Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

LỄ HỘI TRĂNG RẰM THÁNG TÁM Ở TÂY NINH



Ngày rằm tháng tám năm nay (15/09/2016), lần đầu tiên được đến Tây Ninh xem đại lễ hội Yến, tôi không thể tưởng tượng nổi lượng người đổ về Tòa Thánh lại đông đến thế. Từng đoàn xe bus 60, 30 hay 16, 4 chỗ ngồi từ Tp HCM, các thành phố miền Đông Nam bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước ... hay các tỉnh miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau v.v... nườm nượp đổ về Tây Ninh đậu ken kín các con đường gần Tòa Thánh cùng từng đoàn người lũ lượt đi đến lễ hội. Dọc hai bên đường có những quán nước, quán ăn phục vụ thức uống và cơm chay miễn phí cho người đi dự hội. Có nơi còn dành cho khách ở xa nơi ở tạm một đêm trong nhà của họ, đông quá thì có thể ngủ ngoài hiên chờ sáng mai về sớm. 

Tòa Thánh Tây Ninh chiều 15 tháng 9 năm 2016 (rằm tháng tám)

Tòa Thánh Tây Ninh được xem là một trong những Thánh địa tôn giáo lớn nhất thế giới. Tòa Thánh tọa lạc tại thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía đông nam. Khuôn viên nội ô Tòa thánh rộng 1 cây số vuông, có hàng rào bao bọc chung quanh và gần 100 công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ khác nhau. Liên kết giữa những kiến trúc này là các con đường rộng thênh thang. Kiến trúc bố cục Tòa Thánh cũng chứa đựng những quan điểm triết lý, tôn giáo hoặc huyền học. Tòa Thánh có 12 cổng tam quan xây dựng theo 3 dạng kiến trúc khác nhau. Cổng lớn nhất được gọi là Cửa Chánh Môn, 11 cổng khác nhỏ hơn được đánh số từ 1 đến 12 (không có Cửa số 5). Riêng kích thước thực tế của Tòa Thánh dài 97.5m, rộng 22m.
Hằng năm, có rất nhiều lễ hội đặc sắc diễn ra tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, trong đó có hai lễ hội lớn nhất: đó là Lễ vía Đức Chí Tôn vào mùa xuân nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng và Lễ hội Yến Diêu Trì Cung (hay vía Đức Phật Mẫu) nhằm ngày rằm tháng tám.

Tòa Thánh Tây Ninh. Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung 2016

Theo nguồn sử liệu của đạo Cao Đài, sự tích Hội Yến Diêu Trì Cung bắt nguồn từ buổi cầu tiên vào đêm Trung thu năm Ất Sửu (1925), khi đó chưa khai mở đạo Cao Đài. Đó là một bữa tiệc chay long trọng mà các tín đồ Cao Đài dâng lên Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương.
Người đạo Cao Đài quan niệm Hội Yến Diêu Trì Cung là ngày Đức Phật Mẫu đem bí pháp giải thoát chúng sanh, tận độ toàn vạn sinh linh. Đây cũng là ngày tạo thành hình tướng hữu vi của đạo. Vì vậy, hàng năm đến ngày rằm tháng Tám, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đều tổ chức Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung rất long trọng để tỏ lòng tôn kính đấng Đại Từ Mẫu. Đây cũng được chọn là ngày lễ hội của phụ nữ Cao Đài, nên Hội thánh tổ chức hội thi về nữ công gia chánh cho các tín nữ Cao Đài. Ngày rằm tháng tám cũng là ngày Tết Trung Thu nên Hội thánh cũng tổ chức cho nhi đồng dâng đèn hoa vào lúc chiều tối ngày 14 và ngày 15, gọi là Dâng Cộ Đèn, gồm có màn biểu diễn của Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng), theo sau là đám rước Cộ Tiên của Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên nương mô phỏng theo đám rước của dân gian. 
 
Rước Cộ Tiên Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên nương.

 Cũng như mọi năm, lễ hội Yến Diêu Trì Cung năm nay khai mạc rước Cộ đèn vào lúc 18:30 giờ, đến 21:00 giờ khai mạc hội Yến và kết thúc lúc nửa đêm. Trước khi đến lễ hội, những người bạn là tín đồ Cao Đài ở Tây Ninh nhắc chúng tôi đem theo áo mưa, dù, vì họ chắc chắn là đêm nay sẽ có mưa: "Năm nào cũng vậy, cứ đến lúc bắt đầu Cộ đi là trời mưa". Tôi nửa tin nửa ngờ, vì nghĩ bây giờ là mùa mưa nên nếu có mưa thì chuyện đó không lạ, nhưng tại sao lại là "mưa lúc bắt đầu Cộ đi"? Những ngày này có một cơn bão lớn vừa đi qua miền Trung, nhưng ngày hôm nay trời nắng đẹp, và khi đêm về nhìn lên bầu trời có nhiều mây nhưng vầng trăng rằm vẫn ló dạng, tuy không sáng rực rỡ nhưng trên nền trời đêm xanh thẫm, vầng trăng tỏa ánh sáng thật huyền ảo, đẹp lạ kỳ. Lúc bắt đầu Cộ đi khởi từ Ban Thuyền Bát nhã đến Báo Ân Từ rồi Đền Thánh, Đại Đồng Xã, thì những hạt mưa nhẹ bắt đầu rơi lất phất. Mọi người vẫn không tin sẽ có mưa. Vậy mà thật là lạ, đúng như lời nhiều người nói, cơn mưa bất ngờ trút như thác đổ, chỉ trong vòng chưa đến 5 phút, giông gió bắt đầu nổi lên, mưa rất to và kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ mới ngớt. Mọi người chạy tán loạn tránh mưa. Nhiều người chạy vào các dãy hành lang hai bên tòa Thánh, nhưng đa số vẫn đứng ngoài mưa xem rước đèn. Một cô bạn đi cùng cũng lần đầu tiên dự lễ hội thầm thì với tôi: "Lạ thật chị nhỉ"?
 
Khi trăng lên.

Đến 21 giờ, khi đoàn múa và Cộ vừa kết thúc thì bắt đầu khai hội Yến, mọi người cùng đổ về Báo Ân Từ phía bên trái Tòa Thánh, đội mưa lội sình đi thêm gần nửa cây số nữa mới đến khu trưng bày trái cây hoa quả dâng cúng. Nội dung trong các gian hàng triển lãm thường là các đề tài về lịch sử dân tộc, tôn giáo hay các đề tài có liên quan đến văn minh của nhân loại. Chức Sắc Hiệp Thiên Đài chịu trách nhiệm chính trong buổi Lễ hội Yến này.
24:00 giờ, khi lễ Hội Yến trong nội điện đã xong, số hoa quả phẩm vật được chia cho khách thập phương và những người tham gia lễ hội với niềm tin nhận lộc của Phật Mẫu ban cho để sống tốt đẹp và tử tế hơn, được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống.
Đêm 15- rạng 16 là thời gian chính của Lễ hội Yến. Có ngắm nhìn tận mắt mới thấy một hội Yến, một triển lãm dành cho các họ đạo Cao Đài Tây Ninh trong và ngoài nước quá lớn và quá đẹp.

Một góc các gian hàng triển lãm trong lễ hội Yến Diêu Trì Cung 2016

Trong cảnh lễ hội long trọng lộng lẫy đêm rằm, tôi nhìn thấy một miền Tây Nam bộ với hàng nghìn tín đồ ngoan đạo Cao Đài thành kính dâng lễ vật cúng dường đức Phật Mẫu. Vào những ngày này, vì tín đồ và du khách thập phương từ khắp nơi đổ về quá đông nên hàng trăm tín đồ Cao Đài đã tự nguyện về Tòa Thánh để làm công quả. Hội Thánh đã tổ chức phục vụ cơm chay miễn phí suốt 3 ngày. Ngoài đường có nhiều hàng quán cũng tham gia làm công đức, miễn phí thức ăn nước uống, chỗ nghỉ cho mọi người đi hội. Cả thành phố hòa vào lễ hội tưng bừng, không khí vui như đêm giao thừa Tết Nguyên đán ở Sài Gòn. Cảnh sát và các nhóm bảo vệ rất đông để giúp cho lễ hội được diễn ra trong an toàn và trật tự. Đêm nay đúng là một đêm lễ hội trăng rằm tháng tám ấn tượng nhất trong đời mà tôi được chứng kiến.

* Bài viết và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Bài viết có sử dụng một số tư liệu tham khảo từ trang http://btgcp.gov.vn

3 nhận xét:

  1. Tiffany Wow... em mới nhìn thấy hình này tưởng là chị ghé chùa Thánh Thất Cao Đài ở Houston nữa chứ. Họ xây các chùa giống nhau quá. Gđ Ngoại của em đạo Cao Đài nên Me em cũng đi chùa Cao Đài ở Houston, thĩnh thoảng em cũng đi theo Me em đến chùa.
    Chùa ở Houston cũng mới khánh thành đc 1-2 năm nay đó chị.
    http://www.daotam.info/booksv/pdf/bantinthedao/ProgramBrochure-Vietnamese.pdf

    Dieu Tam Nguyen Cùng một lối kiến trúc mà em. Nhưng tòa thánh ở Tây Ninh lớn hơn nhiều lắm. Ngay ở Tây Ninh cứ mỗi xã có một thánh thất và đền thờ Mẫu (luôn đi kèm một cặp), và những chi nhánh này cũng lớn tuy không bằng tòa thánh chính đó Tiffany.

    Trả lờiXóa
  2. Ngoc Thinh DTam viet bai qua hay , minh doc bai nay hieu them ve truyen thuyet ho dao Cao Dai , nhung tai sao ko co cong so 5 T biet ko ke minh nghe voi, Ua con chi tiet mua lon qua co nguoi duoc be qua hanh lang sao ko nghe ke den nhi, hihi qua vui!
    Dieu Tam Nguyen Thanks a lot tiên cô Ngoc Thinh! Cả ngày hôm qua bận, đến 9 g tối mới viết bài và post hình... đến 12 g khuya mới thăng nên viết nhiêu đó thôi, buồn ngủ quá ... Nhiều chuyện vui ha Thinh, sẽ từ từ thêm sau.

    KH Cảm ơn DT, đọc bài viết tưởng như mình đang có mặt tham gia lễ hội.

    Dieu Tam Nguyen Vui lắm KH ơi. Cảm ơn KH đã đọc. Chủ nhật vui vẻ nha KH.

    Trả lờiXóa
  3. Dieu Tam Nguyen Ngoc Thinh, mình đọc trong trang web đạo có giảng về con số 5 như sau:
    "Số 5 là do 1 và 4 kết thành hay là 2 và 3 hiệp lại. Hai ấy là Âm Dương, 3 ấy là ba ngôi chủ tể đầu tiên của vạn hữu. Số 5 tức là càn-khôn đã an-vị rồi, xong xuôi hết, đã sắp đặt đâu đó có thứ-tự an-bày.
    Số 5 là số ở giữa 10 con số, tức là số tiêu-biểu sự thăng-bằng, trung chánh, không nghiêng-lệch, Dương không thái-quá, Âm không bất cập. Vừa-vặn dung-hòa nhau mới có thể cấu-tạo thành bào thai được.
    Các Thánh bên Á-Đông dùng con số 5 để tóm thâu tất cả các lý lẽ cao sâu, huyền-bí của tạo-hóa và sự cấu hợp của muôn vật lại, có cả sự dung-hòa để duy-trì sự cần thiết tức là con số thiêng-liêng bao gồm cả một lý-thuyết tinh-vi của thiên-lý".
    Những thể pháp ứng với con số 5 trong đạo rất vi huyền. Về Thiên nhãn cũng có 5 dạng thức ( 5 nét từ chữ MỤC trong Hán văn ). Các bậc thang trước Tịnh Tâm đài cũng có 5 bậc. Khi cúng phẩm th ắp 5 cây hương v.v... Nói chung con số 5 rất thiêng liêng. Mình nghĩ có lẽ vì vậy mà cổng số 5 không có.
    Đọc trên báo nld.com.vn có trả lời câu hỏi của Thinh như sau:
    "Cổng số 5 không có đã làm cho nhiều người thắc mắc. Một vài chức sắc ở Toà thánh khi được hỏi cũng không biết rõ vì lý do gì, chỉ trả lời chung chung là do các bậc bề trên quyết thế nào, thì theo thế. Nhưng câu hỏi này đã được ngài Tổng giám Công viện trả lời thật giản dị: - Chẳng qua là Thánh địa Cao Đài có 12 cổng, chia ra 4 cạnh thì mỗi phía chỉ có 3 cổng mà thôi. Mà tường phía Tây đã đủ cả ba cổng rồi (tính cả cổng Chính môn), nên không có cổng số 5 là vậy!"
    http://nld.com.vn/dia-phuong/thanh-dia-cao-dai--muoi-hai-cai-cong-2012020910560858.htm

    Trả lờiXóa