Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

I AM STERDAM!

I AM STERDAM! (*)


Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, là thành phố lớn nhất của tỉnh Bắc Hà Lan (tiếng Hà Lan: Noord-Holland), thủ phủ của tỉnh là Haarlem.
Amsterdam nằm trên các bờ vịnh IJ và sông Amstel. Thành phố được thành lập vào thế kỷ 12 từ một làng chài nhỏ bên bờ sông Amstel. Ngày nay, đây là thành phố lớn nhất Hà Lan, là trung tâm chính trị, kinh tế.
Tên của thành phố có nguồn gốc từ Amstellerdam, một con đập trong sông Amstel. Từ một làng chài nhỏ ở cuối thế kỷ 12, Amsterdam đã trở thành một trong những cảng quan trọng nhất trên thế giới trong thời kỳ hoàng kim Hà Lan, là trung tâm tài chính và kim cương hàng đầu thế giới. Trong thế kỷ 19 và 20, thành phố mở rộng, và nhiều khu vực lân cận và các vùng ngoại ô mới được thành lập.


Thành phố là thủ đô tài chính và văn hoá của Hà Lan. Nhiều tổ chức lớn của Hà Lan có trụ sở chính ở đây, và 7 trong 500 công ty hàng đầu thế giới, bao gồm Philips và ING, có trụ sở ở thành phố này. Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam, thị trường chứng khoán lâu đời nhất trên thế giới nằm ở trung tâm thành phố. Địa điểm thu hút chính của Amsterdam bao gồm các kênh lịch sử của nó, Rijksmuseum, bảo tàng Van Gogh, Hermitage Amsterdam, nhà Anne Frank, phố đèn đỏ De Wallen, và các quán cà phê cần sa thu hút hơn 3.660.000 du khách quốc tế mỗi năm.
Bên cạnh đó, Amsterdam còn có một trong những trung tâm phố cổ lớn nhất châu Âu.
5 thành phố lớn nhất của Hà Lan ngoài thủ đô Amsterdam, là Rotterdam, Den Haag (La Haye), Utrecht và Eindhoven.


Hà Lan (Netherlands) nghĩa đen là "các vùng đất thấp" (Lower countries). Các Vùng đất thấp ngày nay là một định danh gồm có Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, song trong hầu hết các ngôn ngữ Roman, thuật ngữ "Các Vùng đất thấp" được sử dụng dành riêng cho Hà Lan.
Hà Lan có địa hình thấp và bằng phẳng, chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1 m so với mực nước biển. Hầu hết diện tích dưới mực nước biển là đất cải tạo. Từ cuối thế kỷ 16, nhiều khu vực rộng lớn được cải tạo từ biển và hồ, chiếm gần 17% diện tích đất hiện nay của quốc gia. Với mật độ dân số trên 400 người/km², nếu không tính mặt nước thì sẽ hơn 500 người/km², Hà Lan thuộc vào hàng các quốc gia có mật độ dân số rất cao. Tuy vậy, Hà Lan là quốc gia xuất khẩu lương thực và nông sản lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, do đất màu mỡ và khí hậu ôn hòa, và là quốc gia thứ ba trên thế giới có các đại biểu được bầu cử để kiểm soát hành động của chính phủ; có nền dân chủ nghị viện và quân chủ lập hiến từ năm 1848. Hà Lan có lịch sử lâu dài về khoan dung xã hội và thường được nhìn nhận là một quốc gia tự do, đã hợp pháp hoá mại dâm và an tử, chính sách về ma túy tiến bộ và là quốc gia đầu tiên hợp pháp hôn nhân đồng giới sớm nhất vào năm 2011. Hà Lan cũng đã bãi bỏ án tử hình vào năm 1870 và nữ giới được tham gia bầu cử vào năm 1919.



Hà Lan là một thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu, Khu vực đồng Euro, G-10, NATO, OECD và WTO, nằm trong Khu vực Schengen và Liên minh Benelux. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của năm toà án quốc tế như Tòa án Trọng tài thường trực và Tòa án Công lý Quốc tế, trong đó có bốn toà án đặt tại Den Haag, do đó thành phố này được mệnh danh là "thủ đô pháp luật thế giới."
Hà Lan đứng thứ hai trong chỉ số tự do báo chí năm 2016 của Phóng viên không biên giới. Có nền kinh tế hỗn hợp dựa trên thị trường, đứng thứ 17 về chỉ số tự do kinh tế năm 2013. Có GDP PPP bình quân cao thứ 13 thế giới vào năm 2016 theo số liệu của IMF. Năm 2017, Báo cáo Hạnh phúc thế giới của Liên Hiệp Quốc xếp Hà Lan đứng thứ sáu, phản ánh chất lượng sinh hoạt cao tại đây. Hà Lan là một nhà nước phúc lợi hào phóng, cung cấp chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục công cộng và hạ tầng tốt, và nhiều phúc lợi xã hội.


Về mỹ thuật, Hội hoạ Thời kỳ hoàng kim Hà Lan nằm vào hàng được tôn vinh nhất thế giới đương thời, trong thế kỷ 17. Đây là thời của "các bậc thầy Hà Lan" như Rembrandt van Rijn, Johannes Vermeer, Jan Steen, Jacob van Ruisdael. Từ thập niên 1620, hội hoạ Hà Lan tách biệt dứt khoát khỏi phong cách Baroque để bước sang một phong cách miêu tả hiện thực hơn, quan tâm rất nhiều đến thế giới thực. Các loại tranh gồm có tranh lịch sử, chân dung, phong cảnh, cảnh đô thị, tĩnh vật và thể loại. Trong bốn loại tranh cuối nêu trên, các hoạ sĩ Hà Lan lập ra các phong cách được giới mỹ thuật châu Âu dựa vào trong hai thế kỷ sau đó. Trường phái Haag xuất hiện vào khoảng lúc bắt đầu thế kỷ 19, thể hiện toàn bộ những gì tối nhất hoặc sáng nhất trong cảnh quan Hà Lan, những gì âm u nhất hoặc trong trẻo nhất trong khí quyển. Trường phái ấn tượng Amsterdam thịnh hành vào giữa thế kỷ 19, cùng thời kỳ với trường phái ấn tượng Pháp, tập trung vào miêu tả sinh hoạt thường nhật của thành phố.


Vào cuối thế kỷ 19, Amsterdam là một trung tâm nhộn nhịp về mỹ thuật và văn học. Vincent van Gogh là một họạ sĩ hậu ấn tượng, các tác phẩm của ông được chú ý vì vẻ đẹp thô, tính chân thật biểu cảm và màu sắc rõ nét, có ảnh hưởng sâu rộng đến mỹ thuật thế kỷ 20. Trong thế kỷ 20, Hà Lan sản sinh nhiều hoạ sĩ như Roelof Frankot, Salomon Garf, Pyke Koch. Từ năm 1911 đến năm 1914, toàn bộ các phong trào mỹ thuật mới nhất lần lượt truyền đến Hà Lan, bao gồm trường phái lập thể, trường phái vị lai và trường phái biểu hiện. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, De Stijl (phong cách) được dẫn dắt bởi Piet Mondrian và xúc tiến mỹ thuật thuần tuý, chỉ bao gồm các đường dọc và ngang, sử dụng các màu cơ bản.



(Trích nguồn wiki.)
Photo by Dieu Tam Nguyen

(*) Vào tháng 9 năm 2004, cụm từ "I am sterdam", (một cách chơi chữ của người Amsterdam) trở thành khẩu hiệu và nhãn hiệu cho cả con người và thành phố Amsterdam nhằm quảng bá cho thành phố trở thành điểm đến thu hút nhất của du lịch và thương mại Hà Lan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét