Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Pháo đài đỏ Agra và Taj Mahal, ngôi đền của Tình yêu.

1- AGRA FORT, CUNG THÀNH DIỄM LỆ:


Agra Fort, được công nhận Di sản thế giới UNESCO năm 1983, còn được gọi là Lal Qila, Fort Rouge và Pháo đài đỏ của Agra, nằm cách Taj Mahal 2,5 km về phía Tây Bắc.
Pháo đài này có thể được xem như cung thành. Theo nhiều dự đoán, pháo đài bị nhà Mogul chiếm từ nhà Lodhi cuối thế kỷ 16 bởi Akbar Đại đế. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông đã dời đô của đế quốc mình từ Delhi đến Agra. Nhờ sự dời đô này mà Agra đã trở nên thịnh vượng. Akbar cho xây pháo đài bằng đá cát đỏ và cẩm thạch trắng làm trang trí.
Nhưng phải đến thời kỳ trị vì của cháu Akbar là Shah Jahan thì khu vực này mới có hình dạng như ngày nay. Shah Jahan xây đền Taj Mahal cho vợ. Không giống như ông của mình, Shah Jahan thích xây bằng đá cẩm thạch, dát bằng vàng hoặc đá bán quý. Ông đã cho phá hủy một số công trình bên trong để xây lại theo ý mình.
 
Agra Fort, pháo đài Đỏ. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm


Diwan-e-Khas, Agra Fort. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Muasamman Burj, tòa tháp bên trái là nơi Shah Jahan bị giam giữ lúc cuối đời.


Vào lúc cuối đời, Shah Jahan bị con trai là Aurangzeb tống giam vào tù bên trong pháo đài một hình phạt có lẽ không khắc nghiệt lắm vì pháo đài này rất xa hoa. Người ta đồn rằng Shah Jahan qua đời ở Muasamman Burj, một ngôi tháp với các ban-công bằng cẩm thạch với tầm nhìn tuyệt vời ra Taj Mahal.
Pháo đài rộng 380.000 mét vuông (94 acre) theo một sơ đồ hình bán nguyệt, nằm song song với dòng sông, và các bức tường của nó cao đến 70 feet (2.13m). Các bức tường thành đôi có các đồn lũy tròn lớn xen kẽ giữa các khoảng cách, với các bức tường có lỗ châu mai. Có bốn cổng được bố trí ở bốn bên, cổng Khizri mở ra phía sông.
Hai trong số các cổng của pháo đài là đáng chú ý: "Cổng Delhi" và "Cổng Lahore". Cổng Lahore còn được gọi là "Cổng Amar Singh" dành cho Amar Singh Rathore (một nhà quý tộc Rajput, cận thần của hoàng đế Shah Jahan)



Cổng Delhi đặc biệt rất to lớn, đối mặt với thành phố ở phía tây của pháo đài, được coi là lớn nhất trong bốn cổng một kiệt tác vào thời hoàng đế Akbar thế kỷ 17,  được xây dựng khoảng năm 1568 để tăng cường an ninh và là cổng chính thức của nhà vua, và bao gồm các đặc trưng liên quan đến cả hai. Cổng này được tôn tạo bằng đá cẩm thạch trắng. Một cây cầu bằng gỗ đã được sử dụng để vượt qua con hào và đến cổng từ lục địa; bên trong một cửa ngõ gọi là Hathi Pol ("Cổng Voi") - được bảo vệ bởi hai con voi đá có người cưỡi to lớn như thật - thêm một lớp an ninh nữa. Cây cầu cuốn, có thể xoay 90 độ giữa các cổng bên trong làm cho kín lối vào không xâm nhập được. Trong một cuộc vây hãm, kẻ tấn công sẽ dùng voi để đè bẹp cổng của pháo đài. Nếu không có một cấp độ, chạy thẳng để thu thập tốc độ, tuy nhiên, một cái gì đó ngăn cản bằng cách bố trí này, voi không hiệu quả.


Hiện nay quân đội Ấn Độ (Lữ đoàn dù đặc biệt) vẫn đang sử dụng phần phía bắc của Pháo đài Agra, cổng Delhi không được sử dụng cho công chúng. Khách du lịch vào tham quan Agra Fort qua Cổng Amar Singh.
Agra Fort là nơi rất quan trọng trong lịch sử kiến ​​trúc. Abul Fazal ghi lại có 500 tòa nhà theo thiết kế đẹp của Bengal và Gujarat được xây dựng trong pháo đài. Một số trong đó đã bị phá hủy bởi Shah Jahan để nhường chỗ cho cung điện bằng đá cẩm thạch trắng của ông ta. Hầu hết những dinh thự khác đã bị phá hủy bởi người Anh giữa năm 1803 và năm 1862 để tăng diện tích cho doanh trại. Gần 30 dinh thự Mughal vẫn còn ở phía đông nam, nhìn ra hướng sông. Trong số đó, cổng Delhi và cổng Akbar và một cung điện - "Bengal Mahal" - là những dinh thự tiêu biểu của Akbari.
Akbar Darwazza (Akbar Gate) được người Anh đặt tên là Amar Singh Gate. Cổng này có thiết kế tương tự như cổng Delhi. Cả hai đều được xây bằng đá sa thạch đỏ.
Bengal Mahal được xây bằng đá sa thạch đỏ và bây giờ được chia thành Akbari Mahal và Jahangiri Mahal.


Đền Taj Mahal trong nắng chiều, nhìn từ thành cổ Agra. Ảnh: NDT

2- TAJ MAHAL, NGÔI ĐỀN CỦA TÌNH YÊU VĨNH CỬU:
Taj Mahal, một lăng mộ nằm về phía Nam thành phố cổ Agra, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi 200 km. Agra vốn là thủ phủ của những hoàng đế Hồi giáo (Mughal) thống trị miền Bắc Ấn Độ từ thế kỷ 16 đến 19.
Hoàng đế Mughal Shāh Jahān (gốc Ba Tư, lên ngôi năm 1627); trong tiếng Ba Tư Shah Jahan có nghĩa là "chúa tể thế giới" đã ra lệnh xây ngôi đền này cho người vợ yêu dấu của mình là Mumtaz Mahal khi bà qua đời. Ngôi đền có chiều cao 73 m (240 ft). Công việc xây dựng kéo dài gần 22 năm ròng, bắt đầu từ 1631 và hoàn thành năm 1653.
Taj Mahal là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Mughal, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách Kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Hồi giáo, được nằm trong danh sách các Địa điểm Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1983 và được miêu tả là một "kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới".

Đền Taj Mahal trong sương mai. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm


Việc xây dựng Taj Mahal đã bắt đầu tại Agra ngay sau cái chết của Hoàng hậu Mumtaz vào năm 1632. Lăng chính được hoàn thành năm 1648, và các công trình xung quanh cùng vườn cây hoàn thành 5 năm sau đó.
Điểm nhấn của Taj Mahal là lăng mộ đá cẩm thạch trắng. Giống như hầu hết lăng mộ Mughal khác, các yếu tố căn bản đều có nguồn gốc Ba Tư: một tòa nhà đối xứng với iwan, một ô cửa hình vòm, trên đỉnh là một vòm lớn. Đỉnh vòm được trang trí một bông hoa sen nhấn mạnh chiều cao. Đỉnh cao nhất là một hình chạm đầu mái mạ vàng, theo phong cách pha trộn Ba Tư truyền thống và các yếu tố Hindu.
Tại mỗi góc của mặt nền lăng mộ là các ngọn tháp theo kiểu giáo đường Hồi giáo: bốn ngọn tháp lớn cao hơn 40m.



Các trang trí bên ngoài đền Taj Mahal được đánh giá là những trang trí đẹp nhất thời vương triều Mughal. Một chi tiết trang trí nổi bật chính là các dòng chữ pishtaq nổi tiếng được viết bằng sơn, hoặc bằng vữa, hoặc bằng đá khảm hoặc đơn giản hơn là chạm khắc thẳng vào vách tường.
Nội thất bên trong lăng Taj Mahal đã vượt ra khỏi những yếu tố trang trí truyền thống, là những bức tranh chạm khắc. Vật liệu trang trí trên bề mặt là đá quý hay đá bán quý. Mỗi chi tiết trang trí ngoại thất của hầm mộ đều được đánh giá với nghệ thuật kim hoàn.
Vật liệu xây dựng Taj Mahal được lấy từ nhiều nơi trên khắp Ấn Độ và châu Á và có hơn 1000 con voi được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng. Đá cẩm thạch trắng mờ được mua từ Makrana, Rajasthan, jasper từ Punjab, jade và pha lê từ Trung Quốc. Turquoise từ Tây Tạng và Lapis lazuli từ Afghanistan, trong khi sapphire từ Sri Lanka và carnelian từ Ả Rập. Tổng cộng có 28 loại đá quý và bán quý được khảm vào đá cẩm thạch trắng.

Cổng vào đền Taj Mahal. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Việc xây dựng Taj Mahal đã được giao phó cho một hội đồng quản trị của kiến trúc sư dưới sự giám sát của triều đình. 20.000 lao động được sử dụng từ khắp miền bắc Ấn Độ. Các nhà điêu khắc từ Bukhara, nhà thư pháp từ Syria và Ba Tư, người xếp lớp đá từ miền nam Ấn Độ, người cắt đá từ Baluchistan, một chuyên gia trong việc xây dựng tháp pháo, một người chỉ chuyên khắc hoa trên đá cẩm thạch, trong tổng số 37 người tạo ra tuyệt tác này.
(Trích dịch từ nguồn wikipedia.en)
Photos by Dieu Tam Nguyen
2.2018

Hành trình đến với đất nước Chùa Tháp Myanmar

Cùng với nhóm từ thiện Hiểu & Thương, nhóm các sư cô Bến Tre, Chung Tay Vì Cộng Đồng (CTVCĐ) và một số tình nguyện viên, chúng tôi lên đường đi Myanmar từ ngày 17/10 - 27/10/2017.
Ngày thứ nhất khi vừa đến Myanmar, sư Phước Vương của Thiền viện Panditarama, sư Kim của Chùa Đại Phước đã đón chúng tôi tại phi trường Yangon. Rời phi trường, đoàn chúng tôi đi ngay đến các điểm trong chương trình:
1- Nghiệm thu xây dựng giếng, 8 nhà vệ sinh, 1 nhà nội trú ở trường làng Ywar TawGone. Phát 200 phần quà cho học sinh và 160 phần quà cho hộ nghèo trong làng.
2- Nghiệm thu xây dựng giếng, phát 120 phần quà cho học sinh trường tiểu học và một số hộ nghèo ở làng Impha.
Có một nhà sư đến từ Nepal đã đi cùng đoàn chúng tôi đến các điểm trường này, là 2 trong số 27 trường mà sư đã dạy thiền cho học sinh tại Myanmar. Mỗi buổi sáng trước khi vào giờ học, các em sẽ tọa thiền 20 phút.



Đầu tiên chúng tôi đến YwarTawGone village - Trường làng Ywar TawGone post primary school. Từ đầu làng đã thấy dân làng và học sinh đứng xếp hai hàng dài thăm thẳm đón tiếp đoàn chúng tôi. Họ đã chờ khá lâu, cũng phải hơn tiếng đồng hồ trong lúc chúng tôi di chuyển từ sân bay về đây. Thật cảm động khi chứng kiến sự tiếp đón với tất cả lòng biết ơn của họ đối với đoàn từ thiện đến từ đất nước VN xa xôi. Ngôi trường do chính phủ Myanmar xây dựng đã được 35 năm. Hiện có 200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Các em được học miễn phí. Trường có 9 giáo viên, đa số là nữ. Mức lương giáo viên 50.600 MMKyats (# 850.000 đồng VN)/ tháng. Nhóm xây được 8 nhà vệ sinh, 1 giếng và 2 phòng nội trú cho giáo viên nữ ở xa đến (trước đây các cô ở trong các nhà dân điều kiện rất thiếu thốn). Chương trình còn dự định xây thêm 4 lớp học nhưng vì trường chưa có đất nên còn chờ. Do kinh phí cũng eo hẹp nên khi xây dựng những công trình này, dân làng đã góp sức với nhà trường cùng làm.




Trên con đường đất đầy bùn sình đi vào những ngôi làng xa xôi, trong cơn mưa chiều dai dẳng, chúng tôi phải chuyển từ xe lớn đến xe tải chở hàng loại nhỏ đi tiếp đến ngôi trường thứ 2 là Impha Village Basic education primary School cách Bago (thủ phủ của the Bago region in Myanmar) 50 miles, cách Yangon 57 miles (91 km) về phía Đông Bắc.
Ngày thứ hai, chúng tôi thức dậy sớm từ 3 g sáng để chuẩn bị đến Thiền viện Panditarama dự lễ sớt bát. Đoàn cúng dường lễ sớt bát 1.000 phần quà và cúng dường trai tăng 130 vị.


Chúng tôi cũng được diện kiến chiêm bái Ngài Thiền sư Pandita Sayādaw tại Thiền viện ở Yangon.
Ngày 21/10 là đại lễ dâng y Kathina cả ngàn tăng ni tại Thiền viện Panditarama.
Những ngày tiếp theo, đoàn đi tham quan một số chùa nổi tiếng ở Yangon như chùa Shwe Daw (nơi lưu giữ xá lợi răng của đức Phật), Hòn đá Thiêng (Golden Rock), chùa Vàng Schwedagon (nơi lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng của Phật là: cây gậy, cái lọc nước, mảnh áo và 8 sợi tóc).
Sau 2 ngày tham quan, tôi và nhóm bạn về Đại Phước, ngôi chùa đầu tiên của VN tại Myanmar. Số còn lại gần 20 người đi về trường Thiền tu tập.
Ngày 23/10 có một nhóm đi về VN trước, nhóm còn lại vào Thiền lâm Panditarama cho đến ngày 27/10 (dành cho các Thiền sinh tu tập hành thiền và xuất gia gieo duyên). Theo chương trình, nơi đây thiền sinh sẽ tọa thiền liên tục từ 3:30 am đến 9:00 pm, trừ lúc nghỉ ăn trưa (1 tiếng từ 10:30-11:30 am) và nghỉ giải lao từ 5:00 - 6:00 pm vào buổi chiều. Sau 9:00 pm là tọa thiền và thiền hành tại cốc riêng. Mỗi thời thiền hay pháp thoại là một giờ đồng hồ và nghỉ giữa 2 thời chỉ từ 5 đến 15 phút.
Thiền viện Panditarāma do Thiền sư Pandita Sayādaw làm thiền chủ, tuổi trên 80. Ngài đã từng làm thiền chủ và trú trì tại trường thiền Mahāsi Yeitha một thời gian, sau khi Ngài Mahāsi Sayādaw viên tịch. Thiền sư cũng từng đi nhiều nước Phương Tây để tổ chức các khoá thiền tập từ năm 1951, và được rất nhiều thiền sinh ngoại quốc cũng như trong nước kính ngưỡng và đến tận đây tu tập hành thiền.
Cơ sở chính của trường Thiền nằm tại Yangon, thủ đô trước đây của Myanmar. Cơ sở II trong rừng (Thiền lâm Panditarama), cách Yangon khá xa, diện tích rất lớn, khoảng 100 hecta đất rừng. Thiền đường có hai tầng khá rộng, phía trên dành cho chư Tăng và cư sĩ nam, phía dưới dành cho chư Ni và cư sĩ nữ. Cốc am và các công trình phụ đang được xây dựng thêm.






Chỉ hơn một tuần lễ tại Myanmar, vẫn chưa đủ vào đâu để hiểu về đất nước chùa tháp xinh đẹp này. Trong các làng mạc truyền thống ở Myanmar, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu trong một khoảng thời gian ngắn. Có hàng vạn ngôi chùa, đền, tháp và những huyền thoại, câu chuyện kỳ bí từ đó rải rác khắp nơi trên đất nước Myanmar. Nhiều nhất là ở thành phố Bagan với hơn 4.000 ngôi đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40 km2. Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ nguyên Bagan (thế kỷ 11). Cả nước có khoảng 500.000 vị tăng ni và khoảng 90% là tín đồ Phật giáo. Trong mùa lễ dâng y Kathina, từ sáng đến tối đi đâu ta cũng có thể nghe tiếng đọc kinh thoảng theo hương gió đưa về. Dọc theo nhiều con đường, ngoài từng nhóm tu sĩ ôm bình bát đi khất thực, còn có nhiều người dân ôm bát đứng chờ bên đường trong tiếng trống chuông rộn rã. Cúng dường tài hay thực đều là hành động tạo phước báu cho mỗi con người. Tín ngưỡng đã ảnh hưởng đến tâm hồn và tính cách họ từ lúc sinh ra, người Myanmar vốn hiền lành và thật thà, ngay cả khi vào trong những khu chợ mua bán ta cũng có thể dễ dàng nhận ra. 

Bạn có thể xem thêm các trang webs của Thiền viện Panditarama:
http\://web.ukonline.co.uk/buddhism/pandita.htm
http\://www.panditarama.org/

Bài và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
Myanmar, mùa thu 2017