Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

ĐÀN BÀ ĐI BIỂN

“Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”…
Điều mà dân gian thường nói có vẻ như rất gần với sự thật. Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm đàn bà đi biển "có đôi", nhưng thực tế đa phần là "mồ côi một mình", bởi vì nếu nói ra nghĩa bóng của câu này là có chồng bên cạnh chia xẻ cho có đôi, thì ngày xưa quý ông thường ngại cận kề bên vợ lúc lâm bồn vì sợ .. xui xẻo. Thậm chí đến ngày nay nhiều người vẫn còn tin rằng đi thăm bà đẻ là xui, nhất là đối với người làm ăn. Tuy nhiên, cho dù có chồng bên cạnh thì mỗi lần sinh con là một lần mang nặng đẻ đau, thêm vào đó là sự nguy hiểm về tính mạng có thể đến bất cứ lúc nào thì vẫn là người đàn bà phải gánh chịu.

Đàn con thơ ( Tranh sơn mài của Diệu Tâm )

Ngày xưa, bà ngoại tôi sinh được 3 người con. Sống ở làng quê xa xôi thời ấy, tôi không biết ngoại đã có được đủ điều kiện để hỗ trợ cho việc mẹ, dì và cậu tôi ra đời vì ngoại mất đã lâu. Chỉ nghe rằng đến người con út thì ông ngoại bỏ đi, bà ở lại sinh và nuôi con thơ, gánh luôn nợ nần ông để lại.
Đến mẹ tôi thì cuộc sống có khác hơn rất nhiều. Bà sinh được 10 người con, nhưng cũng có những lần bà sinh mà không có mặt cha tôi, vì cha thường đi công tác xa, lâu nhất là lần cha đi Pháp học đến 2 năm. Lúc cha đi, mẹ đang mang thai em trai tôi chừng vài tháng, khi ông về em tôi đã gần 2 tuổi. Nhiều lần đi biển "xuôi chèo mát mái" nhưng cũng vài lần thai hư phải bỏ, mẹ phải vào bệnh viện nằm dưỡng một vài tuần. Dân gian cũng nói "Một lần sa bằng ba lần đẻ", nghĩa là khi giải quyết thai hư cũng vô cùng đau đớn. Cũng có một lần thai ngược, may sao lúc ấy gia đình tôi đang ở Qui Nhơn và mẹ sinh tại một nhà thương Mỹ, có đầy đủ phương tiện cho em gái tôi ra đời. Mẹ hay nói " Nó đẻ ngược nên tánh tình cũng .. ngược ngạo!"..
Một bà dì họ bên mẹ, có lần kể chuyện "đi biển" của con dâu. Rằng sau 1975 lúc gia đình bà từ Huế vào một làng quê ở Củ Chi sinh sống, còn thiếu thốn nhiều phương tiện, không ra kịp bệnh viện xã mà đứa nhỏ đã chui ra, chính bà đã làm mụ đỡ đẻ. Hỏi bà làm thế nào, bà hồn nhiên kể: "Thì tao cũng lôi đứa nhỏ ra, rồi lấy dao cắt nhau, rồi cũng nấu nước lá tắm rửa cho nó"... Hỏi bà dùng dao gì? Bà nói "Thì .. lấy đại một cái dao trong bếp, rửa sạch"! Nghe mà .. nổi da gà. May mà không sao! Đúng là .. "trời sinh voi thì cũng sinh cỏ"!
Phần tôi, nhớ lại ngày xưa lúc sinh con trai đầu lòng ( và cũng là duy nhất ) vào năm 1982... tôi đã "điếc không sợ súng". Bác sĩ khám thai lần cuối trước khi sinh dặn dò "chừng nào thấy ... thì đi liền vào bệnh viện". Sáng hôm ấy có bà dì chồng từ Phú Quốc lên chơi rủ đi chợ, tôi không đi và nói "Sao con thấy đau đau bụng, chắc tại tối qua ăn bún cà ri".. Chồng ở xa, mẹ chồng và em chồng đi làm, chỉ còn một mình tôi ở nhà. Đau bụng lâm râm nhưng không biết. Đến trưa thấy đau nhiều, nhớ đến lời bác sĩ dặn, tôi liền lật đật khăn gói đi vào bệnh viện. Thời đó không có điện thoại, chẳng biết nhắn ai, chỉ lấy giấy viết vài chữ cho mẹ chồng "Chiều nay nếu về không thấy con, má vào BV Đức Chính tìm con"! Đứng chờ hoài không thấy xe, liền đi bộ. Bụng thì nặng, đi cà ột cà ệch thiệt là xa mới có xích lô ( may mà .. không .. rớt ngoài đường! ). Đến nơi, y tá hoảng hồn: "Ủa đi đâu mà đi một mình?" Trả lời: "Dạ đau bụng quá nhà không có ai em đi đại". Y tá bắt vào khám, xong hỏi: "Giờ đi về hay ở lại?" Nghĩ đường xa ngán nên tôi lại trả lời: "Nếu sinh trong hôm nay thì ở lại, còn qua ngày mai thì em về". Y tá nói : "Không đến mai đâu". Thì ở lại. Vào nằm trong phòng chờ sinh. Thấy ai cũng có người thân bên cạnh vuốt bụng cho đỡ đau,có người đau quá lôi chồng chạy vòng vòng quanh phòng, chạy cả ra ngoài sân,  vừa chạy vừa .. chửi chồng! Mình chẳng có ai tủi thân muốn chết nhưng "số mình nó vậy" nên ráng chịu đau nằm chờ. Trong phòng có người đau bụng đến mấy ngày vẫn chưa sinh, còn mình mới nằm chưa được 1/2 giờ đã đau quá chịu không nổi. Tôi bỗng nhớ lời nhiều người nói :"Bao giờ đau đến nỗi tưởng như có thể vặn cong cả thanh giường sắt thì lúc đó là sắp sinh!". Mấy chị ngồi gần đó nói: "Thấy em đau quá chắc sắp rồi, em ra khám lại đi, chị dìu đi cho nha". Sợ phiền, tôi gắng ngồi dậy nói "Dạ em đi được".. Lết ra lại phòng sinh. Cô y tá trợn mắt "Sao nữa?". "Dạ em đau quá". Vào phòng khám, cô y tá bảo "Chuẩn bị nghen, sắp rồi!"...
Thôi không kể chuyện lúc sinh, nhưng tôi sinh cũng dễ lắm. Chỉ biết lúc con ra tưởng cả đống ruột gan trong người mình nó tuột ra theo! Lúc đó thì bao cơn đau đớn bỗng tan biến. Chỉ nghe loáng thoáng tiếng reo: "Con trai! 3.40 ký! " Rồi các y tá người thì lo tắm bé người thì làm vệ sinh cho tôi. Sau đó họ khiêng băng ca đến. Tôi nghĩ bụng "gì mà phải băng ca dữ vậy?" và nói :" Em đi được mà". Y tá la lên "Nằm yên đó!".. Phải nghe lời cho họ khiêng về phòng. Con được ẵm về trước, nằm mở to 2 con mắt như chờ mẹ. Mọi người trong phòng thấy cũng hoảng hồn "Trời, cổ sanh nhanh quá!". Loáng thoáng nghe tiếng nói "Thấy chưa, cổ đi một mình thì sanh liền, còn con cả nhà đi theo mà đau hai ngày nay vẫn chưa thấy gì!"

Tác phẩm đầu đời của tôi lúc 3 tháng tuổi

Sau đó tôi định ngồi dậy đi toilet mới thấy sức lực của mình chẳng còn nữa, ngồi dậy không nổi, chân tay run lên, lúc đó mới biết một lần sinh con ra người mẹ đã banh da xẻ thịt như thế nào, càng thấy thương mẹ mình hơn khi mẹ đã chịu đựng hơn 10 lần trong đời.
Đến chiều mẹ chồng về nhà thấy tờ giấy là run lên, không dám đi mà nhờ dì chồng đi thăm trước, bà lật đật xách xe đạp chạy qua nhà tôi ( cách chừng 2 km ) báo tin. Bà dì vào đến nơi chửi liền "Tổ cha mày, đau bụng mà không nói để tao ở nhà dẫn đi sanh!" Tôi chỉ cười  "Con có biết đâu!"... Bà nhìn thằng cu của tôi rồi cười :" Giống thằng .. chú nó như đúc!". Đến lúc cha mẹ tôi vào thì "Giống .. các cậu nó!" Thôi thì .. giống ai cũng được. Tôi nhủ thầm. Miễn là con ra đời khỏe mạnh.
Sau này tôi cứ nghĩ " Điếc không sợ súng thật. Nếu sau này em gái mình đi sanh nhất định không thể để nó đi một mình!"...
Một lần lúc còn ở nhà chồng, con mèo nhà nuôi đến ngày sinh, bụng nặng lết gần chấm đất. Hôm ấy tôi ngạc nhiên vì thấy nó cứ đeo quấn một bên chân tôi, dường như muốn tôi đi theo nó vào ổ. Tôi phải đi theo, nó nằm xuống quằn quại hồi lâu, kêu la thảm thiết. Không biết làm thế nào, tôi chỉ biết lấy tay vuốt ve bụng nó "Ừ ừ, có chị đây. Sinh đi !".. Một hồi lâu, tôi thấy nó đau quá, và một .. cái đuôi ngo ngoe... Cuối cùng văng ra một cái bọc. Ôi chao ơi, con mèo đẻ ngược! ...Đó là lần đầu tôi làm.. bà đỡ cho .. mèo. Gì thì cũng phận "đàn bà". Nó thực sự đã "đi biển" một mình, vì con mèo đực đâu cần biết đến!
Và rồi đến khi các em gái tôi sinh, một đứa ở Úc thì lúc đó mẹ tôi còn khỏe nên qua giúp con được, một đứa ở Mỹ thì tự lo, may có mẹ chồng ở gần bên. Nghe kể bên đó các em tôi sinh xong là phải tự vào phòng tắm rửa một mình và chỉ ở lại bệnh viện 1, 2 ngày rồi về nhà. Không như ở Việt Nam vẫn còn nhiều màn kiêng cử cho sản phụ sau khi sinh và nhiều trường hợp rất phức tạp. Chuyện này làm tôi nhớ đến câu chuyện chị tôi kể lúc chị đi dạy học ở Lâm Đồng, nhà trọ gần nhà bảo sanh, có lần chị đã xem một ca sinh nở của một phụ nữ Tây nguyên. Vừa xong là chị ta leo xuống bàn, quấn xà rông rồi khỏe khoắn ôm đứa con còn đỏ hỏn đi về ngay trong đêm.
Riêng bà chị dâu người Úc của tôi ở Sydney, dũng cảm hơn hết, chị đã sinh qua lần thứ hai một lúc .. 3 đứa! Trong đó có 2 trai ( trên 2 ký ) và 1 gái ( 1.9 ký ) phải nằm lồng kính đến khi đủ 3 ký bệnh viện mới cho về. Và ông anh giáo sư tiến sĩ của tôi mỗi ngày phải tất bật giúp vợ pha sẵn 24 bình sữa để ở nhà rồi mới đi làm. Hỏi anh rằng chính phủ có tài trợ gì không, anh nói không, vì sinh ba .. chưa đủ tiêu chuẩn, chỉ có một công ty sản xuất tả gặp lúc kỷ niệm gì đó liền tặng cho các bé .. 1.000 cái tả!
Tôi còn một cô em gái mãi đến năm 38 tuổi mới lấy chồng và 43 tuổi mới sinh con đầu lòng. Chồng em cũng ở xa, ở nhà tôi và chị hai thay phiên nhau đỡ đần. Đã vậy mà em phải thường đi công tác xa, khi thì Hồng Kông, khi thì Thái Lan, có lúc thì Indonesia liên tục. 7 tháng còn vác cái bụng đi Hồng Kông. Hải quan Hồng Kông giữ lại tại sân bay hơn 1 tiếng đồng hồ và cứ xét tới xét lui vì sợ bụng to lỡ sinh tại đó thì mất công .. phải cho baby vào quốc tịch Hồng Kông! Lớn tuổi mà sinh con đầu lòng nên ai cũng lo cho em, lại bị tăng huyết áp rất sợ tiền sản giật. Lúc 8 tháng bác sĩ  buộc phải nhập viện theo dõi, ổn thì cho về.  Gần đến ngày lại tăng huyết áp nên phải nhập viện lần nữa. Những lần em vào bệnh viện tôi phải đi theo, chạy tới chạy lui lo ăn uống, chăm sóc, làm giấy tờ chuyển từ khu này qua khu khác. Cuối cùng cũng xong, nhưng phải sinh mổ bắt con lúc thai được 38 tuần. Cũng may lúc này con trai tôi học Y khoa đã ra trường, chuyên môn về Tim mạch, có bạn làm bác sĩ tại BV Từ Dũ. Nhờ vậy bạn cháu trực tiếp bên cạnh dì lo về gây mê và hồi sức sau khi mổ cũng yên tâm. Em tôi nằm phòng hồi sức 2 ngày, còn bé thì nằm ở phòng dưỡng nhi. Con bé sinh ra chỉ có 2.80 ký, nhưng trông rất "ghét". Lúc bé chào đời, tôi nhắn tin vào điện thoại cho cha bé :" Hello good daddy, congratulation! Your baby was born today, June 23, at 9:46 am VN time. She weighs 2.80 kgs, looks like her Dad. Cute. Both mother and daughter are very well. Thanks God!"

Bé Sarah lúc 3 tuần tuổi

Cha bé làm nghề luật sư mà cũng là nhà thơ nên lúc nghe tin đã cảm xúc cao độ sáng tác liền một bài thơ. Sau đó bài thơ được phổ nhạc và lập tức được các bà mẹ ở xứ sở của anh yêu thích ngay, họ nói cứ nghe bài hát là muốn khóc. Giọt nước mắt hạnh phúc mừng vì sự ra đời của đứa con thân yêu. Đó là một món quà quý giá nhất trên đời mà Thượng đế đã ban cho những người mẹ.
Vì vậy, dù "đi biển mồ côi", tôi tin rằng các bà mẹ trên thế giới này vẫn thừa can đảm và sẵn sàng chịu đựng tất cả những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần để sinh ra những đứa con.

* NGUYỄN DIỆU TÂM

Có một bài viết hay của BS Phan Giang Sang viết về chuyện "Đàn bà đi biển". Các bạn có thể đọc thêm ở đây :
http://vietluanonline.com/Danongdibien.html

6 nhận xét:

  1. Phải nói là đáng nễ mấy bà mẹ thế hệ trước thật!
    người nào cũng sanh nhiều và hầu như "bao trọn gói" việc nuôi dạy con cái!!
    Tớ thì...đầu hàng !

    Trả lờiXóa
  2. Mình còn nhớ sau 1975, lúc nhà nước khuyến cáo "mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con", công chức nhà nước mà sinh đến con thứ ba thì bị .. phạt, mất "tiên tiến", nhiều bà mẹ đã .. bất bình! Bà dì họ ( người đã làm mụ cho con dâu trong bài viết này ) than thở: " Ai đời mà cấm đẻ! Đẻ mà cấm! Ngày xưa được đẻ .. thoải mái!" Có nghĩa là thời xưa phụ nữ cũng đâu có sợ chuyện "đi biển"! Nhiều gia đình con đông đến nỗi hết đường .. đặt tên, làm luôn "thứ" như mười một, mười hai v.v. Hoặc "Út nữa", hay "Út ráng" v.v. Vậy mà cũng ổn hết mới hay.

    Trả lờiXóa
  3. Ủa! vậy mà mình cứ tưởng mấy bà ngán lắm chứ!
    Như má Ng, mình cứ nghe bà ca cẩm rằng hồi đó đâu có kế hoạch đươc nên cứ "bị"đẻ hoài! sức khoẻ cứ mòn dần, tay chân run rẩy!!

    Trả lờiXóa
  4. Nói vậy thôi Mỹ ơi, chứ đâu phải ai cũng muốn sinh nhiều đâu. Ngày xưa do ảnh hưởng Tàu con đàn cháu đống là nhà có phúc nên cứ muốn các bà sinh cho nhiều. Cũng may mình sinh ra trong thế kỷ 20 chứ lạc vào quá khứ chắc "tiêu" rồi!

    Trả lờiXóa
  5. Nói đến chuyện sanh đẻ mình nghĩ thấy thương cho thế hệ phụ nữ của đời trước , biết bao người bị chết oan trong lúc mang thai đến lúc sanh vì họ không được chăm sóc tốt về y tế và ngay cả bây giờ những phụ nữ nhà nghèo cũng vậy . Mình có con cháu , năm ngoái lúc đó mang bầu được 8 tháng , hôm đó là ngày đi khám thai như thường lệ , khi bác sĩ đo máu thì thấy nó bị cao huyết áp (bình thường huyết áp vẫn tốt ) nên bác sĩ giữ lại bịnh viện để theo dõi , cô nầy xin về nhà để được ăn tiệc lễ Thanksgiving rồi vô lại nhưng bác sĩ nhất định không cho và nói là sẽ rất nguy hiểm cho baby và mẹ , thế rồi tối hôm đó phải sanh mổ , hai mẹ con bình yên , sau đó huyết áp của mẹ từ từ trở lại bình thường .

    Trả lờiXóa
  6. Mai mến, Mai nói đúng đó. Em mình bình thường huyết áp cũng tốt nhưng đến lúc có thai lại bị cao huyết áp và hai chân sưng rất to như chân voi vậy. Bác sĩ cũng không cho về nhà lúc đang nằm viện đâu nhưng lần đầu nằm lâu quá nó chán đòi về. May mà không sao. Lần thứ hai thì bắt buộc phải nằm hơn 1 tuần cho đến lúc sinh luôn. Mới đây ở VN cũng có mấy ca vì cao huyết áp nên thai phụ bị tiền sản giật, có trường hợp cứu được con nhưng có khi cả mẹ lẫn con đều không cứu được thật tội nghiệp. Đó là chưa nói đến những trường hợp ngay cả sau khi sinh bị lên máu "sản hậu", cái này do tức giận quá mà gây ra ( vì chồng ) v.v.. Mình có một con bé nhân viên hoàn cảnh rất tội nghiệp, lúc nó mới 2 tuổi thì mẹ mất sau khi sinh em gái nó, vì buồn giận ông cha lúc nào cũng say sưa nhậu nhẹt. Hai chị em về ở với bà cô không chồng vì gia đình bà con không yên tâm khi các cháu ở với cha. Cô bé kể lúc nhỏ cứ thấy mẹ hiện về thăm 2 con hoài. Mình nghe xúc động quá, nhớ lại truyện "Phạm công Cúc Hoa" khi Cúc Hoa đã chết mà vẫn thương con mồ côi hiện về an ủi. Thương nó lắm nhưng năm ngoái nó đòi đi tu. Có nhiều lý do nhưng nay thì cô bé đã xuất gia rồi. Không ai ngăn được!

    Trả lờiXóa