Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Nghĩ về kiến trúc chùa VN

Nhân mùa an cư, chợt nghĩ về kiến trúc chùa chiền tại Việt Nam, là một trong những điều mà tôi từng thắc mắc.
Là một Phật tử, thích đi chùa, vãn cảnh chùa, tôi có duyên được dịp viếng nhiều chùa trong và ngoài nước. Những ngôi chùa kiến trúc độc đáo nổi tiếng gây cảm xúc đặc biệt như đền Mahabodi ở Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ; chùa Shwedagon, chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo ở Miến Điện; chùa Nan Tien ở tiểu bang New South Wales nước Úc; quần thể Angkor Wat, chùa Vàng chùa Bạc ở Campuchia, Thái Lan; Linh Ẩn tự với 500 tượng Phật La Hán bằng đồng ở Hàng Châu, Hàn Sơn tự và bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế ở Tô Châu ... Thế nhưng ở VN, tôi thường rất thích viếng các ngôi chùa cổ mang tính chất dân gian địa phương, không thích những ngôi chùa quá to lớn bề thế hiện đại mà kiến trúc không nhất quán, hoặc quá nhiều hình tượng, trang trí màu sắc lòe loẹt, bài trí lộn xộn, thiếu thẩm mỹ "đầu Ngô mình Sở". Nói về một kiến trúc chùa đẹp, ngoài yếu tố thẩm mỹ, đáp ứng được những sinh hoạt nghi lễ, tôi tâm đắc với ý tưởng của thầy Viên Minh trong loạt bài viết về Kiến trúc Phật giáo là "cần hội đủ 3 yếu tố: tính Phật giáo, tính dân tộc và thời đại".

Tháp Mahabodi, Bồ Đề Đạo Tràng, Bodhgaya, Ấn Độ.


Năm 2012, trở về sau hơn 45 năm xa Huế, lần đầu tiên viếng thăm 2 ngôi chùa Huyền Không, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ngôi tháp ở Huyền Không Sơn Hạ (về sau khi được đến Ấn độ mới biết ngôi tháp này gợi hình ảnh tháp Mahabodi Bồ đề Đạo tràng), lạ và đẹp. Thêm vào đó, cảnh quan thơ mộng, thoát tục, gần gũi với thiên nhiên, cách bài trí chánh điện đơn sơ, thanh nhã ở Huyền Không Sơn thượng khác với nhiều ngôi chùa âm u buồn bã hay sơn son thếp vàng màu sắc lòe loẹt tôi mới thật sự muốn tìm hiểu về Phật giáo, bao gồm tư tưởng triết lý, giáo lý, kiến trúc và mỹ thuật. Chuyến đi đó, ngơ ngẩn vì cảnh chùa, tôi viết "Lạc Bước Rừng Thiền", như bước chân đầu tiên đánh dấu cho một hành trình đến với Phật pháp về sau.

Cảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế.

Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Tuy nhiên, một số chùa Việt Nam ngoài thờ Phật còn thờ thần ( thờ các vị thiền sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông và Lý Thần Tông ), thờ tam giáo (Phật – Lão – Khổng), thờ Trúc Lâm Tam tổ...
Chùa Việt Nam thường không phải là một công trình mà là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Tên các kiểu chùa truyền thống thường được đặt theo các chữ Hán có dạng gần với mặt bằng kiến trúc chùa.
Cấu trúc được phân loại theo hình dạng chữ Hán như chữ Đinh (丁), có nhà chính điện hay còn gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Một số chùa tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình); chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Dư Hàng (Hải Phòng)...
Chùa chữ Công (工) là chùa có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An); chùa Keo (Thái Bình)...

Chùa Cầu, Hội An.

Chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội có dạng bố cục như thế này.
Chùa kiểu "nội Công ngoại Quốc" là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國).
Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, là nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan.
Chùa kiểu chữ Công (宮) là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên có một số ngoại lệ, tiêu biểu là chùa Một Cột ở Hà Nội có hình dáng một bông sen nở trên mặt nước, hay ngôi chùa mới được xây cất như chùa Vĩnh Nghiêm có hai tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình cả những nét truyền thống Phật giáo và cả những thành tựu của kiến trúc. Nhưng những ngoại lệ như vậy không nhiều" (1).

Chùa Một Cột, Hà Nội.

Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ, Huế.

Ngoài ra còn có cổng tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện, hậu đường...
Ở sân trước nhiều chùa còn có tháp chuông (chùa Xá Lợi, Thiền viện Trúc Lâm, Thường Chiếu...), tháp thờ Phật (chùa Thiên Mụ), tháp vong, nhà bia (chùa Từ Hiếu, chùa Phổ Minh...), nhỏ hơn thường có gác chuông, lầu trống...
Kiến trúc chùa Việt Nam được xây dựng và phát triển khá đa dạng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau và không gian khác nhau, ở các phong cách kiến trúc địa phương. Chùa kiểu chữ Tam phổ biến ở miền Nam hơn ở miền Bắc. Chùa của người Mường thường xây bằng tre và vật liệu đơn giản. Chùa của người Khmer miền Tây Nam bộ xây theo kiến trúc của Campuchia và Thái Lan ảnh hưởng văn hóa của đế chế Khmer. Chùa của người Hoa hay người Ấn (ở Q.1 Tp HCM) cũng có sắc thái kiến trúc riêng.
Văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ là hai nền văn hóa ảnh hưởng sâu đậm đến toàn vùng. Riêng về phương diện Đạo học, văn hóa Trung Hoa nghiêng về tính hiện thực nhập thế, tiêu biểu là Khổng giáo; Ấn Độ nghiêng về tính siêu hình xuất thế, điển hình là Ấn giáo.
Về kiến trúc chùa chiền, đa số chùa Bắc Tông ảnh hưởng Trung Hoa, Nhật Bản. Chùa Phật giáo Nam tông ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhiều hơn, thường theo khuôn mẫu Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Myanmar ... Chùa Mật tông lại mang vẻ huyền bí, thâm trầm.

Chánh điện chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, Tp HCM

Chánh điện bài trí kim thân các đức Phật cũng không giống nhau. Ở giữa các chánh điện các chùa Bắc Tông thường thờ Tam thế Phật, là tượng các vị Phật của Quá Khứ - Hiện tại - Vị Lai, bên dưới là 3 pho tượng Di Đà tam tôn: tượng Phật A Di Đà (Amitabha) ở giữa, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara) ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta) ở bên phải. Trong một số chùa còn có tượng Phật Quan Âm Chuẩn đề" có nhiều tay (Cundi-Avalokitesvara). Phía dưới Di Đà Tam tôn có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamumi) ở giữa, ngồi trên tòa sen; Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri) bên trái và Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra) bên phải, cùng đứng trên tòa sen hoặc tượng Văn Thù ngồi trên lưng con sư tử màu xanh và Phổ Hiền ngồi trên lưng con voi màu trắng. Có khi là hai đệ tử của Thích Ca, Ca Diếp (Kasyapa) và A Nan Đà (Ananda). Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp. các tượng Phật Thích Ca thường có nhiều kiểu khác nhau thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật như đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn. Có khi là tượng Tuyết Sơn biểu hiện thời kỳ Phật Thích Ca tu khổ hạnh trong núi tuyết Himalaya, gầy guộc, thân hình lộ rõ xương sườn. Một số chùa thờ tượng Phật Di Lặc, tượng Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) - là một nhà sư Ấn Độ đến Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ VI, được coi là người sáng lập Thiền Tông tại đây; có chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Phật mẫu, Diêm Vương, hoặc 18 vị La Hán (Arhat) dọc theo hành lang hai bên, mỗi bên 9 vị..v.v... Nói chung không theo một nguyên tắc nào.
Riêng chùa Phật giáo Nam tông chỉ thờ duy nhất một tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà thôi.

Chùa Tam Thai, Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Theo HT Viên Minh: "Khó có thể xác định đâu là kiến trúc riêng biệt của Việt Nam, vì Việt Nam tiếp thu nhiều nguồn văn hóa khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng Trung Hoa trong kiến trúc chùa chiền.
Kiến trúc chùa đời Lý - Trần có đường nét độc đáo và giàu tính sáng tạo, đã hơn một lần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và Nho giáo so với đời Lê - Nguyễn. Khi nhà Nguyễn dời đô về Thuận Hóa (Huế) tiếp thu thêm văn hóa phương Nam của dân tộc Chăm; kiến trúc chùa và cung đình cũng có phần thay đổi để tạo chỗ đứng cho riêng mình; tuy vậy, vẫn chưa thể nào thoát được ảnh hưởng Trung Hoa quá sâu nặng và lâu đời.
Sự sáng tạo của kiến trúc đời Lý đáng cho chúng ta nghiên cứu học hỏi, tiếc rằng, kiến trúc đó chỉ còn không nhiều và ở miền Bắc mà thôi.
Chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương... có thể xem là tiêu biểu cho kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam, đáng cho chúng ta hãnh diện và noi gương để phát huy tính dân tộc và tính sáng tạo độc đáo này.
Nếu so sánh thì nói chung, chùa Trung Hoa giàu chi tiết, chùa Nhật Bản dáng nhẹ nhàng, chùa Cao Ly màu sắc phong phú, chùa Tây Tạng thâm u với nhiều biểu tượng huyền bí, còn chùa Việt Nam đời Lý giản dị, trầm hùng và bố cục chặt chẽ.
Chùa Việt Nam không vĩ đại, kiêu sa như chùa Trung Hoa, Tây Tạng, cũng không nguy nga đồ sộ như chùa Nhật Bản, Thái Lan. Chùa Việt Nam khiêm tốn, khoan thai, u nhã và hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên". (2)

(1) Trích Wikipedia
(2) Trích đoạn trong "Định hướng kiến trúc Phật giáo Nam tông VN", tác giả HT Viên Minh.

Các bạn đọc thêm bài viết về kiến trúc Phật giáo Việt Nam của HT Viên Minh:
http://huyenkhongsonthuong.com/kien-truc-phat-giao-viet-nam-tham-duom-hon-dan-toc.html

Ảnh: Dieu Tam Nguyen
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1886713911392363.1073742312.100001613180918&type=3

2 nhận xét:

  1. LAL: Bài viết rất công phu, súc tích, kiến thức dồi dào.
    Đi nhiều, sống nhiều, đa tài đa năng.
    Cám ơn tác giả một bông hoa đẹp, ngát hương.
    Dieu Tam Nguyen: Vì em cũng có nhiều thắc mắc nên phải tìm hiểu. Biển học mênh mông, không bao giờ cạn, chỉ có sức mình tàn. Cảm ơn chị.

    AD Nguyen: Cảm ơn Dieu Tam Nguyen đã chia xẻ với một bài viết rất công phu. AD có dịp mở rộng kiến thức về các công trình kiến trúc của các ngôi chùa. Thật là thú vị. Hay lắm. Mình cũng đồng ý với bạn về kiểu kiến trúc đầu Ngô mình Sở của một số chùa ở VN cốt để khoe trương cái bề thế loè loẹt với những trang hoàng ồ ạt như một sân khấu Hồ Quảng. Chỉ tiếc kiến trúc ở VN ko có một nét đặc thù nào thuần khiết, nhất định như Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Bali hay Mã Lai. Nhìn vào chi tiết thì một là ảnh hưởng nặng của Ấn Độ hay Trung Hoa. Tân tiến hơn là nặng mùi Pháp Bảo Hộ. Buồn thay!
    Dieu Tam Nguyen: Còn nhiều vấn đề chưa nói đến và không thể nói trong một bài viết sơ lược như thế Nguyễn Anh Đào. Khi thu thập nhiều tư liệu hơn mình sẽ viết tiếp, chỉ nói sơ qua một số chùa tiêu biểu cho Phật giáo VN chứ chưa đi sâu hơn. Gần đây có "mốt" xây chùa trong khu vui chơi giải trí, gọi là "khu du lịch tâm linh", mình rất sợ những kiểu chùa này, có một khu du lịch như vậy người ta đã xây một cái chùa rất to rồi thổi phồng bao nhiêu chuyện linh thiêng. Bên trong Chánh điện rộng lớn thờ rất nhiều hình tượng từ các vị Phật, Ngọc hoàng Thượng đế, các Thánh mẫu, các vua Hùng, các danh nhân anh hùng, thờ ông địa, thần tài, v.v... Hàng trăm pho tượng như quy tụ từ các giáo phái vô một chỗ cho người ta khỏi đi đâu lung tung, vô đây là có hết để cúng bái. Thật không hiểu nổi. Thơ của chủ nhân khắc đầy khuôn viên rộng hơn mấy ngàn sqm.... Rồi bắt chước nhau mà làm...

    Th. Le: Rất đồng ý với Nguyen Anh Đào và Diệu Tâm về kiến trúc chùa chiền Việt Nam. Từ lâu tôi đã buồn thấy chùa chiền VN thiếu nét bề thế như các chùa Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào...lại thiếu nét đặc thù VN...nay lại được phát triển theo lối 'đầu Ngô mình Sở' thật đáng buồn hơn nữa...

    Trả lờiXóa
  2. Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn anh Th. Le đã góp ý. Từ thắc mắc của mình, DT tìm hiểu, đọc thêm (càng đọc càng ... bơi, nhưng nhờ vậy mới biết thêm! ) vì nghĩ có lẽ cũng có nhiều người từng đi lạc lung tung như mình :-)
    Chỉ có một số ít chùa cổ miền Bắc từ thời Lý - Trần là có nét đặc thù VN, còn lại do ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa quá mạnh cả ngàn năm nên khó tránh khỏi việc pha trộn. Đa số kinh kệ là dịch từ chữ Hán, hình tượng cũng từ đó, cộng thêm các đạo giáo như Lão, Trang ... nên có nhiều tông phái, nhiều đền chùa mang màu sắc thần bí, cúng tế sa đà vào mê tín dị đoan v.v... Lại có Mật tông kết hợp với Ấn Độ giáo cùng Phật giáo đại thừa có từ thế kỷ 5-6 tại Ấn Độ, sau đó từ tk 7-11 thì Mật tông được đưa vào Tây Tạng rồi trở thành tôn giáo chính ở đây. Tây tạng có 4 tông phái, chủ trương sự tự giác ngộ thông qua việc thiền định (meditation) và niệm chân ngôn (mantra), chủ yếu được truyền trong các sư sãi, hoặc trì tụng thần chú kết hợp những buổi cầu kinh. Mật Tông cũng thịnh hành ở Trung Hoa vào đời Đường, sau đó thì thoái trào. Ở Nhật Bản Mật tông cũng du nhập vào khoảng tk 7-8, nhưng chỉ có sư phụ truyền cho đệ tử bằng lời nên cũng dần co cụm. Còn ở VN thì có nhiều ý kiến cho rằng tu Mật tông khó, là tà đạo cho nên giới Phật tử ít người có hiểu biết về Mật tông. Tuy nhiên hiện nay lại có khá nhiều đạo tràng tu tập Thiền tông kết hợp với Mật tông. Cho nên người muốn đi chùa cũng "rối" là vậy, cứ đến chùa lễ ... mà không biết là mình đi theo phía nào, về đâu!
    Vì vậy chỉ tâm niệm lời dạy cuối cùng của đức Phật ( DT ghi lại ở một ngôi chùa VN tại Vaishali, Ấn Độ ):
    "Này Anan! Chỗ nương tựa cuối cùng là Chánh Pháp, không phải ở một vị giáo chủ, đừng đi tìm một chỗ dựa nào ngoài chánh pháp. Mỗi người phải tự lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, phải sống theo chánh pháp, phải biết sống theo TỰ TÂM THANH TỊNH của chính mình. Này Anan! Phật, Pháp, Tăng đều có sẵn trong mỗi người chúng ta, KHẢ NĂNG GIÁC NGỘ là PHẬT, PHÁP MÔN TU HỌC là PHÁP, TINH TẤN THỰC HÀNH là TĂNG. Không ai có thể cướp giật Phật, Pháp, Tăng ra khỏi thân tâm quý thầy được. Dù trời đất có nghiêng ngã, tự tánh Tam Bảo trong mỗi người vẫn còn nguyên vẹn. Đó là nơi nương tựa an ổn nhất của quý thầy. Vị khất sĩ trở về an trú trong chánh niệm, quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý. Đó là vị khất sĩ đang ở nơi nương tựa vững chắc nhất".
    Th. Le: Cám ơn, cám ơn DT lúc nào cũng cho nhiều hơn mình mong ước!

    Trân: Bài viết hay,giúp những ai chưa biết về chùa chiền như mình được có thêm kiến thức!
    Hình ảnh đẹp và đa dạng! Cảm ơn Dieu Tam Nguyen nhé!
    Dieu Tam Nguyen: Mình thích đi viếng các chùa cổ ở miền Bắc nhưng chưa đi được nhiều. Hy vọng sẽ làm được một chuyến!
    Trân: Nàng nên đi,vì chùa ngoài Bắc rất hay, nhiều chùa độc đáo, mình rất thích vẻ tịch lặng và cổ xưa của các chùa này, như vậy mới đúng là chùa!

    Trả lờiXóa