Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

LỄ HỘI TRĂNG RẰM THÁNG TÁM Ở TÂY NINH



Ngày rằm tháng tám năm nay (15/09/2016), lần đầu tiên được đến Tây Ninh xem đại lễ hội Yến, tôi không thể tưởng tượng nổi lượng người đổ về Tòa Thánh lại đông đến thế. Từng đoàn xe bus 60, 30 hay 16, 4 chỗ ngồi từ Tp HCM, các thành phố miền Đông Nam bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước ... hay các tỉnh miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau v.v... nườm nượp đổ về Tây Ninh đậu ken kín các con đường gần Tòa Thánh cùng từng đoàn người lũ lượt đi đến lễ hội. Dọc hai bên đường có những quán nước, quán ăn phục vụ thức uống và cơm chay miễn phí cho người đi dự hội. Có nơi còn dành cho khách ở xa nơi ở tạm một đêm trong nhà của họ, đông quá thì có thể ngủ ngoài hiên chờ sáng mai về sớm. 

Tòa Thánh Tây Ninh chiều 15 tháng 9 năm 2016 (rằm tháng tám)

Tòa Thánh Tây Ninh được xem là một trong những Thánh địa tôn giáo lớn nhất thế giới. Tòa Thánh tọa lạc tại thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía đông nam. Khuôn viên nội ô Tòa thánh rộng 1 cây số vuông, có hàng rào bao bọc chung quanh và gần 100 công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ khác nhau. Liên kết giữa những kiến trúc này là các con đường rộng thênh thang. Kiến trúc bố cục Tòa Thánh cũng chứa đựng những quan điểm triết lý, tôn giáo hoặc huyền học. Tòa Thánh có 12 cổng tam quan xây dựng theo 3 dạng kiến trúc khác nhau. Cổng lớn nhất được gọi là Cửa Chánh Môn, 11 cổng khác nhỏ hơn được đánh số từ 1 đến 12 (không có Cửa số 5). Riêng kích thước thực tế của Tòa Thánh dài 97.5m, rộng 22m.
Hằng năm, có rất nhiều lễ hội đặc sắc diễn ra tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, trong đó có hai lễ hội lớn nhất: đó là Lễ vía Đức Chí Tôn vào mùa xuân nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng và Lễ hội Yến Diêu Trì Cung (hay vía Đức Phật Mẫu) nhằm ngày rằm tháng tám.

Tòa Thánh Tây Ninh. Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung 2016

Theo nguồn sử liệu của đạo Cao Đài, sự tích Hội Yến Diêu Trì Cung bắt nguồn từ buổi cầu tiên vào đêm Trung thu năm Ất Sửu (1925), khi đó chưa khai mở đạo Cao Đài. Đó là một bữa tiệc chay long trọng mà các tín đồ Cao Đài dâng lên Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương.
Người đạo Cao Đài quan niệm Hội Yến Diêu Trì Cung là ngày Đức Phật Mẫu đem bí pháp giải thoát chúng sanh, tận độ toàn vạn sinh linh. Đây cũng là ngày tạo thành hình tướng hữu vi của đạo. Vì vậy, hàng năm đến ngày rằm tháng Tám, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đều tổ chức Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung rất long trọng để tỏ lòng tôn kính đấng Đại Từ Mẫu. Đây cũng được chọn là ngày lễ hội của phụ nữ Cao Đài, nên Hội thánh tổ chức hội thi về nữ công gia chánh cho các tín nữ Cao Đài. Ngày rằm tháng tám cũng là ngày Tết Trung Thu nên Hội thánh cũng tổ chức cho nhi đồng dâng đèn hoa vào lúc chiều tối ngày 14 và ngày 15, gọi là Dâng Cộ Đèn, gồm có màn biểu diễn của Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng), theo sau là đám rước Cộ Tiên của Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên nương mô phỏng theo đám rước của dân gian. 
 
Rước Cộ Tiên Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên nương.

 Cũng như mọi năm, lễ hội Yến Diêu Trì Cung năm nay khai mạc rước Cộ đèn vào lúc 18:30 giờ, đến 21:00 giờ khai mạc hội Yến và kết thúc lúc nửa đêm. Trước khi đến lễ hội, những người bạn là tín đồ Cao Đài ở Tây Ninh nhắc chúng tôi đem theo áo mưa, dù, vì họ chắc chắn là đêm nay sẽ có mưa: "Năm nào cũng vậy, cứ đến lúc bắt đầu Cộ đi là trời mưa". Tôi nửa tin nửa ngờ, vì nghĩ bây giờ là mùa mưa nên nếu có mưa thì chuyện đó không lạ, nhưng tại sao lại là "mưa lúc bắt đầu Cộ đi"? Những ngày này có một cơn bão lớn vừa đi qua miền Trung, nhưng ngày hôm nay trời nắng đẹp, và khi đêm về nhìn lên bầu trời có nhiều mây nhưng vầng trăng rằm vẫn ló dạng, tuy không sáng rực rỡ nhưng trên nền trời đêm xanh thẫm, vầng trăng tỏa ánh sáng thật huyền ảo, đẹp lạ kỳ. Lúc bắt đầu Cộ đi khởi từ Ban Thuyền Bát nhã đến Báo Ân Từ rồi Đền Thánh, Đại Đồng Xã, thì những hạt mưa nhẹ bắt đầu rơi lất phất. Mọi người vẫn không tin sẽ có mưa. Vậy mà thật là lạ, đúng như lời nhiều người nói, cơn mưa bất ngờ trút như thác đổ, chỉ trong vòng chưa đến 5 phút, giông gió bắt đầu nổi lên, mưa rất to và kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ mới ngớt. Mọi người chạy tán loạn tránh mưa. Nhiều người chạy vào các dãy hành lang hai bên tòa Thánh, nhưng đa số vẫn đứng ngoài mưa xem rước đèn. Một cô bạn đi cùng cũng lần đầu tiên dự lễ hội thầm thì với tôi: "Lạ thật chị nhỉ"?
 
Khi trăng lên.

Đến 21 giờ, khi đoàn múa và Cộ vừa kết thúc thì bắt đầu khai hội Yến, mọi người cùng đổ về Báo Ân Từ phía bên trái Tòa Thánh, đội mưa lội sình đi thêm gần nửa cây số nữa mới đến khu trưng bày trái cây hoa quả dâng cúng. Nội dung trong các gian hàng triển lãm thường là các đề tài về lịch sử dân tộc, tôn giáo hay các đề tài có liên quan đến văn minh của nhân loại. Chức Sắc Hiệp Thiên Đài chịu trách nhiệm chính trong buổi Lễ hội Yến này.
24:00 giờ, khi lễ Hội Yến trong nội điện đã xong, số hoa quả phẩm vật được chia cho khách thập phương và những người tham gia lễ hội với niềm tin nhận lộc của Phật Mẫu ban cho để sống tốt đẹp và tử tế hơn, được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống.
Đêm 15- rạng 16 là thời gian chính của Lễ hội Yến. Có ngắm nhìn tận mắt mới thấy một hội Yến, một triển lãm dành cho các họ đạo Cao Đài Tây Ninh trong và ngoài nước quá lớn và quá đẹp.

Một góc các gian hàng triển lãm trong lễ hội Yến Diêu Trì Cung 2016

Trong cảnh lễ hội long trọng lộng lẫy đêm rằm, tôi nhìn thấy một miền Tây Nam bộ với hàng nghìn tín đồ ngoan đạo Cao Đài thành kính dâng lễ vật cúng dường đức Phật Mẫu. Vào những ngày này, vì tín đồ và du khách thập phương từ khắp nơi đổ về quá đông nên hàng trăm tín đồ Cao Đài đã tự nguyện về Tòa Thánh để làm công quả. Hội Thánh đã tổ chức phục vụ cơm chay miễn phí suốt 3 ngày. Ngoài đường có nhiều hàng quán cũng tham gia làm công đức, miễn phí thức ăn nước uống, chỗ nghỉ cho mọi người đi hội. Cả thành phố hòa vào lễ hội tưng bừng, không khí vui như đêm giao thừa Tết Nguyên đán ở Sài Gòn. Cảnh sát và các nhóm bảo vệ rất đông để giúp cho lễ hội được diễn ra trong an toàn và trật tự. Đêm nay đúng là một đêm lễ hội trăng rằm tháng tám ấn tượng nhất trong đời mà tôi được chứng kiến.

* Bài viết và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Bài viết có sử dụng một số tư liệu tham khảo từ trang http://btgcp.gov.vn

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

MỘT NGÀY VỚI NHỮNG NHỊP CẦU BẾN TRE



Đã nghe các bạn nhóm Hiểu & Thương nói nhiều lần về những cây cầu từ thiện Bến Tre, hôm nay tôi mới tham gia cùng nhóm trong chuyến về Bến Tre dự khánh thành 03 cây cầu dân sinh.
Chúng tôi rời thành phố lên đường từ 6 giờ sáng cho kịp thời gian. Lần này, đoàn gồm 15 người ngoài nhóm Hiểu & Thương còn có một số bạn lớp Việt Hán I ĐHSP của tôi và nhóm bạn Dưỡng sinh của Lê Nga. Từ ngày có đường cao tốc Trung Lương, đường đi miền Tây rút ngắn lại, từ Saigon đi Bến Tre cách 85 km mất chỉ khoảng 90 phút. 

Một góc An Qui, Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre

Cũng như các tỉnh Tiền Giang như Mỹ Tho và Cai Lậy, cảnh thiên nhiên Bến Tre cũng có kênh, rạch chằng chịt với bạt ngàn cây dừa nước hai bên bờ; những vườn dừa và vườn cây trái sum xuê. Khi xe qua sông Tiền, ngày xưa phải đi phà, từ ngày có cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vui sướng biết bao nhiêu. Nhìn hai bên bờ sông Tiền là trùng trùng điệp điệp những rừng dừa xanh ngắt, mới hiểu vì sao Bến Tre có biệt danh là xứ dừa và hình ảnh cây dừa cũng là biểu tượng của nơi này. Dân gian có câu: “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre, Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười” là vậy!
Những vườn dừa nơi đây xanh tốt cũng nhờ vào đất phù sa màu mỡ của tự nhiên. Bến Tre có loại dừa dâu, trái nhỏ bằng hai nắm tay nhưng nước ngọt thanh và cơm dừa béo ngậy. Đúng là xứ dừa nên trong cuộc sống hàng ngày, cây dừa đã cung cấp bao nhiêu chất liệu hữu dụng cho con người. Ngay cả trong ẩm thực, dường như món nào cũng có dừa, như món tôm rim nước dừa ăn với xôi nếp, kẹo dừa, mắm cá lóc chưng dừa, củ hũ dừa, đuông dừa, chuột dừa, rượu dừa... Bến Tre còn có nhiều vườn trồng hoa. Trong thành phố có nhiều nhà trồng hoa kiểng. Đi về miệt vườn cũng có nhiều cây hoa dại rất đẹp hai bên đường. 

An Hội A, Xã An Thuận, Huyện Thạnh Phú, Bến Tre

Có đi qua sông nước mới thấy những cây cầu là quý. Cầu nối liền những khoảng cách. Cầu giúp cho người dân đi lại dễ dàng, nhanh tiện hơn. Giao thông càng thuận lợi, cuộc sống con người càng phát triển. Trước kia các tỉnh miền Tây sông nước bao la này xe cộ lưu thông chỉ có thể qua sông bằng phà, ngày nay đã có những cây cầu hiện đại thay thế. Và chuyến đi về các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang đã rút ngắn thời gian hơn nhiều.
Đến Bến Tre, chúng tôi có một cuộc gặp mặt với chú Hai, Chủ tịch Hội KHKT Cầu Đường, Trung tâm Tư vấn Cầu Đường Tỉnh Bến Tre, để cùng đi về xã Đa Phước Hội, thuộc huyện Mỏ Cày Nam. Đã nghe các bạn ca ngợi nhiều về chú Hai, hôm nay chúng tôi mới gặp mặt được người đã dành trọn tâm huyết xóa hết cầu khỉ trên toàn tỉnh Bến Tre và từ ngày về hưu đã 16 năm nay ông càng chuyên tâm vào chương trình vận động hỗ trợ giao thông nông thôn nhiều hơn nữa. Nghe ông kể vì Bến Tre sông rạch chằng chịt nhiều lắm, nhiều vô kể, nên Bến Tre phải có 4.000 cây cầu dân sinh, đến nay đã xóa hết cầu khỉ và làm được 2.000 cây cầu nhờ sự tài trợ từ các cấp chính quyền, các công ty, ngân hàng, các mạnh thường quân trong và ngoài nước... 

Khánh thành cầu số 01 Ấp An Qui, Đa Phước Hội.

Xe đến Đa Phước Hội, một nhóm các anh em đã chờ sẵn trên những chiếc xe gắn máy trước cổng vào ấp An Qui, nơi đường vào dài 3 cây số là con đường bê tông duy nhất chiều ngang chừng hơn 1 mét, chỉ vừa đủ cho chiếc xe gắn máy len lỏi vào tận nơi có 2 cây cầu khánh thành. Vậy là đoàn xe gắn máy ấy thay phiên nhau chở chúng tôi từng người một vào làng, chạy vèo vèo trên con đường nhỏ uốn lượn ngoằn ngoèo giữa không biết bao nhiêu là kênh rạch, ao tù, hai bên rợp bóng những rặng dừa xanh. Nếu là lần đầu đi vào những con đường nông thôn vùng sâu như thế này, nếu yếu tim bạn có thể nghẹt thở một chút khi xe lượn qua những khúc cua rất gắt, bay vèo lên cả những chiếc cầu gập ghềnh, và nếu ngồi không vững có thể … lọt xuống mương hay ao, ruộng nào đó.

Khánh thành cầu số 02 Ấp An Qui, xã Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam

Kìa là chiếc cầu dài 18 m, rộng 2.5 m còn thơm mùi sơn mới  và rực rỡ những lá cờ đủ màu bắc qua con kênh đục ngầu vì thủy triều đang xuống. Đó là cây cầu mà nhà tài trợ là Phan Thế Đăng, một kỹ sư trẻ tuổi từ Virginia - Hoa Kỳ, nghe nhóm Hiểu & Thương vận động xây cầu từ thiện, anh đã dành tiền gửi về đóng góp. Nhờ Hội KHKT Cầu Đường hợp tác với Trung tâm Tư vấn để thiết kế miễn phí cùng dân làng cùng chung tay đóng góp và xây dựng, mà cây cầu vừa đẹp vừa chất lượng và giá thành rẻ hơn bên ngoài rất nhiều. Bên cạnh cây cầu mới, cây cầu khỉ cũ vẫn còn giữ lại trong ngày khánh thành. Nhìn cây cầu khỉ cũ bằng cây bắc ngang qua con rạch rộng 20 m, tôi không khỏi rùng mình. Bao nhiêu năm trời dân trong ấp phải đi qua cây cầu khỉ mỏng manh ọp ẹp như thế này. Một chị phụ nữ kể lại chị đã suýt chết vào một đêm tối khi đi qua cầu trượt chân rơi xuống rạch, nước sâu và đầy bùn lầy, khi thủy triều lên nước chảy rất xiết. May sao … đêm hôm đó ấp bị cúp điện không ai xem ti vi và có người nghe được tiếng kêu cứu của chị đã hô hoán tìm cách kéo chị lên. Người lớn còn nguy hiểm, chỉ không biết đám trẻ con, học sinh đi học ngang qua đây thì làm thế nào? Có lẽ các cháu phải quen với chiếc cầu mong manh đó thôi, và người dân khi qua cầu phải gồng gánh hàng hóa ra chợ bán, phải tìm cách chuyên chở bao nhiêu thứ khác mà tai họa và cái chết lúc nào cũng lửng lơ treo trên đầu mỗi khi họ đặt chân bước qua cây cầu này.


Cây cầu số 01 cách đó chừng 100 m. Cũng như chiếc cầu số 02, cây cầu này cũng được trang trí với băng rôn, bảng kim loại khắc tên ghi công nhà tài trợ là cá nhân gia đình Ông Bùi Đăng Lại, và công ty Giấy Thuận Nam Thiên ở quận 9 Tp HCM. Chú Hai cùng các chuyên viên, đại diện làng xã, dân trong ấp cùng các nhà tài trợ long trọng cắt băng khánh thành. Chúng tôi bước qua cầu, trong lòng vui và ấm áp vô cùng.
Người dân miệt vườn ở đây thật là đầy nghĩa tình. Họ đã tổ chức một bữa ăn trưa cho đoàn chúng tôi ngay trong sân nhà kế bên chiếc cầu số 02. Bữa ăn cây nhà lá vườn. Họ đãi khách không phải bằng nước trà, mà là bằng nước dừa. Cơm dừa béo ngậy thì chỉ có “dân thành phố” như chúng tôi là thèm lắm nên nhờ họ chặt đôi quả dừa ra rồi dùng muổng múc luôn cơm dừa vừa ngon vừa béo vừa thơm mà ăn. Sau đó là những món như cháo gà, gỏi rau muống bắp chuối trộn, lẩu hải sản chua cay thật ngon từ tôm nuôi, mực cá biển. Sau khi suýt xoa khen ngon, tôi vào bếp thì tình cờ nghe được câu chuyện các chị các cô trong bếp đang nói với nhau. Một cô nói: “Thấy mấy chỉ khen đồ ăn ngon, em mừng quá trời quá đất!” Một người khác: “Mừng chớ! Mình có được cây cầu, thiệt không có gì mừng bằng, mang ơn người ta hổng hết!” Nhìn dân làng vui mừng, từ những ông cụ già run run nắm tay từng người trong đoàn nói lời cảm ơn, những người phụ nữ thì thầm cảm động trong góc bếp, đến những chú bé vui sướng nhảy nhót trên cầu, chúng tôi thấy mắt mình rưng rưng…

Những vuông tôm bỏ hoang ở An Hội A, xã An Thuận, H. Thạnh Phú

Sau buổi lễ khánh thành hai cây cầu ở ấp An Qui, xã Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam và dùng cơm trưa ở nhà dân xong, chúng tôi đi tản bộ một chút trong làng. Ở đây có vài vuông nuôi tôm. Lấp ló sau những hàng tre là vài túp nhà tranh. Nhà nào cũng nuôi gà vịt. Có nhà nuôi cả bò và heo cũng ngay bên cạnh nhà. Vẫn còn tối tăm, muỗi mòng và bùn lầy nước đọng chung quanh. Vẫn còn những cây cầu khỉ ngắn trong khu vực nhà dân, băng qua những cái ao tù, con lạch nhỏ … là điều không thể xóa hết vì quá nhiều. Và bắc qua những kênh rạch lớn hơn, có nơi xây cầu mới thì cũng có nơi phải tu bổ những cây cầu cũ xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. 

Một cây cầu tạm xuống cấp trên đường vào An Qui

Chúng tôi rời ấp An Qui cũng bằng cách đã vào, là từng người một được các anh em trong xã chở đi bằng xe gắn máy vòng vèo trên con đường nhỏ. Từ Mỏ Cày Nam, đoàn đi tiếp qua Huyện Thạnh Phú để đến ấp An Hội A, xã An Thuận dự lễ khánh thành cây cầu từ thiện thứ ba. Nơi đây khi nhìn vào thấy những cánh đồng lúa, nhưng nhiều hơn cả là những vuông nuôi tôm bao la gần như bỏ hoang, nghe nói đa số của các chủ đầu tư t thành phố xuống. Giữa trưa nắng, bầu trời xanh ngắt bãng lãng những làn mây trắng soi bóng xuống những ao nước thật thơ mộng. Cũng như ở An Qui, nơi đây đoàn xe gắn máy đã chờ sẵn để chở chúng tôi vào trong ấp, chừng hơn 1 cây số, nhưng con đường len giữa những vuông nuôi tôm cũng nhỏ hẹp như thế và nếu tay lái không vững có thể ngã ùm xuống nước.
Ở ấp An Hội, xã An Thuận, Thạnh Phú, dân cư còn thưa thớt và ít hơn bên An Qui của Mỏ Cày Nam, dân số chỉ chừng 100 người dân và sống trong những túp nhà tranh rải rác. Khi chưa có cầu cuộc sống của họ rất thiếu thốn khổ sở. Băng qua con rạch, họ chỉ bám vào cây cầu khỉ bằng những thân cây đường kính chưa đến một tấc, từng khúc một nối vào nhau chằng chịt bằng dây thừng từ đầu bên này sang bên kia, tay vịn là những cành tre lắc lẻo đong đưa theo dòng nước chày xiết bên dưới chân cầu. Tôi lại tưởng tượng đến cảnh những ông già bà cụ run run vịn cành tre lắc lẻo ấy để qua cầu. Những bà mẹ đang mang thai, hay bà mẹ cõng con một tay ôm con tay kia níu cũng cành tre lắc lẻo ấy mà đi… Giống hệt như trong câu hò mẹ ru con mà ai cũng biết:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi, Con đi trường học mẹ đi trường đời”…

Cây cầu khỉ cũ bắc qua con rạch ở An Qui

Câu hò mà mỗi lần nghe tôi muốn chảy nước mắt vì nỗi buồn cứ đọng trong từng chữ, từng câu. Qua cầu khó khăn là thế, nhưng mẹ vẫn dắt con đi cho con kiếm cái chữ ngày mai đời con sướng hơn đời mẹ, còn “trường đời” của mẹ đã chịu đựng cái nghèo, cái khổ … Có là gì, có ra sao mẹ vẫn hy sinh… Thế nhưng có tận mắt nhìn thấy cây cầu tre lắc lẻo như thế này thì nước mắt mới tuôn ra thành dòng khi nghĩ đã bao đời nay, những thân phận khốn khó ấy đã sống như thế, cách biệt vô cùng với thế giới văn minh bên ngoài của thành phố xa hoa sáng rực ánh đèn mà mỗi đêm từ nơi xa lắc này họ có thể nhìn thấy. Thế giới ấy xa lắm, như thiên đường vậy. Đến đây, tôi lại nhớ đến một câu trong một bài viết ở trang Làng Mai của thầy Thích Nhất Hạnh: “Nếu bạn không đủ nghèo để xin từ thiện, thì bạn đủ giàu để làm từ thiện”…

Khánh thành cầu Xóm Chòi ở An Hội A, xã An Thuận, H. Thạnh Phú

Cây cầu thứ ba này, nhà tài trợ là vợ chồng cô bạn Lê Nga của tôi. Nga nói cô có duyên với Mỏ Cày, cô đã từng vận động xây được 03 cây cầu tại huyện Mỏ Cày, lần này trong buổi lễ khánh thành, được nghe báo cáo do tình trạng quá bức xúc của dân nên khi có tài trợ, địa phương đã vận động cả xã và huyện góp thêm công sức để hoàn thành một cây cầu kiên cố, tổng kinh phí lên đến 70 triệu đồng. Nhìn thấy tên vợ chồng cô được khắc trên bảng đá granite “CẦU XÓM CHÒI, Ấp An Hội A, Xã An Thuận, Huyện Thạnh Phú. Nhà tài trợ: Gia đình Ông Nguyễn Dzực và bà Lê thị Nga, P 9 Quận 10, Tp HCM. Hỗ trợ 20 triệu đồng. Nhân dân đóng góp”, cô chảy nước mắt: “Ai bảo làm từ thiện không có lời khi mình chỉ đóng góp 2/7 tổng kinh phí?”
Sau khi cắt băng khánh thành, trong căn nhà tình thương nằm sát bên chân cầu được xã mượn tổ chức buổi lễ, đoàn chúng tôi lại được đãi ăn tiếp. Ai cũng còn no từ bữa ăn trưa người dân chiêu đãi ở Mỏ Cày, nhưng nhìn những món ăn đặc sản của địa phương, thú thật … chúng tôi cầm lòng không đậu. Có món ăn dân dã quen thuộc như xôi nếp ăn với tôm rim nước dừa, bánh bò thịt heo quay, cũng có món lạ tôi chưa từng ăn như lẩu cá hú nấu với bông so đũa. Những cánh hoa so đũa tươi thắm, trắng ngần, hơi hồng hồng đầu cánh hoa nhìn thật là đẹp, khi nhúng vào nước lèo có hơi đăng đắng, nhưng càng ăn càng ghiền. Cũng như dĩa rau nhút xanh mướt nằm kế bên vậy, thật ngon!

Món ngon Bến Tre: Lẩu cá hú bông so đũa.

Tình cảm quyến luyến giữa người dân địa phương và khách phương xa đã làm cho thời gian như trôi qua nhanh quá. Đoàn chúng tôi còn một nơi đến nữa là Mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức ở Bình Đại và phải đi qua cù lao Tam Hiệp, mất khoảng một tiếng đồng hồ nên khách chủ đành chia tay nhau hẹn một ngày tái ngộ không xa.
Chúng tôi đi phà qua cù lao Tam Hiệp (xưa gọi là Cồn Tàu) lúc 4 giờ chiều trong nắng hoàng hôn trải rộng trên dòng sông Cửa Đại mênh mông. Ngày nay Tam Hiệp là vùng cây trái trù phú nổi tiếng của huyện Bình Đại. Trên đường đi vào chùa Vạn Đức, chúng tôi băng qua những vườn nhãn xuồng cơm vàng lừng hương thơm, từng chùm trái lủng lẳng thật hấp dẫn nhưng không thể dừng vì không còn thời gian nữa và chúng tôi phải trở về cho kịp chuyến phà.
 
Qua phà Tam Hiệp, huyện Bình Đại, Bến Tre
Mái ấm Đức Quang, thuộc Chùa Vạn Đức ở cồn Tàu là một cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Trụ trì là sư thầy Thích Lệ Huệ. Ở đâu nghe tin có cháu bé sơ sinh nào bị cha mẹ bỏ rơi không ai nhận thì sư thầy đến bế về chùa nuôi dưỡng, đến tuổi đều cho đi học. Vì là chùa tăng nên thầy chỉ nhận bé trai, nhưng cũng có trường hợp bé gái không ai nuôi thì thầy nhận nuôi đến 3 tuổi đứa bé sẽ được gửi qua chùa sư cô. Tổng số các trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại đây lên đến 70 cháu, trong đó trẻ sơ sinh cho đến 3 tuổi chừng 45 cháu. 

Mái Ấm Đức Quang, Chùa Vạn Đức, Xã Tam Hiệp, Huyện Bình Đại

Chúng tôi vào chùa thắp nhang lễ Phật và cúng dường. Sau đó nhóm tản ra, vào thăm phòng sơ sinh và các cháu nhi đồng. Các cháu chưa biết nói, nhưng biết nhìn ra cửa gọi “Mẹ” và từ thứ hai là “Ẵm” khi các cháu đưa hai tay đòi bế. Khi được bế rồi, các cháu không buông ra, vừa hôn lấy hôn để các “mẹ”, vừa níu chặt cổ không rời. Thương quá những đứa bé như thiên thần bị cha mẹ bỏ rơi, may mắn có chỗ nương thân và được nhà chùa dạy dỗ nên người. Phòng sơ sinh và nhi đồng này có 4 cô bảo mẫu túc trực chăm sóc ban ngày, và 4 cô ban đêm. Vì thầy trụ trì đi vắng, trưởng nhóm làm việc với một nhà sư về việc cúng dường phụ chăm nuôi các cháu mồ côi. Một sư cô vội vàng thúc hối nhà bếp lo hai bàn cơm chay cho chúng tôi mặc dù đoàn báo đã ăn rồi nhưng sư cô vẫn chắp tay mời “Xin quý mạnh thường quân hoan hỷ”.  
 
Mái Ấm Đức Quang, Chùa Vạn Đức đang nuôi dưỡng 70 trẻ mồ côi

Trở lại phà đi chuyến 6:15 pm, chúng tôi lên xe về thành phố. Về đến nhà là 10:00 pm. Một ngày với nhiều sự kiện tham dự, nhìn thấy nhiều cảnh đời, tôi biết các bạn của tôi sẽ có nhiều suy nghĩ có thể không giống nhau, nhưng cảm nhận chung là: “Hãy đi để nhìn thấy nhiều hơn. Để hiểu hơn và thương hơn những cảnh đời còn khốn khó và thiếu thốn”. Có lẽ đó cũng là phương châm sống và hoạt động của các bạn thân mến của tôi trong nhóm Hiểu & Thương.

* Bài viết và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm