Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

TỪ CHIẾC ÁO LEN MẸ ĐAN

Mẹ kể, ngày còn nhỏ, mẹ xa nhà lên Đà Lạt sống cùng dì Tùng. Ngoài giờ làm việc nhà phụ với dì, mẹ được dì cho đi học trường bà xơ ở Đà Lạt cho biết chữ. Mẹ cũng được học thêu thùa, đan, may. Mẹ khoe mãi chuyện được gặp bà hoàng hậu Nam Phương lúc bà đến thăm trường. Mẹ ngoan, xinh đẹp và học giỏi nên được các bà xơ cho ra đón hoàng hậu. Lúc đó, bà hoàng đưa tay xoa đầu mẹ và khen "con bé trắng trẻo xinh xắn quá"! Vinh dự ấy đi theo mẹ suốt cuộc đời, rằng có lần mẹ đã được gặp một bà hoàng hậu thật sự.
Ở Đà Lạt, hình như người phụ nữ nào cũng biết đan. Hai que đan cứ thoăn thoắt thoăn thoắt và cuộn len cứ mỏng dần, mỏng dần và chiếc áo len thành hình. Từ lúc còn thơ tôi đã để ý đến cuộn len và hai que đan của mẹ. Ngày ấy hai que đan làm bằng tre, về sau thay bằng hai que sắt, có màu, giúp sợi len trơn hơn, dễ đan hơn. Đêm đêm nằm trong giường tôi thích nghe âm thanh lách tách của hai que đan chạm vào nhau. Hé mắt hí hí nhìn, dáng mẹ ngồi yên lặng dưới ánh đèn chăm chú đan chiếc áo cho con. Con đông, mẹ cứ phải đan hoài. Hết áo len tay ngắn mặc mùa thu thì đến áo len tay dài mặc mùa đông. Rồi đến khăn quàng, vớ, mũ... Tôi thích những chiếc áo len mẹ đan cho mình, mặc vào được khen áo đẹp, tôi sung sướng lắm.
Tôi bắt chước mẹ đan áo cho búp bê. Tôi cũng có 2 que đan nhỏ xíu vừa với bàn tay nhỏ bé của mình. Mùa đông ở Huế rất lạnh, búp bê của tôi có áo len mặc. Được mẹ đan cho áo len kiểu nào thì búp bê của tôi có ngay chiếc áo kiểu đó. Tôi cũng đắp cho búp bê một cái khăn thay chăn, để nó ngủ cho ấm, giống hệt như mẹ đã lo cho tôi.
Ngoài áo len, mẹ còn may quần áo cho chị em chúng tôi. Tôi và em gái kế được mẹ may áo đầm giống nhau, mặc để người ta biết đó là 2 chị em. Lớn hơn một chút, tôi lại bắt chước mẹ may áo. Không biết đo theo người, tôi bỏ chiếc áo có sẵn lên vải, rồi cắt theo chiếc áo ấy, xong vào máy may tập may. Nhiều lần bị kim may đâm vào ngón chảy máu, có lần kim gãy đâm xuyên qua ngón tay, tôi cắn răng chịu đau, tìm cách rút đầu kim ra, máu chảy nhiều, dấu không cho mẹ biết sợ mẹ rầy không cho nghịch máy may nữa.
Năm học lớp 7 trường NTH Qui nhơn, tôi được học nữ công với cô giáo Thái Nhĩ. Cô thật là một người khéo léo, hiền từ và yêu thương học trò. Tôi rất thích giờ học với cô. Suốt từ năm lớp 7 đến lớp 12, chúng tôi được cô dạy rất nhiều bài thêu, đan, may. Từ các bài thêu rua, thêu chữ thập (cross stitch), mũi đột, thêu mũi cành cây, mũi quấn bọ (bullion stitch), thêu nổi, smock, v.v.. đến cách làm khuy nút, may mũ em bé, may áo v.v. Bài nào tôi cũng làm chăm chỉ và được cô cho điểm cao. Nhiều năm tháng trôi qua, tôi chẳng còn giữ được vật kỷ niệm nào từ những bài thêu may nữ công ngày ấy, ngoại trừ một chiếc khăn bằng vải tétoron, có thêu áp vải một đàn chim đang vui đùa ca hát cô cho làm năm lớp 9 thì phải. Không hiểu lý do vì sao chiếc khăn này đi theo tôi mãi đến ngày nay dù tôi đã trải qua nhiều lần dời đổi chỗ ở, và dù chiếc khăn đã ngả màu.

Bài thêu năm lớp 9, tổng hợp các mũi đột, quấn bọ, áp vải, may lộn mép khăn.

Khi lớn lên, tôi bắt đầu biết để ý đến ăn mặc như thế nào cho phù hợp theo tông màu, áo mặc sao cho đẹp, quần sao cho thẳng. Tôi cho rằng bộ quần áo đẹp là do cái "coupe", cho dù đối với kiểu nào, loại vải nào. Đi may rất nhiều tiệm may được giới thiệu, chẳng bao giờ tôi vừa ý. Những năm học đại học, gần nhà tôi có một chị thợ may khéo. Tôi gạ chị dạy cho tôi cách cắt đo theo người. Vậy là chị dạy cho tôi trong vòng một tuần lễ một số bài căn bản may áo sơ mi, quần tây, áo xẩm, áo tay raglan v.v.. trên giấy. Sau đó tôi tự cắt trên vải và may lấy. Dần dần từ những bài căn bản, tôi biến chế sang áo kiểu, áo đầm dạ hội và cả áo bà ba, áo dài. Có nhiều thợ may khi được học may áo sơ mi, quần tây thì họ cứ thế mà làm, khách hàng đưa may áo sơ mi có chút xíu kiểu cọ, họ cũng không chịu may. Khi thấy như thế, tôi thắc mắc thầm nghĩ "Tại sao? Vì họ may đông khách quá nên không cần vì ngại có thêm một chút kiểu vào sẽ mất công hơn? Hay tại không thích tìm hiểu hơn nữa trong nghề?". Với tôi, tôi chỉ từ chối những kiểu nào tôi chưa học đến, thí dụ veston và quần tây nam, chứ kiểu nào của phụ nữ tôi cũng "vọc " qua cả, từ đọc thêm tài liệu, học lóm các thợ may khác, hoặc tự ngồi suy nghĩ vẽ ra trên giấy, thậm chí may thử trên một miếng vải nào đó, miễn sao làm được thôi.

Áo len Đà Lạt ( Ảnh: Google )

Tôi may áo quần cho các em, cho cả nhà. Chị tôi lúc đó đang bán vải ở Tân Định, đem về vải dư cho tôi may áo trẻ con, chị treo bán khá chạy, chị bảo tôi "mát tay". Một ngày, em gái đang học ở ĐH Nông Lâm Thủ Đức về nhà nói "Bạn em khen em mặc đồ đẹp, tụi nó nói chị có nhận may không thì chỉ em cách đo, em đem vải về cho chị may". À, cũng hay đấy chứ, vì tôi có thể kiếm thêm tiền chợ cho mẹ. Vậy là trở thành thợ may mà thợ không được gặp khách! - Có ai "gan" như tôi không nhỉ? Cũng may là rất ít khi bị khách phàn nàn, dĩ nhiên cũng có vài lần phải sửa, nới rộng ra hoặc phải may bóp vào. Khoản này tôi nghi ngờ em gái tôi đo không đúng chính xác kích thước của khách, bởi vì nó .. không biết may! Kế tiếp khách hàng là bạn bè, là hàng xóm trong khu chung cư nhà tôi đang sống. Sau này khi tôi đã bỏ nghề may, một trong những khách hàng xóm có một cô bé ra mở tiệm may áo thời trang cũng khá có tiếng, gặp lại cô hỏi "Sao chị bỏ nghề may uổng vậy? Đã hơn mười mấy năm qua, em vẫn còn nhớ lúc đó chị may cho em mấy cái áo kiểu thật là xinh, em còn thích đến bây giờ".
Rồi tôi mở tiệm dạy thêu may. Em gái tôi dạy thêu, tôi dạy may. Lớp học cũng khá đông học trò. Được 2 năm, em gái tôi đi Úc. Buồn quá, tôi dẹp luôn lớp học, rồi theo chồng về xứ lạ.
Cái xứ lạ này ở tận ngoài đảo biển. Lúc mới đến, chúng tôi được ông ngoại chồng cho ở trong một căn nhà cổ ba gian. Ngoài vườn bên phải có một cây lê-ki-ma lớn đến mùa trái mọc sum xuê. Phía bên trái là một cái giếng cả xóm cùng dùng chung để giặt giũ, tắm rửa. Cách nhà vài chục mét là con sông nhỏ đổ ra biển. Leo lên cửa sổ nhìn ra xa xa thấy biển xanh và gió đưa mùi nước mặn vào cùng mùi tanh tanh của rêu biển.

Đảo ngọc Phú Quốc ( Ảnh: Google )

Ở chơi khoảng một tuần, tôi bắt đầu thấy buồn chân buồn tay vì không được làm việc. Một bà dì chồng gợi ý: "Con rảnh, dì cho con mượn máy may mà may đồ kiếm tiền nuôi con"! Nghĩ thấy cũng được, tôi mượn dì cái máy may. Chưa phải quảng cáo, các bà dì và con cháu bên chồng đem vải đến tới tấp. Ông ngoại có 2 bà vợ chính thức - chưa kể một vài bà ngoài luồng -.. các dì cậu tổng cộng đến thứ mười mấy. Các dì cậu đều đông con. Vì vậy những khách hàng đầu tiên của tôi đều là bà con. Một đồn năm, năm đồn mười, chẳng bao lâu gần như cả huyện đều biết đến "thợ may Sài gòn". Ở các tỉnh xa, dường như cái tên Sài gòn nghe oách lắm. Đó là những gì thuộc về văn minh, học thức, tiến bộ, giống như ở Sài gòn người ta hay nói về "bên Tây, bên Mỹ" vậy. Đã vậy tôi còn ngồi vẽ tay một cuốn "ca ta lô" gần 200 kiểu vì mỗi lần khách đến thường hỏi "Chị có kiểu gì mới không?" Tả miệng riết rồi mệt quá, tôi phải nghĩ ra cách vẽ catalog. Những năm đầu 80 kiếm đâu ra catalog thời trang, ngoài những cuốn có từ thời trước 1975, đã cũ và rách nát mà tìm cũng không ra! "Danh tiếng" tôi càng nổi vì có "ca ta lô". Tôi may từ áo bà ba, sơ mi, áo kiểu đến cả áo dài, đầm dạ hội, áo cưới, làm luôn việc kết bông hoa vào áo. Ban đầu sợ nhất là may áo bà ba tay raglan. Ở quê thợ may rất chuyên nghiệp may áo bà ba. Nhìn cái áo cổ viền nhỏ, thật mảnh với đường chỉ rất sát, tôi phục lăn. Thế nhưng người ta lại đồn tôi may cái "cúp" rất trẻ. Bí quyết chẳng có gì, chỉ là đường hạ eo tôi cho lên cao hơn bình thường, áo ôm trong khi thợ ở quê thường hạ eo dài, áo rộng. Vậy là các cô, bà lớn tuổi rất thích đến tôi may áo vì mặc vào "trông trẻ hơn gần .. chục tuổi". Đó là họ nói vậy! Còn tôi thì chỉ nghĩ đến cái đẹp. Rằng nếu khách hàng mặc một chiếc áo vào, nếu không đẹp, người thợ may phải tự suy nghĩ cái gì làm cho chiếc áo không đẹp, khắc phục được không, bằng cách nào? Thêm nữa, nếu người thợ may có thể tư vấn khách hàng nên chọn loại vải nào, kiểu áo nào cho phù hợp, đẹp thì càng tốt. Cũng có nhiều lúc khách hàng cứ khăng khăng chọn cái họ thích, dù không hợp, thì đành chịu thôi!
Ngày tôi nhận hai học trò học may đầu tiên ở cái đảo biển này, một sự cố xảy ra làm tôi choáng váng. Đó là việc đổi tiền bất ngờ ngay ngày hôm sau khi học trò vừa đóng tiền học cho tôi. Là khách vãng lai, tôi chỉ được phép đổi ít tiền. Tôi nhờ ông xã đi đổi, nhưng cũng chỉ đổi được một ít. Vậy là coi như tôi mất số tiền ấy. Đành dạy không công cho hai cô học trò đến 3 tháng.
Không lâu sau, tôi nhận được thư mời họp của xã. Phân vân không biết có nên đi, thắc mắc tại sao xã lại mời mình... Cuối cùng mới vỡ lẽ. Đến nơi họp có rất đông thợ may trong xã. Họ nhìn tôi với cặp mắt săm soi. Hóa ra tôi bị thợ may trong xã .. kiện, vì .. lấy khách của họ! Cuối cùng, xã cấm không cho tôi hành nghề, lý do .. tôi không phải người thường trú tại địa phương. Dù ông xã tôi thường trú ở đó, lại làm hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 duy nhất ở đó, tôi vẫn bị "áp lực" của thợ may địa phương là không được hành nghề.
Rồi một ngày, Phòng Giáo dục huyện đến gặp tôi đề nghị xây một trường dạy nghề để tôi làm hiệu trưởng. Tôi nói để suy nghĩ. Nhưng sau đó tôi đã từ chối và bỏ về Sài gòn. May mắn cho tôi là ở Sài gòn sau đó tôi đã có công việc tử tế và vô cùng yêu thích, đó là vẽ tranh tại một công ty sơn mài lớn của thành phố. Công việc lên như diều đến nỗi tôi không còn thì giờ nhận may thêm tại nhà vào buổi tối. Cứ như thế, hàng năm thay vì cúng tổ thợ may vào ngày 12 tháng chạp thì tôi lại cúng tổ sơn mài vào ngày 20 tháng chạp. Mỗi năm có 2 lần cúng tổ sơn mài, vào tháng sáu và tháng chạp AL.
Tôi hoạt động trong lĩnh vực này khá lâu, khoảng 12 năm thì chuyển qua phụ trách Phòng tranh của công ty vào năm 1995. Ba năm sau, lại có nhiều thay đổi buộc tôi phải rời nghề.

Áo cưới may cho em gái năm 1993 (Sydney)

Một ngày đẹp trời, tôi tiếp một đoàn khách 2 người Việt Nam và 2 người Pháp đến tham quan cửa hàng công ty, lúc đó tôi đang làm Trợ lý GĐ phụ trách về Mỹ Thuật. Người phụ nữ trong đoàn tự giới thiệu là Tổng GĐ của một công ty thời trang vốn đầu tư 100% của Pháp. Khi tham quan đã xong, bà nói với tôi bà đang cần một Trợ lý TGĐ Kinh Doanh và tôi có thể gặp bà vào ngày mai hay không? Vô cùng ngạc nhiên, tôi trả lời với bà rằng tôi có thể không phù hợp, vì tôi chỉ chuyên về "thủ công mỹ nghệ", không có kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực "công nghiệp". Bà chỉ đưa danh thiếp cho tôi và bảo tôi cứ đến, sẽ trao đổi thêm sau.
Đó là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp, học thức. Bà nói tiếng Pháp như gió. Sau này tôi biết thêm bà đàn piano rất hay, đã từng đoạt giải piano và là giáo viên dạy đàn. Đó là một trong những phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng.
Suy nghĩ cả đêm dài, sáng hôm sau tôi tìm đến công ty ấy, không cầm hồ sơ vì nghĩ chỉ đến "thử xem sao". Bà niềm nở tiếp đón tôi và nói chuyện rất lâu, gần 3 tiếng đồng hồ. Bà không cần phỏng vấn, không cần xem bằng cấp, không cần hỏi tôi biết làm những công việc gì? Trong phòng làm việc có nhiều giá kệ treo sản phẩm rất đẹp. Đó là mặt hàng may mặc thời trang, chuyên về lingerie ( áo ngủ và nội y ), thiết kế của Pháp, vải phụ liệu nhập, thợ Việt Nam may và gia công. Hàng may và xuất đi Pháp là chính. Có một điều gì đó làm tôi cũng thích thú, vì sản phẩm đẹp, tinh tế, sang trọng. Nhưng lúc đó tôi thấy mình chẳng có chút xíu kinh nghiệm nào trong công việc này, mà theo bà, tôi sẽ làm trợ lý cho bà và phụ trách mảng Kinh doanh - Phát triển các thị trường khác ngoài Pháp. Tôi nói với bà "Thưa chị, em không có kiến thức về mảng này chị ạ". Tưởng bà thất vọng, ngờ đâu bà chỉ mỉm cười: "Em sẽ được đào tạo. Chị nghĩ em cần có thời gian bàn giao ở công ty cũ. Em có thể suy nghĩ thêm. Chị cho thời hạn 01 tháng. Nếu có thể sớm hơn chỉ cần em gọi điện thoại báo tin cho chị biết."
Tôi trở về hơi choáng váng vì đề nghị bất ngờ này. Thời điểm đó công ty cũ tôi đang làm việc đã thay đổi rất nhiều trước đó 2 năm. Hàng trăm công nhân viên phải nghỉ việc. Chúng tôi cũng phải bỏ đi và tạm trú tại một công ty mới, tuy cùng ngành nhưng không nhiều gắn bó vì cơ cấu, chính sách khác hẳn trước. Tôi được phân công không mấy phù hợp và tôi đang nghĩ đến chuyện bỏ nghề nhưng chưa biết sẽ làm gì. Vào tuổi của tôi năm ấy thật không dễ đi xin việc ở một công ty mới. Vậy đây có vẻ là một cơ hội tốt. Hỏi ý gia đình và bạn bè, nhiều người khuyên không nên đổi nghề lúc đã lớn tuổi như thế này, vì bắt đầu một công việc mới sẽ đối đầu với rất nhiều khó khăn. Tôi biết rất rõ điều đó, nhưng trong hoàn cảnh tôi lúc ấy, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi công việc. Trong vòng một tháng thật là nhiều việc phải làm để bàn giao, cuối cùng tôi quyết định đi qua công ty thời trang ấy nhận việc.
Những ngày đầu tiên với công việc mới thật vất vả. Vừa phải tìm hiểu công việc vừa phải cấp tốc đi học các lớp học buổi tối về computer, ngoại ngữ, kinh tế thương mại , xuất nhập khẩu v.v.. Tôi ngồi chung với Phòng Kinh Doanh & Tiếp thị của công ty. Đó là một công ty lớn với nhiều phòng ban. Nhân viên hành chánh hơn 400 người. Khâu sản xuất hơn 2.000 công nhân may. Riêng phòng Kinh Doanh của chúng tôi có hơn 40 người, kể cả các em trong đội ngũ Bán lẻ. Lúc đó, các cửa hàng trên toàn quốc của công ty có hơn chừng 10 cửa hàng và 100 đại lý. Phòng Kinh Doanh chúng tôi luôn bận rộn, tất bật liên hệ khách hàng, giao hàng, kiểm tra đại lý, thanh toán v.v... Các phòng ban tôi liên hệ nhiều nhất là Phòng Thiết kế tạo mẫu (Modelism), Phòng Kế hoạch, Phòng Mua và Kho hàng. Giám đốc Thiết kế là một cô người Pháp, rất giỏi. Chính cô là người thiết kế cho các cửa hàng, sản phẩm mới cho thị trường nội địa. Tuy mẫu mã rất đẹp, nhưng về sau chúng tôi phát hiện việc nghiên cứu thị trường Việt Nam của cô có nhiều thiếu sót. Tuy chúng tôi tổ chức họp liên tục để điều chỉnh, nhưng có nhiều vấn đề đã xảy ra và khá muộn màng để khắc phục. Vậy là Phòng Kinh doanh cứ phải ôm đầu giải quyết vấn đề tồn kho.
Tôi nhập vào công việc lúc nào không hay. Tôi phải theo dõi và giải quyết tồn kho thành phẩm và tồn kho nguyên phụ liệu, vừa phải tiếp khách hàng các thị trường khác ngoài Pháp, vừa phải tự tìm hiểu, nghiên cứu những ưu và khuyết điểm của chất liệu sử dụng và sản phẩm công ty, đồng thời cũng nghiên cứu các sản phẩm của "đối thủ" cạnh tranh trong cùng thị trường.
Trong may mặc công nghiệp, khi muốn ra một mẫu mới, phải đặt mua vải theo số lượng tối thiểu (MOQ) trên 1.000 m mỗi màu, các nguyên phụ liệu khác như nút, thun (elastic), ren (lace), phải trên 20.000 m một màu. Có khi tìm màu đồng nhất cho nguyên bộ đồ không có, phải nhuộm màu. Vì vậy, nếu may không hết vải và nguyên phụ liệu, thì tồn kho nguyên liệu cứ dần dần nhiều lên. Hàng thành phẩm không bán được, sẽ nằm trong kho tồn thành phẩm.

Ren Pháp

Hơn một năm sau, cô giám đốc thiết kế người Pháp nghỉ việc về nước. Lúc này chúng tôi rất bối rối vì chưa có nhà thiết kế mới, không có hàng mới cung cấp cho các đại lý. Cái khó của thời trang là phải luôn thay đổi theo mùa. Một năm có bốn mùa thì nhà cung cấp phải liên tục đổi vải, đổi kiểu. Mùa xuân vải mềm, nhẹ, hoa tiết vui tươi, kiểu dáng thanh nhã thì mùa hạ vải mỏng hơn, hoa tiết vui mắt, màu sắc rực rỡ như nắng hè miền nhiệt đới, kiểu dáng "cởi mở". Mùa thu vải dày hơn, hoa tiết lãng mạn, nhẹ nhàng và mùa đông vải dày, màu sẫm, kiểu dáng kín đáo v.v. Cứ bán không hết trong mùa là phải sale off để ra mắt bộ sưu tập mới.
Tôi rất thích các kiểu từ Pháp gửi về. Được làm việc cùng các chuyên gia Pháp về lĩnh vực may mặc thật thú vị. Tôi biết được các thông số, định mức, khuôn rập, các chi tiết để lên một sản phẩm may mặc theo công nghiệp. Có lẽ nhờ biết may, tôi tiếp thu những điều này rất nhanh. Nhờ vậy mỗi lần làm việc với phòng may và tạo mẫu, tôi làm rất dễ dàng, có khi còn hướng dẫn lại cho thợ cách may một kiểu mới nữa.
Rồi rất bỗng dưng, tôi kiêm luôn công việc tạo mẫu. Thấy các em phòng Kinh doanh cứ than thở không có mẫu mới, đại lý không chịu lấy thêm hàng cũ để bán. Doanh thu giảm, các em ngồi rưng rưng nước mắt vì bị trưởng phòng "dập". Mà nào phải đâu tội do các em. Tôi hiểu lý do vì sao. Có giỏi ba đầu sáu tay cũng không dễ giải quyết sạch hết hàng tồn, dù đã giảm giá. Nhìn thấy những giọt nước mắt ngắn dài đó, tôi chịu không nổi. Vậy là một buổi sáng tôi vào kho hàng tồn nguyên và phụ liệu lấy tất cả mẫu vải, ren tồn kho cùng số lượng tồn của từng loại. Sau đó tôi phân loại ra, số lượng nào còn tồn nhiều sẽ giải quyết trước. Rồi tôi bắt đầu vẽ kiểu, áp từng loại vải ren vào xem có phù hợp không. Vẽ chừng 20 kiểu, tôi đem đến Phòng Tạo mẫu nhờ thợ may ra mẫu. Xong mẫu, bộ phận Tiếp thị đem đi chào hàng các đại lý lấy đơn hàng về. Tổng hợp đơn hàng, tôi gửi phòng Sản xuất. Hàng ra, Phòng Kinh doanh đi giao cho các đại lý. Trong tháng đầu tiên, doanh số tăng vọt. Chúng tôi nắm được kiểu nào bán chạy, lấy thêm đơn hàng sản xuất tiếp. Các em phòng Kinh doanh mừng quá cứ tíu tít nghe điện thoại, xuống kho lấy thêm hàng đi giao. Không khí rộn ràng, ai cũng vui. Cuối tháng họp nghe báo cáo doanh thu tăng, sếp ngạc nhiên hỏi lý do. Phòng Kinh doanh hăng hái trả lời: "Dạ nhờ có mẫu mới". Sếp lại hỏi mẫu mới đâu ra? "Dạ chị Tâm làm". Sếp sửng sốt vì thấy tôi chẳng nói gì cứ lẳng lặng mà làm. Có lần ông sếp lớn từ Pháp về, bà Tổng GĐ đem khoe loạt collection sử dụng vải tồn kho của tôi. Ông nói :"Đẹp đấy, nhưng hơi .. Vietnamien!"...
Có lẽ ông quen mắt nhìn hàng của Tây làm rồi, nhưng sản phẩm dành cho thị trường nào người thiết kế phải hiểu rõ. Có khi mẫu "tây" quá khó chấp nhận. Tôi còn nhớ có một mẫu do cô thiết kế người Pháp làm, cô "chơi" luôn hình chiếc bra trên ngực áo. Mẫu này bán rất chậm, vì tâm lý người Việt Nam ngại không dám mặc. Còn các size, cup cô cho sản xuất rất nhiều cỡ 85-90 B,C mà người Việt Nam nếu to béo như Tây thì đâu có nhiều. Về sau chính sếp lớn phải ra tay, bán hết tồn kho kích cỡ "vĩ đại" qua Algérie. Suy cho cùng, các mẫu tôi làm để giải quyết tồn kho bán rất chạy, vì đa số mẫu kín đáo, nhã nhặn có thể phù hợp với nhiều lứa tuổi, và có lẽ vì tôi là người Việt Nam, con mắt nhìn sản phẩm là cho người Việt Nam. Trong thiết kế, đôi khi bạn cần phải phá cách, cần mới mẻ, độc đáo, nhưng phải tùy trường hợp, hoàn cảnh, nhất là khi phải đáp ứng cho đạt doanh thu hàng tháng, bạn cũng sẽ phải chọn ra mẫu nào có thể phù hợp với số đông khách hàng mà thôi.



Bộ sưu tập Night wear LLP sử dụng NPL tồn kho năm 2000

Sau một thời gian ngắn, tồn kho nguyên liệu và phụ liệu giảm hẳn. Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận những đơn hàng trên các loại nguyên phụ liệu này đến nỗi nhiều loại đã hết, phải làm đơn đề nghị nhập vải tiếp. Làm được chuyện, lòng tôi thấy vui vui. Công việc vẽ mẫu phần nào giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ tranh sơn mài, dù thỉnh thoảng ban đêm tôi vẫn hay nằm mơ thấy đứng giữa phòng tranh, mùi sơn khó ngửi quen thuộc, sắc màu quen thuộc... Vì đó là "nghề" của tôi hơn 15 năm rồi.
Ngày ấy, khi phụ trách những thị trường khác ngoài Pháp, tôi lấy được đơn hàng của Đông Âu, của Trung Đông. Thú vị nhất là đơn hàng Trung Đông. Nhiều sếp trong công ty can tôi đừng mất thì giờ vì rất khó, chính họ đã nhiều lần thất bại. Ông khách hàng lại nhìn tôi than thở: "Tại sao, chúng tôi muốn bán hàng của công ty, launching sản phẩm công ty mà khó tiếp cận thế này?" Thấy ông ta than thở, tôi lại càng muốn cố gắng giúp đỡ. Cuối cùng mọi chuyện ổn thỏa. Ông ta đã chọn được nhiều loại hàng. Ngày tôi nhận được đơn hàng cũng là ngày ông ta gửi về những hình ảnh chụp showroom lộng lẫy ngay tại thủ đô Riyadh cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của họ trước khi nhập hàng qua. Công ty này thuộc sở hữu của một tỷ phú Ả Rập. Lúc đó các sếp mới tin là sự thật. Còn tôi thì thấy rằng, nếu ngại chuyện khó bạn sẽ không bao giờ thành công. Trong trường hợp của tôi, ngoài may mắn, điều chính mình phải nỗ lực là sự kiên nhẫn, tấm lòng đối với công việc và công ty mình đang làm, cùng sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng.



 Một vài hình ảnh trong bộ sưu tập Nightwear của LLP sử dụng NPL tồn kho năm 2000

Cũng thật là vui khi đến ngày công ty tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Lúc này công ty đã dời về khu công nghiệp ĐN, rộng hơn nơi cũ rất nhiều, quy mô lớn hơn. Phòng Kinh Doanh chúng tôi được lệnh phải tổ chức trình diễn thời trang trong đêm lễ kỷ niệm. Gần 1.000 khách hàng được mời cộng thêm hơn 2.000 nhân viên công ty, cái sân lớn như bùng nổ. Chúng tôi ký hợp đồng với một nhóm 10 người mẫu và MC là Thanh Bạch. Phần trình diễn gồm 5 màn: Áo dài 1 màn, Underwear 2 màn, Nightwear 2 màn. Vì mục đích là giới thiệu sản phẩm mới nên các người mẫu được mặc áo dài mỏng để có thể nhìn thấy bên trong. Màn 2 và 3 vì trình diễn y phục "nhạy cảm" nên tôi phải chọn các loại kimono đi cùng tông màu cho kín đáo. Khi ra đến sân khấu, các người mẫu chỉ cần mở nhẹ chiếc kimono một chút thôi để thấy bộ đồ bên trong, đẹp như đồ tắm bikini vậy thôi nhưng vì lúc đó, các màn trình diễn underwear không được Bộ Văn hóa & Thông tin cho phép nên chúng tôi đành làm "nửa kín nửa hở". Riêng màn 4 và 5, vì tính chất "trình diễn", tôi tạo mẫu nightwear lộng lẫy gần như áo đầm dạ hội. Cuộc trình diễn thời trang ấy dù tổ chức lần đầu tiên còn nhiều vụng về nhưng cũng khá thành công. Giám đốc một siêu thị Pháp đã ngỏ ý mời tôi hợp tác tổ chức một chương trình trình diễn thời trang tại siêu thị để quảng bá sản phẩm sau đó. Còn bà sếp thì đã sung sướng quá đến bật khóc và ôm chầm lấy tôi khi tôi vừa từ hậu trường bước ra.
Đó cũng là thời gian hạnh phúc của tôi vì được làm việc và chia xẻ, chan hòa tình cảm cùng đồng nghiệp. Còn nhớ trong phòng Kinh doanh có vài nhân viên nam, còn lại toàn là nữ. Đầu tiên khi vào làm việc, một số chàng trai độc thân cảm thấy ngại ngùng khi nhìn thấy sản phẩm "underwear" của phụ nữ. Anh chàng trưởng phòng lấy tay nhón một chiếc áo bra như nhón phải con chuột. Giám đốc nhăn mặt: "Các em đừng nghĩ gì sâu xa, phải xem đây là sản phẩm". Khi quen rồi, anh chàng trưởng phòng thú nhận: "Ban đầu khi mình xách Samsonite đựng các "thứ" ấy đến làm việc với đối tác nữ, thật đỏ cả mặt, nhưng rồi .. cũng quen, nay thấy .. thích!" Anh chàng phụ trách tiếp thị trẻ tuổi thì nói : "Em cũng vậy, khi em phải đi tiếp thị đem rất nhiều mẫu, về nhà em không cho ai xem hết vì sợ ... hiểu lầm thằng này giờ toàn nghiên cứu .. underwear!" Cả phòng cười ầm. Chúng tôi đã cùng trải qua những ngày vui vẻ được làm việc bên nhau, thân thiết như một gia đình. Nay phòng Kinh doanh ngày ấy đã thay đổi, nhiều người đi làm công ty khác. Chàng trưởng phòng mở một loạt quán café ở thành phố rất thành công. TT làm cho công ty nước ngoài. TA chuyển qua một hãng tàu vận chuyển. Và tôi cũng đã từ giã ra đi để trở về với sắc màu. Nhưng khi nhắc lại những kỷ niệm thời gian này, lòng tôi vẫn cảm thấy rất ấm áp khi được sống trong môi trường làm việc rất tình cảm và đầy tính nhân bản đó. Tôi nghiệm ra một điều là người ta có thể làm được nhiều việc khác nhau, miễn là ở công việc nào, ta cũng phải hết lòng với nó. Có phải cuộc đời như tấm gương soi, ta mỉm cười với nó thì nó sẽ mỉm cười lại với ta?

* NGUYỄN DIỆU TÂM




12 nhận xét:

  1. Chị Tâm ơi, chị giỏi quá đi. Em phục chị quá đi mất. Giá mà em ở gần chị thế nào em cũn gửi con bé nhà em sang chị học nghề ké. Nó mê viết vẽ đàn hát mà em chưa kiếm ra được thầy giỏi.

    Trả lờiXóa
  2. Quỳnh ơi, cháu muốn học nghề gì bây giờ? Hì hì chị kể lại chuyện xưa vậy thôi chứ bây giờ chị tập trung cho sơn mài. Lâu lâu nhớ nghề may chị cũng thích may vá. Đi chợ chị hay mua vải lắm, rồi bận quá bỏ đó. Khổ cho chị là chị .. thích nhiều thứ quá (:-).. Cảm ơn em đã "tín nhiệm" chị!

    Trả lờiXóa
  3. Thật thú vị khi T cứ lâu lâu mới "lộ" ra thêm một mảnh đời! Được làm việc mình thích thật hạnh phúc!
    Mình cũng có thời gian vật lộn với kim kéo nhưng rất chán vì là may theo mẫu mã định sẵn chả có sáng tạo gì, cứ sai 1 li là tháo hàng loạt..khổ vô cùng!
    Hồi đó cũng mò mẩm học lóm may áo quần cho em trai, tội tụi nó, may xấu đẹp gì cũng chả biết, lại giới thiệu bạn nghèo cho mình may đỡ tốn tiền!
    Còn có lúc may hàng cho 1 người bán quần áo trẻ em chợ An Đông, cứ may xong nhiều đợt mới ứng 1 số tiền, rồi cuối cùng xù luôn!!
    Bây giờ quần áo bán sẵn nhiều quá, lại lụt nghề rồi nên bye bye...

    Trả lờiXóa
  4. Tâm ơi, Tâm thật là tuyệt!
    Trong từng lĩnh vực Tâm biết chịu khó tìm tòi học hỏi và điều quan trọng nhất rất có tâm với nghề.
    Hôm nào về mình sẽ xem bàn tay Tâm có đủ mười hoa tay không nhé!
    Số phận càng lận đận càng thấy bạn quá tài hoa!

    Trả lờiXóa
  5. Ừ Mỹ ơi, nếu may xong mà phải tháo thì là khổ lắm! Tất nhiên mình cũng phải nhiều lần tháo ra để sửa lại, ngao ngán vô cùng! Nhưng cũng vì ngao ngán nên phải hết sức để ý làm để khỏi .. bị tháo. Mình cũng từng may áo quần cho các em trai. Hồi đó em trai kế mình đi tàu viễn dương đem về nhiều vải jean, mình may cho nó 1 cái áo khoác jean để đi biển mặc cho đỡ lạnh, đến bây giờ bạn viễn dương của em mình còn nhắc "Em nhớ cái áo jean chị may cho thằng Dũng. Trời, đẹp ghê hồn!".. Tức cười thật. Khi phong trào may áo gió xuất qua Liên Xô rộ lên, bà con mình nhiều người phất lên nhờ làm hàng này, có rủ mình nhưng mình đã làm sơn mài nên không thích nữa. Sau đó nhiều người cũng bị xù tiền bạc tỷ vì cứ giao hàng xong mới được ứng. Nhiều lúc mình nghĩ, biết đâu hồi đó mình đi theo nghề may thì chắc .. mau giàu hơn? Hì hì, lúc qua Úc chơi mấy tháng, mình cũng có đi theo một cô bạn em mình nhận hàng may công nghiệp. Chiều em mình đến đón thấy chị xuất hiện mình mẩy áo quần dính đầy chỉ và sợi vải, "xót" quá nên không muốn mình may nữa. Nhiều người khuyên mình ở lại đi học về Thiết kế. Nhưng bỏ con ở nhà lâu không được, đành phải trở về. Lâu lâu nhớ lại chuyện cũ thấy cuộc đời mình cũng .. lắm chuyện!

    Trả lờiXóa
  6. HN ơi, cảm ơn HN quá khen! Chính mình cũng đâu muốn số phận lận đận? cái số gì mà .. làm cứ lên voi được thì xuống ... "dog" (:-). Đi học vẽ, đang được việc thì các thầy bị ủ ..tờ, phòng tranh đóng cửa. Làm công ty lớn mười mấy năm, đến lúc được giao công việc lớn, thì GĐ cũng bị .. qua GĐ thứ hai cũng vậy (:-(((. Chỉ tự an ủi là .. dù sao mình cũng còn may mắn, bởi vậy để tồn tại chỉ có cách là "siêng năng", "kiên nhẫn" thôi. Riết rồi quen.. "lì" với thăng trầm luôn. Nhưng dù có ra sao, mình cứ hãy yêu đời yêu người trước đi cái đã phải không bạn? Dù lắm lúc phải năn nỉ cuộc đời như cô bạn Trân Sa của mình: "Xin đời hãy hiền từ, Tôi sống một lần thôi"...

    Trả lờiXóa
  7. Những comments dễ thương của các bạn trong trang nthqn.org:
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Trần Đông Oanh 11:14 09-09-2011
    Đọc một mạch Chuyện Đời Tự Kể của Diệu Tâm đến đoạn cuối mình thấy thật tâm đắc:
    Tôi nghiệm ra một điều là người ta có thể làm được nhiều việc khác nhau, miễn là ở công việc nào, ta cũng phải hết lòng với nó. Có phải cuộc đời như tấm gương soi, ta mỉm cười với nó thì nó sẽ mỉm cười lại với ta?
    Rất cảm phục người bạn tài hoa Diệu Tâm! Mong bạn luôn vui khỏe với những niềm vui thích trong đời!
    Cám ơn DT!
    ĐO.

    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 11:29 09-09-2011
    Đông Oanh thân mến, cảm ơn bạn đã đọc. Bài này mình viết theo gợi ý của .. Diệp Hà là muốn nghe mình kể về thời trang sau khi Diệp Hà đọc "Không Chỉ Là Màu Sắc". Đúng là nếu "ta mỉm cười với cuộc đời thì nó sẽ mỉm cười lại với ta", tuy nhiên cũng có khi ta phải "năn nỉ cuộc đời" như cô bạn Trân Sa của mình đã viết "Xin đời hãy hiền từ, Tôi sống một lần thôi!".. Thôi thì ta cứ "hiền từ" trước đi cái đã, ai đó .. không chịu hiền với mình thì mình .. nghỉ chơi, được không ĐO?

    # Cám ơn Diệp Hà! — Trần Đông Oanh 17:32 09-09-2011
    Vậy là bọn mình phải cám ơn Diệp Hà đã ... gợi ý quá hay! :-)
    Đúng vậy Tâm ơi! Nếu ai đó... không hiền từ với mình thì mình cũng chỉ biết... nghỉ chơi mà thôi! À! Còn có một liệu pháp nữa là ....nước mắt " Khóc đi cho thỏa dỗi hờn..." , rồi sau đó tiếp tục ....sống tiếp! Hì Hì! Phải không Tâm?
    Thân mến!
    ĐO.

    # RE: Cám ơn Diệp Hà! — Nguyễn Diệu Tâm 18:16 09-09-2011
    Diệp Hà đâu rồi chưa thấy xuất hiện sau bài "Cháo gạo lức đậu đỏ" vậy kìa?
    Đông Oanh ơi nói đúng đó! Khi ức quá, hãy khóc một trận cho đã đời đi. Khô nước mắt rồi, có lúc tức mình "tự nhiên khóc làm chi vậy?". Nhưng nước mắt rất tốt, chúng ta nên "tận dụng" để rửa mắt cho sạch. Sau đó là .. dũng cảm đối mặt với cuộc sống. Vậy mới là con cháu .. Hai Bà Trưng chứ, phải không ĐO?

    Trả lờiXóa
  8. # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Đào Thanh Hòa 15:24 09-09-2011
    Một bài viết tự sự thật đặc sắc! Những suy nghĩ, những việc chị làm khiến một đứa không đâu vào đâu, luôn chểnh mảng thiếu chín chắn phải suy ngẫm. Cảm ơn chị!
    Tự nhiên em thở dài và thầm nghĩ" Giá như em đọc được những giòng chữ này cách đây hai mươi mốt năm..."
    Cảm ơn chị, những sẻ chia quý báu!

    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — NgocLan 16:12 09-09-2011
    Chị Diệu Tâm mến, chỉ từ chiếc áo len của mẹ đan thôi ,mà chị đã kể hết cuộc đời của chị đã trải qua làm mình thật cảm phục tài khéo léo của chị . Những mẩu của chị thật là nhã nhặn và dễ thương , phù hợp vơí VN mình .Thật đáng khâm phục sự tài hoa và khéo léo trong cuộc sống của chị , Thân mến . NL.

    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Kim Tiến 19:15 09-09-2011
    Những chia sẻ của chị thật dễ thương bây giờ nhưng là biết bao khó khăn và trăn trở của một khúc đời!

    Những mẫu quần áo mềm mại và nữ tính lắm chị ạ. Đọc cái đoạn chị viết anh tiếp thị cầm cái "bra" lên mà cái tay nhón nhón giống như cầm phải con chuột Tiến mắc cười quá đi. Điều này làm Tiến liên tưởng đến mỗi khi đi shopping, lúc mấy cô vợ trẻ ghé vào mấy gian hàng này, mấy anh chàng cứ đứng chắp tay sau đít đi vòng vòng mắt ngó chỗ khác, miệng cười chúm chím và cái mặt đỏ bừng.... ;-) KT

    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Phạm Ngọc Dao 18:17 10-09-2011
    Chi Diệu Tâm ơi,
    Chi khéo tay quá, với kim chỉ và cả với ngòi viết. Dao đoan chắc hoa vân tay rất tròn trĩnh trên 10 ngón tay, phải không chị? Những mẫu áo dễ thương, trang nhã, cô Thái Nhĩ sẽ cảm động biết bao nhiêu khi học trò còn giữ đến bây giờ bài học thêu lớp 9
    Dao cũng thích câu kết trong bài
    Có phải cuộc đời như tấm gương soi, ta mỉm cười với nó thì nó sẽ mỉm cười lại với ta? Không hẳn là lúc nào đời cũng mỉm cười lại với ta, nhưng ta phải cười trước cho đời có ...cơ hội mà cười lại, chi Tâm nhỉ
    Cảm ơn chi đã chia sẻ những tâm tư của cả một quãng đời với bạn bè

    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Ngô Thanh Vân 17:30 11-09-2011
    Chị Diệu Tâm thân mến,
    Từ những "tác phẩm" của chị trên trang nhà em đã nhận ra những nét tài hoa. Từ Chiếc Áo Len Mẹ Đan, em lại biết thêm hai giá trị sống quý giá nhất: trách nhiệm, yêu thương...
    Cuộc đời như tấm gương soi để biết được vì sao ta HẠNH PHÚC phải không chị?
    Chúc chị luôn tài hoa, luôn sống trách nhiệm, yêu thương và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  9. Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 09-09-2011 09:36
    Hòa thân mến, cảm ơn Hòa đã đọc và chia sẻ với chị điều mà Hòa chưa làm cách đây 21 năm. Trong cuộc đời, lắm lúc ta để vuột mất cơ hội chỉ vì sự chểnh mảng của mình, mà cũng lắm lúc ta không biết cái cơ hội đó có thực sự là "cơ hội" hay không nếu ta vội vã? Khó lắm Hòa ơi. Rất nhiều lúc chị đành để cho "ma đưa lối quỷ dẫn đường", nhưng may sao mỗi khi thấy "ma" thì mình phải tìm cách thoát ra ngay. Nhiều khi may mắn gặp được "quới nhân" giúp đỡ, nhưng đừng nên "nằm chờ sung rụng", có lẽ không ai cứu ta được một cách mạnh mẽ và hiệu quả bằng chính mình. Trong mọi hoàn cảnh, rất nhiều lúc phải chấp nhận, quan trọng là sau đó ta có thể vượt qua được cái hoàn cảnh mà ta đang không muốn đó hay chăng để được sống tốt hơn, có ích hơn cho gia đình, những quan hệ liên quan, và cho bản thân mình. Thân chúc Hòa an vui. Rất mến.

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 09-09-2011 10:06
    Ngọc Lan mến, cảm ơn Lan đã đọc và xem các mẫu mình làm. Còn rất nhiều mẫu mình đã làm trong thời gian đó, đây chỉ là một số hình mình chọn cho công ty chụp để làm poster cho các đại lý và quảng cáo ở báo Tiếp thị. Lúc đó, mình có suy nghĩ rằng nhiều cô gái VN hay mặc luôn áo ngủ .. chạy qua hàng xóm, thậm chí .. đi chợ gần nhà vì .. làm biếng thay đồ. Vì vậy mình muốn tạo những chiếc áo có thể cùng một lúc có nhiều "công dụng" hơn, vừa tiết kiệm, vừa đẹp. Kiểu lúc đó làm nhiều pyjama, đầm ngủ (night dress), bộ áo quần lửng (caraco short). Những loại vải may các kiểu này đa số là cotton 100%, mát, hợp với khí hậu VN. Có loại dùng satin, lụa, rất mềm mại và nữ tính. Phụ nữ mà, ai chẳng thích làm đẹp phải không Lan?

    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 09-09-2011 14:59
    Tại sao vậy Tiến nhỉ? Chuyện các anh chàng mặt đỏ bừng .. cũng làm mình nhớ đến lúc thằng con mới 3-4 tuổi, dẫn nó đi shopping, khi nhìn thấy nó cũng cười chúm chím và nói "cái đựng .. tí". Trong khi đàn bà tụi mình vẫn đi shopping mua underwear cho chồng và con trai mà!

    Trả lờiXóa
  10. Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 10-09-2011 15:00
    Dao ơi, không phải đầu 10 ngón tay của chị đều tròn cả đâu, và cũng không phải chuyện gì chị làm cũng được ... tròn :sad: !
    Đêm nay gần rằm Trung thu trăng đã bắt đầu tròn, còn mình vẫn .. khuyết! Nhưng không sao, cứ mỉm cười với cuộc đời đi, Dao nhỉ?

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 11-09-2011 14:59
    Vân mến, cảm ơn Vân đã đọc và chia xẻ với chị những giá trị sống quý giá. Không phải ai cũng hiểu rằng hai từ "trách nhiệm" và "yêu thương" xuất phát chính từ trái tim đâu phải không Vân? Và hạnh phúc, đôi khi rất đơn giản!
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Diệp Hà 13-09-2011 19:51
    ... uh ... kim xuyên ngón tay thiệt tình chết điếng ... đau tiếp mấy ngày lun ... tưởng có một mình diệp thị vụng mới thảm thiết như dzị chớ ... mai mốt nhờ họa sĩ Tâm vẽ phác cho mấy mẫu bông trên áo dài rồi xây kho Nữ Công cất dzô làm "của" NTHQN ... scan lun cuốn catalog 200 kiểu ... có lần hà may mắn được thầy Nguyên Khai vẽ cho mấy bông cúc trắng trên hai tà áo ... vậy là cả lũ chuyền nhau mặc mỗi khi cần bảnh tỏn chút ... qua bên này rồi thì có lần hà lụm được một cái váy đen có cành bông xanh từ lai đi lên hông, bông in nhưng mềm mại như vẽ, loại hàng này thường được vẽ kiểu rồi mới đặt vải theo mẫu nên cũng mắc mỏ lắm, ngày thường không dám rớ tới chỉ khi nào thiên hạ sụp tiệm phải bán hết hàng thì may ra mình mới lục lọi được, tuy là giá còn 1/3 nhưng bạn hà cũng còn rên: mua gì mắc mỏ quá dzạ ... vậy là hà máng váy trả lại ... có người nãy giờ chờ mình đổi ý lật đật lụm liền ...

    Trả lờiXóa
  11. Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 14-09-2011 00:45
    Chào Diệp Hà! Lần này ăn cháo gạo lức đậu đỏ ngon quá nên "lặn" hơi kỹ hén? :-) Bài này viết theo gợi ý của Diệp Hà nè (có cảm ơn rồi đó). Để kim đâm ngón tay là lúc còn nhỏ, nghịch máy may lén vì sợ mẹ rầy, chứ lúc làm thợ may rồi mà cứ bị kim đâm hoài thì .. thôi dẹp tiệm cho rồi :sad: Cuốn catalog 200 kiểu vẽ tay .. mất tiêu ở Phú quốc rồi, không biết giờ này ở đâu hay đã thành tro bụi? Nhiều "tác phẩm" xưa của mình bị "chôm". Mấy đứa em gái trong nhà thỉnh thoảng "thú nhận" là "em có chôm của chị .. vài cuốn truyện .. viết tay, vài tập vở vẽ" v.v.. Đứa đi Mỹ, Úc thì vô phương đòi lại ;-) Thời vẽ áo đang thịnh thì cũng có nhiều áo dài, áo pull, thậm chí .. áo gối cũng vẽ luôn! Chưa kể lúc làm Art Gallery nhiều họa sĩ vẽ tặng áo dài cho mình, mặc mệt nghỉ. Vì vậy ra chợ thấy bán áo vẽ thật lòng mình khó tìm ra mẫu đẹp, vì vẽ hàng chợ, khác xa với vẽ "nghệ thuật". Nhiều kỷ niệm, nhớ lại cũng vui.

    Diệp Hà
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Diệp Hà 14-09-2011 12:33
    ... mất tích catalog vẽ tay thiệt là uổng ... kiểu này là bị chôm roài ... không biết Tâm vẽ tay raglan ra sao ... nhìn áo dài của xướng ngôn viên đài Việt bin này thiệt là chán ngán, đường raglan quá cao làm cho vai không tròn nữa ... áo dài mà như dzị thì "nổi tiếng" cái gì chớ ... không hiểu sao bi chừ hà cứ muốn tom góp ... như Noah trước cơn Đại Hồng Thủy ...

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 14-09-2011 15:00
    Diệp Hà ơi! "Bi chừ Hà muốn tom góp" .. là cái gì? Tay raglan là một phát minh tuyệt đẹp cho chiếc áo dài và áo bà ba. Bởi vậy từ trước 1975 đến nay chưa có kiểu tay nào thay thế, dù thời trang có thay đổi, khi thì áo dài vạt ngắn "mini", khi vạt dài và bây giờ thì tà áo dài chấm đất! Tay raglan cắt đẹp là đường ráp tay từ nách áo đến gần xương cổ, không bị nhăn, không bị dư hoặc bị tức thì phần trên ngực mới thẳng và phần vai mới tròn. Phía sau cũng phải thật thẳng. Áo dài khó ở chỗ vào cổ sao cho thật vừa với thân áo. Năm ngoái đám cưới con trai, hai đứa tự đi may áo ở một tiệm "nổi tiếng" tìm trên Internet, nghe nói Việt kiều đặt may rất nhiều. Đến ngày thử áo, con dâu thấy có "vấn đề", mới nhờ mẹ đến xem dùm. Xui cho tiệm là mẹ chú rể biết may, đến xem thì biết áo đã bị may hư, hư chỗ nào chỉ ra cho tiệm thấy nhưng trong lòng tự thấy áo không sửa được vì bị cắt lố rồi. Đã vậy áo còn có thêu và vẽ dính ngay phần bị hỏng. Nghĩ cũng tội nghiệp nhưng tay nghề yếu mà quảng cáo quá mức, không làm hư áo người này cũng hư áo người khác thôi. Đến có một chút mà có mấy người đến thử áo, đều phàn nàn. Chủ trốn mất tiêu :sad:

    Trả lờiXóa
  12. Diệp Hà
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Diệp Hà 14-09-2011 17:55
    ... tom góp bí quyết chứ còn là kí rì nữa ... mới có vài chục năm mà mọi thứ lạc quẻ hít rùi ... như là món bánh canh Nam Phổ mà có video xui bậy người ta quậy nước bột đổ vô đó ... trong khi Thực Phổ Bách Thiên xưa xóc ngắn gọn hơn nhưng mà mình còn mày mò làm theo được ... hình như có dạo đám Calvin Klein về VN nghiên cứu y phục rồi trình diễn mấy bộ áo dài đen thui, vải cứng, rộng rinh như áo đờn ông, mặc dzô đi dọa ai hong bít nữa ... khi nào có kho Nữ Công thì hà vẽ lại lý thuyết may áo dài cho Tâm sửa rùi cất dzô ... ai biết được có ngày có người phải rị mọ may vá lấy dù là ngày hum nay có thể lựa chọn những cửa tiệm nổi tiếng ... Tâm thi họa đủ cả lại thêm có học Hán Tự, mai mốt NTHQN có thể có May Phổ Nhị Bách Thiên đặng để dành ... Thực là ăn còn May là gì cà? Đáng lẽ có "Phòng Hướng Dẫn" cho Thầy Cô trụ trì trong đó đặng học trò bí lối thì chun dzô hỏi ... lỡ dạy rùi thì dạy lun suốt đời ...

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 15-09-2011 02:45
    Diệp Hà ơi! Chuyện "tom góp bí quyết" không quá khó. Ráng ngồi nhớ, nếu không "phục hồi" được thì vẽ cái mới chứ lo gì! Lụm lại từ tay người khác mới là khó chứ trong tay mình thì cũng dễ thôi mờ. Diệp Hà thiệt có nhiều ý kiến hay, "May Phổ Nhị Bách Thiên" này mà ra đời là .. trang web NTH coi như độc đáo khỏi chê luôn. Hihi Tâm chỉ sửa một chữ thôi trong cái "bí kíp" này, là "NỮ CÔNG PHỔ NHỊ BÁCH THIÊN"... Ngày xưa không có chữ "May", tiếng Hán Việt có chữ "Công" (Công-Dung-Ngôn -Hạnh) dùng cho người làm nghề thêu may, vì vậy "Nữ công" có nghĩa là người con gái làm nghề thêu, may, dệt. Lâu nay đã có nguyên cụm từ "Nữ Công Gia Chánh" để nói về các công việc phụ nữ làm như thêu may, nấu ăn v.v., đủ nghĩa cả cho nữ sinh Nữ Trung học rồi, vậy nên mang ơn Sư mẫu là Cô Thái Nhĩ của tụi mình. Nhớ cô quá bạn ơi!

    Hx
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Hx 14-09-2011 18:47
    Tâm ơi, lội biển mấy ngày hôm này mới dô tán dóc đây. Bái phục chị HT thiệt đó, chiện gì cũng biết! em phải theo thọ giáo nghề may của chị mới được, muốn may mấy cái áo dài mà tiền công ở Mỹ mắc dàn trời đây!

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 15-09-2011 02:53
    Ôi Hà x bạn của tui ơi, làm gì mà "chiện gì em cũng biết"! Muốn may áo dài đẹp, về Việt Nam em dẫn đi may. Ở Sài gòn em thường may ở nhà may Bích Hùng, ở Đa Kao. Thử 1 lần là được liền. Mặc cũng đẹp lắm. Tuy nhiên, cũng tùy theo gu mỗi người đó nha. Lời khuyên khi may áo dài: Đi may ở tiệm có lời giới thiệu đáng tin cậy - Nên đi thử áo trước khi lấy.. Ngày ở QN thường may tiệm Minh Tâm, không biết nay có còn? Lúc đó áo học trò nên chắc không khó như bây giờ.

    Diệp Hà
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Diệp Hà 15-09-2011 10:19
    ... kỳ rồi Hà "lặn" là vì trời nóng quá mạng, nóng hơn cả VN, mỗi khi nóng bất thường như vậy thì dễ có động đất, một hai ngày qua trời dịu lại chuẩn bị đổi mùa mà mới rồi có động đất nhẹ, nhẹ thôi, không có gì, Hà chỉ kể liền để chia chác một chút xíu kinh nghiệm ...

    Nguyễn Diệu Tâm
    # RE: Từ Chiếc Aó Len Mẹ Đan — Nguyễn Diệu Tâm 15-09-2011 11:38
    Hiểu rồi Diệp Hà! Vậy nếu có hứng thì cứ gắng sưu tầm "NỮ CÔNG PHỔ NHỊ BÁCH THIÊN"... không thôi động đất thì .. mất hứng :-)

    Trả lờiXóa