Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

TƯỢNG NHÀ MỒ TÂY NGUYÊN



I- TỪ MỘT LÁ THƯ:
Vào cuối tháng 2 năm 1995, khi tôi còn  làm việc tại Art Gallery Lam Sơn, có một người đàn ông trẻ từ Anh Quốc đến gặp tôi ngỏ ý muốn tìm mua một số tượng nhà mồ Tây Nguyên mà anh ta đã được nhìn thấy tại Kom Tum trong chuyến du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến tượng nhà mồ Tây Nguyên. Tôi đoán anh ta học và làm việc trong lĩnh vực khảo cổ, hay văn hóa dân gian, dân tộc học hay mỹ thuật gì đó nên mới quan tâm đến tượng nhà mồ, vải thổ cẩm dệt tay của người dân tộc. Tôi trả lời anh rằng tôi chưa hề làm công việc này cho ai trước đây nhưng sẽ cố gắng tìm hiểu thêm. Sau đó thì tôi liên lạc với một số họa sĩ, được biết có một điêu khắc gia chuyên sáng tác tượng gỗ dân gian, tôi cũng tìm đến, nhưng tác phẩm của người ấy không phải là cái mà Eric muốn tìm.
Theo phong tục tang lễ của một số bộ tộc Tây Nguyên, khi một người qua đời, gia đình họ thường đắp một ngôi mộ tạm có mái che đơn giản. Sau đó một vài năm, gia đình sẽ phá bỏ nhà mồ cũ để xây nhà mồ mới khang trang hơn, có trang trí tượng gỗ, hàng rào bao bọc. Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới thường được tổ chức vào lễ bỏ mả của dân bản  trong mùa xuân. Vào dịp này dân bản cùng vui mừng nhảy múa, ăn uống cùng tang gia bên nhà mồ để vĩnh biệt người đã chết. Từ đây người thân không còn cúng bái và người chết được xem như đã giải thoát hoàn toàn chốn dương trần. Lúc đó những tượng gỗ sẽ được tạc và dựng quanh nhà mồ để trang trí, và đây được xem như những món quà quí giá người thân tặng cho người đã khuất để tiếp nối cuộc sống mới ở bên kia thế giới.
 
Nhà mồ của người Gia Rai tại Viện bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội. Ảnh: Wiki.

Tượng nhà mồ  là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên, chất chứa bao khát vọng muôn thuở của con người, những niềm vui nỗi buồn,  hạnh phúc và đau khổ... Những cảm xúc không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà vẫn tiếp diễn ở cả thế giới những người đã khuất. Trong các buôn làng đều có những người khéo tay có thể tạc tượng. Đây là một nghề lưu truyền mà ai khéo tay cũng có thể được học từ những dịp lễ bỏ mả, và tùy theo tài năng cảm xúc của mỗi người mà tự do sáng tạo.
Vừa tìm hiểu, tôi vừa liên lạc với một cô em họ sống ở Pleiku. Hỏi thăm thì cô em cho biết không ai lấy được tượng nhà mồ, chỉ trừ phi ngôi mộ đó đã cải táng và những tượng gỗ nhà mồ bị bỏ lại. Cô em cũng cho biết thêm có một số người đã vào những nghĩa địa để lấy đi những tượng gỗ bỏ phế, nhưng đa số đã bị mục ruỗng dưới chân không còn nguyên vẹn. Hơn nữa, rất khó để vận chuyển những tượng gỗ này, một trong những khó khăn là khi đưa được tượng ra khỏi nhà mồ thì sẽ để ở đâu trong lúc chờ xuất hàng đi. Sẽ không ai dám chứa vì yếu tố tâm linh, sợ rằng người dám chứa có thể bị trừng phạt hoặc gặp nhiều điều xui xẻo. Và những tượng gỗ này cũng không được phép xuất khẩu.
Khi tôi cho Eric biết một số thông tin như thế, anh ta trả lời đã có gặp một số nhà sưu tập, và họ làm được tất cả, anh ta nhờ tôi đứng ra làm trung gian cho việc mua bán. Cuối cùng khi hiểu ra, tôi đã từ chối.

2- TRIỂN LÃM TRANH CHỦ ĐỀ TÂY NGUYÊN:
Tháng 7 năm 1995, trong nhiều cuộc triển lãm mà Art Gallery Lam sơn tổ chức, có một triển lãm mà tôi rất thích vì có liên quan đến tượng nhà mồ Tây Nguyên. Nguyễn Thanh Sơn là một họa sĩ từng nhiều năm sống ở Pleiku, được mang biệt danh là họa sĩ chuyên vẽ tượng nhà mồ Tây Nguyên. Sơn thường kể về những chuyến đi vào các buôn làng, ở lại trong rừng nhiều tháng trời để lấy tư liệu và vẽ. Nhân vật trong tranh của Sơn thỉnh thoảng mới có bóng dáng nàng thiếu nữ Tây Nguyên xinh đẹp tóc cài hoa Pơ Lang, vì phần lớn chủ đề trong tranh Sơn là những pho tượng nhà mồ trầm tư.
Với tài hoa của người họa sĩ, hình ảnh những tượng gỗ nhà mồ như mang một đời sống riêng biệt, có tâm tư, khao khát và ước vọng như những người đang sống. Đó là những pho tượng có linh hồn.

"Hành Trình Âm Dương", tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn.

Ngày Sơn tặng cho tôi tấm postcard in một bức tranh Sơn vẽ về nhà mồ Tây Nguyên, tôi lại biết thêm một khía cạnh khác trong văn hóa người Tây Nguyên. Trong bức tranh, bà lão dân tộc Ba Na đang ăn mặc thật đẹp để bước vào nhà mồ của mình. Theo quan niệm về cuộc sống và cái chết của một số bộ tộc núi rừng Tây Nguyên, sống và chết chỉ là một vòng tròn đi từ Dương đến Âm, và ngược lại.
Vì vậy, những người bộ tộc già thường chuẩn bị kỹ cho mình trước cái chết. Họ không buồn mà hân hoan, vì không phải cái chết là sự biến mất vĩnh viễn vào hư vô, mà chỉ là chấm dứt một cuộc đời, rồi sẽ hóa thân vào đời sau, bắt đầu một cuộc sống mới.
Bức tranh đã được bán cho một nhà sưu tập nước ngoài và họ đã in tranh trên tấm thiệp. Bức tranh làm tôi ngẩn ngơ ... viết vội một bài thơ:

TỪ NƠI CUỐI CÙNG
Lúc nửa đêm
Bà lão dọn mình,
Ra suối tắm gội,
Ngắm bóng mình trong con suối dưới trăng

Cánh chim Chơ rao vụt bay lên trời cao,
Hoa Pơ lang nở thắm núi đồi.
Tóc biếc xõa dài một đời thiếu nữ,
Tóc bạc bây giờ đi vào hư vô!

Áo váy đẹp đâu, người mặc?
Hoa thơm đâu, cài đầu?
Chim rừng đâu, hót tặng?
Bài ca cuối cùng đêm nay!

Ánh trăng đưa người về,
Nhà mồ riêng tăm tối,
Nơi chốn nào miên viễn,
Người biết, nào than van!

Cứ đi, như đã đến,
Cõi mộng, cuộc đời này!
Một vòng xoay âm dương,
Cuối cùng là bắt đầu...

3- HỘI THI TẠC TƯỢNG DÂN GIAN TÂY NGUYÊN:
Đã 20 năm trôi qua, tôi luôn vương vấn về một nơi chưa đến, khu rừng thiêng với dòng suối bạc lặng lẽ trôi trong đêm trăng...  và những pho tượng nhà mồ biết cười biết khóc.
Mùa xuân năm nay, trong chuyến đi lần đầu tiên đến Ban Mê Thuột trong dịp lễ hội Cà Phê và lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên, thật bất ngờ khi đến KoTam tôi đã vô tình đi lạc vào một rừng trúc.
Không thể tin nổi trước mắt tôi là những nghệ nhân đang say mê sáng tác tạc tượng dân gian. Những hình tượng được tạc từ thân cây gỗ thành nhiều hình dạng, có tượng là già làng nghiêm khắc, có tượng là mẹ địu con lên rẫy, có tượng xay lúa giã gạo, những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày...

Hội thi Tạc tượng dân gian Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 
Hội thi Tạc tượng dân gian Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Hội thi Tạc tượng dân gian TN. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

 
Hội thi Tạc tượng dân gian TN. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Tôi đã nghe nói ngày nay ở các nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những ngôi mộ được xây bằng gạch, bê tông v.v... đang dần thay thế các ngôi mộ truyền thống. Tín ngưỡng cũng có nhiều thay đổi nên người biết tạc đẽo tượng ngày càng vơi và tượng nhà mồ cũng dần mai một. Vì thế, hội thi làm tôi ngạc nhiên và hứng thú. Thật đáng hoan nghênh khi ngày nay, có rất nhiều điều, những thứ thuộc về truyền thống, bản sắc dân tộc đã mất đi rất nhiều. Những buôn làng đã dần mất đi những ngôi nhà sàn, già làng uống bia thay vì rượu cần, những phụ nữ bỏ y phục truyền thống để mặc váy áo thời trang... thì vẫn có những tấm lòng mong muốn duy trì và bảo tồn văn hóa, phong tục.
Tôi chợt nghĩ đến Eric, người đàn ông nước Anh đi tìm những tượng gỗ nhà mồ. Anh ta là ai? Một nhà nghiên cứu, một người yêu cổ vật, văn hóa thổ dân địa phương, hay người đi tìm những linh hồn ẩn náu đằng sau những tượng gỗ âm thầm?

Nguyễn Diệu Tâm
Tháng 3- 2017
Mời các bạn cùng xem hội thi tạc tượng dân gian qua album này:
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1369533546443738.1073742221.100001613180918&type=3
Hội thi bắt đầu từ ngày 8/3/2017 đến 10/3/2017. Các nghệ nhân đã sáng tác tạc tượng tại chỗ. Cuộc thi diễn ra suốt 3 ngày. Tôi không dự được hôm trao giải, nhưng cũng tại KoTam tôi đã chụp hình được một số tác phẩm  đoạt giải trong hội thi năm 2015.

3 nhận xét:

  1. Thanh Thanh: Em may mắn kết bạn với chị trên FB, vì được đọc nhiều bài viết hay, giá trị và còn được du lịch bằng mắt nữa. Thank you chị.
    Dieu Tam Nguyen: Chị rất vui khi em thích. Comment của em khích lệ chị đi nhiều hơn, viết nhiều hơn. Chị cảm ơn em mới phải chứ :-)
    Thanh Thanh: Nói kiểu này giống như chị nấu cho em ăn rồi cảm ơn em đã ăn để chị siêng nấu! Hi...hi...
    Dieu Tam Nguyen: Đúng vậy Thanh Thanh Nguyen, nấu ăn ngon mà không có ai ăn thì buồn chết được, khỏi nấu luôn
    Dieu Tam Nguyen Đúng vậy Thanh Thanh Nguyen, nấu ăn ngon mà không có ai ăn thì buồn chết được, khỏi nấu luôn :-D
    Thuc-Khanh Nguyen: Cám ơn chị Tâm nhiều với những bài viết thật giá trị. Em rất thích đọc bài của chị vì những câu chuyện có tính cách riêng tư & kinh nghiệm của chị, chứ không chỉ là kiến thức hay tài liệu chung chung.
    Dieu Tam Nguyen: Chị phải cảm ơn em Thuc-Khanh Nguyen. Comment của em làm chị cảm động. Chị rất vui khi em thích <3
    Suong: Tớ đọc hết rồi, đọc cho "Dôn" nghe luôn. Người ấy khen bài thơ hay và khen người nớ viết bài hay. Tóm lại: toàn khen !
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn người đọc và xin gửi lời cảm ơn người nghe O Suong 💝 😃

    Trả lờiXóa
  2. Tố Mỹ: Lại thêm những bài viết và hình ảnh thật quá hay, về một dân tộc trong một thành phố, thật gần gũi mà như cách xa. Cám ơn em Dieu Tam Nguyen. Dân tộc Ê Đê tài giỏi ...
    Dieu Tam Nguyen: Chủ đề này em muốn viết lâu rồi nhưng vì chưa có dịp chứng kiến như lần này nên mới để đến bây giờ, viết ra một hơi như đã giấu trong lòng từ lâu đó chị! cảm ơn chị yêu luôn đồng hành với em trên mọi chuyến đi :-)
    Loan Nguyen: "Cứ đi, như đã đến,
    Cõi mộng cuộc đời này!
    Một vòng xoay âm dương,
    Cuối cùng là bắt đầu ..."
    Hay quá Tâm ơi! Chị thích nhất 4 câu này. Cảm ơn em.
    Dieu Tam Nguyen: Bài thơ này em viết đã lâu rồi chị Loan Nguyen. Cũng hơn 10 năm trong một lần ngắm lại bức tranh. Cảm xúc cứ thế mà trôi và viết. Viết ra được rồi thì thay vì vẽ một bức tranh Tây Nguyên, xem như em đã có một bài thơ nhỏ tặng núi rừng :-) Cảm ơn chị yêu!

    Trả lờiXóa
  3. Anh Hao: Bài viết và hình ảnh đều xuất sắc đó bạn Dieu Tam Nguyen :-)
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn anh Hai. Một bài viết và những hình ảnh "thu hoạch" được từ chuyến đi Ban Mê Thuột, một trong những giấc mơ "ôm ấp" từ 20 năm về trước. Có nhiều điều nhiều thứ, tưởng là mơ, mà thành thật. Dĩ nhiên cũng có nhiều điều, nhiều thứ khác, tưởng là thật, mà chỉ là mơ ... phải không anh? Dù sao, đây cũng chỉ là một bài viết chung cho một chủ đề, nếu có thì giờ viết về ... từng bức tượng gỗ, sẽ có nhiều chuyện "behind the scenes" ... Khi nào về hưu hẳn, DT thích ... vào rừng thu nhặt những câu chuyện, chỉ sợ lúc đó rừng không còn ai ở nữa :-( Mà hy vọng đi, nghe nói BMT đang triển khai dự án "nhà trong rừng, rừng trong nhà" đó anh!

    Trả lờiXóa