Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Chuyện Kể Muộn - Kangaroo Valley

Câu chuyện kể muộn...
Giáng sinh 2014.
Trong một quán ăn đồng quê ở thung lũng Kangaroo, tiểu bang New South Wales nước Úc có chàng ca sĩ đàn guitar và hát Hallelujah thật hay. Mùi thơm của bánh nướng lan tỏa trong gió. Thực khách ngồi rải rác bên những chiếc bàn gỗ mộc thô uống bia và ăn trưa. Đang trong mùa Giáng sinh, bầu không khí yên lặng và thánh thiện, dễ thương lạ thường. Xa xa là cánh đồng cỏ non xanh ngắt rung rinh những bụi hoa dại màu tim tím. Có những nông trại gần quanh đây. Đàn bò sữa có đến hàng trăm con đang nhẩn nha ăn cỏ hay nằm nghỉ ngơi dưới bóng những cây khuynh diệp. 
 
 
 
8 giờ sáng hôm ấy, có một cú điện thoại không báo trước của Tr., một người bạn đồng nghiệp cũ ở VN. "Chị chuẩn bị đi, hôm nay mình sẽ lên rừng và xuống biển cả ngày". Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, ra khỏi Sydney chừng 2 tiếng đồng hồ, xe dừng ở một look-out bên đường nhìn toàn cảnh thành phố trong thung lũng chạy dọc theo một dòng sông có tên Kangaroo river. Khi cốp xe mở, đã có sẵn một mâm bánh nướng thơm phức và bình trà nóng cho buổi sáng giữa núi rừng bao la.
Cảm ơn người bạn Úc (không phải là FB friend) đã âm thầm vào Face Book xem qua những hình ảnh tôi post, biết ngay sở thích của tôi nên tình nguyện đưa đi đây đó thăm cảnh đồng quê, núi rừng và biển ở vùng cao nguyên phía Nam NSW. Ông ấy rất ít nói, chỉ lặng lẽ lái xe và tự động dừng lại ở những địa điểm đẹp cho khách phương xa nhìn ngắm thưởng thức mà thôi. Khi vào rừng, ông mới bắt đầu nói về những loại cây đặc trưng của Úc, những loài chim rừng và nguồn gốc của nhóm thổ dân đã định cư ở vùng này từ những năm tháng xa xưa.Ông cũng để ý tôi chụp hình nhiều và chụp cả những bảng thông tin trên đường. Ông bảo "đó là một cách du lịch thông minh".
Có những cảm xúc đến nhanh và có khi đến khá chậm. Nhiều chuyện trên những chuyến đi của tôi đôi khi phải mất một thời gian, vài tháng, thậm chí vài năm tôi mới ngồi nhớ lại và viết ra được, thí dụ câu chuyện hôm nay.
 
 
Kangaroo Valley là một thung lũng dọc theo sông Kangaroo ở vùng Illawarra của New South Wales, Australia, nằm ở phía tây bờ biển thành phố Shoalhaven. Đó cũng là tên của một thị trấn nhỏ trong khu vực, trước đây gọi là Osborne, với dân số 844 người trong tổng điều tra năm 2011.
Kangaroo Valley là một thung lũng rộng có dốc thoai thoải bao quanh là các dãy núi cao của vùng Southern Highlands NSW, cách chừng hai giờ lái xe về phía tây nam Sydney và khoảng hai giờ về phía bắc thủ đô Canberra. Phía bên kia thung lũng là đèo Flying Fox và cách một vài cây số về phía bắc là thác Fitzroy Falls.
Những cư dân đầu tiên của Kangaroo Valley là thổ dân Úc Wodi-Wodi, được cho là đã chiếm vùng đất này khoảng 20.000 năm trước khi người châu Âu đến định cư tại Úc vào năm 1788. Một điều tra dân số năm 1826 cho thấy có 79 người thổ dân sống ở thung lũng trong năm khu lều riêng biệt. Vào tháng tư năm 1812, khi nhà thám hiểm George Evans trên con đường đi về hướng Bắc để thăm dò Vịnh Jervis Bay đã đi qua thung lũng. Evans đã cho rằng thung lũng này có một quang cảnh thiên nhiên tuyệt vời mà "không một họa sĩ nào có thể vẽ đẹp hơn thế".
 

Vào năm 1817 khi Charles Throsby, một nhà thám hiểm và thuyền trưởng Richard Brooks, cùng một người nuôi gia súc, đã bắt đầu khai thác cho việc định cư. Việc chặt hạ và xuất khẩu cây tuyết tùng nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp chính ở Kangaroo Valley. Vào giữa thập niên 1840, một số nông dân chăn nuôi bò sữa chọn nơi đây để sinh sống, chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa như bơ. Những sản phẩm khác như sữa không thể xuất khẩu vì cuộc hành trình đem ra khỏi Kangaroo Valley đi đến những vùng lân cận rất gian khổ.
Vào những năm 1870, nhiều hoạt động đã bắt đầu tập trung tại các khu vực mà ngày nay là ngôi làng trong khi các trung tâm khác ở Kangaroo Valley như Trendally, các ngành công nghiệp sữa trong khu vực đã suy sụp. Giáo Hội của Chúa Chiên Lành (the Church of the Good Shepherd, xây dựng năm 1870-1872) và nhà xứ (được xây dựng vào năm 1879 bởi John Tanner) Cả hai đều được thiết kế bởi John Horbury Hunt, và được liệt kê vào Di sản quốc gia.
 
 

Thung lũng đã thay đổi rất ít trong 130 năm qua, vẫn còn lại Hampden Bridge, cây cầu treo lâu đời nhất tại Úc, hoàn thành vào năm 1898, và ngôi trường cổ Barrengarry như là một minh chứng cho quá khứ khi Kangaroo Valley đã có một thời hưng thịnh với ngành công nghiệp sữa. Nông nghiệp vẫn còn tồn tại, mặc dù ngành công nghiệp khác như du lịch và vui chơi giải trí ngoài trời kể từ khi xuất hiện đã trở thành nguồn thu nhập chính.
Nhiều sự kiện được tổ chức hàng năm trong thành phố bao gồm các hội chợ nông nghiệp và gia súc, lễ hội dân gian như Kangaroo Valley Agricultural và Horticultural Show, Kangaroo Valley Folk Festival, Kangaroo Valley Village Markets...
 
 
 
Đến thung lũng Kangaroo ngày nay, bạn sẽ được nhìn thấy một cảnh quan núi rừng nhiệt đới tươi tốt. Băng qua những cánh đồng xanh rờn cỏ và hoa dại là những đàn bò sữa bên những dòng suối mơ màng. Trong bầu không khí trong lành bình yên của thung lũng, hãy ghé vào những quán rượu đồng quê và những quán bánh địa phương có mùi vị được cho là ngon nhất nước Úc. 
 
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Viết theo nguồn Wikipedia.



1 nhận xét:

  1. Dieu Tam Nguyen Vì câu comment của em trong bức ảnh đàn bò sữa trong thung lũng Kangaroo mà chị mới viết lại câu chuyện nhỏ này. Thank you, Dzung Le :-)
    Yesterday at 1:42pm

    Dzung Le ...Thx chị đã cho em và bb đọc thêm stt ...
    chi viết hay lắm chị Dieu Tam Nguyen!

    Nguyen Van Thích quá Dieu Tam Nguyen oi! Đọc thôi đã mê rồi.
    TS "Du lịch thông minh". Nhờ câu chuyện Tâm kể mình mới để ý kỹ đến chữ "lịch" trong 2 từ : "du lịch". :)

    Dieu Tam Nguyen Mình chỉ nghĩ đơn giản là khi đi nhiều và đi nhanh quá không thể ghi chép được tại chỗ tên vùng, địa phương, những ghi chú chi tiết ngắn về cây cỏ, lịch sử v.v... mà người ta đã gắn trên đường đi vào những nơi đến, trong rừng v.v... nên chụp hình lưu lại là cách nhanh gọn nhất để khi về nhà load cả ngàn tấm hình ra thì nhớ được đó là nơi đâu, TS :-)

    TS: Du lịch mà có ghi chép, ghi hình, tìm hiểu, ghi nhớ là du lịch thông minh chứ không phải chỉ cưỡi ngưạ xem hoa cho vui. Lịch là lịch lãm, biết xa hiểu rộng.

    Dieu Tam Nguyen "Lịch" trong "du lịch" khác với "lịch lãm" TS.
    Thật ra đó cũng chỉ là một cách để mình ... tiết kiệm tối đa trong việc học hỏi và hiểu biết thêm. Mỗi lần đi xa không dễ, mất thì giờ, công sức, tốn tiền mà chỉ đến một nơi nào đó, nhìn ngó, chụp hình ... bản thân cho biết tui đã đến đây), rồi đi dìa, hổng hiểu gì hết, lâu đài kia xây dựng hồi nào, của ai, làm gì, hay nơi đó là đâu, ngày xưa nó là cái chi, của ai? v.v... Thật là uổng phí. Túm lại, Tâm chỉ công nhận là Tâm "hà tiện" thiệt :-)

    Trả lờiXóa