Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

CÂY KEO



Có những loại cây gắn liền với tuổi thơ tôi ở miền Trung.
Ngày bé ở Phan Rang là những cây bàng trong công viên trước nhà. Khi ra Huế, vườn nhà trồng toàn Đỗ mai, trước mặt hàng xóm có những cây trứng cá sai trái và con đường hai bên là cây sầu đông. Lớn hơn, vào Qui Nhơn sống bên những cây khuynh diệp hoa vàng, phía sau nhà có một cây keo to lắm, tàng lá rộng xoè cho bóng mát cả sân vườn nơi đám con trai thường chơi bắn bi. Lá keo nhỏ, xanh um và trái đẹp như trong bức ảnh ngẫu nhiên được nhìn thấy sáng nay. Càng ngắm nhìn bức ảnh tôi càng cảm thấy như mình ngửi được cả mùi thơm của chùm keo. Hơi hăng hắc, nhưng rất tươi mát. Trái keo chín nở bung ra có màu trắng như bông ửng xanh và hồng thật êm dịu, cắn một miếng nghe chan chát nhưng bùi bùi, nay kéo theo về nhiều ký ức tuổi thơ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi. 
 Bạn bảo ai biết cây này hẳn có một "tuổi thơ dữ dội"? Với tôi thì "tuổi thơ êm đềm" nhiều hơn, đến lớn mới "dữ dội". Ngày ấy chơi dưới bóng mát cây keo thích lắm. Mùa mưa lá xanh um và cây thường tỏa một mùi thơm thơm dễ chịu. Trái keo, hình như ăn cũng vui vui, trẻ con thường thế, trái gì là lạ không bán ngoài chợ, không thuộc dòng "chính quy" vẫn muốn ăn thử. Suốt thời trung học tôi sống bên cây keo. Và hình như, một trong những "hẹn hò" đầu tiên cũng bên cây keo. Tất nhiên khi ấy tôi lớn rồi. Đi học về anh thường lặng lẽ theo sau không nói lời nào suốt ... hai năm. Mùa hè đỏ lửa, theo gia đình "chạy" vào Nha Trang ở tạm trong một ngôi nhà kiểu Pháp có khu vườn lớn trồng nhiều loại cây và hoa kiểng rất đẹp, nhưng tôi thích nhất là bụi hoàng anh trước cổng, vì nó làm cho ngôi nhà thêm thơ mộng, tôi hay gọi đó là "ngôi nhà có hoa vàng trước ngõ". Một đêm lang thang trong vườn hoa, tôi ra cổng đứng dưới giàn hoàng anh. Và nhìn thấy anh từ bên kia đường đi đến, thật tự nhiên còn tôi thì trố mắt ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xảy ra, giống như con người đang từ đâu đi tới đó như vừa bước ra từ trong một giấc mơ vậy. Đó là lần đầu tiên anh dám mở miệng làm quen. Sau đó thì cả hai bắt đầu tập viết thư ... tình. Khi mùa hè đã qua, trở về lại Qui Nhơn, ít gặp nhau hơn vì sợ ba má rầy không lo học. Anh cũng không dám đến nhà. Ngày ấy IPhone IPad không có, đành chịu thua, ngồi mà chờ những lá thư xanh từ bác đưa thư chăm chỉ của bưu điện.
Một hôm có "mật vụ" bé con đến kề tai thì thầm: "Chị ra nhà sau, nơi có cửa sổ sát bên cây keo. Có một anh đang chờ"... Tim đập liên hồi vì hồi hộp, vì sợ, vì ... cái gì không biết nữa! Nhưng tôi phải làm theo lời "mật vụ". Mở cửa sổ nơi ngó ra cây keo, anh đã đứng đó, cười thật dễ thương với chùm trái keo trên tay...

* Nguyễn Diệu Tâm 
Cuối tháng 6 - 2016

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

VỀ LẠI VƯỜN XƯA

Trong cuộc đời chúng ta, trong rất nhiều thứ gọi là “nỗi nhớ”, có lẽ ai cũng có một khu vườn xưa để khắc khoải nhớ về. Đó có thể là một khu vườn ở thôn quê miền Tây Nam bộ, bao quanh túp nhà tranh với những hình ảnh quen thuộc khó quên, là hàng dâm bụt hoa đỏ bên hè, giàn hoa mướp vàng ngó ra cánh đồng phía trước, bụi chuối, cây mít sai quả nằm sát cả xuống đất, cây vú sữa đến mùa trái ngọt lúc la lúc lỉu, những cái ao rêu xanh... Cũng có thể là khu vườn miền Trung thi vị, kiểu cách như ở Huế, đa số nhà đều có vườn, không lớn thì nhỏ. Những ngôi nhà nấp sau khu vườn ngăn nắp thường có hai hàng cau từ cổng đi vào hồ vọng nguyệt hay hòn non bộ, khắp vườn ngan ngát hương thơm hoa thay nhau nở bốn mùa như hoa sứ, sầu đông, nguyệt quế, ngọc lan ... Hoặc có khi chỉ là một khóm hoa nhỏ trước hiên nhà cũng có thể gọi ong bướm rập rờn, chim chóc đến hót véo von... Nhưng những khu vườn ta đã từng sống cùng với chúng khi còn ấu thơ, chắc chắn rất khó quên, cho đến một ngày ta trở về, bao nhiêu cảm xúc cùng lúc ùa đến một lúc làm ta càng thương càng nhớ, có khi chỉ ngậm ngùi muốn khóc.

Vườn cây đỗ mai Bình Châu. Ảnh: NDT

Tuổi thơ tôi cũng có những “vườn xưa”. Ngày ấy vì cha tôi làm công chức cứ mỗi vài ba năm lại di chuyển một lần, cả gia đình bầu đoàn thê tử cũng phải đi theo cha. Những năm mẫu giáo, “vườn xưa” của tôi là một công viên trồng toàn cây bàng trước mặt nhà ở Phan Rang. Ở đó tôi thường ngắm những chú sóc nhỏ chui ra chui vào các hốc cây tìm quả bàng rơi mà ăn. Lúc đó còn nhỏ lắm nên chỉ nhớ đến thế. Sau đó khi gia đình dọn đi nữa thì "vườn xưa" mà tôi nhớ mãi trong những giấc mơ là ở Huế suốt những năm tiểu học. Đẹp vô cùng. Còn nhỏ, các chị em tôi thường thích chơi loanh quanh trong khu vườn rộng rất nhiều trò. Bà ngoại tôi trồng phía sau nhà một vài luống bạc hà, vài cây mãng cầu, ổi sẻ, chuối... Trái không chín nổi vì đám cháu của bà luôn chực trái vừa kha khá lớn là hái ăn. Có khi bà trồng bên hàng rào cây đậu ngự, cây mọc ra trái nào bị bẻ đến đó. Kế bên rào là một cái ao rau muống, xa hơn là cánh đồng. Khi mùa mưa lũ đến, cá rô đồng theo nước tràn vào vườn. Đêm về ếch nhái trong ao kêu inh ỏi, lũ dế sinh sôi nẩy nở nhảy lóc chóc trong bãi cỏ um tùm cạnh đó. Tôi vẫn nhớ các anh em trai của mình hay đi bắt dế than về bỏ trong hộp quẹt, cắt ngắn râu ria gì đó rồi đem ra cho chúng đá nhau. Tôi không khoái trò này, nghĩ điều làm cho ngôi nhà đẹp nhất không chỉ nhờ bãi cỏ và lũ dế, mà vì ngôi nhà mái đỏ xây theo kiểu Pháp nằm lọt thỏm giữa một vườn cây khá rộng trồng toàn hoa đỗ mai, một loại cây cao tán xòe rộng, hoa giống hoa đậu nhưng màu hồng, tuy không thơm nhưng rất đẹp. Ngày đó chúng tôi không biết tên nên gọi là hoa "anh đào" vì mùa xuân hoa nở từng chùm màu hồng nhạt như hoa anh đào Nhật bản, và ngôi nhà như chìm ngập trong rừng hoa. Vào những đêm trăng, càng tuyệt vời khi chúng tôi ngồi trước hiên nhà chuyện trò trẻ con vớ vẩn. Nhất là đến mùa Trung thu, chị em chúng tôi rước đèn từ đầu tháng, từ những chiếc lồng đèn cũ dán lại, gắn cây nến nhỏ vào giữa đèn rồi xách đi vòng vòng quanh sân nhà. Đến mùa đông, vườn cây trở nên huyền ảo khi sương mù phủ xuống. Trong làn sương mỏng, cảnh vật như nhòe đi trong mơ. Khu vườn gợi nhiều thương nhớ lắm là vì thế.
Cảm xúc đó trở về khi tôi gặp được bài thơ của nữ thi sĩ Amy Lowell (1874-1925)
“THE FRUIT GARDEN PATH”.
The path runs straight between the flowering rows, 
A moonlit path, hemmed in by beds of bloom, 
Where phlox and marigolds dispute for room 
With tall, red dahlias and the briar rose. 
‘T is reckless prodigality which throws 
Into the night these wafts of rich perfume 
Which sweep across the garden like a plume. 
Over the trees a single bright star glows. 
Dear garden of my childhood, here my years 
Have run away like little grains of sand; 
The moments of my life, its hopes and fears 
Have all found utterance here, where now I stand; 
My eyes ache with the weight of unshed tears, 
You are my home, do you not understand? 
Tạm dịch:
VỀ LẠI VƯỜN XƯA 
 Trên lối đi giữa ngàn hoa rực rỡ, 
 Những thảm hoa ôm lấy một đường trăng, 
 Nơi trúc đào và vạn thọ chen chân 
Với thược dược bên tầm xuân thanh mảnh. 
Ngàn hoa nở đua nhau khoe sắc thắm 
 Trong đêm sâu thơm ngát vạn mùi hương 
Như cánh chim lướt qua vườn nhớ tưởng. 
 Một vì sao nhấp nháy sáng trên cây. 
Vườn tuổi thơ yêu dấu của tôi đây 
Năm tháng cũ trôi xa như cát bụi; 
Ký ức đời tôi, hy vọng và sợ hãi 
Nay tôi về, cùng trở lại tỏ bày; 
Lệ không rơi mà tuôn tràn khóe mắt, 
Vườn - mái ấm của tôi, người có hay? 
Bài thơ được viết khoảng trăm năm trước mà cảm xúc sao thật gần. Khu vườn đêm của nữ thi sĩ đẹp quá! Cứ tưởng tượng trong một đêm trăng, khu vườn với những thảm hoa đầy màu sắc và hương thơm viền quanh lối đi qua vườn ngập ánh trăng, trên bầu trời, phía đầu ngọn cây cao có những vì sao đang nhấp nháy. Tôi như lạc vào khu vườn ấy, chỉ thấy dường như trong khu vườn của nhà thơ còn thiếu một sự sống như lũ dế trong vườn xưa của tôi, nên tôi đã tưởng tượng đến một cánh chim - một loài chim đêm nào đó quen thuộc đã từng ở trong vườn ngày nào nay cũng trở về với chủ nhân và nhẹ nhàng cùng với ngàn hương hoa đang ngào ngạt lan tỏa "lướt qua vườn nhớ tưởng".



Hoa đỗ mai

Những năm gần đây, hầu như năm nào tôi cũng trở về thăm Huế, và thường chọn khách sạn gần nhà cũ, ngôi trường tiểu học cũ. Có những buổi sáng dậy sớm tôi thường đi bộ dọc bờ sông Hương, ghé ngang qua ngôi trường xưa, đứng ngẩn ngơ nhìn hàng giờ vào lớp học, sân chơi như thấy con bé ngày nào đang nhảy lò cò trong sân cùng với bạn. Rồi từ đó tôi băng qua đường tìm về ngôi nhà xưa. Tất cả đều không còn nữa. Ngôi nhà đã bị dở bỏ hoàn toàn cùng với những ngôi nhà khác trên cùng con đường. Cái ruộng rau muống cũng không còn. Nghe nói khu vực này sẽ là một trung tâm thương mại trong tương lai gần. Tất cả đều đang được vây quanh che chắn bởi những mảnh tôn xanh. Tôi tần ngần dừng lại bên vỉa hè, nhìn qua một lỗ trống giữa hai mảnh tôn và nhìn thấy khu “vườn xưa”. Nay chỉ là một bãi đất hoang tàn. Khu vườn xưa đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn dấu vết cái ga-ra nơi ngày xưa bên dưới là hầm trú bom mà lũ nhóc chúng tôi hay chui ra chui vào chơi trốn tìm. Mắt tôi như nhòe đi khi quá khứ hiện về rõ mồn một. Nơi đây, một thời hạnh phúc. Nơi đây một thời vườn hoa đỗ mai nở rộ bao phủ lấy cả ngôi nhà.

Chỉ còn là nỗi nhớ mà thôi...
* Nguyễn Diệu Tâm

NGƯỜI NHẠC SĨ



Tình cờ tôi xem được từ You Tube những video chủ đề History of Music và rất thích thú. 
Tôi cũng biết các bạn cùng lứa với mình một thời chỉ thích nghe nhạc Pháp với Francoise Hardy, Christophe, Adamo ..., nhạc Anh với Lobo, Abba, The Beatles, Bee Gees ..., nhạc tiền chiến Việt Nam, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, kể cả nhạc Bolero v.v... Tôi cũng vậy. Và chưa một lần tìm hiểu về lịch sử âm nhạc. Không biết nó từ đâu đến, cái âm thanh kỳ diệu của cuộc đời ấy, có khi chỉ nghe một lần mà tiếng vọng của nó còn lại đến suốt đời... Thỉnh thoảng cậu em trai, người “nghệ sĩ” nhất trong nhà, lúc đó hãy còn bé mà đã thích ngồi ngoài hành lang đàn những bản nhạc classic với cây đàn guitar cũ, những Nocturne, Moonlight Sonata, La Cumpasita, Romance de Amor v.v... Tôi nghe và thấy thích. Nhưng piano thì chưa bao giờ nghe “live” và cũng chưa bao giờ được diện kiến những nghệ sĩ đàn chứ đừng nói chi đến chuyện ... “quen”.
Vậy mà đã lâu lắm rồi, từ sau cái ngày tháng tư năm ấy ... Có lần buồn buồn đi lang thang trên phố Lê Lợi một mình, định chui vào rạp xi nê Rex để tìm hương ngày cũ, thì tôi bắt gặp ... một nhạc sĩ vĩ đại của châu Âu và của thế giới. Bạn biết ai không? Beethoven! Nói thì nghe "oai" quá. Nhưng rõ ràng là Beethoven y hệt như trong bức ảnh tôi đưa vào ở đây. Tên thì có nghe nhưng đó là lần đầu tiên mình biết “mặt” ông ấy. Từ một bức ảnh hình bìa của một xấp nhạc mà một anh chàng cao nghều đi ngược chiều với tôi đang ôm trên tay. Bức ảnh thu hút tôi. Mái tóc bù xù. Chiếc khăn quàng cổ màu đỏ... Đôi mắt chằm chằm nhìn vào khoảng không như đang lắng nghe những giai điệu tuyệt vời đang tuôn chảy xuống trang giấy từ đầu ngòi bút ông cầm. Bức ảnh đẹp quá, tôi nghĩ vậy. Thế là hai đứa đâm sầm vào nhau. Xấp nhạc rơi xuống đất. Tôi lúng túng xin lỗi. Anh chàng kia cũng luýnh quýnh xin lỗi vì không biết ai va vào ai trước. Rồi cả hai cùng cúi xuống nhặt những tờ giấy vương vãi dưới chân. “Xin lỗi anh”... Tôi lắp bắp, mặt đỏ bừng. Anh chàng kia vừa nhặt vừa nói: “Xin lỗi cô. Lỗi tại tôi...” Khi nhặt hết những tờ giấy rơi, tôi chào anh và định đi tiếp, nhưng anh chàng vội vàng giữ lại và hỏi: “Xin lỗi, cô định đi đâu vậy?” - “Tôi ... tôi định đi xi nê”... Tôi ấp úng trả lời. - “Cho tôi đi với được chứ?” - Ừ ... à... cũng được. - Phim gì vậy? - Tôi cũng không biết nữa! Rạp xi nê gần đó. Vậy là anh chàng chạy vào quầy mua 2 tấm vé. Như để chuộc lỗi ... va phải tôi. Còn tôi thì ân hận ... va trúng hắn. - Bức ảnh bìa của xấp nhạc anh cầm đẹp quá. Ai vậy? Tôi hỏi. Anh chàng trả lời: Beethoven. Chỉ thế thôi. Tôi cũng không hỏi thêm anh ta là ai, làm gì với xấp nhạc và bức ảnh Beethoven. Nhưng từ đó tôi bắt đầu chú ý đến Beethoven.
Lần thứ hai tôi lại gặp anh ta trước cổng trường đại học sư phạm lúc trường đã dời từ đại lộ Cộng Hòa về Trương Minh Giảng, như đang chờ ai. Vừa tan lớp chiều, vội vã đi ra cổng thì anh chàng chận lại: “T. nè, hôm nay rảnh không?” - “Rảnh, bộ tính đi đâu hả? Ủa mà sao biết tui học ở đây?” Anh ta cười: - “Biết chứ!” Rồi anh chở tôi đi lên Sài Gòn. Đi bộ một lát, anh kéo tôi vào một tiệm phở trên đường Ngô Đức Kế: “- Vào đây nghỉ chân ăn phở chút nghe!”
Tiệm phở nhỏ, nhưng gọn gàng, sạch sẽ, trang trí thanh lịch. Và có vẻ như là nơi anh chàng rất hay đến. Trong lúc chờ phở dọn ra, anh đột nhiên đứng dậy đi vào bên trong, sau một tấm màn ngăn. Đang thắc mắc thì chừng vài phút sau tôi bỗng nghe tiếng đàn piano thánh thót vang lên sau tấm màn. Những âm thanh như chưa bao giờ được nghe. Một cảm xúc lạ kỳ ập đến. Nó làm cho tôi lâng lâng như đang bay qua những mái nhà, qua những con phố, những tầng mây và vói đến chiếc trăng vàng đêm rằm... Lần đầu tiên tôi có cảm giác ấy. Thật kỳ lạ. Cũng có thể vì âm thanh của piano. Mà cũng có thể vì anh ta đàn hay. Hay như thế nào tôi không nói được, vì tôi không rành âm nhạc. Chỉ thấy là tôi muốn ngồi đó nghe mãi ... không cần phải ăn! Tôi đã nói là chưa bao giờ được nghe piano “live”, chỉ nghe khi xem qua phim ảnh, qua các dĩa hát ở nhà. Tôi thầm nghĩ, vậy là biết anh ta làm nghề gì rồi. Chừng nửa tiếng sau, khi trở ra, anh nói: “Ăn phở xong, có thích bản nhạc nào nhớ nói C. đàn cho nghe nha!” Sau đó tôi có yêu cầu mấy bài: “Cây đàn bỏ quên”, “Tình xa”, “A Time For Us”... mà tôi biết. Nhìn C. lúc này, tự dưng thấy anh khác hẳn. Hình như âm nhạc làm cho người ta thay đổi, làm cho người ta trở nên thánh thiện hơn!
Ngày tháng trôi qua. Mùa Giáng sinh đã đến. Sau vài lần ghé đến nhà thăm tôi, lần nào cũng lỉnh kỉnh với những xấp nhạc photocopy, một lần tôi gặp lại người con trai ấy lúc đang chạy xe máy trên đường phố Tân Định đông đúc. Anh rượt xe theo và chỉ kịp nói: “Đêm 24, T. nhớ đến nhà thờ Tân Định nghe. C chờ ở đó”.
Đêm Giáng sinh. Bao nhiêu lần rồi cũng vào đêm Giáng sinh. Ngày còn ở Qui Nhơn đêm Giáng sinh lần đầu tiên M. rủ đi nhà thờ chánh tòa trước khi anh giã từ đời học sinh gia nhập quân ngũ. Chẳng làm gì tôi chỉ thích đến ngắm hang đá và tượng Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ. “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê Lem ...” Bài hát ấy tôi cũng thuộc một chút. Cứ vào đêm Noel, nghe bài hát này thấy hay lắm! Không cứ lúc còn nhỏ, đến nay mỗi lần Giáng sinh đến tôi cũng còn háo hức đến nhà thờ xem trang trí hang đá. Bây giờ là lần thứ hai tôi đến nhà thờ. Mà còn được “mời” hẳn hoi bởi một người có đạo. Nhưng tôi không dám đến một mình mà rủ cô bạn thân đi cùng. Nhà thờ thật lộng lẫy, đèn hoa giăng rất đẹp. Người đến lễ rất đông. Không biết vào theo lối nào, tôi và bạn đứng chờ mãi ngoài cổng mà không thấy C. đâu. Cuối cùng tôi và cô bạn chọn chỗ ngồi sau cuối, cạnh cửa ra vào. Khi giàn đồng ca tiến lên sân khấu và tiếng đàn organ bắt đầu thánh thót vang lên, tôi mới nhận ra anh chính là người chơi đàn ở nhà thờ trong đêm Noel năm ấy.
Nhưng đó cũng là đêm cuối cùng tôi gặp C. Vì thánh lễ đêm Giáng sinh kéo dài đến nửa đêm, chừng hơn một tiếng đồng hồ tôi lại sốt ruột muốn về vì không dám đi khuya, tuy cũng quỳ trong nhà thờ “con quỳ lạy Chúa trên trời”, nhưng sau đó phải cho cô bạn về sớm và tôi cũng phải về vì sợ mẹ rầy. Vì vậy không gặp C. và từ đó tôi cũng không bao giờ gặp lại anh nữa. Chắc đêm đó anh ấy cũng đi tìm tôi mà không thấy và tưởng là tôi đã không đến.
Thời gian trôi qua. Không tin tức gì. Tôi nghĩ là C đã đi thật xa rồi kể từ dạo ấy, trong những ngày hoang mang nhất. Và anh còn có mặt trên đời này hay không tôi cũng không biết nữa. Chỉ cầu mong sao anh - cũng như những người bạn khác của tôi đã ra đi kể từ những ngày tháng tư buồn đau năm ấy, được bình yên. Tôi vẫn nhớ anh có tặng tôi một bản nhạc của Beethoven. Bản copy đen trắng nên bức ảnh của Beethoven không đẹp bằng bức ảnh màu. Nhưng đã quá lâu rồi, bản copy lạc về phương trời nào xa lắm rồi. Vậy mà giờ đây, cứ nhìn thấy bức ảnh này của Beethoven, tôi lại nghĩ đến anh, người đã cho tôi biết ... Beethoven và nhạc piano classic. 
 
* Ảnh: Nhạc sĩ Beethoven ( Internet )
 
Gửi bạn những link sau đây:
I- From ancient Greec to Renaissance https://www.youtube.com/watch?v=XC6TlS41DNM 
VII- From Classical to Romanticism https://www.youtube.com/watch?v=otSzwxwLuCI
XIII- From late Romanticism to 20th century https://www.youtube.com/watch?v=pjNCYNsyIgs 
Những bài guitar classic muôn đời hay: https://www.youtube.com/watch?v=ibJ...