Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

TIỂU THƯ

Buổi sáng cuối tuần, còn đang ngái ngủ, tôi nhận được tin nhắn của Rod, một trong những người khách hàng lâu năm: "Tôi vừa đến Việt Nam. Đây là số di động mới của tôi. Hãy liên lạc với tôi qua số này. Rất mong được gặp cô lúc 10 g sáng ở Highland Coffee, phía sau Opera House."
Vẫn như bao nhiêu lần trước mỗi khi Rod qua Việt Nam, thường là vài lần hoặc ít nhất cũng một lần mỗi năm, lần nào qua đến thành phố ông ta cũng liên lạc với tôi ngay lúc vừa đến nơi và hẹn đi ăn trưa. Là một khách hàng từ Canada lâu năm nhất của tôi, quen biết nhau đã lâu, làm ăn với nhau cũng đã lâu, nhưng lạ một điều là tôi cảm thấy mình luôn cảnh giác với ông ta. Khác rất nhiều với những khách hàng khác, Rod luôn có những thái độ đối xử bất nhất với những người có quan hệ với ông ta trong công việc, khi thì thân thiện, tốt bụng hòa nhã rộng rãi và không kém phần từ bi, khi thì lạnh lùng hiểm ác, keo kiệt bủn xỉn. Nhiều lần thấy ông mặc cả tiền xe với người tài xế taxi, hoặc buộc nhà hàng phải trả lại tiền thừa chưa đến 700 đồng, tôi cảm thấy xấu hổ. Ông luôn giải thích: Với tôi, mọi chuyện phải rõ ràng. Tôi không muốn bị ai lừa mình, dù chỉ một xu!
Tôi gặp ông khoảng 10 năm trước, lúc ông đến Việt Nam lần đầu tiên tìm nguồn hàng mua bán. Tôi cũng giới thiệu cho ông một số nhà cung cấp, trong đó có Tuân, chủ một nhà in. Ông rất quý Tuân. Khi nghe tin Tuân mất đột ngột vì tai nạn, ông đã khóc lúc đọc những dòng email tôi gửi báo tin. Lần qua Việt Nam vài tháng sau, ông rủ tôi đi thăm mộ Tuân, cách xa thành phố chừng 30 km. Ông đưa tay phủi những chiếc lá khô rơi trên mộ Tuân, rồi đứng lặng người rất lâu. Trên đường về ông nói với tôi: - Làm ơn tìm cho tôi một người săn sóc mộ Tuân. Tôi sẽ trả tiền để người ấy ngày nào cũng ra đây quét dọn cho mộ Tuân sạch sẽ và chăm sóc những bông hoa.
Ông thuê Hoàng, một người phiên dịch tiếng Anh để giúp ông trong công việc rồi cùng người này đi khắp miền Trung và Bắc tìm nguồn hàng, từ cà phê, trà, gỗ, sắt thép gì cũng làm. Hoàng kể: "Ông ta thật là siêng năng và dẻo dai, với thân hình đồ sộ hàng trăm ký lô thế kia, ông đi rất nhiều, hang cùng ngõ hẹp đều tìm đến, leo lên những ngọn đồi cao miền Bắc thoăn thoắt để mua trà, cà phê, tôi còn chạy theo không lại, chỉ sợ ông ấy to béo quá, có thể bị đứt mạch máu thì khổ!" 
Tôi đến Highland trễ khoảng nửa tiếng vì trên đường kẹt xe do mưa quá lớn. Rod ngồi bàn phía ngoài, gần hàng rào gỗ sơn màu trắng có những chậu hoa màu đỏ.
Tôi gọi một miếng bánh Tiramisu và một tách trà nóng. Vẫn như bao giờ, Rod nói hơi nhiều về chuyện gia đình, chuyện kinh doanh, chuyện thời sự quốc tế ... và tôi chỉ việc ngồi nghe. Quán cà phê càng lúc càng đông khách vì trời lại bắt đầu đổ mưa. Lại một cơn bão về.
- Cô còn nhớ con bé "Tiểu thư" chứ?
Đang im lặng nhìn ra ngoài trời đang mưa, tôi giật mình quay lại. 
- Có, tôi nhớ. 
- Tôi có hẹn với cô bé trưa nay. 
- Sao lần trước tôi nghe ông kể cô bé đã đi Mỹ rồi mà?
- Phải, cô bé ấy được một đôi vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi và bảo lãnh đi cách đây 8 năm.
- Thời gian qua nhanh thật! Vậy bây giờ vì sao "Tiểu thư" lại đang ở Sài Gòn?
- Trước đây, mùa hè nào nó cũng về Việt Nam mà không đi đâu nơi khác dù cha mẹ nuôi sẵn lòng cho nó đi holiday ở nhiều nơi. Khi vừa hoàn tất trung học, nó xin cha mẹ nuôi cho về Việt Nam học tiếp chương trình đại học. Họ đồng ý.
- Thật là lạ! Tại sao cô bé không học đại học bên Mỹ cho có tương lai hơn?
- Vấn đề là cô bé không thể rời xa gia đình. Nó là một đứa con gái tốt, rất thương yêu gia đình của mình.
Mưa càng lúc càng lớn, vì ngồi ngay ở phía ngoài nên mưa tạt vào phía bàn chúng tôi. Rod bảo tôi dời chỗ vào bên trong, nơi có cửa kín và không ai hút thuốc lá nhưng tôi vẫn thích ngồi bên ngoài. Những quán cà phê ngay trung tâm thành phố bây giờ thường có khoảng sân cho khách ngồi nhìn ngắm phố phường, người, xe qua lại vui mắt. Tôi nhìn ra đường, bên phải là khách sạn Caravelle, bên trái là khách sạn Park Hyatt, Continental và con đường chạy qua Nhà hát lớn thành phố là đường Catinat thời Pháp thuộc, mang tên đường Tự Do trước năm 1975 và bây giờ là Đồng Khởi. Vào thời kỳ nào thì con đường này cũng là một trong những con đường "vàng" của thành phố.
Vào thời khách du lịch đổ vào Việt Nam từ những năm 80, vì con đường này là một trong những trung tâm của những cửa tiệm, khách sạn, nhà hàng sang trọng nhất nên lúc nào du khách cũng đông. Du khách càng đông thì những dịch vụ mua bán càng nhiều, không chỉ trong tiệm mà còn tràn ngập đường phố. Một trong những dịch vụ mua bán đường phố này là đội ngũ trẻ em bán báo, sách tiếng nước ngoài, bưu thiếp, bán vé số v.v... cũng đông không kém. Để dễ tiếp cận khách nước ngoài, các em nói tiếng nước ngoài như gió, từ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hoa .., chỉ là những từ học lỏm đâu đó, nói riết rồi thành quen. Nhiều lần đi trên con đường này, tôi gặp những bé gái chừng 9, 10 tuổi, tay ôm cả chồng sách báo. Tôi hay xót lòng nên thường dừng lại mua chút ít gì đó để giúp đỡ. Hỏi về hoàn cảnh thì đa số kể: " Con đi bán hàng nuôi em con!" Hỏi cha mẹ đâu, cháu bảo "Cha mẹ con chết hết rồi!"... Có lúc thì là một bà cụ ngồi bên góc đường với chiếc nón lá rách để ngửa. Cho tiền, hỏi con cái cụ đâu. Bà trả lời: Tui có 3 đứa con trai. Vì con dâu bất nhơn quá không chịu nuôi nên thôi, ra đường kiếm ăn! Có lần một người khách đi cùng tôi nghe tôi kể đã xua tay: Không chắc đó đã là sự thật đâu!
"Tiểu thư" cũng ở trong đội quân trẻ em đường phố đó. Cũng hoàn cảnh tương tự như các em khác. Cha sớm say chiều xỉn, lại còn nghiện ma túy. Mẹ bệnh hoạn quanh năm suốt tháng, phần thiếu ăn nên người xanh xao vàng vọt. "Tiểu thư" là chị lớn của đàn em 3 đứa con trai cũng theo chị mạnh đứa nào bán thứ đó. Cuối ngày về các em nộp tiền cho cha. Cha quăng cho vợ con vài đồng lẻ, còn lại ông trút vào rượu và ma túy. 
Rod gặp "Tiểu thư" trên con đường đó. Còn tôi biết đến cô bé khi Rod viết E-mail nhờ tôi tìm hộ một trường tiểu học nội trú của các ma soeur, và Hoàng thay mặt ông làm người giám hộ cho con bé. Ông từng nói với tôi: "Đó là một đứa bé thông minh, tôi sẽ giúp đỡ cho nó học hành tử tế. Học chữ và học đàn piano".
Vài tháng sau gặp lại Hoàng, cậu ta nói: "Ông Rod nuôi con bé ấy chỉ uổng công! Nó trốn học hoài. Nó quen cuộc sống tự do ngoài đường phố rồi, là một đứa bé bụi đời, giờ ông ta bắt nó phải nhốt mình trong những bức tường và biến nó thành cô tiểu thư nhà giàu, học hành tử tế, đàn piano, làm sao mà được! Trời, "Tiểu thư đường phố"!
Cái tên "Tiểu thư" bắt đầu được chúng tôi gọi từ đó. Có gì đó thật chua xót khi tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi từng nói với Rod: Tôi thật lo là ông sẽ uổng công. Con bé như một cánh chim tự do, nay ông nhốt nó vào lồng son, rồi nó sẽ vỗ cánh bay đi thôi. Còn người cha như thế, chỉ suốt đời làm khổ gia đình. 
Nhưng Rod thì cho là nhà trường quản lý không tốt và Hoàng đã làm vai trò giám hộ không hết lòng. Ông nói với tôi: - Khổ cho Tiểu thư là nếu nó phải đi học như vậy thì ai là người kiếm tiền nuôi lão cha già nghiện ngập và bà mẹ bệnh hoạn cùng đám em nheo nhóc đó! Con bé mới 12 tuổi! Nhưng nếu tôi phải giúp cho gia đình nó để nó yên tâm học hành thì không thể được! Tôi không thể bỏ tiền ra để nuôi một tên nghiện!
Giờ đây tôi xúc động vì câu chuyện này. Tôi thấy ân hận vì mình đã có những lúc thoáng qua nghĩ không tốt về Rod, về suy nghĩ và hành động của "Tiểu thư". Tôi cứ tưởng ngày con bé được cha mẹ nuôi giàu có lãnh qua Mỹ, sẽ trở thành một cô tiểu thư thật sự, sẽ được học hành tử tế, rồi tuổi thơ cơ cực sẽ qua, rồi cô sẽ lập gia đình với một chàng trai nào đó, và cùng lắm cô sẽ về thăm gia đình lúc đã có công ăn việc làm ổn định, có tiền đủ để giúp đỡ gia đình. Nhưng không, một cô gái 20 tuổi, rời nước Mỹ và cuộc sống giàu sang của một tiểu thư thật sự để trở về nhà chỉ vì cái gia đình tội nghiệp của mình vẫn còn sống trong cảnh lang thang đầu đường xó chợ. Khi thấy cha mình đêm đêm ngủ ở gầm cầu, nay ở chợ Ông Lãnh, mai chợ Cầu Muối, những con đường Sài Gòn ngày nay càng phát triển thì cầu càng nhiều. Còn mẹ cô từng tha đứa em út ra miền Bắc kiếm ăn, 2 đứa em trai nhỏ còn lại thì đi nhặt ve chai, đói khát là chuyện thường ngày. Bên kia bờ đại dương, "Tiểu thư" ứa nước mắt hàng đêm, tâm nguyện của cô bé là sẽ có một ngày về Việt Nam gom gia đình lại thành một. Chỉ sợ nếu để muộn màng thì không bao giờ cô còn có thể gặp lại gia đình mình nữa. Và vì thế, con chim nhỏ tự do lại thêm một lần nữa, bay ra khỏi chiếc lồng son.
Rod nhìn đồng hồ chỉ 12 g trưa. Ông nhấn phím từ chiếc Black Berry nhắn tin. Rồi đưa điện thoại cho tôi đọc những dòng “Tiểu thư” viết trả lời: "Dad, ở chỗ con trời đang mưa lớn".  – "Cô bé đang ở đâu"? Tôi hỏi. Rod trả lời: – "Tôi không biết. Nhưng tôi bảo con hãy đi bằng taxi đến đây. Ta sẽ trả tiền xe". Tôi nhìn Rod lúc đó đang chăm chú vào điện thoại nhưng toát lên một vẻ thật trìu mến. Khuôn mặt với bộ râu quai nón rậm rạp lùm xùm và cặp kính tròn trễ xuống mũi trông ông giống như ông già Nô-en. Ông có vẻ hạnh phúc vì chữ DAD. Tôi lại nhớ có lần ông kể cho tôi nghe chuyện đời ông 40 năm về trước: “Lúc đó vợ chồng tôi rất nghèo, tôi phải may nệm ghế sa lông bằng tay. Nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Và rồi hạnh phúc đã không còn khi vợ tôi mất vì bệnh ung thư. Một thời gian dài tôi sống trong đau khổ vì mất mát quá lớn. 20 năm sau tôi gặp Christy. Bà ấy có 2 con gái riêng. Người chồng quá ích kỷ và tàn nhẫn nên bà ly dị. Khi tôi đến với bà ấy, tôi đã xem 2 đứa con gái của bà như con của mình. Tôi không có con. Và tôi thèm được làm cha".
- Bây giờ “Tiểu thư” làm gì?
- Con bé đi học đại học, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường Đại học Quốc tế ở Sài Gòn.
- Tiền đâu để đóng học phí? Trời đất, đắt lắm ông à! Tôi kêu lên.
- Cha mẹ nuôi cho tiền học. Buổi tối nó đi làm thêm kiếm tiền lo cho gia đình. Nó thuê một căn hộ chung cư nhỏ, gom cha mẹ và các em lại. Một đứa con gái mới 20 tuổi đầu mà lo cho cả gia đình như vậy thật là một gánh nặng quá sức. Nó là một thiên thần!
Khoảng vài giây sau, Rod ngoắc gọi tính tiền rồi đứng dậy:
- Thôi tôi phải đi đây. Tôi sẽ gặp Tiểu Thư ở bên kia đường.
Tôi cũng đứng dậy: - Cảm ơn ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện này. Tôi thật sự rất cảm động!
Mưa nhỏ hạt dần nhưng khi bước ra đường vẫn bị ướt. Tôi mượn ở quán cà phê cây dù để đưa Rod đi qua đường rồi ông đi dọc theo con phố dưới những mái che. Tôi định nói với ông cho tôi gặp cô bé xem bây giờ con bé ra sao, nhưng rồi lại thôi. Cũng hơn 8 năm rồi tôi không gặp từ buổi tiệc bên hồ trong ngôi biệt thự Rod thuê ở khu Thảo Điền, Thủ Đức. Đêm hôm đó nhân dịp mẹ và Christy, vợ ông qua Việt Nam dịp Giáng sinh, Rod đã tổ chức party và mời nhiều bạn bè đến, có cả người nước ngoài và Việt Nam. Ông còn nói với tôi: Có lẽ chưa bao giờ mẹ con nhà "Tiểu thư" được tham dự buổi tiệc như thế này. Tôi muốn họ được biết đến tiệc Giáng sinh ít nhất là một lần trong đời. Lúc đó con bé chừng 12 tuổi, gầy nhom, nhỏ xíu, tôi chỉ còn nhớ mang máng nó có đôi mắt linh hoạt, ngồi cùng người mẹ gầy gò và 3 đứa em trai nhỏ khá quậy phá đêm hôm đó.
Khi quay trở về quán cà phê, trời vẫn còn mưa. Tôi đứng chờ cho mưa tạnh hẳn. Những bông hoa màu đỏ bên hàng rào gỗ sơn trắng trở nên tươi tắn hơn trong mưa. Tôi nghĩ đến cô bé Tiểu Thư, cuộc đời còn dài lắm. Em chỉ mới 20 tuổi. Rồi em sẽ làm gì, sẽ là ai trong ngày mai? Em sẽ tiếp tục sống ở đất nước này để đùm bọc cho gia đình em suốt đời hay khi họ tự ổn định cuộc sống được rồi em sẽ ra đi? Tôi có hỏi Rod câu này nhưng ông cũng lắc đầu: - Tôi không biết rồi cha mẹ con bé có khác hơn không chứ bây giờ họ vẫn sống hoàn toàn dựa vào nó. Nó tạo cho mẹ một tủ nhỏ bán thuốc lá trong khu chung cư nhưng hình như bà ta cũng chẳng làm được gì. Còn người cha, thật vô phương! Tôi cũng không biết phải khuyên nó như thế nào khi đã khuyên nó cách tốt nhất có thể, nhưng con bé vẫn lặng thinh làm theo ý mình. Chỉ mong rồi đây cuộc đời con bé sẽ sáng sủa hơn và gia đình nó hiểu được đứa con gái bé bỏng này đã thương yêu họ và hy sinh như thế nào.
Tôi vẫn chưa gặp lại Tiểu Thư, nhưng tôi đã hình dung ra em, một thiên thần có đôi cánh bé nhỏ.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi...


Tháng 10, 2013
NGUYỄN DIỆU TÂM

Tranh của họa sĩ Ou Chujian CN