Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

ĐÊM NHỚ MẸ




Cũng là đêm như mọi đêm thôi
Sao đêm nay con nhớ về quê cũ,
Nhớ thật nhớ mùi thơm của mẹ
Không khác chi mùi cơm chín mẹ ơi.

Chẳng khác gì nhớ nải chuối buồng cau,
Khác gì nghe tiếng con bìm bịp kêu chiều
Mùi rạ khô thổi về từ cánh đồng đã gặt
Con nhớ mẹ như chưa từng đã nhớ.
Nỗi nhớ theo về từ cả những ngày thơ.

Khi trăng lên từ núi đằng Đông,
Rớt vào trong đáy giếng
Tàu chuối sau hè liếm từng giọt sương đêm nóng hổi
Cái sân gạch cũ xanh màu rêu xám tối
Ngửa mặt đón trăng về
Và mẹ hiền ngồi lặng lẽ bên giếng giặt áo cho con

Như con ếch nhỏ ngần ngừ trên tàu lá sen héo úa
Muốn nhảy ra khỏi vũng lầy tăm tối đi thật là xa
Lúc xa rồi con mới nhớ cái ao làng
Nhớ tàu lá úa che chở cho mình
Nhớ bóng tối đêm về dù âm u thê thảm
Vì sao ta không thể quên thời thơ ấu quên cái làng xưa
Có phải vì đó vẫn là nơi cái tình sâu và ấm nhất
Nơi có cái giếng nơi mẹ đã sinh ra chúng con
Là nơi trăng rụng xuống thềm
Là nơi mẹ thì thầm chuyện tình yêu.

Con hiểu vì sao
Giây phút cuối mẹ nhìn con và nói
Đêm qua mẹ đã mơ một giấc mơ
Mẹ về làng, nơi căn nhà cũ có cái giếng nước.
Con bật khóc
Bao năm rồi nơi phố thị xa hoa
Mẹ vẫn không bao giờ quên cái giếng
Cái gàu sòng múc từng vạt nước
Tắm cho những đứa con
Đứa nghịch ngã ngoài ao lấm sình
Đứa đi học hay lang thang về muộn

Cái giếng cũng như cuộc đời
Có khi đầy khi cạn
Nhưng tình mẹ luôn đầy
Như bầu trời bao bọc chúng con
Như trăng khuya lặng lẽ soi
Lũy tre làng cây đa đầu đình
Ôm cả làng quê trong nỗi nhớ - mà không cần phải nói.

Đêm nay trăng không sáng nơi thành phố
Hẳn vì trăng đang nghiêng mình soi xuống đường làng
Và rơi trên miệng giếng
Tỏa sáng nơi mẹ ngồi giặt áo cho con ngày xưa…
Mẹ ơi!

* Nguyễn Diệu Tâm 
Ảnh: Quê nhà - Nguồn Báo Gia Đình, Face Book.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Khi Chia Tay



Cho anh nắm tay em,
Xin đừng từ chối.
Kể cả nụ hôn rất vội,
Vì cuộc đời chỉ là những chia ly.

Cho anh ôm em
Như là lần cuối,
Khi tiễn em trên sân ga.
Xin đừng từ chối,
Mỗi lần "say goodbye"
Là có thể không bao giờ
Còn gặp lại.

Nụ hoa hồng mới nở hôm nay,
Ngày mai không còn nữa.
Tình cứ ngỡ trăm năm,
Mà ghế đá công viên vắng một chỗ ngồi.

Những buồn đau ta phải quên
Ngày sẽ không còn dài
Bóng hoàng hôn đang rơi xuống
Buông tay nhau ra
Xin em đừng buồn
Khi cuộc đời chỉ là những chia ly...

* Dieu Tam Nguyen
Ảnh: M. Pringle

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

MỘT MÌNH

Một góc biển Mũi Né - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Đã lâu lắm rồi, cũng hơn 30 năm trôi qua, chiều nay tôi mới gặp lại chị. Theo địa chỉ nhắn tin vào điện thoại, tôi tìm đến thăm chị khi chiều buông xuống. Trời Sài Gòn những ngày tháng tư này rất nóng nực, đi đâu tôi cũng tránh giấc trưa là lúc trời nắng gắt và nóng nhất. Theo hướng dẫn của Google map vì hướng quận 10 ít đi nên không rành, tôi đi ra đường Ba tháng Hai, rẽ phải, rồi rẽ trái sau khi qua nhiều ngã tư ngã năm và cả ngã sáu. Dừng lại xem địa chỉ, có đến mấy cái “sur”. Cuối cùng cũng tìm ra, rẽ vào một con đường ngang 8 m, đi sâu vào cái hẻm nhỏ ngang 3 m, qua một gánh bánh canh có nhiều người đang ăn rồi thêm một con hẻm nhỏ chừng 2 m ngang nữa, tôi dừng lại trước căn nhà trọ chị đang ở tạm trong những ngày đi Sài Gòn khám bệnh.
Chị ngồi trên cái sập gỗ trong căn phòng phía trước, mừng rỡ khi thấy tôi đã đến. Còn đang tần ngần không biết dựng xe ở đâu giữa lối vào ngõ hẻm, bà chủ nhà trọ - một bà bác trên 70, nói với tôi: “Cô để xe ngay sát cửa đó đi, ừa đó đó ... sát vô chút nữa. Hổng sao đâu!” Còn chị vẫn ngồi trên sập gỗ, ngoắc ngoắc tay: “Chị vô đi!” Hơi ngần ngại vì thấy ông chồng bà chủ nhà trọ đang nằm tòng teng trên võng đong đưa ngay lối vào, như thiu thiu ngủ hoặc xem ti vi trong âm thanh mở thật lớn. Bà chủ nhà trọ lui cui lau chùi sàn nhà, xong việc cũng leo lên nằm trên cái sofa cũ trong góc. Có vài cô cậu tre trẻ từ trên gác đi xuống, lao xao một lát. Chị và tôi cùng im lặng, đợi cho bớt khách ra vào rồi mới bắt đầu câu chuyện. Chị nhìn tôi cười: “Chèn ơi, lâu lắm rồi phải hôn chị?” Chị có vẻ như không già đi nhiều sau bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Tôi hơi thắc mắc khi thấy chị vẫn ngồi yên trên sập gỗ, chung quanh bề bộn những túi những bao ny lông. Chị đưa cho tôi một bịch: “Quà cho chị nè!” Tôi kêu lên: “Trời ơi, đi đường xa xôi, quà cáp làm gì! Gặp nhau là vui rồi.” Chị cười: “Có chút xíu hà, đâu có gì đâu, hũ mắm ruốc, bịch bánh kẹp tui đặt người ta làm, ngon lắm nghen chị!” Tôi hỏi: “Gần đây có quán ăn hay quán cà phê gì không? Mình ra đó ngồi nói chuyện rồi ăn uống chút gì cho vui. Ở đây tiếng ti vi ồn quá.” Chị nói: “Tui đâu có đi được. Giờ đi đâu cũng phải vịn. Có cái xe đẩy 4 chân bỏ ở nhà rồi. Mà ngồi đây cũng được chị à, hổng có sao đâu. Tui quen rồi!” Tôi giật mình mới nhớ lại, hơn 30 năm trước khi chị từ quê lên Sài Gòn học may, ai đó giới thiệu chị đã đến cái lớp nhỏ dạy thêu may của tôi. Lúc đó chân trái của chị đi cà nhắc, chị bảo chị bị tai nạn hồi nhỏ, nên chân trái giờ bị yếu. Chị khéo tay và siêng năng, sau khóa học căn bản chị học thêm một số áo kiểu, sơ mi và quần tây nữa rồi về quê. Từ đó chị có một cái nghề để sống nuôi thân. Bao nhiêu năm không gặp, không biết chị trôi giạt về đâu, gần đây tình cờ một người quen cũ gặp tôi báo tin cho chị biết, thế là chị xin số điện thoại để liên lạc. Chị còn cẩn thận dặn tôi đừng gọi cho chị mà tốn tiền, khi nào chị nhớ tôi muốn nói chuyện với tôi thì để chị gọi.
Tôi xót xa nhìn chị. Tôi đã quên rằng theo thời gian, tuổi tác, cái chân trái của chị nay càng yếu, đi đứng càng khó khăn hơn. Hỏi chị nay lên Sài Gòn khám bệnh gì, có vấn đề gì không, chị bảo: “Không có gì, chỉ là khám tổng quát thôi. Bác sĩ nói tui hổng có bệnh gì hết!” Tôi nói mừng cho chị. Vào tuổi này mà “hổng có bệnh gì hết”, chắc nhờ chị sống ở xứ biển, ngâm mình trong nước biển mỗi sáng khi nắng lên, ăn cá biển tươi, hít thở không khí trong lành. Hay bởi vì chị sống độc thân không chồng không con nên chị không có gì phải suy nghĩ lo lắng? Chị cười, hàm răng đều và trắng. Chị khoe vì nhờ chị chăm sóc răng tốt. Một lát bỗng chị thở dài: “Chị nhớ hồi đó tui có kể cho chị nghe chuyện tình yêu của tui hông?” Tôi hơi giật mình, vì quả thật tôi không nhớ gì hết. Và thật tình tôi không dám nghĩ chị còn quan tâm đến “tình yêu”. Nhưng nếu tôi bảo tôi không nhớ thì chị sẽ buồn, nên đành gật gật đầu: “À, có nhớ. Rồi bây giờ ra sao vậy chị?” - “Ổng chết rồi! Bị bệnh chết rồi đã mấy năm nay. Oan nghiệt lắm chị ơi...” Vậy là tôi ngồi nghe câu chuyện tình yêu mà chị kể. Chị kể hơi lung tung, đuôi trước đầu sau, nhưng đại khái tôi hiểu là chị quen một người đàn ông lớn hơn chị 2 con giáp từ những năm tuổi trẻ, và chuyện không thành. Chị lại thở dài: “Giờ ổng chết rồi. Tui cũng ôm mối tình này trong lòng. Sống để bụng, chết mang theo đó chị!”
Tôi cũng dự định khi chị kể ra cho tôi nghe “chuyện tình yêu” của chị, nếu có gì “gay cấn”, làm cho chị ăn không ngon ngủ không yên hoặc trăn trở, ân hận, bứt rứt điều gì đó thì sẽ tìm cách an ủi chị cho chị đỡ buồn. Đôi mắt chị thoáng buồn khi nhắc đến chuyện cũ, có hơi rươm rướm nước mắt. Nhưng theo cách chị nói là chị đã biết giải quyết chuyện của mình một cách mạnh mẽ, dứt khoát, nên tôi thấy yên tâm và không phải nói một lời nào nữa.
Trời đã tối, khi từ giã chị ra về tôi dặn dò chị ngày mai khi về quê nhớ nhắn tin cho tôi biết đã về đến nơi an toàn. Nghe nói chị đi cùng với mấy người quen nữa, nên chắc họ sẽ giúp chị trong việc đi đứng cho đến khi về tận nhà. Mà sao trên đường về tôi cứ hình dung ra bóng chị một mình đơn côi trong căn nhà nhỏ ven biển. Ở quê, khi chiều xuống buồn lắm, cô đơn lắm. Chị sẽ một mình đi ra đi vào. Chị bảo chị đốt hết những lá thư ông gửi cho chị. Tôi hỏi sao chị không giữ làm kỷ niệm. Chị trả lời: - “Buồn lắm chị ơi. Chiều chiều nhớ ông, tui chỉ biết thắp cây nhang ngoài trời cho ông ấm áp. Có khi linh hồn ông không về với gia đình vợ con mà về với tui thì sao”... Tự dưng tôi cũng nhớ lại câu chuyện một người đàn bà sống một mình đến cuối đời và thờ người yêu mất đã lâu trong chiến tranh với cái khung hình trống không có ảnh. Chợt nghĩ, có khi ta không hiểu giữa hai người sống độc thân không vướng bận con cháu gia đình, thì người không có một mảnh tình nào và người có một bóng hình để nhớ, để thì thầm giữa đêm khuya lúc thao thức không ngủ được ... thì ai sẽ là người cảm thấy “ấm áp” hơn?
* Bài và ảnh: Dieu Tam Nguyen

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Từ Bữa Ăn Trưa đến Chuyện Siêu Thị


Đi đi về về trên con đường Sài Gòn - Bình Dương nhiều năm nay, giữa buổi trưa tôi thường phải ghé đâu đó uống nước hoặc ăn trưa, có khi mình không muốn ăn nhưng cũng phải dừng để khách đi cùng và tài xế có chút gì bỏ bụng cho đỡ mệt trên con đường dài nắng gắt. Cũng có những quán ăn nho nhỏ bên đường, như bánh bèo Mỹ Liên gần chợ Búng, Lái Thiêu; hay một tiệm mì, phở hay bánh cuốn nào đó khi chỉ có mình tôi với bác tài từng là tài xế Vina sau đó về hưu bác tình nguyện lái xe cho tôi đi lúc cần. Nhưng nếu đi cùng khách hàng thì không thể, vì họ thường là người ngoại quốc, có khi là lần đầu tiên đến Việt Nam nên chưa quen ăn những món ăn bình dân Việt. Trong khu vực Sài Gòn thì có nhiều điểm, nhưng đường đi Bình Dương ngày trước thật không dễ cho những bữa ăn trưa, một phần vì họ thường ít hoặc không ăn trưa nên cần có những nơi phù hợp. Vì vậy khi tìm được vài chỗ có thể ghé được, tôi thường đưa khách đến để họ thư giãn nghỉ ngơi một chút trước khi về lại thành phố.

Cảnh bên sông Lái Thiêu, Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Một thời tôi hay ghé một nhà hàng "du lịch sinh thái" bên sông mé trong làng sơn mài, ăn trưa trong những cái chòi tranh, có nhiều món ăn cũng khá ngon vừa được ngắm vườn cây ăn trái lúc lỉu mận, ổi, vừa nhìn hoa súng nở và đàn cá lội tung tăng trong ao. Chủ nhân là một đôi vợ chồng. Vợ ngồi quầy thu tiền, chồng tiếp khách và trực tiếp điều động nhân viên phục vụ. Một thời gian nhà hàng có vẻ làm ăn khấm khá, đông khách đến ăn và chủ nhân cũng tuyển nhiều nhân viên là những cô gái trẻ xinh xắn từ miền Tây lên, cùng lúc tăng cường xây dựng thêm phòng ăn khang trang thì một ngày tôi đến bất ngờ thấy cảnh hoang tàn không như trước nữa. Hỏi thăm thì có người nói “hai vợ chồng ly dị rồi, nên quán có lẽ sang qua chủ khác hoặc dẹp tiệm.” Sau đó, có lúc tôi ghé nhà hàng - cafe trong một plaza trưng bày hàng gốm sứ lịch sự, vừa uống cà phê vừa ăn trưa. Có khi tôi lại ghé quán cháo vịt trên đường vào làng sơn mài, nơi có nhiều cây cao bóng mát bao quanh ngôi quán theo phong cách cổ và cái ao thả vịt trước cổng nhìn ra phía cánh đồng. Nơi đây có món vịt nướng và cháo vịt khá ngon, cuối tuần rất đông khách, có nhiều khách lái xe từ Sài Gòn đến đây. Vào mùa Tết, họ có cả một vườn mai nở hoa rất đẹp. Trong khi nhóm khách Mỹ khen các cô bé phục vụ ở nhà hàng “du lịch sinh thái” xinh xắn, thì một người Nhật chịu món vịt nướng ở quán cháo vịt, chỉ lầm bầm "họ nuôi vịt, ăn thịt vịt, còn lông vịt thì xuất khẩu qua Nhật", một người khách xứ Jordan khen ở plaza gốm sứ có pizza ngon: "bánh pizza khó nhất là cái vỏ, nhưng ở đây họ làm được" ... Còn lại hầu hết nếu đã quen với thức ăn Âu Mỹ và vì thời tiết miền Nam lúc nào cũng nắng nóng thì phải đưa họ về Sài Gòn trong những nhà hàng có máy lạnh.
Thời gian gần đây, có một siêu thị Nhật bản khởi đầu khai trương ở Sài Gòn, có vẻ thành công và họ tiếp tục mở thêm tại Bình Dương, kế bên khu công nghiệp Singapore. Những lần đi Bình Dương sau này tôi có ghé vào tham quan và xem thử. Siêu thị rất đẹp, ngăn nắp sạch sẽ, có khu food court, các quầy hàng thức ăn Nhật, Hàn, Âu Mỹ. Khu thực phẩm của họ có đầy đủ hải sản, thịt heo, bò, gà, cá tươi và rau xanh organic, không thiếu thứ gì. Buổi trưa nhân viên văn phòng và công nhân các công ty, nhà máy trong các khu công nghiệp đến đây ăn trưa rất đông. Có lẽ vì giá cả rẻ, vừa phải và được ngồi ăn trong khu food court sạch sẽ, có máy lạnh nên đông. Họ lại thường xuyên tổ chức những chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm mới, và còn tặng nhiều giải thưởng giá trị cho người mua hàng trong siêu thị. Ở Tân Phú, năm ngoái bà chị ruột của tôi may mắn trúng giải xổ số từ những voucher bà có được, giải nhất là một chuyến du lịch Nhật Bản cho 2 người. Vào những ngày Tết khi tất cả các siêu thị và shopping mall đều đóng cửa thì họ vẫn mở cửa ngay ngày mồng một. Và trong suốt các “mồng”, ngày nào đến Aeon Mall cũng đông nghẹt người, không mua sắm thì cũng là ăn uống, nhất là vào bữa trưa. Theo tôi thì họ rất tinh khi chọn một địa điểm có thể nói là lý tưởng ở Bình Dương, có thể còn tốt hơn siêu thị cùng tên ở Tân Phú, vì khu vực này rất đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, khu biệt thự và căn hộ cao cấp cho cả người nước ngoài sống và làm việc tại Bình Dương hoặc Sài Gòn. Tôi nhớ lúc siêu thị vẫn còn đang xây dựng, hôm ấy tôi đi Đồng Nai viếng trường Mỹ thuật đã nghe râm ran chuyện nhiều người sẽ đến ăn trưa tại Aeon Mall. Thêm vào đó, có lẽ uy tín của thương hiệu Nhật Bản chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng nên khi đến đây, lúc nào tôi thấy cũng đông.
Trên cùng con đường cũng có sẵn Metro, một chuỗi siêu thị bán sỉ của Đức đã hơn 10 năm nay. Có cả Big C siêu thị của Thái Lan và Lotte Mart của Hàn quốc mới xây dựng. Lúc ban đầu cũng như nhiều người khác, tôi có membership của Metro để vào mua hàng. Tôi cũng thường ghé mua văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng nội thất hay quà bánh ngày Tết. Từ ngày có Metro, nhiều nhà sản xuất và cung cấp trong nước có nơi tiêu thụ. Về thực phẩm, tôi thích bánh mì que đặc ruột, món gà quay cũng như những thứ rau quả, cá thịt tươi của họ. Gần đây Metro đã bán lại cho Thái Lan, nghe nói những mặt hàng made in Thailand đã dần thay thế cho hàng nội địa. Từ ngày đó tôi ít có dịp ghé đến nên cũng không biết có gì mới lạ hơn.
Ngày nay thì rõ ràng càng ngày người dân Việt Nam càng quen thuộc với siêu thị, không giống như thuở ban đầu khi mọi người chỉ quen với kiểu chợ truyền thống Việt Nam, khi đi chợ có thể lách xe gắn máy, xe đạp len lỏi vào tận trong các ngõ ngách của chợ, cặp sát quầy thịt cá, ngồi trên xe vói tay lựa rồi móc túi trả tiền, xong vọt đi qua quầy khác. Có vẻ như là tiện lợi, đỡ mất thì giờ, nhưng vấn đề vệ sinh an toàn có lẽ không mấy an tâm. Ngày nay dù hơi mất công phải đỗ xe trong khu parking, rồi đi bộ khá xa mới vào trong siêu thị, nhưng không gian mát rượi nhờ máy lạnh, rồi đồ ăn thức uống mọi thứ đều đã được siêu thị kiểm tra và chọn lựa, đóng gói sạch sẽ, chỉ phải nhón tay mà lấy, bỏ vào trolley rồi ra quầy tính tiền ... người tiêu dùng mới cảm thấy thật là hiện đại, vệ sinh và an toàn.
Khi đi dạo những siêu thị lớn trong bữa trưa như thế này, tôi không bao giờ quên một câu chuyện liên quan. Những năm cuối thập niên 90, lúc đó tôi đi làm ở một công ty may mặc vốn đầu tư 100% của Pháp nằm trong khu công nghiệp Biên Hòa, mỗi ngày đi bằng xe đưa rước của công ty. Ngày ấy Sài Gòn chưa có nhiều siêu thị, các tỉnh lại càng chưa có. Đa số người dân trong nước cũng chưa quen với siêu thị, với cách tự chọn hàng và đem ra quầy thanh toán tiền. Một ngày kia, dự một cuộc họp với một ông Tổng giám đốc người Pháp, chúng tôi mới biết sẽ có một đại siêu thị (hypermarket) của Pháp thành lập tại ngã ba Vũng Tàu, ngay đầu đường vào khu công nghiệp Biên Hòa. Ưu tiên cho những công ty đầu tư của Pháp tại Việt Nam, ông ta muốn chúng tôi thuê một gian hàng trong siêu thị để bán hàng do công ty sản xuất. Ông vẽ vời một tương lai vô cùng sáng lạn. Rằng siêu thị sẽ chỉ bán đa số hàng nhập về từ Pháp hoặc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chất lượng cao. Rằng siêu thị sẽ thu hút hàng ngàn khách trong các khu công nghiệp và thành phố Biên Hòa. Ông tính như thế này: “Biên Hòa có 2 khu công nghiệp (thời ấy), mỗi khu có mấy ngàn nhà máy, mỗi nhà máy có trên ngàn công nhân viên sẽ đến mua sắm tại siêu thị, cũng như hành khách từ Saigon đi các tỉnh miền Trung, hoặc từ miền Trung, Vũng Tàu đi Sài Gòn.” Để ủng hộ “đồng hương”, bà sếp tôi cho phòng Kinh doanh chúng tôi có một gian hàng giới thiệu sản phẩm ở đó. Những ngày ấy chúng tôi liên tục đến siêu thị làm việc, giao hàng, làm bảng giá, chưng bày hàng, trang trí gian hàng v.v... Có vào trong kho hàng của họ mới thấy, từng khu vực chứa hàng rất lớn. Họ xây dựng siêu thị thật quy mô, thật đẹp. Đúng là “đại siêu thị”. Ngay ở lối vào, có một bức tường bản đồ lớn ghi chú hàng trăm điểm mà hệ thống đại siêu thị Cora có mặt trên toàn thế giới. Vài tháng sau, khi đã có đầy đủ mặt hàng, siêu thị khai trương. Ngày đầu tiên, khách hàng khắp nơi đổ dồn về, đông nghìn nghịt. Có lẽ vượt quá kỳ vọng và những gì mà ông R., Tổng Giám đốc siêu thị đã dự đoán. Chỉ có một điều ông không thể tưởng tượng nổi là người dân ở đây chưa quen với cách mua hàng mà không có người trực tiếp bán. Ông cũng tin tưởng đến nỗi không cần lắp đặt camera. Hàng nghìn người ùn ùn xô lấn, chen đẩy nhau để vào trong. Hôm đó tôi bận việc không đến, chỉ nghe phòng Kinh doanh nói lại là phải tăng cường nhân viên ra bán vào ngày tiếp theo vì siêu thị quá đông người và rất lộn xộn không kiểm soát được. Đến ngày thứ ba vào buổi chiều khi đi làm về tôi ghé ngang qua thì thật là kinh hãi, những quầy hàng ngăn nắp, sạch sẽ, chưng nhiều hàng made in France từ hàng mỹ phẩm, nước hoa, kẹo bánh, giày dép v.v... đều trống trơn, hoặc tung tóe đây đó, rác rưởi xả đầy dưới sàn, y hệt như chợ chiều ba mươi Tết. Đau lòng là tiền thu được thì không bao nhiêu mà hàng mất cắp thì rất nhiều. Trong nhiều ngày sau, có một số người ra ngay phía trước bán những món hàng ăn cắp được với giá rẻ hơn trong siêu thị. Những hàng may mặc có gắn nút báo động đều bị gỡ dễ dàng trước khi ra quầy. Thậm chí có người xỏ chân vào đôi giày mới ngang nhiên đi ra hoặc dấu món đồ ăn cắp trong mũ đội đầu v.v... Sau đó nghe nói siêu thị phải cấp tốc gắn camera, tăng cường bảo vệ kiểm soát, dần dần mới êm. Thật đáng tiếc và buồn. Tôi không biết họ đã bị thiệt hại bao nhiêu và họ đã rút được những kinh nghiệm gì về việc kiểm soát, hệ thống mua bán, hàng hóa, nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực từ những ngày đầu khai trương ấy, nhưng sau đó khi trở lại siêu thị tôi nhận thấy họ đã bớt nhập hàng từ Pháp mà dùng hàng sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn, hàng hóa trung bình hơn, giá bán rẻ hơn... Sau một năm, chức vụ Tổng giám đốc của siêu thị chuyển sang một người mới khi người cũ phải ra đi. Và không lâu hơn 5, 6 năm sau, đại siêu thị phải sang lại cho một tập đoàn siêu thị khác và chẳng bao giờ nghe đến thương hiệu của họ ở Việt Nam nữa. Lúc đó tôi đã chuyển công việc, nghe vậy tôi thấy buồn, tiếc cho tiền của công sức của họ đã đổ ra. Tôi nhớ sự nhiệt tình, hăng hái buổi đầu của ông R. Cũng nhớ lần sau cùng trước khi tôi về Sài Gòn làm việc, sau buổi tổ chức trình diễn thời trang của công ty, ông R. đã muốn gặp tôi và đề nghị tôi hợp tác với siêu thị tổ chức một buổi trình diễn thời trang hàng may mặc như thế trong tương lai gần. Nhưng rất tiếc tôi đã ra đi và ông cũng vậy. Riêng về thực phẩm họ bán, đến bây giờ tôi vẫn nhớ họ có món bánh ngọt, bánh mì và pâté Pháp làm tại chỗ rất ngon.
Trường hợp ở công ty tôi làm lúc đó, có một cô giám đốc thương mại người Pháp, cũng là một tiến sĩ thiết kế. Qua Việt Nam làm việc và sống được mấy năm, cô nghiên cứu về thị trường Việt Nam, tuy rất giỏi nhưng tiếc thay cô cũng không thành công trong việc hiểu về thẩm mỹ, thị hiếu của người bản xứ để có những sản phẩm phù hợp. Ngày từ biệt ra đi, cô đã khóc rất nhiều.
Câu chuyện trên đi theo tôi suốt một thời gian dài. Về sau, mỗi khi có một vài người nước ngoài ngỏ ý định muốn qua làm ăn ở Việt Nam, hoặc ai đó muốn làm ăn sinh sống ở một nơi nào khác nơi họ đã quen thuộc, khi được hỏi ý kiến tôi đều bày tỏ sự lo âu. Tôi chỉ biết khuyên họ nên suy nghĩ thật kỹ mọi điều, phải nghiên cứu nhiều trước khi quyết định. Những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, người Việt Nam hiếu khách, hiền hòa vui vẻ từng làm nhiều du khách say đắm. Nhưng câu chuyện của đại siêu thị trên làm cho tôi suy nghĩ, khi một người có tiền, có kiến thức, đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực họ đã từng làm, đến một nơi xa lạ để làm ăn sinh sống, chưa nói đến bao nhiêu khê khác về thủ tục hành chính, pháp lý, nhân sự v.v... thì thời gian bao lâu mới đủ cho họ có hiểu biết về nơi ấy để có thể trụ lại và thành công. Dù họ cũng biết dựa vào người địa phương, tuyển dụng người địa phương làm việc cho họ, nhưng thành công không phải là điều dễ dàng hay đúng như mình đã dự tính. Để thành công cần có rất nhiều yếu tố gộp lại, trong đó có lẽ cái mà ai cũng biết là cần phải có là sự may mắn. Mà sự may mắn ở đâu, không ai thấy và có thể chạm đến được nếu điều đó không đến với mình. Tôi không biết đối với người nước ngoài, họ có tin vào hai chữ “duyên may”? Trong tiếng Pháp và Anh có từ “chance”, nhưng người Việt mình thường dùng hai chữ “duyên may”, hay hai chữ “nghiệp duyên” ý nghĩa của Phật giáo từ lâu đã thấm nhuần trong tư tưởng chúng ta - tôi thấy mạnh mẽ, bao quát và hay hơn nhiều, thường dùng để luận trong tình yêu đôi lứa, tình cảm bạn bè, đối tác, chuyện làm ăn hay bao nhiêu điều khác trong cuộc đời mà ta không giải thích được. Cái “duyên” đến với mình khi nó hợp đủ mọi điều kiện, và ra đi khi đến lúc cần phải đi.

* Bài và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen