Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

MƯỜI NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT ( I )



Phần I: NEW DELHI, AGRA, SHRAVASTI.

Bài viết và album ảnh này ghi lại những sắc màu, quang cảnh, thiên nhiên và con người trong những thành phố, xóm làng trên nước Ấn mà chúng tôi đã đi qua. Những hình ảnh này cũng sẽ làm cho tôi khó quên chuyến đi hành hương đầy ý nghĩa và ấm áp đến đất Phật khi 15 con người không quen nhau cùng gặp nhau trong đoàn du lịch.

Taj Mahal, ngôi đền của tình yêu vĩnh cửu.

Không thể không nhắc đến Anh Thy, người hướng dẫn chuyên nghiệp, kiến thức rộng, lanh lợi tháo vát, đặc biệt là có cái tâm lớn vô cùng. Tất cả những điều đó thể hiện qua cách hướng dẫn, sắp xếp lịch trình, nơi ăn chốn ở, tham quan, phương tiện đi lại cho cả đoàn trong suốt 10 ngày. Không chỉ thế, mỗi lần đến một địa điểm hành hương, anh đều giảng giải rõ ràng chi tiết cho chúng tôi hiểu, khuyên chúng tôi cần và nên làm gì ở đó. Sau chuyến đi, nếu hỏi rằng có điều gì làm những người đi hành hương trong đoàn chúng tôi phật ý, thì phải nói là không những không có gì dù chỉ là một chút sơ suất nhỏ mà là một chuyến đi thành công và tốt đẹp không thể ngờ. Đây là một chuyến đi không phải là du lịch như bình thường, mà Thy đang phải hướng dẫn những người lớn tuổi trong một chuyến hành hương đến những thánh tích quan trọng của Phật giáo. Anh tâm sự bao giờ dẫn đoàn đi Ấn độ anh cũng cảm thấy lo lắng, tâm trạng không thể như ở những chuyến đi khác. Khi xuống máy bay ở New Delhi và bắt đầu di chuyển đến Agra, đi xe lửa qua Lucknow v.v... trên xe anh phát cho chúng tôi mỗi người một bản kinh chú Đại bi và khuyên chúng tôi nên niệm Phật trên suốt con đường.

Đoàn hành hương viếng bảo tháp trưởng lão Cấp Cô Độc (Anathapindika)

Những giờ phút phải ngồi trên xe suốt nhiều tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi bắt đầu chia sẻ với nhau những câu chuyện của chính mình. Thì ra mỗi người trong đoàn chúng tôi tuy mục đích chung là hành hương đến các thánh tích của Phật giáo, nhưng mỗi người một tâm niệm riêng. Người thì đang bệnh, đi để cầu nguyện chư Phật gia hộ độ trì. Người thì muốn đi tìm hình ảnh những tượng Phật cho một khu du lịch tâm linh. Một anh khác, chúng tôi gọi đùa là "chuyên gia bắt ma" vì anh nghiên cứu về phong thủy và đã từng giải quyết một số chuyện kỳ lạ có liên quan đến linh hồn. Có một cậu thanh niên nghiên cứu về Mật tông. Một phụ nữ giàu có từng chỉ thích ăn chơi mua sắm bỗng phát tâm từ bi làm việc thiện sau khi được diện kiến ngài Đạt Lai Lạt ma. Và cuối cùng có một người phụ nữ đặc biệt trong đoàn, là H, đi cùng chồng. Cô sống ở nước ngoài đã hơn 40 năm, vất vả cũng nhiều và thành công đã từng trải qua. Giữa lúc công việc đang phát triển, tiền vô như nước thì cô mắc bệnh nan y. Được bác sĩ khuyên nên buông bỏ hết vì cuộc sống của cô không còn bao lâu, chỉ trong vòng 1 năm nữa thôi. H dẹp đau buồn, sắp xếp mọi việc cho con cái, rồi lên đường đi đây đó hưởng những phút giây còn lại. H tìm đến Thiền và Yoga, cuối cùng nhờ niềm tin, từ đó đến nay H đã sống thêm được 16 năm và chiến thắng được cơn bệnh. Cô bây giờ hạnh phúc và vui vẻ, vẫn tiếp tục những chuyến đi dù đã đi hơn 55 quốc gia trên thế giới. Tâm nguyện của cô chia sẻ nếu còn có kiếp sau, cô sẽ xin nguyện là tín đồ Phật giáo.

Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) ở thành Xá Vệ (Savatthi).

Quãng đường khá cực nhọc nhất là từ Lucknow đi Shravasti sau hành trình xe lửa từ Agra đến Lucknow hơn 4 tiếng đồng hồ. Kế đó là con đường từ Sravasti qua cửa khẩu Nepal để đến Lâm Tỳ Ni. Con đường dài, đầy ổ voi chứ không phải ổ gà, nắng nóng và bụi mù mịt vì trên đường còn rất nhiều xây dựng dang dở. Xe chúng tôi bị nổ lốp mà tài xế lại không có bánh xe secours để thay. Ngồi chờ bên đường mấy tiếng đồng hồ, cũng nóng ruột vì đêm đang dần buông, chung quanh chỉ là đồng không mông quạnh, xa xa là rừng núi hoang vu. Có một nhóm thanh niên phóng vù vù trên những chiếc xe gắn máy cứ lượn tới lượn lui khi thấy thấp thoáng các "bóng hồng". Họ dừng xe lại và làm quen ... bắt tay, nói một tràng tiếng Ấn. Sau đó thì chào tạm biệt còn cả đoàn lại lên xe và ngồi dồn cả bên trái vì bánh xe vẫn chưa được vá. Cả đoàn lúc này chỉ biết lặng thinh và niệm Phật. Chiếc xe lết về khách sạn Pawan Palace ở Srhavasti là gần nửa đêm.
Qua sáng hôm sau, Anh Thy đã kịp đổi xe và tài xế khác và chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đây là một trong những điểm đầu tiên của thánh tích, đó là thành Xá Vệ (Savatthi), kinh đô của nước Kiều Tát La (Kosala) do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cai trị vào khoảng thế kỷ 6 BCE ( trước Công nguyên).

Cây Bồ Đề cổ thụ ở Kỳ Viên tịnh xá, do tôn giả A Nan Đà (Ānanda) trồng.

Nơi đây có Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) mà trưởng lão Cấp Cô Độc (Anathapindika) đã mua của thái tử Kỳ Đà (Jeta) để làm nơi cư trú chính cho Đức Phật và các đệ tử. Phật và tăng đoàn đã trải qua 25 mùa an cư kiết hạ tại đây. Cách tịnh xá Kỳ Viên khoảng 5 km có một vườn xoài, đó là khu Đông viên Lộc Mẫu giảng đường (Pubbārāma Migāramātupāsāda), do nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (Visakha) cúng dường.
Trước cổng tịnh xá Kỳ Viên có một cây Bồ Đề cổ thụ đến nay vẫn còn, do tôn giả A Nan Đà (Ānanda) trồng, chiết cành từ cội Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo.
Savatthi ngày nay nằm sát biên giới Nepal- Ấn Độ, thuộc quận Shravasti, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow (thủ phủ của bang) 170km về phía bắc.

(Còn tiếp)
Tường thuật và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
Album ảnh: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1762028150527607.1073742297.100001613180918&type=3

1 nhận xét:

  1. Kh.Nguyen: Cám ơn chị cho đọc bài tường thuật về chuyến đi & câu chuyện về các thành viên trong đoàn thật hay
    Uyen: Đúng là bạn tôi ban C, viết cho người đọc những thích thú tuyệt vời Dieu Tam Nguyen.
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn các bạn đã xem. Mình thích những chuyến đi mới, nơi có lịch sử, văn hóa, tôn giáo v.v.. lâu đời mà Ấn Độ là một. Đã đọc và nghe nói đến từ lâu, nhưng vẫn có rất nhiều điều mình không hề biết cho đến khi đặt chân đến. Qua phần 2 mình sẽ nói đến một số điều cần thiết cho các bạn muốn đi Ấn Độ. Dĩ nhiên nếu các bạn đi tour thì các tour đều có những hướng dẫn cụ thể, mình chỉ nói đến những trải nghiệm của bản thân mà thôi, hy vọng giúp ích được cho các bạn chút xíu nào đó.
    Tran: Mình luôn luôn là độc giả trung thành của những bài viết tường thuật các chuyến đi ý nghĩa của bạn hiền Dieu Tam Nguyen! Cám ơn Diệu Tâm đã chia xẻ với mọi người!
    Kim: Em DT đã cho chị mở tầm nhìn. Nghệ thuật khảm đá thủ công đẹp ghê!
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn các bạn. Ấn Độ còn có nhiều ngành nghề thủ công khác rất tuyệt đó chị, nhưng rất tiếc tụi em không có nhiều thì giờ hơn để tham quan vì tập trung vào các thánh tích là chính, nhất là đi lần đầu.
    T. Le: Ngưỡng mộ DT từ lâu rồi nhưng qua loạt bài tường thuật về chuyến đi hành hương vừa qua về miền đất Phật tôi càng phục DT hơn nữa. Tôi thấy như DT đã vào được chốn enlightment cho nên đã nâng mình lên một mức cao hơn nữa...Congratulations DT for a work well done!
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn anh Le, người bạn lớn đã luôn động viên và ủng hộ DT. Viết về hành hương Ấn Độ cũng đã có nhiều sư thầy, tăng ni Phật tử, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo v.v... viết rất hay. DT chỉ viết theo cảm xúc và trải nghiệm của bản thân mình, viết rồi mới thấy mình như bơi trong chủ đề này anh ạ. Trong chuyến đi cũng rất may mắn gặp Anh Thy, một hướng dẫn viên (có lẽ cũng là cư sĩ vì anh tụng kinh hay lắm, và rất rành về các tôn giáo, kiến thức tổng quát do anh là người ham đọc sách từ nhỏ). Đi nhiều, nhưng không phải chuyến đi nào DT cũng gặp được một người hướng dẫn giỏi và có tâm như vậy. Anh chỉ nghĩ đến chuyện giúp cho mọi người trong chuyến đi an toàn tối đa, hiểu rõ hơn về Phật pháp, được phước báu từ những việc cúng dường và cầu nguyện của mình vì trong đoàn của DT chỉ là những người theo đạo Phật nhưng chỉ như người mới bắt đầu tìm hiểu cách tu tập mà thôi. Và DT cũng vậy.

    Trả lờiXóa