Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Đi Tìm Chữ Hiếu

Mùa Vu Lan. Ở Việt Nam, không kể là người theo tôn giáo nào, nhưng hầu như ai cũng biết đây là mùa báo hiếu. Các tôn giáo dường như đều dạy cho con người ta hướng đến đạo làm con, lấy chữ Hiếu làm đầu. Trong suốt 3 tháng an cư kiết hạ kể từ rằm Phật đản trở đi , nếu đến chùa, bạn sẽ thấy rất nhiều lễ cúng long trọng cúng dường chư tăng như trai tăng, trai phạn, đóng góp từ thiện … hầu hồi hướng công đức đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, cầu siêu cho người thân đã mất. Rằm tháng bảy, tín đồ Phật giáo đến chùa, thường là cài bông hồng đỏ trên áo nếu còn cha mẹ, hay bông hồng trắng nếu cha mẹ đã qua đời. Thói quen này gần như đã ăn sâu từ lâu trở thành một truyền thống đẹp và mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao quý. Riêng trên mạng thì những ngày này rất nhiều chia xẻ về nỗi nhớ thương, tình con đối với mẹ cha. Hoặc cả những câu chuyện cổ tích về chữ hiếu như trong Cổ học tinh hoa, Nhị thập tứ hiếu cũng được dịp nhắc lại. Vẫn đang trong mùa báo hiếu, cách đây ít hôm có một người đến tìm tôi. Tôi khá ngạc nhiên vì đã mấy năm rồi không gặp. Năm ngoái qua Mỹ tôi đã muốn đi tìm mà không được, gọi điện thoại vài lần mới có một ai đó bốc máy và trả lời: “Mr. Yan? He’s not here anymore!” Lý do tôi đi tìm là vì mấy năm trước đây Mr. Yan đã về VN dự định mở một xưởng gỗ. Ông đi tìm đất, tìm người, tưởng mọi thứ đã xong ông ta mua luôn máy cưa gỗ. Cuối cùng không hiểu công chuyện trở ngại thế nào mà một ngày kia ông gọi tôi nhờ gửi kho bộ máy cưa gỗ nặng to đùng đến 10 người xúm nhau mới khiêng nổi. Rồi từ ngày gửi cái máy đó không thấy ông về VN nữa. Lần đầu tiên tôi gặp ông cách đây gần 15 năm. Lúc đó ông đến mua hàng ở công ty và nhờ tôi đóng ghép container với một số hàng từ các nhà cung cấp bên ngoài. Ông bảo ông phải về Mỹ gấp và không thể chờ cho đến khi các nhà cung cấp kia giao đủ hàng. Ông gửi tôi một số tiền để thanh toán khi các nhà cung cấp này giao đủ hàng. Sau đó khi quay trở lại, ông kể: “Cách đây 10 năm tôi đã về VN mua nhiều miếng đất, để cho người anh vợ đứng tên. Một thời gian sau phát hiện người anh vợ bán đi của tôi mấy lô. Giận quá khi về tôi bán hết và thề không bao giờ về VN làm ăn nữa.” Hỏi bây giờ ông tính sao, định làm gì? Ông bảo: “Tôi đã suy nghĩ lại. Tôi sẽ về VN làm ăn, một ngày nào đó. Bây giờ tôi cần mua hàng từ VN bán qua Mỹ. Có lẽ tôi sẽ cần chị giúp cho tôi nhiều việc.” Sau đó ông trở lại VN vài lần, khi thì nhờ tôi đưa đi tham quan các khu công nghiệp, khi thì tham quan một số xưởng sản xuất may mặc, đi đến đâu ông cũng chê máy móc cũ kỹ lạc hậu quá. Ông nói ông làm trong nghề dệt may tại Mỹ đã hơn 30 năm, rồi làm địa ốc, v.v.. và trong đời ông chưa hề thất bại bao giờ. Tôi thắc mắc thầm nghĩ sao ông ấy tự tin thế. Làm sao mà có ai trong đời chưa một lần thất bại? Tôi nói: “Vậy là anh quá may mắn, Mr. Yan!” Một ngày ông đưa vợ về chơi. Chị cũng là người Việt, lớn hơn ông vài tuổi, ông khoe hai vợ chồng từng học đại học chung lúc còn ở Việt Nam, khi lấy nhau rồi đi Mỹ cùng làm ăn chung với nhau, cùng phát triển kinh doanh để có được thành công ngày hôm nay. Sau đó ông nói: “Tôi muốn đưa bả về VN cho biết tình hình vì tụi tôi đi đã quá lâu rồi. Tôi muốn sau này hai chúng tôi về VN sống và làm ăn. Bả giỏi về nhà hàng lắm”. Nhưng tôi chỉ gặp chị về VN một hay hai lần gì đó, còn lại chỉ là ông chồng bay đi bay về liên tục. Có lúc ông biến mất đâu đó 1, 2 năm, rồi lại xuất hiện, khi thì dự án này, lúc thì dự án khác. Và hầu như chưa bao giờ nghe ông than thở về công việc làm ăn hay gia đình. Ông còn khoe ở Mỹ nhà ông có vườn rất rộng, ông trồng được nhiều loại cây ăn trái của Việt Nam như xoài, mít, có cả mãng cầu trái rất to. Công việc làm ăn vẫn tốt tại Mỹ, ông còn xây siêu thị cho mướn, nhiều nhà cho thuê, bên cạnh đó cứ bay đi bay về Sài Gòn, Bangkok, Thượng Hải làm ăn. Ông cũng nói vợ ông bây giờ sướng lắm, chẳng làm gì chỉ ở nhà đi chùa với bạn bè. Ông nhất định sẽ kéo bà về Việt Nam ở với ông cho đến cuối đời. Vậy mà hôm nay ngồi trước mặt tôi, ông khóc nức nở trông thật thảm hại. Hỏi thì ông nói “Tôi chán sống ở Mỹ lắm rồi. Ngày nào tôi cũng sống trong phập phồng âu lo. Tôi muốn đi tìm sự bình yên”… Ông bảo đã có nhiều chuyện xảy ra và hiện nay đã mua đất ở Tây Ninh, Lâm Đồng … và quyết định xây nhà máy làm ăn ở Việt Nam, nhưng vợ ông sẽ không về Việt Nam với ông. Hỏi vì sao, ông trả lời: “Bả nói bây giờ bả không cần tiền nữa, lớn tuổi rồi, làm gì nữa cho khổ thân. Giờ bả chỉ muốn đi chùa. Bả mặc kệ tôi muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Ở Mỹ tôi sống như chiếc bóng, con cái đều ở riêng và chúng cũng không hề quan tâm đến tôi. Những ngày tôi về VN bệnh nặng, tụi nó không một lời thăm hỏi. Bả cũng vậy. Tôi trách sao bà dạy con bất hiếu với cha chúng quá vậy. Bả không trả lời. Tôi nghĩ rất buồn, cả đời mình lo làm ăn kiếm tiền lo cho gia đình, bây giờ già rồi chỉ mong có mái nhà êm ấm, con cháu đề huề, nối nghiệp mình cai quản gia sản, nhưng con cái lớn lên ở Mỹ chán lắm chị ơi, chúng chỉ biết lo cho chúng, cũng không cần thứ mà mẹ cha để lại, cũng chẳng quan tâm đến mẹ cha. Tôi nghĩ, chắc tại trong tiếng Anh Mỹ, không có chữ “lòng hiếu thảo”, nên tụi nhỏ không biết!“ Khi nghe ông nói đến đây, tôi nhớ có lần đã cùng mấy người bạn nói chuyện về chủ đề này. Tôi bảo ông: Trong tự điển Việt Anh, tôi thấy “lòng hiếu thảo” được dịch là A Child’s love, Filial love. Có đấy chứ Mr. Yan! Do nền văn hóa và môi trường sống, mỗi nơi có một quan niệm và cách hành xử khác nhau, chứ tình cha mẹ con cái thì ở đâu cũng vẫn là mối thâm tình cao quý nhất không gì thay thế được. Tôi cũng từng nghe, nhìn thấy những cảnh người cha già, mẹ già sống lẻ loi một mình lúc tuổi già bóng xế. Có lẽ nhiều nhất là ở các nước Âu Mỹ. Dĩ nhiên có người thích sống một mình để không quấy rầy ai. Nhưng có ai mà không thèm khát một tình cảm và sự gần gũi với con cháu, cho dù họ chấp nhận cuộc sống một mình khi người bạn đời đã ra đi trước họ. Một ông thầy người Đức từng dạy lớp tiếng Đức của chúng tôi ở ĐH Khoa Học Xã hội & Nhân văn thường rủ chúng tôi về nhà thầy chơi. Chúng tôi mỗi người đem theo một món ăn đến với thầy những ngày Chủ nhật. Thầy sống trong một căn hộ chung cư khang trang ở quận 7, và mỗi lần đến nhà thầy tôi rất thích ngắm những món đồ sưu tập thầy mua từ các nước, và căn nhà trang trí theo kiểu Đức cổ điển trông hay hay. Vốn là một cựu chiến binh, sau cuộc chiến bị mất một chân trái, vậy mà thầy từng đi rất nhiều nước để chọn một nơi sống cho đến ngày cuối đời. Cuối cùng thầy dừng chân ở Việt Nam. Thầy bảo thầy thích Việt Nam, “vì nơi đây tình người ấm áp nhất”. Vậy là thầy dọn nhà, chở nguyên một container đồ đạc từ Đức về VN. Tôi thật hâm mộ và xúc động khi mỗi ngày thầy vẫn đạp xe đạp từ quận 7 về quận 1 để dạy lớp Speaking tiếng Đức. Nhìn dáng thầy đi xiêu xiêu, râu tóc bạc phơ, thương làm sao! Hỏi ra mới biết thầy cũng có một người con trai là tiến sĩ khoa học, nhưng đã từ lâu lắm rồi người con không hề liên lạc với cha, dù chỉ là một cuộc điện thoại. Hiểu là vậy, nhưng sao tôi vẫn nghe nhiều chuyện chạnh lòng. Có lần chồng của một cô bạn tôi từ Mỹ về chơi thấy chị em tôi xúm xít bên giường bệnh của mẹ, anh đã rớt nước mắt mà nói: “Ở VN con cái còn lo lắng chăm sóc cha mẹ lúc bệnh hoạn, già yếu, còn ở Mỹ, gia đình tôi không được như vậy chị ơi. Nuôi con lớn rồi, chúng tự động dọn ra khỏi nhà năm 18, 20, không cần có gia đình. Cha mẹ bệnh tật chúng cũng không quan tâm. Tốt lắm thì chúng ghé vào nursing home thăm đôi bữa. Tôi cũng không biết rồi về già thân tôi sẽ ra sao đây!”… Tôi cũng nghe bạn tôi kể khi mẹ bạn bệnh nằm trong nursing home, bạn thường xuyên vào thăm mẹ. Cùng phòng có một bà mẹ già người Mỹ bệnh lẫn không thấy có con cháu vào thăm nom. Một hôm bà mẹ Mỹ lén lấy chiếc áo len của bà mẹ Việt, ôm khư khư vào lòng không trả lại. Hỏi thì bà bảo: “Tôi muốn lấy chiếc áo của bà ấy để thơm hơi, rồi con cháu tôi chúng cũng bắt chước mà vào thăm tôi như bà ấy”… Câu chuyện làm tôi ứa nước mắt. Nhớ lại cha tôi ngày còn sống chiều nào ông cũng đứng trước cửa chờ từng đứa con đi học, đi làm về. Nhớ mẹ tôi những ngày nằm trên giường bệnh, dù có một số con trai con gái bên cạnh, bà vẫn không nguôi nhớ thương những đứa con ở xa lâu lâu mới có dịp về thăm một lần. Lòng cha mẹ thương nhớ con cũng có khi được đáp lại, nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy. Tôi vẫn còn thấy chua xót vì có biết một người mẹ khi bệnh, cô con gái duy nhất còn lại đang ở xa gửi tiền về nhờ người chăm sóc bà, nhưng khi bà mất, cô lại không thể về, và có lẽ vì cô lấy chồng ngoại quốc nên những đứa con trai con gái của cô cũng không thấy về chịu tang bà. Đám tang quạnh hiu và buồn làm sao, dù có cả đoàn tăng ni Phật tử đi đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cho đến bây giờ đã nhiều năm trôi qua, đã xong lễ tiểu tường, rồi đại tường, vẫn không thấy ai về viếng mộ bà. Cũng có nhiều người kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện tương tự như vậy, tôi chỉ đành giải thích có lẽ tùy gia đình có phước có phần hay không. Cha mẹ ở đâu cũng đều yêu thương con, mong nuôi con khôn lớn thành đạt, dường như chỉ biết hy sinh chứ ít khi đòi hỏi. Còn những đứa con, đến khi đủ lông đủ cánh thì bay đi tìm tương lai, danh phận, hạnh phúc riêng cho mình, có khi quên mất ở quê nhà còn cha mẹ già đang hắt hiu ráng sống tiếp những ngày còn lại của cuộc đời. Chưa kể bao nhiêu thảm cảnh khác! “Nước mắt chảy xuôi” cũng là câu ông bà mình hay nói mà thôi. Trở lại câu chuyện của Mr. Yan, hôm nay ông không đến một mình mà còn có một người phụ nữ trẻ xinh xắn đáng tuổi con gái ông. Trên tay cô bế một thằng bé trai chừng một tuổi. Ông giới thiệu: “Vợ sau và con trai tôi đó chị!” Vì thằng bé không chịu ngồi yên, mẹ nó phải bế nó ra sân đi tới đi lui. Trong lúc đó, Mr. Yan tiếp tục tâm sự: “Những ngày ở Thái tôi bị bệnh nặng phải mổ, cô này là người chăm sóc tôi. Một năm sau tôi quyết định ly dị bà xã ở Mỹ và cưới cô ta. Có được thằng con trai là điều tôi mừng nhất trên đời. Đi đâu về nó quấn quýt bên tôi, tôi thấy ấm áp lắm. Tôi nói với cổ “Em phải biết dạy con cho có hiếu. Nó mà bất hiếu thì em cũng không sống yên với anh đâu!”… Dĩ nhiên là tôi im lặng. Chuyện đã đến nước này có nói gì cũng bằng thừa. Thôi thì mong sao Mr. Yan cuối cùng sẽ có được một mái gia đình hạnh phúc như ý: Một đứa con có hiếu và một người vợ ngoan hiền chăm sóc ông ta đến cuối đời. Chỉ nhẩm tính… và lo dùm cho ông. Năm nay ông đã gần 70 tuổi. Khi đứa con bé bỏng này đến tuổi có thể báo hiếu được, không biết ông có còn sống trên cõi đời này để hưởng chữ Hiếu từ con hay không?... Dieu Tam Nguyen

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

MÙA THU



AUTUMN - BORIS PASTERNAK (1890-1960)
Hôm nay dịch bài thơ Mùa Thu của một nhà thơ lớn nước Nga Boris Pasternak, mệnh danh bằng các danh hiệu: "Hamlet của thế kỷ 20"; "Hiệp sĩ của thi ca Nga"; "Con tin của sự vĩnh cửu", "Nhà cổ điển không biết mệt mỏi". Ông nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago.
Bài thơ này đã làm đắm say biết bao nhiêu con tim, rất thích nhưng đến bây giờ mình mới đọc kỹ hơn bằng cách dịch. Dĩ nhiên phải dịch từ bản tiếng Anh. Mình tìm thấy 2 bản dịch tiếng Anh, không giống nhau hoàn toàn. Cũng phải nhờ bác Google dịch dùm từ bản gốc tiếng Nga sang tiếng Việt rồi Anh để "kiểm tra". Cuối cùng chọn một bài thì lại nghi ngại bài kia hay hơn nên cuối cùng phải dịch cả hai. Dịch rồi thì không biết bỏ bài nào, nên phải chép lại đầy đủ. :-)

MÙA THU.
Bản dịch 1-
Khi tôi về những tình thân tan rã,
Cả bạn bè xưa trôi giạt phương nào.
Và giờ đây tôi chối từ tất cả,
Chìm đắm thiên nhiên, trọn vẹn tim đau.

Trong nơi ở này, chúng ta trơ trọi,
Giữa khu rừng ảm đạm và xa xôi.
Cùng những chồi cỏ non, như khúc nhạc,
Lấn mọc tràn lan khắp mọi lối về.

Căn nhà tường gỗ giờ đây nhìn lạ,
Dõi chúng ta với tuyệt vọng sầu bi.
Chẳng bao giờ ta hứa sẽ vượt qua,
Mọi trở ngại mà chối từ cởi mở.

Ngồi lúc canh ba. Canh bốn đứng dậy,
Tôi ôm cuốn sách, em thì khâu may.
Ta không còn thời gian nhận thấy
Những nụ hôn bất tận buổi đầu ngày.

Những chiếc lá, bỗng dưng rơi ào ạt,
Sẽ xạc xào, bay lượn giữa hư không.
Lấp cho đầy chén đắng của ngày qua,
Một lần nữa, với hôm nay tuyệt vọng.

Thật nhiệt tình, yêu mến với niềm vui!
Chúng ta sẽ lao vào tháng chín loạn cuồng!
Mùa thu xào xạc. Hãy đến, giấu vùi!
Phát rồ lên, hay đứng yên lặng ngóng!

Cách em trút bỏ xiêm y vội vã,
Khác chi rừng rụng lá xuống thềm,
Khi lao vào vòng tay tôi say lả,
Ném quẳng một bên chiếc áo choàng đêm.

Em - ân huệ của đời tôi thê thảm,
Khi không một lý lẽ để muộn phiền.
Cội rễ của sắc hương là can đảm,
Là điều đưa ta đến gần nhau thêm.

Bản dịch 2-
Khi tôi về những tình thân tan rã,
Những dấu yêu xưa trôi giạt phương nào.
Một lần nữa là cô đơn mãi mãi,
Đến lấp đầy sự sống lẫn tim đau.

Trong chòi gác này, hai ta nương náu,
Giữa khu rừng hoang dại vắng người.
Những lối mòn ngõ hẹp như khúc hát,
Cỏ dại tràn lan khắp mọi góc rừng.

Khi ta ngồi bên nhau trong chòi nhỏ,
Những bức tường gỗ nhìn đến muộn phiền.
Ta không hứa hẹn làm chi vượt khó,
Sẽ đối đầu trung thực đến cuối cùng.

Ngồi lúc canh ba. Canh bốn đứng dậy,
Tôi ôm cuốn sách, và em khâu may.
Bình minh lên ta cũng không nhận thấy
Khi những nụ hôn nồng thắm sẽ phải ngừng.

Em như lá rơi rào rào táo bạo,
Vạt áo lùa xào xạt cuốn em đi
Lấp đầy tôi chén đắng của hôm qua
Vẫn chất ngất nỗi âu lo hiện tại!

Tất cả niềm vui, hiến dâng, khao khát!
Ta sẽ lao vào tháng chín loạn cuồng!
Hãy giam mình trong rộn rã mùa thu
Trọn vẹn với cuồng điên, hay yên lặng!

Em ngã vào vòng tay tôi êm ái
Dẫu cuộn mình trong ren áo lụa nhung
Em trút bỏ thật nhẹ nhàng tấm áo
Chẳng khác nào cây trút bỏ lá rừng!

Em là ơn phước trong đời tôi bi thảm,
Khi cuộc sống khốn khổ hơn bệnh đau,
Cội rễ sắc hương chính là can đảm,
Điều dẫn lối cho ta đến bên nhau.

Dieu Tam Nguyen
****
(1) Bản dịch tiếng Anh của Andrey Kneller.
Autumn
I’ve set my folks on a vacation,
From friends I’ve drifted far apart,
And now the permanent dejection
Submerses nature and the heart.

Inside this lodge, we’re left alone.
The woods are dreary and remote.
And sprouts of grass, like in the song,
Have overgrown each path and road.

The lodge’s wooden walls now gaze
At us with grief and hopelessness.
We never vowed to break restrains,
We will decline with openness.

We’ll sit at one. By three, we’ll rise,
I -- with my book, you -- with the sewing.
There won’t be time to realize
How we stop kissing in the morning.

The leaves, spontaneous and vast,
Will rustle, gliding though the air
To fill the cup of sorrows passed
Once more, with present day despair.

Such zest, affection and delight!
We’ll rush into September’s riot!
In autumn rustle, come and hide,
Go crazy, or just stand there quiet!

The way you shed your clothes in haste,
Like woods shed leaves onto the ground,
When falling into my embrace,
You fling aside your dressing gown!

The way you shed your clothes in haste,
Like woods shed leaves onto the ground,
When falling into my embrace,
You fling aside your dressing gown!

You are the boon of a fatal step,
When there’s no reason left to bother,
And beauty’s root is courage and
This draws us closer to each other.

(2) Bản dịch từ poemhunter:
I have allowed my family to scatter,
All those who were my dearest to depart,
And once again an age-long loneliness
Comes in to fill all nature and my heart.

Alone this cottage shelters me and you:
The wood is an unpeopled wilderness
And ways and footpaths wear, as in the song.
Weeds almost overgrowing each recess;

And where we sit together by ourselves
The log walls gaze upon us mournfully.
We gave no promise to leap obstacles,
We shall yet face our end with honesty.

At one we'll sit, at three again we'll rise,
My book with me, your sewing in your hand,
Nor with the dawning shall we realize
When all our kissing shall have had an end.

You leaves, more richly and more recklessly
Rustle your dresses, spill yourselves away,
And fill a past day's cup of bitterness
Still higher with the anguish of today!

All this delight, devotion and desire!
We'll fling ourselves into September's riot!
Immure yourself within the autumn's rustle
Entirely: go crazy, or be quiet!

How when you fall into my gentle arms
Enrobed in that silk-tasselled dressing gown
You shake the dress you wear away from you
As only coppices shake their leaves down!-

You are the blessing on my baneful way,
When life has depths worse than disease can reach,
And courage is the only root of beauty,
And it is this that draws us each to each.

Và nguyên tác tiếng Nga:
Boris Pasternak
Осень
Я дал разъехаться домашним,
Все близкие давно в разброде,
И одиночеством всегдашним
Полно всё в сердце и природе.

И вот я здесь с тобой в сторожке.
В лесу безлюдно и пустынно.
Как в песне, стежки и дорожки
Позаросли наполовину.

Теперь на нас одних с печалью
Глядят бревенчатые стены.
Мы брать преград не обещали,
Мы будем гибнуть откровенно.

Мы сядем в час и встанем в третьем,
Я с книгою, ты с вышиваньем,
И на рассвете не заметим,
Как целоваться перестанем.

Еще пышней и бесшабашней
Шумите, осыпайтесь, листья,
И чашу горечи вчерашней
Сегодняшней тоской превысьте.

Привязанность, влеченье, прелесть!
Рассеемся в сентябрьском шуме!
Заройся вся в осенний шелест!
Замри или ополоумей!

Ты так же сбрасываешь платье,
Как роща сбрасывает листья,
Когда ты падаешь в объятье
В халате с шелковою кистью.

Ты - благо гибельного шага,
Когда житье тошней недуга,
А корень красоты - отвага,
И это тянет нас друг к другу.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

ĐÀN SẾU TRẮNG

Ảnh: Internet


Nhân nhắc lại bộ phim Nga "Khi đàn sếu bay qua", bộ phim từng được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ XI vào năm 1958, mình tìm được bài thơ Zhuravli (White Cranes) của nhà thơ Nga Rasul Gamzatov (1923-2003), nhà thơ nổi tiếng nhất trong dòng văn học tiếng Avar. Tiếng Avar là một ngôn ngữ thuộc về nhánh Avar–Andi của ngữ hệ Đông Bắc Kavkaz, là một trong 6 ngôn ngữ văn học tại Dagestan. Tiếng Avar có chữ viết từ thế kỷ XV và là một loại chữ cái Gruzia cổ. Từ thế kỷ 17, ngôn ngữ này được viết bằng chữ cái Ả Rập có sửa đổi được gọi là Ajam và vẫn còn được sử dụng cho đến nay. Dưới thời Liên Xô, Ajam bị thay thế bằng chữ cái Latinh vào năm 1928, đến năm 1938 lại đổi sang chữ cái Kirin và dùng nó cho đến ngày nay. Về cơ bản là sử dụng các chữ cái trong tiếng Nga cộng thêm một chữ cái gọi là palochka.
Nhà thơ Dagestan Rasul Gamzatov viết bài thơ "Đàn sếu" bằng tiếng Avar. Ý tưởng bài thơ về đàn sếu nảy sinh sau khi nhà thơ thăm công viên hòa bình ở Hiroshima có bức tượng của cô bé Sasaki Sadako, người trước khi chết vì phóng xạ nguyên tử, vẫn hy vọng rằng sẽ được sống nếu cô gấp đủ 1000 con sếu bằng giấy.
Mặt khác, hình tượng đàn sếu trong văn hóa Nga và văn hóa Avar cũng không hề xa lạ với văn hóa Nhật Bản. Rasul Gamzatov hồi tưởng rằng khi ngồi trên máy bay từ Nhật về Liên Xô ông đã nhớ về mẹ, về những người anh của mình và biết bao người thân đã hy sinh trong chiến tranh. "Có phải thế mà tiếng kêu đàn sếu/ Tự bao giờ giống với tiếng Avar" – Rasul viết như thế trong bài thơ "Đàn sếu".
Năm 1968 bài thơ "Đàn sếu" qua bản dịch của Naum Grebnyov in ở tạp chí "Thế giới mới" và được ca sĩ Mark Bernes để ý. Sau đó Mark Bernes đã nhờ nhạc sĩ Yan Frenkel viết nhạc cho bài hát này. Hai tháng sau bài hát mới được viết xong, được thu âm và trở thành một bài hát nổi tiếng qua sự thể hiện của Mark Bernes.
Bài hát này sau được nhiều ca sĩ khác thể hiện thành công.

Sau khi bài hát "Đàn sếu" ra đời, rất nhiều nơi ở Liên Xô người ta dựng những đài tưởng niệm mà trung tâm là bức ảnh đàn sếu đang bay. "Đàn sếu" từ bài hát đã trở thành hình tượng về những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (*)

1-
Từ bản gốc tiếng Avar, bài thơ đã được dịch qua tiếng Nga. Dưới dây là bản dịch tiếng Anh đã được dịch bởi Boris Anisimov (1907-1997), nhà soạn nhạc, nhạc sĩ nổi tiếng của Nga, người đã sáng tác bài hát Triệu đóa hoa hồng (Millions Roses) và dịch nhiều tác phẩm trong đó có thơ của Boris Pasternak:


ZHURAVLI (WHITE CRANES) – RASUL GAMZALOV
Sometimes it seems to me each fallen soldier
That never came back home from fields of gore
In fact did never perish, as they told you,
But turned into a crane as white as snow

And ever since those days in their due season
We’ve seen them soaring high across the sky
With distant voices giving us a reason
To stand in tears and watch them flying by

A wedge of cranes is fading in the distance
So far away I can no longer see
When I run out of days of my existence
I hope those cranes will find a gap for me

That I may soar above my pain and anguish
And join their ranks as many years ago
Recalling all their names in my new language
And names of those whom I have left below
****

Đàn sếu trắng.
Tôi thường nghĩ đôi khi những người lính
Không trở về từ những chiến trường xa
Họ không chết đâu như bạn vẫn tưởng
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay qua

Vào những ngày mùa sếu trắng đang bay
Từng cánh chim cao vút trên bầu trời
Cất tiếng kêu xa xôi cho tôi thấy
Nhìn sếu bay qua màn nước mắt rơi

Một cánh chim mờ dần phía trời xa
Xa xăm lắm không sao nhìn thấy nữa
Mong mai kia khi hết cuộc đời này
Đàn sếu dành cho tôi một khoảng giữa

Tôi sẽ bay khỏi đau thương thống khổ
Sẽ cùng đàn sếu trắng như một thời
Sẽ gọi tên nhau bằng ngôn ngữ mới
Và tên người ở lại dưới trần đời.

Dieu Tam Nguyen tạm dịch
*****

2-
Một bản tiếng Anh khác của bài thơ Đàn Sếu, được dịch bởi David Mark Bennett từ bài thơ tiếng Nga đã dịch từ ngôn ngữ Avar của nhà thơ Rasul Gamzatov. Khác với bản dịch 4 khổ thơ của Boris Anisimov, bản dịch này có 6 khổ:

THE CRANES
It seems to me sometimes that soldiers fallen
Whom bloody battlefields have rendered dead,
Were buried not in soil to be forgotten,
But turned into white cranes in flight instead.

From that time, since their fate became a coffin,
They’ve soared and issued us a strident cry.
Is that not why we sadly, and so often,
Lift up our silent gaze when cranes go by?

Today, as evening yields to nighttime’s border,
I see the cranes in flight, their wings unfurled.
They fly over the fields in perfect order
Just as they marched when people in the world.

They fly--their line extending to forever,
And call out names of someone to the cold.
Is that not why the song of cranes has never
Been far from Avar speech since times of old?

The weary wedge of birds on expedition -
It flies and flies through fog, towards the dawn,
And in the ranks I notice a position -
An empty space for me, for when I’m gone!

Some day in that formation I'll be flying;
I'll sail into the skies on my rebirth,
And from the heav'ns with crane trump I’ll be crying
To those of you I left upon the earth.
(All Poetry - Dave Bennett)
*****

ĐÀN SẾU
Tôi vẫn nghĩ người chiến binh ngã xuống
Nơi chiến trường đẫm máu chẳng quay về,
Thân xác kia không vùi chôn mục ruỗng,
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay đi.

Kể từ lúc phận người trong mộ chí
Họ bay lên vọng lại tiếng thê lương,
Có phải là lúc ta thấy buồn thương,
Khi ngước mắt dõi theo đàn sếu trắng?

Chiều nay lúc đêm tàn nơi biên tái,
Tôi dõi theo đàn sếu lướt ngang trời.
Bay qua chiến trường xưa theo hình đội
Như đoàn binh quân hành khắp nơi nơi.

Sếu bay-- theo đoàn hàng ngay thẳng lối
Gọi tên ai trong lạnh lẽo mù sa
Có phải vì thế mà sếu lên tiếng gọi
Tự bao đời như tiếng nói Avar?

Sếu bay như thế suốt cuộc viễn chinh-
Lướt sương bay mãi đến bình minh,
Giữa đàn chim bay kìa một chỗ trống -
Hẳn dành cho tôi, khi đến phiên mình!

Một mai đây tôi cũng sẽ theo đàn;
Tôi sẽ lượn trên trời cao sống lại,
Từ thiên đàng với tiếng chim tôi gọi
Những bạn bè tôi còn lại ở trần gian.

Dieu Tam Nguyen tạm dịch.


*****
Bản tiếng Nga:
УРАВЛИ, Расул Гамзатов

Мне кажется порою, что солдаты,
С кровавых не пришедшие полей,
Не в землю нашу полегли когда-то,
А превратились в белых журавлей.

Они до сей поры с времен тех дальних
Летят и подают нам голоса.
Не потому ль так часто и печально
Мы замолкаем, глядя в небеса?

Сегодня, предвечернею порою,
Я вижу, как в тумане журавли
Летят своим определенным строем,
Как по полям людьми они брели.

Они летят, свершают путь свой длинный
И выкликают чьи-то имена.
Не потому ли с кличем журавлиным
От века речь аварская сходна?

Летит, летит по небу клин усталый -
Летит в тумане на исходе дня,
И в том строю есть промежуток малый -
Быть может, это место для меня!

Настанет день, и с журавлиной стаей
Я поплыву в такой же сизой мгле,
Из-под небес по-птичьи окликая
Всех вас, кого оставил на земле.

Rasul Gamzatov
(*) Nguồn: wikipedia

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

RU CON



RU CON

Một trăng sắp lặn
Hai cua mắc rào,
Ba sao .. sáng rồi!
Bốn ông mặt trời.
Sắp đỏ ... Mẹ ơi!
Địu con lên rẫy hái đọt măng thôi,
Địu con về xuôi giao hàng kẻ chợ.

À à à ơi, 
Con ngủ cho ngoan 
Trên lưng mẹ võng mảnh chăn quàng, 
Sương rừng rơi xuống đôi vai mẹ.
Lội suối lạnh căm mẹ cắn răng.

À à à ơi, 
Hãy ngủ cho ngoan,
Mẹ còn ra nương rẫy chiều nay
Con lớn trên lưng mẹ từng ngày
Suối kia có cạn 
Đá kia có mòn
Mẹ vẫn không màng 
Địu con

À à à ơi
Mai kia không còn trên lưng mẹ
Là lúc con yêu bước vào đời.
Mẹ ngồi đợi con trong góc bếp
Củ khoai lùi
Lửa tắt rồi
Khăn piêu thấm nước mắt
Nhớ con...
***

Thu Tây Bắc 2017
Nguyễn Diệu Tâm 

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

THƠ EMILY DICKINSON


How The Sun Rose - Photo by Nguyễn Diệu Tâm


EMILY DICKINSON
1- POEM 15: I HELD A JEWEL IN MY FINGERS

I held a jewel in my fingers
And went to sleep.
The day was warm, and winds were prosy;
I said: “’T will keep.”

I woke and chid my honest fingers,—
The gem was gone;
And now an amethyst remembrance
Is all I own.

Chuyển ngữ:
Tôi cầm viên ngọc trong tay,
Ngày lên đã ấm, gió hây hây về;
Nhủ thầm tôi giữ ngọc thề,
Thiu thiu đánh giấc nồng mê ngủ ngày.

Tỉnh ra còn những ngón tay,
Mân mê mới biết ngọc bay mất rồi.
Ngậm ngùi chỉ có mình thôi,
Tím hoang nhớ mỗi một màu thạch anh.
*****

2- I'LL TELL YOU HOW THE SUN ROSE

I’ll tell you how the sun rose, -
A ribbon at a time.
The steeples swam in Amethyst
The news, like Squirrels, ran –

The Hills untied their Bonnets –
The Bobolinks – begun –
Then I said softly to myself –
“That must have been the Sun”!

But how he set – I know not –
There seemed a purple stile
That little Yellow boys and girls
Were climbing all the while –

Till when they reached the other side –
A Dominie in Gray –
Put gently up the evening Bars –
And led the flock away –

Chuyển ngữ:
Mặt trời mọc ra sao tôi sẽ nói,--
Lúc sớm tinh sương là dải lụa dài.
Những gác chuông trôi trong màu thạch tím,
Tin tức, nhanh như bầy sóc, chạy quanh –

Những ngọn đồi đã tháo mũ cho xanh,
Bầy sẻ nhỏ lên tiếng hót – khởi đầu –
Hỏi lòng mình thì thầm tôi nhủ –
“Phải mặt trời là thế hay sao!”

Nhưng mặt trời lặn ra sao – tôi chẳng biết –
Một hàng rào màu tím có vẻ là
Mà những đứa trẻ gái trai vàng rực
Đang cố tình mải miết trèo qua –

Khi chúng đặt chân về phía kia xa –
Trong màu xám áo chùng người tu sĩ –
Nhẹ nhàng nâng lên chấn song chiều tối –
Và đàn chim tung cánh mỏi bay đi –
 *****

3- WHEN ROSES CEASE TO BLOOM 

When roses cease to bloom, dear
and violets are done,
When bumblebees in solemn flight
Have passed beyond the sun,

The hand that paused to gather
Upon this summer's day
Will idle lie, in Auburn.--
Then take my flower, pray!


Người ơi, khi những bông hồng thôi nở,
Những cánh hoa violet tím sẽ tàn
Cùng bầy ong trang nghiêm
Từ biệt ánh mặt trời

Khi bàn tay thôi không còn gặt hái
Vào cuối ngày hạ này
Sẽ bất động nằm trong nghĩa trang kia
Thì đây đóa hoa tôi, xin Người nhận lấy
Và nguyện cầu cho linh hồn tôi...

*****

4-  WATER, IS TAUGHT BY THIRST

Water, is taught by thirst;
Land - by the Oceans passed.
Transport - by throe
Peace - by its battles told
Love, by Memorial Mold
Birds, by the Snow.


Chuyển ngữ:
Nước, dạy ta yêu khi chết khát;
Đất – cần khi lạc giữa đại dương.
Hạnh phúc – nếm được từ đau thương -
Hòa bình – chiến tranh mới biết quý-
Tình yêu, mất mới ngậm ngùi-
Cánh chim, lúc tuyết trắng trời mới vương.

*****

5- AH, MOON - AND STAR!

Ah, Moon—and Star!
You are very far—
But were no one
Farther than you—
Do you think I'd stop
For a Firmament—
Or a Cubit—or so?

I could borrow a Bonnet
Of the Lark—
And a Chamois' Silver Boot—
And a stirrup of an Antelope—
And be with you—Tonight!

But, Moon, and Star,
Though you're very far—
There is one—farther than you—
He—is more than a firmament—from Me—
So I can never go!
 


Chuyển ngữ:
A kìa, Trăng—và Sao!
Nhưng bạn ở quá xa—
Xa hơn hết tất cả
Xa, xa tít mù xa—
Bạn nghĩ tôi sẽ dừng
Nơi bầu trời bất tận—
Hay một nửa— sải tay?

Tôi sẽ mượn cái mũ
Trên đầu chim chiền chiện—
Đôi giày bạc loài hươu—
Bàn đạp từ linh dương—
Bay vù đến với bạn— Đêm nay!

Nhưng nè, Trăng, và Sao
Dù bạn ở tít xa
Vẫn có Người—xa hơn—
Xa hơn cả bầu trời
Nên tôi chẳng thể đến!
 

*****
Poem: A FIELD OF STUBBLE, LYING SERE
By EMILY DICKINSON

A Field of Stubble, lying sere
Beneath the second Sun --
Its Toils to Brindled People thrust --
Its Triumphs -- to the Bin --
Accosted by a timid Bird
Irresolute of Alms --
Is often seen -- but seldom felt,
On our New England Farms –


Chuyển ngữ:
CÁNH ĐỒNG MÙA THU HOẠCH - Thư gửi Ned (*)
Cánh đồng vừa gặt xong - gốc rạ khô phơi mình --
Dưới nắng vàng lộng lẫy - của mùa thu hồi sinh -- (**)
Vất vả người nông dân hối hả mùa thu hoạch --
Thành quả bội thu ấy -- chất đầy các thùng kho --
Có con chim tỉnh tót nhút nhát sà lại gần
Rụt rè nhặt cho mình ít hạt ngô bố thí --
Đó là cảnh thường thấy -- nhưng mấy ai cảm nhận,
Trên khắp các nông trại đồng quê New England --

  
Dieu Tam Nguyen  chuyển ngữ
****

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

NGÔI CHÙA MỚI, LỚP HỌC MỚI VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI LÊNH ĐÊNH


NƠI CHỈ CÁCH QUÊ HƯƠNG MỘT DÒNG SÔNG V:
NGÔI CHÙA MỚI, LỚP HỌC MỚI VÀ NHỮNG PHẬN ĐỜI LÊNH ĐÊNH

Ngày thứ sáu 23/11/2018, sau một ngày đi Tiền Giang cùng các bạn trở về lại thành phố lúc 7 giờ tối khi trên đường vào thành phố bị kẹt xe rất nhiều mà nguyên nhân một phần là do ngày “thứ sáu Đen” Black Friday trong chương trình giảm giá của các shops và siêu thị đồng loạt ăn theo sau ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ, tôi vội vã chỉ kịp dùng cơm tối rồi lại chuẩn bị hành lý lên đường đi Campuchia. Đến nơi tập trung lúc nửa đêm vì xe sẽ khởi hành rất sớm lúc 2:30 g sáng thứ bảy. Khác với những lần trước tôi và nhóm trưởng Hiểu & Thương Kim Nga thường nhắn nhủ cho nhau “không ai đi thì hai đứa mình đi!” thì lần này chỉ có một mình tôi lên đường vì Nga phải chuẩn bị hành lý và thu xếp mọi thứ trước khi đi Myanmar tham dự khóa tu 2 tháng rưỡi. “Để hoàn tất dự án xây chùa và lớp học tình thương ở Bến Ván, có Tâm đi thì mình yên tâm. Và cũng vì có thể lần này là lần cuối mình đi Campuchia…” Vì câu nói của bạn mà tôi không nỡ chối từ, đành … gắn bánh xe vào hai chân chạy tiếp!

Thuyền neo Bến Ván. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Trong một năm qua tại ngôi chùa An Hòa Tự ở Bến Ván đã xảy ra nhiều thay đổi. Chuyện xây cất cứ tạm ngừng rồi lại tiếp tục nhiều lần vì một số trục trặc bất ngờ, thiếu kinh phí, đổi thầu xây dựng v.v… Tháng 3/2018 khi Kim Nga và tôi trở lại lần thứ hai thì việc xây dựng chỉ mới được nửa chừng, những tưởng khoảng cuối tháng 7 âm lịch sẽ hoàn tất nhưng sau đó sư cô An Nghĩa trên 75 tuổi đã phải hơn 7 lần qua lại Bến Ván để giúp đỡ, đôn đốc cho công việc chóng hoàn thành. Nhờ sự tận tâm tận lực góp sức của các nhóm Sư cô An Nghĩa, Ni sư và Phật tử chùa Hoa Nghiêm tại Toronto, chùa Tam Bảo tại Montreal, Canada; nhóm của dì Huệ ở Bến Tre cùng các mạnh thường quân, nhóm Hiểu & Thương, cuối cùng rồi ngày khánh thành cũng đã đến. Khác với lần đầu và lần thứ hai đến Bến Ván đoàn có nhiều tình nguyện viên tham gia là những cô cậu thanh niên trẻ tuổi, việc bốc xếp hàng hóa quà tặng mấy trăm phần gồm gạo, mì, đường, bánh kẹo … có họ đỡ đần, còn lần này đoàn đi được 38 người nhưng đa số là các sư bà sư cô, Phật tử cao tuổi đến từ Bến Tre, Hóc Môn, Củ Chi, Sài Gòn …, có nhiều người đi lần đầu, còn lại chỉ có 2 cậu thanh niên nên cả tài xế là phụ xế cũng phải cùng tiếp sức.

Ngôi chùa cũ. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Xe khởi hành lúc 2:30 g sáng, đến cửa khẩu khoảng 7:00 g và Phnompenh lúc 11:00 giờ. Vài tiếng đồng hồ cho đoàn ghé tham quan Wat Phnom, một ngôi chùa linh thiêng ở Pnom Penh và chùa Vàng chùa Bạc, hoàng cung Campuchia, sau đó xe đi ngay đến Bến Ván cách Phnom Penh 70 km.
Hoàng hôn rơi xuống rất nhanh, chẳng mấy chốc trời đã sập tối thì đó là lúc xe chúng tôi đi vào một con đường gập ghềnh, rất vắng và tối vì không có đèn đường, thi thoảng mới có ánh đèn leo lét hắt ra từ những căn nhà hai bên đường sông nước mênh mông, cỏ cây mọc rậm rạp như trong rừng. Vì tài xế lần đầu đi Bến Ván nên anh ta suýt đi lạc phải quay lại và chờ chú Hòa, người chủ đất đã cúng dường miếng đất cho nhà chùa, đem xe ra dẫn đường. Xe lắc lư dữ dội vì con đường khá xấu lại bị sạt lở nhiều do vừa trải qua mùa mưa lũ. Lần gần đây nhất trong mùa mưa, khi đến đây con đường vào Bến Ván ngập nước nặng xe khách không vào được nhóm sư cô An Nghĩa phải đi xuồng bơi vào tận chùa.

Bình minh Bến Ván.
Lúc đến nơi trời đã tối hẳn. Sư Minh Trung ra tận xe đón đoàn và cho câu điện sang mé nhà bè sát bờ sông đưa cả đoàn đi ăn cơm tối. Trong bóng tối nhập nhòe tôi nhận ra một chút hình ảnh quen quen nhưng lại có gì đó rất lạ, trống vắng hơn hẳn lần trước. Con đường dẫn vào chùa và nhà bè nổi trên sông cao hơn nhưng lại hẹp hơn trước đây, mới biết do gần sông có lúc mưa nhiều cùng lúc thủy triều lên nước đã dâng lên cao đến 2, 3 mét. Chiếc cầu lót bằng những tấm ván cũ nối nhau khá dài vượt qua bãi sình mọc ken kín lục bình. Thấp thoáng bên sông vài chiếc xuồng neo vắng người dường như không còn ai ở đây như trước nữa.
Đêm ấy chúng tôi chia nhau nhóm ngủ trên chùa mới, nhóm muốn thưởng thức gió lộng mát mẻ thì ngủ trên nhà bè nổi trên sông. Không còn cảnh những con thuyền qua lại nghe tiếng chèo khua trong đêm. Không còn ánh đèn leo lét hắt ra từ những túp nhà bè chung quanh nơi xúm xít những gia đình nhỏ và tiếng cười nói. Càng về khuya gió càng thổi lồng lộng. Chỉ có một hình ảnh quen thuộc như những lần trước là vầng trăng sau rằm treo giữa trời vằng vặc sáng một mình giữa đêm khuya.

Mặt tiền ngôi chùa mới
Mặt hậu ngôi chùa mới.
Khi trời vừa sáng, tôi mới nhận ra ngôi chùa mới thật rất đẹp so với những gì mình đã nghĩ. Ngôi chùa cũ lợp sơ sài bằng mái tôn vách lá quá nghèo nàn thiếu thốn, sư vẫn giữ ở đó suốt trong thời gian xây dựng để thờ Phật. Riêng lớp học mái lá tình thương đã được dở bỏ từ lâu vì đất chùa thuê phải trả lại cho chủ, còn các cháu học sinh dời qua nhà bè nổi để học. Hôm nay ngày Chủ nhật 25/11 sau buổi lễ khánh thành ngôi chùa và lớp học mới, các cháu sẽ được chính thức học tập và sinh hoạt ở khu nhà mới kể từ ngày thứ hai 26/11/2018.
Công trình được xây bằng bê tông, lát gạch, có 2 tầng, nhiều cửa sổ hai bên hông. Tầng một là chánh điện với diện tích 12 x 20 m có hành lang chạy dài hai bên và phía trước mặt tiền nở rộng, đặt một bức tượng bồ tát Quán Thế Âm bằng đá trắng đứng trên tòa sen cao khoảng 2 m. Bên trong chánh điện rộng thoáng với hai hàng cửa sổ. Ở giữa đặt tượng Phật Thích Ca phía trên, thấp hơn là tượng Phật Chuẩn đề cũng bằng đá trắng. Đối diện là bàn thờ Sư tổ Đạt Ma. Hai bên vách phía trên cao và trên bệ thờ chưng bày bộ 7 tượng Phật Dược sư Lưu Ly rất đẹp do một mạnh thường quân cúng dường. Phía sau có hai phòng nối với thang lầu đi xuống và 2 nhà vệ sinh. Do gần sông, phía tầng trên luôn lộng gió rất thoáng mát.

Chánh điện mới An Hòa tự.


Tầng trệt có diện tích 8 x 19 m, dành cho lớp học và các sinh hoạt học tập, họp hành, phát quà từ thiện, cũng có 2 nhà vệ sinh như tầng trên. Lớp học đã có bảng, bàn ghế của thầy giáo và học trò, trông sạch sẽ và sáng sủa. Nhìn chung ngôi chùa và lớp học mới thật khang trang. Mọi người trong đoàn ai cũng khen đẹp và trang nghiêm lắm dù cũng còn chút ít còn lại cần hoàn thiện.

Nhìn từ chánh điện chùa mới.
Khi xây dựng, sư Minh Trung đã cho đổ đất lên cao hơn mặt đường trước kia nhiều để chống thủy triều lên và mùa mưa lũ về. Tuy vậy, lần gần đây nhất nước lũ dâng cao hơn mặt đất đã đắp 1 m.
Cũng như ở Biển Hồ trước đây, sống trên sông nước Mekong khu vực này phần lớn là những gia đình người Việt. Phía trên bờ là xóm làng của người Campuchia. Ngoài một số căn nhà có vẻ khang trang còn lại là xóm nghèo, hầu như nhà nào cũng đông con, lúc cha mẹ đi làm kiếm ăn thì lũ trẻ lang thang trong xóm, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc tai rối bù. Thấy có khách đến chúng kéo nhau vào xin tiền hay bánh kẹo. Đầu ngõ vào có một túp nhà là nơi ở của anh Phuông, người được sư Minh Trung giao phó việc nấu cơm từ thiện cho xóm người Campuchia mỗi tuần một ngày. Anh cho biết lý do vì sao Bến Ván hôm nay vắng vẻ hẳn. Người dân sống lang bạt trên các thuyền bè làng nổi trước đây đã phải dời đi không được sống trên sông nữa từ đầu tháng 11. Thời gian từ tháng 8 đến 11 cũng là mùa sinh sản của cá nên chính phủ Campuchia không cho bắt cá, có thể bị bắt và phạt rất nặng. Chính quyền đã thu xếp cho người dân ở một nơi khá xa Bến Ván. Một số nhà do quen sống nơi đây đã thuê nhà gần đó để ở, tiền thuê khoảng 100 US dollars/ năm.
Riêng lớp học thì các cháu học sinh dù ở xa vẫn đi học bằng xe đạp về xóm cũ. Một cháu bé kể: “Có người không có xe đạp thì thuê xe chở. Hết 1.000 Riel/ngày”.(*)

Bình minh Bến Ván

Sư Minh Trung cho biết phần lớn trong số hơn 200 hộ cư dân Việt sống trên làng nổi tại đây đã dời về ở gần khu người Việt trên bờ. Nhưng dù đi đâu họ cũng luôn quấn quít với sư, nhất là các cháu ở xa cũng gắng về trường cũ học, vì vậy số lượng học sinh tuy có giảm bớt nhưng cũng được 70 cháu theo học. Việc giảng dạy do sư đảm trách chính, hiện nay còn có thêm 1 cô giáo.
8:30 giờ sáng, đến lúc làm lễ khánh thành. Các ni sư tập trung tại chánh điện đọc kinh cùng đoàn Phật tử và các cháu học sinh. Các cháu nhỏ được mặc đồng phục áo trắng quần hoặc váy màu xanh dương, các cháu lớn mặc quần áo hoặc áo tràng màu lam. Trước giờ làm lễ, tôi đã thấy các cháu nhỏ dẫn nhau lên chùa cũ lễ Phật theo thói quen hàng ngày trước khi vào lớp. Được nhà chùa dạy dỗ, các cháu đều thuộc kinh vanh vách, ngoan ngoãn lễ phép hơn hẳn đám trẻ con trong xóm người Campuchia bên ngoài.

Chánh điện mới An Hòa tự.


 Tiếp theo là làm lễ khai trương lớp học mới. Khác hẳn lớp học chật hẹp nghèo nàn ngày nào, nay được ngồi trong nhà xây bằng gạch, bàn ghế tử tế khang trang đẹp đẽ, các cháu trông hân hoan rạng ngời ra mặt. Các cháu được sư Minh Trung dò bài bằng cách đọc 10 bài kệ Bồ đề tâm. Tiếp theo là một bài chú nguyện và các cháu được sư hướng dẫn lên bục nói lời cảm ơn đến quý ni sư, mạnh thường quân đã giúp đỡ cho các cháu có được ngôi chùa và lớp học đẹp đẽ ngày hôm nay. Cuối cùng là đoàn từ thiện đã phát 150 phần quà gồm một bao gạo, một thùng mì, đường và bánh kẹo cho các cháu cùng gia đình các hộ nghèo ở Bến Ván. Ni sư An Nghĩa và đoàn Phật tử đi cùng cũng đóng góp thêm một số tiền để sư hoàn thiện một số công đoạn sau cùng cho công trình. Ni sư An Nghĩa đề nghị sư Minh Trung cho làm thêm 2 nhà vệ sinh nữa cho các cháu. Không khí vui vẻ ấm áp làm ai cũng cảm động và vui mừng cho Bến Ván hôm nay đã có được một ngôi chùa Việt và lớp học tình thương khang trang như ý.

Lớp học mới. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 

Mọi việc đã xảy ra như một giấc mơ. Có duyên mới thành. Chúng tôi còn cảm thấy Bến Ván như một câu chuyện cổ tích nhỏ đã đến hồi kết có hậu “happy ending”, huống chi là các cháu học sinh nhỏ bé trong cộng đồng người Việt tha hương ở nơi đây. Nhìn những nụ cười ngây thơ sung sướng ấy, ngắm những đôi mắt trong veo vô tư ấy, không ai khỏi chạnh lòng thương yêu và mong ước cho sau này những thiên thần bé bỏng này sẽ có tương lai tốt đẹp sáng sủa hơn đời ông cha các cháu. Hàng ngàn người Việt sống lang thang trên Biển Hồ từ bao đời qua nay dần dần đã được đưa lên bờ nhưng để giải quyết những bế tắc của cuộc sống vẫn còn dài. Nhà nào cũng không dưới chục đứa con nheo nhóc, kiếm ăn từng ngày không xong, tiền đâu để có được giấy tờ hợp pháp, cho con đến trường!
Như dòng sông vẫn chảy và lục bình vẫn sinh sôi ken kín cả bờ …

Tháng 11. 2018
Bài và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
(*) 1.000 Riel # 6.000 đồng VN
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.2072223552841397&type=3