Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Lang thang xuân Huế nhặt cánh sầu đông

Qua rằm tháng giêng, tôi lại trở về Huế. Có một cái duyên gì mà từ 5 năm nay, năm nào tôi cũng có dịp trở về và mỗi lần về đều có những khám phá bất ngờ thú vị. Chỉ khác với những lần trước tôi thường về vào mùa thu thì năm nay lại trong tháng giêng, khi mùa xuân vẫn chưa qua. Và lần này, tôi cùng về với một cô bạn Huế để dự đám cưới người cháu của bạn. Chúng tôi ở trong một ngôi nhà vườn gần khu phố cổ Gia Hội. Thời tiết ấm áp, về đêm có gió hơi lạnh thật dễ chịu. Mùi khói nhang thơm đâu đó thoang thoảng từ những ngôi miếu bên đường. Những khu vườn Huế vẫn còn ngan ngát hương Xuân. Những chậu mai và đào đã nở bung vào dịp Tết đến giờ vẫn còn vương vấn vài cánh trên cành. Trong các hồ ao hoa súng nở rộ. Và đẹp nhất, dịu dàng nhất là những hàng cây sầu đông trổ bông bên sông Hương đã làm tôi ngẩn ngơ. Hình như tôi chưa bao giờ được nhìn thấy hoa sầu đông nở, hay đã từng thấy lúc còn nhỏ nhưng chỉ quan tâm đến hoa phượng đỏ ở sân trường, và hoa đỗ mai trong sân nhà?

Cồn Hến nhìn từ phía tả ngạn sông Hương
 Bắt đầu từ buổi sớm mai khi mặt trời sắp mọc. Trong lúc chờ bạn ghé thăm nhà một người quen, tôi thả bộ từ chân cầu Đông Ba đi về phía con đường mang tên Trịnh Công Sơn nằm ven theo bờ tả ngạn sông Hương nhưng tôi chưa có dịp đi đến con đường này từ ngày con đường mới được đặt theo tên người nhạc sĩ của Diễm Xưa, của Rừng Xưa Đã khép, Gọi tên bốn mùa, Hạ trắng, Chiếc Lá thu phai .. và hàng trăm bài hát khác mà hầu như vào thời học sinh của chúng tôi, đa số ai cũng biết và thuộc nhiều bài, đặc biệt là ở Huế. 
Sương mù vẫn chưa tan trên sông. Mặt trời cứ ẩn rồi hiện sau đám mây mù. Trước mắt tôi là một quang cảnh êm đềm và thơ mộng. Dòng sông lặng lẽ trôi. Đâu đó từ một quán cà phê nhỏ bên đường vang lên tiếng hát Khánh Ly. Tôi nhìn qua bên kia sông, nơi có con thuyền đang neo chờ khách qua sông và hàng cây sầu đông đang thả những nhánh đầy hoa tim tím là đà trên mặt nước. Bất chợt muốn đi qua. Tôi muốn biết bên kia là nơi đâu, và có gì bên ấy. Có một vài người đang chờ bên này sông như tôi. Một người bảo tôi: "Bên kia là cồn Hến đó chị ạ!" À, giờ tôi mới biết. Ngày hôm qua ông anh rể cô bạn đã nói với tôi" "Muốn ngắm hoa sầu đông thì các em nên đi qua cồn Hến!" Nhìn từ xa, sao cồn Hến nên thơ đến thế! Có phải vì hơi nước trên mặt sông lẫn trong màn sương sớm chưa tan, hay nhờ hàng cây sầu đông hoa ngan ngát rụng xuống đầy một khoảng sông, và cả cái bến nước đơn sơ, chiếc thuyền đang trôi lặng lẽ?

Chuyến đò qua cồn Hến
Khi thuyền cập bến, một người phụ nữ quảy gánh lên bờ. Một gánh đầy món đặc sản của Huế: bánh bèo, bánh nậm và bánh bột lọc. Rồi lại có một cô gái trẻ khác đang quảy gánh xuống thuyền. Lúc đó thì cô bạn tôi vừa quay lại. Khi tôi nói muốn qua bên kia sông, cô bạn đồng ý vì xa Huế đã lâu, cô cũng chẳng biết có cái gì bên ấy. Và chúng tôi bước xuống theo cô gái quảy gánh. Khi thuyền bắt đầu chạy, bạn tôi nhìn vào cái gánh hàng của cô gái và hỏi: "Bán cái chi rứa?" Cô gái cười, hàm răng trắng đều trông thật xinh: "Cơm hến chị ơi!" Cô bạn tôi lại hỏi: "Rứa còn cơm hến không? Bán không?" Cô gái trả lời: "Không, hết rồi. Em gánh qua Phú Cát giao hàng cho người ta bán ăn sáng, hết rồi em gánh về". Cô bạn tinh nghịch bảo tôi qua ngồi bên gánh cơm hến để chụp tấm hình. Rồi đến phiên cô. Cô gái lại cười, giọng Huế ngọt lịm: "Bán cơm hến mà đeo kính mát mà mặc đồ như ri hỉ?" Trong thuyền có mấy người khách cũng là đàn bà cùng cười. Một người nói: "Nì, có chụp thì chụp ôn lái đò quảng cáo cho ôn hỉ?" Tôi đưa máy lên. Anh lái đò ngồi trong góc đò nơi đùm đụp những vạt giấy và bạt cũ ngang dọc che nắng mưa nhoẻn miệng cười hiền lành để "lên hình cho đẹp". Chuyện trò một lát, tôi hiểu ra chiếc đò ngang này cứ liên tục đi qua đi lại trong ngày chở khách qua sông và khách hàng thường xuyên nhất là những người phụ nữ bán hàng. Chiếc đò nhỏ chỉ có thể chở dăm ba người. Mà một người thì đò cũng đi. Mỗi lượt đi là 6.000 đồng. Trước câu chuyện nhỏ và những nụ cười hồn nhiên thân tình giữa những con người ngồi chung trong một khoang đò thế này, tôi thấy vui vui. Một cảm giác thật lạ khi nghĩ mình đang đến một nơi bất ngờ, một nơi chưa biết chỉ vì ... những nhánh hoa sầu đông! Con thuyền lướt nhanh trên sóng nước. Nhìn ra cảnh hai bên sông yên ắng lặng lẽ lạ thường, chỉ có tiếng chèo khua. Hương hoa sầu đông thoảng đến trong gió. Mùi hoa sầu đông không thơm, lại hơi hăng hắc, nhưng khi thuyền đến gần bờ, từ trên cành cao những cánh hoa như những ngôi sao tim tím rơi rào rào xuống mặt nước, sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền đón những cánh hoa rơi, tôi thấy đẹp và thích lạ lùng!

Hoa sầu đông rụng trên sông
Chúng tôi lên bờ. Tôi dặn anh lái đò là chúng tôi đi dạo trên cồn rồi sẽ trở về cũng bằng con đò của anh.
Trời mát, hay vì những lùm tre che ngang dọc trên những con đường nhỏ tạo bóng mát. Có tiếng chim hót đâu đó trong những lùm cây. Một ngôi đình nằm ngay bên góc con đường ven sông khi chúng tôi vừa bước lên từ bến nước, chắc hẳn đã có từ lâu, khi cồn Hến mới được thành hình. Trong sân đình có những cội sầu đông già cỗi, cao và xum xuê, thân to, tàng rộng và hoa nở bung trĩu cả cây. Những con hẻm nhỏ vắng lặng, thỉnh thoảng có một vài  người đàn bà tất tả cắp nón ra sông, một chị bán đậu hủ với quang gánh oằn hai bên vai lầm lũi đi giữa nắng trưa, vài con gà xao xác trên lá khô. Loanh quanh trong những con hẻm cũng có rất nhiều cây sầu đông. Gió thổi, hoa rơi xuống rào rào như mưa.
Chúng tôi cứ thả bộ thong dong như thế khắp cồn. Khác với bên kia sông nơi trung tâm là cảnh phố thị tấp nập mua bán rộn ràng giữa ban ngày, những ngôi nhà khang trang và những khu vườn Huế được chăm sóc đẹp đẽ, thì xóm cồn như một thế giới khác vẫn còn nghèo nàn, hoang sơ và cổ kính với ngôi đình và vài nhà thờ họ, tường gạch đổ nát phủ rêu xanh, với những mua bán nhỏ và cuộc sống đơn sơ đạm bạc kiểu làng quê. Dưới lũy tre xanh có 3 chú bé chừng 5 đến 8 tuổi đang ngồi tụm đầu ăn mì bên một quán nhỏ ven đường. Cái quán nằm ngay trước hiên nhà, ngang chừng 2 m, sâu chỉ chừng 1 m chất đầy những chai nước ngọt, vài bịch bánh. Chú bé lớn nhất thấy chúng tôi đi đến, biết khách phương xa nên đon đả chào mời khách ghé lại. Tôi hỏi: "Giờ này các con ăn mì à, sao không ăn cơm?" Chú bé trả lời: "Hôm nay dì con bệnh, nên không nấu cơm". Hỏi vậy ai bán quán. Cậu bé chỉ tay vào mình và nói: "Con bán. Dì uống cà phê hí?" Tôi lại hỏi: "Con biết pha cà phê à? Pha ra làm sao?" - "Dạ, dễ lắm mệ ơi. Con đổ cà phê vô ca, rồi cho đường, chế nước sôi quậy lên"! Hai chú bé kia thì lăng xăng đòi bạn tôi chụp hình. Khi chúng tôi đi tiếp, chú bé lớn nhất nói theo: "Biết chỗ ni rồi, mai mốt mệ ghé nữa hỉ?" Tôi nói với cô bạn: "Thật dễ thương và hiếu khách!"

Những "chủ nhân" nhí một quán cà phê trên cồn Hến

Chẳng mấy chốc mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Xóm nhỏ vẫn vắng. Đã có tiếng gà gáy trưa. Đi ngang qua một hẻm nhỏ nhìn vào thấy có vài cây hoa vải đính trên những chùm tre cao chừng hơn 1.5 m, tôi tò mò nghĩ chắc là những cây hoa trang trí còn lại sau Tết. Một người đàn ông chạy xe đạp vọt ra từ hẻm. Tôi hỏi và anh trả lời: "À nhà tôi làm đó. Đây là những "cây cổ thụ ngàn năm", bán cho người dùng dâng cúng tạ ơn ở đền Thánh mẫu". Ai đã đến Huế rồi thì biết, có lẽ rất khác với nhiều thành phố ở miền Trung và Nam, khắp thành phố đâu đâu cũng nhìn thấy cảnh cúng bái rất sùng kính. Từ những cây đa cổ thụ trên các con đường lớn ngay trung tâm thành phố, đã dễ dàng nhìn thấy những am nhỏ nghi ngút khói hương nằm ngay trên chảng ba cây. Rồi từng ngôi nhà, hầu như nhà nào cũng có 2 bàn thờ trước nhà, phía gần cổng. Thoạt tiên tôi liên tưởng đến cảnh bên Campuchia khi vừa qua cửa khẩu Mộc Bài đã thấy nhà nào cũng có một bàn thờ thiên trước nhà, kiểu bàn thờ có nóc cong cầu kỳ như những ngôi tháp. Ở Huế cũng vậy, bàn thờ thiên khá long trọng, lúc nào cũng chưng bày hoa quả nhang đèn, đa phần không chỉ một mà là hai bàn thờ luôn gần bên nhau. Tôi hơi thắc mắc không biết đó có phải là bàn thờ thiên, mà tại sao lại 2 cái, nhưng không tiện hỏi. Một điểm nữa mà khi đi quanh cồn Hến này tôi cũng nhận ra ngay ở thành phố Huế, nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ bức bình phong chắn trước cổng, có đắp nổi trang trí, và hầu như luôn đắp chữ Phúc. Chữ Phúc này không chỉ có trước nhà ở, mà trong những khu nghĩa trang, cũng thấy được gắn ở những ngôi mộ.

Một con hẻm nhỏ và những "Cây cổ thụ ngàn năm"

Đi hết con đường chính từ bến nước vào sâu trong cồn chúng tôi gặp cầu Phú Lưu, nối hai bờ cồn Hến và Vỹ Dạ. Một người đàn bà bán rau quả đang ngồi ngay trên cầu, một phụ nữ dừng xe gắn máy lại cũng ngay giữa cầu và cuộc mua bán chóng vánh khi có nhiều người đi bộ qua cầu. Tôi lại nghĩ, dường như người dân ở đây vẫn còn thật hồn nhiên!
Dưới chân cầu, rẽ về tay phải có nhiều hàng quán bán đặc sản của cồn Hến như cơm Hến, bún Hến, cháo Hến, chè bắp... Bắp cồn Hến rất dẻo và ngọt. Bạn và tôi ăn mỗi người một trái bắp luộc, rồi một chén chè bắp đá lạnh trong một quán nằm đầu hẻm. Phía ngoài đường là một ngôi trường tiểu học, những cô cậu bé học trò đang chuẩn bị vào lớp chiều còn lảng vảng bên các gánh hàng rong trước cổng trường. Ngôi trường có sân rộng, có những cây đa cổ thụ to. Tôi rất thích nhìn cảnh vào lớp khi tiếng trống trường vang lên đã lâu lắm rồi không được thấy. Giờ đây những hình ảnh, âm thanh này cho tôi cảm giác như mình đang ở trong một trang sách giáo khoa ngày nào có bài tập đọc về "trường làng em".


Bên gánh cơm hến xứ Huế

Tôi đã nghe kể rằng cồn Hến nổi tiếng vì đó là "cồn của loài Hến". Nhìn từ phía thượng nguồn sông Hương, cồn Hến nổi lên có hình như trái tim màu xanh lá được sông Hương êm đềm bao bọc tứ bề. Nơi đây bốn mùa cây cối xanh tốt, khí hậu mát mẻ và loại hến ở đây dường như khai thác hoài không bao giờ hết, lại ngon ngọt đặc biệt hơn bất kỳ loại hến nào ở các vùng khác quanh sông Hương. Hến có thể chế biến thành nhiều món như cơm hến, bún hến, cháo hến, hến xúc bánh tráng, hến xào. Thịt hến xào nêm thêm gia vị ruốc, tương ớt, tiêu, tỏi, gừng, nước mắm, muối, mè, đậu phụng rang... Để có một tô cơm hến hoặc bún hến thật ngon, đúng kiểu Huế tôi nghe các bà kể rất công phu, nguyên liệu có thể lên đến 14 thứ. Ngoài ra, cồn Hến còn trồng được loại bắp ngon, hạt to đều tăm tắp, dẻo mềm, ngon ngọt có vị thơm đặc biệt. Ngày xưa vào dịp lễ tết, người dân Cồn Hến thường dâng lên vua chúa hai món đặc sản được xem như sơn hào hải vị là hến và bắp, tương truyền đây chính là 2 món ăn mà xưa kia từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát có đôi vợ chồng khi đến khai hoang ở vùng đất này đã làm ra. Phía thượng nguồn sông Hương lại có thêm một cái cồn nữa là cồn Dã Viên. Xưa nay cồn Hến được xem như là hữu Thanh Long, và cồn Dã Viên là tả Bạch hổ tượng trưng cho hai linh vật trấn yểm hai đầu đoạn sông, chầu hai bên cửa kinh thành Ngọ Môn nhằm củng cố vương quyền thời các chúa Nguyễn. Cồn được phù sa bồi lấp ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vỹ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Lúc mới khai sinh có tên là Cồn Soi, hay xứ cồn cạn, nằm trong 3 địa thế là Gian Hến ( đất lâu năm có đền chùa ), Trung gian ( đất ngụ cư ), và Bồi thành. Hằng năm bên phường Gian Hến, ngày nay thuộc Vỹ Dạ, nằm cách cồn Hến chỉ một chiếc cầu, vào ngày 24 tháng 6 âm lịch còn tổ chức lễ rước Hến theo phong tục xưa.
 
Một ngôi nhà theo lối kiến trúc xưa với tấm chắn có đắp nổi chữ Phúc

Trở lại với những cánh hoa sầu đông, trong lúc đi dạo quanh cồn hoa từ trên cao vẫn rơi xuống đất, vương trên vai tôi rất nhiều. Đi dọc theo bờ sông từ ngõ ngách nào cũng có thể nhìn thấy cảnh sông Hương thơ mộng với dòng nước trong xanh, những lùm tre rũ nhánh đong đưa lẫn trong những nhành hoa sầu đông ngan ngát. Tôi cũng thích những bến nước, khắp cồn hầu như chỉ chừng một khoảng cách không xa là có một cái bến đò. Đa số dân xóm cồn sống bằng nghề soi cá đêm, cào hến, bắt hến. Cồn lại nằm chơi vơi giữa sông nên phải có ghe thuyền làm phương tiện qua lại bên thành làm sao mà không có nhiều bến nước. Những cái bến nước ấy có lẽ không chỉ là nơi cho thuyền đò cập bến mà còn là nơi phụ nữ trong làng ra giặt giũ chuyện trò. Tôi tự hỏi ngày ấy đã có cây sầu đông chưa nhỉ? Mà có lẽ cũng ít ai biết cây sầu đông được trồng nơi đây từ bao giờ. Tôi cũng mới biết rằng sầu đông còn được gọi là hoa xoan. Đúng như ông anh rể của bạn tôi đã nói "Vào mùa này đến cồn Hến là ngắm cây sầu đông trổ bông". Xem như lần này lang thang xứ Huế tôi đã được no mắt vì hoa sầu đông. Những cánh hoa tim tím 5 cánh bay như mưa hoa rơi từ trên trời xuống, thật thơ và thật đẹp. 

Hoa sầu đông nở bên sông Hương nhìn từ cồn Hến
Những cánh hoa sầu đông rơi xuống sân đình


Tôi nghĩ rằng cồn Hến sẽ làm bạn ngẩn ngơ, không chỉ vì khung cảnh sông Hương êm đềm, những bến nước hữu tình, hoa sầu đông thơ mộng, cảnh làng quê đơn sơ mộc mạc, tô cơm hến thơm phức hay chén chè bắp ngọt lịm, mà bạn cũng sẽ ấm áp với những nụ cười, sự cởi mở thân tình của người dân xóm Cồn.
Chỉ có một lo lắng khi tôi cũng nghe đâu đó, sẽ có một ngày xóm Cồn bị giải tỏa cho một dự án mới nào đó dành cho du lịch. Đành an ủi, thôi thì hôm nay ta có thể tận hưởng những gì đang có thì hãy vui với điều đó, tôi thích những nhánh hoa sầu đông, và tôi đang đi nhặt cả những cánh hoa rụng bên sông.


Tháng 3-2015
Nguyễn Diệu Tâm

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

CỔNG LÀNG XƯA

Tôi đã nhìn thấy một cái cổng làng xưa ở Kim Long trên đường vào một khu nhà vườn ăn bánh bèo nậm lọc xứ Huế quán O Lé. Cổng bằng gạch đã quá cũ, xiêu vẹo và nhiều chỗ bể nát. Trên cổng có những chữ Hán đắp nổi mờ mờ, không rõ ngày xưa tên làng là gì. Từ địa chỉ của quán cũng không thấy tên đường, chỉ là một cái "kiệt" thuộc đường Kim Long. Nhưng cái cổng làng xưa này lại làm cho tôi bâng khuâng muốn hiểu thêm về nó.

Cổng làng cổ trong một kiệt khu nhà vườn Kim Long, Huế.
Đường vào nhà vườn Kim Long, Huế

Những vườn rau Kim Long cung cấp rau ngon cho cả thành phố Huế.
Quán bánh bèo - nậm - lọc O Lé nhìn về phía cổng làng

Và tôi tìm được một bài viết về cái cổng làng. Xin chia sẻ cùng các bạn.
Theo bài viết, "hiện nay, các làng quê Việt Nam và các làng xã ngoại ô thành phố đang nở rộ phong trào phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống".
"Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Ở các vùng quê xưa đồng bằng Bắc Bộ, cùng với sự phát triển của dân cư, làng được xây dựng theo một cấu trúc chặt chẽ với lũy tre và lạch nước, ao sâu bao bọc quanh làng.Có thể ban đầu cổng làng chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng bền vững bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến ở nông thôn ta như đá ong, gạch ngói, vôi vữa…
Qua tìm hiểu, phần lớn cổng làng truyền thống ở vùng Hà Tây được xây dựng ở thời Nguyễn thế kỷ XIX đến 1945. Song cũng có nhiều cổng được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII, như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm-Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai.
Về kiến trúc, cổng làng truyền thống là những công trình kiến trúc cổ, có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa. Thông thường, cổng làng có 4 mảng kiến trúc nhưng không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa.

Cổng làng Đường Lâm - Sơn Tây, Bắc Việt Nam

Vòm cổng thường xây cuốn hình vòm parabol. Tuỳ theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều phải hài hòa đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả làng".
Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên hai trụ thường đắp nổi câu đối. Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng, trang trí đắp nổi những chữ đại tự là tên của làng, hoặc các cụm chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng.
Phần trên cùng là mái lợp. Mái cổng xưa thường lợp ngói che chắn cho cổng và che mưa cho người qua cổng. Nhiều nơi có cổng làng lớn như Uớc Lễ (Thanh Oai), Thượng Hội (Đan Phượng), Tảo Khê (Ứng Hoà)… trên cổng còn có Vọng lâu với 2, 3 lớp mái, mỗi góc mái đều có đầu đao, dáng dấp như những ngôi đình chùa cổ.
Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.
Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, luỹ tre xanh trở thành những chiến luỹ. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước:
“Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi…”
(Thơ Bàng Bá Lân)
Trích nguồn:
http://danviet.vn/net-viet/cong-lang-hon-viet-xua-nay-vuong-van-86108.html
* Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Tháng 3-2015

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

BLUE MOUNTAINS VÀ NGỌN NÚI BA CHỊ EM


Blue Mountains là vùng núi thuộc tiểu bang New South Wales nước Úc, bao gồm những thành phố Blue Mountains, Hawkesbury, Lightgrow va Oberon Shire.
Ở vùng rừng núi bao la này, có ngọn núi Ba Chị Em ( the Three Sisters ) là cảnh quan kỳ diệu nhất, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan hàng năm.
Theo một truyền thuyết của thổ dân cư ngụ tại nơi đây, ngọn núi Ba Chị Em The Three Sisters là một ngọn núi đá được thành lập khác thường.
The Three Sisters thay đổi trong ngày và qua các mùa trong năm vì ánh nắng chiếu qua từng thời điểm đã đem đến cho ngọn núi đá này những sắc màu kỳ diệu.
Mỗi ngọn núi trong cụm the Three Sisters cao 922-918-906 mét, cách mặt biển khoảng 3.000 feet.


Rặng núi Blue Mountains
 
Cũng theo một chuyện truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa có 3 chị em tên là Menhi, Wimlah và Gunnedo, sống ở vùng thung lũng Jamison Valley thuộc bộ lạc Katoomba. Những cô gái xinh đẹp này đã đem lòng yêu thương 3 anh em từ Bộ lạc Nepean nhưng luật cảa bộ lạc không cho phép họ lấy nhau. Các chàng trai đau khổ không chấp nhận luật và quyết định bắt luôn Ba chị em, gây nên chiến tranh giữa hai Bộ lạc.
Người cha của Ba chị em là một thầy thuốc có phép thuật tên là Tyawan. Từ xa xưa tương truyền có con quái thú Bunyip ăn thịt người sống dưới vực sâu gây kinh hoàng cho mọi người. Một hôm khi vượt qua vực sâu nguy hiểm này trên đường đi kiếm thức ăn, người cha đã để lại các con gái ở lại trên đỉnh núi khá an toàn sau bức tường đá rồi xuống núi đi vào thung lũng.

Ngọn núi The Three Sisters, Blue Mountains

Một loài hoa nở trắng cả núi rừng Blue Mountains
Chim lyre kỳ diệu ở vùng núi rừng Victoria, Úc. Ảnh: Wikipedia
 
Menura superba – superb lyrebird (1800) by Thomas Davies
 
Trong lúc ở trên đỉnh núi, Meenhi sợ hãi khi nhìn thấy con quái thú to lớn bất ngờ xuất hiện trước mặt mình. Cô gái ném một hòn đá lớn vào con quái vật ấy. Hòn đá lăn xuống triền núi, vỡ tan tành gây tiếng động trong thung lũng làm cho Bunyip nổi giận. Thình lình bức tường đá phía sau Ba cô gái bắt đầu nứt ra và để các cô gái ở lại trên đỉnh núi. Khi Bunyip đến gần các cô gái, người cha đã dùng đũa thần biến họ thành đá. Bunyip nổi giận rượt theo ông ta. Để thoát thân, Tyawan biến thành con chim Lyre, lại sơ ý đánh rơi chiếc đũa thần! Thoát được Bunyip rồi, Tyawan bay đi tìm chiếc đũa thần nhưng giữa chốn rừng rậm hoang vu đầy vực sâu thăm thẳm ông đã không bao giờ còn có thể tìm thấy chiếc đũa thần được nữa.
Cho đến ngày nay, con chim Lyre vẫn không ngừng đi tìm chiếc đũa thần, còn 3 cô gái hóa đá vẫn đứng lặng yên nhìn xuống khắp thung lũng hy vọng có một ngày nào đó cha sẽ tìm được đũa thần và biến họ trở lại thành người.
Khi đến thăm The Three Sisters, trong không gian vắng lặng bao la thăm thẳm của núi rừng, bạn có thể nghe đượcc tiếng kêu vô vọng của loài chim Lyre, vì người cha vẫn không ngừng đi tìm chiếc đũa thần đã mất.

* Theo www.bluemts.com.au
Photos 1,2,3,4 by Tam Nguyen
5,6: Wikipedia