngoại ô mới nhìn thấy những khu nhà “ổ chuột” như trong phim “Triệu phú ổ chuột”.  Mỗi gia đình với đàn con đông nheo nhóc, tất cả ăn uống ngủ nghỉ chui ra chui vào trong các túp lều nhỏ xíu đó. Rất nhiều nơi không có nước. Và có đi xa qua những khu nhà gần đường rầy xe lửa mới thấy y hệt như những gì ta đã thấy trong phim ảnh. Những đứa bé sống loanh quanh đường rầy xe lửa, lang thang, nhem nhuốc và đến những điểm thánh tích, bạn sẽ gặp rất nhiều đứa bé, những người già, tàn tật nghèo khổ ngồi dọc theo ngoài cổng xin tiền. 


Trên chuyến xe lửa đi Lucknow, mọi người được phát mỗi người một phần bánh và một chai nước suối. Trên chai có ghi các điểm đáng chú ý:
"Nếu bạn tình cờ gặp một đứa bé trơ trọi một mình, có vẻ như bị lạc đường, tỏ vẻ sợ hãi, đang khóc hoặc bị đi kèm cùng những người nước ngoài. Những đứa trẻ này có thể cần sự giúp đỡ của bạn khi chúng có lẽ bị lạc, bị bán hoặc chạy trốn. Bạn có thể gọi cho số 100 hoặc 182 hoặc 1098 hoặc liên hệ với xếp ga, các cảnh sát địa phương trên xe lửa hay ở trạm xe lửa..."
Tình hình trẻ em tại Ấn Độ bị mua bán, bắt cóc, thất lạc đã xảy ra từ lâu và rất nhiều. Theo National Human Rights Commission (NHRC) vào năm 2005 là số trẻ em bị mất tích là 44.000 em, trong đó hơn 11.000 em không tìm ra dấu tích.
Đoạn đường từ Kushinagar đến Lumbini chừng 190 km. Đến cửa khẩu, xe dừng và chúng tôi chờ người hướng dẫn Ấn Độ đến khu xuất nhập cảnh trình passport của cả đoàn. Giữa trưa nắng chang chang và trên con đường mịt mù bụi đường, xe cộ đông nghẹt nằm dài chờ đi qua biên giới. Cũng hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới được đi qua. Đến Nepal, đoàn lưu lại khách sạn Lumbini Zambala, khá gần với vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh khoảng 2.600 năm về trước (c. 563/480 – c. 483/400 BCE).

Dưới cội bồ đề, nơi ngày xưa là cây Sala.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni khi trời còn mờ sương. Quang cảnh hai bên thơ mộng với những ao hồ cỏ cây hoang dại và những con cò, sếu đang kiếm ăn. Một hồ nhân tạo đang được đào dẫn từ ngoài cổng vào tận khuôn viên đền thờ hoàng hậu Mayadevi cũng khoảng hơn 1 km. Tôi nghĩ có lẽ sau này người ta sẽ dùng thuyền để đưa khách vào rút ngắn đường đi, còn hiện nay vẫn dùng xe lam chở khách và đường vào rất xấu.
Năm xưa, vào thời đức Phật tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha nay thuộc Nepal. Sau gần 10 thế kỷ hoang phế kể từ lúc các thánh địa Phật giáo bị tàn phá vào cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, dựa vào các bộ ký sự của các vị danh tăng Pháp Hiền (337-422) và Huyền Trang (602-664) vào năm 1896 hai nhà khảo cổ người Đức Alois A. Feuhrer và Khadga Samsher đã khai quật và phát hiện trụ đá A Dục (Asoka) trên vùng đất có tên “Rummindei”. Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni thành di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo. Ngày nay tại Lâm Tỳ Ni chỉ còn một cây bồ đề (nơi ngày xưa là cây Vô ưu), hồ Puskarni hay Holy Pond nơi hoàng hậu Mada đã nhúng nước trước khi hạ sinh đức Phật, trụ đá Vua A Dục và đền thờ hoàng hậu Mayadevi temple.

Mayadevi temple, đền thờ Hoàng hậu.

Cũng như ở Kỳ Viên tịnh xá, vườn Lâm Tỳ Ni có nhiều nhà sư đến ngồi thiền định, tu tập và rất đông các đoàn hành hương từ các nước Phật giáo khắp nơi đến chiêm bái, cúng dường tại đền Mayadevi, cội bồ đề, hồ nước thiêng và trụ đá vua A Dục. Có rất nhiều cờ Phật giáo và cờ phướn đủ màu do Phật tử Tây tạng giăng khắp nơi trên các tàng cây. Nhờ vậy, khung cảnh Lâm Tỳ Ni ngày nay vừa ngập tràn không khí linh thiêng mà rộn rã vui tươi như đón mừng đức Thế Tôn đản sinh.
 
Vui thay Phật ra đời!
Mùa lễ Phật đản (PL 2562 - DL 2018)

(Còn tiếp)
Tường thuật và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1797668043630284.1073742302.100001613180918&type=3

Tăng lữ khắp nơi dến Lâm Tỳ Ni tu tập.

Đọc thêm về Lâm Tỳ Ni:
Là một trong những nơi hành hương nổi tiếng của Phật giáo tại quận Rupandehi thuộc nước Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36km, Lâm Tỳ Ni được cho là nơi hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã sinh ra Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa), người sau này trở thành Phật Thích Ca và đã khai sinh ra Phật giáo. Đức Phật đã sống trong khoảng thời gian từ năm 563 đến 483 TCN. Lâm Tỳ Ni là một trong 4 nơi hành hương nổi tiếng và cũng là những nơi quan trọng gắn liền với đời sống của Đức Phật, 3 nơi còn lại là Kushinagar (nơi đức Phật nhập Niết Bàn), Bodh Gaya hay còn có tên Bồ Đề Đạo Tràng (nơi đức Phật thiền định 49 ngày dưới cây bồ đề và giác ngộ ra giáo lý của Phật giáo) và nơi cuối cùng là Sarnath (nơi đầu tiên đức Phật giảng Pháp - kinh gọi là chuyển Pháp luân).

Đoàn hành hương chiêm bái tượng dức Phật đản sanh tại Lâm Tỳ Ni.



Lâm Tỳ Ni tọa lạc dưới chân dãy Himalaya. Cách 25km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa, nơi được cho là đức Phật đã sống đến 19 tuổi trước khi xuất gia. Lâm Tỳ Ni có một số ngôi chùa và đền thờ trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada. Ngoài ra tại đây còn có ao Puskarni hoặc Holy, nơi Hoàng hậu Mada đã làm lễ nhúng nước trước khi sinh đức Phật ra đời. Tương truyền khi được sinh ra tại đây Ngài đã đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc đi bảy bước, mỗi bước đi của đức Phật đều được đỡ bởi một tòa sen phía dưới, Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói rằng:
"Aggohamámi lokámim
Settho ettho anuttaro
Ayaca antimà jàti
Natthidàni punabbhavo"
Dịch nghĩa:
"Đây là kiếp cuối cùng của ta
Duyên sanh không, không còn nữa
Trên trời và dưới đất
Ta là bậc chí tôn."

Câu trên đây thường được trích một phần: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" dịch ra tiếng Việt là: "Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý" được ghi trong Kinh Sơ-Đại Bản-Duyên trong bộ Kinh Trường A hàm Quyển Một, một quyển kinh ngắn lược thuật nhân duyên giáng sanh, thành đạo và giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta Bà. Nguyên văn câu đó được dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết". Đó là lời Đức Phật Thích Ca thuật lại khi Đức Phật Tỳ Bà Thi, vị Phật thứ nhất bổ sanh trong thế giới Ta Bà, ra đời đã nói lên lời như vậy, cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và "ấy cũng là thông lệ của chư Phật" (*)

Đoàn hành hương đến từ  Campuchia.

Ngoài ra nơi đây còn phần còn lại của cung điện Ca Tỳ La Vệ.
Vào thời của Đức Phật, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Hoàng hậu Mada đã hạ sinh ra đức Phật tại đây khi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ lúc bấy giờ. Các tấm phù điêu tại đây mô tả cảnh Hoàng hậu Mada với tay phải cầm một nhánh của cây Sala (Shorea) với một đứa trẻ sơ sinh đứng thẳng trên những cánh hoa sen, xung quanh đầu đổ một vầng hào quang hình bầu dục và cùng các thiên sứ của nhà trời cũng có mặt.


Khu vườn tượng miêu tả cảnh đức Phật đản sanh.

Năm 249 TCN, khi vua A-dục vương (Ashoka) đến thăm Lâm Tỳ Ni, nơi đây còn là một ngôi làng phồn thịnh. Vua A Dục đã cho xây dựng bốn ngôi tháp và một cột trụ bằng đá. Cây cột trụ bằng đá được khắc chữ và dịch ra như sau : “Ta là vua A Dục, là niềm tin tưởng của chư thiên, trong 20 năm trị vì này, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây…Lâm Tỳ Ni được giảm một phần tám thuế".



Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa (nay là Kapilavastu) khoảng 25 cây số về hướng Đông, cách biên giới Ấn - Nepal 36 cây số và cách thủ đô Nepal Kathmandu 320 cây số. Nơi đây đã có một thời gian lâu dài bị lãng quên. Mãi đến ngày 1 tháng 12 năm 1896, tức là khoảng 2500 năm sau, hai nhà khảo cổ người Đức Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher mới khai quật và phát hiện tại nơi đây một trụ đá có ghi khắc sắc lệnh của vua A Dục (Asoka), mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thế Tôn. Trụ đá được các nhà khảo cổ dựng lại ngay trên nền nguyên thuỷ, và công tác khai quật, trùng tu và bảo trì Lâm Tỳ Ni bắt đầu từ đấy.
Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni.


* Nguồn Internet tổng hợp Wikipedia, thư viện Hoa Sen (*).


* Hình 6, 7, 8, 9: Tăng lữ và tín đồ Phật giáo khắp nơi đến hành hương và tu tập tại Lâm Tỳ Ni trong một buổi sáng mùa xuân.
* Hình 4, 5: Khu vực hồ Puskarni (Holy Pond) này được xác định là nơi đức Phật đã đản sanh khoảng 2.600 năm về trước. Bên kia hồ là cây Bồ đề cổ thụ được trồng vào chỗ cây Vô Ưu hay Sala (Shorea) năm xưa.
Phía trước đền còn một trụ đá nâu của Vua A Dục người đã đến viếng thăm Lâm Tỳ Ni và cho khắc chữ xác định đây là nơi đức Phật đã đản sanh.
Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

MƯỜI NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT ( I )



Phần I: NEW DELHI, AGRA, SHRAVASTI.

Bài viết và album ảnh này ghi lại những sắc màu, quang cảnh, thiên nhiên và con người trong những thành phố, xóm làng trên nước Ấn mà chúng tôi đã đi qua. Những hình ảnh này cũng sẽ làm cho tôi khó quên chuyến đi hành hương đầy ý nghĩa và ấm áp đến đất Phật khi 15 con người không quen nhau cùng gặp nhau trong đoàn du lịch.

Taj Mahal, ngôi đền của tình yêu vĩnh cửu.

Không thể không nhắc đến Anh Thy, người hướng dẫn chuyên nghiệp, kiến thức rộng, lanh lợi tháo vát, đặc biệt là có cái tâm lớn vô cùng. Tất cả những điều đó thể hiện qua cách hướng dẫn, sắp xếp lịch trình, nơi ăn chốn ở, tham quan, phương tiện đi lại cho cả đoàn trong suốt 10 ngày. Không chỉ thế, mỗi lần đến một địa điểm hành hương, anh đều giảng giải rõ ràng chi tiết cho chúng tôi hiểu, khuyên chúng tôi cần và nên làm gì ở đó. Sau chuyến đi, nếu hỏi rằng có điều gì làm những người đi hành hương trong đoàn chúng tôi phật ý, thì phải nói là không những không có gì dù chỉ là một chút sơ suất nhỏ mà là một chuyến đi thành công và tốt đẹp không thể ngờ. Đây là một chuyến đi không phải là du lịch như bình thường, mà Thy đang phải hướng dẫn những người lớn tuổi trong một chuyến hành hương đến những thánh tích quan trọng của Phật giáo. Anh tâm sự bao giờ dẫn đoàn đi Ấn độ anh cũng cảm thấy lo lắng, tâm trạng không thể như ở những chuyến đi khác. Khi xuống máy bay ở New Delhi và bắt đầu di chuyển đến Agra, đi xe lửa qua Lucknow v.v... trên xe anh phát cho chúng tôi mỗi người một bản kinh chú Đại bi và khuyên chúng tôi nên niệm Phật trên suốt con đường.

Đoàn hành hương viếng bảo tháp trưởng lão Cấp Cô Độc (Anathapindika)

Những giờ phút phải ngồi trên xe suốt nhiều tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi bắt đầu chia sẻ với nhau những câu chuyện của chính mình. Thì ra mỗi người trong đoàn chúng tôi tuy mục đích chung là hành hương đến các thánh tích của Phật giáo, nhưng mỗi người một tâm niệm riêng. Người thì đang bệnh, đi để cầu nguyện chư Phật gia hộ độ trì. Người thì muốn đi tìm hình ảnh những tượng Phật cho một khu du lịch tâm linh. Một anh khác, chúng tôi gọi đùa là "chuyên gia bắt ma" vì anh nghiên cứu về phong thủy và đã từng giải quyết một số chuyện kỳ lạ có liên quan đến linh hồn. Có một cậu thanh niên nghiên cứu về Mật tông. Một phụ nữ giàu có từng chỉ thích ăn chơi mua sắm bỗng phát tâm từ bi làm việc thiện sau khi được diện kiến ngài Đạt Lai Lạt ma. Và cuối cùng có một người phụ nữ đặc biệt trong đoàn, là H, đi cùng chồng. Cô sống ở nước ngoài đã hơn 40 năm, vất vả cũng nhiều và thành công đã từng trải qua. Giữa lúc công việc đang phát triển, tiền vô như nước thì cô mắc bệnh nan y. Được bác sĩ khuyên nên buông bỏ hết vì cuộc sống của cô không còn bao lâu, chỉ trong vòng 1 năm nữa thôi. H dẹp đau buồn, sắp xếp mọi việc cho con cái, rồi lên đường đi đây đó hưởng những phút giây còn lại. H tìm đến Thiền và Yoga, cuối cùng nhờ niềm tin, từ đó đến nay H đã sống thêm được 16 năm và chiến thắng được cơn bệnh. Cô bây giờ hạnh phúc và vui vẻ, vẫn tiếp tục những chuyến đi dù đã đi hơn 55 quốc gia trên thế giới. Tâm nguyện của cô chia sẻ nếu còn có kiếp sau, cô sẽ xin nguyện là tín đồ Phật giáo.

Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) ở thành Xá Vệ (Savatthi).

Quãng đường khá cực nhọc nhất là từ Lucknow đi Shravasti sau hành trình xe lửa từ Agra đến Lucknow hơn 4 tiếng đồng hồ. Kế đó là con đường từ Sravasti qua cửa khẩu Nepal để đến Lâm Tỳ Ni. Con đường dài, đầy ổ voi chứ không phải ổ gà, nắng nóng và bụi mù mịt vì trên đường còn rất nhiều xây dựng dang dở. Xe chúng tôi bị nổ lốp mà tài xế lại không có bánh xe secours để thay. Ngồi chờ bên đường mấy tiếng đồng hồ, cũng nóng ruột vì đêm đang dần buông, chung quanh chỉ là đồng không mông quạnh, xa xa là rừng núi hoang vu. Có một nhóm thanh niên phóng vù vù trên những chiếc xe gắn máy cứ lượn tới lượn lui khi thấy thấp thoáng các "bóng hồng". Họ dừng xe lại và làm quen ... bắt tay, nói một tràng tiếng Ấn. Sau đó thì chào tạm biệt còn cả đoàn lại lên xe và ngồi dồn cả bên trái vì bánh xe vẫn chưa được vá. Cả đoàn lúc này chỉ biết lặng thinh và niệm Phật. Chiếc xe lết về khách sạn Pawan Palace ở Srhavasti là gần nửa đêm.
Qua sáng hôm sau, Anh Thy đã kịp đổi xe và tài xế khác và chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đây là một trong những điểm đầu tiên của thánh tích, đó là thành Xá Vệ (Savatthi), kinh đô của nước Kiều Tát La (Kosala) do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cai trị vào khoảng thế kỷ 6 BCE ( trước Công nguyên).

Cây Bồ Đề cổ thụ ở Kỳ Viên tịnh xá, do tôn giả A Nan Đà (Ānanda) trồng.

Nơi đây có Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) mà trưởng lão Cấp Cô Độc (Anathapindika) đã mua của thái tử Kỳ Đà (Jeta) để làm nơi cư trú chính cho Đức Phật và các đệ tử. Phật và tăng đoàn đã trải qua 25 mùa an cư kiết hạ tại đây. Cách tịnh xá Kỳ Viên khoảng 5 km có một vườn xoài, đó là khu Đông viên Lộc Mẫu giảng đường (Pubbārāma Migāramātupāsāda), do nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (Visakha) cúng dường.
Trước cổng tịnh xá Kỳ Viên có một cây Bồ Đề cổ thụ đến nay vẫn còn, do tôn giả A Nan Đà (Ānanda) trồng, chiết cành từ cội Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo.
Savatthi ngày nay nằm sát biên giới Nepal- Ấn Độ, thuộc quận Shravasti, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow (thủ phủ của bang) 170km về phía bắc.

(Còn tiếp)
Tường thuật và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
Album ảnh: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1762028150527607.1073742297.100001613180918&type=3