Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

TRÊN ĐỈNH TÀ LƠN

Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe người lớn nói với nhau “Muốn tu thì lên núi Tà Lơn mà tu!” Cứ tưởng núi Tà Lơn chỉ là truyền thuyết, vậy mà hôm nay tôi đã đặt chân lên đến đỉnh Tà Lơn, mới hay nơi từng gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ, đầy huyền thoại này nằm ở đất Campuchia mà người Khmer gọi là núi Bokor.
Núi Tà Lơn hay Bokor cách thị xã Kompot, tỉnh Kompot chừng 10 km về hướng Tây Nam, và cách Phnompenh 150 km. Đỉnh cao nhất so với mặt nước biển khoảng 1.080 m. Năm xưa dãy núi này là nơi các cụ tổ sư, giáo chủ, đạo sĩ người Việt từng tu luyện trên đỉnh núi thiêng, trong nhiều hang động, có người đắc đạo tiên. Trong số đó có Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, Nguyễn Thành Đa ( Cử Đa, đạo hiệu là Ngọc Thanh), Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo), Ngô Văn Chiêu (khai sáng đạo Cao Đài) v.v.. Có cả các vị tu sĩ người Thái Lan, Miến Điện hoặc các pháp sư, thầy bùa, thầy ngải khắp nơi cũng thường lui tới. Đây cũng được xem như là một thánh địa linh thiêng mà nhiều đoàn hành hương đã lội suối băng rừng tìm đến hội tụ để tinh tấn tu hành.

Lan Thiên, cao nguyên Bokor.

Xưa kia ngọn núi này là chốn thâm sơn cùng cốc, địa thế hiểm trở, nơi rừng thiêng nước độc, có nhiều loài cầm thú nguy hiểm, hùm beo, chằng tinh gấu ngựa, “Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú, Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan, Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn, Nhìn trên suối sấu nằm như trăm khúc” (*). Tại ngọn núi này cũng có nhiều hang động, đá tảng hình thù kỳ lạ, cùng nhiều loại cây ngải, thảo dược quý mà có người đã phát hiện được trên con đường “tầm sư học đạo”. Đến năm 1917 khi người Pháp bắt đầu khai phá núi thiêng xây dựng nhà thờ, đền chùa, cửa hàng, bưu điện. khách sạn, casino v.v… thì tấm màn huyền bí về Tà Lơn dần tỏ lộ, dấu tích những hang động cổ xưa cùng những xây dựng thời Pháp nay đổ nát hoang tàn nhiều đã trở thành di sản kỳ thú gắn liền với truyền thuyết của Tà Lơn như tượng nữ thần Veang Kh’mau (người Việt gọi là dì Mâu), tượng Ông Địa, chùa Năm Thuyền (Wat Sampov Pram), điện Tứ Giao, Minh Châu, Lan Thiên, Trung Tòa, cổng Bàn Ngự … là những nơi linh thiêng, cùng một số đền tháp, nhà thờ cổ phủ đầy rêu đỏ với thời gian.

Wat Sapov Pram - Chùa Năm Thuyền cổ.

Ngày nay, để đến núi Tà Lơn, nếu đi từ An Giang, Kiên Giang thì đi qua cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu địa phương mất khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ đi xe từ biên giới Việt Nam là đến núi.
Từ Phnompenh đi lên núi Tà Lơn thì xa hơn, khoảng trên 5 tiếng. Còn chúng tôi, cùng với sư Minh Trung, khi đoàn khởi hành từ Bến Ván lúc 5 giờ sáng, đến thành phố biển Sihanoukville (tiếng Khmer là Krong Preah Sihanouk hay Kampong Som) 12 giờ trưa, nghỉ ngơi chừng 2 tiếng tiếp tục lên đường, đến tỉnh Kompot khoảng 4 giờ chiều, gần hết cả ngày.
Đến Kompot, khi lên đến ngọn đồi lưng chừng núi nơi có tượng thờ nữ thần Veang Kh’mau, trời bỗng sập tối, mây đen kéo về, gió lạnh và có mưa nhỏ hạt. Con đường ngoằn ngoèo như rắn lượn dưới xa kia như mờ dần đi. Trên bầu trời bao la, phía xa xa trên đỉnh núi Tà Lơn chợt xuất hiện một cánh chim đại bàng đang xòe rộng cánh bay lượn mấy vòng thật ngoạn mục rồi từ từ biến mất trong lớp sương mù dày đặc. Có được nhìn thấy cánh đại bàng dang cánh bay lượn trên bầu trời mây vần vũ mới thấy loài chim này đúng là hình ảnh của tự do và kiêu hùng giữa núi rừng bát ngát. Tiếc là tôi không chụp hình kịp! Rồi chừng 15 phút sau, mây tan, chút nắng hoàng hôn ló dạng. Thời tiết trên núi Tà Lơn chợt nắng chợt mưa là như vậy.


Tượng nữ thần Veang Kh'mau (dì Mâu) trên đỉnh Tà Lơn.
Trên ngọn đồi cao, tượng nữ thần cai quản núi Tà Lơn Veang Kh’mau cao 28 m to lớn nổi bật thật đẹp giữa núi rừng. Truyền thuyết kể rằng, bà là một phụ nữ người Việt đến dạy cho dân làng cách trồng lúa, làm ăn. Một ngày kia bà đi tìm chồng rồi bị bão đánh lật thuyền mà chết. Bà hiển linh cứu giúp dân làng và yêu cầu người dân cúng bà biểu tượng Linga.
Trên đường lên đỉnh núi, chúng tôi dừng lại Lan Thiên. Trong lúc mọi người cùng tản qua phía bên trái cung đường thì riêng tôi được một người khuyên nên qua cánh đồng phía bên phải sẽ bắt gặp nhiều thứ lạ lùng hơn. Không biết ngày xưa như thế nào nhưng nơi đây bây giờ chỉ là cánh đồng bát ngát nhấp nhô vô số những tảng đá lớn nhỏ, hình thù lạ kỳ, có tảng thành hình rồng, hình Phật Di Lặc v.v.. Một số chỗ từng là nơi tu hành của các vị tổ sư, đạo sĩ. Ở đây có nhiều cây bá tùng (lá của cây bách và tùng trên một cây), một loại cỏ thân mảnh và nhọn, nhiều loại địa lan và cây "nắp nước", một loại cây có hoa với nắp đậy mà ngày xưa những người đi lạc vào rừng có thể uống nước mưa trữ trong các bông hoa, cũng là một trong các loại thảo dược quý. Theo các tài liệu địa chất, xưa kia có lẽ Bokor là biển nên ngày nay có nhiều đá tảng hình thù kỳ lạ do nước xói mòn, và mặt đất lẫn nhiều cát trắng mịn. Và cứ thế, tôi say sưa đi theo rừng đá lạ, nếu không có tiếng còi xe báo hiệu lên đường có lẽ tôi còn đi nữa, xa nữa … rồi lạc!

Bình minh trên đỉnh Tà Lơn (cao nguyên Bokor)

Đi tiếp hơn nửa tiếng nữa, chúng tôi ghé tham quan Thansur Sokha hotel, một khách sạn lớn sang trọng có đến 564 phòng. Từ thời Pháp Bokor đã trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, bị bỏ phế hoang tàn sau chiến tranh thì ngày nay là khu nghỉ mát, du lịch và hành hương, vì vậy đường đi lên núi rất tốt, phong cảnh và các khách sạn, resort rất đẹp. Bokor nay đã hồi sinh bằng việc xuất hiện một khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí trên cao nguyên cao cấp đầu tiên do Tập đoàn Sokimex của Oknha Sokun (Công tước Sokun), một tỷ phú gốc Việt, làm chủ đầu tư. Ông cũng là người đầu tư xây dựng Angkor Wat ở Seam Reap và nhiều công trình, dự án lớn khác ở nhiều thành phố như Sihanoukville, Seam Reap… Ở Bokor ông cho xây dựng các khách sạn, villa nằm cạnh các phế tích huyền bí và cho tái hiện resort và casino cổ thời Pháp. Thansur rộng 4.000m2, đường nội bộ được xây dựng dài 200km đã giúp kéo các điểm di tích lại gần nhau hơn. Kể từ đó, Bokor thu hút khá nhiều du khách từ nhiều nơi trên thế giới. Đỉnh điểm, Bokor có thể đón 70.000 lượt khách tham quan trong ngày. Một số điểm tham quan khác ở Bokor còn có Thạch Lâm, Cánh đồng 500 và 100 mẫu, Đầm Đen, thác nước hai tầng Povokvil (Đám mây xoáy), Trung tâm Thiền Bokor, biệt thự vua Monivong… Gần phía khách sạn Palace có những tảng đá xếp như vảy rồng, ngày xưa người ta tin nơi đây thần tiên từ trên trời thường xuống đây đàn ca hát xướng vào những đêm trăng rằm. Cách đó không xa là nhà thờ cổ do người Pháp xây dựng năm 1920, khu khách sạn cổ đã bỏ hoang nhiều năm, bám đầy rêu đỏ. Trên đỉnh Tà Lơn, dưới nắng chiều một ngôi chùa hiện ra uy nghiêm giữa trời mây bên vực núi cao dựng đứng, đó là Wat Sampov Pram (chùa Năm Thuyền), là nơi đoàn chúng tôi trú ngụ một đêm khi lên đến núi. Đây cũng chính là nơi sư Minh Trung của An Hòa tự, Bến Ván từng tu tập trước khi hạ sơn. Chùa do vua Monivong xây dựng vào năm 1924. Người Việt gọi là chùa Năm Thuyền vì có 5 tảng đá nhô ra hình dạng như 5 chiếc thuyền vươn ra phía biển, gắn với tích truyện 5 con thuyền đầy châu báu của hoàng tử Preah Thong và công chúa Thủy cung Nagani năm xưa từng đến vùng núi này trú ngụ và hoàng tử Preah Thong được xem như là cha đẻ của nền văn minh Khmer. Đây cũng là nơi đắc đạo của nhiều bậc chân tu, có cả giáo chủ các tôn giáo miền Nam là Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Giáo Chủ…

Wat Samov Pram - Chùa Nam Thuyền trên đỉnh Tà Lơn.
Dựa theo một số tài liệu thì hình ảnh chùa Năm Thuyền ngày xưa khá nhỏ chứ không phải nằm trong một quần thể lớn như bây giờ, có lẽ đã được đại trùng tu. Wat Sampov Pram nằm trên ngọn đồi cao, vách đá rêu phủ đỏ thắm. Còn ngôi chùa lớn nằm giữa sân ngày nay có hai tầng, khá dài và rộng. Bên ngoài thiết kế theo kiểu đền tháp Campuchia với hai tượng đầu rắn thần Naga chầu hai bên bậc cấp dẫn lên cửa chính của chùa, nhưng cách trang trí bên trong lại đậm màu sắc Phật giáo dân gian của miền Tây Nam bộ. Bàn thờ Phật ở chính điện, nhỏ gọn. Hai bên hành lang và trên trần là những bức phù điêu thạch cao lớn khắc họa các tích truyện trong cuộc đời đức Phật từ lúc đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ tại chùa, tắm nước suối trong, ăn cơm chay và nằm đất. Về đêm trời càng lạnh, có mưa nhỏ và gió núi thổi về hun hút. Do đi đường khá mệt nên mọi người đều lăn ra ngủ say. Tôi thức giấc mấy lần trong đêm vì lạnh, phải lấy thêm áo ấm mặc. Mở cửa ra ngoài chỉ thấy một màn đêm và sương phủ bao quanh núi rừng. Một số chị em trong đoàn ban đêm không dám ra ngoài vì sợ ma. Riêng tôi lại có một cảm giác kỳ lạ, có phần thú vị khi nghĩ mình đang ở trên đỉnh núi Tà Lơn … nghe tiếng mưa rơi trên lá khuya, tiếng dế giun, chim núi kêu và gió lạnh trong đêm vắng. Càng về khuya, không khí núi rừng càng trong trẻo thanh khiết. Không còn là nơi rừng thiêng nước độc, hùm beo thú dữ như năm xưa, mà dường như chỉ còn lại đâu đây dấu tích của người năm cũ, những vị tổ đạo, thiền sư, hiền giả đi tìm nơi thanh vắng tu hành còn lưu lại bên những hang động, những mái chùa, đền tháp cổ linh thiêng. 

Tượng Phật ở Wat Sampov Pram, Bokor.

Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy khi mặt trời chưa lên. Sương mù dày đặc che kín cây cỏ hai bên đường mòn. Dần dần sương tan và nắng lên. Tôi đi tản bộ quanh chùa. Có nhiều tảng đá chất chồng tự nhiên bám đầy rêu xanh rải rác đó đây. Có hai lối đi, một phía bên trái lên đồi cao hơn, có bậc cấp cao đá đỏ dẫn lên trên Wat Sampov Pram. Điện thờ, tháp cổ và những bức tường gạch đỏ đầy rêu phong huyền bí, có rêu xanh và cả rêu đỏ. Giữa sân có tượng đức Phật trên một hồ nước. Phía bên phải là lối dẫn đến vườn tượng, mô tả cảnh đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân cho 5 anh em Kiều Trần Như. Trên cao nhất là tượng Phật Bổn sư uy nghi rất đẹp ngự trên tòa tháp phía vườn hoa. Quanh chùa không có lan can, chỉ có một bức tường thấp ngắn và nhiều tảng đá lớn nằm chênh vênh nơi vực sâu thăm thẳm bên dưới. Từ chùa phóng tầm mắt nhìn ra xa thấy biển và đảo Phú Quốc. Cảnh thiên nhiên nơi đây thật không kém chi thiên đường, nhất là khi bình minh mặt trời ló dạng và lúc hoàng hôn rơi xuống những tia nắng cuối ngày. Tôi cảm thấy mình thật may mắn đã chứng kiến Tà Lơn vào cả hai thời điểm trong ngày đó. Sắc màu của những pho tượng dát vàng hay bằng đá tuyệt đẹp, của mái ngói đền chùa, vừa cổ kính nghiêm trang khơi gợi quá khứ và lịch sử, những tàng cây và bông hoa đủ màu trong vườn chùa, thung lũng bên dưới xanh thẳm, tất cả khi ẩn khi hiện trong màn sương núi có thể ập đến bất cứ lúc nào, rồi những tia nắng lại tràn đến làm vạn vật trở nên óng ánh ... Ôi thật tuyệt vời. Vậy mà nơi đây từng bị bỏ phế hoang tàn, là thành phố ma cho đến năm 2002 khi đoàn làm phim của Hollywood đến quay bộ phim City of Ghost, Tà Lơn mới thật sự thức giấc ... như nàng công chúa ngủ trong rừng ... sau 100 năm!
Vẫn còn nhiều nơi chưa đến. Tôi hy vọng lần sau lại đến Bokor một lần nữa để được thấy nhiều hơn, và sẽ muốn ghé Shihanoukville, Koh Rong và Koh Rong Samloem, hai hòn đảo hoang sơ của xứ chùa Tháp được ví như “thiên đường Maldives” của Đông Nam Á.

Tháng 4-2018
Bài viết và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen

(*) Trích “Thơ Núi Tà Lơn" của nhà văn Sơn Nam (1926-2008), một thời từng trú ngụ tại núi Tà Lơn.
Tham khảo một số tư liệu từ Google, Wikipedia.

Nghĩ về kiến trúc chùa VN

Nhân mùa an cư, chợt nghĩ về kiến trúc chùa chiền tại Việt Nam, là một trong những điều mà tôi từng thắc mắc.
Là một Phật tử, thích đi chùa, vãn cảnh chùa, tôi có duyên được dịp viếng nhiều chùa trong và ngoài nước. Những ngôi chùa kiến trúc độc đáo nổi tiếng gây cảm xúc đặc biệt như đền Mahabodi ở Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ; chùa Shwedagon, chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo ở Miến Điện; chùa Nan Tien ở tiểu bang New South Wales nước Úc; quần thể Angkor Wat, chùa Vàng chùa Bạc ở Campuchia, Thái Lan; Linh Ẩn tự với 500 tượng Phật La Hán bằng đồng ở Hàng Châu, Hàn Sơn tự và bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế ở Tô Châu ... Thế nhưng ở VN, tôi thường rất thích viếng các ngôi chùa cổ mang tính chất dân gian địa phương, không thích những ngôi chùa quá to lớn bề thế hiện đại mà kiến trúc không nhất quán, hoặc quá nhiều hình tượng, trang trí màu sắc lòe loẹt, bài trí lộn xộn, thiếu thẩm mỹ "đầu Ngô mình Sở". Nói về một kiến trúc chùa đẹp, ngoài yếu tố thẩm mỹ, đáp ứng được những sinh hoạt nghi lễ, tôi tâm đắc với ý tưởng của thầy Viên Minh trong loạt bài viết về Kiến trúc Phật giáo là "cần hội đủ 3 yếu tố: tính Phật giáo, tính dân tộc và thời đại".

Tháp Mahabodi, Bồ Đề Đạo Tràng, Bodhgaya, Ấn Độ.


Năm 2012, trở về sau hơn 45 năm xa Huế, lần đầu tiên viếng thăm 2 ngôi chùa Huyền Không, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ngôi tháp ở Huyền Không Sơn Hạ (về sau khi được đến Ấn độ mới biết ngôi tháp này gợi hình ảnh tháp Mahabodi Bồ đề Đạo tràng), lạ và đẹp. Thêm vào đó, cảnh quan thơ mộng, thoát tục, gần gũi với thiên nhiên, cách bài trí chánh điện đơn sơ, thanh nhã ở Huyền Không Sơn thượng khác với nhiều ngôi chùa âm u buồn bã hay sơn son thếp vàng màu sắc lòe loẹt tôi mới thật sự muốn tìm hiểu về Phật giáo, bao gồm tư tưởng triết lý, giáo lý, kiến trúc và mỹ thuật. Chuyến đi đó, ngơ ngẩn vì cảnh chùa, tôi viết "Lạc Bước Rừng Thiền", như bước chân đầu tiên đánh dấu cho một hành trình đến với Phật pháp về sau.

Cảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế.

Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Tuy nhiên, một số chùa Việt Nam ngoài thờ Phật còn thờ thần ( thờ các vị thiền sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông và Lý Thần Tông ), thờ tam giáo (Phật – Lão – Khổng), thờ Trúc Lâm Tam tổ...
Chùa Việt Nam thường không phải là một công trình mà là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Tên các kiểu chùa truyền thống thường được đặt theo các chữ Hán có dạng gần với mặt bằng kiến trúc chùa.
Cấu trúc được phân loại theo hình dạng chữ Hán như chữ Đinh (丁), có nhà chính điện hay còn gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Một số chùa tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình); chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Dư Hàng (Hải Phòng)...
Chùa chữ Công (工) là chùa có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An); chùa Keo (Thái Bình)...

Chùa Cầu, Hội An.

Chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội có dạng bố cục như thế này.
Chùa kiểu "nội Công ngoại Quốc" là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國).
Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, là nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan.
Chùa kiểu chữ Công (宮) là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên có một số ngoại lệ, tiêu biểu là chùa Một Cột ở Hà Nội có hình dáng một bông sen nở trên mặt nước, hay ngôi chùa mới được xây cất như chùa Vĩnh Nghiêm có hai tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình cả những nét truyền thống Phật giáo và cả những thành tựu của kiến trúc. Nhưng những ngoại lệ như vậy không nhiều" (1).

Chùa Một Cột, Hà Nội.

Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ, Huế.

Ngoài ra còn có cổng tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện, hậu đường...
Ở sân trước nhiều chùa còn có tháp chuông (chùa Xá Lợi, Thiền viện Trúc Lâm, Thường Chiếu...), tháp thờ Phật (chùa Thiên Mụ), tháp vong, nhà bia (chùa Từ Hiếu, chùa Phổ Minh...), nhỏ hơn thường có gác chuông, lầu trống...
Kiến trúc chùa Việt Nam được xây dựng và phát triển khá đa dạng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau và không gian khác nhau, ở các phong cách kiến trúc địa phương. Chùa kiểu chữ Tam phổ biến ở miền Nam hơn ở miền Bắc. Chùa của người Mường thường xây bằng tre và vật liệu đơn giản. Chùa của người Khmer miền Tây Nam bộ xây theo kiến trúc của Campuchia và Thái Lan ảnh hưởng văn hóa của đế chế Khmer. Chùa của người Hoa hay người Ấn (ở Q.1 Tp HCM) cũng có sắc thái kiến trúc riêng.
Văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ là hai nền văn hóa ảnh hưởng sâu đậm đến toàn vùng. Riêng về phương diện Đạo học, văn hóa Trung Hoa nghiêng về tính hiện thực nhập thế, tiêu biểu là Khổng giáo; Ấn Độ nghiêng về tính siêu hình xuất thế, điển hình là Ấn giáo.
Về kiến trúc chùa chiền, đa số chùa Bắc Tông ảnh hưởng Trung Hoa, Nhật Bản. Chùa Phật giáo Nam tông ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhiều hơn, thường theo khuôn mẫu Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Myanmar ... Chùa Mật tông lại mang vẻ huyền bí, thâm trầm.

Chánh điện chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, Tp HCM

Chánh điện bài trí kim thân các đức Phật cũng không giống nhau. Ở giữa các chánh điện các chùa Bắc Tông thường thờ Tam thế Phật, là tượng các vị Phật của Quá Khứ - Hiện tại - Vị Lai, bên dưới là 3 pho tượng Di Đà tam tôn: tượng Phật A Di Đà (Amitabha) ở giữa, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara) ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta) ở bên phải. Trong một số chùa còn có tượng Phật Quan Âm Chuẩn đề" có nhiều tay (Cundi-Avalokitesvara). Phía dưới Di Đà Tam tôn có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamumi) ở giữa, ngồi trên tòa sen; Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri) bên trái và Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra) bên phải, cùng đứng trên tòa sen hoặc tượng Văn Thù ngồi trên lưng con sư tử màu xanh và Phổ Hiền ngồi trên lưng con voi màu trắng. Có khi là hai đệ tử của Thích Ca, Ca Diếp (Kasyapa) và A Nan Đà (Ananda). Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp. các tượng Phật Thích Ca thường có nhiều kiểu khác nhau thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật như đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn. Có khi là tượng Tuyết Sơn biểu hiện thời kỳ Phật Thích Ca tu khổ hạnh trong núi tuyết Himalaya, gầy guộc, thân hình lộ rõ xương sườn. Một số chùa thờ tượng Phật Di Lặc, tượng Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) - là một nhà sư Ấn Độ đến Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ VI, được coi là người sáng lập Thiền Tông tại đây; có chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Phật mẫu, Diêm Vương, hoặc 18 vị La Hán (Arhat) dọc theo hành lang hai bên, mỗi bên 9 vị..v.v... Nói chung không theo một nguyên tắc nào.
Riêng chùa Phật giáo Nam tông chỉ thờ duy nhất một tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà thôi.

Chùa Tam Thai, Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Theo HT Viên Minh: "Khó có thể xác định đâu là kiến trúc riêng biệt của Việt Nam, vì Việt Nam tiếp thu nhiều nguồn văn hóa khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng Trung Hoa trong kiến trúc chùa chiền.
Kiến trúc chùa đời Lý - Trần có đường nét độc đáo và giàu tính sáng tạo, đã hơn một lần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và Nho giáo so với đời Lê - Nguyễn. Khi nhà Nguyễn dời đô về Thuận Hóa (Huế) tiếp thu thêm văn hóa phương Nam của dân tộc Chăm; kiến trúc chùa và cung đình cũng có phần thay đổi để tạo chỗ đứng cho riêng mình; tuy vậy, vẫn chưa thể nào thoát được ảnh hưởng Trung Hoa quá sâu nặng và lâu đời.
Sự sáng tạo của kiến trúc đời Lý đáng cho chúng ta nghiên cứu học hỏi, tiếc rằng, kiến trúc đó chỉ còn không nhiều và ở miền Bắc mà thôi.
Chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương... có thể xem là tiêu biểu cho kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam, đáng cho chúng ta hãnh diện và noi gương để phát huy tính dân tộc và tính sáng tạo độc đáo này.
Nếu so sánh thì nói chung, chùa Trung Hoa giàu chi tiết, chùa Nhật Bản dáng nhẹ nhàng, chùa Cao Ly màu sắc phong phú, chùa Tây Tạng thâm u với nhiều biểu tượng huyền bí, còn chùa Việt Nam đời Lý giản dị, trầm hùng và bố cục chặt chẽ.
Chùa Việt Nam không vĩ đại, kiêu sa như chùa Trung Hoa, Tây Tạng, cũng không nguy nga đồ sộ như chùa Nhật Bản, Thái Lan. Chùa Việt Nam khiêm tốn, khoan thai, u nhã và hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên". (2)

(1) Trích Wikipedia
(2) Trích đoạn trong "Định hướng kiến trúc Phật giáo Nam tông VN", tác giả HT Viên Minh.

Các bạn đọc thêm bài viết về kiến trúc Phật giáo Việt Nam của HT Viên Minh:
http://huyenkhongsonthuong.com/kien-truc-phat-giao-viet-nam-tham-duom-hon-dan-toc.html

Ảnh: Dieu Tam Nguyen
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1886713911392363.1073742312.100001613180918&type=3

Ngọn gió đi qua ...

"Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về"...(*)


Đã 53 năm rồi, ngày từ giã trần gian, gia đình, bạn bè... chị ra đi khi mới vừa 18 tuổi xuân và kịp hay tin vừa thi đậu Tú Tài, trên môi còn nở một nụ cười. Một căn bệnh bất ngờ đến với chị giữa lúc hoa xuân vừa hé nở. Mẹ vội vàng đem chị vào bệnh viện Grall, Sài Gòn chạy chữa. Vài tháng sau, khi bác sĩ lắc đầu, cha mẹ đem chị về lại Huế. Mẹ lao như điên cuồng vào chùa chiền đền miếu ai chỉ đâu mẹ theo đó chỉ mong một phép lạ từ trời cao cứu đứa con gái đầu lòng yêu quý của mẹ khỏi bệnh. Còn em, nhờ theo mẹ mà từ đó em biết đi lễ chùa cầu nguyện cho chị. Nằm trên giường bệnh chị vẫn không quên sách vở. Ngày chị đi thi cha mẹ cũng không cản được khi chị muốn chiến thắng bệnh tật. Nhìn các anh họ trong nhà dìu chị đi thi mà em muốn khóc. Chị được tin đỗ Tú Tài khi nằm trong bệnh viện lớn của thành phố, em còn kịp nhìn thấy chị nở một nụ cười trên khuôn mặt xanh xao. Sau đó là những ngày chị mê man...
Trong một giấc mơ mẹ thấy đến một ngôi chùa có một nhà sư và bốn chú tiểu. Sáng hôm sau hai người bạn của cha đến thăm, nghe tin chị bệnh nặng đang nằm mê man trong bệnh viện, họ chỉ cho mẹ đường đến một ngôi chùa ở Kim Long, nơi có một nhà sư chữa bệnh bằng Đông y rất giỏi. Khi mẹ đến nơi, thầy trụ trì cùng bốn chú tiểu bước ra đón, hệt như trong giấc mơ... Chùa có một cội bồ đề to, nhiều cây cối trong vườn và hoa đang nở. Chị chợt tỉnh cơn mê, mỉm cười và nói với mẹ: "Mẹ ơi, con thích ở đây!" Chị cảm thấy khỏe và muốn ăn sau khi sư thầy cho uống thuốc. Hai ngày sau, trong lúc mẹ đang đọc kinh trên chánh điện thì chị thanh thản ra đi. Sư thầy cho phép chị được an táng trong khu đất của nhà chùa. Vài tuần sau, một đêm sư cô trong chùa kể lại: "Đêm qua chị về chùa, cô nghe chó sủa và nhìn ra ngoài thấy chị bước vào, vui vẻ lắm, giữa mùi hoa huệ thơm ngát"...
Buổi tối bước ra sân nhà nhìn thấy cha ngồi lặng lẽ một mình trên những bậc cấp. Hình như cha đang khóc. Lúc đó em 10 tuổi. Sao vẫn thương nhớ chị nhiều! Em còn nhớ những ngày chị xa nhà, em hay vào phòng chị đọc trộm những bài văn chị đang viết dang dở, hay những bức tranh chị vẽ chưa xong, và ngưỡng mộ chị biết chừng nào! Cô giáo của chị ở trường Đồng Khánh, cô Thúy Nga, về sau cũng là cô giáo của em ở Nữ Trung học QN, kể cho em nghe về chị "D. học giỏi lắm, nhất là văn chương và ngoại ngữ, lớp đệ tam D. đã dịch Les étoiles (Những Vì Sao) của Alphonse Daudet."
Trong lòng em, chị dường như vẫn gần gũi đâu đây. Em không được cùng chơi với chị ngày còn bé vì chị lớn hơn em nhiều quá, nhìn hình cũ của chị trong album gia đình luôn nghiêm trang, đôi mắt buồn, ít cười, nhưng khi chị mất rồi em cứ thấy chị quẩn quanh, chị hiền hậu và thương đàn em nhỏ 9 đứa biết bao! Ngày mẹ còn khỏe, thỉnh thoảng mẹ về Huế thăm mộ chị. Có lần vừa bước chân vào chùa, mẹ đã thấy sư thầy ngồi chờ bên khay trà nóng. Thầy cười nói: "Thầy biết hôm nay bà đến, vì đêm qua cô ấy về, vui lắm, khoe sáng mai mẹ con đến thăm thầy ạ!"
Những năm 80 nghe mẹ nói bức ảnh của chị thờ ngoài chùa Huế đã hỏng, em đã vẽ lại một bức ảnh nhỏ chân dung chị bằng sơn mài, với sơn mài thì ít nhất hình chị cũng phải hơn 50 năm mới hỏng nếu không biết cách bảo quản. Trong hình, đôi mắt chị vẫn buồn, em không hiểu tại sao!
Năm 2000, sau 35 năm, đất nhà chùa quy hoạch, gia đình dời mộ chị vào Nam. Khi bốc mộ, anh N. kể lại 3, 4 người đàn ông không thể xách túi đựng hài cốt chị lên vì nặng quá. Gieo quẻ thì ý chị là muốn đi, nhưng cả quan tài cũng phải phá đi không để lại. Làm theo ý chị, chiếc túi xách lên nhẹ tênh. Xong xuôi, anh N. chở chị đi một vòng thành phố Huế, ngang qua ngôi trường Đồng Khánh thân thương của chị để chào tiễn biệt rồi mới lên đường. Lúc đó ở Sài Gòn cả nhà đang lo đất Gò Dưa cho chị, sẽ chôn gần bà ngoại và cha. Nhưng nghe nói không còn đất, chủ đất đề nghị một rẻo nhỏ nằm ở một góc nghĩa trang. Đang chưa biết tính sao thì vào phút cuối chủ đất báo tin có một ai đó vừa hủy không lấy phần đất đã chọn, phần đất ngay ngắn thật đẹp, thế là chị vào Sài Gòn cũng có mồ yên mả đẹp. TD tủm tỉm cười: "Chị ... khôn quá, không chịu ở trong hẻm mà muốn nhà ... mặt tiền!"
Riêng tấm ảnh trên ngôi mộ mới của chị được chụp lại từ bức chân dung em đã vẽ thay cho bức ảnh đã hỏng của chị ngày ấy. Bây giờ nhìn lại em thấy ... dường như, ánh mắt ấy đã lấp lánh niềm vui!...
Hôm nay giỗ chị, em chỉ mua một bó hoa cúc nhỏ nhiều màu, trái cây miền Nam có chùm chôm chôm nhãn đầu mùa, chè trôi nước Huế xưa ... chắc chị thích!

Nguyễn Diệu Tâm
Saigon, 11.6 âm lịch, ngày giỗ chị lần thứ 53.
(*) Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du.