Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

NƠI CHỈ CÁCH QUÊ HƯƠNG MỘT DÒNG SÔNG (III)



Ngày thứ ba ở Campuchia, buổi sáng thức dậy khi mặt trời chưa mọc, chúng tôi lên đường đi tiếp đến điểm phát quà cuối cùng của chuyến đi. Phnompenh vẫn còn chìm trong giấc ngủ say. Trên con đường vắng vẻ, dưới ngọn đèn đường hiu hắt những chiếc xe tuk tuk còn che bạt nằm im lìm, một chiếc xe chở rau củ chuẩn bị ra chợ, vài chiếc xe hơi vụt qua, thi thoảng có bóng người thấp thoáng từ xa đi tới. Chúng tôi ghé một quán ăn mở cửa sớm mua cơm hộp đem theo. Ở đây có bán bánh bao, cơm tấm, hủ tíu … cũng như ở Việt Nam vậy. 

Một góc thành phố Phnompenh đêm về sáng

Cách Phnompenh chừng 60 km, có một ngôi làng rất nghèo bên sông mang tên Bến Ván, nơi có bến nước thuyền bè neo đậu, đến và đi, cùng hàng trăm căn nhà nổi nằm san sát kề nhau ven sông. Sát bờ sông có một ngôi chùa xây theo kiểu nhà sàn mang tên An Hòa tự, do sư Minh Trung, một nhà sư tu học ở Ấn độ về trụ trì đã hơn 10 năm. Vào chính điện lễ Phật, thật bùi ngùi khi chưa bao giờ tôi nhìn thấy một ngôi chùa nghèo đến thế. Nối liền với ngôi chùa bằng cầu ván đi ra phía sau là trường học cho các trẻ em người Việt do sư thành lập cũng đã được 4 năm. Có lẽ do nằm gần bờ sông, để tránh lũ lên ngôi chùa và trường học đều được dựng trên những cột kèo bằng cây cao lêu nghêu, lót ván ọp ẹp. 

Trường học tiếng Việt ở Bến Ván, Campuchia

Nghe kể, ở xóm nghèo này trước đây cũng đã có một nhà sư mở lớp dạy học, nhưng dân làng thấy nhà sư ấy hay uống rượu, họ không cho con cái đến học. Khi sư Trung thuê đất lập chùa, mở trường, cũng phải chịu thử thách một thời gian. Thấy sư là người tu hành chân chính, dần dần dân làng mới dám cho con theo học, càng lúc lớp học càng đông. Tại lớp học này, sư Trung giảng dạy về Phật pháp, còn có một thầy giáo dạy cho các em biết đọc, viết và làm toán đến lớp 4, lớp 5 và có một vài em sắp tới sẽ được lên lớp 6. Do đất thuê nên lớp học chỉ xây tạm bợ nay sắp tới thời hạn trả đất. Có một Phật tử đã cúng dường một miếng đất phía sau chùa nên sư Trung dự định sẽ xây lại chánh điện và lớp học trên miếng đất đó.

An Hòa Tự, Bến Ván, Campuchia

Trong lúc đoàn tất bật chia hơn 100 phần quà cho các cháu học sinh, một cô gái trong đoàn chạy đến bên tôi và kể: -“Em nghe nói chính quyền Campuchia có thể cấp cho họ giấy tờ, chỉ phải đóng 3.7 triệu đồng VN và được trả trong vòng 7 năm. Nhà nước VN hỗ trợ 250.000 Riel (tương đương 1.4 triệu đồng VN), còn lại người dân đóng mà họ vẫn không có tiền. Cả cái xóm Bến Ván này chỉ có 2 nhà có được giấy tờ chính thức để được sở hữu đất và xây nhà ở.”
Thông tin này làm tôi bất ngờ và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chỉ nghe nói lại như thế thì có thể không chính xác, qua tìm hiểu tôi biết được đa số cư dân ở đây không hiểu rõ luật pháp. Luật Campuchia khá khắt khe, dù đã sinh sống qua nhiều đời ở Campuchia họ vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Luật nhập cư và Luật quốc tịch Campuchia. Chính quyền có thể cấp cho người Việt sinh sống lâu năm ở đất nước Campuchia thẻ cư trú tạm thời, phải đóng tiền, thời hạn tối đa 1 năm là 250.000 riel (tương đương 62 USD). Đối với thẻ thường trú, thời hạn 2 năm là 500.000 riel; thẻ thường trú cấp lại: 500.000 riel; lệ phí gia hạn thẻ thường trú: 500.000 riel. Như vậy, để được cấp thẻ ngoại kiều, mỗi người (từ 18 tuổi trở lên)  phải đóng ít nhất 1.000.000 riel, tương đương 250 USD. Đối với hàng ngàn người Việt sống lang thang trên sông hồ, chạy ăn kiếm cơm từng bữa như vậy thì số tiền đó đối với họ và cả gia đình con cái đông đúc là quá lớn  hầu như không hay khó thể thực hiện.


Ba ngày trôi qua, đi nhiều nơi sống khác nhau của người Việt ở Campuchia, với tôi có lẽ xóm nhà nghèo dưới chân cầu Sài Gòn là nơi phức tạp nhất. Cách không xa thủ đô Phnompenh, con số hơn 2.000 người chưa kể mỗi ngày không biết bao nhiêu lượt người đến rồi đi, có người làm ăn cũng khá bằng nghề mở quầy bán vé số, số đề, hoặc buôn bán, nghe nói không có ai đến thu thuế nhưng bỏ túi cho cơ quan chức năng thì cũng nhiều để thoát bị xử phạt. Ở một nơi phức tạp như vậy, có lẽ tệ nạn cũng nhiều. Riêng những làng nghèo ở Pim So, “Cay Đắng”, Bến Ván thì dù nghèo nhưng vẫn có cái gì đó “an toàn” hơn. Dù họ vẫn là những người vô tổ quốc, không quốc tịch, không có quyền công dân, nhưng có lẽ những nơi đã có các nhà sư chân chính như sư Chơn, sư Minh Trung mở ra những lớp học tình thương dạy dỗ cho con em họ giáo pháp, lễ nghĩa, biết chữ, biết viết, thì niềm tin và hy vọng về một ngày mai tốt đẹp vẫn cao hơn và sau này thế hệ con cháu họ có thể đọc được hiểu được nhiều hơn, dần dần có thể thoát ra được cảnh nghèo túng tận cùng đó.    

Trong lớp học Bến Ván.

Rời bến Ván, chúng tôi về lại Phnompenh để kịp tham quan Chùa Wat Phnom trước khi ra xe Khải Nam khởi hành về lại Sài Gòn lúc 3 g chiều. Mọi người đều trầm ngâm suy nghĩ trước những cảnh đời đã chứng kiến 3 ngày qua ở đất nước Chùa Tháp. Những cô gái trẻ tình nguyện viên trên xe vẫn còn xúc động vì được các bé gái ở Bến Ván ôm chầm quyến luyến lúc chia tay. Có bé ngây thơ hỏi: -“Cô ơi, rồi cô có trở lại với con không?” Có lẽ các bé đều nhìn những cô gái đến từ bên kia sông này như những nàng tiên xinh đẹp trong cổ tích đã từ bên kia dòng sông hiện ra. Một cô gái rưng rưng nước mắt kể cho chúng tôi nghe cô đã hỏi các cháu: -“ Có bao giờ các con nghĩ có ngày sẽ thoát ra khỏi nơi đây?” Có cháu gật đầu, có cháu không trả lời. Cô gái nói tiếp: -“Em tin là những cô bé ấy lớn lên sẽ đủ dũng cảm thoát thân ra khỏi cái làng nghèo này!” Một anh tình nguyện viên thở dài: -“Có thể, nhưng thoát đi đâu, thoát như thế nào? Không giấy tờ, không tiền bạc, không biết chữ, làm gì, ở đâu, sống thế nào hay lại sẽ rơi vào những cạm bẫy của cuộc đời? Một điểm nữa, khi đi xin việc làm, có khi vấp phải những định kiến nặng nề, người chủ nghe đến “lý lịch” từng sống ở gầm cầu, Biển Hồ, các làng nghèo v.v… liệu họ có dễ dàng chấp nhận? Chỉ có thể là người ấy may mắn, có cơ hội thoát ra mà thôi.”  

Trường làng ở Bến Ván do sư Minh Trung thành lập.

Có nhiều người trẻ tuổi từng tìm cách thoát ra khỏi xóm nghèo nơi đã mấy đời cha ông họ sinh sống, nhưng họ phải có nghề nghiệp, học vấn, phải có giấy tờ v.v... Có người khá hơn đã về thành phố ở, sau đó họ đưa cả gia đình đi theo. Nhưng không phải ai cũng may mắn được như vậy. Cũng có những người bỏ nhà ra đi, rồi mất tích luôn, cha mẹ chẳng biết con ở phương nào mà tìm. Con gái thì càng khó rời khỏi làng vì lo sợ có biết bao nhiêu cạm bẫy bên ngoài túp lều tranh nơi dù nghèo nhưng vẫn còn có cha mẹ bảo bọc che chở. Khi đã sống tha phương lâu đời, thật không dễ bỏ đi đâu. Người Việt lại quen sống chung với gia đình, trong một mái nhà sống chung với nhau 3, 4 thế hệ là chuyện thường tình.  
Ở những ngôi làng nghèo này, cũng như ở những vùng có người Campuchia gốc Việt sinh sống khác trên đất nước Campuchia, có thể nói trên một nửa dân số đều trong tình trạng sống nghèo khổ cùng cực, thiếu ăn thiếu mặc, không có nước sạch dùng, không có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng mang tính tạm bợ, tương lai mịt mù mà nguyên nhân là do nhận thức về cuộc sống, sự nghèo đói, thất học, không có địa vị pháp lý … Có nhiều chương trình, dự án đã vạch ra, có thể một ngày nào đó sẽ có cách giải quyết vấn nạn đau lòng này, đó là vấn đề của chính quyền hai nước, đặc biệt là từ phía chính phủ Campuchia. 

Những phận đời lênh đênh...

Những đoàn từ thiện tự phát như chúng ta chỉ có thể thầm lặng giúp đỡ họ một phần nào, một bữa ăn để khỏi chết đói, vài con chữ để khỏi mù chữ. Có người nói chuyện cứu trợ này chỉ như muối bỏ biển, nhưng bạn ơi, biển không có muối cũng không còn là biển. Các bạn và tôi cùng không mong ước gì hơn, có một ngày những vấn nạn này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Rồi một ngày nào đó, những xóm làng nghèo tơi tả tăm tối này sẽ tươi sáng hơn, người lớn có việc làm, có nhà cửa, con trẻ được đến trường, mọi người đều có quyền công dân, có cái ăn cái mặc. Và những dòng sông sẽ trong xanh trở lại, cá Biển Hồ lại sinh sôi nẩy nở…

* Bài viết và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
   Tháng 5. 2017 

Nơi Chỉ Cách Quê Hương Một Dòng Sông - Phần I
https://ngdieutam.blogspot.com/2017/05/noi-chi-cach-que-huong-mot-dong-song-i.html

Nơi Chỉ Cách Quê Hương Một Dòng Sông - Phần II:   
https://ngdieutam.blogspot.com/2017/05/noi-chi-cach-que-huong-mot-dong-song-ii.html
 

Mời các bạn xem thêm hình ảnh ở đây: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1423694024361023.1073742226.100001613180918&type=3&pnref=story

3 nhận xét:

  1. Dzung: Hình ảnh và bài viết thấy buồn nao lòng!!!!!
    Dieu Tam Nguyen Bế tắc, phải không Dzung? 😞 Cảm ơn bạn hiền đã đọc.
    Lanh Le: Chị Dieu Tam Nguyen ơi! Đọc bài viết tiếp này mà Em ko cầm được nước mắt. Cảm ơn Chị
    Dieu Tam Nguyen Chị chỉ viết chung chung, chưa đi vào cảnh riêng, còn nhiều chuyện rơi nước mắt nữa Lanh Le. Cảm ơn em đã đọc.

    Thìn Đinh Yêu trái tim nhà báo Diệu Tâm Nguyên...!
    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn lớp trưởng Thìn Đinh 💝

    Thuy Luong Chị viết hay lắm, em chia sẽ cho mọi người đọc đc ko chị. Cám ơn chị
    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn cô giáo yoga Thuy Luong

    Nguyễn Anh Thương tâm quá, họ không nghĩ đến chuyện hồi hương hay sao Dieu Tam Nguyen?
    Dieu Tam Nguyen Tiền đâu mà về Nguyễn Anh? Ở đâu cũng vậy, không có tiền là không thể đến, bạn ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Kim Guyen
    A Di Da Phat . Dung la canh kho tram luan , viec lam cua cac ban that su huu ich, giup cho minh nhin thay duoc phan nao su kho khan cua nhung nguoi tha phuong ,hy vong se co nhieu them cac manh thuong quan chung taygop suc cac ban.

    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn Kim Guyen. Mình nghĩ cần có sự góp sức từ nhiều đoàn thể tổ chức lớn khắp nơi nhưng cái chính là từ chính phủ Campuchia nữa bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Mt Đọc bài viết của Diệu Tâm thấy thương tâm quá. Cơ hội để thoát khỏi hoàn cảnh này cũng khó khăn quá. Thương cho những em bé.
    Dieu Tam Nguyen Có lẽ cứ gõ, cửa sẽ mở, mình tin như vậy Mt :-( Cảm ơn bạn mình đã đọc.

    Le Mai Đọc bài viết mà mình ngậm ngùi....
    Cũng cùng phận người VN,mà có lẽ người Việt ly hương ở đây dường như cơ cực nhất!

    Dieu Tam Nguyen Đúng vậy Le Mai. Mình nghĩ có nhiều nguyên nhân một phần sau nạn diệt chủng từ thời Khmer đỏ để lại hậu quả nặng nề ở Campuchia. Rất nhiều người bị giết hại, gia đình ly tán, tan nhà nát cửa, số khác chạy về VN lánh nạn, sau đó khi yên ổn rồi họ trở lại thì không còn giấy tờ nữa và chính quyền K cũng liên tục thay đổi luật, có thời gian không nhận cả giấy tờ cũ ... Cộng thêm đa số nhập cư bất hợp pháp, rồi cứ sống bừa như vậy từ đời cha đến đời con. Campuchia thì gần như con số 0 sau nạn Khmer Đỏ, dân họ lo còn chưa xong! Qua K thấy vùng ven và nông thôn của họ nghèo lắm Mai ơi! Ngày nay dù nước ngoài đầu tư làm ăn rất nhiều, nhiều khu công nghiệp rất lớn nhưng đến giờ cao điểm mình thấy xe chở công nhân đi làm như chở .. heo vậy! Nam nữ đứng sau xe tải không có bạt che giữa cái nắng khủng khiếp mùa hè. Công nhân ở VN đi làm khu công nghiệp xe bus 60 chỗ lịch sự đón đưa đàng hoàng chứ không có cảnh đó đâu. Mình cũng thấy trên xa lộ nhiều xe chở hành khách cũ kỹ và khách ngồi ken kín trên mui xe giống như ở Ấn Độ vậy! Riêng người Việt bên đó cũng có khoảng 20% làm ăn khá giả hoặc cũng sống được. Dĩ nhiên số người này có tiền và đủ điều kiện vào quốc tịch Campuchia. Người giàu nhất K hiện nay là ông Sok Kong gốc Đồng Tháp, đã đứng ra thầu trùng tu Angkor Wat, và được nhà nước Campuchia phong tước quận công vì đã đóng góp cho chính phủ 9 triệu US dollars.
    Le Mai: Thật thương cảm với những phận người!
    Bài viết của Tâm xúc động lắm!
    Cảm ơn bạn hiền Dieu Tam Nguyen,đã cất công làm việc thiện và chia xẻ bài viết với bạn bè khắp nơi!

    Trả lờiXóa