Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

NƠI CHỈ CÁCH QUÊ HƯƠNG MỘT DÒNG SÔNG (I)


Có lẽ nhiều du khách trong chúng ta khi từng đi tour Campuchia đều có những cảm xúc trái chiều khi nhìn thấy lịch sử huy hoàng ngàn năm trước của đế chế Khmer qua việc xây dựng quần thể đền đài Angkor kỳ bí hùng vĩ với những hình ảnh điêu khắc mỹ thuật tuyệt đẹp, đỉnh cao của kiến trúc Khmer xứng danh là một trong những di sản văn hóa của thế giới, và hình ảnh ngược lại là hậu quả của những cuộc nội chiến trong thời kỳ diệt chủng ghê rợn, tàn bạo kinh hoàng của Khmer Đỏ từ 1974- 1979 đã để lại những cánh đồng chết và bao nhiêu cảnh đời khó khăn nghèo khổ, tương lai mù mịt. Điều này có vẻ như không cách biệt quá với những dòng chữ của Henri Mourot, một nhà thám hiểm người Pháp đã viết về Angkor Wat vào giữa thế kỷ 19, là: "Một trong những ngôi đền đó - một đối thủ của đền Solomon, và được một số Michelangelo thời cổ đại dựng lên - có thể có một chỗ đứng trang trọng bên cạnh những công trình đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn tất cả những gì người Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta, và thể hiện một sự tương phản đáng buồn cho tình trạng man rợ mà đất nước đang mắc phải".

Quần thể Angkor Wat, Vương quốc Cambodia.


Ngày nay, vào thế kỷ 21, mặc dù Campuchia đã phát triển về kinh tế, đạt được mức tăng trưởng lớn nhất là về du lịch nhưng sự phát triển dài hạn của nền kinh tế sau hàng chục năm chiến tranh bị tàn phá hoàn toàn sau thời kỳ Polpot Khmer Đỏ, vẫn còn là một thách thức to lớn. Dân cư thất học và thiếu các kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là ở vùng nông thôn vẫn còn nghèo đói thiếu thốn và gần như chưa có các điều kiện cần thiết của cơ sở hạ tầng. Riêng cộng đồng người Campuchia gốc Việt, là dân tộc thiểu số lớn nhất tại Campuchia, hiện nay vẫn còn đối đầu với nhiều khó khăn. Cho dù đã sinh sống trên đất Campuchia nhiều đời, luật pháp vẫn cấm không cấp cho họ giấy tờ tùy thân, không cho sở hữu ruộng đất, khiến họ chỉ mỗi có nghề chài để sinh nhai. Khoảng 90% người dân gốc Việt sinh sống cuộc đời trôi nổi trên xuồng bè sông nước. Họ bị cô lập và sống hết sức nghèo khổ qua nhiều thế hệ. Trước năm 1996, trẻ em thuộc gia đình có cha hoặc mẹ sinh ra trên đất Campuchia có thể chính thức ghi danh nhập học. Nhưng sau đó, luật pháp thay đổi, đòi hỏi cả cha lẫn mẹ phải chứng minh đã sinh ra trên đất Campuchia và có quyền cư trú hợp pháp thì con em mới được đến trường, khiến cho nhiều trẻ em gốc Việt không thể hưởng quyền công dân và hội nhập xã hội Campuchia. Đa phần các em chỉ được học trong những ngôi trường của người Việt, từ lớp 1 đến lớp 5 mà thôi, nếu muốn học tiếp thì phải về Việt Nam. Và mọi người khi chẳng may mắc bệnh thì tự chữa tại địa phương, tìm thầy lang vườn. Người có tiền hoặc còn thân nhân ở Việt Nam thì phải trở về quê hương kiếm cách chữa trị.
Một số tổ chức của chính quyền, các tôn giáo, quân đội, cá nhân người Việt Nam đã từng thành lập những trường học dành cho các con em người Việt sống tại Campuchia. Rất nhiều nhóm từ thiện, mạnh thường quân trong nước và hải ngoại đã tổ chức cứu trợ, chăm sóc y tế, nhưng cho đến nay cuộc sống của họ vẫn không có gì khá hơn. Ngày trước Biển Hồ còn cung cấp cho họ nguồn sống, cá ăn hàng ngày, nhưng nay thì Biển Hồ đã ô nhiễm trầm trọng, hàng ngàn hộ phải di dời theo quyết định từ tháng 10/2015 của chính quyền tỉnh Kompong Chhnang. 1.400 hộ gia đình (trong đó có hơn 900 hộ là người Việt) phải dời đến địa điểm mới cách Biển Hồ khoảng 5 km thuộc ấp Kandal và Chong Koh, phường Phsar Chhnang, thành phố Kompong Chhnang.

Lênh đênh cuộc sống Biển Hồ
Một nhóm bạn tôi, là các cựu giáo viên đã về hưu, khi nghe kể về chuyện một nhà sư mở lớp học miễn phí cho con em người Việt tại Campuchia đã chiêu dụ các em đến lớp bằng cách thưởng cho một tô mì gói sau mỗi buổi học, các bạn đã tình nguyện tặng cho lớp học tiền lương cho các thầy cô, tiền mì gói hàng tháng, chỉ mong cho các em biết được vài con chữ. Thời gian qua chỉ có nhóm các sư cô Bến Tre tự tổ chức vượt đường xa đến cứu trợ, đầu đàn là cô Diệu Huệ, tuổi đã xấp xỉ 70, chúng tôi cũng có phần ngần ngại khi nghe nói đường đi khá gian nan vất vả và có những nơi xa xôi thiếu an toàn, nhưng không tận mắt chứng kiến thực tế thì lòng không yên nên lần này tận dụng những ngày nghỉ lễ, nhóm Hiểu & Thương chúng tôi rủ nhau lên đường kết hợp cùng nhóm cô Diệu Huệ, tổng số được 21 người. Điểm đến là nhằm vào các trường học tự phát dành cho con em các hộ nghèo của cộng đồng người Việt đã sinh sống tại Biển Hồ, đặc biệt một số trường học ở vùng sâu vùng xa, nơi có rất ít đoàn cứu trợ biết đến.
Ngày thứ nhất, buổi sáng từ Tp HCM khởi hành lúc 4:45 am, 7:20 đến cửa khẩu Mộc Bài, 11:00 đoàn chúng tôi đến Chùa Hưng Thạnh ở Bung Prolich, Xã Prekpra, huyện Mean Chey ở vùng ven thành phố Phnompenh. Nơi đây, đoàn phát 300 phần quà cho các học sinh nghèo và phần thưởng cho các học sinh giỏi của đạo tràng. Sau bữa cơm trưa tại chùa, chúng tôi vội đi tiếp đến điểm thứ hai ở ngoại ô Phnompenh, cách khá xa Mean Chey để phát 200 phần quà cho người dân khu xóm nghèo cầu Chba Om Pau bắc qua sông Basac (một nhánh của sông Mê Kông), mà người Việt nơi đây gọi là “cầu Sài Gòn”. 

Một góc xóm nghèo "cầu Sài Gòn" (Chba Om Pau), Cambodia


Đường đi vào quanh co và hẹp. Xe len lỏi qua một cái chợ đầy rác, ngoài mặt tiền là một số nhà đúc 2, 3 tầng của chủ người Campuchia. Xóm nghèo người Việt nằm cuối khu chợ ấy, trong các ngõ hẻm chằng chịt ngang dọc, những căn nhà tồi tàn rách nát thấp lè tè, vách ván mái tôn, che chắn đủ loại vải, bạt nhiều màu hay tre nứa, thường là của chủ nhà Campuchia dựng tạm bợ cho người Việt thuê. Nơi đây cư dân đa số đến từ đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp... Xóm hình thành từ gần 20 năm qua, với khoảng 2.000 người Việt sinh sống. Đa số dân trong xóm đi làm mướn, chạy bàn, phụ việc cho các quán ăn; đàn ông sống bằng nghề xe ôm, đàn bà thì buôn bán nhỏ như tủ thuốc lá, kẹo bánh linh tinh, xe bán cóc, ổi… Và cũng vậy, họ sống không có giấy tờ, sinh con đẻ cái nheo nhóc, không có cơ hội học hành. Thoạt đầu đoàn từ thiện dự định 100 phần, nhưng nghe nói đông quá đã tăng lên 200 phần mà chia vẫn chỉ đủ ½ số hộ nghèo theo con số địa phương cho biết. 

Tịnh xá Ngọc An Lạc, Xã Tức Vơ, Huyện Xà An, Tỉnh Căn Đa
Rời cầu Chba Om Pau, chúng tôi đi về tịnh xá Ngọc An Lạc ở huyện S’ang, tỉnh Kandal, kế cận thành phố Phnompenh nhưng đường đi cũng khá xa, mất 1 - 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Tịnh xá này do một sư bà trên 80 tuổi thành lập, tỳ kheo Thích Thiện Chơn trụ trì, có phòng nghỉ và bếp ăn cho các đoàn Phật tử đi hành hương, từ thiện. Tịnh xá nằm trong một ngôi làng yên tĩnh chung quanh là những cánh đồng mía, ruộng bắp và rau củ xanh ngắt. Vừa xuống xe sau quãng đường dài gay gắt nắng hè nhiệt đới, chúng tôi được nhà chùa tiếp đãi với ly nước mía tươi mát ngọt lịm từ đồng mía và nồi bắp luộc dẻo thơm từ ruộng bắp của chùa. Thật sảng khoái khi được tắm gội và nghỉ ngơi, dùng cơm tối ở đây. Thỉnh thoảng từ chánh điện vang lên tiếng chuông thanh thoát. Thật thanh tịnh và bình yên! Rất tiếc tối hôm đó do mệt mỏi vì đi đường suốt ngày quá xa, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội nghe sư thầy giảng Pháp. Đêm đầu tiên trôi qua ở một làng xa xôi Campuchia, ngủ trong cơn mưa đêm và nghe tiếng ễnh ương kêu ngoài đồng.

(Còn tiếp)
Bài và hình ảnh: Dieu Tam Nguyen

(*) Một số thông tin có tham khảo từ báo chí và Wikipedia. 

Nơi Chỉ Cách Quê Hương Một Dòng Sông - Phần II:  https://www.facebook.com/notes/dieu-tam-nguyen/n%C6%A1i-ch%E1%BB%89-c%C3%A1ch-qu%C3%AA-h%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BB%99t-d%C3%B2ng-s%C3%B4ng/1588035061207161/


Mời các bạn xem thêm hình ảnh ở đây: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1423694024361023.1073742226.100001613180918&type=3&pnref=story



3 nhận xét:

  1. Thuy Van: DT viet hay wa nghe chạm vào nỗi đau của người dân VN khi ở Campuchia đó bạn

    Dieu Tam Nguyen Mình mới viết phần 1 thôi nghe Thuy Van. Sẽ có thể phải viết 2 hoặc 3 phần nữa mới có thể tải đủ ý. Cảm ơn bạn hiền đã đọc đầu tiên

    Khanh Hoa: Bài viết rất hay, cảm động, ình như được dẫn dắt theo từng chuyến đi.

    Tina P.: Có một chút buồn khi xem hình và đọc bài tường thuật của Tấm. Tỷ có thắc mắc là không biết những người này có thấy họ khổ không? Nếu họ cảm nhận được tại sao sống tới ba đời ở đó? 😔

    Dieu Tam Nguyen: Em đang viết phần 2 tỷ Tina Pham, em sẽ nói thêm về chuyện này. Khi đã sống tha phương lâu đời, nhưng đó cũng là nơi ông bà cha mẹ họ đã sống, rồi sinh con đẻ cái, bà con xóm giềng, không dễ bỏ đi đâu. Đến một nơi sống mới vẫn với hai bàn tay trắng, không ai giúp đỡ, làm sao sống được? Người Việt mình lại quen sống chung với gia đình, được gia đình đùm bọc, quen rồi! Người trẻ sau này cũng muốn rời bỏ làng nghèo để lên thành phố, nhưng họ phải có nghề nghiệp, học vấn, phải có giấy tờ v.v... Cũng có những người bỏ nhà ra đi, rồi mất tích luôn, cha mẹ suốt ngày than khóc. Họ cũng không hề muốn con cái rời nơi họ đã chọn sống mà đi.

    Trả lờiXóa
  2. HongKhac: Dieu Tam Nguyen viết hay lắm. Rất xúc động khi được đọc bài này về những cơ cực của tập thể người Việt đang sống tại Campuchia. Ước gì được đóng góp trong những chuyến đi sau của bạn.
    Dieu Tam Nguyen: Em rất vui và cảm ơn chị HongKhac đã đọc và chia xẻ. Em chỉ mới viết phần 1, còn phần tiếp theo sẽ có vài nơi đến nữa, chị sẽ nhận ra nơi nào chúng ta cần đến để hỗ trợ, và giúp như thế nào.
    Chúc chị khỏe, bình an và hạnh phúc.

    Thuc-Khanh: Hay quá chị Tâm ơi. Người Việt bị kỳ thị dữ quá ha chị. Em nghe nói người Campuchia ghét người mình vì hồi chiến tranh...
    Mấy lớp học dạy tiếng Việt hay tiếng gì vậy chị?

    Dieu Tam Nguyen: Các lớp học dạy tiếng Việt Thuc-Khanh. Còn chuyện người Campuchia kỳ thị người Việt vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề chuyện xưa từ thế kỷ 19 nhà Nguyễn cai trị trấn Tây Thành, và thập niên 1980 xung đột biên giới giữa người Việt và Campuchia nên họ nghi ngờ. Thêm vào đó người Việt khác biệt văn hóa, không hội nhập được như người Hoa hay Thái, nên hôn nhân giữa người Kam và người Hoa, người Thái cũng nhiều hơn là với người Việt. Nghe nói cứ mỗi lần có bầu cử là đảng đối lập của Rainsy thường bài Việt để kích động cử tri, ông này hiện đang sống lưu vong tại Pháp.

    Lanh Le Bài viết của Chị Dieu Tam Nguyen hay quá, đã khuya mắt mở ko lên mà em cũng ráng đọc cho hết bài viết của Chị xong mới nhắm mắt ngủ nè Chị

    Dieu Tam Nguyen Good night Lanh Le. Em đi ngủ đi rồi mai ... đọc tiếp phần 2 nghe :-)

    Huong: Sao chi hua ma chua thay goi phan 2 ha chi Dieu Tam Nguyen?

    Trả lờiXóa
  3. Hue Chi: Chào cô Diệu Tâm, bài viết quá hay, thương lắm nhg mãnh đời bất hạnh, cac m nhỏ thiếu cái chữ... biết đâu laˋ tuổi thơ....
    Co.cho.m.chia se bai.viet..va dang chờ tập 2 ra đời.

    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn Hue Chi đã đọc và share. Em cứ tự nhiên. Hôm rồi trong chuyến đi cô Kim Nga có nói Huệ Chi cũng muốn đi cùng, nhưng em bận phải không?

    Thanh Thanh: Đọc mới thấy thương dân mình, tha phương cầu thực mọi nơi

    Dieu Tam Nguyen Cũng là vận nước và số phần - hay "nghiệp" của mỗi người, phải không Thanh Thanh Nguyen?

    Thanh Thanh: Em chờ đọc phần 2 của chị. Cảm ơn chị nhiều

    Lan Võ Cam on Chi Dieu Tam Nguyen! Bai viet cua chi da cho em qua nhieu cam xuc.... Buon hon va cang Thay thuong qua nguoi dan Viet....!


    NT Ho: Bài viết hay quá gây xúc cảm nhiều cho người đọc. Thật thương cảm cho những người Việt cần cù kiếm sống, bị rơi vào cảnh tha hương cầu thực nhưng vẩn khg đủ ăn . Cám ơn Dieu Tam Nguyen & những thành viên hảo tâm trong nhóm thiện nguyện đã đem lại mot niềm vui cho các em

    Dieu Tam Nguyen Cảm ơn bạn hiền đã đọc và comment. Người Việt đa số là cần cù, riêng cộng đồng người VN ở Campuchia cũng đã có nhiều đóng góp nhưng luật lệ khá khắt khe với họ. Bây giờ đi cũng dở mà ở chẳng xong, NT.

    Trả lờiXóa