Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG SÓT NẾU BỊ LẠC TRONG RỪNG?

Những lúc ngồi trên máy bay hay cáp treo, nhìn qua cửa sổ ngó xuống núi rừng trùng điệp và thăm thẳm bên dưới xa kia, có lẽ ai cũng từng nghĩ ... lỡ có lúc mình lạc vào rừng... thì sao nhỉ?
Những câu chuyện như Ngoài Hoang Đảo (Robinson Crusoe) của nhà văn Daniel Defoe (1719), Chú bé Rừng Xanh (The Book of Jungle) của Rudyard Kipling (1894), chàng Tarzan trong Tarzan of the Apes của Edgar Rice Burroughs (1917) v.v... một thời trẻ thơ chúng ta từng say mê thả hồn theo từng trang sách dẫn đưa ta đến những không gian, mội trường sống vượt xa ngoài nơi ta đang ở. Các nhà văn tha hồ hư cấu, tưởng tượng, và người đọc thì ru hồn theo rừng xanh, chốn hoang đảo ... Chuyện không lạ lùng gì với những thổ dân ngày xưa từng sống và phải chiến đấu với thiên nhiên, thú dữ để tồn tại, nhưng với thời đại ngày nay làm thế nào để sống sót khi lỡ ... phải lạc vào rừng hay tấp vào hoang đảo?...

Rừng núi Banahills nhìn từ trên không. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Có lần tôi được xem TV kênh Discovery, có một cuộc thi tài hình như là How To Survive In the Jungle hay đại loại chủ đề nào đó thuộc về kênh truyền hình How to Survive của Mỹ xem ai sẽ chiến thắng nếu bị lạc vào rừng thẳm, không có thức ăn, nước uống, cả quần áo mặc và còn đối đầu với bao nhiêu nguy hiểm. Trong những cuộc thi này cũng đã có người bỏ mạng trong rừng. Hôm đó chương trình tôi xem được có 2 người cùng tham gia cuộc thi: một người đàn ông chừng 40 tuổi và một cô gái trẻ khoảng dưới 25 tuổi. Họ được thả vào rừng không có quần áo, thực phẩm. Họ phải tìm lá kết lại để che thân, rồi bắt cá suối ăn, đốt lửa để sưởi... Chừng vài ngày sau, mặt mũi cả hai đều tèm lem, lấm bụi và bùn sình do phải trèo đèo vượt suối và còn phải đối đầu với rắn và những con côn trùng độc trong rừng thẳm.
Có người nói rằng khi bị lạc trong rừng, nên tìm đến một dòng suối nào đó và đi theo nó, sẽ có thể đến một làng mạc nào nơi có người ở. Nhưng có dễ mà đi theo suối hay dòng thác như trong ảnh? Phải trèo qua bao nhiêu vách núi, dốc đá hiểm trở? Ăn gì để sống? Rồi còn cọp beo, rắn rít?...

KINH NGHIỆM VÀ LỜI KHUYÊN:
Có một số kinh nghiệm và lời khuyên được chia sẻ sau đây:
Rất có thể sẽ không bao giờ có chuyện lạc vào hoang đảo, rừng sâu ... xảy ra với các bạn, nhưng ... ai biết được chữ ngờ! Như các hướng đạo sinh thường bảo "hãy chuẩn bị", bài viết này sẽ cho bạn thấy làm thế nào để tồn tại khi bạn lạc vào một nơi nào đó hoang sơ mà không có gì ngoài quần áo trên người bạn:
1- Cần ít phút lấy lại bình tĩnh. Hầu hết mọi người được tìm thấy trong vòng 72 giờ sau khi đi lạc.
2- Nhìn chung quanh bạn và đánh giá các lợi thế ưu tiên của mình:
* Bạn có thể sống được 2-3 ngày mà không có nước uống.
* Bạn có thể sống sót qua 2-3 tuần nếu không có thức ăn.
3- Tìm chỗ trú ẩn. Mục tiêu đầu tiên của bạn sẽ là phải tìm nơi ẩn náu. Nước uống có thể tính sau, và bạn sẽ không cần thức ăn trong một thời gian.
Có nhiều kiểu nhà ẩn náu khác nhau:
* Bạn có thể tìm một nơi ẩn náu tự nhiên trong các hang động hoặc dưới những thân cây gãy..
* Bạn cũng có thể dựng một mái che bằng những cành lá, cành cây.
4- Tìm một nguồn nước: Nếu bạn ở trong một nơi không thể tìm thấy nước, đừng lo lắng. Có nhiều cách khác nhau để lấy nước.
5- Đi xuống dốc - Lực hút của trái đất cũng áp dụng cho cả dòng nước - cho đến khi bạn tìm thấy một nguồn nước.
6- Không uống nước tù đọng trừ phi bạn đã tuyệt vọng trong việc tìm kiếm. Nếu quá cần thiết thì dòng nước chảy an toàn hơn. Trước tiên nên tìm cách đun sôi nước.

TỰ LÀM DỤNG CỤ:
1- Làm một con dao bằng gỗ bằng cách đặt một hòn đá vào nước và dùng nó như một viên đá mài trên một miếng gỗ.
2- Để có lửa, hãy làm một ngọn lửa "firebow" theo cách sau đây:
http://www.wikihow.com/Start-a-Fire-With-a-Bow-Drill
Nếu đã cố gắng nhiều lần không thành công, đừng phí thời gian, hãy bỏ cách đó ngay, bạn cũng có thể sử dụng đá lửa, thép, kính, và thậm chí cả pin xe để đốt lên ngọn lửa.
3- Để tìm thức ăn, bạn hãy thử làm một cái cung hoặc cây giáo. Bạn cần phải nhắm mục tiêu phía bên dưới con cá do khúc xạ ánh sáng từ nước.
4- Trường hợp bạn đang ở xa những nước văn minh, thì cơ hội tốt nhất của bạn là chờ những chiếc máy bay bay ngang qua.
* Đốt ba ngọn lửa hình tam giác: đó là dấu hiệu của tai họa.
* Bạn có thể sử dụng các cành cây, viên đá hoặc bước chân để tạo ra một chữ SOS khổng lồ có thể nhìn thấy từ trên không trung.
* Sử dụng vải bạt nhựa hoặc còi báo hiệu đến các người cứu hộ nếu bạn cảm thấy họ đang ở gần.

CÂU HỎI:
1- Chuyện gì sẽ xảy ra NẾU KHÔNG AI TÌM THẤY TÔI?
Hãy nhớ những con số BA:
- Ba phút không có không khí
- Ba tiếng đồng hồ không có nơi trú ẩn (trong một môi trường khắc nghiệt)
- Ba ngày không có nước, và
- Ba tuần không có gì bỏ bụng.
Để đảm bảo, hãy chắc chắn tìm cho được một nơi trú ẩn trước bất cứ điều gì khác. Sau đó là nước an toàn, thực phẩm, và một cái gì đó có màu sắc tươi sáng hoặc phản xạ. Nếu bạn có được thứ đó, hãy sử dụng để làm tín hiệu.

2- Tôi cần có vũ khí gì nếu bị lạc trong vùng hoang dã?
- Bạn có thể sử dụng một cây gậy nhọn, hoặc một cái lưỡi dao tùy vào tình hình.

LỜI KHUYÊN:
Một số cỏ dại và thực vật có thể ăn được.
* Cỏ 3 lá (Clover) có thể ăn được toàn bộ.
* Lá cây bồ công anh (Dandelion) có thể ăn được.
* Ngay cả quả đầu (Acorn) cũng có thể ăn được. Nhưng đừng ăn quá nhiều, và nên ngâm chúng trong nước vài ngày trước khi ăn.
* Bạn đã bao giờ nhìn thấy một cây óc chó (Walnut tree)? Nếu điều đó xảy ra có nghĩa rằng quả óc chó đang mọc trên cây. Hãy lột vỏ ngoài ra trước khi ăn.
• Nếu bạn bị lạc gần bãi biển, đi dọc theo bờ biển là một lựa chọn tốt.
• Câu cá trên bãi biển rất dễ. Khi thủy triều xuống, hãy tìm những phiến đá mỏng và bằng phẳng đắp hình chữ 'V' hoặc 'U'. Khi thủy triều lên, cá sẽ bơi gần đó và lúc quay trở lại, cá có thể bị mắc kẹt, và bạn có thể bắt dễ dàng để ăn.

WARNINGS/ CẢNH BÁO:
1- KHÔNG BAO GIỜ làm bất cứ điều gì ngu ngốc có chủ đích. Sai lầm không thể cứu chữa được dễ dàng trong chốn hoang dã.
2- KHÔNG BAO GIỜ ăn nấm trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng chúng an toàn.
3- KHÔNG BAO GIỜ để phần thừa còn lại của thức ăn gần chỗ ở của bạn. Mùi thức ăn sẽ thu hút các động vật hoang dã nguy hiểm như gấu đến.

***Dieu Tam Nguyen.
Viết và phỏng dịch từ Survive-in-the-Wilderness-Without-Supplies

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

TƯỢNG NHÀ MỒ TÂY NGUYÊN



I- TỪ MỘT LÁ THƯ:
Vào cuối tháng 2 năm 1995, khi tôi còn  làm việc tại Art Gallery Lam Sơn, có một người đàn ông trẻ từ Anh Quốc đến gặp tôi ngỏ ý muốn tìm mua một số tượng nhà mồ Tây Nguyên mà anh ta đã được nhìn thấy tại Kom Tum trong chuyến du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến tượng nhà mồ Tây Nguyên. Tôi đoán anh ta học và làm việc trong lĩnh vực khảo cổ, hay văn hóa dân gian, dân tộc học hay mỹ thuật gì đó nên mới quan tâm đến tượng nhà mồ, vải thổ cẩm dệt tay của người dân tộc. Tôi trả lời anh rằng tôi chưa hề làm công việc này cho ai trước đây nhưng sẽ cố gắng tìm hiểu thêm. Sau đó thì tôi liên lạc với một số họa sĩ, được biết có một điêu khắc gia chuyên sáng tác tượng gỗ dân gian, tôi cũng tìm đến, nhưng tác phẩm của người ấy không phải là cái mà Eric muốn tìm.
Theo phong tục tang lễ của một số bộ tộc Tây Nguyên, khi một người qua đời, gia đình họ thường đắp một ngôi mộ tạm có mái che đơn giản. Sau đó một vài năm, gia đình sẽ phá bỏ nhà mồ cũ để xây nhà mồ mới khang trang hơn, có trang trí tượng gỗ, hàng rào bao bọc. Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới thường được tổ chức vào lễ bỏ mả của dân bản  trong mùa xuân. Vào dịp này dân bản cùng vui mừng nhảy múa, ăn uống cùng tang gia bên nhà mồ để vĩnh biệt người đã chết. Từ đây người thân không còn cúng bái và người chết được xem như đã giải thoát hoàn toàn chốn dương trần. Lúc đó những tượng gỗ sẽ được tạc và dựng quanh nhà mồ để trang trí, và đây được xem như những món quà quí giá người thân tặng cho người đã khuất để tiếp nối cuộc sống mới ở bên kia thế giới.
 
Nhà mồ của người Gia Rai tại Viện bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội. Ảnh: Wiki.

Tượng nhà mồ  là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên, chất chứa bao khát vọng muôn thuở của con người, những niềm vui nỗi buồn,  hạnh phúc và đau khổ... Những cảm xúc không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà vẫn tiếp diễn ở cả thế giới những người đã khuất. Trong các buôn làng đều có những người khéo tay có thể tạc tượng. Đây là một nghề lưu truyền mà ai khéo tay cũng có thể được học từ những dịp lễ bỏ mả, và tùy theo tài năng cảm xúc của mỗi người mà tự do sáng tạo.
Vừa tìm hiểu, tôi vừa liên lạc với một cô em họ sống ở Pleiku. Hỏi thăm thì cô em cho biết không ai lấy được tượng nhà mồ, chỉ trừ phi ngôi mộ đó đã cải táng và những tượng gỗ nhà mồ bị bỏ lại. Cô em cũng cho biết thêm có một số người đã vào những nghĩa địa để lấy đi những tượng gỗ bỏ phế, nhưng đa số đã bị mục ruỗng dưới chân không còn nguyên vẹn. Hơn nữa, rất khó để vận chuyển những tượng gỗ này, một trong những khó khăn là khi đưa được tượng ra khỏi nhà mồ thì sẽ để ở đâu trong lúc chờ xuất hàng đi. Sẽ không ai dám chứa vì yếu tố tâm linh, sợ rằng người dám chứa có thể bị trừng phạt hoặc gặp nhiều điều xui xẻo. Và những tượng gỗ này cũng không được phép xuất khẩu.
Khi tôi cho Eric biết một số thông tin như thế, anh ta trả lời đã có gặp một số nhà sưu tập, và họ làm được tất cả, anh ta nhờ tôi đứng ra làm trung gian cho việc mua bán. Cuối cùng khi hiểu ra, tôi đã từ chối.

2- TRIỂN LÃM TRANH CHỦ ĐỀ TÂY NGUYÊN:
Tháng 7 năm 1995, trong nhiều cuộc triển lãm mà Art Gallery Lam sơn tổ chức, có một triển lãm mà tôi rất thích vì có liên quan đến tượng nhà mồ Tây Nguyên. Nguyễn Thanh Sơn là một họa sĩ từng nhiều năm sống ở Pleiku, được mang biệt danh là họa sĩ chuyên vẽ tượng nhà mồ Tây Nguyên. Sơn thường kể về những chuyến đi vào các buôn làng, ở lại trong rừng nhiều tháng trời để lấy tư liệu và vẽ. Nhân vật trong tranh của Sơn thỉnh thoảng mới có bóng dáng nàng thiếu nữ Tây Nguyên xinh đẹp tóc cài hoa Pơ Lang, vì phần lớn chủ đề trong tranh Sơn là những pho tượng nhà mồ trầm tư.
Với tài hoa của người họa sĩ, hình ảnh những tượng gỗ nhà mồ như mang một đời sống riêng biệt, có tâm tư, khao khát và ước vọng như những người đang sống. Đó là những pho tượng có linh hồn.

"Hành Trình Âm Dương", tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn.

Ngày Sơn tặng cho tôi tấm postcard in một bức tranh Sơn vẽ về nhà mồ Tây Nguyên, tôi lại biết thêm một khía cạnh khác trong văn hóa người Tây Nguyên. Trong bức tranh, bà lão dân tộc Ba Na đang ăn mặc thật đẹp để bước vào nhà mồ của mình. Theo quan niệm về cuộc sống và cái chết của một số bộ tộc núi rừng Tây Nguyên, sống và chết chỉ là một vòng tròn đi từ Dương đến Âm, và ngược lại.
Vì vậy, những người bộ tộc già thường chuẩn bị kỹ cho mình trước cái chết. Họ không buồn mà hân hoan, vì không phải cái chết là sự biến mất vĩnh viễn vào hư vô, mà chỉ là chấm dứt một cuộc đời, rồi sẽ hóa thân vào đời sau, bắt đầu một cuộc sống mới.
Bức tranh đã được bán cho một nhà sưu tập nước ngoài và họ đã in tranh trên tấm thiệp. Bức tranh làm tôi ngẩn ngơ ... viết vội một bài thơ:

TỪ NƠI CUỐI CÙNG
Lúc nửa đêm
Bà lão dọn mình,
Ra suối tắm gội,
Ngắm bóng mình trong con suối dưới trăng

Cánh chim Chơ rao vụt bay lên trời cao,
Hoa Pơ lang nở thắm núi đồi.
Tóc biếc xõa dài một đời thiếu nữ,
Tóc bạc bây giờ đi vào hư vô!

Áo váy đẹp đâu, người mặc?
Hoa thơm đâu, cài đầu?
Chim rừng đâu, hót tặng?
Bài ca cuối cùng đêm nay!

Ánh trăng đưa người về,
Nhà mồ riêng tăm tối,
Nơi chốn nào miên viễn,
Người biết, nào than van!

Cứ đi, như đã đến,
Cõi mộng, cuộc đời này!
Một vòng xoay âm dương,
Cuối cùng là bắt đầu...

3- HỘI THI TẠC TƯỢNG DÂN GIAN TÂY NGUYÊN:
Đã 20 năm trôi qua, tôi luôn vương vấn về một nơi chưa đến, khu rừng thiêng với dòng suối bạc lặng lẽ trôi trong đêm trăng...  và những pho tượng nhà mồ biết cười biết khóc.
Mùa xuân năm nay, trong chuyến đi lần đầu tiên đến Ban Mê Thuột trong dịp lễ hội Cà Phê và lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên, thật bất ngờ khi đến KoTam tôi đã vô tình đi lạc vào một rừng trúc.
Không thể tin nổi trước mắt tôi là những nghệ nhân đang say mê sáng tác tạc tượng dân gian. Những hình tượng được tạc từ thân cây gỗ thành nhiều hình dạng, có tượng là già làng nghiêm khắc, có tượng là mẹ địu con lên rẫy, có tượng xay lúa giã gạo, những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày...

Hội thi Tạc tượng dân gian Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 
Hội thi Tạc tượng dân gian Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Hội thi Tạc tượng dân gian TN. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

 
Hội thi Tạc tượng dân gian TN. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Tôi đã nghe nói ngày nay ở các nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những ngôi mộ được xây bằng gạch, bê tông v.v... đang dần thay thế các ngôi mộ truyền thống. Tín ngưỡng cũng có nhiều thay đổi nên người biết tạc đẽo tượng ngày càng vơi và tượng nhà mồ cũng dần mai một. Vì thế, hội thi làm tôi ngạc nhiên và hứng thú. Thật đáng hoan nghênh khi ngày nay, có rất nhiều điều, những thứ thuộc về truyền thống, bản sắc dân tộc đã mất đi rất nhiều. Những buôn làng đã dần mất đi những ngôi nhà sàn, già làng uống bia thay vì rượu cần, những phụ nữ bỏ y phục truyền thống để mặc váy áo thời trang... thì vẫn có những tấm lòng mong muốn duy trì và bảo tồn văn hóa, phong tục.
Tôi chợt nghĩ đến Eric, người đàn ông nước Anh đi tìm những tượng gỗ nhà mồ. Anh ta là ai? Một nhà nghiên cứu, một người yêu cổ vật, văn hóa thổ dân địa phương, hay người đi tìm những linh hồn ẩn náu đằng sau những tượng gỗ âm thầm?

Nguyễn Diệu Tâm
Tháng 3- 2017
Mời các bạn cùng xem hội thi tạc tượng dân gian qua album này:
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1369533546443738.1073742221.100001613180918&type=3
Hội thi bắt đầu từ ngày 8/3/2017 đến 10/3/2017. Các nghệ nhân đã sáng tác tạc tượng tại chỗ. Cuộc thi diễn ra suốt 3 ngày. Tôi không dự được hôm trao giải, nhưng cũng tại KoTam tôi đã chụp hình được một số tác phẩm  đoạt giải trong hội thi năm 2015.