Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

VỀ LÀNG HOA SA ĐÉC



Mùa xuân gắn liền với hoa xuân. Khi những cơn gió lạnh dần tan và thời tiết ấm lên báo hiệu mùa xuân sắp về, là lúc muôn hoa bắt đầu tưng bừng hé nở. Có lần đi qua sông Sài Gòn từ phía Lái Thiêu về, tôi đã dừng lại ngây ngất nhìn một chiếc thuyền chở đầy ắp hoa cúc vàng neo bên sông. Chỉ là một chiếc thuyền nhỏ nhoi khiêm tốn, với những bó hoa cúc trong chậu đan bằng nan tre, nhưng sao sáng rực cả một góc sông như chở mùa xuân về. Và có lẽ từ đó, tôi yêu hoa cúc vàng.
Những năm trước, tôi thường đi làng hoa Gò Vấp chọn vài chậu hoa kiểng đem về. Thường thì ghé qua các công viên lớn trong thành phố đồng loạt khai hội hoa xuân kể từ 23 tháng chạp trở đi. Cũng có nhiều lựa chọn cho những loài hoa lạ, có cả hoa đào miền Bắc hồng tươi dịu dàng bên mai vàng miền Nam sáng rỡ, hay nhiều loại lan tuyệt đẹp. Năm nay, 18 tháng chạp tôi đổi hướng cùng các bạn đi về miền Tây viếng làng hoa lớn nhất của Sa Đéc, Đồng Tháp.


Vừa qua, ở Sa Đéc có một lễ hội làng hoa kéo dài một tuần có tên "Nơi bốn mùa khoe sắc" diễn ra từ mồng 10 đến 17 tháng chạp thu hút nhiều khách du lịch các nơi đến tham quan. Khi chúng tôi đến thì đã qua mùa lễ hội, nhưng những làng hoa lớn ở Sa Đéc như Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông, Tân Khánh Trung với bạt ngàn những cánh đồng hoa mới thật sự tưng bừng vào mùa vụ Tết, chuẩn bị thu hoạch đem về các tỉnh thành khắp nơi để bán.
Làng hoa Sa Đéc có diện tích trên 250 ha với gần 2.000 hộ làm nghề trồng hoa. Có hơn ngàn loại hoa, nhờ khí hậu thích hợp, hoa Sa Đéc đẹp có tiếng và là nguồn cung cấp cho nhiều tỉnh thành.

 

Từ đầu đường đi vào cổng chào, bước qua cầu là cả một khung cảnh nên thơ trước mắt. Trên con kênh xanh, những chiếc thuyền neo chất đầy hoa tươi chờ đưa đi bán. Dường như nhà nào cũng trồng hoa, từ những vách nhà sàn phủ đầy cây leo và hoa nằm dọc theo bờ kênh đến những túp lều tranh nhỏ hay mái ngói đỏ bên đường nằm lọt thỏm trong một đồng hoa lớn trước cửa nhà rực rỡ đủ sắc màu. Và cứ thế chúng tôi đi mãi trên con đường làng đẹp nhất của mùa xuân.
Ở làng hoa Tân Quy Đông, nơi chúng tôi ghé đến đầu tiên, người dân không trồng hoa dưới đất như nhiều nơi khác mà trồng trên giàn, nước tưới hoa được dẫn vào từ những kênh rạch gần đó. Có lúc con nước lên, người ta phải bơi thuyền vào để chăm sóc cây. Nơi đây không chỉ trồng hoa mà còn nhiều loại cây kiểng như mai, khế, cau, quất, sung, si...


Du khách khắp nơi nườm nượp đổ về những ngày này. Nhiều thanh niên thiếu nữ quần là áo lượt như đi trẩy hội, khung cảnh vui mắt và rộn ràng sắc xuân không kém ngày xưa, chỉ khác là ngày nay ai cũng có I-pad, I-phone nên tha hồ làm nhiếp ảnh gia, chụp hình hay "selfie" nên các thợ chụp hình chuyên nghiệp cũng không còn nhiều cơ hội như trước. Trong những cánh đồng hoa rung rinh khoe sắc, từ vạn thọ và cúc vàng tươi, hướng dương rực rỡ, mồng gà đỏ thắm, đến rất nhiều giống hoa ngoại nhập đủ màu xanh, tím, hồng, cam ... Nhìn thấy bao nhiêu là hoa đẹp, tôi cũng mê lắm, nhưng nghĩ vẫn còn sớm quá để đem về, nên đành không mua, chỉ đi ngắm thôi.


Từ Tp HCM, bạn có thể đi về hướng cầu Mỹ Thuận theo quốc lộ 1A, sau đó qua quốc lộ 80 để đến Sa Đéc. Vào mùa Tết thì nếu đi theo đường Gò Công, Mỹ Tho, qua cầu Rạch Miễu, hướng về Cái Mơn, Chợ Lách, bạn sẽ được ngắm no mắt làng hoa lớn rực rỡ của Bến Tre không kém Sa Đéc nằm hai bên con lộ. Sau đó qua phà Đình Khao đến Vĩnh Long, và đi thêm không xa nữa là đến Sa Đéc.
Một ngày vô cùng mãn nhãn với muôn hoa, lại được ngắm nhìn cảnh chợ búa xôn xao, thuyền bè tấp nập trên các dòng sông, kênh rạch hay xe cộ đang trên đường vận chuyển các loại hoa và cây kiểng đi tỉnh, những gánh hàng rong, quán xá tưng bừng mua bán kiếm tiền lo Tết ... mới thấy được cái không khí Tết nhộn nhịp ... bên cạnh những lo toan đời thường của miền Tây.

* Bài và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm 
   Mùa xuân 2017

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

NHỮNG NHỊP CẦU BẾN TRE (II)

Chuyến đi đầu năm 2017 của nhóm Hiểu & Thương cùng chúng tôi, lại là khánh thành hai chiếc cầu dân sinh ở huyện Thạnh Phú trong chương trình vận động hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn xóa cầu khỉ của tỉnh Bến Tre. Lần này, nhà tài trợ cho cây cầu số 1 là nhóm cựu sinh viên lớp Việt Hán I ĐHSP Sài Gòn chúng tôi và cho cây cầu số 2 là nhóm Dưỡng sinh, Thái cực quyền của công viên LVT.

Một ngày nắng nhẹ và nhiều gió. Từng đợt gió thổi lồng lộng trên khắp cánh đồng vừa gặt xong vụ lúa Đông Xuân của người nông dân nơi đây, những cánh cò trắng bay trên bầu trời xanh ngắt tạo nên sắc màu tươi mới cho mùa xuân đang đến rất gần. Từng nghe các tỉnh miền Tây Nam bộ điêu đứng gần cả nửa đầu năm nay do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và ngập mặn, những cánh đồng lúa của nông dân chết hàng chục ngàn hectare, nay nhìn thấy cảnh lúa vừa gặt xong, sân nhà nào cũng phơi đầy thóc vàng, chúng tôi thấy thật vui và ấm áp hẳn trong lòng.


Con đường từ ngoài lộ vào nơi khánh thành xa chừng một cây số, bề ngang nhỏ chỉ vừa đủ một chiếc xe gắn máy len lỏi giữa hai bờ ruộng, còn khó khăn hơn con đường mà lần trước vào tháng 9-2016 khi chúng tôi đến dự khánh thành 3 cây cầu dân sinh ở Mỏ Cày Nam và huyện Thạnh Lộc. Cây cầu số 1 chưa xong do có một trục trặc nhỏ vào phút cuối, tuy nhiên điều này cũng giúp chúng tôi được mục sở thị cách xây dựng cây cầu từ ban đầu, và điều đó làm chúng tôi yên tâm khi biết mục tiêu của chú Hai Y và nhóm tư vấn thiết kế xây dựng cầu đường Bến Tre là xây dựng cầu có độ bền 100 năm. 

 

Cây cầu số 2 cách đó không xa nhưng đường đi vào và quang cảnh mát mắt hơn nhờ những cánh đồng cỏ xanh óng ả xen lẫn những khoảng ruộng còn trơ gốc rạ sau khi đã thu hoạch. Có con đường rợp bóng bông lau trắng xóa rất đẹp. Một ao súng với những búp hoa đang hé nở. Giữa những vạt dừa nước gần đó, một đàn vịt đang tung tăng bơi lội... Khung cảnh thật bình yên, thơ mộng. Được biết ở khu vực này có nhiều cháu nhỏ đang độ tuổi đến trường. Người dân nơi đây rất vui mừng và mong mỏi sau khi khánh thành được bước chân qua cầu. Với họ là cả một sự thay đổi lớn trong cuộc sống.

Một ngày thật vui vì chúng tôi cảm thấy đã đóng góp được một phần bé nhỏ của mình đem đến niềm hạnh phúc cho nhiều người dân nghèo sống quanh đây, nơi chốn xa xôi hẻo lánh này. Rồi đây trên cây cầu này, người nông dân sẽ chở từng chuyến xe đầy gạo thóc ra tỉnh bán, từng đoàn học sinh sẽ đến trường, các chị các mẹ sẽ ra chợ... Như những bông hoa nở tặng mùa xuân, những cánh chim én báo xuân về, hai chiếc cầu bé nhỏ này cũng mong muốn đem đến mùa xuân cho mọi người...
 

6-1.2017
Dieu Tam Nguyen
Gửi đến các bạn Việt Hán I ĐHSP SG cùng các bạn trên cùng "chiến tuyến"

Mời xem Những Nhịp Cầu Bến Tre (I) viết về chuyến đi Mỏ Cày Nam vào tháng 9-2016:
http://ngdieutam.blogspot.com/2016/09/mot-ngay-voi-nhung-nhip-cau-ben-tre.html

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

GIAO THỪA VÀ PHÁO HOA

Trong giờ phút thiêng liêng đón giao thừa Tết Dương lịch tại Việt Nam, tôi lại nhớ đến giao thừa những năm cũ.
Còn nhớ năm 1992, lần đầu tiên tôi được đón giao thừa tại Sydney. Cũng rộn ràng háo hức như tuổi trẻ. Ngày ấy em gái chưa lập gia đình, buổi chiều cậu bạn trai đến từ sớm giục hai chị em chúng tôi đi ra bến cảng Darling Harbour dành chỗ tốt trước khi đông người kéo đến. Đây là nơi tập trung bắn pháo hoa mừng năm mới ở Sydney, có thể nhìn toàn cảnh cầu Harbour Bridge và nhà hát Con Sò (Opera House) nổi tiếng của nước Úc. Gọi là đến sớm, nhưng lúc ra đến nơi chúng tôi đã thấy rất đông người vì có lẽ ai cũng cùng ý nghĩ như vậy. Dòng người càng lúc càng lũ lượt đổ về, chẳng mấy chốc cả bờ bến cảng đông nghịt không chỗ chen chân. Thời gian cuối năm ở Úc rơi vào mùa hè nên 7, 8 giờ tối trời vẫn còn sáng trưng. Đến 9 giờ, khi bầu trời đã hoàn toàn chìm trong bóng tối thì màn pháo hoa đầu tiên bắt đầu. Nhưng đây chỉ là màn pháo hoa ngắn dành cho trẻ em. Sau đó những gia đình có con nhỏ cho con về nhà ngủ. Còn lại là người lớn sẽ tham gia đến nửa đêm để chứng kiến cảnh giờ khắc giao thừa từ biệt năm cũ bước sang năm mới. Gần đến nửa đêm, màn countdown bắt đầu: 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1, 0… Một tiếng nổ vang trời giữa hàng loạt bông pháo rực rỡ đủ màu sắc, hình dạng đồng loạt bay vút lên bầu trời rồi rơi xuống như hàng ngàn vì sao giữa tiếng reo hò HAPPY NEW YEAR! Mọi người đồng thanh hò reo chúc mừng năm mới. Những cặp tình nhân ôm chầm lấy nhau hôn. Nhiều người đem ra cả rượu và rót vào ly chúc mừng. Tiếng reo vui, cười nói rộn rã trong tiếng pháo nổ liên tục. Có được xem màn bắn pháo hoa ở Sydney mới thấy đây là cả một màn biểu diễn mang tính nghệ thuật cao, không chỉ là những bông pháo nở bừng trên bầu trời, chạy thành dãy như dải Ngân hà, mà còn là những luồng ánh sáng đan xen vào nhau ngoạn mục trên thành cầu Harbour Bridge, có khi tạo thành một dòng thác khổng lồ lấp lánh tuôn chảy từ trên cầu đổ xuống dòng sông, nơi có nhiều tàu bè đang neo.
Đêm giao thừa 2014 tôi lại có mặt ở Sydney lần thứ hai, và cũng được đón mừng năm mới. Lần này từ nhà em trai đi ra trung tâm khá xa nên chúng tôi chờ ngắm pháo hoa từ công viên gần nhà. Dừng xe ở parking, chúng tôi đi bộ vào bờ sông. Một cảnh tượng rất nhộn nhịp và vui vẻ khi nhiều người có lẽ đã đến đây camping từ sáng. Họ dựng lều trại, có nhóm bày bàn ra tổ chức tiệc tất niên hay chỉ đơn giản trải những tấm khăn xuống cỏ. Vì thành phố quá rộng, có nhiều điểm đốt pháo hoa trong đêm giao thừa. Nơi đây dĩ nhiên pháo hoa không ngoạn mục như ở Darling Harbour nhưng cũng đem đến cho mọi người một không khí vui tươi đón chào năm mới. Đêm hôm ấy trời có trăng nhưng nhiều gió, vầng trăng cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong mây như nhường chỗ cho pháo hoa biểu diễn tưng bừng trên không trung. Tôi đứng nhìn quang cảnh chung quanh và thấy cảm động khi dường như mọi người đều tạm rũ bỏ những muộn phiền, điều không như ý của năm cũ để cùng hòa vào đất trời, thiên nhiên và tình yêu con người. Nhiều cặp đôi chọn chỗ ngồi trong bóng tối của hàng cây khuynh diệp. Từng nhóm người quây thành cụm. Một nhóm có người già và con cháu họ đang cụng ly chúc mừng bên lò thịt nướng thật đầm ấm vui vẻ làm tôi thấy nhớ nhà, nhớ gia đình ngày cha mẹ và các anh chị em tôi còn bên nhau luôn quây quần ấm cúng trong đêm cuối năm... Ngày ấy đã xa rồi!







Rồi từ Sydney lại nhớ về Saigon. Tôi cũng từng thích đi xem pháo hoa vì không chỉ được ngắm nhìn màn biểu diễn đẹp mắt trên không trung của những bông pháo mà còn thích không khí hòa quyện chia xẻ niềm vui chung đón mừng năm mới của mọi người. Có những năm tôi và gia đình, bạn bè cùng rủ nhau ra cảng Sài Gòn. Có năm chúng tôi chọn một chỗ ngồi từ một nhà hàng nào đó gần sông và ngồi trên sân thượng hay tầng cao nhất, có năm đi ra bờ sông và chờ đến giờ countdown. Một trong những đêm giao thừa ấn tượng ở Sài Gòn là dự đêm giao thừa trên con tàu F. Diamond của Fashion TV khi họ đến Việt Nam lần đầu tiên ở cảng Sài Gòn vào năm 2007, và đêm giao thừa năm 2008 cùng với hai cặp vợ chồng bạn trong kinh doanh trên con tàu nhà hàng của Saigon Tourist đậu ở bến tàu gần nhà hàng Mỹ Cảnh.
Giao thừa năm vừa qua thì cả gia đình vừa ăn tất niên ở một nhà hàng ngoài phố Nguyễn Huệ đã vội quay về khi thấy trung tâm quá đông người, sợ sẽ có thể không đón được xe về nhà sớm vì gia đình bây giờ đã có vài em bé. Và hầu như năm nào cũng vậy, tất cả những con đường quanh trung tâm đều kẹt xe, muốn đón xe phải đi bộ khá xa, hay phải chờ một, hai tiếng đồng hồ cũng là chuyện thường tình. Mãi rồi nhiều người và tôi cũng đâm ra sợ khi phải xuống phố vào đêm giao thừa Tết dương lịch. Riêng giao thừa Tết Nguyên đán, tôi thường đi bộ đến một ngôi chùa gần nhà dự lễ đón mừng năm mới.
Đêm nay cũng vậy, trong giờ khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, tôi không xuống phố mà ngồi nhà xem các video pháo hoa từ Sydney. Cách giờ Việt Nam 4 tiếng, giờ này Úc châu đã bước sang năm mới, còn ở đây chúng tôi đang chuẩn bị countdown trong vòng 1 tiếng đồng hồ nữa.
Một năm lại trôi qua, nghĩ thời gian không quá dài nhưng có lẽ với các bạn, cũng như tôi, đã xảy ra nhiều sự kiện, những niềm vui lẫn nỗi buồn, có cái được cái mất… Trong khoảnh khắc giao thừa này, hãy nhìn và bước về phía trước. Xin chúc mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, tràn đầy niềm tin yêu, hy vọng trước mắt vẫn còn những khởi đầu mới mẻ…
Đêm Giao thừa 2016-2017
Nguyễn Diệu Tâm

Hình ảnh: Pháo hoa mừng năm mới 2017 tại Sydney, Úc châu.
Nguồn: http://www.dailystar.co.uk