Vào ngày rằm tháng tám năm nay, 2016, một cái
duyên đã đưa tôi đến với Tây Ninh. Hôm đó tôi vừa đi Bến Tre về, một cô bạn rủ:
"Ngày mai rằm tháng tám, ở Tây Ninh có lễ hội trăng rằm, đi không?"
Trong câu bạn nói, những từ như "Tây Ninh", "lễ hội trăng
rằm" ... thu hút tôi ngay lập tức. Cách đây mấy năm tôi đã đến Tây Ninh
tháp tùng vài người bạn đi tìm xưởng gỗ, nhưng chỉ vội vàng ghé Trảng Bàng ăn
bánh canh, đi ngang qua Tòa thánh Tây Ninh rất vội rồi trở về, từ đó cũng chưa
trở lại và chưa có ấn tượng gì. Vì thế lần này tôi đồng ý và chúng tôi lên
đường ngay trưa hôm sau.
Cách Sài Gòn chừng 100 km, nối cao nguyên Nam
Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh vừa mang đặc điểm của một cao
nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng. Tây Ninh nằm sâu trong
lục địa, có địa hình cao núp sau dãy Trường Sơn, ít chịu ảnh hưởng của bão và
có những yếu tố thuận lợi khác để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, đặc biệt
là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc.
Dưới chân núi Heo, thuộc quần thể di tích núi Bà. Ảnh: Diệu Tâm |
Trên đường đi đến Tây Ninh, bạn sẽ thấy những
cánh đồng lúa mênh mông xanh ngắt, những ngọn núi xa xa, từng đàn bò nhởn nhơ
ăn cỏ, vịt ngỗng lội trong ao... Cảnh vật và nhà cửa hai bên đường cho thấy một
Tây Ninh rất trù phú.
Chúng tôi nghỉ qua đêm ở nhà cô bạn gần Tòa thánh
Tây Ninh nơi đã có lễ hội trăng rằm rất lớn và ngay đêm hôm ấy chúng tôi đã
được thưởng thức và chứng kiến một hội Yến Diêu Trì cung vô cùng long trọng,
đầy ý nghĩa với sự tham dự của hàng chục ngàn tín đồ Cao Đài từ khắp nơi đổ về
và khách tham quan.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường vào rẫy
trồng cây củ mì và mãng cầu của gia đình bạn. Thấp thoáng ngọn núi Bà với mây
trắng phủ lững lờ trước mặt thật nên thơ. Lúc đó tôi mới biết đây thuộc khu vực
quần thể di tích núi Bà trải rộng trên diện tích 24 km2 gồm 3 ngọn núi tạo
thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đặc biệt núi Bà Đen là ngọn núi cao
nhất Nam bộ (986 m), quanh năm có mây trắng phủ nên có tên Vân Sơn. Tên gọi núi
Bà Đen bắt nguồn từ truyền thuyết về cô gái có tên Thiên Hương quê ở Trảng Bàng
xinh đẹp với làn da bánh mật từ thế kỷ 18 đã hiển linh sau khi chết nên về sau
người dân gọi cô là Bà Đen, được lập đền thờ để nhân dân tiện việc cúng bái.
Các cuộc hành hương về chùa diễn ra vào mùa xuân - Lễ Thượng ngươn, còn gọi là
Hội Xuân núi Bà - đã trở thành tập tục tâm linh quen thuộc từ đây. Nơi đây cây cối
xanh tươi, đường lên núi quanh co, uốn khúc, gập ghềnh đá núi thiên nhiên, mây
trời luôn bao phủ nên cảnh rất thần tiên. Lên đến núi khách hành hương sẽ chiêm
bái Điện Bà (Linh Sơn Thánh mẫu) và chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự).
Quanh năm mây trắng bao phủ núi Bà. Ảnh: Diệu Tâm |
Nhờ có người địa phương hướng dẫn, chúng tôi được
nghe câu chuyện kể về một sư bà gần trăm tuổi hiện vẫn còn ở chùa Bà. Mỗi lần
xuống núi là sư bà đi bằng kiệu có người khiêng. Sư bà sẵn lòng giúp đỡ những
ai nghèo khó, bệnh nặng. Nhưng để lên được trên núi và gặp được bà không phải
là chuyện dễ dàng.
Hôm ấy là mùa thu hoạch mãng cầu. Chúng tôi được
vào tận vườn xem cảnh thu hoạch. Nhà vườn tiết lộ cách trồng cây, từ cắt cành
tuốt lá, tỉa bông cho đến ra trái mất chừng 3, 4 tháng. Trái mãng cầu nhờ đất
tốt vùng núi Bà mà ngon ngọt lạ thường. Về Tây Ninh ăn đặc sản như bánh canh,
bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng đã lâu, thêm nhiều loại rau rừng mọc quanh núi
Bà, bò ăn cỏ núi Bà ... vừa ngon miệng, lại yên tâm vì "vườn nhà
trồng". Vườn nhà bạn cũng đang trồng mãng cầu và thanh long, cùng nhiều
loại cây ăn quả khác, lại nuôi hàng trăm con gà tre, bạn kể ban đầu nuôi gà mái
dầu, đêm đêm vẫn bị ăn trộm, anh chồng tức mình nuôi gà tre, đêm chúng bay trên
cây ngủ, trộm không bắt được nữa.
Mây trời trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Internet |
Từ rẫy mãng cầu, chúng tôi đi vòng quanh chân
núi, đến khu du lịch Ma Thiên Lãnh, nơi có rừng nguyên sinh và những dòng suối
trong vắt. Có những chiếc cầu gỗ đơn sơ bắc qua suối. Đâu đó có tiếng chim rừng
hót. Khung cảnh thật bình yên, thơ mộng.
Vẫn còn nhiều nơi đến hấp dẫn ở Tây Ninh mà chúng
tôi chưa đi hết. Một năm Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh có hai lần hội lớn, một là
vào mồng chín tháng giêng, hai là đêm rằm tháng tám, cùng hội Xuân núi Bà ...
Chúng tôi cùng hẹn mùa xuân sẽ đến.
Từ Sài Gòn, phương tiện dễ nhất là bạn đi xe bus
ra bến xe An Sương, đón xe về Tây Ninh. Giá vé chỉ chừng 55.000 đ. Đến nơi lại
có xe trung chuyển chở về tận nơi nghỉ qua đêm. Đường đi chỉ mất chừng 2 tiếng
rưỡi. Không xa, lại được thưởng thức không khí núi rừng trong lành, được ăn bò
tơ nhiều món, gà thả vườn, bánh tráng, bánh canh ... với rau rừng. Sẽ là những
cuối tuần vui vẻ thú vị.
Nguyễn Diệu Tâm
Tiffany Em cám ơn chị Tâm đã chia sẽ hình ảnh đẹp & tường thuật lại ~ chuyến đi thăm miền quê cho tụi em đc thưởng thức thật thú vị. Em rời xa Sài Gòn lúc có 17t nên ko biết gì nhiều về quê hương mình, nhờ chị mà em đc thấy, hiểu đc tính chất & quan cảnh của từng miền.
Trả lờiXóaDieu Tam Nguyen Cảm ơn em Tiffany. Lần đầu chị đi Tây Ninh là vào dịp lễ hội trăng rằm tổ chức rất lớn ở Tòa Thánh. Ấn tượng lắm em!
Hồng Phượng Vui cùng Tâm - một ngày thật đầy đủ và ý nghĩa !
Nguyen
Cám ơn bạn, thi thoảng được đọc vài bài văn, thấy nhớ thời đi học, càng kính trọng và biết ơn các bậc tiền bối như Thạch Lam, đã làm cho hs yêu mến quê hương
Dieu Tam Nguyen Cảm ơn Nguyen đã ghé xem và comment. Đúng như bạn nói, thời chúng ta đi học được đào tạo đầy đủ, lớn lên qua những áng văn thơ Tự lực văn đoàn, tình yêu quê hương đậm sâu và nên thơ lắm!