Hôm nay tôi kể cho các bạn về chuyến xuất ngoại đầu tiên và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một hội chợ quốc tế, cách đây hơn 20 năm.
Đó là những ngày trung tuần tháng 3 năm 1991. Đây là một hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại Kuala Lumpur - Mã Lai, và Du lịch Việt Nam đã tham gia để giới thiệu về Việt Nam, một đất nước mà nhiều quốc gia trên thế giới lúc đó hầu như ít biết đến. Công ty tôi làm lúc đó được mời đi cùng để nhân tiện đem mặt hàng truyền thống của đất nước giới thiệu ra nước ngoài. Trước chuyến đi vài ngày, tôi đã phải đến bên văn phòng du lịch để tập tháo ráp các mô hình trang trí gian hàng ở hội chợ cho quen tay vì nhiều mô hình lớn phải cắt rời từng phần rồi sau đó khi đến nơi mới ghép lại. Phần chuẩn bị hàng hóa đi hội chợ của công ty thì có bộ phận Cửa hàng, Phòng Kế hoạch và Sản xuất lo. Sau đó hàng được đóng gói và vận chuyển bằng tàu thủy vì hàng cồng kềnh và khá nhiều. Không giống như ngày nay, những năm trước 90 hàng sơn mài mỹ nghệ thường là mẫu mã truyền thống, cổ điển và được làm bằng sơn ta, màu sắc đa phần là tối, sử dụng rất nhiều vàng bạc, ốc xà cừ để làm cho nổi bật.
|
Đến sân bay Kuala Lumpur |
Đoàn đi gồm 8 người, phía du lịch và công ty LS là 6 người, cùng 2 anh em của một cô Á hậu Việt Nam. Em gái tôi từ Úc về thăm Việt Nam mấy tuần và thời gian tôi đi Mã Lai, em cũng sẽ bay về Úc, em đã nói "Kuala Lumpur lúc ấy là thiên đường shopping". Em hẹn gặp tôi lúc máy bay transit tại Kuala Lumpur để hai chị em cùng đi mua sắm.
Đúng là lần đầu mở mắt nhìn thấy xứ người, cái gì cũng lạ lẫm. Đến sân bay Kuala Lumpur, tôi đã ngẩn ngơ vì sự hiện đại to lớn của nơi này, dù lúc ấy đó là phi trường cũ. Những gian hàng Duty Free sáng choang ánh đèn, bóng lộn và đẹp mắt. Tôi đã không dám bước chân lên cầu thang cuốn vì sợ ngã. Khi xe đưa vào trung tâm thành phố, lại càng ngẩn ngơ vì quá đẹp và hiện đại. Đoàn ở trong một khách sạn gần một trung tâm thương mại. Ổn định chỗ ở xong, chưa làm gì tôi đã tìm đường đi ra khu thương mại để xem và thực sự là lóa mắt. Vẫn không quên cảm giác đầu tiên đó. Ra đường nhiều người Mã Lai đã hỏi tôi từ đâu đến, có phải là Nhật Bản không. Khi tôi trả lời tôi là người Việt Nam, có người ngạc nhiên hỏi: Việt Nam ở đâu? Nghe cũng kỳ lạ, vì đâu phải xa xôi gì, nhưng lúc đó chưa được quảng bá rộng rãi, nhiều người không biết Việt Nam ở đâu thật.
Buổi tối ấy có một công ty tài chính Mã Lai mời chúng tôi đi ăn cơm. Bà chủ tịch đã nói một câu mà tôi còn nhớ: "Trước 1975, tôi có qua Sài Gòn, lúc ấy ở Mã Lai chúng tôi chưa có đèn đường bằng điện thắp sáng mà là đèn dầu. Tôi đã đứng nhìn Sài Gòn mà khóc vì không biết đến bao giờ đất nước chúng tôi mới đuổi kịp sự tráng lệ như Sài Gòn lúc đó. Bây giờ thì phải hơn 20 năm nữa Sài Gòn mới có thể được như Kuala Lumpur ngày nay."
Sáng hôm sau đoàn chúng tôi đến thăm đại sứ quán Việt Nam tại Mã Lai. Sau đó ra hội chợ để nhận gian hàng, trang trí gian hàng và sắp đặt hàng hóa. Một ngày mệt đừ vì phải tháo hàng từ các kiện hàng chở đến bằng đường thủy, rồi lau chùi, sắp xếp.
|
Gian hàng Việt Nam |
Ngày khai mạc, rất tưng bừng rộn rã. Các quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương tham dự hội chợ được treo cờ của nước mình từ ngoài cửa trung tâm. Một chùm bong bóng vĩ đại có đến ngàn chiếc đủ màu được cột giữa nơi cử hành lễ khai mạc. Khi cắt băng khai mạc, chùm bong bóng được thả lên trời trong tiếng hò reo của hàng nghìn người tham dự.
Gian hàng Việt Nam được rất đông người đến xem. Chúng tôi có bày 2 bình soie cẩn ốc xà cừ cao 2 mét. Vì vận chuyển khó khăn nên chúng tôi chỉ đem loại này chứ ở cửa hàng chúng tôi có nhiều bình cao đến 3 mét. Các bình soie, tranh ảnh lớn sau đó đã được một tỷ phú Mã Lai mua.
Buổi trưa, lúc vắng khách, tôi đi một vòng xem các gian hàng bạn. Mỗi gian hàng là một quốc gia, một sắc thái khác nhau. Tất cả đều mặc quốc phục. Tôi cũng phải mặc áo dài. Hồi đó là áo dài mini, vạt ngắn, cổ thấp, quần ống rộng. Nhiều gian hàng nước bạn trưng bày lạ mắt, rất đẹp. Vì chủ đề là giới thiệu du lịch chứ không phải là một hội chợ thương mại nên đa số các gian hàng là từ các hãng hàng không như Ansett, Garuda, hoặc các resort, khách sạn của các nước đến. Họ đã chuyên nghiệp trong việc tham dự hội chợ quốc tế, còn chúng tôi là lần đầu, rất nhiều bỡ ngỡ. Sau này, đi dự các hội chợ ở Mỹ, tôi mới hiểu vấn đề không phải chỉ có hàng là chưng bày ra và chưng sao cũng được mà cần phải biết cách thiết kế không gian và trang trí sao cho thoáng, bắt mắt. Trong một số hội chợ thương mại tham dự cùng với các công ty trong nước, lúc đó tôi thấy hình như mọi người đều có một suy nghĩ là hàng có bao nhiêu chưng bày bấy nhiêu, càng nhiều càng tốt mà không biết rằng chỉ làm rối mắt người xem. Có nhiều loại hội chợ: theo chuyên đề hoặc tổng hợp, theo loại và ngành hàng. Hội chợ bán sỉ khác hội chợ bán lẻ. Hội chợ dạng Exhibition thường là giới thiệu sản phẩm, mặt hàng mới.
|
Gian hàng của South Australia - Cùng với cô người mẫu Úc. |
|
Miss Áo Dài Việt Nam cùng chú Kangaroo, biểu tượng của xứ Úc |
|
Đến với Marco Polo Holidays, gian hàng của Hồng Kông |
|
Welcome to Pelican, Australia! |
Tôi không nhớ lúc tôi chụp bức hình ngồi câu cá với chú pelican là ở gian hàng nào nhưng tôi rất thích. Có lẽ là một gian hàng nào đó trong khu vực Úc châu vì loại bồ nông của Úc có lông màu đen và trắng, mỏ màu hồng, khác với những loài bồ nông Bắc Mỹ lông màu trắng. Theo truyền thuyết vùng Queensland thì con vật này xưa kia có màu đen, thường cứu người bị đắm trong những trận lũ lụt lớn. Có lần cứu được một cô gái, nó đem lòng yêu, nhưng bị cô gái và người tình của nàng gạt bỏ trốn. Con vật mới nhúng mình trong đất sét trắng để rượt đuổi theo đôi tình nhân kia, nhưng không may, chưa nhúng hết cả mình thì có một con pelican khác lại tưởng nó không phải đồng loại nên đã dùng mỏ cắn nó đến chết. Từ đó pelican xứ Queensland có lông hai màu. Con vật bắt cá giỏi này có thể dài đến 1.90 m, cánh xoãi rộng hơn 3 m, là chủ đề cho nhiều câu truyện thần thoại và là hình ảnh khá phổ biến của nhiều quốc gia.
|
Gian hàng New Zealand |
Còn đây là gian hàng New Zealand, một quốc gia hải đảo tuyệt đẹp ở vùng
Tây Nam Thái Bình Dương. Gian hàng này thiết kế ấn tượng với hai cột
mang hình ảnh đậm nét mỹ thuật thổ dân, vì dân cư New Zealand ngoài đa
số là người gốc châu Âu thì thiểu số đông nhất là người Maori, một số
khác gốc Polynesia và châu Á.
|
Damai Beach, Kuching, bang Sarawak, Malaysia |
Kế tiếp là một gian hàng của Mã Lai đang giới thiệu bãi biển Damai ở Kuching, thủ phủ của bang Sarawak trên đảo Borneo thuộc Đông Mã Lai. Kuching là thành phố đông dân nhất của bang Sarawak và xếp thứ 7 Mã Lai. Biệt danh là "Thành phố Mèo". Trong tiếng Mã Lai, "Kuching" được dịch là "Mèo", vì có số lượng mèo ở đây rất đông so với những thành phố khác, đến nỗi có nhiều tượng Mèo và Bảo tàng Mèo Kuching. Nhưng gần đây thì có lẽ hình ảnh Mèo được xây dựng chỉ để thu hút du khách.
Còn đây là gian hàng Singapore rất xanh mát với hình ảnh công viên sinh vật và vườn thực vật. Có lẽ lúc ấy Singapore chưa có vườn chim Jurong và đảo Sentosa với bảo tàng sáp, công viên nước nổi tiếng như ngày nay.
|
Gian hàng Singapore với hình ảnh Bird Park và Ecological Gardens |
|
Perdana resort ở Kelantan, một bang phía Đông Bắc của Malaysia |
|
Gian hàng của hãng hàng không Garuda, Indonesia |
|
Queensland, Đông Bắc lục địa Úc châu |
|
Welcome to Melbourne, Australia |
Một trong
những sự đau khổ của tôi trong những ngày hội chợ là vì mặc áo dài,
mang giày mà đôi gìay mới mua lúc ấy là made in Vietnam. Tôi đã bị sưng
phồng hai chân, đau không đi nổi. Buổi tối tôi phải ra trung tâm thương
mại mua luôn hai đôi giày da, giá mỗi đôi là 300 Ringgit, tương đương
100 USD lúc đó. Có lẽ nhờ vậy mà tôi phát hiện ra rằng Mã Lai sản xuất hàng da rất đẹp và tốt. Khi mang vào
thật lạ kỳ, chân tôi như dịu đi, nhờ vậy mà tôi mới trụ được suốt 2 ngày
hội chợ tiếp theo và nhiều ngày đi đường tham quan thành phố sau đó. Vậy là tối nào tôi cũng ra trung tâm thương mại ấy
để mua sắm. Có rất nhiều mặt hàng đang sale off. Tôi đặc biệt chú ý đến hàng da. Nhiều ví cầm tay đã giảm giá chỉ
với giá 5 USD, da rất đẹp. Tôi đã mua về tặng bạn bè, gia
đình. Nhiều năm sau những cái ví da này tôi vẫn còn dùng được.
|
Shopping |
|
Tham quan xưởng làm khăn quàng tại Mã Lai |
Qua 3 ngày hội chợ, công ty chúng tôi tách riêng để đi tìm hiểu thị trường. Một công ty Mã Lai mời chúng tôi đi thăm công ty của họ, ở một tỉnh khác, tôi không nhớ tên, chỉ biết đi bằng xe cũng khá xa, nửa ngày đường và đó là một tỉnh nhỏ, khác hẳn với thủ đô Kuala Lumpur tráng lệ.
Tôi làm quen với một cô bé nhân viên của công ty ấy. Cô bé tốt bụng dẫn tôi đi shopping tiếp. Những ngày còn lại là shopping liên tục, như người đang khát nước vậy!
Nghĩ lại chuyến đi này, tôi vẫn còn nhớ cảm giác của người lần đầu tiên đi ra khỏi cái giếng làng. Vừa ngơ ngác, ngớ ngẩn, thích thú, cái gì cũng thấy đẹp thấy hay, mua sắm điên cuồng vì lúc đó ở Việt Nam chưa có nhiều hàng hóa nhập khẩu như hiện nay, nhiều thứ không có. Những người đi cùng đoàn cũng mua sắm đến hết tiền, đa số họ mua máy móc, hàng kim khí điện máy. Tôi đã mua chiếc máy ảnh đầu tiên ở đây, hiệu Olympus, lúc đó dùng pin và phim Kodak. Không hiểu sao, sau này vô tình tôi cũng có một máy ảnh kỹ thuật số hiệu Olympus. Năm 2005, khi trở lại Mã Lai, lúc đó Việt Nam cũng đã phát triển và có nhiều trung tâm thương mại, hàng hiệu, muốn mua gì cũng có, đi nước ngoài tôi không còn sự hào hứng mua sắm như lúc trước nữa. Riêng về hội chợ quốc tế thì từ năm 2001 trở về sau tôi đã được tham gia các hội chợ lớn ở Mỹ, Thụy Sỹ, Đức, Hồng Kông ... nên mới thấy cái hội chợ ở Mã Lai mà mình được tham gia đầu tiên chỉ thuộc loại nhỏ dành cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Lần ấy, Du lịch Việt Nam có
lẽ đã thành công trong việc giới thiệu các điểm du lịch của đất nước.
Còn
chúng tôi thì bán hàng sơn mài rất được, sau 3 ngày đã bán hết hàng
để về tay không. Sau dịp này, nhiều đoàn Mã Lai đã qua Việt Nam. Sơn mài
là một trong các mặt hàng truyền thống được họ ưa thích. Có lần chúng tôi đã được hân hạnh tiếp đoàn Hoàng gia Mã Lai.
|
Tháp đôi Petronas Towers |
Trong những bài tới tôi sẽ mời các bạn cùng đi các hội chợ quốc tế khác.
Riêng Mã Lai thì tôi đã có dịp trở lại trong chuyến tour Singapore và
Mã Lai. Sau 20 năm, Mã Lai lại càng phát triển vượt bực hơn nữa. Đến Kuala Lumpur
bây giờ là sân bay mới, trung tâm hành chính mới, tòa Tháp đôi Petronas
Towers cao 88 tầng, cao nguyên Genting tuyệt đẹp... Lần này
đi du lịch nên được đến nhiều thành phố, tham quan nhiều địa danh, hấp
dẫn hơn!
NGUYỄN DIỆU TÂM