Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh



Tôi biết đến tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh - Broken Wings của nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sĩ người Mỹ gốc Liban - Kahlil Gibran vào năm học lớp 11, khi chị tôi cho xem bản dịch từ tác phẩm này bởi một dịch giả nào đó mà tôi không nhớ tên. Tôi cũng không nhớ tôi có đọc hết tác phẩm và có hiểu những gì tác giả đã viết trong đó không, nhưng cái tựa đề rất buồn này đã làm tôi nhớ mãi.
Một phần, có lẽ tôi nhớ mãi vì chị tôi đã cất cuốn sách này trong một gói giấy lớn, cùng với rất nhiều lá thư tình của một người đàn ông mà chúng tôi không được biết, gửi cho một người phụ nữ đã có chồng, là một người chị họ của chúng tôi, do không thể cất giữ báu vật này ở nhà chồng, chị ấy đã nhờ chị tôi giữ hộ. Hai chị em tôi đã cùng đọc xem người đàn ông ấy đã viết những gì mà nhiều thế. Ngoài những lá thư viết riêng, anh còn viết ngay trên những trang sách, gạch dưới những đoạn tác giả viết trong tác phẩm mà anh nghĩ rằng đó là điều anh muốn tỏ bày cùng chị. Anh viết rất hay, dù tôi không nhớ để ghi lại, nhưng qua những cánh thư gửi không hồi âm, tôi cũng hiểu đây là một mối tình tuyệt đẹp, một mối tình bí mật, bởi vì hai người đã không thể đến với nhau, nên anh chỉ có thể thổ lộ tình yêu của anh qua những cánh thư và tác phẩm này. Qua đó, tôi được biết họ đã yêu nhau từ lúc chị họ tôi còn đi học và anh là thầy giáo của chị. Gia đình anh không đồng ý cho anh cưới chị mà là một người khác. Anh từ chối cuộc hôn nhân, bỏ ra nước ngoài đi du học. Bao nhiêu năm trời khi anh trở về thì chị đã có chồng, một người mà chị chỉ cảm thấy có thể lấy được và cũng vì sợ sẽ thành gái già nếu chỉ ngồi chờ anh trong vô vọng. Ở nước ngoài, anh cũng được tin chị đi lấy chồng. Anh đã trải qua bao nhiêu ngày đau khổ trải lòng mình qua những cánh thư nhưng anh đã không gửi về. Cho đến ngày về nước, gặp lại chị, chuyện tình của họ tiếp tục bằng những than khóc qua thư và nhiều câu nhiều đoạn trích dẫn từ trong tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh. Mỗi lần nhận được thư, vừa đọc chị vừa khóc, vì ân hận, vì thương anh. Tôi đoán như vậy khi nhìn thấy có nhiều trang thư nhòe nhoẹt nước mắt. Một thời gian sau, nghe tin anh lâm trọng bệnh ở Sài gòn, chị tìm cách đi thăm anh, ở lại săn sóc anh cho đến ngày anh mất. Khi trở về, chị đến nhà tôi lấy lại cuốn sách và những lá thư, chị vừa khóc vừa nói :"Chị đem đốt hết, gửi về trời cho anh. Mong anh tha tội cho chị"...
Ngày ấy, tôi cũng không biết khi chị tôi đọc, chị đã đọc cái gì - sách hay thư, và có cảm nghĩ như thế nào chứ mỗi lần được chị cho phép đọc một chút, tôi ôm cuốn sách này chỉ để mê mải đọc những dòng chữ than thở của người viết thư. Tôi thấy rất tội cho anh, và ngầm lên án chị họ tại sao lại không chờ anh mà đi lấy chồng. Chị tôi chỉ bảo bởi vì gia đình anh ngăn cản mối tình đó nên chị họ tuyệt vọng. Sau này tôi cứ tiếc mãi, phải chi tôi được phép đọc hết, tôi sẽ ghi lại từ những cánh thư đẫm nước mắt đó và bây giờ biết đâu tôi đã có thể kể ra chuyện tình ấy đẹp và đau khổ như thế nào, có như những hồi ức mà Kahlil Gibran ghi lại trong tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh không.
Riêng tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh này đã gieo trong lòng tôi một sự tò mò. Tôi đã đi tìm đọc cuốn sách ấy. Và dường như vào thời gian trước 75 đã có nhiều chàng trai gửi gắm tình yêu của mình qua tác phẩm này, nhất là đối với những mối tình dang dở, trắc trở, chia ly.
Bản dịch trong tay tôi bây giờ là của dịch giả Nguyễn Ước. Bạn tôi nói rằng bản dịch ngày xưa chúng tôi được đọc là của một dịch giả khác, mà bạn cũng không nhớ tên. Tuy bạn cho rằng bản dịch ấy hay hơn, nhưng dịch giả Nguyễn Ước cũng đã làm tôi chìm đắm trong câu chuyện tình của Kahlil Gibran, với ngôn ngữ thật tuyệt vời.
Gibran tâm sự:
"Cuộc đời người tuổi trẻ nào cũng có một "Selma", một hình bóng bỗng nhiên xuất hiện với anh ta giữa mùa xuân của cuộc đời, chuyển biến nỗi cô đơn của anh thành những khoảnh khắc hạnh phúc và làm cho những đêm dài tĩnh mịch của anh ta chan chứa âm nhạc"
Và rồi một ngày nọ tình yêu đã đến với chàng, bí ẩn và kỳ diệu:
..."Cuộc sống của tôi là một cơn hôn mê trống rỗng, như cuộc sống của Adam trong vườn Địa đàng, và rồi tôi bỗng thấy Selma đứng ngay trước mặt mình như một vầng ánh sáng. Nàng là Eva của trái tim tôi, một Eva làm cho tâm hồn tôi tràn ngập những bí ẩn cùng những kỳ diệu và làm cho tinh thần tôi thấu hiểu ý nghĩa của cuộc đời"...
Ta hãy nghe Gibran định nghĩa Tình yêu:
"Các bạn nói tới những năm tháng thời thơ ấu và thanh xuân như một kỷ nguyên bằng vàng, không vướng mắc tù túng và không chút âu lo, còn tôi, tôi gọi những năm tháng ấy là kỷ nguyên của khổ não thầm lặng, như hạt mầm gieo xuống tâm hồn mình. Và cùng với nó tôi lớn lên, không tìm thấy lối ra khỏi thế giới của tri thức và minh triết cho tới khi tình yêu đến mở cánh cửa tâm hồn tôi và soi sáng các xó xỉnh của nó.
"Tình yêu cho tôi tiếng nói và nước mắt"..." là sự tự do độc nhất trên thế giới này vì nó làm thăng hoa tinh thần tới độ luật lệ của loài người và các hiện tượng thiên nhiên không thể nào làm lệch dòng chảy của nó"...
"Thật lầm lạc khi nghĩ rằng tình yêu đến từ một cuộc kết bạn dài ngày và kiên trì theo đuổi. Tình yêu là kết quả của mối quan hệ tinh thần, và nếu mối quan hệ ấy không phát sinh trong khoảnh khắc, nó sẽ không thể được tạo ra theo năm tháng hoặc thậm chí qua nhiều thế hệ."
Và chàng đã mô tả nhan sắc Selma như một nàng tiên nữ thoắt ẩn thoắt hiện:
"Một người nữ mà Thiên ý quan phòng đã ban cho vẻ đẹp của tinh thần và thể xác, là một chân lý vừa phơi mở vừa ẩn mật, chúng ta chỉ có thể am hiểu bằng tình yêu và chỉ có thể chạm tới bằng đức hạnh. Và khi chúng ta tìm cách mô tả một người nữ như thế, nàng biến mất như làn hơi"...
"Selma có vẻ đẹp thể xác và tinh thần nhưng làm sao tôi có thể mô tả nàng cho kẻ không bao giờ quen biết nàng? Làm sao một người đã chết có thể nhớ tiếng hót của chim sơn ca, hương của hoa hồng và tiếng thở dài của con suối nhỏ? ..
"Phải chăng lòng kiêu hãnh ngăn không cho tôi mô tả Selma bằng ngôn ngữ trần trụi vì tôi không thể diễn đạt trung thực nàng bằng những sắc màu rực rỡ?...
"Trong áo dài lụa trắng, Selma mỏng manh như ánh trăng xuyên qua khung cửa sổ. Nàng bước đi duyên dáng và nhịp nhàng. Giọng nàng trầm lắng và ngọt ngào; lời rơi trên môi như giọt sương rơi trên cánh hoa khi bị gió khua động".
Không chỉ có nhan sắc tuyệt trần, người con gái mà Gibran yêu còn có một tâm hồn khác thường:
"Selma ít nói và nghĩ ngợi sâu lắng. Im lặng của nàng là một loại âm nhạc mang con người tới thế giới các giấc mộng, làm ta lắng nghe nhịp đập trái tim mình, thấy các hình bóng của ý nghĩ và cảm xúc đang đứng trước mặt và nhìn vào mắt ta".
"Khuôn mặt Selma không mang vẻ đẹp cổ điển; nó như giấc mơ mặc khải không thể đo lường hoặc giới hạn hoặc sao chép bằng ngọn bút lông của họa sĩ hay đục chàng của người tạc tượng. Nhan sắc của Selma không cư ngụ trên mái tóc vàng của nàng nhưng trong đức hạnh và sự thuần khiết bao phủ mái tóc ấy. Không ở trong đôi mắt to của nàng nhưng trong ánh sáng tỏa ra từ chúng. Không ở trên đôi môi hồng của nàng nhưng trong vị dịu ngọt các lời nàng nói. Không ở trong chiếc cổ màu ngà của nàng nhưng trong vẻ thanh tú nghiêng mình tới trước. Cũng không ở trong vóc dáng hoàn hảo của nàng nhưng trong cao nhã của tinh thần nàng, bừng cháy như ngọn đuốc trắng giữa mặt đất và bầu trời. Sắc đẹp của Selma như một tặng phẩm bằng thơ. Nhưng thi sĩ không là kẻ hạnh phúc cho dẫu tinh thần họ có vươn lên cao vút tới mấy đi nữa vì họ sẽ vẫn bị phong kín trong vòng nước mắt bao phủ."...
Với tình yêu dâng hiến cho nhau, Gibran cũng hiểu rằng đó là một tình yêu mà không phải ai cũng có được:
"Người đời sẽ không tin câu chuyện của em với anh vì họ không biết rằng tình yêu là đóa hoa duy nhất đâm chồi và kết nụ mà không cần sự hỗ trợ của các mùa, nhưng có phải tháng Nisan mang chúng ta tới với nhau lần đầu tiên và có phải giờ khắc này đã chụp bắt chúng ta tại chốn Cực thiêng liêng của cuộc đời? Không phải bàn tay của Thượng đế đã mang linh hồn của hai chúng ta tới gần nhau từ trước ngày chào đời và biến chúng ta thành tù nhân của nhau suốt ngày ngày đêm sao? Cuộc đời con người không bắt đầu từ trong cung lòng của người mẹ và không bao giờ kết thúc dưới huyệt mộ. Và bầu trời đầy ánh trăng này cùng các ngôi sao kia không bị bỏ hoang phế bởi những linh hồn đang yêu và những tinh thần trực cảm."
"Tình yêu của Selma, nguồn an ủi độc nhất của tôi, hát cho tôi nghe những khúc ca hạnh phúc khi đêm về, đánh thức tôi dậy lúc tảng sáng để vén lộ ý nghĩa của cuộc đời và các bí ẩn của thiên nhiên. Nó là một tình yêu thoát tục, vượt lên trên mọi ganh tị, của cải và không bao giờ gây thương tổn tinh thần. Nó là mối quan hệ sâu xa làm toại nguyện linh hồn, một cơn đói tình cảm tới kiệt quệ mà khi mãn nguyện sẽ làm tâm hồn phong phú, và là một sự dịu dàng tạo ra hi vọng mà không kích động tâm hồn, biến trần gian thành địa đàng và cuộc đời thành giấc mơ ngọt ngào tươi thắm. Vào buổi sáng, khi đi dạo trong cánh đồng, tôi thấy biểu hiện của Vĩnh cửu trong sự thức dậy của thiên nhiên. Khi ngồi bên bờ biển, tôi nghe sóng đang hát khúc ca của Vĩnh cửu. Và khi bước đi trên đường phố, tôi thấy vẻ đẹp của cuộc đời và hào quang chói lọi của con người trong diện mạo của những kẻ đi qua và trong chuyển động của người lao động.
Những ngày ấy trôi qua như những bóng ma, biến mất như mây trời, và rồi chẳng để lại gì cho tôi ngoài ký ức đau buồn. Đôi mắt tôi thường dùng để ngắm vẻ đẹp mùa xuân và sự thức giấc của thiên nhiên nay chỉ còn có thể thấy cơn thịnh nộ của bão tố và khốn khổ của mùa đông. Đôi tai trước đây đã cùng tôi thú vị nghe khúc hát của sóng nước giờ đây chỉ còn có thể nghe tiếng gió hú và tiếng gầm thét của biển cả đập vào vách đá dựng đứng. Linh hồn từng sung sướng ngắm nhìn sức sống không mệt mỏi của loài người và vẻ hoành tráng của vũ trụ lúc này bị hành hạ vì đã hiểu thế nào là thất vọng và thất bại. Không gì tuyệt vời hơn những ngày yêu đương và không gì cay đắng hơn những đêm khổ não hãi hùng"...
Có thể những lời nói bay bổng ấy rất xa lạ với chúng ta ngày nay, nhưng bạn ơi, tác phẩm này được viết ra từ năm 1912, cách thời đại chúng ta tính đến hôm nay là 100 năm chẵn, 1 thế kỷ tròn!
Tóm tắt, Broken Wings là một tiểu thuyết viết về bi kịch tình yêu của hai người trẻ tuổi. Câu chuyện được xây dựng tại thành phố Beirut, thành phố lớn nhất của Liban, tọa lạc bên bờ Địa Trung Hải, cũng là nơi mà Kahil Gibran đã sinh ra vào năm 1883.
Bằng cách bắt đầu bằng hình ảnh một chàng trai trẻ quỳ trước ngôi mộ của một cô gái có tên là Selma Karamy, câu chuyện tình yêu được tác giả mô tả rất thánh thiện. Không như những câu chuyện tình khác có khuynh hướng tiểu thuyết tình yêu du dương, Kahlil Gibran đã viết những lời lẽ tuyệt đẹp, trong vắt như một dòng sông con suối chảy xuống từ non cao.Ta không cảm thấy đây là một câu chuyện tình phức tạp, bởi vì Gibran đã mô tả rất đẹp, ngay cả khi ông phải đối phó với thực tế lúc người yêu trong mơ của ông bị đặt vào cuộc hôn nhân với một nhân vật thuộc giới cầm quyền của thành phố.
Như thông thường trong cuộc đời mà ta có thể nhìn thấy, tình yêu thiêng liêng lắm khi rất khó thực hiện. Tình yêu thần thánh dường như chỉ có trong tưởng tượng. Bởi vì tình yêu là một điều khó khăn để đạt được, nhưng lại rất dễ làm bạn tổn thương. Cả hai nhân vật trong câu truyện đều phải chấp nhận sự thật cay đắng là chia lìa nhau, chôn kín mối tình vừa chớm nở nhưng đã trở thành thiên thu. Selma vâng lời cha đi lấy người mà nàng không yêu, vì hiểu rằng cha nàng phải làm điều đó để tránh những thảm họa đổ xuống cho gia đình. Mối tình cao đẹp ấy cuối cùng đã kết thúc bằng cái chết. Chỉ còn lại chàng trai trẻ khóc than cho số phận trước ngôi mộ của người chàng yêu thương. Người phụ nữ ấy đã rời bỏ kiếp sống khổ đau hiện tại để mong được tái sinh trong một cuộc đời khác cùng với đứa con vừa lọt lòng mẹ, mang theo cả tình yêu của đời nàng. Cùng với cái chết của nàng, Gibran đã chôn vùi luôn cả trái tim của mình.
Mối tình khởi đầu thật đẹp và kết thúc đầy nước mắt :
"Gibran hằng đêm lung linh tưởng nhớ Selma, đau đớn cùng cành bách cất tiếng than khóc thương tiếc sự ra đi của nàng, kẻ hôm qua là giai điệu tuyệt trần trên đôi môi cuộc đời và hôm nay là niềm bí mật thinh lặng trong lòng đất"...
Và rồi, đến ngày hôm nay, tình cờ tôi lại được nghe giai điệu tuyệt vời trong ca khúc cùng tên của một nhạc sĩ. Khi tiếng nhạc vang lên, cùng lúc tiếng chuông thánh đường ngân nga là lúc câu chuyện tình được bắt đầu kể qua hình ảnh chàng thanh niên quỳ trước mộ người yêu dấu.
Đã lâu lắm rồi tôi không còn nhớ đến tác phẩm, chuyện tình đẹp của Gibran và Selma, cùng những lá thư mà người đàn ông đau khổ năm nào đã gửi cho chị họ tôi. Chỉ biết rằng, không dấu được cảm xúc sau khi nghe ca khúc ấy, tôi đã phải nhắc lại câu chuyện buồn của chị, cùng tác phẩm diễm lệ mà nhà văn Kahlil Gibran đã viết ra để kể về mối tình thiên thu bất diệt của ông.
Có sự đồng cảm nào ở đây? Có một định nghĩa chung nào ở đây khi tình yêu khởi đầu như một "giai điệu tuyệt trần trên đôi môi cuộc đời" và kết thúc bằng "niềm bí mật thinh lặng trong lòng đất"?
Ca khúc này nhạc sĩ viết từ năm 1973, tôi xin được phép trích ra ở đây cho các bạn cùng thưởng thức:


NGUYỄN DIỆU TÂM
("*") Trích đoạn Broken Wings bản Việt ngữ của dịch giả Nguyễn Ước

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

We Wish You A Merry Christmas!


..." Ngày xửa ngày xưa, có một loài chim xuất hiện vào một đêm mùa đông, lúc mà chưa ai trên cõi đời này biết đó là đêm Chúa giáng sinh.
Đó là một đêm trời trong vắt, trên bầu trời cao đầy sao lấp lánh.
Sáng hơn tất cả những vì sao khác, có một vì sao lạ xuất hiện phía cuối những cánh đồng, sa mạc, xa tít tắp đến tận cùng của thế giới. Vì sao đó đã dẫn đường cho Ba Vua. Đêm tỏa hương thơm của những khu vườn, giống như mùa đang vào những ngày tháng tư khi những bụi cây trong đêm tối nở những bông hoa tầm gai. Và trên trời, thiên sứ cất tiếng hát"...
http://ngdieutam.blogspot.com/2011/10/cau-chuyen-ve-mot-loai-chim.html


Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Hãy Nói Lời Yêu

Nếu mai này anh có yêu em
Xin đừng chần chờ, anh yêu dấu hỡi! 
Hãy yêu em, yêu em ngay phút giây này
Khi trái tim em còn đang rạo rực
Nếm mật ngọt tình yêu anh trao
Hãy yêu em đi, ngay phút giây này
Khi trái tim em còn đang thổn thức
Xin đừng chần chờ, ơi anh yêu dấu!
Đến ngày em đã ra đi
Mới ngậm ngùi khắc lên tấm mộ bia
Những lời nói yêu thương trên phiến đá vô tri!
Nếu anh nghĩ về em dịu dàng như thế,
Hãy nói đi anh, ngay phút giây này
Xin đừng chần chờ
Khi em đã ngủ yên trong lòng đất lạnh
Không bao giờ còn thức dậy
Âm dương đã chia lìa đôi ta
Không bao giờ em còn nghe lời anh nói
Anh yêu dấu hỡi,
Nếu anh đã yêu em, dù chỉ như làn gió thoảng
Hãy nói đi anh, khi em đang còn trên đời này
Cho em có được một tình yêu quý giá
Đem theo xuống mồ sâu…

* Nguyễn Diệu Tâm
Phỏng dịch từ  THE TIME IS NOW
Tác giả : Vô danh
Đăng trên báo Los Angeles Time

* Một người đàn ông từng ngồi bên giường bệnh 105 ngày nhìn vợ đang chết dần mòn vì một căn bệnh hiểm nghèo. Lòng ông xót xa hối tiếc vì những điều không kịp thực hiện cho người vợ yêu chỉ vì hứa hẹn "để mai" hay "năm sau em nhé". Và ông đã viết:
Các bạn thân mến, nếu bạn đang yêu, xin đừng vấp phải sai lầm như tôi. Hãy nói với người mà bạn yêu thương những điều bạn muốn làm và có khả năng để làm, hãy thực hiện ngay, nếu không bạn sẽ phải sống trong hối tiếc và đau khổ suốt quãng đời còn lại của mình, như tôi giờ đây"...

If you are ever going to love me
Love me now, while I can know
The sweet and tender feelings
Which from true affection flow
Love me now
While I am living
Do not wait until I'm gone
And then have it chiseled in marble
Sweet words on ice-stone
If you have tender thoughts of me
Please tell me now
If you wait until I am sleeping
Never to awaken
There will be death between us
And I won't hear you then
So, if you love me, even a little bit
Let me know it while I am living
So I can treasure it


Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Hỏi Chúa

Juliet - by Philip H. Calderon

Chúa ơi,
Sao nàng đẹp tuyệt trần?
-Để cho con ngơ ngẩn!
Sao da nàng thơm mát?
-Để cho con đắm say!
Sao nàng luôn thơ ngây?
-Vậy con mới yêu nàng!

Hỏi Chúa để trả lời,
Vì sao năm tháng trôi,
Vì sao ta yêu nhau,
Vì sao tình không mỏi?

Thôi thì là vì sao,
Luôn nhấp nháy trên cao.
Thôi thì là vầng trăng,
Tỏa sáng như đêm nào.

Thôi thì là ngu dại,
Như Eve yêu Adam.
Thôi thì là đường dài,
Một mình em vẫn bước!

* NGUYỄN DIỆU TÂM


Ngẫu hứng từ một câu chuyện hài :
..." After sending time with Eve, Adam was walking in the garden with God. Adam told God how much the woman means to him and how blessed he feels to have her.
Adam began to ask questions about her.
Adam: Lord, Eve is beautiful. Why you did make her so beautiful?
God: So you will always want to look at her.
Adam: Lord, her skin is so soft. Why did you make her skin so soft?
God: So you will always want to touch her.
Adam: She always smells so good. Lord, why did you make her smell so good?
God: So you will want to be near her.
Adam: That's wonderfull Lord, and I don't want to seem ungrateful, but why you did make her so stupid?
God: So she would love you...."

Tạm dịch :
Sau giây phút bên Eva, Adam đi vào vườn địa đàng gặp Chúa. Adam nói với Chúa người phụ nữ có nghĩa như thế nào với chàng và chàng cảm thấy hạnh phúc dường nào khi có nàng.
Adam bắt đầu hỏi.
Adam: Lạy Chúa, Eva thật xinh đẹp. Vì sao ngài khiến cho nàng xinh đẹp như thế?
Chúa: Thì để cho con luôn muốn nhìn ngắm nàng!
Adam: Lạy Chúa, da nàng thật mềm dịu. Vì sao ngài khiến cho da nàng mịn màng đến thế?
Chúa: Thì để cho con luôn muốn chạm đến nàng!
Adam: Nàng luôn có mùi hương thật tuyệt. Chúa ơi, vì sao ngài khiến cho nàng thơm tho đến thế?
Chúa: Thì để cho con muốn gần gũi nàng!
Adam: Thật tuyệt, Chúa ơi! Và .. con thực không muốn bất nghĩa, nhưng .. sao ngài khiến cho nàng .. ngu ngốc thế?
Chúa: Thì .. vậy nàng mới yêu con chứ!

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Che Giấu


Trên cát,
Tôi đắp nấm mộ tình yêu vừa vụt mất.
Chôn thật sâu nỗi lòng,
Để anh không bao giờ nhận ra tình yêu của tôi,
Một tình yêu nuôi dưỡng bằng ảo tưởng,
Một tình yêu bằng cát,
Bằng bong bóng những cơn mưa...

Tôi vẫn biết,
Tình yêu như bọt sóng,
Nồng nàn say đắm biết bao,
Vồ vập ôm lấy bờ
Mơn man,
Rồi vỡ tan ...
Tình yêu như hang cát sâu con dã tràng bé bỏng,
Vừa xây xong,
Mà con sóng đã cuốn trôi đi.

Tôi vẫn biết,

Khi loài ốc mượn hồn,
Cô đơn trong chiếc vỏ xa lạ,
Tình tôi hoài công như biển,
Vỗ sóng mãi vào bờ,
Bờ vẫn xa xôi.
 

Tiếc thương như dã tràng xe cát,
Suốt đời đi tìm viên ngọc đánh rơi,
Là mối tình tôi...

Anh chưa bao giờ nói lời yêu tôi,
Sẽ không bao giờ nói lời chia tay,
Mối tình tôi chôn chặt trong nấm mồ cát.
Sóng vỗ vào bờ,
Cuốn theo mối tình tôi,
Về đại dương xa xôi...

Tôi thả tình tôi trên biển cả,
Gió sẽ đem mối tình tôi trôi giạt,
Sóng sẽ đem mối tình tôi lênh đênh,
Và sẽ không bao giờ anh biết,
Tình tôi, tình tôi đâu!


* NGUYỄN DIỆU TÂM

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Hỏi Lòng

Phỏng dịch từ Je Me Demande của Thiên Kim Angès Hiver

"Khi cơn bão đã tan" - Tranh sơn dầu
Gregory Frank Harris ( b. 1953 )
http://www.rehs.com/gregory_frank_harris.html


Hỏi lòng mình,
Nếu một ngày anh trở lại,
Cùng bông hoa súng trắng còn đẫm ướt sương mai
Đặt vào tay em,
Nơi em sẽ ủ ấm bàn tay anh
Em sẽ lại thì thầm
Bước chân anh rồi có quay về?

Hỏi lòng mình,
Anh có bao giờ quên?
Bài ca ngày xưa đôi ta cùng hát
Từ nơi phủ đầy tuyết trắng và hoa gòn
Những năm tháng đam mê đã trôi qua rồi
Tiếng anh cười
Dội vào lòng em rạng rỡ
Nay cũng không còn nữa đâu!

Hỏi lòng mình,
Vì sao anh xóa đi bóng hình anh?
Xa khỏi đời em ?
Sao đành bỏ em cô đơn?
Khi em gọi tên anh
Không còn ai nghe nữa!

Hỏi lòng mình,
Khi ta không còn bên bờ tình như ngày xưa
Ngày Chúa đã chúc phúc
Cho ta yêu nhau nhiều hơn thế mỗi ngày
Bất kể tuổi tác thời gian
Ta mãi bềnh bồng trên đám mây
Xanh và trắng
Có phải là tình yêu của em và anh?

Hỏi lòng mình
Tình yêu ở đâu
Có còn màu xanh màu trắng?
Ngày nào em còn dưới vòm trời này
Em sẽ luôn chờ đợi anh
Con thiên nga xưa sẽ trở lại
Đến cùng anh không còn đau thương.

Hỏi lòng mình
Em có cảm ơn trời?
Khi chiếc cầu vồng của đấng Bất diệt
Sẽ kết hợp đôi ta
Một lần nữa
Nhưng chỉ là giữa những đám mây
trắng và xanh kia…

* NGUYỄN DIỆU TÂM  phỏng dịch

Nguyên tác :

JE ME DEMANDE  * Thiên Kim Angès Hiver 

Je me demande:
Si un jour tu reviendras
Tu poseras sur ma main
Ton nénuphar blanc
De rosée du matin
Je couvrirai ta main
Est-ce que tu oseras
Revenir sur tes pas?

Je me demande:
Si tu oublieras
Tout ce que nous chantâmes
Ensemble dans ce cocon
De neige et de coton
Ces années passionnées
Maintenant ce n’est plus
De ton éclat que je suis éclairée
Ce ne l’est plus.

Je me demande:
Pourquoi tu t’effaçais?
Pourquoi je t’ai quitté?
Pourquoi tu m’as laissée solitaire
Pendant que je t’appelais?
Rien d’autre m’imtéressait

Je me demande:
Si nous ne sommes plus là
Sur cette berge d’autrefois
C’est que Dieu l’a souhaité
Pour une raison bien sage:
Qu’on puisse s’aimer davantage
Chaque jour et chaque nuit
Dans les couleurs de l’âge
Sur notre beau nuage
Bleu et blanc
Le bleu que tu aimes tant
Le blanc que j’aime tant

Je me demande:
Le bleu avec le blanc?
Crois-moi un jour
Je suis sous l’abat-jour
Je t’attendrai toujours:
Que ton cygne revienne
Pour m’emmener vers toi sans peine

Je me demande:
Si je pourais remecier le ciel
Et l’arc en ciel
Du Seigneur Éternel
Il nous réunirait tout deux
De nouveau mais dans un vrai milieu de nuages blancs et bleus.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Đến Với Thơ

Những ngày gần đây, trên trang nhà của các bạn trường cũ nthqn.org chúng tôi đọc được nhiều bài viết của bạn bè thân hữu về chủ đề THƠ. Có những ý kiến hay, đưa ra những vấn đề khá nhức nhối ngoài định nghĩa về Thơ, làm tôi cũng có ít nhiều bâng khuâng suy nghĩ. Thơ là gì? Những ai có thể "xuất khẩu thành thi"? Làm thơ có khó không hay chỉ dành cho những ai có khả năng thiên phú? Vì sao ngày nay ít người đọc Thơ, vì sao những tập thơ in ra khó bán? Với người yêu Thơ, thì con đường đến với Thơ như thế nào? v..v..


Nữ Thần đọc thơ ( Muse reading ) - Bảo tàng Louvre ( Nguồn: google.com )


Clio, Euterpe và Thalia, 3 nữ thần truyền cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật
( Nguồn: google.com )

Từ những năm trung học cơ sở, tôi đã được học nhiều thơ, văn cổ, nhiều từ Hán Việt, tuy hay nhưng khó nuốt. Học qua thơ chữ nôm, thật tuyệt khi được học Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Bà Huyện Thanh Quan v.v. Tôi thích những "ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, sóng biếc theo làn hơi gợn tí, lá vàng trước gió sẽ đưa vèo"... của Nguyễn Khuyến, thích Tú Xương .. và có vẻ như tôi hâm mộ tư tưởng vô vi của Lão Trang. Những kiến thức thầy cô giảng dạy đã cho tôi căn bản đến với văn chương. Khi phải chọn ban lúc lên trung học phổ thông, tôi suy nghĩ trằn trọc rất nhiều. Những năm cấp 2 tôi học giỏi đều các môn, trong đó có cả Toán, Lý Hóa, nhưng dường như tôi nghiêng về văn chương, ngoại ngữ nhiều hơn. Tôi đã quỳ trước bàn thờ Phật, có 3 mảnh giấy viết sẵn A, B, C được xếp lại cho tôi "bốc thăm". Bốc lần thứ nhất, mở ra, là B, tôi thất vọng, tự cho phép mình được bốc lại, lần thứ hai là A. Tôi bắt đầu run, vái Phật cho tôi còn cơ hội lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng. Lần này thì may sao, chữ C hiện ra, như tôi đã mong muốn. Tôi sung sướng quá, nghĩ rằng Phật đồng ý cho tôi học ban C rồi. Tôi thưa với ba, may sao ba cũng "ừ", có lẽ vì ba chỉ muốn con gái ba làm cô giáo.
Vào đầu năm học đệ tam, bạn bè lớp 9-1 của tôi đa số qua ban A và B. Vì thế tôi có nhiều bạn mới từ lớp 9-2 qua học chung, và thêm nhiều bạn từ các trường khác như Trinh Vương, Bồ Đề, có bạn từ Đà Lạt xuống. Tôi còn nhớ mãi lúc cô Thúy Nga bước vào lớp dạy môn Toán, nhìn thấy tôi ngồi trong lớp C cô đã sửng sốt. Cô gọi tôi lên mắng cho một trận nên thân: "Tại sao em lại chọn ban C? Lẽ ra em nên theo ban B, môn Toán em rất giỏi mà..." Tôi buồn lắm, nghĩ mình đã sai ư? Trong thời gian học, có một số bạn nói rằng ban C học bài nhiều quá, vội xin chuyển qua ban A. Còn tôi, tôi rất sung sướng với những giờ học ngập tràn văn chương, ngoại ngữ, đến năm lớp 12 còn có thêm 4 môn Triết học Tâm lý, Siêu hình, Đạo đức, Lý luận .. nữa. Chúng tôi tha hồ mà chép thơ và những trích đoạn văn chương cho nhau vào lưu bút, vào những tập thơ riêng. Ngày ấy những bài thơ trong Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa được chúng tôi chuyền tay nhau mà chép. Những bài như "Áo lụa Hà đông" của Nguyên Sa, "Trên ngọn tình sầu" của Du Tử Lê, "Qua mấy ngõ hoa" của Mường Mán và rất nhiều bài thơ khác v.v. được chúng tôi học thuộc lòng. Các bạn chép thơ văn rồi nhờ tôi vẽ trang trí, mà tôi cũng không ngờ sau này gặp lại, nhiều bạn nói rằng ngày ấy bạn cũng có những tập thơ chép, cũng có những hình vẽ trang trí của tôi. Tôi đùa "vậy sao? Sao ngày ấy mà mình đã vẽ nhiều như vậy kìa. Biết vậy, hồi đó mình thu tiền các bạn, thì mình .. giàu rồi!"
Nhưng .. thú thật với bạn, đến lúc đó tôi vẫn chưa làm nổi một bài thơ nào. Hình như tôi thích viết và dịch hơn. Ba tôi làm việc ở Ty ngân khố, gia đình tôi ở trên lầu. Chiều nào sau giờ làm việc tôi cũng chui vào dãy phòng làm việc có rất nhiều máy đánh chữ. Tôi tập gõ. Vừa gõ tôi vừa sáng tác .. truyện cổ tích cho đến lúc trời tối mò. Sau đó thì tôi dịch từ cổ tích anh em nhà Grimm, cuốn Le livre de la jungle của Ruyard Kipling bản tiếng Pháp. Bầy em tôi lúc đó đã có đến 6 đứa, là "độc giả" yêu dấu của tôi. Các em rất hăm hở chờ đón "tác phẩm" của chị ra lò. Chưa kịp đóng thành tập chúng đã dành nhau xem, có lúc khóc la om sòm vì không dành được.
Năm vào đại học, lại một ngẫu duyên nữa đưa tôi đến với ban Văn. Tôi thích hội họa từ thuở bé, và tôi đã mơ trở thành họa sĩ vẽ phim hoạt họa. Vì vậy, tôi ái mộ Walt Disney. Những bộ phim, những sách truyện của Walt Disney như "Bạch Tuyết và 7 chú lùn", "Nai Bambi", "Công chúa ngủ trong rừng" v.v. tôi đều đi xem, đều mua sách về ..gối đầu giường. Tôi đã ôm hồ sơ đến trường Mỹ thuật Gia định. Nhưng ba tôi không muốn con gái "khổ" vì làm họa sĩ .. lang thang lắm. Ba viết tối hậu thư từ Qui Nhơn gửi vào Sài gòn cho tôi: "Con phải hoàn tất một đại học văn hóa, còn vẽ vời, con dùng tay trái. Không thì về nhà!"... Tôi buồn lắm, đi học xa nhà mà không có "nhà tài trợ" thì làm sao mà học? Vậy là phải thi vào ĐH Sư phạm. Lượng sức mình nếu thi ban Pháp văn thì không địch nổi với dân trường Tây như Marie Curie, Taberd ở Sài gòn, Lycée Yersin ở Đà Lạt xuống, tôi đành vào Văn khoa học một năm lấy bằng dự bị Văn khoa ban Văn chương quốc âm để thi vào ban Việt Hán của ĐH Sư phạm. Vào đây cũng chẳng dễ dàng chút nào khi các bạn thi vào khoa này cũng từ các trường nổi tiếng như Gia Long, Trưng Vương, nhiều bạn đã từng đoạt giải văn từ thời trung học. Chúng tôi phải thi viết 3 môn chính: Văn, Pháp văn và Hán văn rất gắt gao, 1 phải chọi với 10. Trong số 1.000 thí sinh, đậu được phần thi viết đã khó lại phải thi Vấn đáp, 100 người đậu phần thi Viết đến Vấn đáp chỉ lấy 1 lớp 40 sinh viên. Vậy mà cuối cùng tôi cũng đậu. Một người bạn trai đã đi xem bảng cho tôi vì tôi không đủ can đảm đi xem. Xem bảng xong, anh hớn hở báo tin cho tôi biết: "Bạn anh nghe tin em đậu, nể quá, vì bạn gái nó thi vào Sư phạm hoài đâu có đậu nổi!" Tôi mừng, vì .. được ở lại Sài gòn, không bị bắt về nhà!
Những năm học ban Việt Hán thật vui. Chúng tôi được học rất nhiều môn ngoài Việt văn, Pháp văn, còn có Hán văn và giờ học tiếng Nôm nữa. Lớp học gọn, nhỏ, không quá đông như năm học ghi danh ở Văn khoa đôi khi ngồi cuối giảng đường lắm lúc không nhìn được mặt thầy. Ở đây, chúng tôi đã được nuôi dưỡng trong không gian đầy chất thơ, những giờ học phủ kín văn chương chữ nghĩa. Giờ học chữ Nôm là lúc mà chúng tôi được cười nhiều nhất, lý do là vì không phải từ Nôm nào chúng tôi cũng biết, do phải dựa trên các thành tố của chữ Hán để viết thành tiếng thuần Việt, thường là ghép từ 2 chữ Hán hoặc thêm nét, thêm bộ chữ Hán vào để thành chữ, mà như vậy thì phải thật giỏi chữ Hán mới viết nổi chữ Nôm. Mỗi khi thầy ra một đề luận văn viết bằng chữ Nôm là cả lớp cứ ôm bụng cười vì nhiều chữ chế ra chỉ có mình hiểu!
Bốn năm đại học trôi qua trong bối cảnh đổi thay hoàn toàn của 2 chế độ, sau 1975 chúng tôi phải cấp tốc học cho xong chương trình 4 năm của đại học Hà Nội trong vòng 2 năm để ra trường. Chúng tôi cũng được học rất nhiều về văn chương nước ngoài, những nền văn học lớn của thế giới từ văn học Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức. Học và thảo luận về những tác phẩm vĩ đại như Faust của Goethe, Anna Karenina của Lev Tolstoy, thơ Pushkin, Tứ đại danh tác của văn học Trung quốc ( gồm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử của Thi Nại Am, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Hồng lâu Mộng của Tào Tuyết Cần ), Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, Ông già và Biển cả của Ernest Hemingway và còn rất nhiều. Chúng tôi cũng được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng từ trước như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh .. mà nhà trường đã mời đến thỉnh giảng ngoại khóa. Lúc ấy, văn chương đã phần nào giúp cho chúng tôi tạm quên đi thực tại khó khăn.
Tôi được phân công về Vĩnh Long dạy Cao đẳng sư phạm, môn Văn chương Việt nam. Tôi cho giáo sinh tổ chức các sinh hoạt câu lạc bộ Truyện Kiều để họ nghiên cứu, thảo luận sâu hơn về nhiều chủ đề trong tác phẩm kinh điển ấy. Hai năm trôi qua, do không chịu nổi áp lực từ công việc, phần chán ngán vì những bài giảng chỉ có như vậy thiếu sáng tạo, tôi bỏ việc trở về nhà.
Cả một quá trình, nhiều năm được đào tạo, hít thở cùng với văn chương như vậy, thế nhưng .. tôi không làm một bài thơ nào, cũng không viết được một đoản văn nào ngoài những bài giảng soạn để lên lớp mỗi ngày trong thời gian còn đi dạy. 
Gần 20 năm sau, khi tôi đã có công việc ổn định tại thành phố, nhưng hoàn toàn khác với nghề được đào tạo, tôi bắt đầu viết chút ít cho mình đọc! Tôi vẫn thích đi học, những năm 90 thành phố bắt đầu xuất hiện các trường đại học tại chức dành cho những người ham học nhưng không có thì giờ ban ngày. Tôi chọn một đại học ngoại ngữ thi vào. Trường có 2 khoa: Kinh tế thương mại và Văn chương Anh. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi lại chọn Văn chương Anh, dù lúc đó tôi cũng đang cần kiến thức về kinh tế thương mại. May sao trong chương trình chúng tôi cũng được học về các môn kinh thương rất thực tế. Do đã có bằng đại học, tôi được miễn học các môn tiếng Việt, chỉ học tiếng Anh. Thế mà tôi vẫn đến lớp ban đêm sau một ngày làm việc, không muốn bỏ một giờ nào suốt 4 năm trời cho đến ngày tốt nghiệp. Thích nhất là giờ Văn hóa Việt Nam của giáo sư Trần Ngọc Thêm. Tôi say mê với những triết lý Âm dương, với Ngũ Hành, Hà Đồ. Và dĩ nhiên các giờ tiếng Anh, tôi đi học ghi chép đầy đủ đến nỗi cứ mỗi lần đến kỳ thi học kỳ là các bạn cùng lớp tranh nhau mượn tập của tôi để photocopy lại. Trong giờ Văn chương Anh, cô giáo cho chúng tôi dịch thơ Anh cổ, còn nhớ bài thơ "How do I love thee" của nhà thơ nữ Elizabeth Barrett Browning (1806-1861) với những câu thơ thật đẹp:

How do I love thee? Let me count the ways?
I love thee to the depth and breadth and height 
My soul can reach, when feeling out of sight
For the ends of Being and ideal Grace
I love thee to the level of everyday....

Dịch thơ cổ rất khó, tôi phải dịch thoát ra, bài thơ cô giáo chưa kịp sửa, nhưng đọc tới đọc lui tôi thấy ... vừa ý rồi, nên còn giữ đến bây giờ :

Tình Yêu
Hãy để cho em nói - Em đã yêu anh như thế nào!
Em yêu anh đến tận cùng vực sâu, tàn hơi thở,
Và hơn cả đỉnh núi cao xanh,
Lòng em vẫn yêu anh như thế, cả khi anh đã xa rồi!
Bởi tận cùng Tạo vật và cái Đẹp lý tưởng,
Em yêu anh hơn thế từng ngày,
Như trong cô tịch cần mặt trời và ánh nến,
Em yêu anh cuồng say, như người cố vượt lên đỉnh non cao
Yêu anh trong sáng, như vừa qua buổi kinh cầu,
Yêu anh bằng tất cả niềm đam mê,
Bằng nỗi muộn phiền xưa cũ,
Cùng niềm tin của tuổi trẻ.
Yêu anh với một tình yêu ngỡ như đã mất,
Lạc cả thánh thần, em vẫn yêu anh!
Đến tàn hơi,
Nụ cười, nước mắt, cả cuộc đời,
Và, nếu Thượng đế cho em quyền lựa chọn,
Em sẽ càng yêu anh nhiều hơn khi đã lìa đời ...

Từ bài thơ dịch lần đầu tiên này, tôi đâm ra thích dịch thơ, dù đây là một công việc khó. Một lần vào nhà sách, tôi cầm một tập thơ dịch từ những bài thơ hay tiếng Pháp, dịch giả là ai tôi không nhớ. Rất thích thơ Pháp, tôi định mua, nhưng lật xem vài trang, tôi thấy bài thơ "Ariette" của Paul Verlaine được dịch thật ... nhức đầu, tôi cũng không nhớ hết nhưng đại khái anh ta dịch 2 câu sau của đoạn đầu tiên

"Il pleure dans mon coeur,
Comme il pleut sur la ville
Quelle est cette langueur,
Qui pénètre mon coeur?"...

thành "Có nỗi buồn này, rơi lọt vào lòng tôi"... và còn nhiều câu nữa. Tôi bỏ cuốn thơ ấy xuống, không mua nữa. Về nhà tôi dịch lại .. cho tôi đọc:
"Mưa rơi trên phố xa,
Như lòng ai đang khóc,
Có một nỗi sầu nào,
Len lén vào hồn ta?

Ôi, tiếng mưa rơi êm!
Trên mái nhà, mặt đất.
Cho trái tim phiền muộn,
Ôi bài hát mưa đêm!

Lòng buồn không nguyên do,
Trong trái tim se thắt.
Có phải vì bội phản
Đau thương không nguyên do?

Này chính là nỗi đau,
Nên không biết vì sao
Không yêu, không thù hận
Mà lòng trĩu nỗi đau!"...


Sau thời gian này, trong hoàn cảnh và tâm trạng thoải mái hơn, tôi bỗng dưng thích làm thơ, tự viết chứ không dịch nữa. Để trêu anh chàng trưởng phòng Kinh doanh nhát gái, tôi viết bài "Ngày hôm qua". Suy nghĩ về cô bạn lớn tuổi không muốn lấy chồng, tôi viết "Người đi tìm hạnh phúc". Mỗi ngày trên đường đi làm ngang qua cầu Sài gòn, nhìn những ngôi nhà nhấp nhô bên sông đẹp như trong tranh ấn tượng của Paul Cezanne, tôi viết "Qua sông". Nhớ đến một người bạn họa sĩ chuyên vẽ về chủ đề Totem và những bức tượng nhà mồ dân tộc Tây nguyên, tôi viết "Từ nơi cuối cùng". Đọc báo nghe tin làng tranh Đông Hồ dần mai một và nghề in tranh khắc gỗ cổ truyền nay thay thế bằng hàng mã, tôi viết "Câu chuyện thời gian". Đau lòng khi nghĩ đến ông sếp đang ngồi tù, tôi viết "Hư danh". Xót xa một mùa hè hạn hán miền Trung, tôi viết "Cầu Mưa". Một lần đi Mỹ dự hội chợ thương mại, gặp lại một người bạn cũ sau 30 năm, từ khung cửa kính nhà hàng xoay, nhìn vầng trăng rằm lửng lơ treo trên Bay Bridge đẹp như trong giấc mộng, tôi viết "Đêm San Francisco". Rồi tình cờ thấy trên mạng có cuộc thi thơ dành cho người không chuyên ở Mỹ, tôi gửi bài thơ "Số phận" đã chuyển sang tiếng Anh. Khi đăng ký để gửi bài thơ, cuộc thi không dành cho người ở Việt Nam, tôi gõ vào tên em gái tôi đang ở San Diego. Ít lâu sau, em gái tôi ngạc nhiên nhận được thư mời đến tham dự cuộc gặp gỡ của những người có bài thơ được vào chung kết.
Và có lẽ, thời gian tôi làm thơ nhiều nhất là lúc tôi gặp một người Pháp đến Việt Nam quay một bộ phim về ngành nghề thủ công sơn mài. Tôi giúp cho ông tư liệu và kiến thức, kinh nghiệm tôi có được trong hơn 20 năm trong nghề. Bộ phim này sau đó được giải nhất tại Pháp, về phim tư liệu dành cho các nhà làm phim không chuyên. Ông trao đổi với tôi nhiều chủ đề, trong đó có lần ông hỏi tôi có làm thơ không, vì ông cũng thích làm thơ. Ông gửi tôi đọc những bài thơ của ông, và tôi cũng gửi cho ông những bài thơ của tôi, dịch ra tiếng Pháp, ông đọc và sửa lại cho đúng cách hành văn của người Pháp.
Năm 2004, khi ra mở công ty riêng, bận rộn với công việc, tôi quên đi chuyện làm thơ. Thêm 6 năm sau nữa, gặp lại các bạn lớp Việt Hán ngày xưa, các bạn rủ vào blog của lớp cho vui, tôi bắt đầu tham gia với vài bài viết ngắn. Chỉ mới gần đây, tôi mới vào trang nhà nthqn.org của một số bạn cũ thời trung học, làm quen với các bạn vài bài ký sự, du ký, vài bài thơ nhỏ...
Tôi không có năng khiếu thiên phú để làm thơ dễ dàng theo kiểu "xuất khẩu thành thi". Tôi không phải là thi sĩ. Tôi chỉ là người thích đọc thơ, thích bày tỏ nỗi lòng, tâm sự qua thơ. Thơ, đối với tôi, là những ý tưởng chợt đến cùng với cảm xúc ngập tràn, được viết ngắn gọn, với ngôn từ có thể vang lên như nhạc. Không cần phải cầu kỳ, bí hiểm, Thơ phải mở ra cho mọi người, nỗi lòng của ta có thể chỉ là của riêng ta, nhưng cũng có khi ta nói hộ cho mọi người điều mà họ từng suy ngẫm trong lòng nhưng không thể thốt ra thành lời. Và để gần gũi hơn với mọi người, Thơ phải đi vào cuộc sống, Thơ không chỉ là "ru theo gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" mà còn phải đến với nhiều mảng đời "Để linh hồn ràng buộc bởi muôn giây, Hay chia sẻ cùng trăm tình yêu mến"... như thi sĩ Xuân Diệu đã định nghĩa.
Tôi nhớ đến bài viết của một người bạn, về chuyện "Ngáp được ruồi". Khi bỗng dưng một vài bài thơ của tôi được lọt vào "mắt xanh" của một nhạc sĩ ở phương trời xa xôi mà anh và tôi chưa hề một lần gặp mặt. Tôi cảm thấy vui vì ít ra những bài thơ nhỏ của tôi có thể gợi nên cảm hứng cho một người viết nhạc, có thêm những nốt nhạc vui cho cuộc đời. Khi anh đưa bản demo ca khúc "Bảo Tàng Tình Yêu" vào You tube, nhiều fan đã đàn và hát rất hay, có người đàn guitar, có người đàn piano, có người hát. Nhiều người khen giai điệu tiết tấu ca khúc hay, ý thơ lạ. Bây giờ anh đang viết thêm một ca khúc nữa dựa vào ý thơ trong "Người đi tìm Hạnh Phúc" và "Số phận". Tôi nói với nhạc sĩ rằng không phải bài thơ nào phổ nhạc cũng thành công. Nếu có, thì đó là nhờ tài hoa và ngón đàn của nhạc sĩ, kết hợp cái duyên văn nghệ của người viết ra bài thơ ấy. Vì lý do nào đi nữa, tôi mong con "ruồi" ngáp phải này sẽ ngọt như mật, dễ thương như hoa hồng nở sớm mai, và còn có đôi cánh tí xíu như nàng tiên Tinker Bell trong câu chuyện Peter Pan chấp chới bay vào thế giới thần tiên ...
Con đường đưa tôi đến với Thơ là như thế đó, còn bạn thì sao?

NGUYỄN DIỆU TÂM
11.2011

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT LOÀI CHIM

..." Ngày xửa ngày xưa, có một loài chim xuất hiện vào một đêm mùa đông, lúc mà chưa ai trên cõi đời này biết đó là đêm Chúa giáng sinh.
Đó là một đêm trời trong vắt, trên bầu trời cao đầy sao lấp lánh.
Sáng hơn tất cả những vì sao khác, có một vì sao lạ xuất hiện phía cuối những cánh đồng, sa mạc, xa tít tắp đến tận cùng của thế giới. Vì sao đó đã dẫn đường cho Ba Vua. Đêm tỏa hương thơm của những khu vườn, giống như mùa đang vào những ngày tháng tư khi những bụi cây trong đêm tối nở những bông hoa tầm gai. Và trên trời, thiên sứ cất tiếng hát"...

Ảnh minh họa: Mike Melix Max ( google.com)

Đó là loài chim luôn bên cạnh những mục đồng, những cô gái chăn cừu. Chúng trìu mến với đàn bò, ve vuốt đàn dê, là loài đầu tiên hiểu được tiếng hát của thiên sứ. Có lẽ vì vậy mà trong tiếng Pháp, chúng được gọi tên là "La Bergeronnette", bắt nguồn từ chữ "Le berger" - là mục đồng, người chăn bò, cừu, dê.. Trong tiếng Anh, chúng được gọi là "Wagtail" và trong tiếng Việt, chúng là chim chìa vôi.
Loài chim này được hưởng một đặc ân từ thượng đế, là cảm nhận, đoán biết được những điều kỳ lạ trước khi con người phát hiện ra. Trong đêm Chúa Hài đồng giáng sinh ấy, chú chim có tên Bergeronnette đã cảm thấy rằng đêm Giáng sinh thiêng liêng và kỳ diệu đang xuyên trôi qua không gian. Chú đã vội vã bay từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác để đánh thức các mục đồng. Chú bay theo ngôi sao lạ sáng rực trên bầu trời, hướng dẫn các mục đồng đi về phía máng cỏ. Và rồi khi đến nơi, đậu trên sừng anh bạn bò, chú cất tiếng hót ngợi ca Chúa Hài đồng giáng thế.
Kể từ đó, chú chim Bergeronnette đã gắn bó với các mục đồng, và chỉ ở luẩn quẩn trong khu vực của họ.
Chú đã đối đầu với đêm tối bao la đại ngàn của những vì sao và các thiên sứ, để dẫn dắt các mục đồng đến tận chuồng bò. Dẫu công việc này khó nhọc, chú cảm thấy hạnh phúc vì đã giúp họ được chứng kiến phút giây thiêng liêng ấy - Phút giây Đấng Cứu Thế ra đời..." (*)


 (**) " La Bergeronnette Conte" by Marina Dieul - Charcoal 20*16 inches
 
Không phải ngẫu nhiên mà bỗng dưng tôi muốn kể lại cho bạn nghe câu chuyện này. Nếu bạn hiểu tôi đã xúc động đến dường nào khi được xem bức tranh vẽ bằng chì than tuyệt đẹp của nữ họa sĩ Marina Dieul "La Bergeronnette Conte" mà tôi mạn phép trích ra đây. Bức tranh vẽ một chú bé thơ ngây và chú chim "mục đồng" bên cạnh. Có lẽ tôi thích gọi tên loài chim này là chim "mục đồng", vì nó sát nghĩa trong tiếng Pháp hơn, còn vì sao tiếng Việt gọi là chim "chìa vôi" thì hẳn phải có lý do của nó. Từ nghĩa tựa đề bức tranh "Câu chuyện chim Mục đồng" của họa sĩ Marina Dieul, tôi đã phải vào google tìm và thật may mắn tôi tìm được từ bản tiếng Pháp trong tờ Citoyen, bản ấn hành ngày 18/12/1997 cùng lời chúc Giáng sinh "JOYEUX NOEL - BONNE ET HEUREUSE ANNÉE À TOUS!"
Vào những tháng ngày cuối năm này, chú chim Mục đồng bé nhỏ ấy đang cố gắng chui ra khỏi mùa đông dài lạnh lẽo để bay về phía mùa xuân. Chú đang hót líu lo theo dàn đồng ca thiên sứ đón mừng Chúa Giáng sinh, và chúc mừng mọi người trên thế gian này :
GIÁNG SINH VUI VẺ & NĂM MỚI TỐT ĐẸP, HẠNH PHÚC !


NGUYỄN DIỆU TÂM
(*) Phỏng dịch theo "Le conte de la Bergeronnette" đăng trên Le Citoyen, bản ấn hành ngày 18/12/1997
(**)http://www.facebook.com/photo.php?fbid=264965690191212&set=a.164261500261632.35765.155438734477242&type=1&theater


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Luận bàn về mối tình đầu

 Ảnh minh họa: vnexpress

Từ hôm post bài "Tình yêu thời con gái" vào blog, tôi nhận được nhiều emails và comments của bạn bè, thật vui. Mọi người đua nhau kể về mối tình đầu.
Một người viết khởi đầu:"Người ta hay nói mối tình đầu là khó quên nhất, nhưng để nhận dạng và định nghĩa là mối tình đầu thì đôi khi cũng khó phải không chị. Những tình cảm một chiều rồi sẽ biến mất có thể nào gọi là mối tình, hay khi gọi là mối tình thì phải có sự đáp ứng của đối tượng mình yêu thương..."
Người thứ hai: "Đọc "Tình yêu thời con gái" của chị làm tôi nhớ có đọc ở đâu đó câu này: "Trong cuộc đời mỗi người sẽ nhận ra ba người. Người thứ nhất là người mình yêu nhất, người thứ hai là người yêu mình nhất và người thứ ba là người không nhất thiết là mình yêu nhất mà cũng không hẳn là người yêu mình nhất nhưng mà là người đến với mình đúng thời điểm nhất, đó là người bạn đời. Các bạn thử ngẫm nghĩ lại xem tôi nói có đúng không? Và may mắn, hạnh phúc cho những ai trong trường hợp này có được ba người trong một!!!"
Người thứ ba: "Người may mắn nhất là người nhập được chung cả ba người đàn ông thành một. Cái này hơi khó. Người ta có thể may mắn lấy được người mình yêu nhưng làm sao biết chắc, chồng của mình có yêu mình nhất hay không. Mình thấy nhiều người yêu nhau ra rít, lấy nhau rồi sinh chuyện tùm lum. Vậy thì nhập cả ba người đàn ông làm một chưa chắc đã là may mắn."
Tôi gợi ý:
- Mối tình đầu là .. lần đầu tiên trong đời biết yêu, cho dù có đơn phương, cho dù ở tuổi nào. Mình thấy nhiều người cũng hay kể về mối tình đầu với một ai đó mà chính đối tượng được yêu .. không hề biết! Có người kể biết yêu từ lúc ... thập tam, và .. yêu cô giáo! Cũng có người nói rằng lúc còn trẻ họ không biết yêu là gì, đến .. già mới biết!
- Mối tình đầu là mối tình lớn nhất .. trước khi lên xe hoa. Là yêu người và cũng được người yêu lại tha thiết nhưng vì lý do nào đó không lấy được nhau nên cứ nhớ nhau hoài, không quên được. Như nhà thơ Xuân Diệu nói "Tình chỉ đẹp .. khi còn dang dở" mà!
- Mối tình đầu là .. mối tình duy nhất: Có người cuộc đời rất đơn giản, quen một người rồi lấy người đó, nên chỉ biết yêu có mỗi người đó. Vậy đố các bạn, người đó có hạnh phúc thật sự hay không? Mong các bạn định nghĩa tiếp về "Mối tình đầu"!
Trả lời, một bạn nam cùng lớp ĐHSP ngày xưa tham gia:
"Mối tình đầu là mối tình đầu tiên trong đời một người. Cho dù đơn phương, song phương hay đa phương cũng đã là một mối tình. Cho dù nhỏ hay lớn và cho dù nó có đưa tới hôn nhân hay không. Đó là chân lý ... của tình yêu!
Biểu hiện ... cơ địa: mắt mờ, miệng há, tay chân run rẩy, tim loạn nhịp.
Triệu chứng thần kinh: mất ngủ, chia trí (lo ra), tâm thần phân liệt lúc vui lúc buồn, óc tưởng tượng tăng phần phong phú, nhớ da diết thiết tha.
Phát triển tài năng: đàn giỏi hát hay, làm thơ viết văn nhật ký mùi mẫn, biết soi gương làm dáng, biết xem bói coi chỉ tay và siêng tắm rửa."...
Một bạn nam khác:
"Vui quá, cho Cóc tham gia với nhé, chuyện bây giờ mới kể:
Cóc ta chẳng biết định nghĩa "mối tình đầu" là thế nào vì tuổi 20 của Cóc chẳng có may mắn "thưởng thức" cái của quý ấy. Những năm tháng trung học cũng có khi "thương nhớ một người" trong một thoáng rồi cũng qua đi. Những năm đại học, một vài hình ảnh "đẹp" cũng đã từng làm cho Cóc mất ngủ. Nhưng Cóc nghĩ, đẹp nhất là cái đơn phương của Cóc được người ta "cảm nhận". Năm 1976, Cóc say mê một hình bóng đang học ở khoa Pháp, và người ấy dường như cũng cảm nhận được "sự cố" này. chúng mình chỉ cảm nhau qua ánh mắt, chưa hề có một "nhời nào"! Lúc bấy giờ Trần Đăng khoa có ra một tập thơ mang tựa: "Góc sân và khoảng trời". Cóc liền mua và đề tặng mấy câu thơ:
Từ góc sân ta gặp người xa lạ,
Về, khoảng trời không dễ nào quên.
Khoảng trời rộng và bao la quá,
Góc sân nhỏ  ta nào biết tên!
Sau đó, với chiếc xe đạp đòn dông Cóc theo cho đến tận nhà (trên đường Lý Chính Thắng bây giờ), tên thì đã biết nhưng tình vẫn chỉ là ánh mắt, không thể thốt nên lời!
Một thời gian ngắn sau đó (khoảng 3 tháng), Khoa Pháp chuyển từ  Nguyễn Văn Trỗi về An Dương Vương Quận 5 thì mình nhận được một mảnh giấy nhỏ cài trên yên xe với dòng chữ: "Adieu!".
Những tháng ngày làm văn nghệ với nhau ở cơ sở An Dương Vương cũng là lúc biết được nàng sắp sửa lấy chồng! Năm 1978 dường như nàng lấy một bí thư quận đoàn nào đó. Đối với mình đây là “mối tình đầu, đẹp”.
Người thứ sáu tiếp lời :
"Chị Tâm, theo sự suy nghĩ của tôi:
- Tình đơn phương không được xem là mối tình.
- Mối tình đầu là mối tình đầu tiên trong đời của mỗi người, mình yêu và được yêu!!!
-Mối tình đầu không nhất thiết phải là mối tình lớn, mà theo tôi mối tình lớn phải là mối tình ghi đậm nét trong cuộc đời của mình!!!"
Tôi trả lời:
"Cảm ơn đã chia sẻ cảm nghĩ của bạn về "Mối tình đầu". Mình cũng không cho rằng "tình đơn phương" được xem là "mối tình". Nhưng có người kể rằng họ đã yêu một người, tuy không được đáp lại trọn vẹn nhưng họ vẫn yêu và không thể quên, dù sau đó có gặp những người bạn trai khác nhưng cảm xúc vẫn không như đã dành cho người đầu tiên. Tất nhiên đó không phải là "mối tình" nhưng là lần đầu tiên người ấy biết yêu và đau khổ vì yêu. Vậy thì ta có cho đó là "tình yêu" không? Hay "tình yêu" chỉ là phải có Yêu và được đáp lại?"
Một người bạn khác kể rằng lúc mới lớn, cô ấy được gia đình mai mối cho một người, tuy chưa hề gặp nhưng cô đã cảm thấy mình thuộc về người ấy. Cô hỏi mình vậy đó có phải là "mối tình đầu"?
Dễ thương nhất, phải nói đến câu chuyện kể của cô bạn này: 
"Năm mình học đệ lục, hè anh chị dẫn đi chơi ở nhà một người bạn. Anh ấy là bạn học anh mình. Mình nhớ anh ấy chèo thuyền chở mình đi hái bông súng. Anh ấy đàn và mình hát, bông súng trong bầu nước trong xanh thật đẹp. Mình hái bông súng bỏ đầy thuyền.
Chiều về, anh ấy đưa cho mình bịch ổi hái trong vườn nhà, anh ấy nói nhỏ với mình :
" N ơi, em cao từ từ, đợi anh với nhé". Mình " dạ" mà mắt thì nhìn đăm đăm bịch ổi.
Đến chừng đi trên đường sực nhớ ra, cứ thắc mắc mãi vì cao mình cao mà phải đợi anh ấy? Mình hỏi anh trai: "Anh ơi, tại sao anh V lại bảo em cao từ từ chờ anh ấy với, tại sao em cao mà phải chờ?"
Anh trai đang chở mình bằng xe đạp từ cầu Đôi xuống Qui Nhơn, đường ngược gió đạp muốn phù mỏ ( Lúc đó mình đang cao rất nhanh, lớn xác mà khờ, anh chở rất nặng). Anh gắt : "Đồ ngu, có vậy mà cũng không biết!" Mình không dám hỏi nữa và tự nhủ: sao mà rắc rối quá, nhưng mình có bịch ổi, sướng ghê, cần gì phải thắc mắc chi ba chuyện rắc rối đó.
Bây giờ thì biết tỏng tòng tong rồi! Nếu mình là họa sĩ như Tâm thì mình vẽ ra khung cảnh hôm ấy, rất đẹp! Anh ấy chở mình đi hái bông súng về nấu canh cua. Nước trong bầu trong xanh, anh ấy chèo thuyền đến giữa bầu thì có quá chừng bông súng. Anh ấy cứ để thuyền trôi trong đám bông súng, lấy đàn ra đàn, mình vừa hái bông súng vừa hát. Bông súng trắng thì ăn được còn bông súng xanh, gọi là bông súng ma, thì không ăn được. Mình vừa hát vừa hái bông súng nên cứ hái lộn bông súng ma bỏ vào thuyền. Mình chỉ thích hái bông súng không thích hát nhưng lúc đi đã giao kết, được đi hái bông súng thì phải hát. Mình nhớ, lúc đó mình hát bài " Gió Lạnh đêm hè" :
" Chuyện tình yêu như giấc ngủ mơ, khi say thì ai mà ngờ. Qua mất còn đâu, em ơi, còn đâu mà chờ...".
Thấy anh chị hát sao thì hát vậy. Trong bụng nghĩ, không biết chuyện gì mà người ta than thở dữ quá!
Sau này, anh ấy có đến nhà dạy mình đàn mandolin. Mình rất ghét học đàn. Mỗi lần anh đến mình sợ lắm vì không thuộc bài. Lần nào anh đến mình cũng chui xuống gầm bàn tìm cái phím, nó cứ rớt xuống góc bàn... Và mình nhìn thấy anh ấy rất buồn. Mình không hiểu tại sao, chỉ mong anh ấy đừng đến nữa để mình khỏi học đàn.
Sao học đến đệ lục rồi mà ngu thế không biết.
Anh ấy rất đẹp và hiền nhưng nhỏ con, không cao lắm."
Đề tài này xem ra được nhiều bạn góp ý. Một cô bạn cũ hào hứng kể:
"Bi giờ mới kể mối tình đầu nghe cũng hấp dẫn quá đi thôi, nhưng tớ có tới mấy mối tình đầu lận. Biết bắt đầu từ đâu bi giờ, thôi thì kể sơ sơ 2 mối thôi, không tin thì cứ cho là tớ ..nổ văng miểng, còn với tớ thì vẫn cứ là những kỷ niệm không quên 
Ngày ấy tớ học lớp 10, ngây thơ vô tội nhé, trong một lần đi làm công tác xã hội có một em học trường Taberd đến làm quen. Nhớ lời cô dặn không được cho giai địa chỉ, nếu giai nào có hỏi cứ bảo số 175 Phan Thanh Gỉan - đây là địa chỉ trường Gia Long, thế rồi bất ngờ tớ bị cô Hiệu trưởng mời lên phòng Gíáo sư làm việc, eo ôi, sợ chết, ngày ấy học trò mà bị gọi lên làm việc là bị trừ điểm hạnh kiểm, toàn những tội trọng, nên giám hiệu mới phải ra tay, đến nơi tớ không gặp bà Tất mà là gặp cô Đặng Kim Chi - trưởng ban xã hội. Hú vía cô Chi phong cách rất Tây, vì cô ở Tây mới về - cô chính là người lăng xê mode quần Tây mặc với áo dài may bằng vải cứng, rất hiện đại, cô gặp mình cô cười rất thú vị, cô bảo cô HT giao cho cô xử lý việc này, và cuộc hỏi cung bắt đầu, cuối cùng cô kết luận: em không có tội gì cả, chỉ tại em Taberd kia cứ viết thư về trường báo hại cô HT  phải đọc kiểm duyệt, dù không có hồi âm nhưng em ấy đã viết đến 10 lá thư cho em đấy, cứ mỗi lần thư viết đến chữ Gia Long và tên em là bạn này lại viết bằng mực tím, bạn này dễ thương ghê, nhưng thư thì cô HT sẽ tịch thu, và em phải cam kết không liên lạc với bạn này nữa, để thì giờ học hành. Tuy cô nói thế nhưng để yêu cầu bạn ấy không viết thư về trường thì cô lại đưa cho mình cái địa chỉ của hắn, hi hi đúng là cô nối giáo cho giặc, từ ấy bọn tớ thư từ qua lại chả cần cái trường nữa, nhưng tớ bảo bọn mình chỉ là bạn thôi, và tớ giữ đúng giao ước, he he phía đối tác tốn khá nhiều ô mai, xí muội cho tớ và mấy cô bạn của tớ đã có công cho tớ mượn địa chỉ để nhận thư và quà của hắn, và mọi sự kết thúc khi hắn đi du học, tớ không liên lạc nữa vì gửi thư ra ngoại quốc tốn tiền lắm.
Còn đây có lẽ mới là mối tình đầu thơ mộng nè, dạo ấy tớ viết báo khá nhiều, thơ truyện đăng tùm lum nên có nhiều fan hâm mộ lắm nhưng cho đến bi giờ tớ vẫn bâng khuâng khi nhớ đến một fan, chỉ vì 2 câu thơ mà người ấy đã gửi tặng tớ trong cái thiệp xuân 1971, thiệp tự làm vẽ 1 cô bé áo dài tím bay trong gió đi trên con đường rợp lá sao bay, và 1 chàng húi cua nhìn theo hun hút, thơ rằng :
"Lửng lơ lên ! Trời Gia Long chơi vơi hương đào nắng lụa .
Nhè nhẹ nhé ! Mây Nguyễn Trãi ngập ngừng vàng võ chiêm bao"
Tất nhiên chàng học trường Nguyễn Trãi, bọn tớ quen nhau khá lâu nhưng cũng chả đi đến đâu, rồi lạc mất nhau, sau gần 10 năm, từ chiến trường Kampuchia trở về, chàng tìm tớ dù tớ không ở chỗ cũ chàng vẫn tìm ra nhà mới, bà chị tớ cho chàng cái địa chỉ nơi tớ dạy học : Gò Công, tỉnh Tiền Giang, vậy mà một trưa cuối năm 1983 giữa sân trường TĐ tớ đã gặp lại cố nhân, ôi người thơ của ta, rồi cũng  như ngày xưa lại viết cho ta cả lô thơ, nhưng bi giờ thơ chàng đầy chất thép, chàng bảo chàng đã tình nguyện đi chiến đấu ở K và được vinh dự kết nạp Đảng ngay trên mặt trận, thật là éo le, tớ nghĩ duyên nợ của đôi ta đành kết thúc, đám cưới tớ chàng có gửi quà mừng dù lúc ấy chàng đang học lớp sỹ quan HQ tận miền Bắc. Bây giờ người xưa không biết đang ở đâu, chắc ở Trường Sa quá, chàng luôn thích nơi đầu sóng ngọn gió và lý tưởng ở mức khó tin, nhắc lại kỷ niệm này tớ muốn chúc chàng luôn bình an và hạnh phúc. 
Dù không biết mặt chàng nhưng mỗi lần nhắc đến tên chàng hay bất ngờ nhìn thấy món quà cưới chàng tặng ông xã tớ đều bảo: anh chàng này dễ thương đấy!".


Bên hồ sen - Tranh sơn mài Nguyễn Diệu Tâm


Tôi đọc những câu chuyện của các bạn, những người mà nay đều trên 50 tuổi, nhưng khi kể về mối tình đầu vẫn còn rất .. hào hứng. Dễ thương quá đi! Ai bảo mối tình đầu không đẹp nhỉ? Cho dù chỉ là .. đơn phương, hoặc có "song phương" nhưng chẳng ai dám nói ra, chỉ để lặng lẽ trong lòng "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Chính những cái e ấp, ngần ngại, sự ngu ngơ dại khờ ấy mới thật đẹp, và cái thời  "viết thư tình bằng mực tím" để rồi hồi hộp chờ đợi ấy có lẽ vẫn đầy chất lãng mạn hơn thời nay.
Tình yêu vẫn luôn khó định nghĩa. Trong bài thơ "Vì sao", thi sĩ Xuân Diệu có nói :

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.."

Đôi khi người ta không thể tìm ra nguyên nhân vì sao người ta yêu. Trong chuyện thần thoại từ thời Vua Arthur, Tristan và Iseult từ hận thù trở nên yêu nhau say đắm do uống phải lọ thuốc thần.  Đại văn hào William Shakespeare đã viết lên vở bi kịch nổi tiếng "Roméo và Juliet", hai nhân vật xuất thân từ hai dòng họ là kẻ thù của nhau vẫn yêu nhau tha thiết và cùng chết bên nhau để không còn ai có thể ngăn cản. Ngày nay, không cần đến những "lọ thuốc thần", nhưng nhiều cặp đôi vẫn yêu nhau như "trúng ngãi".
Có những mối tình lớn là tình đầu, nhưng không phải mối tình đầu nào cũng "lớn". Nhưng dù cho không "lớn", mà chỉ là chút "gió hiu hiu", tình đầu thường cũng làm cho ta khó quên. Trong ký ức nhiều người, tình đầu là đẹp là lãng mạn là thơ mộng. Đẹp như những câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân trong "Phượng hồng" mà tôi thích dùng để định nghĩa cho Mối tình đầu :
"Mối tình đầu của tôi,
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ,
Là bài thơ còn hoài trong vở.
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.."

NGUYỄN DIỆU TÂM ( Tổng hợp lại từ ý kiến bạn bè )
* Bài trước: Tình Yêu Thời Con Gái
http://ngdieutam.blogspot.com/2011/09/tinh-yeu-thoi-con-gai.html
* Mời bạn nghe lại bài hát Phượng Hồng rất dễ thương ở đây