Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

MƯỜI NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT ( II )



Phần II: LÂM TỲ NI, NEPAL.

Hành hương Ấn Độ đến các thánh tích tứ động tâm của Phật giáo có nhiều cách đi. Địa bàn hoạt động của Đức Phật chỉ trong phạm vi hai bang Uttar Pradesh,  Bihar và một phần của nước Nepal ngày nay, diện tích tổng cộng khoảng 340.000 km2  , chỉ hơn 1/10 diện tích của nước Ấn Độ ngày nay. Trong đó thành phố Kushinagar ở vị trí trung tâm các thánh tích, cách Lumbini khoảng 100km, cách Vaishali 150km, cách Sarnath 200km, cách Bodhigaya 300km, cách Sankasya khoảng 400km. Có nhiều đoàn chỉ đến hoặc sẽ đi từ Bodhigaya (Bồ Đề Đạo tràng) là nơi tập trung hành hương đông nhất, lớn nhất, riêng chương trình của chúng tôi có vẻ là đi khá nhiều khi từ New Delhi đi Agra, Lucknow, Shravasti, qua Nepal đến Lâm Tỳ Ni rồi mới trở về lại Ấn Độ đi theo tuyến đường Kushinagar- Vaishali- Patna - Nalanda - Rajgir - Bodhgaya viếng đền Đại Niết Bàn, đại học Nalanda, núi Linh Thứu, Bồ Đề đạo tràng rồi cuối cùng mới đến Varanasi viếng sông Hằng và Sarnath (vườn Lộc Uyển) và từ đây mới ra sân bay về lại New Delhi để chuyển tiếp máy bay đi Kuala Lumpur trở về Việt Nam. Vì vậy, có thể nói đây là một chuyến đi dài viếng được đầy đủ các thánh tích quan trọng của Phật giáo và một số địa danh lớn ở đất Ấn. 

Lumbini, Nepal.

Từ Shravasti, chúng tôi đi về biên giới Ấn Độ - Nepal. Xe đi qua nhiều tỉnh thành, làng mạc. Đồng thời đây cũng là những quãng đường mà tôi có thể nhìn thấy một đất nước Ấn Độ với nhiều sắc màu của nó. Thủ đô New Delhi với sân bay lớn, thành phố với những khu vực hành chính, khách sạn, nhà hàng, các shoping malls sang trọng; thành phố cổ Agra với kiệt tác đền Taj Mahal, pháo đài Agra đỏ nổi tiếng xa hoa lùi dần về phía sau, nhường chỗ cho những thị trấn nhỏ, những ngôi làng, đồng ruộng, người dân Ấn và sinh hoạt đời thường của họ. 


Càng đi xa dần thành phố càng nhìn thấy cảnh làng quê xơ xác nghèo nàn, nhất là hướng đi về phía Nepal. Hai bên đường cao tốc những cánh đồng cũng xanh tươi, hoa cải nở vàng khá đẹp nhưng những xóm làng nhỏ và nghèo lắm. Khi qua nhiều khu chợ quê, tôi nhìn thấy những cửa hàng nhỏ bề ngang chỉ chừng 1 m, rất nhỏ, nhìn từ trên xe xuống trông như một cái hộp. Một tiệm may chỉ vừa đủ đặt một cái bàn máy may. Tiệm hớt tóc chỉ vừa đủ chỗ cho một cái ghế để khách ngồi hớt tóc. Các tiệm tạp hóa, các xe hàng bán trái cây treo hàng chung quanh kín mít. Có đi xa ra ngoại ô mới nhìn thấy những khu nhà “ổ chuột” như trong phim “Triệu phú ổ chuột”.  Mỗi gia đình với đàn con đông nheo nhóc, tất cả ăn uống ngủ nghỉ chui ra chui vào trong các túp lều nhỏ xíu đó. Rất nhiều nơi không có nước. Và có đi xa qua những khu nhà gần đường rầy xe lửa mới thấy y hệt như những gì ta đã thấy trong phim ảnh. Những đứa bé sống loanh quanh đường rầy xe lửa, lang thang, nhem nhuốc và đến những điểm thánh tích, bạn sẽ gặp rất nhiều đứa bé, những người già, tàn tật nghèo khổ ngồi dọc theo ngoài cổng xin tiền. 


Trên chuyến xe lửa đi Lucknow, mọi người được phát mỗi người một phần bánh và một chai nước suối. Trên chai có ghi các điểm đáng chú ý:
"Nếu bạn tình cờ gặp một đứa bé trơ trọi một mình, có vẻ như bị lạc đường, tỏ vẻ sợ hãi, đang khóc hoặc bị đi kèm cùng những người nước ngoài. Những đứa trẻ này có thể cần sự giúp đỡ của bạn khi chúng có lẽ bị lạc, bị bán hoặc chạy trốn. Bạn có thể gọi cho số 100 hoặc 182 hoặc 1098 hoặc liên hệ với xếp ga, các cảnh sát địa phương trên xe lửa hay ở trạm xe lửa..."
Tình hình trẻ em tại Ấn Độ bị mua bán, bắt cóc, thất lạc đã xảy ra từ lâu và rất nhiều. Theo National Human Rights Commission (NHRC) vào năm 2005 là số trẻ em bị mất tích là 44.000 em, trong đó hơn 11.000 em không tìm ra dấu tích.
Đoạn đường từ Kushinagar đến Lumbini chừng 190 km. Đến cửa khẩu, xe dừng và chúng tôi chờ người hướng dẫn Ấn Độ đến khu xuất nhập cảnh trình passport của cả đoàn. Giữa trưa nắng chang chang và trên con đường mịt mù bụi đường, xe cộ đông nghẹt nằm dài chờ đi qua biên giới. Cũng hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới được đi qua. Đến Nepal, đoàn lưu lại khách sạn Lumbini Zambala, khá gần với vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh khoảng 2.600 năm về trước (c. 563/480 – c. 483/400 BCE).

Dưới cội bồ đề, nơi ngày xưa là cây Sala.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni khi trời còn mờ sương. Quang cảnh hai bên thơ mộng với những ao hồ cỏ cây hoang dại và những con cò, sếu đang kiếm ăn. Một hồ nhân tạo đang được đào dẫn từ ngoài cổng vào tận khuôn viên đền thờ hoàng hậu Mayadevi cũng khoảng hơn 1 km. Tôi nghĩ có lẽ sau này người ta sẽ dùng thuyền để đưa khách vào rút ngắn đường đi, còn hiện nay vẫn dùng xe lam chở khách và đường vào rất xấu.
Năm xưa, vào thời đức Phật tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha nay thuộc Nepal. Sau gần 10 thế kỷ hoang phế kể từ lúc các thánh địa Phật giáo bị tàn phá vào cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, dựa vào các bộ ký sự của các vị danh tăng Pháp Hiền (337-422) và Huyền Trang (602-664) vào năm 1896 hai nhà khảo cổ người Đức Alois A. Feuhrer và Khadga Samsher đã khai quật và phát hiện trụ đá A Dục (Asoka) trên vùng đất có tên “Rummindei”. Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni thành di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo. Ngày nay tại Lâm Tỳ Ni chỉ còn một cây bồ đề (nơi ngày xưa là cây Vô ưu), hồ Puskarni hay Holy Pond nơi hoàng hậu Mada đã nhúng nước trước khi hạ sinh đức Phật, trụ đá Vua A Dục và đền thờ hoàng hậu Mayadevi temple.

Mayadevi temple, đền thờ Hoàng hậu.

Cũng như ở Kỳ Viên tịnh xá, vườn Lâm Tỳ Ni có nhiều nhà sư đến ngồi thiền định, tu tập và rất đông các đoàn hành hương từ các nước Phật giáo khắp nơi đến chiêm bái, cúng dường tại đền Mayadevi, cội bồ đề, hồ nước thiêng và trụ đá vua A Dục. Có rất nhiều cờ Phật giáo và cờ phướn đủ màu do Phật tử Tây tạng giăng khắp nơi trên các tàng cây. Nhờ vậy, khung cảnh Lâm Tỳ Ni ngày nay vừa ngập tràn không khí linh thiêng mà rộn rã vui tươi như đón mừng đức Thế Tôn đản sinh.
 
Vui thay Phật ra đời!
Mùa lễ Phật đản (PL 2562 - DL 2018)

(Còn tiếp)
Tường thuật và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1797668043630284.1073742302.100001613180918&type=3

Tăng lữ khắp nơi dến Lâm Tỳ Ni tu tập.

Đọc thêm về Lâm Tỳ Ni:
Là một trong những nơi hành hương nổi tiếng của Phật giáo tại quận Rupandehi thuộc nước Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36km, Lâm Tỳ Ni được cho là nơi hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã sinh ra Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa), người sau này trở thành Phật Thích Ca và đã khai sinh ra Phật giáo. Đức Phật đã sống trong khoảng thời gian từ năm 563 đến 483 TCN. Lâm Tỳ Ni là một trong 4 nơi hành hương nổi tiếng và cũng là những nơi quan trọng gắn liền với đời sống của Đức Phật, 3 nơi còn lại là Kushinagar (nơi đức Phật nhập Niết Bàn), Bodh Gaya hay còn có tên Bồ Đề Đạo Tràng (nơi đức Phật thiền định 49 ngày dưới cây bồ đề và giác ngộ ra giáo lý của Phật giáo) và nơi cuối cùng là Sarnath (nơi đầu tiên đức Phật giảng Pháp - kinh gọi là chuyển Pháp luân).

Đoàn hành hương chiêm bái tượng dức Phật đản sanh tại Lâm Tỳ Ni.



Lâm Tỳ Ni tọa lạc dưới chân dãy Himalaya. Cách 25km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa, nơi được cho là đức Phật đã sống đến 19 tuổi trước khi xuất gia. Lâm Tỳ Ni có một số ngôi chùa và đền thờ trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada. Ngoài ra tại đây còn có ao Puskarni hoặc Holy, nơi Hoàng hậu Mada đã làm lễ nhúng nước trước khi sinh đức Phật ra đời. Tương truyền khi được sinh ra tại đây Ngài đã đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc đi bảy bước, mỗi bước đi của đức Phật đều được đỡ bởi một tòa sen phía dưới, Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói rằng:
"Aggohamámi lokámim
Settho ettho anuttaro
Ayaca antimà jàti
Natthidàni punabbhavo"
Dịch nghĩa:
"Đây là kiếp cuối cùng của ta
Duyên sanh không, không còn nữa
Trên trời và dưới đất
Ta là bậc chí tôn."

Câu trên đây thường được trích một phần: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" dịch ra tiếng Việt là: "Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý" được ghi trong Kinh Sơ-Đại Bản-Duyên trong bộ Kinh Trường A hàm Quyển Một, một quyển kinh ngắn lược thuật nhân duyên giáng sanh, thành đạo và giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta Bà. Nguyên văn câu đó được dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết". Đó là lời Đức Phật Thích Ca thuật lại khi Đức Phật Tỳ Bà Thi, vị Phật thứ nhất bổ sanh trong thế giới Ta Bà, ra đời đã nói lên lời như vậy, cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và "ấy cũng là thông lệ của chư Phật" (*)

Đoàn hành hương đến từ  Campuchia.

Ngoài ra nơi đây còn phần còn lại của cung điện Ca Tỳ La Vệ.
Vào thời của Đức Phật, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Hoàng hậu Mada đã hạ sinh ra đức Phật tại đây khi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ lúc bấy giờ. Các tấm phù điêu tại đây mô tả cảnh Hoàng hậu Mada với tay phải cầm một nhánh của cây Sala (Shorea) với một đứa trẻ sơ sinh đứng thẳng trên những cánh hoa sen, xung quanh đầu đổ một vầng hào quang hình bầu dục và cùng các thiên sứ của nhà trời cũng có mặt.


Khu vườn tượng miêu tả cảnh đức Phật đản sanh.

Năm 249 TCN, khi vua A-dục vương (Ashoka) đến thăm Lâm Tỳ Ni, nơi đây còn là một ngôi làng phồn thịnh. Vua A Dục đã cho xây dựng bốn ngôi tháp và một cột trụ bằng đá. Cây cột trụ bằng đá được khắc chữ và dịch ra như sau : “Ta là vua A Dục, là niềm tin tưởng của chư thiên, trong 20 năm trị vì này, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây…Lâm Tỳ Ni được giảm một phần tám thuế".



Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa (nay là Kapilavastu) khoảng 25 cây số về hướng Đông, cách biên giới Ấn - Nepal 36 cây số và cách thủ đô Nepal Kathmandu 320 cây số. Nơi đây đã có một thời gian lâu dài bị lãng quên. Mãi đến ngày 1 tháng 12 năm 1896, tức là khoảng 2500 năm sau, hai nhà khảo cổ người Đức Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher mới khai quật và phát hiện tại nơi đây một trụ đá có ghi khắc sắc lệnh của vua A Dục (Asoka), mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thế Tôn. Trụ đá được các nhà khảo cổ dựng lại ngay trên nền nguyên thuỷ, và công tác khai quật, trùng tu và bảo trì Lâm Tỳ Ni bắt đầu từ đấy.
Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni.


* Nguồn Internet tổng hợp Wikipedia, thư viện Hoa Sen (*).


* Hình 6, 7, 8, 9: Tăng lữ và tín đồ Phật giáo khắp nơi đến hành hương và tu tập tại Lâm Tỳ Ni trong một buổi sáng mùa xuân.
* Hình 4, 5: Khu vực hồ Puskarni (Holy Pond) này được xác định là nơi đức Phật đã đản sanh khoảng 2.600 năm về trước. Bên kia hồ là cây Bồ đề cổ thụ được trồng vào chỗ cây Vô Ưu hay Sala (Shorea) năm xưa.
Phía trước đền còn một trụ đá nâu của Vua A Dục người đã đến viếng thăm Lâm Tỳ Ni và cho khắc chữ xác định đây là nơi đức Phật đã đản sanh.
Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

2 nhận xét:

  1. Cúc Đỗ: Tuyệt vời! Tất cả bài viết và hình ảnh Dieu Tam Nguyen ơi!
    Ngoc: Chỉ một từ thôi bạn tôi: TUYỆT!
    Dieu Tam Nguyen Chỉ một từ mà làm cho mình quá xúc động vì không biết ... có được như vậy không! Cảm ơn các bạn thân yêu Luôn động viên.
    Marcy: Great Photos, I have never been to India! So happy that you are able to travel.
    Dieu Tam Nguyen: Thanks so much my dear Marcy!Travelling to India is one of my biggest dreams as I'm a Buddhist. Besides, I'm interested in culture, religions, people and their lives in different countries, esp the ones with long history and rich culture. The trips gave me lots of thoughts and views, then ideas for my paintings. One of my nephews said "Now I know... why you want to travel a lot"! ��
    My best regards to your family, my dearest friend!
    Doan Lien: Những kiến thức bổ ích, cám ơn Dieu Tam Nguyen nhiều nha,nhờ bạn mà mình biết được nhiều thứ!
    Nga Do: Viết tiếp và tiếp nữa đi DT ơi! Đang ghiền đó :-)
    Thu Nhan: "Kỷ niệm là chiếc gối êm ả cho ta lúc tuổi già" nên Dieu Tam Nguyen tạo thiệt nhiều "hình ảnh" để nhớ!
    Dieu Tam Nguyen: Có lẽ vậy đó Thu Nhan. Cảm ơn các bạn của mình!

    Trả lờiXóa
  2. KD Nguyen: DT ơi!Em diễm phúc đã được đặt chân lên đất Phật! Đã hiện diện trước vườn Lâm Ty Ni, nơi Đức Phật đản sanh.Tất cả đều là thật, khg phải là truyện cổ tích!
    Em hạnh phúc nhất thế giới rồi em DT ơi!
    Dieu Tam Nguyen: Có bằng chứng xác thực là thật, không phải là huyền thoại, truyền thuyết nên UNESCO mới đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khai quật tìm nên nhiều di tích liên quan đến cuộc đời đức Phật, trùng tu và tôn tạo rất lớn đó chị KD. Khi đặt chân đến những nơi này cảm xúc thật kỳ lạ chị ạ. Em cũng thấy em rất hạnh phúc và có duyên lành khi được đến đây. Hay lắm chị ơi.
    KD Nguyen: Chị xem em ghi lại mà chị còn mê! Huống chi em đã được đến tận nơi, chứng kiến tận mắt! Hạnh phúc biết dường nào!
    Dieu Tam Nguyen: KD em sẽ cố gắng kể trọn chuyến đi đến những Phật tích còn lại, chắc cũng phải vài kỳ nữa, bao gồm nơi Phật nhập Niết bàn, núi Linh Thứu, đại học Nalanda, vườn Lộc Uyển, và nhất là ở Bồ Đề Đạo tràng.

    Trả lờiXóa