Tình cờ tôi xem được từ You Tube những video chủ đề History of Music và rất thích thú.
Tôi cũng biết các bạn cùng lứa với mình một thời chỉ thích nghe nhạc Pháp với Francoise Hardy, Christophe, Adamo ..., nhạc Anh với Lobo, Abba, The Beatles, Bee Gees ..., nhạc tiền chiến Việt Nam, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, kể cả nhạc Bolero v.v...
Tôi cũng vậy. Và chưa một lần tìm hiểu về lịch sử âm nhạc. Không biết nó từ đâu đến, cái âm thanh kỳ diệu của cuộc đời ấy, có khi chỉ nghe một lần mà tiếng vọng của nó còn lại đến suốt đời... Thỉnh thoảng cậu em trai, người “nghệ sĩ” nhất trong nhà, lúc đó hãy còn bé mà đã thích ngồi ngoài hành lang đàn những bản nhạc classic với cây đàn guitar cũ, những Nocturne, Moonlight Sonata, La Cumpasita, Romance de Amor v.v... Tôi nghe và thấy thích. Nhưng piano thì chưa bao giờ nghe “live” và cũng chưa bao giờ được diện kiến những nghệ sĩ đàn chứ đừng nói chi đến chuyện ... “quen”.
Vậy mà đã lâu lắm rồi, từ sau cái ngày tháng tư năm ấy ... Có lần buồn buồn đi lang thang trên phố Lê Lợi một mình, định chui vào rạp xi nê Rex để tìm hương ngày cũ, thì tôi bắt gặp ... một nhạc sĩ vĩ đại của châu Âu và của thế giới. Bạn biết ai không? Beethoven!
Nói thì nghe "oai" quá. Nhưng rõ ràng là Beethoven y hệt như trong bức ảnh tôi đưa vào ở đây. Tên thì có nghe nhưng đó là lần đầu tiên mình biết “mặt” ông ấy. Từ một bức ảnh hình bìa của một xấp nhạc mà một anh chàng cao nghều đi ngược chiều với tôi đang ôm trên tay. Bức ảnh thu hút tôi. Mái tóc bù xù. Chiếc khăn quàng cổ màu đỏ... Đôi mắt chằm chằm nhìn vào khoảng không như đang lắng nghe những giai điệu tuyệt vời đang tuôn chảy xuống trang giấy từ đầu ngòi bút ông cầm. Bức ảnh đẹp quá, tôi nghĩ vậy. Thế là hai đứa đâm sầm vào nhau. Xấp nhạc rơi xuống đất. Tôi lúng túng xin lỗi. Anh chàng kia cũng luýnh quýnh xin lỗi vì không biết ai va vào ai trước. Rồi cả hai cùng cúi xuống nhặt những tờ giấy vương vãi dưới chân. “Xin lỗi anh”... Tôi lắp bắp, mặt đỏ bừng. Anh chàng kia vừa nhặt vừa nói: “Xin lỗi cô. Lỗi tại tôi...” Khi nhặt hết những tờ giấy rơi, tôi chào anh và định đi tiếp, nhưng anh chàng vội vàng giữ lại và hỏi: “Xin lỗi, cô định đi đâu vậy?” - “Tôi ... tôi định đi xi nê”... Tôi ấp úng trả lời. - “Cho tôi đi với được chứ?” - Ừ ... à... cũng được. - Phim gì vậy? - Tôi cũng không biết nữa! Rạp xi nê gần đó. Vậy là anh chàng chạy vào quầy mua 2 tấm vé. Như để chuộc lỗi ... va phải tôi. Còn tôi thì ân hận ... va trúng hắn. - Bức ảnh bìa của xấp nhạc anh cầm đẹp quá. Ai vậy? Tôi hỏi. Anh chàng trả lời: Beethoven. Chỉ thế thôi. Tôi cũng không hỏi thêm anh ta là ai, làm gì với xấp nhạc và bức ảnh Beethoven. Nhưng từ đó tôi bắt đầu chú ý đến Beethoven.
Lần thứ hai tôi lại gặp anh ta trước cổng trường đại học sư phạm lúc trường đã dời từ đại lộ Cộng Hòa về Trương Minh Giảng, như đang chờ ai. Vừa tan lớp chiều, vội vã đi ra cổng thì anh chàng chận lại: “T. nè, hôm nay rảnh không?” - “Rảnh, bộ tính đi đâu hả? Ủa mà sao biết tui học ở đây?” Anh ta cười: - “Biết chứ!” Rồi anh chở tôi đi lên Sài Gòn. Đi bộ một lát, anh kéo tôi vào một tiệm phở trên đường Ngô Đức Kế: “- Vào đây nghỉ chân ăn phở chút nghe!”
Tiệm phở nhỏ, nhưng gọn gàng, sạch sẽ, trang trí thanh lịch. Và có vẻ như là nơi anh chàng rất hay đến. Trong lúc chờ phở dọn ra, anh đột nhiên đứng dậy đi vào bên trong, sau một tấm màn ngăn. Đang thắc mắc thì chừng vài phút sau tôi bỗng nghe tiếng đàn piano thánh thót vang lên sau tấm màn. Những âm thanh như chưa bao giờ được nghe. Một cảm xúc lạ kỳ ập đến. Nó làm cho tôi lâng lâng như đang bay qua những mái nhà, qua những con phố, những tầng mây và vói đến chiếc trăng vàng đêm rằm... Lần đầu tiên tôi có cảm giác ấy. Thật kỳ lạ. Cũng có thể vì âm thanh của piano. Mà cũng có thể vì anh ta đàn hay. Hay như thế nào tôi không nói được, vì tôi không rành âm nhạc. Chỉ thấy là tôi muốn ngồi đó nghe mãi ... không cần phải ăn! Tôi đã nói là chưa bao giờ được nghe piano “live”, chỉ nghe khi xem qua phim ảnh, qua các dĩa hát ở nhà. Tôi thầm nghĩ, vậy là biết anh ta làm nghề gì rồi. Chừng nửa tiếng sau, khi trở ra, anh nói: “Ăn phở xong, có thích bản nhạc nào nhớ nói C. đàn cho nghe nha!” Sau đó tôi có yêu cầu mấy bài: “Cây đàn bỏ quên”, “Tình xa”, “A Time For Us”... mà tôi biết. Nhìn C. lúc này, tự dưng thấy anh khác hẳn. Hình như âm nhạc làm cho người ta thay đổi, làm cho người ta trở nên thánh thiện hơn!
Ngày tháng trôi qua. Mùa Giáng sinh đã đến. Sau vài lần ghé đến nhà thăm tôi, lần nào cũng lỉnh kỉnh với những xấp nhạc photocopy, một lần tôi gặp lại người con trai ấy lúc đang chạy xe máy trên đường phố Tân Định đông đúc. Anh rượt xe theo và chỉ kịp nói: “Đêm 24, T. nhớ đến nhà thờ Tân Định nghe. C chờ ở đó”.
Đêm Giáng sinh. Bao nhiêu lần rồi cũng vào đêm Giáng sinh. Ngày còn ở Qui Nhơn đêm Giáng sinh lần đầu tiên M. rủ đi nhà thờ chánh tòa trước khi anh giã từ đời học sinh gia nhập quân ngũ. Chẳng làm gì tôi chỉ thích đến ngắm hang đá và tượng Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ. “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê Lem ...” Bài hát ấy tôi cũng thuộc một chút. Cứ vào đêm Noel, nghe bài hát này thấy hay lắm! Không cứ lúc còn nhỏ, đến nay mỗi lần Giáng sinh đến tôi cũng còn háo hức đến nhà thờ xem trang trí hang đá. Bây giờ là lần thứ hai tôi đến nhà thờ. Mà còn được “mời” hẳn hoi bởi một người có đạo. Nhưng tôi không dám đến một mình mà rủ cô bạn thân đi cùng. Nhà thờ thật lộng lẫy, đèn hoa giăng rất đẹp. Người đến lễ rất đông. Không biết vào theo lối nào, tôi và bạn đứng chờ mãi ngoài cổng mà không thấy C. đâu. Cuối cùng tôi và cô bạn chọn chỗ ngồi sau cuối, cạnh cửa ra vào. Khi giàn đồng ca tiến lên sân khấu và tiếng đàn organ bắt đầu thánh thót vang lên, tôi mới nhận ra anh chính là người chơi đàn ở nhà thờ trong đêm Noel năm ấy.
Nhưng đó cũng là đêm cuối cùng tôi gặp C. Vì thánh lễ đêm Giáng sinh kéo dài đến nửa đêm, chừng hơn một tiếng đồng hồ tôi lại sốt ruột muốn về vì không dám đi khuya, tuy cũng quỳ trong nhà thờ “con quỳ lạy Chúa trên trời”, nhưng sau đó phải cho cô bạn về sớm và tôi cũng phải về vì sợ mẹ rầy. Vì vậy không gặp C. và từ đó tôi cũng không bao giờ gặp lại anh nữa. Chắc đêm đó anh ấy cũng đi tìm tôi mà không thấy và tưởng là tôi đã không đến.
Thời gian trôi qua. Không tin tức gì. Tôi nghĩ là C đã đi thật xa rồi kể từ dạo ấy, trong những ngày hoang mang nhất. Và anh còn có mặt trên đời này hay không tôi cũng không biết nữa. Chỉ cầu mong sao anh - cũng như những người bạn khác của tôi đã ra đi kể từ những ngày tháng tư buồn đau năm ấy, được bình yên. Tôi vẫn nhớ anh có tặng tôi một bản nhạc của Beethoven. Bản copy đen trắng nên bức ảnh của Beethoven không đẹp bằng bức ảnh màu. Nhưng đã quá lâu rồi, bản copy lạc về phương trời nào xa lắm rồi. Vậy mà giờ đây, cứ nhìn thấy bức ảnh này của Beethoven, tôi lại nghĩ đến anh, người đã cho tôi biết ... Beethoven và nhạc piano classic.
* Ảnh: Nhạc sĩ Beethoven ( Internet )
Gửi bạn những link sau đây:
I- From ancient Greec to Renaissance
https://www.youtube.com/watch?v=XC6TlS41DNM
II- Baroque
https://www.youtube.com/watch?v=mtyMRDLO0uA
III- Baroque
https://www.youtube.com/watch?v=JFm2IVcQb78
IV- Classical
https://www.youtube.com/watch?v=c-crzq1PX4A
VI- Beethoven
https://www.youtube.com/watch?v=nd0gptJlWBw
VII- From Classical to Romanticism
https://www.youtube.com/watch?v=otSzwxwLuCI
VIII- Romanticism
https://www.youtube.com/watch?v=WrJnLLhwKrM
IX- Romanticism
https://www.youtube.com/watch?v=MZ9FgtZ0ZU0
X- Romanticism
https://www.youtube.com/watch?v=g11H7IaTHZ4
XI- Romanticism
https://www.youtube.com/watch?v=ykfkQ94qso8
XII- Romanticism
https://www.youtube.com/watch?v=KImUNQQ9Lx8
XIII- From late Romanticism to 20th century
https://www.youtube.com/watch?v=pjNCYNsyIgs
XV- 20th century
https://www.youtube.com/watch?v=ZxQe_m90TC0
Ludwig van Beethoven http://www.classicfm.com/composers/...
Những bài guitar classic muôn đời hay: https://www.youtube.com/watch?v=ibJ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét