Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

CHUYỆN CÁI LU ĐẤT

Tôi được sinh ra từ đất phương Nam. Là đất, nhưng không phải loại đất cát bình thường, mà tôi được tạo thành bởi hỗn hợp nhiều loại khoáng chất. Nơi tôi sống xa thành phố, nằm bên bờ sông khá thơ mộng nhưng ít người qua lại. Mỗi lần trời mưa, càng không thấy bóng người lai vãng vì khi bị ẩm chúng tôi trở thành dẻo nhão, trơn trợt và rất dơ bẩn vì có lẫn bùn sình. Tôi không biết chính xác họ nhóm của tôi, có thể cái họ này bắt nguồn từ những tên khoa học dài ngoằng khó nhớ như Kaolinit, Illit, Smectit hay Montmorillonit gì đó, nhưng để cho gọn, bạn có thể gọi họ của tôi là Đất Sét.

Tôi được sinh ra từ đất

Dòng họ Đất Sét của chúng tôi rất lớn và có nhiều nhánh như Đất Nung, Gốm, Sành, Sứ v.v... vốn có lịch sử từ thời rất xa xưa. Do địa hình nơi sinh sống khác nhau, chúng tôi có nhiều màu da, từ màu trắng, màu xám đến màu đỏ hay cam sẫm. Ông bà tôi thường kể lại rằng khi được nung nóng lên đến một nhiệt độ nào đó thì chúng tôi trở thành một loại cứng rắn vĩnh cửu. Bạn có thể nhìn thấy các thành viên của dòng họ chúng tôi bất cứ nơi đâu trên thế gian này, từ những cái bình đất đựng nước từ thời tiền sử, cái lu chứa nước mưa thô kệch, chậu trồng cây; đến mái ngói đỏ, bức tường, nền nhà bằng gạch, nồi chảo bằng đất, bát dĩa chén sành sứ; hay sang trọng, cao cấp hơn là các loại bình lọ men gốm sứ trang trí đẹp đẽ, tượng thờ linh thiêng v.v...
Khi trưởng thành, ai cũng muốn mình trở thành người xinh đẹp, giỏi giang, có ích cho xã hội, giàu có. Tất nhiên không phải khi ta muốn là ai cũng được, tôi cho rằng điều đó ngoài may mắn trời cho, còn tùy thuộc rất nhiều vào bản chất, khả năng của ta, có chịu thương chịu khó, vượt qua được những tôi luyện thử thách trong cuộc đời này hay không.
Về phần tôi, dĩ nhiên vào lúc nhỏ tôi cũng có nhiều mơ mộng cao xa, nhưng khi lớn lên thì tôi tin vào số phận.
Nằm mãi một chỗ, tôi bắt đầu mệt mỏi và muốn ra khỏi làng quê. Tôi từng cố lăn theo những trận mưa để trườn xuống con sông dưới kia, mong dòng sông sẽ chở tôi đến một bến bờ nào đó để thay đổi cuộc đời. Thế nhưng vì nơi tôi ở nhiều ngõ ngách quá, lăn một chút đã bị mắc kẹt, xoay trở thế nào cũng không xong, tôi đành nằm im chờ thời.
Một ngày kia, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi dòng sông phía đông, người ta đến xúc tôi đi cùng với nhiều người họ hàng và bạn bè của tôi trên một chiếc xe tải lớn. Thoạt tiên tôi cảm thấy lo lắng không muốn đi, nhưng cú xúc mạnh quá, tôi nhào lăn theo. Thôi thì cứ đi thử thời vận xem sao.
Đi khoảng nửa ngày đường, khi đến nơi, chúng tôi được đổ xuống một khu đất trống, cỏ dại mọc đầy. Phía sau khu đất, có vẻ như là một nơi làm việc. Nhiều người tất bật đi tới đi lui trong khoảng sân đầy nắng để phơi những thứ gì đó. Xa xa có những chiếc ống lớn bốc khói mịt mù. Trong gió thoảng đến hơi nóng của lửa lò và mùi than củi.
Chúng tôi được nằm trên cỏ êm, phơi mình dưới ánh nắng mặt trời một thời gian cho bạc bớt màu. Sau đó người ta đưa chúng tôi vào bên trong, nơi có mái che. Họ ngâm chúng tôi trong bể chứa nước khá lâu ước chừng 3 - 4 tháng để chúng tôi nát ra và hòa tan trong nước rồi cho vào máy lọc loại bỏ rác rến, sạn đá vụn, các loại tạp chất. Rồi họ đem hong cho chúng tôi ráo bớt nước, xong đem chúng tôi đi ủ. Ở giai đoạn này người ta cho rằng chúng tôi được ủ càng lâu càng tốt.




Qua nhiều công đoạn: Chọn đất và phối liệu

Mình mẩy chúng tôi đã trở thành một thứ đất nhuyễn mịn, dẻo và chắc. Chúng tôi được phân ra làm từng khúc, có khúc dài, có khúc ngắn, khúc vuông, khúc tròn rồi người ta cho qua khuôn đúc, quay phôi hoặc nén qua khuôn tùy theo mẫu mã để tạo hình. Theo cách xưa thì dùng bàn xoay và lấy tay vuốt để tạo hình sản phẩm. Thông thường những bàn tay phụ nữ làm công đọan này rất khéo. Vuốt sao cho đều, cho cân đối, cho đẹp. Còn múôn có hoa văn nổi thì người ta phải nặn thành hình rồi đắp lên sản phẩm thô. Tạo hình bên ngoài xong rồi người ta mới làm đến phần bên trong để tạo ra sản phẩm. Theo cách này thì sản phẩm làm không được nhiều. Về sau để có thể sản xúât với số lượng lớn, người ta dùng khuôn làm bằng gỗ, đất nung hay thạch cao.



Xử lý đất kỹ trước khi tạo hình

Có nhiều loại khuôn trơn hoặc có hoa văn. Thông thường là những họa tiết cổ điển hình rồng, phượng, rùa, kỳ lân, Bát tiên, Phước Lộc Thọ v.v... hay các loài vật gần gũi với đời sống nông thôn như con cò, cua, cá... Cũng có hình các lòai thực vật bốn mùa như mai, lan, cúc trúc, sen, bách tùng, tất cả đều là những mẫu mang tính chất trang trí. Qua khuôn, chúng tôi được gắn ghép lại thành hình. Trong thời gian tạo hình, chúng tôi đã có những hình dạng không giống nhau. Có anh cao, có anh thấp; người tròn, người vuông; kẻ mang hình hoa văn, người được gắn rồng phượng v.v...Có hình dạng rồi, chúng tôi lại được đem hong trong bóng râm. Khô ráo rồi, người ta bắt đầu nhúng men và pha màu lên mình chúng tôi. Có anh chỉ một màu nâu vàng như màu nước đường caramel, có anh màu xanh lam được chuyển từ đậm sang nhạt rất điệu, hoặc được vẽ nhiều màu xanh đỏ. Sau đó chúng tôi lại được phơi hong cho khô rồi được kiểm tra, chọn lọc lại lần nữa.





Đất lên khuôn thành hình

Tráng men


Đến đây là công đoạn chúng tôi được vào lò nung.
Trên đường vào lò nung, thật hồi hộp, vì đây mới chính là giai đoạn thử đá thử vàng. Trước lò có một bàn thờ Thổ công hương khói lúc nào cũng nghi ngút, cầu cho việc nung lò tốt đẹp vì có khi thiếu sót một chút là cả lò có thể hỏng hết. Củi chất chồng chung quanh. Người ta lần lượt sắp chúng tôi vào lò. Khi đã đầy, lửa bắt đầu đốt. Thoạt đầu, tôi muốn nhảy nhổm lên vì nóng và ngột ngạt làm sao. Tôi cắn răng chịu đựng cái nóng thấu vào da thịt, ruột gan. Có bạn không chịu nổi đã kiệt sức mà gục xuống. Nhiệt độ tăng từ từ lên cao, cao hơn. Ước chừng cũng phải từ 1100 đến 1600 oC. Tôi nghe toàn thân của mình kêu răng rắc như muốn vỡ ra. Chúng tôi nằm ở đó suốt một ngày trời. Nhiệt độ hạ từ từ rồi giảm dần cho đến khi bình thường. Chờ nguội hẳn, người ta mới đem chúng tôi ra ngoài.



Vào lò nung

Qua hôm sau người ta lại chọn lựa chúng tôi. Có anh bạn do nóng quá đã bị cong vênh, có anh bị rạn, có anh lại nứt toác ra. Tôi may mắn còn giữ nguyên vẹn hình thể. Tôi thấy mình cứng cáp, khỏe ra rất nhiều. Người ta đã loại bỏ những anh bạn bị lỗi, rồi sắp xếp chúng tôi thành hàng.
Sau khi ra lò, chúng tôi được lau chùi, trang điểm. Nay thì chúng tôi đã có thể chờ giao đến tay khách hàng và bắt đầu một cuộc sống mới rồi.
Trong quy trình làm gốm, chúng tôi đều được tập trung chú ý trong những công đoạn quan trọng theo như câu nói lưu truyền trong nghề là: "Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí". Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, không đơn giản chút nào.


Thành phẩm

Một ngày có hai người đến ngắm nghía chúng tôi, khoảng gần 100 bạn của tôi được chọn đem đi. Tôi nghe họ nói với nhau là sẽ xuất khẩu các bạn qua châu Âu. Riêng tôi thì ở lại, hình như trên người tôi đã có chút lỗi nào đó, tuy không trầm trọng lắm nhưng đối với hàng xuất khẩu thì có lẽ tôi chưa đạt tiêu chuẩn.
Sau cuộc giám định, các bạn thuộc loại đẹp hoàn hảo được đóng gói gửi bằng tàu ra nước ngoài. Tôi và một số bạn còn lại nhìn theo mơ ước, không biết bao giờ mới được sống một đời lãng du như thế cho mở mắt với đời. Khoảng một tuần sau, chúng tôi được bỏ lên một xe tải chở về thành phố, được xếp vào một cửa hàng bán lẻ lớn ở khu đông dân cư. 
Cửa hàng lớn và đẹp. Nơi đây ngoài chúng tôi từ Bình Dương, Biên Hòa ở miền Đông Nam bộ về, có nhiều bạn từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây Nam bộ đến. Từ gốm men da lươn mộc mạc dân dã Phù Lãng của Bắc Ninh, gốm Bàu Trúc mang linh hồn Champa của Phan Rang, gốm men tinh tế đa dạng của Bát Tràng đến gốm không nung Hòn Đất từ Kiên Giang. Có bạn rất đơn sơ bình dị, có bạn được đắp nổi hoa tiết rất mỹ thuật. Những bạn khác trong hình dáng bộ ấm chén uống trà trên mình có vẽ hình cảnh làng quê thật là xinh. Chúng tôi vì hơi lớn con, dềnh dàng nên phải nằm ở ngoài sân, chịu phơi mình dưới mưa nắng. Những bạn gốm sứ cao cấp hơn, dáng thanh tao nhỏ nhắn thì được xếp lên trên các dãy kệ bên trong cửa hàng. Chẳng bao lâu tôi cảm thấy mến một cô bé bình gốm men rạn Bát Tràng xinh xắn đến từ miền Bắc. Các bạn Bát Tràng này có hơi nặng, cốt đầy, nhưng kiểu cách tinh tế theo phong cách cổ điển được rất nhiều người ưa thích.


Các loại sản phẩm gốm sứ đa dạng đến từ  mọi miền đất nước

Trong cửa hàng này, có vài cụ bình gốm  tráng men lam nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng. Tuổi cao, kiến thức rộng, các cụ kể cho chúng tôi nghe rằng vùng đất Bát Tràng, xưa thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, có rất nhiều đất sét trắng và nghề gốm làng Bát Tràng đã có rất sớm nghe đâu từ thời nhà Lý, phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 15 đến 17, nổi tiếng về men gốm và nét vẽ tinh tế. Các dòng men của họ rất đa dạng và đặc biệt, có đến 5 dòng : men lam, men nâu, men xanh rêu, men rạn độc đáo và nhất là màu men trắng ngà tạo nên nét khác lạ với các loại gốm khác.
Gốm Phù Lãng của vùng Kinh Bắc, Bắc Ninh thì xuất hiện từ thời nhà Trần thế kỷ 14. Nét riêng biệt của gốm Phù Lãng là sắc thái men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng nâu, vàng thẫm... được gọi chung là men da lươn, tạo nên nét đẹp dân dã mộc mạc tự nhiên. Cũng như chúng tôi, các lò gốm Phù Lãng thích sử dụng cách đốt lò truyền thống bằng củi vì sự biến nhiệt khác nhau tạo nên những vết táp trên mặt sản phẩm gốm rất tự nhiên mà khó có kỹ thuật phương pháp hiện đại nào thay thế được.
Gốm Bàu Trúc xuất hiện sau các dòng gốm trên, từ giữa thế kỷ 19 là loại gốm của người Champa truyền thống. Hoa văn tinh tế, trang trí tự do, họ còn sử dụng kỹ thuật nhuộm màu thực vật và hun khói của màu vải dệt để tạo thêm màu sắc huyền bí, cổ truyền cho gốm. Khác với chúng tôi, lò nung của họ lộ thiên, nung bằng củi và rơm, thời gian ngắn hơn chỉ từ 5 - 6 tiếng đồng hồ.
Còn chúng tôi thì các cụ cho rằng tổ tiên chúng tôi từ phương Bắc đến khoảng giữa thế kỷ 19 tập trung tại 3 làng nghề gốm ở Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Thủ Dầu Một thuộc Bình Dương đến nay có hơn 300 cơ sở sản xuất gốm, hầu hết là của người Việt gốc Hoa. Phong cách và sản phẩm chúng tôi cũng khác nhau do được làm từ những bang khác nhau trong cộng đồng người Hoa như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông...
Nhìn chung, tất cả chúng tôi trong dòng Gốm sứ, Đất nung đều đã được làm ra với tất cả công phu cực nhọc, mồ hôi và nước mắt. Từ khi là đất thô đến thành hình trải qua không dưới 5-6 tháng.

Lò nung gốm Champa
Tạo hình gốm Bàu Trúc, Champa

Được sống trong không gian rộng lớn tập hợp được nhiều anh em trong dòng họ, tôi thật sung sướng biết bao! Mỗi ngày thêm một điều hiểu biết mới. Tôi say sưa ngắm nhìn. Nơi đây quả là một thế giới gốm sứ phong phú về hình dạng, màu men, ý nghĩa và lịch sử. Một thế giới với đầy đủ người vật, phong cảnh và cuộc sống của ba miền đất nước. Mỗi bạn một kiểu dáng, hình ảnh khác nhau dù cùng một cách làm tương tự như nhau. Có người là một truyện cổ tích như cô Tấm ngồi bên giếng cho bống ăn. Có người mang theo câu chuyện lịch sử như ông lão Lã Vọng - tức Khương Tử Nha đời nhà Chu bên Tàu lúc còn ngồi câu cá chờ thời. Có các tiên ông đang ngồi đánh cờ. Có những tượng thần và tháp cổ Champa. Có vua quan, nhà sư, các lão ngư - tiều - canh - mục. Có cả mẹ Đốp, cụ lý, thằng mõ trong làng quê miền Bắc. Có cả mái đình, nhà chùa, lũy tre, cây đa... thường được gắn trong các hòn non bộ làm tôi ngắm mãi không biết chán lại được ông già gốm lam Bát Tràng kiến thức uyên bác giải thích tường tận các sự tích nữa, tôi càng thích thú. Nhìn tới nhìn lui, thấy người nào cũng màu mè đẹp đẽ và còn ẩn chứa thần thoại cổ tích hay từ những câu chuyện có thật, so sánh với các bạn tôi thấy mình quê mùa và đơn giản lạ, chỉ là cái lu đất nung được sản xuất theo lối cổ điển, ruột gan lại rỗng tuếch chẳng có gì hấp dẫn hay ho.




Nơi đây là cả một thế giới gốm sứ

Cuối cùng, một ngày kia tôi và chục bạn cùng hình dáng được một bác nông dân mua và chở về một làng quê xa. Công việc của tôi là đựng nước mưa. Bạn tôi ở kế nhà bên. Đó là nhà của một đôi vợ chồng mới cưới. Mỗi lần nghe họ hát: Một túp lều tranh hai quả tim "dàng"... Bạn tôi lầm thầm: Có tui nữa nè, một lu nước lạnh. Hổng có tui thì họ chết khát. Một bạn khác được dùng để đựng gạo, nằm phía trong nhà cũng nhón người lên: Có tui nữa. Hổng có tui thì họ chết đói.
Đôi vợ chồng trẻ ríu rít và hát cho nhau nghe chừng một năm, tôi nghe tiếng trẻ con oe oe khóc trong nhà. Một đứa, rồi hai đứa qua năm sau nữa. Tiếng hát thay bằng tiếng cãi cọ. Dù nay có thêm mấy quả tim "dàng" bé con nữa, lại càng lúc càng cãi nhau nhiều.  
Tôi lặng thinh nghe các bạn xôn xao kể chuyện. Phần tôi, có một cái gáo dừa được vắt qua mình tôi làm bạn. Có vẻ hơi khô khan, nhưng nó là bạn thân duy nhất của tôi ở đây. Căn nhà chủ tôi có một bóng hồng xinh xắn, là cô bé con ông chủ, chừng 12, 13 tuổi, nước da trắng ngần, đôi mắt đen lúng liếng. Hàng ngày cô bé là người gần gũi với tôi nhất vì cô thường ra rửa rau, múc nước vào nấu ăn. Thỉnh thoảng khi rảnh rang, cô bé thích thò đầu vào lòng tôi mà tập hát. Hai bàn tay cô níu lấy cổ tôi, cả cái thân hình mềm mại áp sát vào người tôi. Ôi trời, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình sung sướng, hạnh phúc đến thế. Cô hát khá hay, giọng trong veo và ngọt như nước dừa xứ Tiền Giang. Có lần cô đã thì thầm với tôi là cô mơ trở thành đào hát cải lương.
Cứ như thế, theo dòng đời trôi, tôi chấp nhận cuộc sống êm ả chốn đồng quê như thế này, và thấy mình dẫu sao cũng còn hơn nhiều người khác bôn ba cực khổ phương xa.
Nhiều năm sau, qua thời gian được sử dụng, tôi già dần đi, mòn dần đi. Cô bé con ông chủ cũng đã đi lấy chồng, rồi có con cái. Thỉnh thoảng cô ghé về thăm nhà, lần nào cũng đến bên tôi múc nước rửa mặt. Cô vỗ vỗ vào lưng tôi như muốn hỏi: Khỏe không, anh bạn già của tôi?
Vào một mùa hè kéo dài nhiều ngày nắng hạn, nước trong lòng tôi đã cạn mà mưa vẫn chưa đến, mặt đất khô ran. Một ngày nọ khi đang ngóng chờ cơn mưa để tôi được chứa đầy như ngày nào, trời bỗng nổi gió, sấm sét ầm ầm rồi đổ mưa lớn. Tôi sung sướng đón nhận nước mát từ trời cao. Cạnh tôi, những chiếc lu mới vừa chở về cũng hân hoan đón mưa. Mưa từ máng xối đổ xuống ào ào. Bong bóng mưa cứ nổi rồi tan dưới chân tôi. Sau vài tiếng đồng hồ, những chiếc lu mới đã đầy ắp. Ông chủ ra lấy nắp đậy lu lại. Đến chỗ tôi nằm, ông ngó tới ngó lui. Tôi ngạc nhiên thấy sao nước trong lòng mình vẫn không đầy. Ông sờ khắp mình mẩy của tôi, thôi rồi ông đã phát hiện có vết nứt dưới đáy lu vì từ đó dòng nước đã chảy ứa ra. "Hèn gì mà hổng đầy!" Ông chép miệng. Rồi ông bỏ đi. Ngày hôm sau, khi nắng lên. Trong lòng tôi nước đã cạn. Tất cả nước đã chảy ra ngoài. Thôi thế là xong. Tôi đã già rồi! Lòng ngậm ngùi, tôi chỉ biết nhìn những chiếc lu mới thèm muốn. Nhưng thôi, đã một đời rồi, ai rồi cũng phải đến cảnh này. Tôi chỉ ước gì mình được nhìn thấy cô gái một lần nữa trước khi ra đi mà thôi.

Số phận của tôi, cái lu đất

Ngày hôm sau nữa, một chiếc lu mới được chở về, theo sau là cô gái của tôi. Người ta nhấc tôi ra khỏi chỗ tôi đã nằm bao lâu nay và thay vào chiếc lu mới. Bốp một tiếng rõ to, tôi đã vỡ tan tành trong lúc chàng thanh niên lực lưỡng đang cố xê dịch tôi. Cô gái chạy đến nhặt từng mảnh vỡ trong thân thể tôi, mân mê trong đôi tay nhỏ nhắn. Cô trách anh chàng kia sao không nhẹ tay một chút để tôi không bị vỡ ra. Tôi đau đớn muốn khóc, người run lên bần bật. Vuốt ve một hồi, cô nhẹ nhàng đặt tôi vào góc vườn, nơi có mảng tường bám rêu, rồi quay đi. Tôi rưng rưng nhìn theo bóng cô khuất sau vườn cây, thầm nghĩ : Dẫu sao, mình cũng đã hạnh phúc khi được nhìn thấy cô gái tốt bụng ấy lần cuối cùng. Càng ngày tôi càng vỡ nát ra rồi văng tung tóe từ khi mấy con chó nhỏ, đàn gà bươi móc góc vườn khiến nhiều người đi qua dẫm đạp lên thân thể tôi. Những chiếc lá vàng từ cây vú sữa, cây mận và cả trái rụng trong vườn rơi xuống phủ lấp dần lên người tôi. Mưa nhiều, đám lá mục ẩm, chất chồng làm tôi cũng rã dần theo.
Và tôi lại trở về với đất...

* NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: ngdieutam


8 nhận xét:

  1. Nước là cội nguồn của sự sống, đất là "bà đỡ" cho sự sống tồn tại, phát triển vững bền. Nước có tinh khiết hay không là do đất. Không có nước thì không có sự sống, nhưng không có đất, cuộc sống "chẳng ra hồn"! Vì cuộc sống, hãy "tử tế" với đất và nước dù đất hiện hữu dưới bất cứ hình thái nào.

    Trả lờiXóa
  2. Gửi anh Nguyễn Toàn: đồng ý với suy nghĩ của anh về Đất & Nước! Gọi chung là "Đất nước" anh Toàn nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Bài hay quá, gửi gắm rất nhiều thông điệp về cuộc sống
    Một tay hạ bút thành văn
    Một tay vẫy cọ điểm trang cho đời
    Tài hoa vốn sẵn tính trời
    Chữ tâm lại khéo cho người đa mang

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn bạn Vân! Đúng là bạn tôi cứ "xuất khẩu" là "thành thi"!

    Trả lờiXóa
  5. http://nthqn.org

    # GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM — Trần Dzạ Lữ 05.08.2012 19:59
    Anh mở hàng chuyện Cái Lu Đất đó nghe Tâm. Bài viết công phu, tỉ mỉ ghê!Thật khỏe và vui hí!

    # Gửi chị Diệu Tâm — Phạm Ngọc Dao 05.08.2012 21:04
    Một cuộc hành trình từ đất sét đến những thành phẩm hữu dụng và mỹ thuật được chị viết thật công phu và thi vị chi Diệu Tâm ơi. Cảm ơn chi
    Dao rất thích đồ sành, đố sứ. Mỗi khi đến thăm một nơi nào đó, những gian hàng bán đồ sứ luôn lôi cuốn Dao, gian hàng đồ sứ Minh Long ở SG là một! Những bộ tách trà thanh cảnh, những chén sứ những dĩa men láng mượt hay những cô gái ba miền thanh lịch và mỹ thuật, lần nào cũng không thiếu trong vali khi trở lại đây.
    Và cuối cùng không thể nào quên được lu nước bằng sành, đặt trên phiến đá ong nâu đỏ, li ti lỗ ở sau hiên nhà , bên cạnh là chiếc gáo dừa, là dòng nước trưa hè ngọt lịm chừng như bát ngát mãi hoài trong ký ức

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Diệu Tâm 05.08.2012 21:35
    Cảm ơn anh Lữ đã đọc "mở hàng"! Cái lu đất nặng quá chứ không thì Tâm xin tặng anh một cái ... đựng nước mưa! :P

    # GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM — Trần Dzạ Lữ 05.08.2012 21:49
    Ui chao! Ý Tâm muốn noái tặng anh một cái lu để đựng nước mắt...người tình, phải không ? Hihi

    # Mến gửi Ngọc Dao — Nguyễn Diệu Tâm 05.08.2012 22:05
    Cảm ơn Dao đã đọc và chia sẻ cảm nghĩ. Bài viết này chị chỉ nhằm đến loại gốm sứ được làm theo cách thức cổ điển truyền thống, làm bằng tay và nung bằng lò than củi. Còn gốm sứ Minh Long thuộc dòng gốm sứ cao cấp, áp dụng kỹ thuật tân tiến hiện đại. Hiện nay dần dần các lò gốm nung bằng than củi phải di dời ra xa khỏi thành phố để tránh gây ô nhiễm môi trường.
    Dòng gốm sứ nào chị cũng thích, mỗi loại một vẻ. Nhưng chị vẫn ưu ái cho loại gốm mộc mạc dân dã tự nhiên hơn. Vào làng nghề, đến tận được lò gốm, thấy nhiều cái hay lắm Dao ơi!

    # Gửi anh Trần Dzạ Lữ — Nguyễn Diệu Tâm 05.08.2012 22:11
    Trời đất! Nước mắt người tình anh nhiều dữ vậy sao? Vậy anh tính sao, mỗi người ... một cái lu hay chỉ một cái cho nhiều người là đủ? Anh nhớ tính lại cho kỹ để Tâm còn đưa cho thợ gốm làm một cái với dung tích ... đặc biệt :P

    # GỬi NGUYỄN DIỆU TÂM — Trần Dzạ Lữ 05.08.2012 22:16
    Mỗi người một cái cho chắc ăn Tâm ơi! Cảm ơn Tâm trước hí!

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Kim Tiến 06.08.2012 06:18
    Nhìn mấy cái lu màu vàng nâu, Tiến nhớ tới mấy cái lu lám nước mắm hồi xưa ở nhà quá chị Tâm ơi. Cứ đến mùa cá cơm là Tiến cùng mẹ đi xuống khu một mua cá về, rồi trộn với muối làm nước mắm...Hình như còn gọi là khạp phải không chị Tâm? Hồi học ở đây, Tiến có lấy một lớp tự chọn cho chương trinh học của mình, đó là lớp làm đồ gốm. Tiến để tượng ông Phật Di Lặc bằng ngọc nhỏ xíu trước mặt, rồi nhìn ổng rồi nắn từ đất sét ra một tượng giống vậy rồi phơi khô hay sao đó, rồi tô một lớp màu lên xong đem nung lên, hình như Tiến phải tô màu và nung đến hai lần. Ông Phật Di Lặc của Tiến có màu xanh xanh vàng vàng và láng bóng lắm. Một kỷ niệm khó quên. Để hôm nào em kể chị nghe vài câu chuyện vui xảy ra ở lớp học này nghen. Ký rồi Lộc có mang qua đây mấy cái bình gốm Bát Tràng, thích lắm. Tiến tính để hôm nào ghé Bát Tràng xem cho vui. KT

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 11:50
    Tiến ơi, đúng rồi, cái lu còn được gọi là cái "khạp" đó. Chị nghĩ chữ "khạp" hình như từ âm tiếng Hán mà ra. Làm gốm mê lắm. Ở xưởng gốm Minh Long có khu vẽ gốm, ai muốn vào vẽ thì có thể mua vật liệu ở đó và tha hồ vẽ, xong gửi lại cho họ nung (lò điện). Nung rồi, có thể lấy về chưng ở nhà cho vui. Đẹp thì có thể gửi lại cửa hàng nhờ bán! Chị rất thích nên đi Bình Dương hay ghé vào đó chơi. Nghĩ rảnh sẽ đến đó vẽ gốm. Chỉ tiếc là chưa rảnh được! Chị cũng đang định ra làng gốm Bát Tràng, phải chờ hôm nào đi Hà Nội mới đi luôn. Nhớ kể cho chị và các bạn nghe chuyện làm gốm của Tiến nhé!

    Trả lờiXóa
  6. # CHÀO DIỆU TÂM — Bạn Già Sài Gòn 06.08.2012 09:22
    Hầu như tất cả các bài viết của Diệu Tâm đều được chuẩn bị rất công phu, kể cả bài và ảnh. Điều đó thể hiện nhiệt tâm và cả sự tôn trọng bạn đọc, từ phía người viết.
    Ở một góc độ khác, xin hỏi tác giả có ai ‘phụ’ khi viết bài không ? Vì với ngần ấy thời gian hữu hạn và bộn bề lo toan, tự viết được ngần ấy bài vẫn là việc…đáng nể.

    # Gui Dieu Tam ! — La Tinh 06.08.2012 10:26
    Cuoc doi cua 1 cai lu Dat Set duoc nhan cach hoa thanh cuoc doi cua 1 con nguoi. Dieu Tam da hieu tuong tan ve nghe gom su mot cach chuyen nghiep, giong nhu nguoi trong nghe vay. Minh thich nhat hinh anh co gai hat trong lu, tieng hat am ap, vang xa ... Hay lam DT oi !

    # Gửi anh bạn già SG — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 11:31
    Anh bạn SG thân mến, cảm ơn anh đã đọc và có nhận xét "chuẩn bị rất công phu, kể cả bài và ảnh". Xin trả lời anh là DT phụ (giúp) ai thì có chứ chẳng có ai phụ mình đâu! Số phận của DT cũng như ... cái lu đất vậy đó anh :sad:
    Thật ra, vì DT thích chụp ảnh, thích tìm tòi học hỏi nên đi đâu cũng thường chụp rất nhiều hình. Những tấm hình trong bài này đã có từ năm 2008 đến 2011 trong những chuyến đi vừa du lịch vừa đặt hàng dùm cho khách, vào tận lò gốm. Muốn đặt hàng phải hiểu quy trình làm gốm như thế nào, vì vậy phải chui vào lò luôn (may mà chưa đến nỗi bị ... nung) ;-) . Riêng bài viết thì mới tuần trước đây thôi, thường là DT vẫn thức khuya làm việc, hôm đó định chuẩn bị đi ngủ tự nhiên có một cái gì đó vang vang trong đầu mình "Tôi sinh ra từ đất"... Vậy là có ý tưởng viết về ... cái lu đất!
    Đơn giản vậy thôi anh à!

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Gà Ri 06.08.2012 11:36
    Sinh ra là đất sét , trải qua công đoạn làm gốm , biến thành cái lu đựng nước mưa . Chỉ vậy thôi mà tác giả đã thổi hồn vào cái lu như thể một thân phận người , có vui , có buồn và cuối cùng cũng già cỗi để rồi cát bụi lại trở về với cát bụi . Có điều cuối đời của cái lu chẳng buồn mà rất bình an tự tại . " Và tôi lại trở về với đất ..." không có sự chia ly chỉ như là một sự trở về .Tài tình quá chị Tâm ơi , Gà Ri đã đọc một hơi hết truyện đó .

    # Cục tác với ... Gà Ri — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 18:31
    Gà Ri ơi, Gà Ri có muốn chị viết về cuộc đời ... gà ri không? :lol:
    Chị hay nghĩ, bất kỳ sinh vật, sự vật nào trên đời này cũng có linh hồn. Con chuột bị bẫy, cả đàn kéo đến bu quanh cái bẫy tìm cách cứu con bị nạn ra. Tổ kiến bị lụt, bầy kiến kiên nhẫn tha từng trứng kiến đi tìm nơi khô ráo. Bản năng hay là ý thức, tinh thần "đồng loại"? Nhánh cây, cành hoa bị gãy, nhựa cây ứa ra như "máu". Đau lắm chứ!
    Vật gì cũng có "số" của nó. Sinh ra trên cõi đời này, tại sao có người, có vật? Lúc nhỏ đọc Tây Du Ký, chị rất thích những đoạn trong vườn đêm, bao nhiêu loài hoa lên tiếng nói, như Hạnh tiên cô, Mai "bà bà"... Đêm thử ngồi ngoài vườn xem, Gà Ri sẽ nghe nhiều tiếng vọng.
    Cảm ơn Gà Ri đã hiểu Cái Lu Đất rất bình an tự tại khi về lại với Đất.

    # RE: Cục tác với ... Gà Ri — Gà Ri 08.08.2012 08:15
    Chị Tâm muốn viết gì về Gà Ri thì viết nhưng cuối cùng đừng cho gà ri nằm trên bàn nhậu là được à , :lol: .

    # RE: Cục tác với ... Gà Ri — Nguyễn Diệu Tâm 08.08.2012 23:01
    Tội cho Gà Ri quá :sad: ... Chỉ có cách là Gà Ri phải chạy thật xa khỏi con người thôi nếu không muốn thành món "gà nướng lu"! :D

    Trả lờiXóa
  7. # Gửi anh Nguyễn Tấn Lực BĐ — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 11:38
    Cảm ơn anh Lực đã đọc. DT không phải trong nghề làm gốm nhưng rất thích gốm anh à. Yêu Gốm Sứ vì được làm ra từ Đất. Có phải tất cả vạn vật đều phát sinh ra từ Ngũ hành: Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ không anh? DT mạng Kim, làm nghề Mộc, lại yêu Thủy và Thổ ( Hỏa cũng cần! ) :-)

    # Gửi Nguyễn Diệu Tâm — Nguyễn Tấn Lực PT74 06.08.2012 14:20
    Một bài viết thật công phu,chu đáo...
    Chuyện Cái Lu Đất...nhưng nào khác chi thân phận con người...từ cát bụi hình thành,sinh ra...trưởng thành...già cỗi bệnh tật rồi lại trở về cát bụi...ôi cũng là qui luật cả.Ngẫm lại đời người cũng nào có vui chi.
    Diệu Tâm nè ! Ngày nào DT cũng đi Bình Dương trên Quốc Lộ 13...con đường ngày xưa anh thi công đấy !( từ KM 1-KM 28)

    # Gởi Diệu Tâm — Huỳnh Minh Lệ 06.08.2012 16:31
    Cảm ơn bài viết công phu, ý nghĩa của chị Diệu Tâm. Xin tặng chị mấy câu.
    Cuống rún ở sau vườn,
    Cha đã chôn vào đất,
    Dù có đi muôn phương,
    Nhớ quê, lòng như cắt.
    HML

    # Gửi anh Nguyễn Tấn Lực PT74 — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 18:42
    Anh Lực nói đúng, "đời người nào có vui chi"! Nhưng đã làm người, cũng phải "sống cho vui" chứ anh! Để "sống vui", có nhiều chuyện để làm lắm. Thí dụ, khi nghe anh tiết lộ "Quốc Lộ 13...con đường ngày xưa anh thi công đấy !( từ KM 1-KM 28)"... DT nghĩ anh hẳn vui lắm vì có công sức của mình đóng góp vào con đường đẹp đẽ này? Anh Lực biết không, cách đây 8 năm khi bắt đầu đi Bình Dương, DT rất ngạc nhiên sao đoạn từ cầu Bình Phước đi Bình Dương lại đẹp khác thường! Lúc đó đoạn ngược trở lại về cầu Bình Triệu thì thật là "con đường đau khổ" vì rất xấu lại luôn bị triều cường. Từ nay mỗi lần đi Bình Dương trên quốc lộ 13 DT sẽ nghĩ đến anh đó, và sẽ khoe với bạn bè "Con đường này do anh Lực, một nhà thơ của trang nhà thi công", được không vậy anh? ;-)

    # Gửi Nguyễn Diệu Tâm — Nguyễn Tấn Lực PT74 06.08.2012 20:50
    Đoạn từ Bình Phước đi Bình Dương khi xây dựng đường kinh phí của tỉnh BD bắt đầu khoảng năm 1998 (Tp BD rất năng động).Đoạn từ Bình Triệu đi Bình Phươc thuộc Tp HCM phát triển chậm hơn.
    Anh chỉ sợ khi Diệu Tâm giới thiệu với bạn bè"Con đường này do anh Lực, một nhà thơ của trang nhà thi công", họ sẽ không dám đi ! ? :P

    # Gửi anh Huỳnh Minh Lệ — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 18:46
    Cảm ơn 4 câu thơ của anh vô cùng!
    "Cuống rún ở sau vườn,
    Cha đã chôn vào đất,
    Dù có đi muôn phương,
    Nhớ quê, lòng như cắt"
    Vì cuống rún đã nằm lại ở quê hương nên người ta dù đi đâu cũng mong ngày trở lại nơi chôn nhau cắt rún, một phần rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng của con người phải không anh?
    Hay quá anh Lệ ơi!

    # Gửi anh Lực PT74 — Nguyễn Diệu Tâm 06.08.2012 21:30
    Eo ui sorry anh ... Lẽ ra nên nói rõ hơn "Con đường này do anh Lực, một kỹ sư xây dựng/cầu đường kiêm ... nhà thơ của trang nhà thi công" thì chắc ăn hơn phải không ạ? Còn không dám đi, thì cũng phải đi, vì đó là con đường chính và ... có tới mấy trạm thu phí lận! :P

    # Gửi Nguyễn Diệu Tâm — Nguyễn Tấn Lực PT74 06.08.2012 22:13
    Dzây thì phải rán mà đi thôi ! :oops:

    Trả lờiXóa
  8. # Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Thu Trang 07.08.2012 10:47
    Chị ơi! Đọc bài viết của chị làm TT nhớ đến những năm tháng gia đình còn ở vùng KTM Thị Tính, Bến Cát, Sông Bé. Bình Dương.
    Những lần trên đường đi từ SG lên hay xuống đều bắt gặp những cái lu mà chị vừa viết. Người ta chất thành từng hàng, từng hàng dọc hai bên đường...Không biết có "cái Lu- Tôi" mà chị vừa viết hay không? Bây giờ thì TT ít có dịp đi lại con đường đó, hình như cũng là con đường mà anh Tấn Lực đã tham gia xây dựng phải không chị?
    Bài viết thật là công sức chị ạ. Đọc rồi mới biết được bao nhiêu là công đoan mới có được sản phẩm cho chúng ta dùng...
    Ngày xưa TT thường theo chồng đi chở gạch (TT đi theo chơi) ở các lò gạch, cũng thấy có lò nung, rồi đất sét được đóng thành từng viên gạch 4 lỗ, 2 lỗ...nhưng chỉ là những sản phẩm bình thường không được gia công kỹ càng như những sản phẩm cao cấp...
    Cảm ơn chị về bài viết thật công phu, giúp cho người đọc hiểu thêm về nghề gốm sứ :-)

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Diệu Tâm 07.08.2012 17:17
    Trang ơi, cảm ơn những chia sẻ của em. Bình Dương có hàng trăm lò gốm nên em đi đường nào cũng thấy hàng gốm sứ cả! Hàng năm tỉnh vẫn tổ chức những Festival Gốm sứ rất hay vì góp mặt nhiều loại hình gốm sứ của các miền đất nước. Đi BD chị vẫn thường la cà vào những cửa hàng gốm sứ. Mỗi lần tham dự hội chợ ngành nghề lại cũng tha về cả đống gốm sứ, nhiều khi không dùng đến. Cái ao nhỏ ở xưởng chị có nhiều gà vịt thiên nga gốm lắm đó!

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Đào Thanh Hòa 07.08.2012 16:23
    Chị Diệu Tâm thương quí! Lâu thật lâu em mới có được một buổi chiều thất nghiệp và đọc hết những hàng chữ, ngắm nghía những hình ảnh đặc biệt trong bài. Qua cái lu đất khô khan, giản dị lại ẩn chứa bao nhiêu là kiến thức, lịch sử, địa danh "ăn theo" được chăm chút dưới ngòi bút của chị. Qui luật đào thải của cuộc sống thật khắc nghiệt chị há. Nhưng cũng nhờ nó người ta mới có sáng tạo, đổi mới và làm nên bao kì tích để phục vụ cho cuộc sống con người.
    Cảm ơn chị về bài viết công phu, giàu cảm xúc này.

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Diệu Tâm 07.08.2012 17:48
    Hòa thân thương. Lâu lắm em mới có một buổi chiều "thất nghiệp" còn chị lâu lắm mới "gặp" lại em, vui lắm đó Hòa ơi!
    Đôi khi chỉ đơn giản là cái lu đất, nhưng một cái lu đất biết chịu thương chịu khó, vẫn hơn nhiều những bức tượng đẹp mà vô tri vô cảm phải không em? :P

    # RE : chuyen cai lu dat — Cao Ngoc Bong 07.08.2012 23:11
    Sáng nay vô lại thấy sân trường đã mở sau một thời gian bị đóng cửa.
    Bài viết nào của DT cũng rất hay kèm nhiều hình ảnh, tài liệu thu hút độc giả.
    Khá lâu không thấy bài viết của DT cũng nhớ. Cảm ơn bạn cho đọc một bài viết đầy đủ.

    # RE: Chuyện Cái Lu Đất — Nguyễn Diệu Tâm 09.08.2012 22:59
    Ngọc Bông mến! Cảm ơn đã đọc Chuyện Cái Lu Đất. Mình cũng nhớ vì vắng bạn lâu nay đó. Chúc Bông vui khỏe trẻ đẹp mãi nha.

    Trả lờiXóa