Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Thành cổ Varanasi và Bình minh trên sông Hằng



Chặng cuối trên hành trình 10 ngày hành hương Ấn Độ - Nepal, chúng tôi từ Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), thành phố ở quận Gaya bang Bihar đến thành phố Varanasi thuộc bang Uttar Pradesh, một quãng đường khá xa.


Bình minh trên sông Hằng

Varanasi thuộc miền trung Ấn Độ, là một trong những nơi cổ kính và linh thiêng nhất xuyên suốt hàng ngàn năm của Ấn Độ giáo hay Hindu giáo nằm bên bờ sông Hằng, bang Uttar Pradesh. Đây cũng là một trong 4 thánh địa quan trọng của Phật giáo, với vườn Lộc Uyển Sarnath nơi Đức Phật Thích Ca thuyết bài Pháp đầu tiên sau khi thành đạo. Varanasi thường được gọi là "thành phố của các đền đài", "thành phố thánh của Ấn Độ", "thành phố ánh sáng", "thành phố học vấn" và cũng được gọi là "thủ đô văn hóa của Ấn Độ".


Thành phố cổ Varanasi bên bờ sông Hằng.

Thành cổ Varanasi là nơi có nền văn hóa liên hệ sâu sắc với sông Hằng linh thiêng, một thành phố lịch sử lớn nhất bên bờ sông Hằng. Tương truyền, 6.000 năm trước, thần Shiva - vị thần thứ ba trong ba vị thần lớn nhất của Hindu giáo đã lập ra và trú ngụ ở thành phố Varanasi, bất cứ người nào chết ở đây đều đến được với thần Shiva, cho dù họ mang nặng nghiệp (karma) xấu thế nào.
Ớ Ấn Độ, phần lớn tín đồ đạo Hindu cả đời có 4 lạc thú: Kính thờ thần Shiva; đến sông Hằng tắm nước thánh và uống nước ở đây; kết bạn với thánh nhân; cư trú ở thánh địa Varanasi.


Tín đồ đạo Hindu đến sông Hằng tắm nước thánh.

Sông Hằng bắt nguồn từ chân núi phía Nam dãy núi Himalaya, dài 2.580 km. Đó là con sông dài nhất, diện tích lưu vực rộng nhất ở Nam Á. Sau khi chảy vào Ấn Độ, sông Hằng hoà vào sông Araknanda và vẫn mang tên sông Hằng. Người Ấn Độ gọi sông Hằng là sông Thánh, coi sông Hằng là hoá thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Shiva. Vì vậy, họ rất kính trọng sông Hằng. Hằng năm Varanasi đón từ 2 đến 3 triệu người hành hương đến lễ thần Shiva và tắm rửa nước thánh trên sông Hằng.
Sáng sớm mỗi ngày, hàng nghìn hàng vạn tín đồ đạo Hindu từ khắp nơi trong nước đến bên bờ sông Hằng để tắm nhằm siêu thoát bụi trần, hy vọng sau này có thể đến thế giới cực lạc. Hai bờ sông hình lưỡi liềm trong thành phố Varanasi có tới 64 bến tắm xây thành bậc (ghat) để phục vụ lễ tắm rửa.


Thành phố cổ Varanasi, bang Uttar Pradesh, India,

Thành phố Varanasi hiện nay vẫn giữ được hơn 2.000 ngôi đền lớn nhỏ, phong cách kiến trúc đền miếu ở đây đa dạng, biểu hiện sắc thái tôn giáo đậm đà. Trong đó, có ngôi đền Hồi giáo xây từ thời vương triều Mughal (1526 - 1857) .
Hàng năm, ở thành phố Varanasi có tới hơn 400 lễ hội tôn giáo. Hoạt động lễ hội tôn giáo hầu như diễn ra trong các đền thờ. Trong chuyến hành hương đi qua nhiều tỉnh tôi đã thấy nhiều lễ hội diễn ra, tín đồ Hindu giáo ăn mặc màu sắc rực rỡ hớn hở đi từng đoàn đến đền thờ. Và ngày chúng tôi đến Varanasi cũng nhằm vào dịp lễ thần Shiva, và Tết của người Hindu kéo dài trong suốt tháng 3.


Varanasi và lễ hội thần Shiva vào đầu tháng ba hàng năm.

Lưu lại một đêm tại khách sạn The Amayaa ở Varanasi, sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị ra sông Hằng chờ đón bình minh. Từ lâu đã nghe nói đến sông Hằng linh thiêng, nay được đặt chân đến thánh địa này ai cũng nôn nóng muốn biết. 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối lắm. Chúng tôi xuống xe đi bộ trên một quãng đường dài chừng 1 km. Thấp thoáng dưới những ánh đèn leo lét từ một vài hàng quán mở sớm, có những nhóm thanh niên đang tụ tập chuyện trò, đàn ông túm tụm trong một vài quán nhỏ. Tôi nhìn thấy rất nhiều người vô gia cư đang nằm ngủ dưới mái hiên của dãy nhà phố hai bên đường. Có nhiều con bò cũng chui vào mái hiên trú ngụ. Vài đốm lửa đang cháy giữa đường, có nơi bên cạnh đống tro tàn còn ấm, một ông lão đang nằm co quắp thiêm thiếp ngủ. Đêm bên sông Hằng mùa này trời vẫn còn giá lạnh. Tôi nghe nói nhiều người vô gia cư trú ngụ ngoài đường, dưới mái hiên nhà các hàng quán dọc đường có khi ngủ luôn không bao giờ thức dậy, đến sáng chủ nhà mở cửa mới phát hiện.

Varanasi.

Đi hết con đường phố thị như nêm cứng người và xe thì đến bờ sông Hằng. Một quang cảnh lạ kỳ diễn ra trước mắt tôi. Tuy trời vẫn còn sớm nhưng bên bờ sông khá đông người, những hàng bán hoa, đồ vật cúng nhộn nhịp, thuyền bè đậu san sát và dọc theo dòng sông phía trên đồi cao là những ngôi đền cổ nguy nga kỳ bí ẩn hiện sau màn sương chưa tan. Đó đây trên những bậc đá có những đám lửa đang ngùn ngụt cháy, và mùi khét của tử thi đang trong quá trình thiêu hủy cháy lan trong gió. Theo tập tục, người Hindu giáo khi qua đời sẽ được thiêu hủy xác phàm để trở thành thánh nhân, thi thể của họ sẽ được các tín đồ đặt lên vòng hoa, buộc đá thả xuống sông Hằng. Đó là điểm cuối cùng của con đường đau khổ trong cuộc đời. Người ngoại đạo có thể thấy bi thương nhưng với tín đồ Hindu là sự chúc mừng giải thoát. Vì vậy khi tổ chức tang lễ, thiêu xác, chỉ có đàn ông có mặt còn phụ nữ không được phép đến gần sợ khóc lóc đau thương.

Một góc thành cổ Varanasi.

Chúng tôi bước lên một con thuyền. Khi thuyền chèo ra giữa sông, trưởng đoàn đưa cho chúng tôi mỗi người một cây nhang và một ngọn đèn hoa đăng thả xuống dòng nước rồi đọc chú vãng sinh cầu nguyện cho các linh hồn. Có những chiếc thuyền nhỏ bơi theo bán cá phóng sinh, nhang đèn cúng bái. Còn sớm nên thuyền dành cho khách du lịch chưa nhiều, trên sông chỉ có từng đàn chim biển bay theo tàu. Và mặt trời bắt đầu l ó dạng từ phía chân trời đằng đông. Bình minh với những tia nắng đầu ngày trên sông Hằng tuyệt đẹp.


Bình minh trên sông Hằng.

Khi thuyền chúng tôi quay vào bờ, trời dần sáng. Trên bờ lúc này rất đông người từ các nơi đổ về. Bên bến sông rất nhiều người đang chen nhau tắm nước thiêng. Các đoàn khách hành hương càng lúc càng đông theo nhau xuống thuyền. Trên các bậc đá có những cột lớn vẽ hình ảnh thần Shiva, người bu đông kịt. Tiếng trống thì thùng, đàn ca réo rắt vang lên khắp nơi. Chúng tôi vội vã rời sông Hằng để kịp tham quan vườn Lộc Uyển Sarnath sau đó đi thẳng ra sân bay Varanasi về New Delhi.



Trời đã sáng, lễ hội thần Shiva đã bắt đầu. Từng đoàn tín đồ Hindu áo quần đầy màu sắc nối đuôi nhau đi đến các đền thờ. Họ bôi trét bột đủ màu xanh đỏ lên mặt mũi, đầu, tóc của mình và sẵn sàng tạt bột màu lên bất kỳ người nào, du khách nào đi ngang qua.
Một ngày mới lại bắt đầu ở thành cổ Varanasi.

Tháng 3- 2018
Ghi chép và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Xem thêm:
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1750259075037848.1073742292.100001613180918&type=3
 

Hành hương Ấn Độ - Nepal mùa Xuân 2018


Trong hành trình đi Ấn Độ & Nepal 10 ngày, vì chủ yếu các thánh tích nằm ở bang Uttar Pradesh, bang Bihar và một phần Nepal nên đoàn chúng tôi đi Malaysia Airlines bay từ Tp HCM đi Kuala Lumpur, rồi từ đây chuyển máy bay đi qua New Delhi, thủ đô của Ấn Độ.
Để dễ hình dung, bạn có thể xem bản đồ các thánh tích đính kèm trong album này. Theo đường thẳng trên bản đồ, Kushinaga ở vị trí trung tâm các thánh tích, cách Lumbini khoảng 100km, cách Vaishali 150km, cách Sarnath 200km, cách Bodhigaya 300km, cách Sankasya khoảng 400km.



Ngày 2 và 3: Từ New Delhi, sau khi tham quan India Gate, chúng tôi đi Agra tham quan pháo đàiAgra Fort, đền thờ Taj Mahal. Sau đó đi Lucknow bằng xe lửa, rồi chuyển qua xe bus đi Sravasti, nhập cảnh Nepal, đến Lumbini (Lâm Tỳ Ni). Lumbini nay là quận Rupandehi thuộc nước Nepal nằm cách biên giới với Ấn Độ khoảng 36 km.

Pháo đài Agra Fort.

Đền Taj Mahal, Agra, India.

Ngày 4: Tham quan thành Xá Vệ (Savatthi) Saheth Mahet, kinh đô của nước Kiều Tát La ( Kosala), do vua Ba Tư Nặc trị vì. Savatthi ngày nay nằm sát biên giới Nepal- Ấn Độ, thuộc quận Shravasti, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow (thủ phủ của bang) 170km về phía bắc. Thăm Kỳ Viên tịnh xá (Jetvana Vihar), nơi trưởng lão Cấp Cô Độc đã mua của thái tử Kỳ Đà (Jeta) để làm nơi cư trú chính cho Đức Phật và các đệ tử trải qua 25 mùa an cư kiết hạ tại đây Thăm Bảo tháp của trưởng giá Cấp Cô Độc và động tu của tôn giả Vô Não. Sau đó khởi hành đi Lumbini, nơi đức Phật đản sinh, cách 190 km.

Kỳ Viên tịnh xá (Jetvana Vihar), bang Vihar, India.

Ngày 5: Lumbini- Kushinagar (Câu Thi Na). Tham quan vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sinh. Xuất cảnh khỏi Nepal, trở về Ấn Độ, lưu lại Kushinagar.

Mayadevi temple, đền thờ Hoàng hậu Ma da trong vườn Lâm Tỳ Ni, Nepal.

Ngày 6: Kushinagar- Vaishali- Patna:
Đến Kushinagar, ngày xưa là kinh đô hưng thịnh của Chuyển Luân Thánh vương, tiền thân của đức Phật, nay chỉ là một quận nhỏ thuộc bang Uttar Pradesh. Làm lễ chiêm bái trước tượng Phật nhập Niết bàn tại chùa Mahaparinirvana (Đại Niết Bàn), tháp Ramabhar - nơi tưởng niệm Trà tỳ kim thân đức Phật. Tiếp tục đi đến Vaishali (Tỳ xá Li), kinh đô của bộ tộc Licchavi, là bối cảnh của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, nơi đây Phật từng có lần làm phép tẩy trừ dịch bệnh cho dân chúng, cũng là nơi thành lập đoàn thể Tỳ Kheo Ni, đây là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai, là nơi Phật cư trú và hoạt động vào những năm cuối đời. Tham quan trụ đá Vua A Dục, Bảo tháp Xá lợi Phật trên đường đi Patna, thủ phủ của bang Bihar.

Mahaparinirvana (Đại Niết Bàn), Kushinagar, nơi đức Phật nhập Niết bàn.

Ngày 7: Patna - Nalanda - Rajgir -Bodhgaya: Viếng trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới ở Nalanda, tháp Hòa Bình Vishawa Shanti, chùa Nhật Bản Venuvaha Vihar ở Rajgir. Tiếp tục lên núi Griddhakuta (núi Linh Thứu), nơi đức Phật giảng kinh Pháp Hoa. Thăm vườn Xoài của danh y Kỳ Bà. Đi tiếp đến Bodhgaya.

Đại học Nalanda, Rajgir, bang Vihat, India.

Ngày 8: Bodhgaya - Varanasi: Tham quan Bồ Đề Đạo tràng, một trong những đền thờ linh thiêng, quan trọng nhất của đạo Phật. Nơi đây vào khoảng năm 500 TCN, đức Phật đã đắc đạo sau khi ngồi thiền 49 ngày dưới một gốc cây Bồ đề bên bờ sông Ni Liên Thiền. Ngày nay thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Cúng dâng hương tại đền Mahabodhi. Thăm nhà nàng Sujata, người đã dâng bát cháo sữa cho đức Phật.
Đi tiếp đến Varanasi, cách Bodhgaya khoảng 250 km.

Đền Mahabodhi, Bồ Đề đạo tràng, Bodhgaya, Uttar Pradesh, India.

Ngày 9: Varanasi: Đón bình minh trên sông Hằng linh thiêng. Tham quan vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi đức Phật giảng bài kinh đầu tiên cho 5 anh em Kiều trần Như vào năm 590 TCN sau khi đắc đạo. Kinh gọi là chuyển pháp luân. Nơi đây còn có trụ đá Vua A Dục, Bảo tháp Dhammek, Chaukhandi.

Bên sông Hằng, Varanasi.

Ngày 10: Từ Varanasi trở về Kuala Lumpur - Tp HCM.
Xem thêm:
* Hành hương Phật tích tại Ấn Độ & Nepal:
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1725492410847848.1073742285.100001613180918&type=3

Tháng Giêng xuân Mậu Tuất 2018.
Nguyễn Diệu Tâm ghi chép và tổng hợp.
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm