Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

NGÀY XUÂN ĐI THĂM NHỮNG KHU VƯỜN YÊN TĨNH

Khi những tờ lịch mỏng dần vào những ngày cuối năm, từ đầu tháng chạp âm lịch trở đi, cũng là lúc nhà nhà xôn xao chuẩn bị đón Tết. Tôi còn nhớ ngày trước mẹ tôi đã phải lo trước cả tháng. Không chỉ lo cho cái ăn cái mặc của con cái, thức ăn ngày Tết, quà cáp biếu xén ơn nghĩa, còn lo cho việc cúng kiếng chùa chiền, đi thăm mộ ông bà, người thân đã mất. Vì theo quan niệm và phong tục người Việt Nam ta, đây cũng là dịp tổ tiên ông bà trở về sum họp với gia đình. Bàn thờ được lau chùi sáng loáng, hoa quả nhang đèn bánh trái chưng bày trong những ngày Tết luôn đầy đủ. Từ sau ngày 23 tháng chạp đưa Ông Táo về trời là liên tục cúng kiếng, nào là cúng tất niên, cúng rước ông bà về ăn Tết, cúng giao thừa, rồi cúng mồng một, đến mồng ba cúng đưa ông bà đi...
Theo thông lệ, trong gia đình tôi, các anh chị em thường rủ nhau đi thăm mộ cha vào ngày 25 tháng chạp. Từ ngày ấy trở đi trên những con đường về nghĩa trang luôn đông nghẹt người đi tảo mộ, người tất tả  đi về quê, xe chở hàng tấp nập ra vào thành phố, có lúc nghẽn đường vì kẹt xe dài hàng mấy cây số, nhất là quãng đường đi về hướng Gò Dưa, Thủ Đức. Có lúc xe không vào được nghĩa trang, công an phải chận đường điều khiển giao thông từ bên ngoài, mọi người đành cuốc bộ mấy cây số, trên tay ai cũng ôm hoa, nhang đèn đi cúng. Ngày ấy những con đường chưa tráng nhựa, bụi đỏ bay lên mù trời, nắng trưa càng gắt, khi vào đến nghĩa trang ai nấy đều mệt phờ. Tuy nhiên, tôi lại thấy thích khung cảnh ấy, làm tôi nhớ đến ngày còn bé được theo cha mẹ đi tảo mộ ngày lễ Thanh Minh ở Phan Thiết, ở đó chỉ có mộ ông ngoại tôi. Ngày ấy thì đi bằng xe ngựa, đồ cúng rất nhiều từ hoa quả nhang đèn đến thịt quay, bánh trái.

Khu vườn yên tĩnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Gò Dưa, Thủ Đức

Ở nghĩa trang Gò Dưa, phía đối diện mộ cha tôi bên kia đường là khu vực nghĩa trang Quảng Bình. Có một ngôi chùa ở đó. Cuối một góc vườn là mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé qua thăm và thắp nhang. Nơi ấy đúng là một "khu vườn yên tĩnh", chỉ có những cánh hoa chuỗi ngọc màu tím và lá khô rơi nhẹ xuống trên cỏ, những con bướm lượn quanh lặng lẽ, người nhạc sĩ tài hoa nằm bên cạnh mộ mẹ ông, bức tượng của ông hiền hòa nhìn cuộc đời, còn mộ mẹ ông thì nằm dưới hình tượng một con cá, có dòng chữ của ông khắc trên mộ bia những lời thương yêu về mẹ:
"Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là mẹ tôi.
Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quí giá nhất. Đó là mẹ tôi.
Nếu có ai  bảo với tôi rằng ở một nơi nào đó có người xem con mình vừa là mục đích đầu tiên vừa là mục đích cuối cùng của đời mình thì tôi tin chắc rằng người đó không ai khác hơn là mẹ tôi".


27 Tết. Tôi và con trai đi về hướng Hạnh Thông Tây, Quận Gò Vấp viếng mộ ông bà bên nội cháu. Ngày trước, thường là bà nội cháu hay đi. Năm nay bà trở bệnh không đi được nữa, mẹ con tôi thay phiên.
Đó là nghĩa trang thuộc cộng đồng Phú Quốc, Hà Tiên. Ngày trước khu vực này rất hoang vắng, nay trở lại tôi thấy rất lạ, đẹp hơn, đường đã lên nhựa, và những con đường nhỏ dẫn vào nghĩa trang đều tấp nập mua bán hoa kiểng, tạo thành một khu chợ hoa đẹp của ngày Tết.


Chùa Nghệ Sĩ, Hạnh Thông Tây - Gò Vấp

Ngôi chùa và nghĩa trang Nghệ Sĩ nằm cạnh bên nghĩa trang cộng đồng Phú Quốc, Hà Tiên, khoảng 25 năm trước không có hàng rào ngăn cách như bây giờ. Mỗi lần đi thăm mộ bố chồng, tôi thường tò mò đi qua và nhìn những tấm bia xem những nghệ sĩ nào đã được nằm ở đó. Tôi không phải là dân ghiền cải lương nhưng ngày trước thỉnh thoảng tôi cũng có xem một số vở hay như Tiếng trống Mê Linh do cô Thanh Nga diễn vai Trưng Trắc rất oai nghi xinh đẹp, tôi cũng mê cô tương đương như mê cô Kim Cương và vở kịch Lá Sầu riêng. Ngày nghe tin cô Thanh Nga và chồng bị ám sát chết, mọi người đều bàng hoàng. Lúc đó tôi đang dạy học ở Vĩnh Long, đài phát thanh cứ phát đi phát lại các vở cải lương cô đã đóng, trong đó có vở Tiếng trống Mê Linh. Xa nhà, những buổi trưa không có giờ dạy, nằm dài trong khu nội trú nghe tiếng cô hát đến đoạn Hai Bà Trưng làm lễ tế chồng, buồn não nuột, như đứt ruột đứt gan!
Còn nhớ lúc sau án mạng vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, lúc họ đã được chôn cất rồi, có nhiều tin đồn rằng cô Thanh Nga rất linh thiêng. Có người bảo đêm đêm cô Thanh Nga trở về diễn cải lương trên khu mộ của mình. Một lần có cô bé học trò kể cho tôi nghe, tôi hỏi ai thấy? Cô bé bảo một sư cô thấy. Tôi lại hỏi tiếp: Thấy lúc nào? - Sư cô nghe đồn, nên đi xem, vào nửa đêm cô Thanh Nga mới hiện lên! Tôi lại hỏi "Thấy gì, ra làm sao?" - "Chỉ là mờ mờ, nhưng cũng có vang tiếng đàn hát ...!" Có lẽ cô Thanh Nga mất đi giữa lúc nhiều khán giả ái mộ cô quá nên tin đồn cứ lan xa.
Hôm nay trở lại, khi thăm mộ ông bà xong tôi ghé qua chùa Nghệ Sĩ. Ngôi chùa đã khác trước rất nhiều, đẹp đẽ hơn, ngăn nắp hơn. Đó cũng là một khu vườn yên tĩnh rộng lớn, có nhiều cây cối, thêm mai đào cúc mùa xuân đón Tết nên càng rực rỡ. Nơi đây chỉ dành cho các nghệ sĩ cải lương yên nghỉ. Đằng trước là mộ bà Phùng Há, người đã khởi xướng và vận động các mạnh thường quân chung tay mua đất để làm nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương vào năm 1958. Có bảng chỉ dẫn đến từng khu vực một, như hướng vào mộ bà Phùng Há, cô Thanh Nga v.v... Đầu một lối vào, có một tấm bia rất lớn khắc tên hàng trăm các nghệ sĩ đã được chôn cất ở đây. Ngoài nghệ sĩ Phùng Há, Thanh Nga, còn có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Châu, Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Hà Triều, Hoa Phượng, Minh Phụng, Tấn Tài, Hữu Phước, Hùng Cường, Thanh Thanh Hoa v.v... Một diễn viên điện ảnh được lọt vào đây là Lê Công Tuấn Anh. Tôi có cảm giác như nơi đây các nghệ sĩ nổi tiếng một thời đang cùng sống và sinh hoạt với nhau, đùm bọc nhau trong ngôi chùa yên tĩnh này. Ở đó những đóng góp tiền bạc của Phật tử, khách thập phương sẽ được dành làm quỹ từ thiện, giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo, cô độc không người thân thuộc, khi họ bệnh hoạn cũng như khi qua đời, chùa sẽ lo chu đáo mồ yên mả đẹp.
Có một câu được viết trên con đường nhỏ dẫn vào nghĩa trang: "Hôm nay các bạn, ngày mai chúng tôi"... Thật ngậm ngùi, nhưng đó lại là sự thật.

Một góc đường chợ hoa Hạnh Thông Tây, Gò Vấp

Quanh những con đường thuộc khu vực Hạnh Thông Tây này, nếu bạn đến vào dịp trước Tết sẽ thấy cảnh tưng bừng khi người đi mua hoa và thăm nghĩa trang rộn rịp. Hoa bày bán quanh các ngôi mộ. Hoa đem về nhà trang trí, chưng cúng trên bàn thờ ông bà. Trong màn khói nhang nghi ngút vào những ngày Xuân, người sống đón người đã khuất về nhà ăn Tết để linh hồn không bơ vơ...
Rời chùa Nghệ Sĩ đi ra đường hoa Gò Vấp, tôi thấy lòng bâng khuâng. Dường như bao giờ đi thăm mộ trở ra, tôi cũng có cái cảm giác có chút thẫn thờ khi nghĩ đến sự sống và cái chết. Giàu có, nổi tiếng, hay nghèo đói, vô danh, cuối cùng đều gặp nhau nơi đây. Cái nghịch lý là đôi khi người ta sống thường ít hay không muốn nghĩ mình sẽ có thể biến mất trên cõi đời này bất cứ lúc nào, để biết yêu quý cuộc sống này nhiều hơn...


Mùa xuân 2013
* NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 


4 nhận xét:

  1. Feb. 24, 2013 at 11:07pm
    Sa Tran: "Giàu có, nổi tiếng, hay nghèo đói, vô danh, cuối cùng đều gặp nhau nơi đây, nghiã trang. Cái nghịch lý là đôi khi người ta sống thường ít hay không muốn nghĩ mình sẽ có thể biến mất trên cõi đời này bất cứ lúc nào, để biết yêu quý cuộc sống này nhiều hơn ..." Mấy câu này Sa phải học thuộc lòng đó Tâm.

    Tam Nguyen: Đầu năm, Tâm không dám nhắc nhiều đến "nghĩa trang", nên ... né bằng cách dùng "khu vườn yên tĩnh" cho ... đẹp hơn, thanh thản hơn. Tuy nhiên, vui Tết mà không nhớ đến những người thân của mình hay những người mình biết, mình thương, mình hâm mộ, ái mộ ... đã mất, đã không còn vui Xuân như mình đang được hưởng ở cõi trần gian tạm bợ này, thật là thiếu sót đó Sa ơi!

    Trả lờiXóa
  2. # GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM — Trần Dzạ Lữ 24.02.2013 13:11
    Đọc bài viết và xem hình ảnh minh họa tự nhiên lòng anh nhẹ đi rất nhiều đó Tâm ơi! Mặc dù hiện tại anh đang bị "hòn đá tảng đời sống" đè nặng...Cảm ơn Răng Khễnh nhiều hí. Năm mới thật vui nhé em gái.

    # Gửi anh Trần Dzạ Lữ — Nguyễn Diệu Tâm 24.02.2013 15:02
    Cảm ơn anh đã đọc và thấy "lòng nhẹ đi rất nhiều". Đã đành là cuộc sống này đôi khi không như người ta mơ ước, nhưng sống là một ân huệ trời cho mỗi con người. Mỗi sớm mai thức dậy, nhìn nắng lên, nghe chim hót, thấy những bông hoa dại nở bên đường, người người qua lại, mọi sự bình yên ... hãy cảm ơn cuộc đời cho mình thêm một ngày để sống, để thương yêu. Rồi mọi chuyện khó khăn sẽ trôi qua anh à.
    Cũng chúc anh năm mới nhiều sức khỏe, may mắn và mọi điều như ý.

    # Ngày Xuân Đi Thăm.. — Cao Ngọc Bông 24.02.2013 14:29
    Bài viết mượt mà xúc tích làm gợi nhớ đoạn thơ cụ Nguyễn Du không ai quên được
    "Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành du xuân..."
    Diệu Tâm ơi... Thật ngậm ngùi, nhưng đó lại là sự thật.HóM NAY CAC BẠN,NGÀY MAI CHUNG TOI

    RE: # Ngày Xuân Đi Thăm.. — Nguyễn Diệu Tâm 24.02.2013 15:21
    Ngọc Bông thân mến. Cảm ơn Bông đã đọc và có lời bàn.
    Người Việt mình thì đi thăm mộ vào dịp trước Tết, còn lễ tảo mộ và hội Đạp thanh trong tiết Thanh Minh là của người Hoa vào tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên lễ tảo mộ thì cũng cùng chung ý nghĩa, là dịp để nhớ đến những người thân của mình đã mất, đã không còn vui Xuân như mình đang được hưởng ở cõi trần gian này.
    Mến chúc Bông một năm mới sức khỏe, hạnh phúc như ý.

    Trả lờiXóa
  3. # RE: Ngày Xuân Đi Thăm Những Khu Vườn Yên Tĩnh — Hà Xưa 25.02.2013 00:53
    Mình không biết là Sài gòn có ngôi chùa nghệ sĩ này đó, cám ơn Tâm.
    Hồi đó mình cũng mê Thanh Nga lắm, nhất là khi xem TN thật oai phong trong vai Trưng Trắc của vở "tiếng trống Mê Linh" Sau này nghe tin TN bị giết khi vừa diễn xong"Thái hậu Dương Vân Nga" trước đó TN đã nhận được nhiều cú phone của "người lạ" cảnh cáo không được đóng vai này. Bây giờ lại nghe "tàu lạ" phá tàu của ngư dân VN...không biết sao có lắm thứ lạ!

    # RE: Ngày Xuân Đi Thăm Những Khu Vườn Yên Tĩnh — Nguyễn Diệu Tâm 25.02.2013 10:58
    Hà mến. Ngôi chùa Nghệ Sĩ này thành lập đã lâu, nhưng ít người biết vì nghĩa trang Hạnh Thông Tây khá xa trung tâm thành phố, ngày trước hoang vắng và dân cư thưa thớt, nay sầm uất hơn rất nhiều, đường sá cũng rộng rãi dễ đi. Những ngày cuối đời, bà Phùng Há về đây sống. Ước nguyện của bà từ trước là có một nơi để nghệ sĩ cải lương an nghỉ. Trên tờ phiếu công đức, có câu "Chùa Nghệ Sĩ, nơi cuối cùng của nghiệp cầm ca". Ngày nay nhiều người biết đến hơn trước, nhiều nghệ sĩ cải lương mất ở nước ngoài thân nhân cũng xin đem về đây an táng. Ai đến thăm chùa cũng có cảm giác như được gặp lại những nghệ sĩ nổi tiếng và tài danh một thời. Thỉnh thoảng có những đoàn cải lương đến diễn cho quần chúng xem ở đây, cũng tạo thành một không khí đặc biệt. Mình không ghiền cải lương nhưng cũng biết khá nhiều tên tuổi nghệ sĩ và cũng có nhiều vở hay thích xem như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa v.v... Vì vậy khi ghé đến đây thăm thấy nhiều người "quen". Chuyện những cú phone lạ gọi cho cô Thanh Nga hình như hồi đó mình cũng nghe nhưng có lẽ không phải đó là nguyên nhân. Vì sau này vở Thái hậu DVN vẫn được diễn dài dài, đâu có ai bị sát hại như cô Thanh Nga. Bọn giết người muốn bắt cóc con trai cô đòi chuộc tiền mà thôi. Chùa ở Gò Vấp, nay đường rộng rãi dễ đi, từ nhà mình đi chừng 20 phút thôi. Hôm nào về muốn đi mình dẫn đi!

    # RE: Ngày Xuân Đi Thăm Những Khu Vườn Yên Tĩnh — Hà Xưa 25.02.2013 23:54
    Chuyện về cái chết của TN đã được nhà báo lão luyện HĐ ghi lại trong một cuốn sách mang tính lịch sử mà ông đã bỏ ra hai mươi năm để nghiên cứu đó T.
    Hy vọng có dịp về SG sẽ đến ngôi chùa này thắp một nén hương cho TN dù mình cũng là nguoi không có được máu "ghiền cải lương".
    Trẻ ở xứ mình thì khoái nghe nhạc Tây, già ở xứ nguoi nghe mấy câu vọng cổ lại thấy đã gì đâu đó T ơi!

    Trả lờiXóa
  4. # RE: Ngày Xuân Đi Thăm Những Khu Vườn Yên Tĩnh — Đào Thanh Hòa 26.02.2013 15:59
    Không như hai chị Diệu Tâm và Hà Xưa chỉ nghe và biết tới cải lương chứ không ghiền, em thì có một thời em mê như điếu đổ! Rạp hát cải lương rất gần nhà em. Hồi còn nhỏ em ngày nào cũng có mặt ở rạp. Rạp Kim Khánh hai chị chắc không quên, em thường trực ở đó có khi suốt cả ngày: Sáng em tới xem nghệ sĩ tập tuồng; trước lúc họ diễn, em lại lò mò vô chỗ hóa trang, tối thì...khỏi nói. Ở nhà, dì cậu em có thời gian từ Sài gòn ra Quy nhơn làm ăn, ai cũng khoái cải lương. Lúc ở Sài gòn, Dì cậu em lại sống ngay ngã tư quốc tế( giờ là phố Tây)ngay góc đường Phạm Ngũ Lão. Họ biết rành từng đào hát, kép hát...Ngày nào cũng nói chuyện các nhân vật cải lương của các đoàn nổi tiếng thời đó như: Kim Chung (có nhiều gánh 1,2,3...), Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Hương mùa thu...Mọi người nói riết, đâm ra em cũng thích cải lương như họ. Những tối bán cơm hết sớm, cả nhà lại dẫn nhau ra rạp. Mua vé coi đàng hoàng thì lâu lâu mới có một lần. Riêng em, , có gánh hát cải lương là đêm nào em cũng chờ được coi...thả cửa.
    Mặc dù sau này khi bắt đầu lớn lên em không còn ghiền như xưa nữa, nhưng sự ngưỡng mộ các nghệ sĩ trong lĩnh vực này trong em vẫn không hề thay đổi. Em luôn yêu quý trân trọng những người nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát làm niềm vui, giải trí cho mọi người. Chắc rồi có một lúc nào đó, có dịp vô Nam,em cũng sẽ làm một chuyến viếng thăm "những người quen cũ" này.
    Khu vườn yên tỉnh chị kể, có lẽ những đêm trăng sáng trời trong, biết đâu linh hồn các nghệ sĩ đã khuất, vấn vương thời hoàng kim họ lại quay về, và có khi như lời đồn đại tiếng hát tiếng đàn lại trở nên réo rắc.

    # RE: Ngày Xuân Đi Thăm Những Khu Vườn Yên Tĩnh — Nguyễn Diệu Tâm 26.02.2013 22:25
    Hòa mến, tên những gánh cải lương một thời vàng son chị cũng biết chứ em. Đúng như em nói, mọi người nói riết nên đâm ra mình cũng biết. Lúc nhỏ sống ở Huế, nghe hò Huế, ca Huế chứ không được tiếp xúc với cải lương nên chị không rành. Khi vào Quy Nhơn, chị không được mẹ dẫn đi xem cải lương, chờ đến khi Quy Nhơn bắt đầu có truyền hình mới được xem cải lương trên TV, lúc đó lại có nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn khác như kịch nói, ca nhạc, phim truyện điện ảnh v.v... Nhưng cũng bắt đầu thấy thấm nên những tên tuổi nghệ sĩ cải lương một thời hầu như ai cũng biết. Đến khi vào sống ở miền Nam mới hiểu vì sao người dân miền Tây Nam bộ ghiền cải lương như thế. Nhất là ở những vùng xa, mỗi lần có gánh hát về là người dân xôn xao, có những chú bé vì mê quá đã trốn nhà đi theo gánh hát.
    Và có lẽ, không chỉ mình chị có cảm giác rằng dường như các nghệ sĩ nổi tiếng một thời ấy giờ đang quây quần bên nhau cùng sinh hoạt, ca hát ở khu vườn yên tĩnh này. Thỉnh thoảng có những gánh cải lương "sống" cũng đến biểu diễn góp vui. Thế là càng ngày Chùa Nghệ Sĩ càng được nhiều người biết đến hơn.

    Trả lờiXóa