Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

RU CON



RU CON

Một trăng sắp lặn
Hai cua mắc rào,
Ba sao .. sáng rồi!
Bốn ông mặt trời.
Sắp đỏ ... Mẹ ơi!
Địu con lên rẫy hái đọt măng thôi,
Địu con về xuôi giao hàng kẻ chợ.

À à à ơi, 
Con ngủ cho ngoan 
Trên lưng mẹ võng mảnh chăn quàng, 
Sương rừng rơi xuống đôi vai mẹ.
Lội suối lạnh căm mẹ cắn răng.

À à à ơi, 
Hãy ngủ cho ngoan,
Mẹ còn ra nương rẫy chiều nay
Con lớn trên lưng mẹ từng ngày
Suối kia có cạn 
Đá kia có mòn
Mẹ vẫn không màng 
Địu con

À à à ơi
Mai kia không còn trên lưng mẹ
Là lúc con yêu bước vào đời.
Mẹ ngồi đợi con trong góc bếp
Củ khoai lùi
Lửa tắt rồi
Khăn piêu thấm nước mắt
Nhớ con...
***

Thu Tây Bắc 2017
Nguyễn Diệu Tâm 

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

THƠ EMILY DICKINSON


How The Sun Rose - Photo by Nguyễn Diệu Tâm


EMILY DICKINSON
1- POEM 15: I HELD A JEWEL IN MY FINGERS

I held a jewel in my fingers
And went to sleep.
The day was warm, and winds were prosy;
I said: “’T will keep.”

I woke and chid my honest fingers,—
The gem was gone;
And now an amethyst remembrance
Is all I own.

Chuyển ngữ:
Tôi cầm viên ngọc trong tay,
Ngày lên đã ấm, gió hây hây về;
Nhủ thầm tôi giữ ngọc thề,
Thiu thiu đánh giấc nồng mê ngủ ngày.

Tỉnh ra còn những ngón tay,
Mân mê mới biết ngọc bay mất rồi.
Ngậm ngùi chỉ có mình thôi,
Tím hoang nhớ mỗi một màu thạch anh.
*****

2- I'LL TELL YOU HOW THE SUN ROSE

I’ll tell you how the sun rose, -
A ribbon at a time.
The steeples swam in Amethyst
The news, like Squirrels, ran –

The Hills untied their Bonnets –
The Bobolinks – begun –
Then I said softly to myself –
“That must have been the Sun”!

But how he set – I know not –
There seemed a purple stile
That little Yellow boys and girls
Were climbing all the while –

Till when they reached the other side –
A Dominie in Gray –
Put gently up the evening Bars –
And led the flock away –

Chuyển ngữ:
Mặt trời mọc ra sao tôi sẽ nói,--
Lúc sớm tinh sương là dải lụa dài.
Những gác chuông trôi trong màu thạch tím,
Tin tức, nhanh như bầy sóc, chạy quanh –

Những ngọn đồi đã tháo mũ cho xanh,
Bầy sẻ nhỏ lên tiếng hót – khởi đầu –
Hỏi lòng mình thì thầm tôi nhủ –
“Phải mặt trời là thế hay sao!”

Nhưng mặt trời lặn ra sao – tôi chẳng biết –
Một hàng rào màu tím có vẻ là
Mà những đứa trẻ gái trai vàng rực
Đang cố tình mải miết trèo qua –

Khi chúng đặt chân về phía kia xa –
Trong màu xám áo chùng người tu sĩ –
Nhẹ nhàng nâng lên chấn song chiều tối –
Và đàn chim tung cánh mỏi bay đi –
 *****

3- WHEN ROSES CEASE TO BLOOM 

When roses cease to bloom, dear
and violets are done,
When bumblebees in solemn flight
Have passed beyond the sun,

The hand that paused to gather
Upon this summer's day
Will idle lie, in Auburn.--
Then take my flower, pray!


Người ơi, khi những bông hồng thôi nở,
Những cánh hoa violet tím sẽ tàn
Cùng bầy ong trang nghiêm
Từ biệt ánh mặt trời

Khi bàn tay thôi không còn gặt hái
Vào cuối ngày hạ này
Sẽ bất động nằm trong nghĩa trang kia
Thì đây đóa hoa tôi, xin Người nhận lấy
Và nguyện cầu cho linh hồn tôi...

*****

4-  WATER, IS TAUGHT BY THIRST

Water, is taught by thirst;
Land - by the Oceans passed.
Transport - by throe
Peace - by its battles told
Love, by Memorial Mold
Birds, by the Snow.


Chuyển ngữ:
Nước, dạy ta yêu khi chết khát;
Đất – cần khi lạc giữa đại dương.
Hạnh phúc – nếm được từ đau thương -
Hòa bình – chiến tranh mới biết quý-
Tình yêu, mất mới ngậm ngùi-
Cánh chim, lúc tuyết trắng trời mới vương.

*****

5- AH, MOON - AND STAR!

Ah, Moon—and Star!
You are very far—
But were no one
Farther than you—
Do you think I'd stop
For a Firmament—
Or a Cubit—or so?

I could borrow a Bonnet
Of the Lark—
And a Chamois' Silver Boot—
And a stirrup of an Antelope—
And be with you—Tonight!

But, Moon, and Star,
Though you're very far—
There is one—farther than you—
He—is more than a firmament—from Me—
So I can never go!
 


Chuyển ngữ:
A kìa, Trăng—và Sao!
Nhưng bạn ở quá xa—
Xa hơn hết tất cả
Xa, xa tít mù xa—
Bạn nghĩ tôi sẽ dừng
Nơi bầu trời bất tận—
Hay một nửa— sải tay?

Tôi sẽ mượn cái mũ
Trên đầu chim chiền chiện—
Đôi giày bạc loài hươu—
Bàn đạp từ linh dương—
Bay vù đến với bạn— Đêm nay!

Nhưng nè, Trăng, và Sao
Dù bạn ở tít xa
Vẫn có Người—xa hơn—
Xa hơn cả bầu trời
Nên tôi chẳng thể đến!
 

*****
Poem: A FIELD OF STUBBLE, LYING SERE
By EMILY DICKINSON

A Field of Stubble, lying sere
Beneath the second Sun --
Its Toils to Brindled People thrust --
Its Triumphs -- to the Bin --
Accosted by a timid Bird
Irresolute of Alms --
Is often seen -- but seldom felt,
On our New England Farms –


Chuyển ngữ:
CÁNH ĐỒNG MÙA THU HOẠCH - Thư gửi Ned (*)
Cánh đồng vừa gặt xong - gốc rạ khô phơi mình --
Dưới nắng vàng lộng lẫy - của mùa thu hồi sinh -- (**)
Vất vả người nông dân hối hả mùa thu hoạch --
Thành quả bội thu ấy -- chất đầy các thùng kho --
Có con chim tỉnh tót nhút nhát sà lại gần
Rụt rè nhặt cho mình ít hạt ngô bố thí --
Đó là cảnh thường thấy -- nhưng mấy ai cảm nhận,
Trên khắp các nông trại đồng quê New England --

  
Dieu Tam Nguyen  chuyển ngữ
****

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

NGÔI CHÙA MỚI, LỚP HỌC MỚI VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI LÊNH ĐÊNH


NƠI CHỈ CÁCH QUÊ HƯƠNG MỘT DÒNG SÔNG V:
NGÔI CHÙA MỚI, LỚP HỌC MỚI VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI LÊNH ĐÊNH

Ngày thứ sáu 23/11/2018, sau một ngày đi Tiền Giang cùng các bạn trở về lại thành phố lúc 7 giờ tối khi trên đường vào thành phố bị kẹt xe rất nhiều mà nguyên nhân một phần là do ngày “thứ sáu Đen” Black Friday trong chương trình giảm giá của các shops và siêu thị đồng loạt ăn theo sau ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ, tôi vội vã chỉ kịp dùng cơm tối rồi lại chuẩn bị hành lý lên đường đi Campuchia. Đến nơi tập trung lúc nửa đêm vì xe sẽ khởi hành rất sớm lúc 2:30 g sáng thứ bảy. Khác với những lần trước tôi và nhóm trưởng Hiểu & Thương Kim Nga thường nhắn nhủ cho nhau “không ai đi thì hai đứa mình đi!” thì lần này chỉ có một mình tôi lên đường vì Nga phải chuẩn bị hành lý và thu xếp mọi thứ trước khi đi Myanmar tham dự khóa tu 2 tháng rưỡi. “Để hoàn tất dự án xây chùa và lớp học tình thương ở Bến Ván, có Tâm đi thì mình yên tâm. Và cũng vì có thể lần này là lần cuối mình đi Campuchia…” Vì câu nói của bạn mà tôi không nỡ chối từ, đành … gắn bánh xe vào hai chân chạy tiếp!

Thuyền neo Bến Ván. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Trong một năm qua tại ngôi chùa An Hòa Tự ở Bến Ván đã xảy ra nhiều thay đổi. Chuyện xây cất cứ tạm ngừng rồi lại tiếp tục nhiều lần vì một số trục trặc bất ngờ, thiếu kinh phí, đổi thầu xây dựng v.v… Tháng 3/2018 khi Kim Nga và tôi trở lại lần thứ hai thì việc xây dựng chỉ mới được nửa chừng, những tưởng khoảng cuối tháng 7 âm lịch sẽ hoàn tất nhưng sau đó sư cô An Nghĩa trên 75 tuổi đã phải hơn 7 lần qua lại Bến Ván để giúp đỡ, đôn đốc cho công việc chóng hoàn thành. Nhờ sự tận tâm tận lực góp sức của các nhóm Sư cô An Nghĩa, Ni sư và Phật tử chùa Hoa Nghiêm tại Toronto, chùa Tam Bảo tại Montreal, Canada; nhóm của dì Huệ ở Bến Tre cùng các mạnh thường quân, nhóm Hiểu & Thương, cuối cùng rồi ngày khánh thành cũng đã đến. Khác với lần đầu và lần thứ hai đến Bến Ván đoàn có nhiều tình nguyện viên tham gia là những cô cậu thanh niên trẻ tuổi, việc bốc xếp hàng hóa quà tặng mấy trăm phần gồm gạo, mì, đường, bánh kẹo … có họ đỡ đần, còn lần này đoàn đi được 38 người nhưng đa số là các sư bà sư cô, Phật tử cao tuổi đến từ Bến Tre, Hóc Môn, Củ Chi, Sài Gòn …, có nhiều người đi lần đầu, còn lại chỉ có 2 cậu thanh niên nên cả tài xế là phụ xế cũng phải cùng tiếp sức.

Ngôi chùa cũ. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Xe khởi hành lúc 2:30 g sáng, đến cửa khẩu khoảng 7:00 g và Phnompenh lúc 11:00 giờ. Vài tiếng đồng hồ cho đoàn ghé tham quan Wat Phnom, một ngôi chùa linh thiêng ở Pnom Penh và chùa Vàng chùa Bạc, hoàng cung Campuchia, sau đó xe đi ngay đến Bến Ván cách Phnom Penh 70 km.
Hoàng hôn rơi xuống rất nhanh, chẳng mấy chốc trời đã sập tối thì đó là lúc xe chúng tôi đi vào một con đường gập ghềnh, rất vắng và tối vì không có đèn đường, thi thoảng mới có ánh đèn leo lét hắt ra từ những căn nhà hai bên đường sông nước mênh mông, cỏ cây mọc rậm rạp như trong rừng. Vì tài xế lần đầu đi Bến Ván nên anh ta suýt đi lạc phải quay lại và chờ chú Hòa, người chủ đất đã cúng dường miếng đất cho nhà chùa, đem xe ra dẫn đường. Xe lắc lư dữ dội vì con đường khá xấu lại bị sạt lở nhiều do vừa trải qua mùa mưa lũ. Lần gần đây nhất trong mùa mưa, khi đến đây con đường vào Bến Ván ngập nước nặng xe khách không vào được nhóm sư cô An Nghĩa phải đi xuồng bơi vào tận chùa.

Bình minh Bến Ván.
Lúc đến nơi trời đã tối hẳn. Sư Minh Trung ra tận xe đón đoàn và cho câu điện sang mé nhà bè sát bờ sông đưa cả đoàn đi ăn cơm tối. Trong bóng tối nhập nhòe tôi nhận ra một chút hình ảnh quen quen nhưng lại có gì đó rất lạ, trống vắng hơn hẳn lần trước. Con đường dẫn vào chùa và nhà bè nổi trên sông cao hơn nhưng lại hẹp hơn trước đây, mới biết do gần sông có lúc mưa nhiều cùng lúc thủy triều lên nước đã dâng lên cao đến 2, 3 mét. Chiếc cầu lót bằng những tấm ván cũ nối nhau khá dài vượt qua bãi sình mọc ken kín lục bình. Thấp thoáng bên sông vài chiếc xuồng neo vắng người dường như không còn ai ở đây như trước nữa.
Đêm ấy chúng tôi chia nhau nhóm ngủ trên chùa mới, nhóm muốn thưởng thức gió lộng mát mẻ thì ngủ trên nhà bè nổi trên sông. Không còn cảnh những con thuyền qua lại nghe tiếng chèo khua trong đêm. Không còn ánh đèn leo lét hắt ra từ những túp nhà bè chung quanh nơi xúm xít những gia đình nhỏ và tiếng cười nói. Càng về khuya gió càng thổi lồng lộng. Chỉ có một hình ảnh quen thuộc như những lần trước là vầng trăng sau rằm treo giữa trời vằng vặc sáng một mình giữa đêm khuya.

Mặt tiền ngôi chùa mới
Mặt hậu ngôi chùa mới.
Khi trời vừa sáng, tôi mới nhận ra ngôi chùa mới thật rất đẹp so với những gì mình đã nghĩ. Ngôi chùa cũ lợp sơ sài bằng mái tôn vách lá quá nghèo nàn thiếu thốn, sư vẫn giữ ở đó suốt trong thời gian xây dựng để thờ Phật. Riêng lớp học mái lá tình thương đã được dở bỏ từ lâu vì đất chùa thuê phải trả lại cho chủ, còn các cháu học sinh dời qua nhà bè nổi để học. Hôm nay ngày Chủ nhật 25/11 sau buổi lễ khánh thành ngôi chùa và lớp học mới, các cháu sẽ được chính thức học tập và sinh hoạt ở khu nhà mới kể từ ngày thứ hai 26/11/2018.
Công trình được xây bằng bê tông, lát gạch, có 2 tầng, nhiều cửa sổ hai bên hông. Tầng một là chánh điện với diện tích 12 x 20 m có hành lang chạy dài hai bên và phía trước mặt tiền nở rộng, đặt một bức tượng bồ tát Quán Thế Âm bằng đá trắng đứng trên tòa sen cao khoảng 2 m. Bên trong chánh điện rộng thoáng với hai hàng cửa sổ. Ở giữa đặt tượng Phật Thích Ca phía trên, thấp hơn là tượng Phật Chuẩn đề cũng bằng đá trắng. Đối diện là bàn thờ Sư tổ Đạt Ma. Hai bên vách phía trên cao và trên bệ thờ chưng bày bộ 7 tượng Phật Dược sư Lưu Ly rất đẹp do một mạnh thường quân cúng dường. Phía sau có hai phòng nối với thang lầu đi xuống và 2 nhà vệ sinh. Do gần sông, phía tầng trên luôn lộng gió rất thoáng mát.

Chánh điện mới An Hòa tự.


Tầng trệt có diện tích 8 x 19 m, dành cho lớp học và các sinh hoạt học tập, họp hành, phát quà từ thiện, cũng có 2 nhà vệ sinh như tầng trên. Lớp học đã có bảng, bàn ghế của thầy giáo và học trò, trông sạch sẽ và sáng sủa. Nhìn chung ngôi chùa và lớp học mới thật khang trang. Mọi người trong đoàn ai cũng khen đẹp và trang nghiêm lắm dù cũng còn chút ít còn lại cần hoàn thiện.

Nhìn từ chánh điện chùa mới.
Khi xây dựng, sư Minh Trung đã cho đổ đất lên cao hơn mặt đường trước kia nhiều để chống thủy triều lên và mùa mưa lũ về. Tuy vậy, lần gần đây nhất nước lũ dâng cao hơn mặt đất đã đắp 1 m.
Cũng như ở Biển Hồ trước đây, sống trên sông nước Mekong khu vực này phần lớn là những gia đình người Việt. Phía trên bờ là xóm làng của người Campuchia. Ngoài một số căn nhà có vẻ khang trang còn lại là xóm nghèo, hầu như nhà nào cũng đông con, lúc cha mẹ đi làm kiếm ăn thì lũ trẻ lang thang trong xóm, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc tai rối bù. Thấy có khách đến chúng kéo nhau vào xin tiền hay bánh kẹo. Đầu ngõ vào có một túp nhà là nơi ở của anh Phuông, người được sư Minh Trung giao phó việc nấu cơm từ thiện cho xóm người Campuchia mỗi tuần một ngày. Anh cho biết lý do vì sao Bến Ván hôm nay vắng vẻ hẳn. Người dân sống lang bạt trên các thuyền bè làng nổi trước đây đã phải dời đi không được sống trên sông nữa từ đầu tháng 11. Thời gian từ tháng 8 đến 11 cũng là mùa sinh sản của cá nên chính phủ Campuchia không cho bắt cá, có thể bị bắt và phạt rất nặng. Chính quyền đã thu xếp cho người dân ở một nơi khá xa Bến Ván. Một số nhà do quen sống nơi đây đã thuê nhà gần đó để ở, tiền thuê khoảng 100 US dollars/ năm.
Riêng lớp học thì các cháu học sinh dù ở xa vẫn đi học bằng xe đạp về xóm cũ. Một cháu bé kể: “Có người không có xe đạp thì thuê xe chở. Hết 1.000 Riel/ngày”.(*)

Bình minh Bến Ván

Sư Minh Trung cho biết phần lớn trong số hơn 200 hộ cư dân Việt sống trên làng nổi tại đây đã dời về ở gần khu người Việt trên bờ. Nhưng dù đi đâu họ cũng luôn quấn quít với sư, nhất là các cháu ở xa cũng gắng về trường cũ học, vì vậy số lượng học sinh tuy có giảm bớt nhưng cũng được 70 cháu theo học. Việc giảng dạy do sư đảm trách chính, hiện nay còn có thêm 1 cô giáo.
8:30 giờ sáng, đến lúc làm lễ khánh thành. Các ni sư tập trung tại chánh điện đọc kinh cùng đoàn Phật tử và các cháu học sinh. Các cháu nhỏ được mặc đồng phục áo trắng quần hoặc váy màu xanh dương, các cháu lớn mặc quần áo hoặc áo tràng màu lam. Trước giờ làm lễ, tôi đã thấy các cháu nhỏ dẫn nhau lên chùa cũ lễ Phật theo thói quen hàng ngày trước khi vào lớp. Được nhà chùa dạy dỗ, các cháu đều thuộc kinh vanh vách, ngoan ngoãn lễ phép hơn hẳn đám trẻ con trong xóm người Campuchia bên ngoài.

Chánh điện mới An Hòa tự.


 Tiếp theo là làm lễ khai trương lớp học mới. Khác hẳn lớp học chật hẹp nghèo nàn ngày nào, nay được ngồi trong nhà xây bằng gạch, bàn ghế tử tế khang trang đẹp đẽ, các cháu trông hân hoan rạng ngời ra mặt. Các cháu được sư Minh Trung dò bài bằng cách đọc 10 bài kệ Bồ đề tâm. Tiếp theo là một bài chú nguyện và các cháu được sư hướng dẫn lên bục nói lời cảm ơn đến quý ni sư, mạnh thường quân đã giúp đỡ cho các cháu có được ngôi chùa và lớp học đẹp đẽ ngày hôm nay. Cuối cùng là đoàn từ thiện đã phát 150 phần quà gồm một bao gạo, một thùng mì, đường và bánh kẹo cho các cháu cùng gia đình các hộ nghèo ở Bến Ván. Ni sư An Nghĩa và đoàn Phật tử đi cùng cũng đóng góp thêm một số tiền để sư hoàn thiện một số công đoạn sau cùng cho công trình. Ni sư An Nghĩa đề nghị sư Minh Trung cho làm thêm 2 nhà vệ sinh nữa cho các cháu. Không khí vui vẻ ấm áp làm ai cũng cảm động và vui mừng cho Bến Ván hôm nay đã có được một ngôi chùa Việt và lớp học tình thương khang trang như ý.

Lớp học mới. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 

Mọi việc đã xảy ra như một giấc mơ. Có duyên mới thành. Chúng tôi còn cảm thấy Bến Ván như một câu chuyện cổ tích nhỏ đã đến hồi kết có hậu “happy ending”, huống chi là các cháu học sinh nhỏ bé trong cộng đồng người Việt tha hương ở nơi đây. Nhìn những nụ cười ngây thơ sung sướng ấy, ngắm những đôi mắt trong veo vô tư ấy, không ai khỏi chạnh lòng thương yêu và mong ước cho sau này những thiên thần bé bỏng này sẽ có tương lai tốt đẹp sáng sủa hơn đời ông cha các cháu. Hàng ngàn người Việt sống lang thang trên Biển Hồ từ bao đời qua nay dần dần đã được đưa lên bờ nhưng để giải quyết những bế tắc của cuộc sống vẫn còn dài. Nhà nào cũng không dưới chục đứa con nheo nhóc, kiếm ăn từng ngày không xong, tiền đâu để có được giấy tờ hợp pháp, cho con đến trường!
Như dòng sông vẫn chảy và lục bình vẫn sinh sôi ken kín cả bờ …

Tháng 11. 2018
Bài và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
(*) 1.000 Riel # 6.000 đồng VN
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.2072223552841397&type=3
 

Bến Ván, quả ngọt của lòng Từ

NƠI CHỈ CÁCH QUÊ HƯƠNG MỘT DÒNG SÔNG - PHẦN IV

Đã một năm trôi qua, cuối mùa trăng tháng hai âm lịch năm nay, nhóm Hiểu & Thương lại lên đường đi Campuchia. Khác với năm ngoái đoàn chúng tôi đã đến 4 điểm là Bung Prolich huyện Mean Chey, xóm nghèo Chba Om Pau cầu Sài Gòn, hyện S’Ang tỉnh Kandal, Pim so, làng Cay Đắng Kampong Chhnang, Bến Ván …thì lần này chỉ tập trung Bến Ván mà thôi, do nơi đây đang khẩn trương hoàn thành công trình xây dựng chùa và lớp học tình thương. 

Bình minh trên Bến Ván. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Cuối tháng 4 năm ngoái, sau khi đến phát quà, thị sát các điểm chùa và lớp học từ thiện, ngoài một số đóng góp của đoàn và các mạnh thường quân, nhóm chúng tôi nhận thấy Bến Ván là nơi còn nghèo nhất, cần giúp đỡ nhiều hơn, nhất là lớp học cũng đông hơn, và các cháu ở đây rất ngoan ngoãn lễ phép, kết quả của giáo dục. Thêm vào đó, dân cư ở đây cũng đông hơn – khoảng 200 hộ gia đình đang sống trên các nhà bè, thuyền xuồng ven bờ sông, thiếu thốn đủ mọi bề, và nhà nào con cái cũng đông. Đã mấy đời từ ông bà đến cha mẹ, con cháu, họ sống lang thang trên sông nước, không có tiền, không có giấy tờ, lý lịch rõ ràng, các cháu không được đi học, không được hòa mình vào cộng đồng người Campuchia học hành, làm việc, bầu cử … Đã vậy chúng tôi còn nghe tin phần đất nơi ngôi chùa và lớp học tình thương lại là đất thuê nay đã đến hạn, nếu bị lấy lại thì chùa và lớp học sẽ ở đâu, sẽ ra sao? Sư Minh Trung từng có ý định trở về chùa trên núi Tà Lơn, như đã từng tu hành ở đó trước khi xuống núi. Như vậy, lớp học sẽ có thể không còn tồn tại, không có ai thay thế để dạy dỗ các em.
Điều may mắn trước tiên là có một Phật tử ở Campuchia đã cúng dường một miếng đất gần phía sau đất thuê cũ. Sư Minh Trung có ý muốn sẽ xây dựng chùa và lớp học mới trên miếng đất ấy để có thể tiếp tục tu hành và giữ lớp học tại đây. Khó khăn còn lại là chuyện kinh phí. 

Lớp học tình thương ở Bến Ván và chiếc cầu nối liền với An Hòa Tự.
Còn nhớ lúc chia tay vào năm trước chúng tôi cũng đã bàn bạc với nhau về chuyện xây dựng nơi mới. Nhìn thấy ngôi chùa cũ ọp ẹp, che chắn tạm mái tranh, những tấm ván mục nát, tôi đã nói với các bạn “đây là ngôi chùa nghèo nhất mà mình nhìn thấy trong đời”. Vào chính điện lễ Phật mà muốn rơi nước mắt. Nhưng tôi tin là nơi đâu Phật cũng đến! Ở nơi xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn điện nước này, tôi đã thấy một bàn thờ Phật trong góc nhỏ của lớp học tình thương, đã thấy bàn thờ Phật giữa ngôi nhà lợp tôn và ván ép ọp ẹp bên sông, nhưng lạ, chỗ ăn ở sinh sống nào dù có nghèo nàn thiếu thốn đến mấy thì bàn thờ Phật vẫn đủ trang nghiêm để người Phật tử quỳ lạy nguyện cầu. Bàn thờ trải tạm tấm nylon cũ rách, hay miếng vải mong manh trên một cái bàn gỗ cũ gãy chân nào đó của ai đã bỏ đi, rồi chỉ một tấm hình đức Phật Thích Ca đặt vị trí chính giữa, hai bên cũng có hai ngọn đèn dầu, một bình hoa vải cũ, có thờ Phật trong nhà là nhà ai cũng ấm cúng, cho dù nghèo và khổ đến đâu đi nữa. 

An Hòa Tự.
Rồi đến cái lớp học tình thương trước đây cũng lợp tạm bợ mái tôn, tre nứa, ván ép cũ kỹ. Cầu thang nối bằng những ống tre ngắn có dài có, từ dưới đất lên sàn cao chừng 2 – 3 m. Trong lớp có khoảng vài chục cái bàn học cũ, ngồi chen chúc chừng 70 cháu, sau đó tăng lên 100 cháu. Các cháu từ 3 tuổi đến 10 tuổi, ngồi chung với nhau, và sư thầy sẽ tùy theo trình độ từng cháu mà dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Các cháu được học chữ và tiếng Miên, tiếng Việt, học lễ nghĩa, Phật pháp. Phía sau lớp học nơi ngăn một mảnh ván là bếp và nhà vệ sinh. Có 2, 3 dì phụ trách cơm nước cho các cháu ăn trưa, tất cả đều miễn phí. Kinh phí, tất nhiên do sư Trung tự lo là chính, cùng các đoàn từ thiện thương tình mà đóng góp. Các cháu ở đây lễ phép ngoan ngoãn hơn hẳn những vùng chúng tôi đã đi qua ở Campuchia vào năm ngoái, điều đó cho thấy công lao của sư là rất lớn.

Phát quà cho các hộ nghèo Bến Ván. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Lúc đó, khi chia tay ra đi mà trong đoàn lòng ai cũng bâng khuâng. Các cháu chạy theo níu tay từng người hỏi bao giờ các ông bà cô chú trở lại. Không ai dám hứa vì sợ chúng mong chờ. Và lòng ai cũng đau đáu khi nghĩ đến lớp học tuy rất thiếu thốn về vật chất ấy nhưng là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho các cháu.
Sau chuyến đi, trong đoàn chúng tôi vẫn liên lạc với nhau để hỏi thăm: “Chuyện Bến Ván đến đâu rồi?” Kim Nga, cô trưởng nhóm Hiểu & Thương, cứ lắc đầu: “Chưa biết nữa, bên Tiến Danh của Chung tay vì Cộng Đồng hứa sẽ nhờ người qua thám sát, xem giấy phép xây dựng như thế nào, thiết kế ra sao, rồi tạm tính tổng kinh phí là bao nhiêu nữa mới bắt đầu kêu gọi.”… Sau đó lại nghe “Khó lắm, nghe nói xây dựng chùa khó lắm, có thể chỉ làm lớp học thôi” v.v…
Đến gần cuối năm, chúng tôi mới nghe tin chùa đã có phép xây dựng, và khởi công vào tháng 1- 2018. Kim Nga lo lắng lắm vì sợ không hỗ trợ nổi cho nhà chùa. Tôi an ủi Nga: “Thôi thì của ít lòng nhiều, có bao nhiêu cứ đóng góp bấy nhiêu, chứ biết sao bây giờ!” 

Chánh điện cũ ở An Hòa Tự
Tôi kể câu chuyện này cho một cô giáo cũ đang ở Mỹ, người từng là huynh trưởng Gia đình Phật tử ở Huế thập niên 60, cô gửi thư chúc mừng và nói: “Mừng cho các em có được phước báu xây chùa, như cô đây mà chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện đó.”
Rồi tin vui lại đến. Kim Nga khoe có nhiều mạnh thường quân tham gia chương trình. Chúng tôi dự trù chuyến đi Bến Ván sẽ vào đầu tháng 4 - 2018. Cũng như mọi lần, tôi và Nga đều nói “Không ai đi thì … hai đứa mình đi!”
Năm ngoái cũng vậy, tưởng chỉ có 2 đứa lên đường cùng nhóm cô Huệ gồm các sư tỷ trên 70, cuối cùng con số tham gia là 22 người. Còn năm nay phải thuê 2 xe, một xe của Khải Nam 45  chỗ và một xe 22 chỗ ngồi, quân số tổng cộng là 52, trong đó có nhóm của cô Huệ, nhóm các sư cô chùa Giác Nguyên ở Củ Chi cùng nhóm H & T và một số tình nguyện viên. Trưởng đoàn từ thiện là ni sư An Nghĩa, chị Năm của Kim Nga.

An Hòa tự cũ (phía sau) và ngôi chùa mới đang trong quá trình xây dựng.
Ngày 9/4/2018 xe khởi hành từ 3 giờ sáng. Đến cửa khẩu Mộc Bài làm thủ tục lúc 7 giờ sáng rồi đi thẳng Phnompenh, đến Bến Ván khoảng 3 giờ chiều. Hơi muộn một chút do xe 45 chỗ lớn quá không chen vào được con đường vào Bến Ván qua một cái chợ mà phải đánh một vòng xa hơn nhiều.
Một khung cảnh tấp nập đang diễn ra nơi đây. Một số thợ đang tất bật làm việc ở khu vực chùa mới. Bên phía chùa cũ có một khoảng sân đang tập trung khá đông dân làng và các cháu học sinh của lớp học tình thương. Sư Trung và các cháu nhỏ ra tận xe đậu ngoài đường đón đoàn rồi cùng giúp khuân hàng gồm gạo, mì, tập vở, sách, dụng cụ học tập, quà tặng vào. Các chú bé lớn hơn một tí thì khuân giúp các bà các cô hành lý vào tận nhà sàn nổi phía bờ sông, nơi đoàn chúng tôi sẽ nghỉ lại một đêm. Đường vào gập ghềnh khó đi, gạch đá lổn nhổn đã đành mà ngay cả cây cầu ván dài gần 20 m bắc qua bờ sông cũng ọp ẹp và nhiều lỗ hổng, sơ sẩy một chút là lọt xuống sình.
Lúc đoàn đang chuẩn bị chia hàng ra làm 150 phần quà, tôi ra sân sau nghe một nhóm dân làng đang ngồi nói chuyện. Một người nói: “Có trường học rồi, tui cho mấy đứa con tui đến học, không biết tới đâu nhưng gì thì cũng có cái chữ mà sống”! Một lát lại nghe người khác lặp lại ý cũng như vậy. Ôi biết bao hy vọng của mọi người từ cái lớp học tình thương của cái làng bên sông mang tên Bến Ván này.

Ngôi chùa mới đang trong quá trình xây dựng (nhìn từ bến nước phía sau).
Ngôi chùa và lớp học mới tuy chưa xong nhưng nhìn đã thấy khang trang. Công trình được xây bằng bê tông, lát gạch, có cửa sổ, cửa cái, lan can, có 2 tầng.  Diện tích lớp học là 8 x 19 m, phần chánh điện là 12 x 20 m.
Chiều đang xuống dần. Tôi rời khu vực chùa và lớp học để đi qua cây cầu ván đến “khách sạn” bên bờ sông. Đó là một cái nhà sàn nổi, gió lộng tứ bề, bên trong đã trải sẵn chiếu lót khắp mặt sàn có gối, mền cho đoàn ngả lưng. Những chiếc thuyền câu nhỏ gác mái gần đó, nằm lặng yên giữa đám lục bình trôi. Từ đây nhìn ra ngoài mới thấy sông nước mênh mông và những túp nhà bè lụp xụp nằm dọc theo bờ sông dài chừng hơn cây số. Đa số nhà giống nhau, mái lợp bằng tôn cũ hoặc mái tranh, che chắn thêm bởi những tấm tôn vụn hay nylon màu. Có nhà trồng nhiều hoa bên hông trên một cái bè. Một bà cụ đang lom khom tưới cây. Có tiếng nước bì bõm, mấy thằng cu tí đen nhẻm đang ở truồng tắm sông. Bên kia, một cô bé trông đỏm đáng xuống thuyền chèo chở hai cô nhỏ hơn đi loanh quanh đâu đó. Sát bên nhà sàn, có hai vợ chồng bơi thuyền về. Trong lúc chồng buộc dây neo thuyền vào cột, vợ bế đứa con nhỏ, một đứa bé con lớn hơn tự leo lên nhà sàn. Tiếng gọi nhau, tiếng nồi niêu khua trong xó bếp. Khói từ những nồi cơm chiều lan tỏa trên không. Thật là một cảnh tượng sinh động và ấm cúng. Dù ở đâu đi nữa thì khi chiều về cũng là lúc gia đình quây quần đầm ấm bên mâm cơm. 


Sinh hoạt trên sông tại Bến Ván. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Phía sau nhà sàn, có 2 cái chòi để đi vệ sinh theo kiểu…nuôi cá tra. Bên trong góc bếp chỉ có một nhà tắm nhỏ với một thùng nước múc từ sông lên và lóng phèn dành cho mấy chục người. Hết nước thì ra sông múc tiếp… Đây cũng là lúc chờ đợi đến phiên, rảnh rang một chút để tôi ngồi bên ngưỡng cửa nhà sàn nhìn ra sông. Trời mau tối quá, mới đó thôi màn đêm đã sập xuống. Mọi người mạnh ai nấy ăn trong bếp. Đoàn có người nấu cơm chay và chùa cũng có hai cô lo phụ cơm nước. Ăn xong rồi thì tìm chỗ mà nghỉ lưng vì ai cũng đi từ 1- 2 giờ sáng, suốt cả ngày cũng khá mệt. Tôi ngồi nán lại nói chuyện với Loan, một cô giáo viên làm việc trong Hội người Việt tại Campuchia thường giúp đỡ các đoàn từ Việt Nam qua mà chúng tôi đã gặp lần trước. Loan nói tiếng Miên giỏi nên đi cùng rất tiện vì bên ngoài ít người nói được tiếng Việt hay tiếng Anh. Lần trước, cũng tại Bến Ván này tôi được biết thông tin về người Việt tại Campuchia hiện đang khó hội nhập vì không có giấy tờ, không có tiền để mua quốc tịch. Nay hỏi thăm về tình hình hiện nay có gì mới mẻ thì Lan cho biết chính quyền Việt Nam hiện đang bàn luận với bên chính phủ Campuchia về việc này, có nhiều hy vọng hơn.

Đêm đã xuống sâu hơn và cả khu Bến Ván bắt đầu lên đèn. Trên nhà sàn nổi có vài bóng đèn điện nối dây từ bên chùa qua, còn trên các nhà bè chung quanh cũng thấp thoáng có ánh đèn có lẽ đèn dầu hoặc đèn măng sông. Từ bên chùa vẳng đến tiếng đọc kinh. Sau đó là có văn nghệ múa hát do các em học sinh biểu diễn. Chùa hiện nay có một sư trẻ vừa đến dạy học vừa giúp các em sinh hoạt nên cũng vui. 

Trong đêm, những ánh đèn trên sông từ những con thuyền, những túp nhà bè nổi trông ấm áp làm sao. Không gì vui hơn khi lần này chúng tôi đã thấy được một số đổi thay tích cực cho Bến Ván và những con người nghèo khổ đang sinh sống nơi đây. Có thể nói có được như hôm nay là nhờ những tấm lòng từ tâm khắp nơi cùng sư Minh Trung và các Phật tử địa phương người góp công kẻ góp của đã giúp dự án hoàn thành. Ngôi chùa nghèo và xóm nhỏ Bến Ván hôm nay như cây lành đã nở hoa đơm quả ngọt và tràn đầy hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Bài và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
9-11/4.2018
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1771666936230395&type=3