Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

VĨNH LONG NGÀY ẤY ...

Gần đây, gặp lại các bạn học cũ thời đại học Sư phạm Saigon, chúng tôi cùng chia xẻ những gì đã xảy ra kể từ ngày rời trường xưa. Bỗng nhớ đã lâu lắm rồi, tôi không về thăm lại Vĩnh Long, nơi tôi được phân công về dạy học ở trường CĐSP vào năm 1977.


Ngày ấy khi ra trường tôi còn quá trẻ và rất nhút nhát. Cầm tờ lệnh nhận nhiệm sở trên tay, tôi tần ngần mãi không dám đi, cho đến khi 2 người bạn trai học cùng khoa tình nguyện dẫn đường.
Lần đầu tiên đến Vĩnh Long, thành phố nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, hiền hòa khác xa sự ồn ào hối hả của Sài gòn. Chúng tôi cùng đi đến trường, gặp hiệu trưởng. Tôi còn nhớ mình nhát đến nỗi phải nấp sau lưng người bạn, còn một người cầm lệnh nhận nhiệm sở đến trước mặt hiệu trưởng. Ông hỏi: "Anh là NTD Tâm à?" Anh bạn trả lời không, lúc đó tôi mới từ sau lưng anh chui ra, tim đập thình thịch: "Dạ, là em".
Ông hiệu trưởng hẹn ngày trở lại, vào trước ngày khai trường năm ấy. Lần đó lại chính mẹ tôi dẫn tôi đi. Bà luôn không yên tâm nếu để tôi đi một mình đến xứ lạ.
Lúc đó, trường CĐSP Vĩnh Long đang được dời về phía trong một khu còn đồng không mông quạnh mà tôi không nhớ rõ nơi ấy có tên gì. Đó là một tu viện Thiên chúa và có vẻ như là nữ tu viện. Trường cũng còn đang trong giai đoạn sửa sang lại phòng ốc từ tu viện nên họ mượn một dãy lầu thuộc trường trung học cấp 3 Vĩnh Long gần chợ để tạm thời làm lớp học. Còn chúng tôi, các cô giáo, được ở tạm trong một căn phòng trong khuôn viên trường.
Ngày đầu tiên lên lớp, tôi rất .. run. Mặc áo dài trắng, tôi đi về hướng lớp học mà chân tay lập cập như bước không nổi. Có tiếng chân chạy rầm rập trên lầu khi tôi bước lên cầu thang. Tiếng xì xào vang lên: "Trời, cô giáo .. nhỏ xíu hà!"... Tôi đành làm gan bước vào lớp. Cả lớp đứng dậy chào cô giáo mới. Tôi đứng trên bục nhìn xuống, cố làm mặt tỉnh. Lớp học khá đông, khoảng hơn 40 giáo sinh, nam có nữ có, đa số có vẻ .. già hơn tôi.
Tôi không nhớ mình đã nói những gì trong giờ đầu tiên lên lớp. Chỉ thấy nhiều đôi mắt nhìn tôi. Về sau khi cô trò đã quen rồi, có cô bé học trò thủ thỉ kể rằng "Ngày đầu tiên gặp cô lên lớp, thấy .. thương ghê! Bọn con trai nói rằng ở trường này ông thầy nào mà dám đụng tới cô, tụi nó sẽ .. bảo vệ cô đấy!"


Ít lâu sau, khi trường sửa sang xong thì tất cả chúng tôi giã từ ngôi trường cấp 3 để dọn về dạy học và sống ở đó. Tôi dần làm quen với cuộc sống ở Vĩnh Long và ở ngôi trường này. Ngày ấy khóa sư phạm chúng tôi là một trong những khóa đầu tiên ra trường sau 1975, chỉ một vài người miền Nam được phân công về đây, mỗi người từ một khoa. Tôi từ khoa Văn, Hồng khoa Hóa, cùng một người khoa Toán v.v.. Hồng có gia đình tại Vĩnh Long, còn tôi và người bạn kia từ Sài gòn xuống. Còn lại đa số là các giáo viên từ miền Bắc vào, người quê Thanh Hóa, người Hà Nội, người Nam Định. Nhóm miền Nam chúng tôi như co cụm lại, thỉnh thoảng mới gặp nhau, có khi cùng rủ nhau đi Long Hồ, vườn trái cây chơi. Riêng tôi vì ở nội trú cùng các cô giáo miền Bắc nên dần dần cũng quen theo nếp sống của các cô. Ban đầu tôi ở chung với Loan, Hồng, Huyền. Tôi được phân công dạy môn Văn học Việt Nam, Loan môn Tiếng Việt, Huyền môn Ngữ pháp. Qua năm sau các cô bạn cùng lấy chồng cũng là giáo viên trong trường thì mỗi cặp lại được một phòng riêng. Ngôi trường từ tu viện Thiên chúa ấy vẫn còn giữ nhiều phòng mà ngày xưa có lẽ các ma soeur dùng để đọc kinh, tập đàn hát. Có một cây đàn piano cũ, thỉnh thoảng tôi cũng leo lên tập đàn .. Có một bạn nào đó dạy cho tôi đàn mấy bài hát Nga như Tình Kachiusa, Triệu đóa hoa hồng v.v.  Lúc đó thì âm nhạc chỉ nghe được bấy nhiêu đó thôi, đỡ chán hơn những bài hát chiến thắng vì cứ phải nghe hoài. Ngoài vườn còn nhiều tượng Đức mẹ bị đập phá nằm ngổn ngang mỗi lần đi ngang qua tôi thấy xốn xang trong lòng. Chung quanh trường là đồng ruộng mênh mông. Thật đúng y như trong bài thơ của Tú Xương: "Đêm nghe tiếng ếch bên tai, Giật mình còn tưởng tiếng ai ..gọi đò!" ... Thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật các cô giáo ra ruộng .. mò cua bắt ốc về nấu bún riêu. Có lúc rắn chui vô nhà. Những lúc cho giáo sinh tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, thuyết trình về những đề tài trong truyện Kiều, đêm về trời hơi tối tôi rất sợ rắn từ trong các bụi cỏ rậm phóng ra. Nhắc lại thì nhớ, chứ sao tôi không thấy muốn nhớ đến giai đoạn này, có lẽ vì bị ông hiệu trưởng người miền Bắc "đì" quá, một số người là thầy giáo ở đó cũng vậy, thường nhìn tôi với đôi mắt xa lạ, có lẽ vì tôi vẫn giữ nguyên nếp cô giáo miền Nam, mỗi lần lên lớp là  phải mặc áo dài. Tôi lại thích áo dài tơ hiệu Hoa Hồng, lúc đi học có học bổng đủ để mua 2 áo dài lụa, mua đủ màu.
Bên hông trường là một con sông lớn, ngày ấy chúng tôi vẫn ra sông giặt giũ. Nhiều lúc ngồi một mình lặng lẽ nhìn dòng sông trôi, bầy vịt lội cùng đám lục bình lãng đãng dạt về phía chân trời mà buồn, nhớ nhà, nhớ thành phố, nhớ người yêu cũ, nhớ thật nhiều dĩ vãng đã qua. Không lẽ cuộc đời mình chôn vùi ở đây? Tôi không nhớ mình có nhiều lúc phải khóc hay không nhưng chắc chắn là có.


Vĩnh Long ngày ấy dường như cuộc sống và sinh hoạt có vẻ dễ chịu hơn ở Sài gòn, nhất là khoản thực phẩm. Tôi ghiền món hủ tíu Nam Vang trong một quán ăn gần trường cấp 3. Tôm cá ê hề ngoài chợ, gạo trắng dẻo rất ngon. Dù đường xa, phải đi qua phà Bắc Mỹ Thuận, xe cộ thời ấy lại cũ kỹ cứ bị bể bánh giữa đường hoài làm cho thời gian đi càng dài, vậy mà mỗi tuần tôi đều tìm cách về Sài gòn. Đồng lương ít ỏi chỉ đủ để tôi mua ít quà mỗi lần về nhà nhưng tôi cũng thường mua vài ký tôm hấp qua rồi đem về. Lần nào đi ngang qua Bắc Mỹ Thuận tôi cũng mê mẩn nhìn trái cây bày bán la liệt nào ổi, xoài, mận. Tôi mua cho bà ngoại chùm cau. Tôi cũng gắng mua ký mỡ, ký thịt heo, cân gạo dẻo về cho mẹ vì cứ ray rức khi thấy cha và các em phải đi sắp hàng mua gạo, thịt ở thành phố. Tôi còn cả một đàn em đang tuổi ăn tuổi lớn, cha mẹ đến tuổi già, nên đi xa cứ thấy không yên lòng. Nhớ nhất thằng em trai út đánh trần phụ mẹ vo tròn những viên than đá cho mẹ nấu cơm. Nó thích nuôi gà đá, có lần nuôi gà mái đẻ lấy trứng tự dưng một ngày con gà mái cất tiếng gáy, ông cậu tôi ở Củ Chi bảo “gà mái mà gáy là không tốt, để tao bắt về quê”. Vậy là ông mang con gà đi trong nỗi tiếc nuối của em tôi. Còn bà chị khéo léo của tôi thường trổ tài biến chế bột mì thành bánh bao, bánh nướng ăn thay cơm những lúc gạo châu củi quế.


Hai năm trôi qua thật chậm và buồn. Những học trò thân mến của tôi sau khi tôi dạy một năm đã ra trường và lại có thêm lớp học trò mới nhưng tôi thường nhớ đến những học trò cũ. Cô bé tên Hồng xinh xắn hay ngồi lại sau giờ học để tâm sự với tôi. Vài cô bé thường lẻn vào khu nội trú giáo viên gửi cho tôi chùm mận đỏ. Có những cậu học trò trông tướng tá dữ dằn mà rất nhẹ nhàng lễ phép khi gặp tôi. Trong số đó có một cậu, một đêm đi dạy về trời tối cậu đạp xe theo tôi về để “bảo vệ cô không thì nguy hiểm”. Lúc về đến nội trú, cậu đứng nhìn tôi mắt rưng rưng trong bóng tối, tôi không hiểu cậu nghĩ gì. Có lần tôi bị cảm, ho tắt tiếng. Buổi sáng ngủ dậy tôi thấy trên bàn làm việc của mình sát cửa sổ có một bịch ni lông đựng trái quất ngâm và dòng chữ “Gửi cô ngậm cho bớt khan tiếng”. Tôi nghi là cậu học trò này.
Sau hai năm, tôi giã từ Vĩnh Long trở về nhà. Ngày lại tiếp nối ngày, đã hơn 30 năm trôi qua, dần dần tôi gần như quên hẳn quãng thời gian đi dạy học ấy. Mà dường như, chỉ có những tình cảm thân thương của những cô cậu học trò mới còn lại trong lòng làm tôi nhớ về Vĩnh Long ngày ấy mà thôi.

Nguyễn Diệu Tâm 8.2011

3 nhận xét:

  1. Tâm ơi, cứ viết ra những kỉ niệm, một lần rồi thôi, sẽ nhẹ lòng lắm đó!
    Quá khứ còn đọng lại những tình cảm cũng làm ta bùi ngùi...

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Mỹ, nhờ Mỹ nhắc đến Vĩnh Long nên mình mới viết lại chứ thật tình quãng thời gian này mình rất buồn .. không muốn nhớ đến! Dù mình thích thành phố Vĩnh Long và rất mến con người miền Tây, nhưng có lẽ vì mình phải sống trong một không gian dường như chẳng phải của mình nên cứ thấy thật lạc lõng và cô đơn vô cùng. Có một lần trên chuyến xe đò từ Sài Gòn đi Vĩnh Long, mình tình cờ gặp lại một người bạn trai quen hồi nhỏ ở Huế! Anh ấy lấy vợ Vĩnh Long. Gặp nhau vui lắm, nói chuyện rất nhiều mà sau đó lại buồn tiếp! Còn bí mật này nữa nè, một trong "hai người bạn trai cùng khoa" đã tình nguyện dẫn mình đi nhận nhiệm sở hôm đó, 5 năm sau mới trở thành .. ông xã mình. Rồi .. cũng chẳng vui hơn!

    Trả lờiXóa
  3. Ông hiệu trưởng này, đáng ghét lắm Mỹ ơi! Vì mình bỏ việc về SG, mình không đem hộ khẩu về được (Hồi đó ra trường ai cũng phải cắt hộ khẩu đem theo đến nơi làm việc). Hai năm sau mình trở lại ghé trường gặp ông ta để lấy lại giấy tờ, nhất là hộ khẩu để nhập lại hộ khẩu SG, lúc đó rất khó. Ông ta cười nham hiểm: "Việc ấy ngoài khả năng của cô!"... Mình tức mình bỏ đi. May sao số mình những lúc khó khăn thường được quí nhân giúp đỡ. Khi thất thểu đi ra khỏi trường, đang định phải ra bến xe về gấp cho kịp chuyến trong ngày, bỗng dưng nghe tiếng gọi: "Tâm, con đi đâu đó?" Thì ra chú Ba Trưởng Phòng Tổ chức trước đây nhưng cũng đã bất mãn nghỉ việc. Mừng quá mình dừng lại kể cho chú nghe đầu đuôi câu chuyện. Chú Ba nghe xong nói: "Con ở lại, sáng sớm mai ghé ra công an đi! Ai hỏi thì nói là cháu chú Ba nghen". Đêm đó mình ghé qua nhà cô bạn tên Hồng nhà ở VL ngủ lại. Nhà Hồng làm bánh kẹp bán rất ngon. Sáng hôm sau mình ra công an sớm. Vừa thấy mình, một chàng công an nói ngay: "Cháu chú Ba phải không, vào đây!" Rồi anh mở sổ nhập hộ khẩu có sẵn tên mình và thông tin ngày tháng từ Sài gòn xuống. Anh gạch tên ghi vào "Đã nghỉ việc, chuyển trả về địa phương"! Rồi đưa mình một tờ xác nhận. Mình không ngờ đơn giản như vậy. Ở hiền gặp lành Mỹ hén? (:-) Hồng bạn mình nghe vậy nói sao Tâm không quay vào trường đưa cho "chả" xem tờ giấy đó? Mình nói không cần đâu, thấy mình không thèm quay lại năn nỉ là hiểu rồi. (Hừm, ở ác sẽ gặp ác đấy!)

    Trả lờiXóa