Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

PHỐ CỔ ARBAT, MOSCOW

Ngày thứ ba ở Moscow, chúng tôi đi đến con đường Arbat bằng metro trước khi ra sân ga đi St. Petersburg vào buổi trưa. Sau khi thưởng thức không gian kiến trúc mỹ thuật ở những trạm tàu đi qua, rời nhà ga Moscow metro chúng tôi đi về hướng Arbat.
Được hình thành từ năm 1493, phố cổ Arbat là điểm du lịch Nga nổi tiếng. Nơi đây mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa Nga với vẻ đẹp độc đáo kỳ diệu và quyến rũ mà không phải nơi nào cũng có được. Người ta thường nói nếu gọi điện Kremlin là trái tim của Moscow thì Arbat chính là tâm hồn của thành phố này.



Phố cổ Arbat đã trải qua lịch sử hơn 500 năm. Từ thế kỷ XVI đây là nơi sinh sống của những người thợ rèn, thợ thủ công chuyên phục vụ cho giới quý tộc trong Điện Kremlin. Phố cổ cũng từng là nguồn cảm hứng của giới văn nghệ sĩ trong nhiều tác phẩm văn học, những bài hát nổi tiếng gắn liền với lịch sử thăng trầm của nước Nga.
Năm 1736 sau một trận cháy lớn, những ngôi nhà bằng gỗ ở phố Arbat vào thời đó phần lớn đã bị phá hủy. Sau đó trên con phố này bắt đầu xuất hiện các ngôi nhà được làm bằng đá của những nhà quý tộc chuyển tới sống tại đây. Nơi đây có nhiều gia tộc Nga sinh sống như Gagarin, Tolstoy, Dolgoruky, Rostopchin, các văn sĩ nổi tiếng như Pushkin, Gogol, Chekhov, …và hàng loạt địa chỉ từng gắn liền với tên tuổi những đại thụ văn hóa Nga, như nhà hàng Prague, quán cà phê "Tầng hầm Arbat" nơi các nhà văn lớn như Anton Chekhov, Lev Tolstoy, các nhà thơ Vladimir Mayakovsky, Sergey Yesenin thường gặp gỡ.






Từ cuối thế kỷ XIX, diện mạo của phố cổ Arbat được thay đổi, chuyển từ hình thái quý tộc sang hình thức thương gia, trí thức. Nơi đây bắt đầu xuất hiện các ngôi nhà 3 – 5 tầng với các căn hộ riêng, những quầy hàng, cửa hiệu thời trang, nhà hàng, những quán cà phê xinh xinh bên vỉa hè như trên một số con phố ở Paris.
Trung tâm của phố là con đường nhỏ dài 1,2 km dành cho người đi bộ.
Dọc theo hai bên phố, có những quầy sách, cửa hàng tranh tượng, cùng hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Nga đặc trưng của Nga như búp bê Matryoshka, gốm sứ Gzhel hay ấm trà Samovar... Du khách cũng dễ dàng tìm thấy những tác phẩm văn học của các nhà văn lừng danh tại Nga vào thập niên 60 - 80.
Điều đặc biệt ấn tượng nhất của con phố chính là không gian nghệ thuật độc đáo, nhiều sắc màu khi thường có mặt các nghệ sĩ đường phố trình diễn nhiều các tiết mục thu hút hoặc các dịch vụ đọc và hát thơ thuê.


Từ đầu con phố Arbat cổ có nhà lưu niệm "mặt trời thi ca Nga", số 53, bên ngoài là tượng Đại thi hào Nga Puskin (1799-1837) và Natalia Goncharova, người vợ xinh đẹp của ông. Tượng bằng đồng, cao hơn 3m sinh động như họ đang dạo bước trên phố Arbat hay đi dự một vũ hội nào đó, mãi mãi bên nhau dù thực tế cuộc đời đại thi hào đã kết thúc bi kịch sau một cuộc đấu súng.


Dự án chuyển phố Arbat cổ thành phố đi bộ được tiến hành trong giai đoạn 1974-1986. Ngày nay, Arbat cổ là con phố đi bộ chính và là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của thủ đô Moscow.
Hôm ấy trời âm u và có mưa nhỏ, tôi đi dọc trên con đường thênh thang khá vắng người có lẽ vì trời mưa, chỉ có một số cửa hàng và quán cà phê mở cửa với những chậu hoa trắng và đỏ rực rỡ. Nhiều nhất là những quầy bán tranh. Dường như phố chỉ đông đúc hơn vào buổi chiều hoặc vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên được đi dạo trên con phố từng nổi tiếng trong văn học này dưới cơn mưa lất phất bay cũng làm tâm hồn mình lắng đọng và bay bổng mơ màng theo những câu chuyện cổ tích và lịch sử nước Nga được các họa sĩ nghệ nhân thổi hồn vào những mặt hàng lưu niệm và tranh ảnh độc đáo trên con phố.

Tháng 7-2019
Viết theo nguồn Du lịch.
Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

1 nhận xét:

  1. Uc Chot: Đi Nga hả chị, hướng dẫn viên là Thái Sơn phải không?
    Kim Tran: HDV là Nguyễn Hồng Minh, một chàng trai mới 26 tuổi, khoẻ mạnh, dễ thương, nhiệt tình hết biết luôn! 😍
    Dieu Tam Nguyen: đồng ý với Kim. Minh rất dễ thương. Tour guide địa phương người Nga cũng vậy, họ giỏi tiếng Anh nên trình bày lịch sử Nga rất rõ ràng, chỉ là vì mình không nói chuyện với họ nên không hiểu người ta cho là họ lạnh lùng mà thôi. Mình nói chuyện với cô hdv Nga thấy cô cũng dễ thương lắm. Lúc chia tay mình và chị Tuyet Hoa, Bích cảm ơn cô và gửi cô chút quà, cô gái cảm động nắm tay mình rất chặt làm mình cũng xúc động nghĩ những ngày qua tiếc không có thì giờ nói chuyện với cô nhiều hơn. Là một hdv địa phương, người ta phải rất giỏi mới được chọn đi thuyết minh lịch sử văn hoá đất nước của họ, Minh chỉ có bổn phận phiên dịch ra tiếng Việt cho mọi người nghe thôi. Tiếc là một số người đã không hiểu tấm lòng của các hdv kỳ này. Riêng mình luôn cảm ơn họ đã giới thiệu về nước Nga rất đẹp và hùng vĩ cùng văn hóa và lịch sử của họ cho mình hiểu.
    Khanh Nguyen: Kỳ đó em đi theo tour của người Nga, cô HDV cũng rất dễ thương & kiến thức rộng. Cô nói là phải qua kỳ thi về tiếng Anh & chuyên môn mới được làm HDV đó chị. Cô nói là giới trẻ thích sự thay đổi vi` tự do hơn, nhưng lớp già hơn lại không thích vì mất nhiều quyền lợi.
    Dieu Tam Nguyen: Khanh Nguyen đúng rồi em. Ở VN cũng có nhiều trường đại học đào tạo ngành Du lịch & Khách sạn vì đây là nhu cầu rất lớn. Vì vậy các HDV đều phải có bằng cấp chuyên môn và giỏi ngoại ngữ khi phải dẫn đoàn đi nước ngoài, nhất là làm việc cho công ty lớn thì yêu cầu càng cao. Dẫn một đoàn đi ra nước ngoài đâu phải đơn giản, HDV phải lo chăm sóc cho mọi người, từ nơi ăn chốn ở, đi lại, tham quan v.v... tất nhiên là đã được công ty lựa chọn hết rồi, nhất là sợ khách đi lạc đoàn hay có sự cố gì đó, mà sự cố thì rất nhiều. Chị cũng thích đi với HDV trẻ và năng động. Nhưng để chìu hết ý của tất cả mọi người nhiều lứa tuổi thì cũng khó, thường đi với đoàn lớn tuổi các HDV cũng rất sợ, vừa lo cho sức khỏe của họ vừa phải cho vừa lòng, nhiều trường hợp cũng dở khóc dở cười, chị cũng đã thấy nhiều cảnh như vậy.
    Khanh Nguyen: Dieu Tam Nguyen, dạ, nghề "làm dâu trăm họ" cũng mệt lắm 😁

    Trả lờiXóa