Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Dưới mặt trời và Neva mù sương

Những ngày ở Saint Petersburg, với tôi là những ngày rất đẹp và cảm xúc lạ kỳ với những đêm trắng lần đầu tiên thưởng thức. Ngày nào cũng vậy, cứ đi từ sáng đến tối vẫn chưa muốn về ngủ vì ngày vẫn còn. Mặt trời lặn sau 11 giờ đêm nhưng vầng ánh sáng đỏ hồng vẫn còn vương vấn để 3 giờ sáng lại bừng lên rực rỡ đón bình minh. Bạn không thể hiểu được sự kỳ diệu của màu sắc đó lan tỏa làm rung động đến trái tim tôi như thế nào! Ước gì ... con người chúng ta cũng được như thế, cuộc đời chỉ là những bình minh tiếp nối, sẽ không có chỗ cho đêm dài ngự trị! 
Ngày cuối ở Saint Petersburg, trước khi ra sân bay vào buổi trưa, chúng tôi lại có đủ thời gian cho buổi du ngoạn trên dòng sông Neva để được nhìn thấy khá trọn vẹn đế đô phương bắc này.
Hôm ấy trời nắng đẹp, dòng sông xanh ngắt, và mọi người đã có những shots hình sáng đẹp.
Trên sông Neva, Saint Petersburg. Photo: Nguyễn Diệu Tâm
Petersburg có tới 3.700 di tích lịch sử và văn hóa cỡ địa phương. Những công trình này đại diện cho tất cả các phong cách kiến trúc của ba thế kỷ, bắt đầu từ phong cách Baroque. Trước khi tháp truyền hình được xây dựng với chiều cao 316 m, điểm cao nhất thành phố là nóc nhọn của pháo đài Petrovalovskaia - 122,5 m.
Petersburg nằm ngay trên bờ một con sông có lưu lượng lớn nhất châu Âu - sông Neva với chiều rộng trong phạm vi thành phố tới 650 m và độ sâu tới 14 - 23 m. Những chiến hạm lớn có thể đi vào được con sông này để tham dự các cuộc diễu hành của hải quân. Thành phố tọa lạc trên 42 hòn đảo của châu thổ sông Neva. Trong phạm vi thành phố có hơn 40 chi lưu, con ngòi và gần 20 kênh đào được nối liền với nhau bằng gần 300 cây cầu hết sức đa dạng. Toàn bộ chiều dài được ốp đá hoa cương của các con kênh và sông là 150 km.
Petersburg chiếm vị trí mốc son trong nhiều sự kiện vinh quang của lịch sử nước Nga. Trên bờ sông Neva người ta đã đóng chiếc tàu thủy đầu tiên chạy bằng hơi nước của Nga mang tên "Elizabeta", là nơi ra đời chiếc tàu chiến đầu tiên của Nga "Thần tốc", còn trong thời đại mới là chiếc tàu phá băng nguyên tử đầu tiên, chiếc tàu sinh thái chuyên dụng đầu tiên của Nga.
Tại Petersburg đã thành lập phòng thí nghiệm hóa học đầu tiên trong nước của Lomonosov, nơi khám phá ra định luật tuần hoàn của Mendeleev, và diễn ra những thí nghiệm của Pavlov.
Chiến hạm Aurora "Rạng Đông" bên sông Neva. Photo: Nguyễn Diệu Tâm
Dòng sông Neva này có chiều dài 74 km, chảy từ hồ Ladoga qua eo đất Karelia và thành phố Sankt-Peterburg vào vịnh Phần Lan. Đoạn chảy qua Sankt-Peterburg dài 28 km. Tính theo đường chim bay thì khoảng cách từ thượng nguồn đến hạ lưu sông dài 45 km.
Sông Neva là phần nằm xa nhất về phía tây bắc của tuyến đường thủy Volga-Baltic, nối liền sông Volga, hồ Onega, hồ Ladoga và biển Baltic. Tuyến đường thủy này có thể cho các tàu sông lớn nhất qua lại dễ dàng, và nó là một phần quan trọng trong giao thông thủy giữa Sankt-Peterburg và Moskva.
Trong thời Trung cổ, con sông rộng và đi lại dễ dàng này là hành trình thương mại quan trong của người Varjag tới những người Hy Lạp, nối liền việc vận chuyển hàng hóa từ biển Baltic sang sông Volga dẫn tới phương Đông, và cũng là một phần của tuyến giao thông thủy Bạch Hải-Baltic.
Dòng sông Neva cũng là địa điểm lịch sử diễn ra trận chiến trên sông nổi tiếng năm 1240. (2)
Pháo đài Petro-Pavlov. Ở giữa là tháp mạ vàng của Tu viện Petro-Pavlov.

Trong thế kỷ 16, cửa sông Neva là địa điểm xây dựng pháo đài Nyen của người Thụy Điển, và trên bờ lạch nhỏ dẫn tới hồ Ladoga là pháo đài Oreshek của người Nga, sau này được đổi tên thành Shlisselburg. Pháo đài đầu tiên sau này được thay thế bằng pháo đài Petropavlovskaija năm 1703. Nằm trên đảo Zayachii (đảo Thỏ), pháo đài này được coi là công trình xây dựng đầu tiên của Sankt-Peterburg ngày nay.
Neva cũng được đặt tên cho tàu chiến nhẹ ba cột buồm đầu tiên của Nga dài 61 mét (200 ft), để đi vòng quanh Trái Đất vào năm 1804 dưới sự chỉ huy của thiếu tá hải quân Urey Fedorovich Lisianski. 
Anna Akhmatova by Natan Altman, 1914, State Russian Museum

Nhà thơ nữ Nga nổi tiếng của thế kỷ 20, Anna Akhmatova (1889-1966), người được mệnh danh là "Bà chúa thơ tình Nga", "đêm trắng của thi ca Nga", từng được đề cử trong danh sách xét giải Nobel Văn học 1965-66. đã đưa hình ảnh dòng sông Neva vào trong nhiều bài thơ của bà:
"Anh không đi tìm những khoảnh khắc đầy hoa
Bờ môi em, Cassandra, hay ánh mắt
Nhưng những đêm không ngủ trong tháng chạp
Kỷ niệm xưa vẫn hành hạ hai ta.
Năm 1917, trong tháng chạp
Ta đã để mất tất cả, trong tình
Một người bị ý chí nhân dân cướp bóc
Còn người kia tự cướp bóc chính mình…
Rồi thủ đô sẽ có một khi nào
Trên bờ sông Nê-va, trong ngày lễ
Trong tiếng ồn đêm hội rất kinh sợ
Ai giật chiếc khăn tuyệt đẹp trên đầu". (3)
.....
Trước nỗi đau này rừng cúi xuống
Và dòng sông rộng lớn cũng ngừng trôi
Nhưng những cánh cửa nhà tù chắc nặng
Còn đằng sau là những kẻ khổ sai
Và nỗi buồn đau chết người.
Giờ đang thổi cho ai cơn gió mát
Và chỉ dành cho ai đấy hoàng hôn
Còn chúng tôi giờ đây, không biết được
Nghe khắp nơi tiếng cổng khoá đau buồn
Và nặng nề tiếng người lính giậm chân
Như đi vào lễ mi sa buổi sáng
Vào kinh đô của chết chóc, hoang tàn
Nơi đó gặp những người sắp chết
Dưới mặt trời và Nê-va mù sương (4)
........

(1) "Dưới mặt trời và Neva mù sương" -
Trích thơ Anna Akhmatova
(2) Trận sông Neva xảy ra giữa quân đội Cộng hòa Novgorod và quân Thụy Điển trên sông Neva, gần khu định cư Ust-Izhora vào ngày 15 tháng 7 năm 1240. Quân Thụy Điển đã xâm lược Novgorod có lẽ là để giành quyền làm chủ cửa sông Neva và thành phố Ladoga để lấy thế mà chiếm đoạt phần quan trọng nhất của Con đường buôn bán từ người Varangoi đến người Hy Lạp, vốn đã nội thuộc xứ Novgorod trong suốt hơn 100 năm. Trận đánh này là một phần của các cuộc chiến tranh Thụy Điển-Novgorod thời Trung Cổ.
(3) Trích "Gửi Cassandra", thơ Anna Akhmatova.
Bản dịch: Nguyễn Viết Thắng
(4) "Lời Dâng", thơ Anna Akhmatova,1940.
Bản dịch: Nguyễn Viết Thắng
Viết theo nguồn Wikipedia & 177 nhathonga.
Ảnh: Dieu Tam Nguyen

2 nhận xét:

  1. Son Nguyen: Máy này chụp ảnh đẹp quá.
    Dieu Tam Nguyen: Dùng cả hai loại Canon :-) Son Nguyen
    Kim Tran: Ô! Rất tiếc là khi đi thuyền dạo trên khúc sông Neva mình không được nghe những lời thuyết minh này.
    Giá mà được nghe thế này chắc mình sẽ ngắm kĩ dòng sông Neva lịch sử thêm chút nữa.
    Thôi giờ đành xem lại qua ảnh của tay máy chuyên nghiệp Diệu Tâm vậy. Ahihiii! Cảm ơn bạn hiền nhiều lắm! 😍
    Dieu Tam Nguyen: Kim Tran lúc đó mải nghe mấy bài hát Nga Tình Kachiusa, Triệu đoá hoa hồng... 🙂
    Thinh Le: Nhìn mấy tấm hình này cứ như cảnh 2 bờ sông Seine. Nhờ có DT mình mới biết được phong cảnh Moscow và St Petersburg. Thực sự với chúng tôi học lịch sử Âu Châu cũng chỉ biết đại khái thôi, đâu có vô chi tiết các thành phố của Soviet ngày xưa. Vã laị dưới thời Soviet, đâu có du lịch mở rộng như bây giờ, ít ai đi du lịch bên Nga lắm. DT may mắn được biết nước Nga nhiều hơn ai.
    Dieu Tam Nguyen: Thinh Le những năm sau 75 vì vẫn được tiếp tục đi học để ra làm lứa giáo viên đầu tiên của Xhcn nên DT được học văn học nước ngoài Anh, Mỹ, Đức, Nga, Trung quốc... Lúc đó ở Việt Nam các môn nghệ thuật văn hoá phát triển rộng rãi nhất là Nga. Tp Vũng Tàu ngày ấy như là tp của các chuyên gia dầu khí Nga, có đường tên Nga Ba cu 🙂
    Dân văn chương như DT và các bạn cùng thời đọc toàn sách, xem phim Nga ... nhưng trái tim của mình có riêng lý lẽ của nó, chỉ chọn những cái hay đẹp. Nỗi buồn cũng phải dần dần nguôi ngoai. Cuộc sống là vậy. Kỷ niệm cũng từ đó!
    Tuyet Hoa: Dieu Tam Nguyen Vì đâu chỉ với vài từ ngắn gọn, súc tích, e đã vẽ lại cả một bức tranh nhuộm đầy màu thời gian ....(. ) !

    Trả lờiXóa
  2. Hue Chi: Đẹp quá cô Dieu Tam Nguyen..Biết khi nào mới đươc đăt chân đến đẩt nước Nga xinh đep
    Dieu Tam Nguyen: Hue Chi hãy thích trước rồi sẽ đi sau đó em. 🙂
    Hue Chi: Chính xác cô ơi..đoc bài cô viết mê tít luôn Dieu Tam Nguyen
    Dieu Tam Nguyen: Hue Chi hihi vậy là cô đã quảng cáo dùm cho nước Nga và cty du lịch TST thành công rồi đó em 🙂
    Ngọc Hạnh: Tháng 11 đi Châu Âu được không chị ơi? Có lạnh lắm không?
    Dieu Tam Nguyen: Chị chỉ đi châu Âu vào mùa thu tháng 9 thôi em, tháng 11 vào mùa đông rồi, không dám đi. Lần đi vào tháng 2 là nhằm cuối mùa đông, eo ơi lạnh lắm Ngọc Hạnh, có tuyết. Hoặc em đi mùa xuân, qua tháng 3-4-5.

    Trả lờiXóa