Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI


Nếu bạn hỏi tôi về miền Tây mùa nào trong năm là đẹp nhất,  tôi sẽ trả lời rằng đó là "mùa nước nổi". Và có lẽ miền Tây sẽ càng thu hút bạn hơn nếu bạn biết rằng không chỉ có mùa nước nổi mà còn kéo theo mùa vịt chạy đồng, hay mùa len trâu...
Tôi đã chọn chuyến đi vào mùa này, dù biết trời có thể mưa bất cứ lúc nào, chỉ cần thủ sẵn mũ, dù và áo mưa. Trên chặng đường dài suốt 4 ngày từ Saigon về 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, đi qua và dừng chân ở các tỉnh thành như Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc, An Giang, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, Cần Thơ ... đâu đâu cũng thấy sông nước mênh mông và những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh ngát. Thoạt nhìn thì có vẻ như từ tỉnh này sang tỉnh khác na ná giống nhau, nhưng chỉ ngắm quang cảnh trên đường, bạn cũng sẽ thấy "đặc sản" không chỉ trong ẩm thực, hàng quà, cây trái bày bán trên đường mà còn biểu hiện trong từng nơi đi qua: rập rờn dài hàng cây số những đầm sen đang mùa hoa sen nở là Đồng Tháp, trên những cánh đồng bất tận xào xạc lá cây thốt nốt hay trong những cánh rừng tràm tái sinh hoa nở trắng với từng đàn chim cò, vạc bay rợp trời là An Giang, núi non hình thù ngoạn mục bao quanh biển là Hà Tiên... 
 
Rừng tràm Trà Sư, An Giang mùa nước nổi. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 dến tháng 11 dương lịch) hàng năm. Đây là mùa lũ sông Cửu Long, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, vùng hạ lưu sông Mekong, Biển Hồ và Tonle Sap ở Campuchia. Hiện tượng này mặc dù là hiện tượng lũ lụt, nhưng lại không phải là thiên tai đối với toàn bộ dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, mùa nước nổi là một mùa thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào nhờ hiện tượng ngập lụt mê mông trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đem lại. Mùa nước nổi tạo điều kiện cho đất đai cach tác nông nghiệp vùng hạ lưu sông Mekong, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng nông nghiệp, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đường vào làng Chăm Châu Phong, An Giang - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Mùa nước nổi về cũng là lúc mùa bông điên điển nở. Trên đường đi đến làng nuôi cá bè ba sa Châu Đốc, làng Chăm Châu Giang, trên sông nước mênh mông có rất nhiều cây bông điên điển mọc tràn bờ, hoa vàng tươi rất đẹp. Món rau hoang dã bình dị này rất được người dân miền Tây ưa thích, làm dưa chua, nấu canh, trộn gỏi v.v...
Khi mùa nước về, là lúc những cánh đồng lúa bạt ngàn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch lúa, cũng là lúc hàng trăm đàn vịt đồng của nông dân lội tràn xuống ruộng.

Mùa vịt chạy đồng - Ảnh: Internet

Mùa nước nổi, còn là lúc những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ. Có người phải "len" cùng lúc hàng trăm con trâu mà không làm mất một con nào.
Trong "Mùa Len Trâu", một tác phẩm trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam giải thích như sau:
"Len" trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt, nước lụt từ 1m đến 4m. Người ta ở nơi lụt, người ta không có chỗ ở là phải, và trâu cũng không có chỗ ở. Cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn. Ở nhà tối nó ngủ không được, ngủ với nước sao mà ngủ được, và trưa thì làm sao cho nó ăn, cỏ đâu ra mà cho nó ăn. Người nuôi trâu, chủ nhà có trâu, phải đưa trâu đến vùng đất cao. Làm sao người làm ruộng nuôi trâu? Muốn nuôi trâu thì phải lùa trâu đi. Ngày thường trời nắng, nuôi trâu trong chuồng. Đến ngày trời mưa thì phải lùa trâu đi. Vì vậy cho nên phải đem trâu đi chỗ khác. Đưa trâu đến vùng bảy Núi. Nhưng nó xa nhà mình đến 30 – 40 km, xa quá sao mà đưa đi. Vì vậy, mình phải đưa nó đi lòng vòng, ăn hết cỏ chỗ này, nước lên, thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đến ba bốn tháng mới đưa trâu về. Trâu dẫn đi phải có người giữ. Trâu không dẫn đi thì phải mướn người ta giữ. Người nghèo mướn ai bây giờ? Vậy thì để con cái đi giữ nó. Ngày trước trẻ con đi theo con trâu, áo quần không có, mùng mền không có, gạo cơm thiếu, đó là cả một chuyện khó khăn"... 

Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Mùa nước nổi, mùa vịt chạy đồng, mùa len trâu, đi kèm với mùa sen, mùa bông điên điển nở ... Người miền Tây dường như quên mất khái niệm bốn mùa như lẽ thường là Xuân, Hạ, Thu, Đông, thế nhưng quen sống trên sông nước với con đò, đàn vịt, con trâu ... đó mới là cuộc sống thật sự của họ. Và nói đến miền Tây sẽ còn rất nhiều "đặc sản", trong đó không thể thiếu là cải lương và hò đối đáp. Hình như chàng trai, cô gái miền Tây nào cũng biết hò và ca cải lương. Trên con tàu đi chợ nổi Cái Răng, cô gái hướng dẫn viên gốc miền Tây đã hát vài câu cải lương rất "mùi", hò vài bài hò đối nam nữ thật hay. Tôi cũng nghe được một câu chuyện khá thú vị về phong tục rằng trên những nhà bè thường bày rau quả bán, nếu trong gia đình có con gái đến tuổi lấy chồng thì gia đình treo lên một cặp trái vú sữa, còn trai kiếm vợ thì treo củ cải trắng, đàn ông góa vợ muốn kiếm vợ hai thì treo ... củ cải muối.
Chợ nổi Cái Răng, Cần thơ. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
  
Đến đây, lanh lảnh đâu đó có tiếng hò cất lên từ ghe bên cạnh:
“Hò ơ… Một đàn cò trắng bay chung
Bên nam bên nữ ta đồng cất lên
Cất lên một tiếng linh đình
Cho loan sánh phụng, ờ…
Hò ơ… Cho loan sánh phụng, cho mình sánh ta, ơ…
Hò ơ… Cất lên một tiếng la đà.
Đàn ông hát trước đàn bà hát sau, ơ…”

Tháng 8- 2017
Dieu Tam Nguyen


(*) "Mùa Len Trâu" cũng là tên bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi quay tháng 9 năm 2003. Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20.
Bộ phim có kinh phí khoảng hơn 1 triệu USD, với sự tham gia của ba hãng: Hãng phim Giải Phóng Việt Nam, 3B Productions Pháp và Novak Prod Bỉ. Bộ phim được trình chiếu ở Pháp với tên Gardien de buffles và ở Mỹ với tên Buffalo boy.

Ảnh: netdepvietwiki.

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Chuyện Kể Muộn - Kangaroo Valley

Câu chuyện kể muộn...
Giáng sinh 2014.
Trong một quán ăn đồng quê ở thung lũng Kangaroo, tiểu bang New South Wales nước Úc có chàng ca sĩ đàn guitar và hát Hallelujah thật hay. Mùi thơm của bánh nướng lan tỏa trong gió. Thực khách ngồi rải rác bên những chiếc bàn gỗ mộc thô uống bia và ăn trưa. Đang trong mùa Giáng sinh, bầu không khí yên lặng và thánh thiện, dễ thương lạ thường. Xa xa là cánh đồng cỏ non xanh ngắt rung rinh những bụi hoa dại màu tim tím. Có những nông trại gần quanh đây. Đàn bò sữa có đến hàng trăm con đang nhẩn nha ăn cỏ hay nằm nghỉ ngơi dưới bóng những cây khuynh diệp. 
 
 
 
8 giờ sáng hôm ấy, có một cú điện thoại không báo trước của Tr., một người bạn đồng nghiệp cũ ở VN. "Chị chuẩn bị đi, hôm nay mình sẽ lên rừng và xuống biển cả ngày". Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, ra khỏi Sydney chừng 2 tiếng đồng hồ, xe dừng ở một look-out bên đường nhìn toàn cảnh thành phố trong thung lũng chạy dọc theo một dòng sông có tên Kangaroo river. Khi cốp xe mở, đã có sẵn một mâm bánh nướng thơm phức và bình trà nóng cho buổi sáng giữa núi rừng bao la.
Cảm ơn người bạn Úc (không phải là FB friend) đã âm thầm vào Face Book xem qua những hình ảnh tôi post, biết ngay sở thích của tôi nên tình nguyện đưa đi đây đó thăm cảnh đồng quê, núi rừng và biển ở vùng cao nguyên phía Nam NSW. Ông ấy rất ít nói, chỉ lặng lẽ lái xe và tự động dừng lại ở những địa điểm đẹp cho khách phương xa nhìn ngắm thưởng thức mà thôi. Khi vào rừng, ông mới bắt đầu nói về những loại cây đặc trưng của Úc, những loài chim rừng và nguồn gốc của nhóm thổ dân đã định cư ở vùng này từ những năm tháng xa xưa.Ông cũng để ý tôi chụp hình nhiều và chụp cả những bảng thông tin trên đường. Ông bảo "đó là một cách du lịch thông minh".
Có những cảm xúc đến nhanh và có khi đến khá chậm. Nhiều chuyện trên những chuyến đi của tôi đôi khi phải mất một thời gian, vài tháng, thậm chí vài năm tôi mới ngồi nhớ lại và viết ra được, thí dụ câu chuyện hôm nay.
 
 
Kangaroo Valley là một thung lũng dọc theo sông Kangaroo ở vùng Illawarra của New South Wales, Australia, nằm ở phía tây bờ biển thành phố Shoalhaven. Đó cũng là tên của một thị trấn nhỏ trong khu vực, trước đây gọi là Osborne, với dân số 844 người trong tổng điều tra năm 2011.
Kangaroo Valley là một thung lũng rộng có dốc thoai thoải bao quanh là các dãy núi cao của vùng Southern Highlands NSW, cách chừng hai giờ lái xe về phía tây nam Sydney và khoảng hai giờ về phía bắc thủ đô Canberra. Phía bên kia thung lũng là đèo Flying Fox và cách một vài cây số về phía bắc là thác Fitzroy Falls.
Những cư dân đầu tiên của Kangaroo Valley là thổ dân Úc Wodi-Wodi, được cho là đã chiếm vùng đất này khoảng 20.000 năm trước khi người châu Âu đến định cư tại Úc vào năm 1788. Một điều tra dân số năm 1826 cho thấy có 79 người thổ dân sống ở thung lũng trong năm khu lều riêng biệt. Vào tháng tư năm 1812, khi nhà thám hiểm George Evans trên con đường đi về hướng Bắc để thăm dò Vịnh Jervis Bay đã đi qua thung lũng. Evans đã cho rằng thung lũng này có một quang cảnh thiên nhiên tuyệt vời mà "không một họa sĩ nào có thể vẽ đẹp hơn thế".
 

Vào năm 1817 khi Charles Throsby, một nhà thám hiểm và thuyền trưởng Richard Brooks, cùng một người nuôi gia súc, đã bắt đầu khai thác cho việc định cư. Việc chặt hạ và xuất khẩu cây tuyết tùng nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp chính ở Kangaroo Valley. Vào giữa thập niên 1840, một số nông dân chăn nuôi bò sữa chọn nơi đây để sinh sống, chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa như bơ. Những sản phẩm khác như sữa không thể xuất khẩu vì cuộc hành trình đem ra khỏi Kangaroo Valley đi đến những vùng lân cận rất gian khổ.
Vào những năm 1870, nhiều hoạt động đã bắt đầu tập trung tại các khu vực mà ngày nay là ngôi làng trong khi các trung tâm khác ở Kangaroo Valley như Trendally, các ngành công nghiệp sữa trong khu vực đã suy sụp. Giáo Hội của Chúa Chiên Lành (the Church of the Good Shepherd, xây dựng năm 1870-1872) và nhà xứ (được xây dựng vào năm 1879 bởi John Tanner) Cả hai đều được thiết kế bởi John Horbury Hunt, và được liệt kê vào Di sản quốc gia.
 
 

Thung lũng đã thay đổi rất ít trong 130 năm qua, vẫn còn lại Hampden Bridge, cây cầu treo lâu đời nhất tại Úc, hoàn thành vào năm 1898, và ngôi trường cổ Barrengarry như là một minh chứng cho quá khứ khi Kangaroo Valley đã có một thời hưng thịnh với ngành công nghiệp sữa. Nông nghiệp vẫn còn tồn tại, mặc dù ngành công nghiệp khác như du lịch và vui chơi giải trí ngoài trời kể từ khi xuất hiện đã trở thành nguồn thu nhập chính.
Nhiều sự kiện được tổ chức hàng năm trong thành phố bao gồm các hội chợ nông nghiệp và gia súc, lễ hội dân gian như Kangaroo Valley Agricultural và Horticultural Show, Kangaroo Valley Folk Festival, Kangaroo Valley Village Markets...
 
 
 
Đến thung lũng Kangaroo ngày nay, bạn sẽ được nhìn thấy một cảnh quan núi rừng nhiệt đới tươi tốt. Băng qua những cánh đồng xanh rờn cỏ và hoa dại là những đàn bò sữa bên những dòng suối mơ màng. Trong bầu không khí trong lành bình yên của thung lũng, hãy ghé vào những quán rượu đồng quê và những quán bánh địa phương có mùi vị được cho là ngon nhất nước Úc. 
 
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Viết theo nguồn Wikipedia.



Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

VỀ QUÊ



Tôi không được sinh ra ở quê cha, cũng không phải ở quê mẹ, mà ở một thành phố miền duyên hải Nam Trung bộ, rồi từ những năm còn rất nhỏ đã theo gia đình đi nhiều nơi ngược ra miền Trung. Có lẽ cũng quen, khi lớn lên tôi là người thích đi đây đó, và có cơ duyên đi khá nhiều, thế nhưng một trong những giấc mơ của tôi là “về quê”. Một giấc mơ tưởng chừng thật đơn giản nhưng mãi đến hôm nay khi đã vào tuổi về hưu tôi mới thực hiện được. Ngày ấy, cha rời làng quê đi học xa nhà, rồi có gia đình, lập nghiệp ở phương Nam. Chị em chúng tôi lớn lên trong những năm chiến tranh, cha không muốn cho về quê sợ nguy hiểm. Không chỉ quê cha mà quê mẹ cũng vậy. Năm lớp 6 tôi mới được theo bà ngoại về làng, chỉ một lần thôi mà nhớ mãi đến sau này. Ông anh con bác ở miền Bắc có lần hẹn: “Sẽ có ngày anh em mình về quê nội. Các anh chị từ ngoài Bắc vào, các em ở trong Nam ra”. Và tôi chờ, chờ mãi … Hóa ra không dễ có dịp đi cùng nhau.

Núi Ấn sông Trà, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Đầu năm nay, trong chuyến đi Ban Mê Thuột, các cô em con ông chú lại hẹn nhau về quê nội. Tôi muốn lắm nên nhận lời quyết định mua vé máy bay và đặt khách sạn trước để không phải đổi ý. Không ai đi thì mình sẽ đi, không chờ nữa. Tôi book trước vé máy bay. Hiện nay để đến Quảng Ngãi nếu đi máy bay thì chỉ có Vietjet Air hay Jetstar đến sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam rồi từ Chu Lai về trung tâm thành phố Quảng Ngãi hơn 40 km. Muốn đi Vietnam Airlines thì đến sân bay Đà Nẵng rồi từ đây về Quảng Ngãi thêm 130 km. Tôi chọn Vietjet Air cho gần Quảng Ngãi hơn. Về phần khách sạn, vì là lần đầu nên tôi chưa hình dung ra vị trí giữa thành phố, sân bay và quê nội. Chị họ cho biết nhà chị cách trung tâm 30 km và quê nội xa hơn 5 km nữa. Có vẻ như Quảng Ngãi không có nhiều khách sạn để chọn lựa như Đà Nẵng. Cuối cùng tôi dừng lại dòng chữ: “Vị trí: bên sông Trà Khúc, cách trung tâm 2 km”. Sau này khi đến nơi tôi mới thấy khách sạn không chỉ nằm ngay bên bờ sông Trà Khúc mà còn nhìn thấy dãy núi Thiên Ấn nổi tiếng mà ông quan Tuần vũ, thi sĩ Nguyễn Cư Trinh thời Hậu Lê, Mạc, Trịnh Nguyễn đã ca tụng “Thiên Ấn Niêm hà” trong “Quảng Ngãi thập nhị cảnh”.

Thuyền câu trên sông Trà Khúc. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Đến ngày đi, chị em tôi ra phi trường lúc 5 giờ sáng để đi chuyến bay khởi hành lúc 7:25 am. Chỉ hơn 1 giờ 15 phút là đến nơi. Tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe thông báo từ loa phóng thanh máy bay chuẩn bị hạ cánh. Có tiếng một bé gái kêu lên: “Trời ơi, sao Quảng Ngãi toàn nước không vậy mẹ ơi! Làm sao mà sống bây giờ?” Mọi người bật cười. Tôi nhìn qua cửa sổ máy bay thì ... cũng suýt bật lên tiếng kêu “Trời ơi”! Nhưng là ... Đẹp quá! Tôi muốn nín thở khi nhìn ra ngoài. Tôi đang bay trên bờ biển xanh có bờ cát trắng rất dài. Rồi tôi bay qua những dòng sông uốn khúc, những cánh rừng tiếp nối dòng sông, con suối, ao hồ, đồng xanh ngọt ngào, những ngôi nhà nhỏ ... Để hạ cánh, máy bay lượn khá lâu cũng hơn 15 phút, và tôi mê mẩn nhìn xuống thiên đàng hạ giới dưới kia. Dường như chưa bao giờ từ trên máy bay nhìn xuống tôi thấy được một khung cảnh thần tiên xinh đẹp đến thế. Thật quá sức ngoạn mục!
Trong tâm trạng một người lần đầu tiên về quê, tôi vừa hồi hộp và háo hức muốn biết muốn thấy thật nhiều về quê cha. Ngày còn nhỏ tôi từng thắc mắc không biết dòng họ bắt nguồn từ đâu. Trong cuốn Phả hệ họ Nguyễn Tấn mà lúc còn sống cha tôi đã cùng một ông chú họ bỏ công soạn thảo gia phả, có đoạn nằm trong phần mở đầu:
“Đức Thủy tổ Nguyễn Tấn chúng ta đã rời Thăng Long thành thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1672) cùng 5 anh em một trai, bốn gái, lương khô áo vải lên đường, vượt hơn ngàn cây số tìm về phương Nam xây nôi nòi giống “Căn đề, Bắc địa, tích bổn Long Thành, tấc lộ nhi nam, quan san viễn cách”. Đoàn người vượt suối băng ngàn, dừng biết bao nơi, nghỉ biết bao chỗ, cuối cùng: “Bốc cư thử địa, thác thổ khôi cương thủ soán Châu Phong chi mỹ hiệu”, xác định đất Châu xứ Quảng, làng Châu Tử, tỉnh Quảng Ngãi là nơi định cư lâu dài để xây dựng quê hương và dòng họ. Đức Thủy tổ của chúng ta đã mở trang sử dòng họ tại đây, bằng con đường khai hóa nông nghiệp, trên nền tảng văn hóa Đông Phương, lập phả hệ hơn 12 đời họ Nguyễn Tấn phương Nam, kế tục hơn 20 đời đất Bắc”.
Vậy là đã rõ ngọn nguồn.

Một góc xứ Quảng nhìn từ máy bay. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Sau khi loa phóng thanh của máy bay thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, có tiếng hát vang lên tha thiết, bài hát “Bonjour Vietnam” mà nhạc sĩ, ca sĩ Marc Lavoine người Pháp đã viết cho Phạm Quỳnh Anh, một ca sĩ người Bỉ gốc Việt. Bài hát từng trở thành một hiện tượng 10 năm trước đây ở Việt Nam, giờ đây đối với tôi, trong hoàn cảnh này thật thích hợp: 
“Tell me this name, strange and difficult to pronounce
That I have carried since my birth 
Tell me the old empire and the feature of my slanted eyes 
Describing me better than what you dare not say 
I only know you from the war images 
A Coppola movie, (and) the angry helicopters 
Someday, I will go there, someday to say hello to your soul 
Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam...”
***
Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đã mang tự thuở chào đời 
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi 
Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt 
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh, 
Một cuốn phim của Coppola, (và) những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người 
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam (*)
Tiếng hát mênh mang và cảm động trong lúc chiếc máy bay vẫn còn lượn trên bầu trời và bên dưới là những “căn nhà, con đường”, là “những phiên chợ nổi trên sông, là “những chiếc thuyền tam bản bằng gỗ”, “những ngôi chùa, tượng Phật bằng đá” và “những người phụ nữ đang cong lưng trên đồng lúa”... y hệt như trong lời hát thiết tha của “Hello Vietnam”. 


Người phụ nữ đang cong lưng trên đồng lúa. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Có tiếng hát theo khe khẽ của một cô gái trẻ. Trong khoang máy bay mọi người yên lặng. Tôi bỗng cảm thấy hãng máy bay Vietjet Air đã chọn đúng bài hát và marketing giỏi cho chuyến bay của họ qua bài “Hello Vietnam”. Với một du khách lần đầu đến Việt Nam, có lẽ người ấy sẽ cảm động khi thấy trên màn hình những clip quảng cáo cho du lịch Việt Nam với những hình ảnh rất đẹp lồng trong tiếng hát. Còn với người đã lâu mới trở về thăm quê hương, chắc họ cũng sẽ bật khóc ... như tôi giờ đây.
Chị họ tôi và cô con gái dễ thương của chị ra tận sân bay đón chúng tôi đưa về quê ngay lúc chúng tôi vừa ra khỏi cửa. Cổng làng hiện ra trước mắt, con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, dòng sông, cánh đồng bát ngát, lũy tre, bụi chuối ... Quang cảnh sao mà gần gũi thân yêu, rất quen thuộc như tôi đã từng biết vậy. Ngôi nhà thờ ông nội nằm ngay đầu làng, ngay cổng có cây xoài rất to, một cái giếng như trong giấc mơ mẹ tôi từng kể, một vườn cây, rau và hoa lan. Tôi chạy ngay lên phòng thờ nơi vẫn còn giữ kiểu nhà thờ ba gian cột gỗ của ngày xưa thắp nhang cho ông bà, có cả các bác, cha mẹ tôi. Chúng tôi gặp các anh chị em họ, chị dâu anh rể, các cháu về tụ tập đông đủ thật vui vẻ đầm ấm. Rồi ríu rít như những đứa trẻ, chúng tôi ra mộ thăm ông. Ông nằm trong phần đất của gia đình, trong khu vườn khá rậm rạp. Chắc ông vui lắm khi thấy những đứa cháu gái từ xa về quê thăm ông. 

Quê tôi.

Trong vườn quê, có tiếng con chim nào hót trên cao. Giữa sân, đàn gà con tíu tít bên mẹ chúng. Gió thổi qua những ngọn tre. Làng quê yên tĩnh, lắng đọng vô cùng. Thật ấm áp và hạnh phúc khi tìm lại được gia đình dòng họ của mình.

Tháng 7-2017
Nguyễn Diệu Tâm

(*) Thương chào Việt Nam.
Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đã mang tự thuở chào đời
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi 
Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt 
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh, 
Một cuốn phim của Coppola (*), [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người 
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời.
Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết, 
Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ. 
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi 
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá, 
Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa, 
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh, 
tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi 
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam.
(Bản dịch của anh Đào Hùng - Pháp - trên diễn đàn của Silicon Band)