Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Đêm Trở Về Chốn Cũ

 
Vẫn là con thuyền xinh,
Vẫn là bờ cát mộng,
Sóng bạc đầu chờ mong,
Trăng về đêm không ngủ.

Đêm nghe biển thở dài,
Trăng ngóng nhìn thao thức.
Thuyền đầy trăng trên ngực,
Giăng tay đón em về.

Cuộc đời đã đi qua,
Em bốn mùa dâu bể.
Còn đâu lời hẹn thề,
Mà sóng bạc đầu mong!

Chốn xưa, lối cũ này,
Vẫn còn đó đêm nay.
Người còn, có ai hay
Ngoài lòng đêm, biển rộng? 

* NGUYỄN DIỆU TÂM

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

RẰM THÁNG TÁM VÀ CHIẾC BÁNH TRUNG THU

Còn một tuần nữa là đến ngày rằm Trung thu. Các bạn mình có thích ăn bánh Trung thu không? Mình nghĩ là sau này bánh trái có quá nhiều và đủ loại trên thị trường và người ta ít thích ăn ngọt nên bánh Trung thu cũng ế hơn ngày xưa, khi chúng ta còn nhỏ phải không? Ngày đó, mình cũng thích rước đèn, làm lồng đèn, ăn bánh Trung Thu. Còn bây giờ hình như ... không thích nữa, chỉ nhớ mà thôi!
Hai hôm trước, có một ông khách hàng quen cũ - Mr Lee, từ Singapore qua VN, mời đi ăn tối. Sau khi ăn ở Wrap & Rolls ( quán này bán toàn món ăn cuốn như chả giò, bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh xèo cuốn rau cải, v.v... ) thì đi uống cafe nhưng vì sợ uống cafe ban đêm không ngủ được nên mình nói muốn ăn kem. Đến tiệm kem Fanny gần đó của 1 người Pháp làm rất đẹp phần trang trí bánh và ice cream. Ngạc nhiên khi thấy họ làm cả bánh Trung thu bằng kem va chocolate. Hình này mình lấy từ website của họ. 


 
Tiếc không đem theo camera. Mr Lee có lấy điện thoại chụp hình - lúc ăn nửa chừng rồi mới nhớ là rất nên chụp hình cái bánh. Tiệm đã đặt cái bánh trên dĩa sứ trắng, có lót caramel vàng nâu, vài lát dâu màu đỏ tươi và một nhánh rau mint xanh ( bạc hà ). Đẹp nhất là một đóa hoa sen trắng ngà đặt bên cạnh, cánh sen bằng chocolate trắng, có cả nhụy sen thật, nhưng nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út thôi. Cô gái quản lý tiệm kem giải thích nhụy sen này được lấy từ một loại sen nhỏ xíu ( mình thì nghĩ có lẽ là nhụy hoa súng ). Tiệm còn dọn thêm 1 bình trà sen thơm ngát và 2 chung trà cũng nhỏ xíu đường kính chừng 2 cm. Riêng bánh Trung thu thì vỏ bánh bằng chocolate nâu, bên trong nhân là ice cream dừa, nhân "trứng hột vịt muối" thì bằng xoài và sầu riêng màu vàng. Có 4 loại bánh Trung thu kem tươi ở Fanny:
01- Kem trà xanh, Vani Macadamia và Cam, Sô cô la trà xanh và kem tươi.
02- Kem sô cô la đen, hạt phỉ và cà phê sô sô la, sô cô la sữa và kem tươi.
03- Kem sầu riêng, Xoài và Dừa, Sô cô la đen và kem tươi
04- Kem sữa chua Dâu, Stracciatella, Chanh dây Sô cô la trắng và kem tươi.
Phần trang trí đẹp, kem ăn ngon. Ngồi ăn cái bánh, uống chung trà bé tí xíu mình vừa thấy vui vui như được trở lại thời trẻ con chơi đồ hàng, phá cỗ đêm rằm Trung thu, vừa có một cảm giác thú vị khi vừa ăn vừa tìm hiểu nguyên liệu của chiếc bánh Trung thu kem tươi này.
Mr Lee có chụp hình mình bên dĩa bánh nhưng đã gửi qua điện thoại, chưa gửi qua mail thì ông lại đi Cambodia. Cả ông ta và mình đều ấn tượng và thấy vui với cách mà tiệm kem Pháp đã phục vụ khách hàng như thế này.



Thật ra, cũng khó có kiểu bánh nào nhái theo chiếc bánh Trung thu mà hấp dẫn, ngon bằng chiếc bánh Trung thu truyền thống của Việt Nam, dù xưa nay nói đến bánh Trung thu chỉ có hai loại chính là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh thường mang hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, biểu tượng của sự đoàn viên và hạnh phúc của gia đình. Tiếp đến là hình vuông tượng trưng cho đất. Rồi người Hà Nội lại chế biến ra thêm hình cá chép, rồi hình con lợn ỷ mang ý nghĩa thăng tiến và sung mãn rất quen thuộc trong dân gian. Bày cỗ Trung thu có mâm bánh trong đêm hội trăng Rằm với người thân trong gia đình là minh chứng cho sự sung túc của một gia tộc.
Bánh Trung thu loại bánh nướng truyền thống với vỏ bánh mềm. Nhân thì có nhiều loại, đậu xanh, đậu đen, khoai môn, hạt sen, lạp xưởng, vi cá, gà quay thập cẩm v.v... Về sau, người ta đã làm bánh Trung thu bằng rau câu, cũng màu sắc phong phú, nay có bánh Trung thu với chocolate và kem tươi. Những sáng kiến "ăn theo" chiếc bánh truyền thống này cũng có vẻ hay hay nhưng theo mình, không thể thay thế được chiếc bánh truyền thống vì nó đã có một lịch sử quá dài.


Bánh Trung thu hình lợn đàn
 
Bánh Trung thu hình cá chép
 
Bánh Trung thu hình lợn con
Bánh Trung thu rau câu

Không thể thiếu trong đêm rằm tháng tám bên mâm cỗ Trung thu, là chiếc bánh, là những chiếc đèn lồng. Một trong những truyền thuyết về Trung Thu là chiếc đèn kéo quân, ngày xưa từng được làm để dâng tặng vua chúa, với phần trục bên trong là đèn được thắp sáng tượng trưng cho sự soi đường chỉ lối của nhà vua.
Về lịch sử bánh trung thu, bạn có biết tại sao phải ăn bánh Trung thu vào rằm tháng tám? Bánh Trung thu có lịch sử và được lưu truyền cho đến ngày nay như thế nào?
Mình tìm được một tài liệu về lịch sử chiếc bánh từ trang dantri.com, xin chia sẻ với các bạn sau đây:
" Theo cổ tục, người Việt trong quá khứ đã từng ăn bánh chưng, bánh dầy vào Tết Nguyên Đán; bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn Thực; rượu nếp, bánh tro, bánh ú Tết Đoan Ngọ; heo quay cúng ngày Rằm Tháng Bảy; bánh dẻo, bánh nướng vào Tết Trung Thu; uống rượu cúc vào tiết Trùng Cửu.
1- Từ huyền thoại đến biểu tượng:
Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm. Về thời điểm, nó tương đương với dịp Tạ Ơn của mùa thu gặt hái trong văn hóa Tây phương, nhưng trên ý nghĩa của triết lý đạo giáo Á Đông, qua hành động thưởng thức vầng trăng thu lớn, vàng và đẹp trong một thời tiết mát mẻ lý tưởng, con người đã cảm thấy mình đã hài hoà một cách tuyệt vời với đất trời vũ trụ.
Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính sẽ là vô nghĩa.
Trên mặt ngôn ngữ, người ta lại liên kết cái ý niệm "Tròn" (viên) của Trăng với cảnh quây quần "đoàn viên" của con người qui tụ ăn mừng để thưởng Trăng. Rồi từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng "Nguyệt lão" chắp mối tơ hồng để trai gái kết hôn.
Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý Âm, chủ về phụ nữ, nên vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ Trung Hoa thường bầy tiệc cúng Trăng với hương đèn và mâm ngũ quả cùng Nguyệt Bính, đặc biệt nếu cúng dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tiả thành hoa sen (vì kiêng cữ ý niệm "phân qua" tức là chia rẽ phân ly). Tục này truyền qua VN ngoài Bắc trở thành tục bày cỗ thưởng nguyệt với bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả trong mùa, đặc biệt phụ nữ trong nhà có dịp trổ tài phụ xảo nữ công bằng cách gọt đu đủ thành các thứ hoa nhuộm phẩm sặc sỡ hay nặn bột thành những con giống như tôm, cua, cá.
Một điểm đặc biệt là trên nắp các hộp bánh Trung Thu bán ở thị trường thường vẽ những bức hoạ như Hằng Nga Ngọc Thố Quảng Hàn cung hay Đường Minh Hoàng du Nguyệt Điện để thể hiện những huyền thoại liên quan đến mặt trăng.
Huyền thoại thứ nhất là nhân vật Hằng Nga (còn gọi Thường Nga), vợ của chàng Hậu Nghệ, người có tài bắn cung đã bắn hạ tám vầng mặt trời cho thế gian khỏi nóng như thiêu đốt mà chỉ còn chừa lại một vầng cho con người có ánh sáng ban ngày mà thôi.
Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu ban cho viên thuốc trường sinh để sống lâu bảo vệ thế gian. Nhưng Hằng Nga lại lén ăn cắp thuốc này và bay tuốt lên mặt trăng. Trên mặt trăng, Hằng Nga làm bạn với một con thỏ ngọc đứng dưới gốc cây. Không khí trên mặt trăng vốn lạnh buốt nên do đó được gọi là Quảng Hàn cung. Hằng Nga bị lạnh nên phải ho làm viên thuốc trường sinh văng ra khỏi họng. Nàng bèn nghĩ nên lấy viên thuốc này giao cho con thỏ giã nhỏ ra thành bột mà rắc xuống thế gian mà để thiên hạ cũng được trường sinh.
Huyền thoại thứ hai là về vua Đường Minh Hoàng là người rất muốn luyện phép tu tiên. Chính tục lệ treo đèn và bầy cỗ vào đêm rằm tháng Tám vì đó là ngày sinh nhật của ông nên truyền cho thiên hạ khắp nơi phải làm thế để mừng cho ông. Chính vào đêm rằm này, ông ra lệnh cho viên đạo sĩ La Công Viễn làm phép thế nào để ông du hồn lên chơi trên mặt trăng. Truyền thuyết kể rằng đạo sĩ này đã cho ông uống một liều thuốc gì đó rồi nói vua kê đầu vào một cái gối đặc biệt trong một khung cảnh mờ ảo có đốt hương trầm phảng phất. Quả nhiên, nhà vua trong chốc lát thấy hồn mình nhẹ nhàng bay bổng lên vùng Nguyệt Điện rồi chứng kiến một đoàn tiên nữ lả luớt nhảy múa ca hát trong những bộ xiêm y theo bảy sắc của cầu vồng. Lúc tỉnh dậy, nhà vua bèn nhớ lại bắt chước mà sáng tác ra khúc nhạc Nghê Thường Vũ Y Khúc (Nghê là cái cầu vồng, Thường là cái xiêm váy). Khúc nhạc này rất nổi tiếng và lưu dấu trong thi văn hậu thế và ngộ thay, vua Đường Minh Hoàng đầy nghệ sĩ tính lại được giới nghệ thuật ca vũ Trung Hoa đời sau suy tôn là "Thánh tổ" của nghề nghiệp của họ. (Lấy con mắt hiện đại mà xét, rõ ràng là đạo sĩ La Công Viễn đã cho vua Đường Minh Hoàng dùng tối đa những thứ ma tuý dược qua rượu uống và thuốc sinh ảo giác LSD qua sự ngửi hít khói trầm hương.)
2- Bánh Trung Thu qua lịch sử:
Chưa có tài liệu nào nói về chiếc bánh mặt trăng lúc khởi thủy. Tuy nhiên nếu dựa vào bài Chiêu Hồn ca của Tống Ngọc vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên viết để khóc thầy mình là Khuất Nguyên thì chiếc bánh chiên bột gạo luyện mật nhân thịt được kê ra trong danh sách thực phẩm để cúng cũng chưa có thể là chiếc bánh mặt trăng.
Mãi về sau, vào khoảng thế kỷ thứ 6, trong một tài liệu thực phổ, chiếc bánh này được tả là làm bằng bột mì sợi lên men, gần giống như bánh Trung Thu bây giờ, nhưng thông tin này cũng không có gì là chắc chắn lắm.
Nếu dựa vào thi văn của thi hào Tô Đông Pha thời Bắc Tống (960-1126), thì đã rõ ràng nói đến "chiếc bánh nhỏ tròn như mặt trăng được ăn nhấm nháp, vừa dòn vừa xốp, nhân bằng đường và thịt ngọt."
Như vậy, ta có thể kết luận chiếc bánh Trung Thu đầu tiên xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thế kỷ 11.
Đến đời Minh (1368- 1643), thì những chiếc bánh Trung Thu Nguyệt Bính chắc chắn đã chính thức thịnh hành và còn được gọi là Đoàn Viên Bính.
3- Giai thoại về cuộc khởi nghĩa đêm Trung thu:
Vào khoảng đầu thế kỷ 14, Trung Quốc bắt đầu chịu sự xâm chiếm và nằm dưới sự cai trị hà khắc của nhà Nguyên Mông cổ.
Trong bao nhiêu năm, từng nhóm nhỏ người Hán nổi lên chống phá đều bị dẹp tan, mãi đến về sau thì mới có vị lãnh đạo là Chu Nguyên Chương dựng cờ khởi nghĩa. Trong bước đầu, ông chiêu tập binh mã và thu hoạch nhiều chiến thắng, nhưng đến một giai đoạn ông vấp phải một trở ngại rất quan trọng là khó mà chiếm được thành Tô Châu chiến lược để làm đầu cầu then chốt đánh thốc vào Nam Kinh. Chu Nguyên Chương rất buồn phiền nhưng quân sư của ông là Lưu Bá Ôn bèn đưa ra một mưu lược sau:
Lưu Bá Ôn cải trang thành một vị đạo sĩ và lẻn vào nội thành Tô Châu, loan tin đồn rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời sắp cho 5 vị Ôn Thần giáng xuống để gieo tai ương cho dân trong thành. Dân chúng vô cùng hoang mang hoảng hốt. Nhưng vị đạo sĩ giả mạo bèn khuyến dụ người ta muốn tránh tai ương thì tới am cốc của ông mà cúng lễ xin giải nạn trong ba ngày.
Cứ mỗi người đến và ra về đều được đạo sĩ ban cho một chiếc bánh mặt trăng hộ mạng. Đạo sĩ nghiêm trọng căn dặn rằng bánh chỉ được bẻ ra ăn vào đúng tiếng trống đầu tiên của canh ba đêm rằm Tết Trung Thu, phải làm đúng như vậy thì mới khỏi tai ương. Vài ngày sau, đúng vào đêm rằm khi tiếng trống canh ba đầu tiên đã điểm, mọi tín đồ của đạo sĩ bẻ bánh ra thì thấy bên trong có giấu một mảnh giấy viết “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, nhờ vậy người dân đã nhiệt liệt hưởng ứng, và lật đổ được nhà Nguyên. Cũng từ đó, bánh Trung thu đã trở thành một món ăn không thể thiếu mỗi dịp rằm tháng Tám...."
* Nguyễn Diệu Tâm
( Hình ảnh và nguồn tham khảo: Google )

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

LỊCH SỬ CHIẾC MÁY KHÂU

Khâu tay là một hình thức nghệ thuật đã có hơn 20.000 năm tuổi. Kim khâu đầu tiên được làm bằng xương hoặc sừng động vật và sợi chỉ ban đầu được làm bằng dây gân động vật. Vào thế kỷ 14 thì kim khâu bằng sắt được phát minh. Kim khâu có mắt đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 15. 

Chiếc máy khâu ngày xưa - Ảnh: Facebook

Sự ra đời của máy khâu:
Bằng sáng chế đầu tiên liên kết với ngành may cơ khí là một bằng sáng chế của Anh vào năm 1755 cấp cho một người Đức tên là Charles Weisenthal. Weisenthal đã được cấp bằng sáng chế cho một cây kim được thiết kế cho một cái máy, tuy nhiên, bằng phát minh này đã không mô tả phần còn lại của cái máy khâu.
Nỗ lực của một số nhà phát minh để cải thiện ngành may:
Một nhà phát minh người Anh là Thomas Saint đã được cấp bằng sáng chế đầu tiên cho một máy khâu hoàn chỉnh vào năm 1790. Người ta không biết Saint đã có thực sự xây dựng một nguyên mẫu cho phát minh của mình. Bằng sáng chế của ông mô tả một cái dùi để đục một lỗ trong miếng da và một cây kim xuyên qua cái lỗ đó. Về sau người ta đã thử sản xuất một cái máy khâu từ phát minh của Saint dựa trên bản vẽ của ông nhưng cái máy này đã không sử dụng được.
Năm 1810, một người Đức là Balthasar Krems phát minh ra một cái máy khâu mũ tự động. Krems không được cấp bằng sáng chế nên phát minh của ông đã không được sử dụng.
Năm 1804, một bằng sáng chế được cấp cho người Pháp - Thomas Stone và James Henderson cho "một máy khâu được mô phỏng theo cách khâu tay." Cùng năm đó một bằng sáng chế đã được cấp cho Scott John Duncan cho một "máy thêu với nhiều mũi kim". Cả hai phát minh đều thất bại và đã sớm bị công chúng lãng quên.
Năm 1818, máy khâu đầu tiên của Mỹ được phát minh bởi John Adams và John Knowles Doge. Máy khâu của họ đã thất bại khi không may được vải.
Barthelemy Thimonnier – Bộ máy nhiều chức năng và bánh xe quay đầu tiên:
Chiếc máy khâu đầu tiên được phát minh bởi một thợ may người Pháp là Barthelemy Thimonnier vào năm 1830. Máy của Thimonnier sử dụng chỉ có một sợi chỉ và cây kim thực hiện được các chuỗi tương tự như thêu tay. Nhà phát minh đã suýt bị chết khi một nhóm thợ may người Pháp đốt cháy xưởng may của ông vì sợ phát minh mới này có thể khiến cho họ thất nghiệp.
Walter Hunt & Elias Howe :
Năm 1834, Walter Hunt đã phần nào chế được máy khâu thành công của nước Mỹ. Sau đó, ông còn quan tâm đến bằng sáng chế vì ông tin rằng phát minh của mình sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. ( Máy của Hunt chỉ có thể may bằng hơi nước.) Nhưng Hunt đã không bao giờ được cấp bằng sáng chế mà sau đó vào năm 1846, bằng sáng chế đầu tiên của Mỹ đã được cấp cho Elias Howe cho "một tiến trình sử dụng sợi chỉ từ hai nguồn khác nhau."
Máy khâu của Elias Howe đã có một cây kim với một mắt ở đầu. Mũi kim được đẩy đi xuyên qua vải và tạo ra một vòng ở phía đầu bên kia; rồi thì một con thoi phía trên sẽ trượt sợi chỉ thứ hai xuyên qua cái vòng, tạo ra cái được gọi là mũi thắt móc (lockstitch). Tuy nhiên, về sau Elias Howe lại gặp trục trặc trong vấn đề bảo vệ và tiếp thị cho bằng sáng chế của ông.
Trong chín năm tiếp theo Elias Howe đã đấu tranh, đầu tiên để thu hút sự quan tâm đến loại máy khâu của ông, rồi sau đó bảo vệ bằng sáng chế của mình từ những người mô phỏng. Cơ chế lockstitch của ông đã được những người khác tiếp thu và đổi mới phát triển theo cách riêng của họ. Isaac Singer đã phát minh ra cơ chế chuyển động lên và xuống, và Allen Wilson thì phát triển con thoi quay.

* Tam Nguyen dịch theo inventors.about.com

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

SÀI GÒN VÀ NỖI NHỚ

..."Tôi nghĩ đến đời người và cối xay gió. Thời gian chẳng chờ đợi ai… Nửa đêm về sáng, khi viết những dòng chữ này từ Hamburg, chợt thấy nhớ và thương Sài gòn lận đận của tôi, nơi tôi sinh ra, lớn lên và sống gần hết cuộc đời mình. Đêm Hamburg mưa nhẹ. Sài gòn giờ này trời sáng tỏ rồi, nhưng chắc Sài gòn sẽ không mưa buổi sáng đâu, phải thế không?" (*)
Một người bạn vừa gửi cho mình đường link bài viết "Một Chút Sài Gòn Trong Lòng Hamburg" của tác giả Vũ Thế Thành. Mình thích và đồng cảm với tác giả đoạn cuối bài đã trích trên đây. Ai có đi xa Sài gòn mới biết, "nhớ và thương Sài gòn lận đận" ... dù không sinh ra ở Sài Gòn, nhưng mình đã sống ở đây hơn 40 năm... Nhớ lắm mỗi khi đi xa!
20 năm trước đến Mã Lai, nhớ câu nói của một người phụ nữ Kuala Lumpur ngậm ngùi nhắc về một Sài Gòn rực rỡ ánh đèn trước 1975, khi những ngọn đèn đường ở thành phố của bà vẫn còn thắp bằng đèn dầu.
Một năm sau đó, mình đếm 6 lần trăng tròn sáng rực ở Sydney, mà nhớ những đêm trăng vàng vọt Sài Gòn.
Gần 10 năm sau nữa, lạc bước đến Las Vegas, Los Angeles, San Francisco ... không nhớ gì, lại nhớ ... dĩa rau muống xào và những món ăn Sài Gòn.
Thêm 3 năm nữa, đến Đức vào cuối mùa đông, khi đi ngang qua vùng Rhur - gồm 3 thành phố lớn Cologne, Dusseldorf và Essen, chợt nhớ Sài Gòn đang chuyển mình tưởng như sẽ thay đổi, mà mơ về con rồng đang cất cánh bay từ phương trời châu Á ...
Mình cũng nhớ cả lần đi du ngoạn bằng tàu trên sông Sài Gòn với vợ chồng anh Cao T. Cô vợ nhìn thành phố đang lên đèn và hỏi mình có thích Sài Gòn không? Mình nói "đi xa nhớ nó lắm". Chị quay lại chồng hớn hở khoe "Anh nè, chị T cũng thích Sài Gòn nè!"
Cho dù Sài Gòn xô bồ, cho dù lắm chuyện bị chê trách, nhưng với mình, tình cảm vẫn rất đầy, khó đổi thay!
Vài người bạn cũ của mình đã đi xa cũng thường trầm ngâm khi nói đến Sài Gòn:"Về SG ồn ào, bụi bặm, đông đúc, thoạt đầu tưởng có thể không chịu nổi, nhưng lạ khi xa nó, anh nhớ vô cùng. Nhớ cái ồn ào, đụng chạm va quẹt trên đường, nhớ ..."... Có khi tự dưng điện thoại cho mình chỉ để nói câu: "Nhớ cái nóng hâm hấp của SG. Em nên biết rằng, khí hậu SG rất tuyệt vời. Có đi xa mới thấy. Nơi anh ở mùa thu rất ngắn mà mùa lạnh kéo dài. Nhớ SG không chịu được"... Ngay cả chị M mình, mỗi lần đi du lịch trong hay ngoài nước, khi trở về SG, xe vừa vào thành phố là chị thở phào "Chẳng có nơi đâu bằng ... Sài Gòn!"
Bây giờ, mình đang ở Sài Gòn mà cũng thấy ... nhớ nó.
Khó hiểu thật! :-((

Mời các bạn cùng đọc:
(*)http://khoahocnet.com/2014/07/07/vu-the-thanh-mot-chut-sai-gon-trong-long-hamburg/#more-13315

Sài Gòn bên sông - Ảnh: AK

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

VỀ LÀNG


Ngày còn nhỏ, có một bài thơ học thuộc lòng mà tôi rất thích:
“ Kỳ nghỉ hè, ta về quê. Nhà ta ở, mé bờ đê. Ở nhà có, mẹ cha ta. Ông và bà, quý ta quá!…”

Trong đầu óc bé bỏng của tôi lúc đó, “quê” là một nơi có những cánh đồng lúa chín vàng, có chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo, đàn vịt lội ao, có cánh diều no gió, lũy tre làng... là những gì tôi chỉ biết qua sách vở mà không biết bao giờ mới được nhìn thấy tận mắt. Ngày đó mùa hè được nghỉ đến 3 tháng, nghe đến mùa hè là đứa học trò nào cũng háo hức vì được nghỉ học, được tha hồ đi chơi. Chú bé trong bài thơ có lẽ đang đi học xa nhà nên mới có tâm trạng vui sướng hớn hở như thế, còn tôi đang ở cùng cả cha mẹ lẫn ông bà thì quê ở đâu mà về? Mẹ bảo “Quê của mẹ ở làng Mỹ Á, Vinh Hiền, rồi sẽ có ngày con được về quê”.
Năm tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường Đồng Khánh, cha tôi thưởng cho tôi được về quê với bà ngoại. Không thể tả nổi niềm vui của tôi, đêm trước khi đi tôi đã thao thức không ngủ được. Cứ nghĩ, không biết quê mình ra sao, có giống như bài học thuộc lòng đã mô tả, là “nhà ta ở, mé bờ đê” không? Ngày lên đường đã đến, buổi sáng hai bà cháu đi xe ra bến sông, rồi đi đò, qua cầu, nhiều lần như vậy rất gian nan mới về đến làng Mỹ Á, là nơi bà ngoại theo ông về làm dâu, làm vợ, và mẹ tôi đã sinh ra ở đó.
Làng tôi cũng có bờ đê, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, có lũy tre xanh, ngôi đình, cây đa, bến nước ... Và hơn thế nữa là đầm phá, là biển. Đầm phá có nhiều tôm cá, thuyền câu. Biển có bãi cát trắng dài hoang sơ rất đẹp. Một ông anh họ dẫn tôi leo lên núi đá nhìn ra biển, ở đó tôi ngồi nhìn quang cảnh thiên nhiên đẹp như tranh và sinh hoạt của dân làng chài không chớp mắt, vì sống ở thành phố tôi chưa được thấy bao giờ.

Biển Vinh Hiền, Thừa Thiên - Huế

Đó là cảnh làng chài đang rộn ràng vào những buổi sớm mai khi ghe đánh cá từ ngoài khơi xa về. Những người đàn bà và cả trẻ con xúm lại gỡ lưới lấy mực cá vào rổ. Người nhóm lửa nướng ngay con cá tươi, mùi khói và mùi thơm của cá nướng thoảng tới từ xa. Cái xóm nhỏ rộn ràng tiếng hú gọi dân làng ra lấy cá, tiếng nói cười lẫn trong tiếng sóng biển vỗ. Có lẽ vì sống gần biển phải nói át tiếng sóng vỗ nên những người bà con nhà tôi và người dân làng biển ở đây “ăn to nói lớn” như thế, hình như chỉ có bà ngoại và mẹ tôi là ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng thôi!
Những ngày sau đó, bà ngoại dẫn tôi đi qua làng của bà, làng Nam Trường. Từ làng ông ngoại đi qua làng bà ngoại khá xa. Ngày xưa khi đi làm dâu xa nhà như thế này, tôi chắc là bà thường ra sau hè có bụi chuối mà khóc. “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, Trông về quê mẹ chín chiều ruột đau”. Nhất là từ ngày ông bỏ nhà ra đi vào Nam làm ăn, chỉ còn mình bà ở lại làm lụng vất vả nuôi đàn con thơ dại chờ ngày ông trở về. 
Không có xe đi, bà đã dẫn tôi đi qua những cái “trạng” cát trắng. Đường xa vì đôi chân tôi bé nhỏ mà bước trên cát lún thật khó đi nên lại càng thấy xa. Nắng trưa hè hắt xuống cát càng thêm bỏng rát đôi chân. Mà rồi cũng đến nơi. Bà ngoại tôi còn có một người chị, mệ Khiêm. Tôi không nhớ bà sống với ai trong ngôi nhà nhỏ đó, chỉ có một điều tôi thấy rất sợ là vì tôi đã nhìn thấy một cái quan tài để sẵn trong nhà. Bà ngoại tôi nói cái đó để dành cho mệ Khiêm. Ở nhà quê, người già thường chuẩn bị cho mình cái quan tài, sợ không có thì phải quấn chiếu mà chôn khi chết.
Buổi chiều tôi được ăn cơm với món cá bống thệ kho keo và món rau muống xào rất ngon mà tôi nhớ mãi đến bây giờ. Rau muống xào mà ngon nhớ mãi, nghe cũng lạ phải không? Có lẽ do lúc đó tôi đói bụng, hay vì rau muống nhà quê ngon hơn rau muống thành phố, tôi không biết nữa!
Đêm hôm ấy trời sáng trăng. Tôi ngồi ngoài sân hóng mát. Cái sân ban ngày phơi thóc vàng ươm, đêm khuya thanh vắng lại có ánh trăng ngập tràn. Nhà mệ Khiêm có vườn cau, hương hoa cau thoang thoảng, lá cau trong gió xào xạc, xào xạc … cũng làm tôi nhớ mãi đến sau này.
Chuyến về làng ngày ấy trở thành một trong những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi từng có trong đời. Qua năm sau, trước Tết Mậu Thân, gia đình tôi chuyển vào Qui Nhơn. Xa Huế, tôi không còn dịp về quê nữa. 

Đường về làng tôi

Cho đến ngày đầu tháng ba năm nay, đã 47 năm trôi qua, trong chuyến đi về Huế lần này, hai chị em tôi đã hẹn về làng mẹ với một đôi vợ chồng người bà con vừa từ Mỹ về quê làm đám giỗ cho cha của họ. Đây là một dịp tốt vì sẽ có người dẫn đường vì đã lâu lắm rồi chị em chúng tôi nhiều lần muốn về mà không biết đường, thêm vào đó đa số bà con bên mẹ tôi đều đã bỏ làng ra đi, nhất là những người trẻ tuổi, nay ở làng không còn ai mà chỉ còn lại người già thì có muốn về thăm cũng khó.
Thời tiết năm nay trên thế giới thật khắc nghiệt, trong nước cũng có phần ảnh hưởng, mùa lạnh kéo dài hơn mọi năm, miền Trung rét đậm, miền Bắc có nơi cũng có tuyết rơi. Tôi đã nghĩ chắc Huế sẽ lạnh lắm, nhưng khi ra đến Huế thì thật may, trời lại mát mẻ và không có mưa.
Đến Huế, nghỉ một ngày, qua hôm sau cùng một số bạn bè, chúng tôi thuê xe đi thẳng. Tình cờ gặp được một người cháu họ là tài xế taxi Mai Linh biết đường về làng nên thật yên tâm. Từ Huế về Truồi, đường sá bây giờ rất đẹp. Quãng đường qua cầu qua sông phải đi nhiều chặng khó khăn ngày xưa nay rút ngắn chỉ một con đường. Khi qua cầu Trường Hà, phía trái sẽ rẽ về hướng Thuận An, còn chúng tôi đi về bên phải. Sinh, người cháu họ hỏi chúng tôi có muốn ghé “thành phố lăng” hay còn gọi là “thành phố ma” hay không. Vì cùng trên một hướng đi, chúng tôi đồng ý ghé qua, phần tò mò muốn xem thử vì từ lâu đã nghe đồn về “thành phố” này. 

Một góc nhỏ của "thành phố Lăng" An Bằng, Huế

Đó là làng An Bằng, thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang. Từ con đường nhỏ dẫn vào đã thấy nhấp nhô hai bên đường những ngôi mộ lộng lẫy tráng lệ không kém lăng vua chúa. Cũng lối trang trí gắn gốm, đắp nổi rồng chầu, hàng hà sa số lăng mộ có đến gần 3.000 cái trên tổng thể diện tích 40 hecta là một con số quá lớn và quá tốn kém tiền bạc. Nghe nói mỗi lăng mộ như vậy tiền xây dựng từ khoảng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. 450 năm trước, do những người từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp mà ngôi làng được hình thành. Dân làng làm nghề đánh cá biển là chính. Sau tháng 4 - 1975, những người dân làng trẻ tuổi bỏ làng ra đi khá nhiều. Qua xứ người làm ăn khá giả, họ trở về xây dựng những lăng mộ tráng lệ như thế này cho ông bà cha mẹ những người đã khuất.
Chúng tôi cùng có chung một cảm giác hơi bàng hoàng khi rời “thành phố lăng” vì không thể tưởng tượng nổi ở một làng quê xa xôi như thế này lại có quá nhiều xây dựng tốn kém cho người đã mất như thế. Trên đường về làng, Sinh dừng lại ở một nghĩa trang nhỏ, chỉ cho chúng tôi xem một “lăng” đã xây dành sẵn cho hai vợ chồng một người anh họ của tôi, Sinh nói cái “lăng” này ít tiền hơn, tuy không bằng những lăng mộ ở An Bằng nhưng trông lộng lẫy không kém!
Con đường chạy qua hàng chục cây số đồng lúa xanh tươi có rất nhiều hoa dại mọc ven đường, qua nhiều sông nước thuộc hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Cảnh tuyệt đẹp như lạc vào thiên thai. Lúc này đây câu ca dao xưa lại văng vẳng bên tai tôi:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”….

Phá Tam Giang - Đầm Cầu Hai nhìn từ trên đỉnh núi chùa Túy Vân.
Chiều trên phá Tam Giang
 
Vào thời xa xưa, phá Tam Giang cùng với cửa biển Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ai muốn thượng kinh đều phải vượt phá, thời bấy giờ hai bên bờ phá um tùm lau sậy là nơi có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng nên “thương em” mà anh không dám vào là vậy. Nơi đây là một cảnh đẹp hết sức ngoạn mục. Từ đỉnh núi chùa cổ Túy Vân nhìn xuống ta sẽ thấy hàng trăm chiếc đò nằm lặng lờ soi bóng xuống dòng nước lặng yên như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Hàng năm có thể khai thác trên vùng đầm phá này hàng nghìn tấn tôm cá hải sản. Đặc biệt “tôm sóc” ở đây rất ngon và ngọt, nhiều quán bánh bèo ở Huế chỉ dùng loại tôm này làm nhân cho bánh. Và lá gói bánh nậm bánh bột lọc là lá dong chứ không phải là lá chuối càng tăng thêm hương vị thơm ngon. 
Vào đến làng, trước ngõ chợ làng tôi đã thấy khá đông người tụ tập. Có nhiều ông già mặc áo dài, đội khăn đóng màu đen bên cạnh những người đàn ông mặc âu phục, thắt cà vạt hẳn hoi. Ngôi nhà nơi tổ chức đám giỗ ở gần đó. Ông anh họ của tôi – năm nay 82 tuổi, cũng áo thụng đen đội khăn đóng, là người được dân làng bầu làm “trưởng làng” do “ăn nói khéo” và là người có uy tín với dân làng, lo việc quan, hôn, tang, tế trong làng. Khi gia đình cúng xong, họ bưng một mâm trầu cau dâng cho ông trưởng làng. Trưởng làng nhận mâm trầu cau rồi là bữa tiệc bắt đầu.

Tụ tập đi ăn giỗ ở làng
Trước chợ làng cùng với ông trưởng làng
 
Có khoảng 15 bàn ăn ở đây, mỗi bàn 10 người. Và toàn là đàn ông đi ăn cỗ. Có vài người đàn bà, nhưng không nhiều, có lẽ vì chồng đã mất nên các bà đi thay thế. Bên hàng xóm, lấp ló vài người đàn bà từ xó bếp. Trong nhà ngay cả con dâu cũng không được phép ngồi ăn với làng mà phải ăn sau. Tất cả phụ nữ đều ở phía sau hè, tay bồng tay bế con nhỏ hoặc đang cho vịt gà ăn.

Tôi bỗng nhớ lại ngày xưa ấy lúc về làng cùng với ngoại tôi cũng đã được dự một đám cúng giỗ ông cố ngoại tổ chức ngay nhà thờ họ. Tiếc là tôi không thể nhớ nhiều, chỉ thấp thoáng nhớ rất đông người đến dự. Người ta đã mổ heo làm thịt ngay lúc đó, rồi sau khi luộc chín, vừa dọn ăn, mỗi người còn được lãnh một phần xôi thịt đem về.
Ông anh họ của tôi, ngày xưa từng làm xã trưởng ngôi làng này. Ngày ấy đơn vị hành chính làng xã là một làng một xã, bây giờ ở nơi đây một xã có 4 thôn, mỗi thôn chừng vài ba chục hộ dân. 10 năm trước đây, con cái đã đón 2 ông bà qua Mỹ sống. Được vài năm, ông than buồn nhớ quê nên đòi về, các con cho ông bà về, xây một cái nhà thật to, làm sẵn luôn “lăng” mộ, lót cả đường đi vào nhà thờ họ. Rồi ông lại được dân làng bầu làm “trưởng làng”. 

Ông chắc lưỡi nói “Làm cho vui như ri chớ cực lắm, không có ăn lương, mà nhà ai có chuyện chi ghen tuông đêm hôm cũng gọi, kiện cáo cũng kêu cũng réo, cúng kiếng cưới xin tang ma đều phải có mặt!"
Ăn giỗ xong, chúng tôi theo ông anh họ đi thăm một vài nhà bà con, các mệ các o còn lại trong làng. Họ ôm chầm lấy chị em tôi, có người khóc ròng khi nhắc đến ngoại, mẹ tôi. Chúng tôi cũng ghé thăm những ngôi chùa làng mà mẹ tôi ngày trước thường lui tới. Tôi đã rất vui và cười nhiều hôm ấy. Sung sướng biết bao khi được sống trong cảnh làng quê lần này, dù chỉ vài tiếng đồng hồ! Rồi tôi ra đứng ngoài cánh đồng mênh mông lộng gió, hít thở khí trời trong sạch. Ngôi làng có vẻ khang trang hơn trước nhiều. Nhà nào cũng có vườn rộng, hoặc có ao nuôi cá. Tôi hỏi ông anh về giá đất ở đây. Ông bảo chỉ sợ không ai chịu ở, chứ đất ở đây … cho không!

Ngôi trường làng
Đến trường

Một ngôi trường làng tôi gặp trên đường là trường tiểu học của xã, khá lớn và tử tế. Các em học sinh túa ra từ các cánh đồng, nơi xa xa là những xóm nhỏ. Các em hồn nhiên nhảy qua những con mương để đến trường, hay đèo nhau trên chiếc xe đạp từ lùm tre phóng ra. Cách đó không xa là biển Vinh Hiền, một bãi biển còn hoang sơ rất đẹp với những chiếc thuyền gỗ có thiết kế là lạ đẹp gần như những chiếc thuyền cổ Ai Cập nằm trên biển chờ giờ ra khơi. Qua bên cửa Tư Hiền còn có chùa cổ Túy Vân thành lập từ cuối thế kỷ 17, cảnh đẹp như cõi tiên, nay vẫn còn dấu bia đá khắc đề thơ của Vua Thiệu Trị. Và tôi đã nhớ ra rồi, ngày ấy nơi này, tôi đã leo lên những bậc tam cấp đá nhìn xuống biển. Vẫn còn cảnh cũ ngày xưa nhưng ông anh họ người dẫn tôi ra biển đã mất vì bom đạn vào những ngày tháng tư 1975. Mệ Khiêm với chiếc quan tài để sẵn trong nhà cũng không còn. Rồi các bà cô bên ông ngoại, bà ngoại tôi, cả mẹ tôi nữa cũng đã đi xa lắm rồi.
Tôi bước đi trên bờ ruộng mà lòng cứ ngẩn ngơ giữa hiện tại và nỗi nhớ về ngày xa xưa ấy. Nhớ bước chân cùng bà ngoại đi qua những cái “trạng” cát trắng. Nhớ ánh trăng chiếu sáng sân phơi thóc nhà mệ Khiêm, mùi hương hoa cau thoang thoảng, tiếng lá xào xạc và cánh chim vỗ bay vút vào trong đêm xa xăm. Tôi thấy tôi đang đi tìm lại tuổi thơ tôi. Đâu đó là dấu chân, là tình yêu của ngoại, của mẹ, của những người bà con thân thuộc luôn mở rộng vòng tay đón tôi về. Có một nơi chốn để về, như đứa trẻ con chỉ thấy ấm áp khi đang ở trong nôi, trong vòng tay yêu thương của mẹ hiền. Và dường như chưa bao giờ tôi cảm thấy được niềm hạnh phúc tỏa lan trong lòng tôi đầy xúc động đến như thế...

NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Tháng 3 - 2014