Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

LẠC BƯỚC RỪNG THIỀN

Đó là một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào tiên cảnh với mây trắng mờ ảo phủ vây núi non trùng điệp, rừng thông xanh thẫm, những mặt hồ trong vắt lung linh phản chiếu bầu trời và cỏ hoa tươi đẹp. 


Trước khi đến nơi này, tôi có nghe nhiều người nói về ngôi chùa nổi tiếng cùng cảnh vật thần tiên nơi đây và vị sư trụ trì vô cùng tài hoa. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến những câu thơ tuyệt đẹp của thi sĩ Phạm Thiên Thư:
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau.
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một giòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông..."
(1)
Không hiểu sao tôi đã quên mất hai chữ "nhớ nhau" mà trong đầu tôi chỉ có hai chữ "ngủ quên". Xin mạn phép nhà thơ Phạm Thiên Thư cho tôi tạm đổi một chút trong hai câu đầu tiên của bài thơ "Động hoa vàng" khi tôi đang trong cảnh giới này :
 "Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ... ngủ quên"!


Thanh tịnh

Tôi không biết vị sư trụ trì chùa, Tỳ khưu Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh, có phải đã là "quan" để "từ" hay không, nhưng chắc chắn một điều là ông đã từ bỏ cuộc sống của con người bình thường đầy hỉ nộ ái ố để bước chân vào chốn Thiền môn thanh tịnh. Tuy nhiên, sau đó khi gặp ông rồi, tôi mới hiểu ông không hề bỏ quên cuộc đời, thân ông bỏ nhưng tấm lòng của ông đối với đời được san sẻ từ bi bao la. Là bậc cao tăng uy tín, đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, ông còn là một nhà sư giỏi thơ văn, hội họa và mỹ thuật, đặc biệt nổi tiếng về thư pháp. Phần lớn những xây dựng ở rừng Thiền này được các sư thầy làm bằng tay, từ những cái am, đình, những ao sen, đến những chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc ngang qua hồ. Cả cánh rừng thơ mộng này nào đâu ông chỉ hưởng riêng mình, mỗi góc vườn xinh đẹp là một món quà tặng cho khách thập phương, mỗi câu thơ trên đá là một lời nhắn nhủ, là ánh sáng soi rọi vào hồn người trần thế. Trước đây ngoài đời Sư là thầy Nguyễn Duy Kha, từng là giáo sinh khóa 2 trường Sư Phạm Quy Nhơn. Xuất gia năm 1973, thọ giới Sa di năm 1973 và thọ giới Tỳ kheo năm 1977 tại chùa Tam Giới, Đà Nẵng. Sau đó Sư sáng lập chùa Huyền Không từ một mái lá dưới chân đèo Hải Vân năm 1978. Đến năm 1989, Sư thành lập Huyền Không Sơn Thượng II, rộng 50 ha., chính là nơi chúng tôi đang đến.

Lối vào Huyền Không Sơn Thượng

Con đường đất đỏ dẫn đến Huyền Không vẫn còn hoang sơ và gập ghềnh không dễ đi, thế nhưng khi đến nơi rõ ràng là một khung cảnh thần tiên thơ mộng đang hiện ra trước mắt mọi người.
Bước qua rừng thông mà lá thông vàng lót dày êm ái dưới mỗi bước đi, vừa đi vừa ngắm những ao sen trắng điểm hoa súng tím, tâm hồn tôi chợt dịu nhẹ một cách lạ lùng. Đi đến đâu ta có thể thấy thơ đến đó. Những câu thơ được khắc theo kiểu thư pháp bay bướm trên đá, trên gỗ... Tôi không ghi chép lại nổi hết tất cả những câu thơ đã rải trên đường, cứ mỗi khoảng cách vài mét là có một phiến đá, một tấm gỗ thông với thơ. Từ lối vào rừng Thiền là một bảng nội quy bằng thơ:
 "Là người lịch sự văn minh,
Giữ gìn chút cảnh chút tình sau đây:
Không nên đốn củi, chặt cây.
Không nên nhóm lửa lan lây cháy rừng.
Không nên xả rác lung tung,
Không nên câu cá, cũng đừng bẻ hoa.
.....
Để còn chút mộng chút mơ,
Để còn nét chữ câu thơ ... hồn thiền."

Nội quy

Không biết có phải vì cái bảng nội quy rất "thơ" đó hay không mà tuyệt nhiên trên quãng đường dài hơn cây số đến Am Mây Tía, nơi ở của tỳ khưu Giới Đức, mọi thứ đều đẹp đẽ, sạch sẽ dù rải rác đây đó tôi thấy có nhiều nhóm khách thập phương cùng đến viếng chùa. Cây cối được chăm sóc tốt tươi, hoa lá tưng bừng, trong nhiều cái ao bên đường những bông súng màu tím tươi vui khoe sắc. Chúng tôi đi qua những chiếc cầu bằng gỗ, một khu rừng thông, vườn trúc, thấp thoáng qua rừng cây những mái chùa cong cong hết sức nên thơ. 
Từ lúc bước vào rừng Thiền tôi đã nghĩ vị trụ trì này rất lạ. Rất tài hoa, lãng mạn khi tạo dựng được cả một khu rừng và cảnh chùa theo lối vườn Huế thi vị như thế này. Ngoài rừng thông, vườn trúc, vườn kiểng hơn 100 chậu non bộ, những ao sen hồng, súng tím, còn có cả một vườn lan khoảng 200 loại lan quý bốn mùa khoe sắc là Mặc Lan, Đông Lan, Tứ Thời, Hồng Điểm, Bạch Ngọc, Nhất Điểm Hồng, Đại Kiều, Tiểu Kiều v.v... cùng một vườn hồng phía trước với hàng trăm loại hồng: Hồng Bạch, Hồng Nhung, Hồng Vàng ... Rải rác đây đó là những mái am, ngay cả điện thờ Phật chính cũng nhỏ nhắn xinh xắn, kiến trúc đơn giản mộc mạc. Tất cả đều toát lên tinh thần và tâm hồn Việt, không chút lạ lùng ngoại lai. Tôi cũng nhận thấy ông chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ Thiền của các vị thiền sư. Ngay bức tường đá trên đường vào là bài  thơ của thiền sư Viên Minh:
"Viết bài thơ trên cát,
Con sóng vỗ xóa đi.
Vô tình đâu nhớ được,
Mình viết bài thơ gì."

Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng

Nhóm bạn của chị tôi đã đi đâu từ lâu, tôi vẫn còn thơ thẩn trong rừng thông nghe chim hót và ngắm những bông hoa bên đường. Rồi tôi đi theo những câu thơ. Chợt cảm thấy như mình đang sống trong câu chuyện cổ tích lạc vào rừng xanh và tìm về nhà theo những viên đá đánh dấu được viết bằng thơ trên đường. Rất thích thú với một số câu thơ được khắc trên đá và gỗ trên đường vào:
"Bước đi ai nhớ dấu chân,
Khói sương khỏa lấp tiền thân thuở nào"
 
Ở một góc khác:
"Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ,
Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”

Hay:
"Thương ai đá đứng, cỏ nằm
Khói sương cảo lục, con trăng cõi về". 

Rừng trúc

Trước cổng tam quan nhà chùa theo dáng cây trúc có một cái bảng gỗ "Phong Trúc Am" và hai câu đối buông hai bên:
"Rừng gió vi vu rớt một tiếng chim, sao tĩnh lặng.
Khóm trúc xào xạc, rụng vài chiếc lá, động vô thanh"
Thấp thoáng đã thấy Am Mây Tía:
"Hang xanh mây tía ẩn cư,
Phương này trăng nước thi thư tọa đàm"
Nơi đây treo rất nhiều thư pháp:
"Một cõi cỏ thơm, thơ núi lặng,
Bốn bề mây trắng bút non xanh."
Một số câu thơ nhắc nhở con người nhớ về cha mẹ:
"Cha cho gánh chữ ngần vai,
Mẹ cho giọt nắng soãi dài tuyết đông".
Hay chiêm nghiệm về cuộc đời:
"Đường đời vút cánh chim hồng,
Lối về chi sá bão dông tình đời".

Phương Thảo Địa

Tôi đi qua một khu vườn, cổng mang bảng gỗ "Phương Thảo Địa", lối vào vườn cỏ thơm. Ba chữ này có lẽ đã được Tỳ khưu Giới Đức lấy ý từ một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, nhà thơ đời Đường khi nói về thú ăn chơi tao nhã bốn mùa của thi nhân:
"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi" (2)
Xin tạm dịch nghĩa:
"Xuân thăm miền cỏ thơm
Hạ ngắm ao sen biếc
Thu uống rượu cúc vàng
Đông ngâm thơ tuyết trắng"

Vườn hoa trước chánh điện chùa Huyền Không
 
Càng đi, tôi càng thấy rất thích những cái tên mà Sư thầy đã đặt cho từng khu vực, với những câu đối hay:
"Bút vẫy rừng không, mây gió buâng khuâng, trăng sáng chữ
Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!."

Ở Am Mây Tía:
"Thiền đạo vô ngôn hoa cỏ nói,
Kinh Thư đa nghĩa nước trăng cười"

Tại Nghinh lương đình :
"Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại 
Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn"
Cùng hai câu thơ thật đẹp:
"Nghe đạo, hương rừng theo gió đến
Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!"


Vì vậy muốn viết về Huyền Không có lẽ không cần phải tả tình tả cảnh nhiều, dường như những câu thơ của Tỳ khưu Giới Đức đã nói lên được hết vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Ta không ngửi và vẫn cảm thấy dường như mùi hương rừng đang ngào ngạt thoảng về. Ta không thấy mà vẫn tưởng như trên đầu non đã có vầng trăng tỏa sáng, thứ ánh sáng trong trẻo tinh khôi chỉ ở vùng rừng núi nguyên sơ mới có.


Thư Pháp Đình

 Thư Pháp Am, nằm đối diện với đồi thông bên kia Sơn Ảnh Hồ, là nơi trưng bày thư pháp và cũng là nơi để tao nhân mặc khách ghé thăm mặc sức họa thư pháp bằng bút tre trên giấy:
"Chữ chẳng là mây, thăm phố chợ, dạo non xanh, sương khói lơ thơ hòa khí bút
Thơ đâu phải nước, ngủ suối trăng, mơ sông biếc, rong bèo lác đác dệt tình văn"
Dễ thương nhất là hai câu được đặt ngay dưới thềm bước vào chánh điện lễ Phật:
"Xin khách để bụi dưới thềm,
Cho thơm cửa Phật, cho thiền nở hoa"
Hai câu này vừa dí dỏm, hiền hậu và rất thơ khi nhắc khách thập phương nhớ bỏ giầy dép bên ngoài, thật là dễ thương chưa thấy nơi đâu có.

Chánh điện Chùa Huyền Không
 
Phải nói rằng khi viếng thăm cảnh chùa Huyền Không, ngoài những bức thư pháp, tôi rất thích thú với những cái tên được đặt cho các am, đình ở đó như Am Mây Tía, Am Trăng Ngủ, Nghinh Lương đình v.v...
Nhóm các anh chị mà tôi đi cùng đều là giáo sinh Cao đẳng Sư Phạm Quy Nhơn khóa 7. Khi nghe các anh chị giới thiệu, sư thầy Giới Đức cũng nói rằng thầy là đồng môn khóa 2. Rồi thầy tặng cho chúng tôi mỗi người một cuốn Con Gái Đức Phật, một cổ sử truyện về "hành trạng của chư Thánh Ni và những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng" (3)
Thầy cũng giải thích vì sao có tên "Am Mây Tía", đó là lấy từ ý thơ Thiền của Vua Trần Nhân Tông, người đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc lên núi Yên Tử tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào đầu thế kỷ 14.

Am Mây Tía
 
Những bài kệ trong sách được tác giả diễn dịch hay như thơ. Thấy có mấy tập thơ đẹp tôi xin mua nhưng Tỳ khưu nói sách đã hết, đó là những tập cuối cùng còn lại nên thôi, lòng thấy tiếc.
Khi chúng tôi khen cảnh chùa quá đẹp, tỳ khưu nói rằng ông chỉ muốn đem đến cho khách thập phương niềm hạnh phúc của sự cảm nhận cái đẹp thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng đó là một mong muốn vô cùng từ bi, đẹp đẽ của một vị cao tăng đáng kính.  
Trên đường về, lòng tôi vẫn thấy nao nao vì những gì đã được chiêm ngưỡng. Một ngôi chùa đơn sơ, không đồ sộ, bằng gỗ rất khiêm tốn đơn giản, làm bằng tay đôi chỗ thật đơn sơ nhưng sao rất vấn vương lòng người từ cảnh vật đến lời thơ. Phải chăng do vị sư trụ trì tài hoa uyên bác đã thổi hồn vào cho thiên nhiên cảnh vật thêm hữu tình hữu ý? Tôi lại nghĩ đến những ngôi chùa đồ sộ ở thành phố với kiến trúc cầu kỳ nặng nề gây cảm giác chật chội nhức mắt. Về Huế, đi thăm chùa Thiên Mụ, nơi tôi đã quy y với Cố Thượng tọa Thích Đôn Hậu từ những ngày còn bé, dù còn phảng phất mùi hương kỷ niệm thời thơ ấu thường theo mẹ đến chùa nhưng dường như đã không còn cảm giác thanh tịnh thơ mộng như ngày xưa khi nay có quá nhiều đoàn du khách theo chương trình du lịch nhồi nhét cho đầy và mỗi lần đến tham quan chỉ được giới hạn trong chừng nửa tiếng để rồi vội vã xuống thuyền ngược dòng sông Hương về lại thành phố. Tôi cũng không thích các hàng quán thương mại và dịch vụ ăn theo du lịch ồn ào bên ngoài, đã làm mất đi nhiều vẻ tôn nghiêm và nét đẹp thơ mộng dưới chân chùa Thiên Mụ.

Mặt hồ soi bóng núi

Cái đẹp ở Huyền Không là cả một không gian Thiền tĩnh mịch, sâu lắng. Vắng vẻ vì khá xa thành phố, nhưng cảnh quan tạo cho du khách cảm giác trở về với thiên nhiên nên thơ mà rũ bụi trần. Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến, chỉ còn ước mơ:
"Tôi đang mơ giấc mộng dài,
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh"! (4)


NGUYỄN DIỆU TÂM
Tháng 8. 2012 

(1) Động Hoa Vàng - Thơ Phạm Thiên Thư
(2) Tứ Thời Thi - Thơ Thôi Hiệu
(3) Trích trong tác phẩm "Con Gái Đức Phật" của Tỳ Khưu Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(4) Mơ Giấc Mộng Dài - Nhạc Phạm Duy 

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

CHUYỆN CÁI LU ĐẤT

Tôi được sinh ra từ đất phương Nam. Là đất, nhưng không phải loại đất cát bình thường, mà tôi được tạo thành bởi hỗn hợp nhiều loại khoáng chất. Nơi tôi sống xa thành phố, nằm bên bờ sông khá thơ mộng nhưng ít người qua lại. Mỗi lần trời mưa, càng không thấy bóng người lai vãng vì khi bị ẩm chúng tôi trở thành dẻo nhão, trơn trợt và rất dơ bẩn vì có lẫn bùn sình. Tôi không biết chính xác họ nhóm của tôi, có thể cái họ này bắt nguồn từ những tên khoa học dài ngoằng khó nhớ như Kaolinit, Illit, Smectit hay Montmorillonit gì đó, nhưng để cho gọn, bạn có thể gọi họ của tôi là Đất Sét.

Tôi được sinh ra từ đất

Dòng họ Đất Sét của chúng tôi rất lớn và có nhiều nhánh như Đất Nung, Gốm, Sành, Sứ v.v... vốn có lịch sử từ thời rất xa xưa. Do địa hình nơi sinh sống khác nhau, chúng tôi có nhiều màu da, từ màu trắng, màu xám đến màu đỏ hay cam sẫm. Ông bà tôi thường kể lại rằng khi được nung nóng lên đến một nhiệt độ nào đó thì chúng tôi trở thành một loại cứng rắn vĩnh cửu. Bạn có thể nhìn thấy các thành viên của dòng họ chúng tôi bất cứ nơi đâu trên thế gian này, từ những cái bình đất đựng nước từ thời tiền sử, cái lu chứa nước mưa thô kệch, chậu trồng cây; đến mái ngói đỏ, bức tường, nền nhà bằng gạch, nồi chảo bằng đất, bát dĩa chén sành sứ; hay sang trọng, cao cấp hơn là các loại bình lọ men gốm sứ trang trí đẹp đẽ, tượng thờ linh thiêng v.v...
Khi trưởng thành, ai cũng muốn mình trở thành người xinh đẹp, giỏi giang, có ích cho xã hội, giàu có. Tất nhiên không phải khi ta muốn là ai cũng được, tôi cho rằng điều đó ngoài may mắn trời cho, còn tùy thuộc rất nhiều vào bản chất, khả năng của ta, có chịu thương chịu khó, vượt qua được những tôi luyện thử thách trong cuộc đời này hay không.
Về phần tôi, dĩ nhiên vào lúc nhỏ tôi cũng có nhiều mơ mộng cao xa, nhưng khi lớn lên thì tôi tin vào số phận.
Nằm mãi một chỗ, tôi bắt đầu mệt mỏi và muốn ra khỏi làng quê. Tôi từng cố lăn theo những trận mưa để trườn xuống con sông dưới kia, mong dòng sông sẽ chở tôi đến một bến bờ nào đó để thay đổi cuộc đời. Thế nhưng vì nơi tôi ở nhiều ngõ ngách quá, lăn một chút đã bị mắc kẹt, xoay trở thế nào cũng không xong, tôi đành nằm im chờ thời.
Một ngày kia, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi dòng sông phía đông, người ta đến xúc tôi đi cùng với nhiều người họ hàng và bạn bè của tôi trên một chiếc xe tải lớn. Thoạt tiên tôi cảm thấy lo lắng không muốn đi, nhưng cú xúc mạnh quá, tôi nhào lăn theo. Thôi thì cứ đi thử thời vận xem sao.
Đi khoảng nửa ngày đường, khi đến nơi, chúng tôi được đổ xuống một khu đất trống, cỏ dại mọc đầy. Phía sau khu đất, có vẻ như là một nơi làm việc. Nhiều người tất bật đi tới đi lui trong khoảng sân đầy nắng để phơi những thứ gì đó. Xa xa có những chiếc ống lớn bốc khói mịt mù. Trong gió thoảng đến hơi nóng của lửa lò và mùi than củi.
Chúng tôi được nằm trên cỏ êm, phơi mình dưới ánh nắng mặt trời một thời gian cho bạc bớt màu. Sau đó người ta đưa chúng tôi vào bên trong, nơi có mái che. Họ ngâm chúng tôi trong bể chứa nước khá lâu ước chừng 3 - 4 tháng để chúng tôi nát ra và hòa tan trong nước rồi cho vào máy lọc loại bỏ rác rến, sạn đá vụn, các loại tạp chất. Rồi họ đem hong cho chúng tôi ráo bớt nước, xong đem chúng tôi đi ủ. Ở giai đoạn này người ta cho rằng chúng tôi được ủ càng lâu càng tốt.




Qua nhiều công đoạn: Chọn đất và phối liệu

Mình mẩy chúng tôi đã trở thành một thứ đất nhuyễn mịn, dẻo và chắc. Chúng tôi được phân ra làm từng khúc, có khúc dài, có khúc ngắn, khúc vuông, khúc tròn rồi người ta cho qua khuôn đúc, quay phôi hoặc nén qua khuôn tùy theo mẫu mã để tạo hình. Theo cách xưa thì dùng bàn xoay và lấy tay vuốt để tạo hình sản phẩm. Thông thường những bàn tay phụ nữ làm công đọan này rất khéo. Vuốt sao cho đều, cho cân đối, cho đẹp. Còn múôn có hoa văn nổi thì người ta phải nặn thành hình rồi đắp lên sản phẩm thô. Tạo hình bên ngoài xong rồi người ta mới làm đến phần bên trong để tạo ra sản phẩm. Theo cách này thì sản phẩm làm không được nhiều. Về sau để có thể sản xúât với số lượng lớn, người ta dùng khuôn làm bằng gỗ, đất nung hay thạch cao.



Xử lý đất kỹ trước khi tạo hình

Có nhiều loại khuôn trơn hoặc có hoa văn. Thông thường là những họa tiết cổ điển hình rồng, phượng, rùa, kỳ lân, Bát tiên, Phước Lộc Thọ v.v... hay các loài vật gần gũi với đời sống nông thôn như con cò, cua, cá... Cũng có hình các lòai thực vật bốn mùa như mai, lan, cúc trúc, sen, bách tùng, tất cả đều là những mẫu mang tính chất trang trí. Qua khuôn, chúng tôi được gắn ghép lại thành hình. Trong thời gian tạo hình, chúng tôi đã có những hình dạng không giống nhau. Có anh cao, có anh thấp; người tròn, người vuông; kẻ mang hình hoa văn, người được gắn rồng phượng v.v...Có hình dạng rồi, chúng tôi lại được đem hong trong bóng râm. Khô ráo rồi, người ta bắt đầu nhúng men và pha màu lên mình chúng tôi. Có anh chỉ một màu nâu vàng như màu nước đường caramel, có anh màu xanh lam được chuyển từ đậm sang nhạt rất điệu, hoặc được vẽ nhiều màu xanh đỏ. Sau đó chúng tôi lại được phơi hong cho khô rồi được kiểm tra, chọn lọc lại lần nữa.





Đất lên khuôn thành hình

Tráng men


Đến đây là công đoạn chúng tôi được vào lò nung.
Trên đường vào lò nung, thật hồi hộp, vì đây mới chính là giai đoạn thử đá thử vàng. Trước lò có một bàn thờ Thổ công hương khói lúc nào cũng nghi ngút, cầu cho việc nung lò tốt đẹp vì có khi thiếu sót một chút là cả lò có thể hỏng hết. Củi chất chồng chung quanh. Người ta lần lượt sắp chúng tôi vào lò. Khi đã đầy, lửa bắt đầu đốt. Thoạt đầu, tôi muốn nhảy nhổm lên vì nóng và ngột ngạt làm sao. Tôi cắn răng chịu đựng cái nóng thấu vào da thịt, ruột gan. Có bạn không chịu nổi đã kiệt sức mà gục xuống. Nhiệt độ tăng từ từ lên cao, cao hơn. Ước chừng cũng phải từ 1100 đến 1600 oC. Tôi nghe toàn thân của mình kêu răng rắc như muốn vỡ ra. Chúng tôi nằm ở đó suốt một ngày trời. Nhiệt độ hạ từ từ rồi giảm dần cho đến khi bình thường. Chờ nguội hẳn, người ta mới đem chúng tôi ra ngoài.



Vào lò nung

Qua hôm sau người ta lại chọn lựa chúng tôi. Có anh bạn do nóng quá đã bị cong vênh, có anh bị rạn, có anh lại nứt toác ra. Tôi may mắn còn giữ nguyên vẹn hình thể. Tôi thấy mình cứng cáp, khỏe ra rất nhiều. Người ta đã loại bỏ những anh bạn bị lỗi, rồi sắp xếp chúng tôi thành hàng.
Sau khi ra lò, chúng tôi được lau chùi, trang điểm. Nay thì chúng tôi đã có thể chờ giao đến tay khách hàng và bắt đầu một cuộc sống mới rồi.
Trong quy trình làm gốm, chúng tôi đều được tập trung chú ý trong những công đoạn quan trọng theo như câu nói lưu truyền trong nghề là: "Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí". Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, không đơn giản chút nào.


Thành phẩm

Một ngày có hai người đến ngắm nghía chúng tôi, khoảng gần 100 bạn của tôi được chọn đem đi. Tôi nghe họ nói với nhau là sẽ xuất khẩu các bạn qua châu Âu. Riêng tôi thì ở lại, hình như trên người tôi đã có chút lỗi nào đó, tuy không trầm trọng lắm nhưng đối với hàng xuất khẩu thì có lẽ tôi chưa đạt tiêu chuẩn.
Sau cuộc giám định, các bạn thuộc loại đẹp hoàn hảo được đóng gói gửi bằng tàu ra nước ngoài. Tôi và một số bạn còn lại nhìn theo mơ ước, không biết bao giờ mới được sống một đời lãng du như thế cho mở mắt với đời. Khoảng một tuần sau, chúng tôi được bỏ lên một xe tải chở về thành phố, được xếp vào một cửa hàng bán lẻ lớn ở khu đông dân cư. 
Cửa hàng lớn và đẹp. Nơi đây ngoài chúng tôi từ Bình Dương, Biên Hòa ở miền Đông Nam bộ về, có nhiều bạn từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây Nam bộ đến. Từ gốm men da lươn mộc mạc dân dã Phù Lãng của Bắc Ninh, gốm Bàu Trúc mang linh hồn Champa của Phan Rang, gốm men tinh tế đa dạng của Bát Tràng đến gốm không nung Hòn Đất từ Kiên Giang. Có bạn rất đơn sơ bình dị, có bạn được đắp nổi hoa tiết rất mỹ thuật. Những bạn khác trong hình dáng bộ ấm chén uống trà trên mình có vẽ hình cảnh làng quê thật là xinh. Chúng tôi vì hơi lớn con, dềnh dàng nên phải nằm ở ngoài sân, chịu phơi mình dưới mưa nắng. Những bạn gốm sứ cao cấp hơn, dáng thanh tao nhỏ nhắn thì được xếp lên trên các dãy kệ bên trong cửa hàng. Chẳng bao lâu tôi cảm thấy mến một cô bé bình gốm men rạn Bát Tràng xinh xắn đến từ miền Bắc. Các bạn Bát Tràng này có hơi nặng, cốt đầy, nhưng kiểu cách tinh tế theo phong cách cổ điển được rất nhiều người ưa thích.


Các loại sản phẩm gốm sứ đa dạng đến từ  mọi miền đất nước

Trong cửa hàng này, có vài cụ bình gốm  tráng men lam nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng. Tuổi cao, kiến thức rộng, các cụ kể cho chúng tôi nghe rằng vùng đất Bát Tràng, xưa thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, có rất nhiều đất sét trắng và nghề gốm làng Bát Tràng đã có rất sớm nghe đâu từ thời nhà Lý, phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 15 đến 17, nổi tiếng về men gốm và nét vẽ tinh tế. Các dòng men của họ rất đa dạng và đặc biệt, có đến 5 dòng : men lam, men nâu, men xanh rêu, men rạn độc đáo và nhất là màu men trắng ngà tạo nên nét khác lạ với các loại gốm khác.
Gốm Phù Lãng của vùng Kinh Bắc, Bắc Ninh thì xuất hiện từ thời nhà Trần thế kỷ 14. Nét riêng biệt của gốm Phù Lãng là sắc thái men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng nâu, vàng thẫm... được gọi chung là men da lươn, tạo nên nét đẹp dân dã mộc mạc tự nhiên. Cũng như chúng tôi, các lò gốm Phù Lãng thích sử dụng cách đốt lò truyền thống bằng củi vì sự biến nhiệt khác nhau tạo nên những vết táp trên mặt sản phẩm gốm rất tự nhiên mà khó có kỹ thuật phương pháp hiện đại nào thay thế được.
Gốm Bàu Trúc xuất hiện sau các dòng gốm trên, từ giữa thế kỷ 19 là loại gốm của người Champa truyền thống. Hoa văn tinh tế, trang trí tự do, họ còn sử dụng kỹ thuật nhuộm màu thực vật và hun khói của màu vải dệt để tạo thêm màu sắc huyền bí, cổ truyền cho gốm. Khác với chúng tôi, lò nung của họ lộ thiên, nung bằng củi và rơm, thời gian ngắn hơn chỉ từ 5 - 6 tiếng đồng hồ.
Còn chúng tôi thì các cụ cho rằng tổ tiên chúng tôi từ phương Bắc đến khoảng giữa thế kỷ 19 tập trung tại 3 làng nghề gốm ở Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Thủ Dầu Một thuộc Bình Dương đến nay có hơn 300 cơ sở sản xuất gốm, hầu hết là của người Việt gốc Hoa. Phong cách và sản phẩm chúng tôi cũng khác nhau do được làm từ những bang khác nhau trong cộng đồng người Hoa như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông...
Nhìn chung, tất cả chúng tôi trong dòng Gốm sứ, Đất nung đều đã được làm ra với tất cả công phu cực nhọc, mồ hôi và nước mắt. Từ khi là đất thô đến thành hình trải qua không dưới 5-6 tháng.

Lò nung gốm Champa
Tạo hình gốm Bàu Trúc, Champa

Được sống trong không gian rộng lớn tập hợp được nhiều anh em trong dòng họ, tôi thật sung sướng biết bao! Mỗi ngày thêm một điều hiểu biết mới. Tôi say sưa ngắm nhìn. Nơi đây quả là một thế giới gốm sứ phong phú về hình dạng, màu men, ý nghĩa và lịch sử. Một thế giới với đầy đủ người vật, phong cảnh và cuộc sống của ba miền đất nước. Mỗi bạn một kiểu dáng, hình ảnh khác nhau dù cùng một cách làm tương tự như nhau. Có người là một truyện cổ tích như cô Tấm ngồi bên giếng cho bống ăn. Có người mang theo câu chuyện lịch sử như ông lão Lã Vọng - tức Khương Tử Nha đời nhà Chu bên Tàu lúc còn ngồi câu cá chờ thời. Có các tiên ông đang ngồi đánh cờ. Có những tượng thần và tháp cổ Champa. Có vua quan, nhà sư, các lão ngư - tiều - canh - mục. Có cả mẹ Đốp, cụ lý, thằng mõ trong làng quê miền Bắc. Có cả mái đình, nhà chùa, lũy tre, cây đa... thường được gắn trong các hòn non bộ làm tôi ngắm mãi không biết chán lại được ông già gốm lam Bát Tràng kiến thức uyên bác giải thích tường tận các sự tích nữa, tôi càng thích thú. Nhìn tới nhìn lui, thấy người nào cũng màu mè đẹp đẽ và còn ẩn chứa thần thoại cổ tích hay từ những câu chuyện có thật, so sánh với các bạn tôi thấy mình quê mùa và đơn giản lạ, chỉ là cái lu đất nung được sản xuất theo lối cổ điển, ruột gan lại rỗng tuếch chẳng có gì hấp dẫn hay ho.




Nơi đây là cả một thế giới gốm sứ

Cuối cùng, một ngày kia tôi và chục bạn cùng hình dáng được một bác nông dân mua và chở về một làng quê xa. Công việc của tôi là đựng nước mưa. Bạn tôi ở kế nhà bên. Đó là nhà của một đôi vợ chồng mới cưới. Mỗi lần nghe họ hát: Một túp lều tranh hai quả tim "dàng"... Bạn tôi lầm thầm: Có tui nữa nè, một lu nước lạnh. Hổng có tui thì họ chết khát. Một bạn khác được dùng để đựng gạo, nằm phía trong nhà cũng nhón người lên: Có tui nữa. Hổng có tui thì họ chết đói.
Đôi vợ chồng trẻ ríu rít và hát cho nhau nghe chừng một năm, tôi nghe tiếng trẻ con oe oe khóc trong nhà. Một đứa, rồi hai đứa qua năm sau nữa. Tiếng hát thay bằng tiếng cãi cọ. Dù nay có thêm mấy quả tim "dàng" bé con nữa, lại càng lúc càng cãi nhau nhiều.  
Tôi lặng thinh nghe các bạn xôn xao kể chuyện. Phần tôi, có một cái gáo dừa được vắt qua mình tôi làm bạn. Có vẻ hơi khô khan, nhưng nó là bạn thân duy nhất của tôi ở đây. Căn nhà chủ tôi có một bóng hồng xinh xắn, là cô bé con ông chủ, chừng 12, 13 tuổi, nước da trắng ngần, đôi mắt đen lúng liếng. Hàng ngày cô bé là người gần gũi với tôi nhất vì cô thường ra rửa rau, múc nước vào nấu ăn. Thỉnh thoảng khi rảnh rang, cô bé thích thò đầu vào lòng tôi mà tập hát. Hai bàn tay cô níu lấy cổ tôi, cả cái thân hình mềm mại áp sát vào người tôi. Ôi trời, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình sung sướng, hạnh phúc đến thế. Cô hát khá hay, giọng trong veo và ngọt như nước dừa xứ Tiền Giang. Có lần cô đã thì thầm với tôi là cô mơ trở thành đào hát cải lương.
Cứ như thế, theo dòng đời trôi, tôi chấp nhận cuộc sống êm ả chốn đồng quê như thế này, và thấy mình dẫu sao cũng còn hơn nhiều người khác bôn ba cực khổ phương xa.
Nhiều năm sau, qua thời gian được sử dụng, tôi già dần đi, mòn dần đi. Cô bé con ông chủ cũng đã đi lấy chồng, rồi có con cái. Thỉnh thoảng cô ghé về thăm nhà, lần nào cũng đến bên tôi múc nước rửa mặt. Cô vỗ vỗ vào lưng tôi như muốn hỏi: Khỏe không, anh bạn già của tôi?
Vào một mùa hè kéo dài nhiều ngày nắng hạn, nước trong lòng tôi đã cạn mà mưa vẫn chưa đến, mặt đất khô ran. Một ngày nọ khi đang ngóng chờ cơn mưa để tôi được chứa đầy như ngày nào, trời bỗng nổi gió, sấm sét ầm ầm rồi đổ mưa lớn. Tôi sung sướng đón nhận nước mát từ trời cao. Cạnh tôi, những chiếc lu mới vừa chở về cũng hân hoan đón mưa. Mưa từ máng xối đổ xuống ào ào. Bong bóng mưa cứ nổi rồi tan dưới chân tôi. Sau vài tiếng đồng hồ, những chiếc lu mới đã đầy ắp. Ông chủ ra lấy nắp đậy lu lại. Đến chỗ tôi nằm, ông ngó tới ngó lui. Tôi ngạc nhiên thấy sao nước trong lòng mình vẫn không đầy. Ông sờ khắp mình mẩy của tôi, thôi rồi ông đã phát hiện có vết nứt dưới đáy lu vì từ đó dòng nước đã chảy ứa ra. "Hèn gì mà hổng đầy!" Ông chép miệng. Rồi ông bỏ đi. Ngày hôm sau, khi nắng lên. Trong lòng tôi nước đã cạn. Tất cả nước đã chảy ra ngoài. Thôi thế là xong. Tôi đã già rồi! Lòng ngậm ngùi, tôi chỉ biết nhìn những chiếc lu mới thèm muốn. Nhưng thôi, đã một đời rồi, ai rồi cũng phải đến cảnh này. Tôi chỉ ước gì mình được nhìn thấy cô gái một lần nữa trước khi ra đi mà thôi.

Số phận của tôi, cái lu đất

Ngày hôm sau nữa, một chiếc lu mới được chở về, theo sau là cô gái của tôi. Người ta nhấc tôi ra khỏi chỗ tôi đã nằm bao lâu nay và thay vào chiếc lu mới. Bốp một tiếng rõ to, tôi đã vỡ tan tành trong lúc chàng thanh niên lực lưỡng đang cố xê dịch tôi. Cô gái chạy đến nhặt từng mảnh vỡ trong thân thể tôi, mân mê trong đôi tay nhỏ nhắn. Cô trách anh chàng kia sao không nhẹ tay một chút để tôi không bị vỡ ra. Tôi đau đớn muốn khóc, người run lên bần bật. Vuốt ve một hồi, cô nhẹ nhàng đặt tôi vào góc vườn, nơi có mảng tường bám rêu, rồi quay đi. Tôi rưng rưng nhìn theo bóng cô khuất sau vườn cây, thầm nghĩ : Dẫu sao, mình cũng đã hạnh phúc khi được nhìn thấy cô gái tốt bụng ấy lần cuối cùng. Càng ngày tôi càng vỡ nát ra rồi văng tung tóe từ khi mấy con chó nhỏ, đàn gà bươi móc góc vườn khiến nhiều người đi qua dẫm đạp lên thân thể tôi. Những chiếc lá vàng từ cây vú sữa, cây mận và cả trái rụng trong vườn rơi xuống phủ lấp dần lên người tôi. Mưa nhiều, đám lá mục ẩm, chất chồng làm tôi cũng rã dần theo.
Và tôi lại trở về với đất...

* NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: ngdieutam


Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

TỪ CÁNH HOA GLAIEUL MÀU TÍM

Hôm nay là ngày rằm tháng sáu âm lịch, cũng là ngày giỗ bà ngoại. Trên đường ra chợ, bất ngờ tôi nhìn thấy những cánh hoa glaieul màu tím. 
Hoa chưa nở hết, nhưng những nụ hoa tim tím khá đặc biệt làm tôi phải dừng lại bên hàng hoa để ngắm. Hỏi giá bao nhiêu, lại nghe thật rẻ, chỉ có 10.000 đồng một bó 10 cây. Vậy là tôi mua một bó cúc đại màu vàng nghệ về cúng ngoại còn bó glaieul tím thì chưng trên bàn.
Không chỉ có tôi thấy lạ, mà còn nhiều người phụ nữ khác khi đi ngang qua đều dừng lại: "Ồ, chưa bao giờ thấy hoa lay ơn màu tím. Đẹp quá!".
Đến chiều, hoa bắt đầu nở. Rất đẹp. 



Hoa glaieul cành ngắn màu tím ( Ảnh: ngdieutam )

Tôi yêu hoa và thường muốn sưu tầm hình ảnh những loại hoa đẹp. Ở thành phố nơi tôi sống không có nhiều hoa lắm, chỉ có những loại dễ trồng như hoa giấy, hoàng anh, bằng lăng, trúc đào ... quanh hàng rào hay được trồng ngoài đường, trong sân. Đến mùa xuân thì có mai vàng hay đào từ miền Bắc vào, những loại này thì phải là nguyên cây có gốc được trồng trong chậu.  Hoa để bàn như hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền ... thì lại mau tàn nên tôi hay dùng hoa statice hay hoa sao.  Hoa để chưng cúng thì chỉ có một số hoa thích hợp như cúc đại đóa, cúc vàng, cúc trắng, hoa lys, huệ, glaieul ... Hoa sen cúng Phật rất đẹp nhưng chỉ đẹp trong ao chứ đem về cắm trong bình thì đây là loại hoa mau tàn nhất. Phải nói rằng hoa nào cũng có cái đẹp riêng của nó, từ những loại hoa kiêu sa đến loại hoa dại khiêm tốn bên đường. Hoa glaieul cũng không phải loại hoa mà tôi thích, nhưng khi cắm nó vào bình chưng trên bàn thờ, glaieul nghiêm trang, sang trọng, lại không có mùi hương nên phù hợp trong phòng kín hơn các loại hoa lys hay huệ trắng mùi thơm quá nồng và trở nên độc vào ban đêm. Tôi còn nhớ có lần trong phòng làm việc ở công ty, tôi đã ra vườn hái một cành hoa đại tướng quân rất đẹp vào chưng trong bình. Đêm đến hoa tỏa hương nồng nàn quá tôi đã chịu không nổi phải đem bình hoa bỏ ra ngoài trời, ban ngày lại đem vào. Ngày hôm sau nếu chưa kịp thay nước thì nhựa từ cành cây đã bốc mùi khó ngửi không sao chịu nổi.
Loại hoa glaieul thường nhìn thấy ở Việt Nam chỉ có màu cam, vàng, phổ biến nhất là màu đỏ. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy có màu trắng. Hoa to và cành dài hơn, khoảng 1 m. Còn loại hoa màu tím tôi đã mua thì ngắn hơn, chỉ chừng 40 cm một cành cắt. Lá và hoa cũng nhỏ hơn. Nhưng rất xinh!
Trong chùm hoa tôi mua có xen kẽ 1 cây màu cam nhạt, 1 cây màu đỏ. Hoa màu cam và đỏ to hơn hoa màu tím một chút. Nhưng hình như loại hoa glaieuil ngắn cành này mau tàn hơn loại glaieuil cành dài tôi vẫn mua để cúng Phật, qua tối nay hoa đã bắt đầu muốn nở hết, tôi nghi rằng có thể qua ngày thứ 3 hoa sẽ héo. Thêm nữa, cành hoa màu cam nhạt không thay đổi, nhưng cành hoa màu đỏ lại chuyển dần sang màu cam đậm.



Glaieul cành ngắn màu cam và đỏ ( Ảnh: ngdieutam )

Loài hoa glaieuil mà ta thường thấy ở Đà Lạt có tên khoa học là Gladiolus X Gandavensis Van Houte. Gladiokus communis L. ( họ Iridacaea ), có nguồn gốc từ Trung Âu, Tây Á và Nam Phi, được nhập từ Hà Lan về Việt Nam và các nhà vườn đã trồng ở Đà Lạt từ năm 1955.
Tìm xem thêm trên một số trang web của Pháp và Canada, tôi lại tìm thấy loại glaieul của họ có cánh hoa lớn hơn, lộng lẫy hơn. Nhiều người cho rằng Glaieul là "Vua của những loài hoa".
Trong trang gerbeau.com có viết:
Từng có một thời ở châu Âu, hoa glaieuil rất thịnh hành nhất là vào những năm 70, ngày nay dường như bị quên lãng!
Loại glaieul mà người ta nói đến ở đây là loại glaïeuls hybrides, được trồng vào mùa xuân và nở suốt mùa hè. Glaieuls hybrides thuộc họ Iridacaea như nhiều loại glaieul khác, ngay cả loại hiếm hoi như glaïeul de Byzance, hay glaieul de Colville hoặc glaieul nain ( loại thân lùn ). Có đến hơn 200 loại hybrides với dáng hoa đa dạng, phong phú và tinh tế, có nhiều màu sắc, từ màu trắng đến sắc tím, xanh lục biếc, có khi là màu tím thẫm gần như là đen, hoặc pha lẫn 2 sắc màu, có loại cánh hoa xoăn nhẹ. Thân Hybrides có thể cao từ 80 cm đến 150 cm. Lá mỏng và nhọn. Dễ trồng trên loại đất bình thường, thích hợp với nơi có nhiều nắng.

Glaieul Priscilla ( Source: jardindupicvert )
 
Sau đây là một số loại Glaieul thuộc chi Gladiolus x có hoa lớn. Các loại này có nguồn gốc từ Nam Phi, quần đảo Mascarene, vùng núi nhiệt đới châu Phi, châu Âu ( có 6 loài ), vùng Địa Trung Hải, Trung Đông.
Hoa rất dễ trồng, chỉ cần đất cát bình thường, nhiều mùn, và ánh nắng rực rỡ. Đào lỗ sâu chừng 8 - 10 cm để chôn củ. Thời gian từ lúc trồng đến ra hoa khoảng 3 tháng : Trồng từ tháng 3 đến tháng 6. Ra hoa từ tháng 6 đến tháng 9. Bằng cách đảo trong diện tích khu vườn trồng khoảng 10 m vuông và rắc hạt nhân giống, bạn sẽ có hoa suốt mùa hè. Ở nhà, bạn cũng có thể trồng trên sân thượng trong các chậu đất. 
Các loại hoa cánh lớn ở đây đều thích hợp với kiểu bó thành chùm ( bouquet ). 

* Glaieuls melange turc :  Họ Iridaceés, thân dài 1.2 m khi trưởng thành. Hoa rất lớn nhiều màu sắc tươi sáng, đa dạng.


Glaieuls melange turc ( Source: plantes-et-jardins )

* Glaieul macarena:
Đặc tính chung là có màu tím với những đốm trắng

Glaieul macarena

* Glaieul "Break of Dawn": ( Rạng Đông )
Hoa có 2 màu: Vàng và trắng


Glaieul "Break of Dawn"

* Glaieul "Mon Amour": ( "Tình Yêu của tôi" )
Có 3 màu: vàng, hồng và trắng


Glaieuls "Mon Amour" ( Source: jardindupicvert )

* Glaieul d'Aout: ( Hoa Tháng Tám )
Có 2 màu: trắng và đỏ

Glaieul d'Aout ( Hoa tháng Tám )

* Glaieul "Papillon en mélange": Hoa có màu sắc lung linh, chập chờn như cánh bướm pha trộn nhiều màu.


Glaieul "papillon en mélange"
 

* Glaieul aigle noir grandes fleurs ( "Đại bàng đen" ): Với sắc hoa đỏ thẫm, cánh hoa mịn màng như nhung lấp lánh kim tuyến tuyệt đẹp. Được người Hy lạp và La mã dùng nhiều, loại hoa này thực sự là một bước tiến hóa đáng kể trong nghiên cứu lai tạo hoa giống. Ngày nay người ta thường chọn hoa này làm nền trong những chùm bouquet đồ sộ.


Glaieul aigle noir grandes fleurs ( Source: unefleurunjardin )

Xem qua như vậy, bạn đã thấy glaieuls có rất nhiều loại không thể kể ra hết. Nếu thích bạn có thể tham khảo thêm ở các trang web như đã dẫn nguồn trên đây : jardindupicvert.com, gerbeau.com, plantes-et-jardins.com, unefleurunjardin.com hoặc muốn trồng loại hoa này trên mảnh đất vườn nhà tại Việt Nam, bạn xem thêm ở www.rauhoadalat.com

 * NGUYỄN DIỆU TÂM

Bài cũ hơn về Hoa:
http://ngdieutam.blogspot.com/2012/06/ve-noi-pho-nui.html
http://ngdieutam.blogspot.com/2011/07/chuyen-cua-hoa.html