Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

DU LỊCH TRUNG ĐÔNG: ABU DHABI VÀ DUBAI



Abu Dhabi, hay cũng gọi là Abū aby (nghĩa là "cha của linh dương gazen"), tọạ lạc bên bờ Vịnh Ba Tư, là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Abu Dhabi cũng là thủ đô của tiểu vương quốc Abu Dhabi, tiểu vương quốc Ả Rập (emirate) lớn nhất, thịnh vượng nhất và đông dân nhất trong bảy tiểu vương quốc tạo nên Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Thành phố được xây trên một hòn đảo gần đất liền và có một cảng nước sâu nhân tạo quan trọng có tên là Cảng Zayed. Abu Dhabi là một trung tâm tài chính, giao thông vận tải của khu vực giàu dầu mỏ. Thành phố có một sân bay quốc tế mà máy bay 5 sao chúng tôi được đi lần này thuộc hãng Hàng không Quốc gia Etihad.
Từ một thị trấn khiêm tốn với vài ngàn dân với các công trình nhỏ truyền thống giữa thập niên 1960, thành phố đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trong mấy thập niên qua.

Nhà thờ Hồi giáo Grand Mosque Sheikh Zayed ở Abu Dhabi, UAE. Ảnh: NDT

Lịch sử của Abu Dhabi được bắt đầu từ khu định cư năm 1761-1793 và đây là nơi quyền lực của dòng họ al-Nahyan, dòng họ đang cai trị tiểu vương quốc Abu Dhabi cho đến ngày nay. Tuy nhiên, thị trấn này chỉ trở nên quan trọng hơn khi trữ lượng dầu mỏ lớn được phát hiện tại tiểu vương quốc này cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Những năm tiếp theo, nền kinh tế và hạ tầng cơ sở của thành phố đã phát triển nhanh chóng những năm sau đó. Theo thoả hiệp năm 1971, thành phố Abu Dhabi đã được chọn làm thủ đô lâm thời của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất mới thành lập. Người ta dự tính rằng một thủ đô mới, lâu dài sẽ được xây sau này ở biên giới giữa Abu Dhabi và Dubai, tiểu vương quốc Ả Rập quan trọng thứ hai trong Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tuy nhiên, vào năm 1996, Abu Dhabi đã được tuyên bố chính thức là thủ đô lâu dài của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Thủ đô Abu Dhabi, UAE. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Trữ lượng dầu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đứng thứ bảy thế giới còn trữ lượng khí đốt thiên nhiên của nước này đứng thứ mười bảy thế giới. Sheikh Zayed là quân chủ của Abu Dhabi và là tổng thống đầu tiên của liên bang, ông giám sát quá trình phát triển của quốc gia và đưa thu nhập từ dầu mỏ đến các lĩnh vực y tế, giáo dục và hạ tầng.Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất có nền kinh tế đa dạng nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, và thành phố đông dân nhất liên bang là Dubai cũng là một thành phố toàn cầu quan trọng và là một trung tâm hàng không quốc tế. Tuy thế, quốc gia này vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên.

Khách sạn Burj Al Arab -"Ngọn tháp của Ả Rập" ở Dubai. Ảnh: Ng Diệu Tâm

Cách thủ đô Abu Dahbi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chừng 150 km, phía Nam của vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập, là Dubai, thành phố lớn nhất của UAE. So với Abu Dhabi với diện tích 83,600 km² (xếp hạng 114 của thế giới) thì Dubai nhỏ hơn rất nhiều (chỉ 4.114 km2) nhưng Dubai đã nổi lên như một thành phố toàn cầu và một trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Mặc dù nền kinh tế của Dubai được xây dựng dựa theo khuôn mẫu chung hiện tại của UAE là dựa vào ngành công nghiệp dầu khí, nhưng tương tự như các quốc gia phương Tây khác, mô hình kinh doanh của vương quốc này hiện đang thao túng nền kinh tế, hiệu quả thấy được là doanh thu chính của Dubai chủ yếu là từ du lịch, các dịch vụ tài chính và bất động sản. Gần đây, Dubai đã thu hút sự chú ý của thế giới thông qua các dự án xây dựng đổi mới có tính sáng tạo và những sự kiện thể thao lớn.
Trong lịch sử, Dubai và thành phố sinh đôi nằm bên kia qua con lạch Dubai Creek - thành phố Deira (độc lập với thành phố Dubai vào thời điểm đó) - là những cảng quan trọng mà các nhà sản xuất phương Tây thường ghé thăm. Hầu hết các ngân hàng và các trung tâm tài chính của thành phố mới đặt trụ sở chính tại khu vực cảng. Dubai duy trì tầm quan trọng của nó với vai trò là một tuyến đường thương mại từ năm 1970 đến 1980.

Đi thuyền abra trên nhánh sông Dubai Creek. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Tuy không thể tham quan được hết Dubai chỉ trong vòng 2 ngày, nhưng đủ làm choáng ngợp du khách từ những kiến trúc đặc sắc lạ kỳ như đảo Cọ - Palm Jumeirad, đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, khách sạn "7 sao" Cánh Buồm Burj Al Arab, sân băng trên không, ngọn tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa, các tòa tháp Emirates, đền thờ Jumeirah, đến khu phố cổ Al Bastakiya, pháo đài Al Fahidi 150 tuổi được sử dụng làm Bảo tàng Dubai, dạo chơi bằng thuyền abra trên nhánh sông Dubai Creek, rồi ghé qua các khu chợ đặc biệt như chợ gia vị, Chợ vàng Gold Souk ở Deira, cuối cùng là dạo chơi sa mạc thuộc công viên quốc gia Desert Safari.

Khu chợ Gia Vị ở Dubai. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Sa mạc Safari, Dubai. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Chúng tôi đến Dubai vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan (27/5) năm 2017. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng, nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi. Du khách đến Dubai vào dịp này cũng cần tránh ăn uống tự nhiên ngoài đường, nhưng vẫn có thể ăn uống ngày 3 bữa bình thường trong các khách sạn, nhà hàng được che chắn màn kín đáo. Các nước Hồi giáo đều là "xứ sở uống trà" nhưng đến các cơ quan làm việc trong tháng Ramadan, thì sẽ không có trà, thậm chí không có cả nước lọc. Các nhà hàng Hồi giáo đều đóng cửa cho đến qua 5 giờ chiều. Có các nhà hàng Trung Hoa, hay Hàn quốc cho người Việt, nhưng đa số vẫn là các món ăn truyền thống Ả Rập, đối với nhiều người không quen có thể hơi khó ăn. Năm lần trong ngày, có thể nghe râm ran tiếng kinh cầu qua loa từ các thánh đường gần đâu đó vì ngoài đường phố rất yên tĩnh. Chỉ có đàn ông Ả Rập ra đường làm việc, lái xe hoặc mua bán ngoài chợ, còn đàn bà rất hiếm thấy, nếu có họ cũng mặc kín đồ đen và choàng đầu, che mặt khi ra đường.

Thành phố Dubai nhìn từ tháp Burj Khalifa. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Khi chấm dứt tháng chay, người Hồi giáo có lễ Eid al-Fitr.
Đến UAE, tôi nghe mọi người ca ngợi Nhà vua của Tiểu Vương quốc Ả Rập Abu Dhabi - ông Zayed bin Sultan Al Nahyan, cũng là vị tổng thống đầu tiên của quốc gia. Nhà Vua này đã qua đời năm 2004, hiện nay nhà vua của UAE là ông Sheikh Khalifa Bin Zayed Al Nahyani, được tạp chí Forbes của Mỹ xếp hạng là người giàu có thứ hai của thế giới, với tổng tài sản 23 tỷ USD. Tài sản kếch sù mà nhà Vua Sheikh Khalifa có được ngày nay đa phần từ dầu mỏ, kế đến là khoản đầu tư trị giá 7,5 tỷ USD vào ngân hàng Citibank.Ông Vua giàu có này cũng đã giúp Dubai món vay 10 tỷ USD trong thời gian Dubai rơi vào suy thoái kinh tế 2008-2009.
Trong các nhà hàng, khách sạn khắp nơi đều có treo chân dung ông và nhà vua kế nghiệp. Người dân UAE tôn kính gọi ông là "Vị cha già dân tộc". Trên đường phố có nơi gắn panel rất lớn bức ảnh chân dung của ông và địa chỉ trang web OurfatherZayed.ae.
Nhà nước UAE có nhiều ưu đãi dành cho người dân. Để khuyến khích dân lấy vợ thuần chủng, mỗi cô dâu dưới 30 tuổi sẽ được tặng 20 ngàn USD, trên 30 sẽ được tặng 30 ngàn USD. Con cái được nhà nước nuôi ăn học đến khi xong đại học v.v... 

Pháo đài Al Fahidi, Dubai. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Dubai còn nổi tiếng với các khu chợ nằm ở hai bên bờ con lạch Dubai Creek. Theo truyền thống, các thuyền buôn từ vùng Viễn Đông, Trung Quốc, Sri Lanka, và Ấn Độ sẽ dỡ hàng hóa của họ xuống đây và chúng sẽ được mặc cả ở các chợ gần với bến tàu.Nhiều cửa hàng lưu niệm và đồ trang sức cũng được tìm thấy trong thành phố. Dubai được biết đến như "thành phố Vàng" và chợ Vàng ở khu Deira có gần 250 cửa hàng vàng bán lẻ. Dubai cũng được gọi là "thành phố mua sắm" của Trung Đông, có hơn 70 trung tâm mua sắm, bao gồm Dubai Mall, trung tâm thương mại lớn thứ 7 trên thế giới. Thành phố này thu hút số lượng lớn khách du lịch mua sắm từ các nước trong khu vực và từ xa như Đông Âu, châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ. 

Dubai Creek. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông ở Dubai rất phát triển từ đường bay, đường bộ đến đường thủy. Có hai cảng thương mại chính tại Dubai: cảng Port Rashid và Jebel Ali. Jebel Ali là cảng nhân tạo lớn nhất thế giới, cảng lớn nhất ở Trung Đông, và là một trong 7 cảng đông đúc nhất trên thế giới. Một trong những phương pháp truyền thống thông dụng để đi từ Bur Dubai đến Deira là thông qua abras, một loại tàu thuyền nhỏ chở hành khách trên sông Dubai Creek, qua các trạm abras giữa Bastakiya và đường Baniyas. Mọi nơi ở Dubai rất sạch sẽ, vệ sinh. Đi từ Abu Dahbi về Dubai hơn 150 km không thấy trạm thu phí nào, cũng không thấy cảnh sát ngoài đường, chỉ khi nào có chuyện mới xuất hiện.
Nền văn hóa của UAE chủ yếu xoay quanh các tôn giáo của Hồi giáo và văn hóa Ả Rập và dân du cư truyền thống. Ngược lại, các thành phố của Dubai là một xã hội mang tính quốc tế cao với một nền văn hóa đa dạng và sôi động. Sự ảnh hưởng của nền văn hóa Hồi giáo và Ả Rập về kiến trúc, âm nhạc, ẩm thực, trang phục và lối sống cũng rất nổi bật. Người Hồi giáo được kêu gọi cầu nguyện từ những tháp của nhà thờ Hồi giáo nằm rải rác trên khắp đất nước mỗi ngày năm lần. Từ năm 2006, những ngày cuối tuần được chọn là Thứ Sáu và Thứ Bảy, như một sự thỏa hiệp giữa tính thiêng liêng của ngày Thứ Sáu đối với người Hồi giáo và những ngày cuối tuần là Thứ Bảy, Chủ Nhật ở phương Tây. 


Khu chợ Vải ở Dubai. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Du lịch Trung Đông, có thể các bạn chưa bao giờ đến Dubai sẽ lo lắng về chuyện ăn uống không phù hợp do gia vị nêm nếm của họ rất khác Việt Nam, tuy nhiên có lẽ cũng không thành vấn đề gì do các tour du lịch đều biết đưa khách đến ăn ở những nhà hàng châu Á, hoặc ăn buffet, một loại hình có nhiều món cho thực khách dễ lựa chọn.
Vấn đề còn lại là an toàn và khí hậu. Dubai được xem như là một điểm đến an toàn. Họ kiểm tra visa, passport rất kỹ. Cũng như đến các sân bay khác trên thế giới, mọi người khi nhập cảnh phải qua cửa an ninh, ở UAE còn có kiểm tra bằng máy quét tròng mắt v.v... Tuy nhiên do luật pháp nghiêm nhặt và gắt gao của họ, bạn nên đăng ký theo một tour du lịch để tránh phiền toái. Các tour du lịch thường hợp tác với hướng dẫn viên địa phương thông hiểu luật lệ sẽ cho chúng ta biết điều gì nên hay không nên làm. Riêng về khí hậu, Dubai có khí hậu rất khô cằn nóng bức. Mùa hè ở Dubai rất nóng, gió nhiều và khô, nhiệt độ trung bình mùa hè ban ngày khoảng 40 °C và ban đêm giảm còn khoảng 30 °C. Hầu hết các ngày có nắng quanh năm. Mùa đông lạnh và ngắn với nhiệt độ ban ngày trung bình 24 °C và ban đêm khoảng giảm còn khoảng 14 °C. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua lượng mưa đã gia tăng. Lượng mưa tích lũy đạt hàng năm đo được vào khoảng 88 mm. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để du lịch Dubai là từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm.
Tháng 5- 2017
Hình ảnh: Dieu Tam Nguyen
Xem thêm: https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1450207748376317&type=3
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1451933288203763&type=3

Bài viết có tham khảo các trang du lịch, Wikipedia. Trước khi đến Dubai, các bạn nên tìm đọc thêm trên mạng những thông tin liên quan khác.

1 nhận xét:

  1. Tâm An Lạc: Bài viết hay quá
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn bạn.
    Vân Đoàn: Tâm viết phóng sự hay và chuyên nghiệp quá. Bạn bè nhờ đó có thêm nhiều kiến thức. Đất nước này phát triển đáng nể, tuy nhiên có 2 điều tớ thấy vẫn là làm người VN sướng hơn, thứ nhất là khí hậu quá nóng, thứ hai là phụ nữ bị ràng buộc quá, không được tự do hoạt động xã hội như đàn ông, khi đi ra đường phải trùm kín mít dưới cái nắng nóng 40 độ C, ôi sao mà khổ thế?! À, lại còn chuyện theo đạo Hồi phải mỗi ngày đọc kinh 5 lần nữa chứ.
    Dieu Tam Nguyen: Cảm ơn Vân. Đúng là mình đứng ngoài thì thấy phụ nữ Trung Đông khổ thật, nhưng có lẽ người ta đã quen rồi nên cũng khó thay đổi, ngoại trừ những người có cơ hội sống ở các nước tự do phóng khoáng hơn. Mình từng gặp khách hàng Trung Đông, nam thì nhiều hơn nữ nên cũng hiểu một số luật lệ.
    Dzung Nguyen: Có khi người phụ nữ Trung Đông lại nhìn chúng ta : nhìn phụ nữ Việt sao khổ thế vừa bươn chải, vừa tảo tần nuôi con có khi còn bị đánh nữa :-(

    Trả lờiXóa