Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI


Nếu bạn hỏi tôi về miền Tây mùa nào trong năm là đẹp nhất,  tôi sẽ trả lời rằng đó là "mùa nước nổi". Và có lẽ miền Tây sẽ càng thu hút bạn hơn nếu bạn biết rằng không chỉ có mùa nước nổi mà còn kéo theo mùa vịt chạy đồng, hay mùa len trâu...
Tôi đã chọn chuyến đi vào mùa này, dù biết trời có thể mưa bất cứ lúc nào, chỉ cần thủ sẵn mũ, dù và áo mưa. Trên chặng đường dài suốt 4 ngày từ Saigon về 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, đi qua và dừng chân ở các tỉnh thành như Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc, An Giang, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, Cần Thơ ... đâu đâu cũng thấy sông nước mênh mông và những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh ngát. Thoạt nhìn thì có vẻ như từ tỉnh này sang tỉnh khác na ná giống nhau, nhưng chỉ ngắm quang cảnh trên đường, bạn cũng sẽ thấy "đặc sản" không chỉ trong ẩm thực, hàng quà, cây trái bày bán trên đường mà còn biểu hiện trong từng nơi đi qua: rập rờn dài hàng cây số những đầm sen đang mùa hoa sen nở là Đồng Tháp, trên những cánh đồng bất tận xào xạc lá cây thốt nốt hay trong những cánh rừng tràm tái sinh hoa nở trắng với từng đàn chim cò, vạc bay rợp trời là An Giang, núi non hình thù ngoạn mục bao quanh biển là Hà Tiên... 
 
Rừng tràm Trà Sư, An Giang mùa nước nổi. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 dến tháng 11 dương lịch) hàng năm. Đây là mùa lũ sông Cửu Long, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, vùng hạ lưu sông Mekong, Biển Hồ và Tonle Sap ở Campuchia. Hiện tượng này mặc dù là hiện tượng lũ lụt, nhưng lại không phải là thiên tai đối với toàn bộ dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, mùa nước nổi là một mùa thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào nhờ hiện tượng ngập lụt mê mông trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đem lại. Mùa nước nổi tạo điều kiện cho đất đai cach tác nông nghiệp vùng hạ lưu sông Mekong, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng nông nghiệp, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đường vào làng Chăm Châu Phong, An Giang - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Mùa nước nổi về cũng là lúc mùa bông điên điển nở. Trên đường đi đến làng nuôi cá bè ba sa Châu Đốc, làng Chăm Châu Giang, trên sông nước mênh mông có rất nhiều cây bông điên điển mọc tràn bờ, hoa vàng tươi rất đẹp. Món rau hoang dã bình dị này rất được người dân miền Tây ưa thích, làm dưa chua, nấu canh, trộn gỏi v.v...
Khi mùa nước về, là lúc những cánh đồng lúa bạt ngàn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch lúa, cũng là lúc hàng trăm đàn vịt đồng của nông dân lội tràn xuống ruộng.

Mùa vịt chạy đồng - Ảnh: Internet

Mùa nước nổi, còn là lúc những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ. Có người phải "len" cùng lúc hàng trăm con trâu mà không làm mất một con nào.
Trong "Mùa Len Trâu", một tác phẩm trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam giải thích như sau:
"Len" trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt, nước lụt từ 1m đến 4m. Người ta ở nơi lụt, người ta không có chỗ ở là phải, và trâu cũng không có chỗ ở. Cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn. Ở nhà tối nó ngủ không được, ngủ với nước sao mà ngủ được, và trưa thì làm sao cho nó ăn, cỏ đâu ra mà cho nó ăn. Người nuôi trâu, chủ nhà có trâu, phải đưa trâu đến vùng đất cao. Làm sao người làm ruộng nuôi trâu? Muốn nuôi trâu thì phải lùa trâu đi. Ngày thường trời nắng, nuôi trâu trong chuồng. Đến ngày trời mưa thì phải lùa trâu đi. Vì vậy cho nên phải đem trâu đi chỗ khác. Đưa trâu đến vùng bảy Núi. Nhưng nó xa nhà mình đến 30 – 40 km, xa quá sao mà đưa đi. Vì vậy, mình phải đưa nó đi lòng vòng, ăn hết cỏ chỗ này, nước lên, thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đến ba bốn tháng mới đưa trâu về. Trâu dẫn đi phải có người giữ. Trâu không dẫn đi thì phải mướn người ta giữ. Người nghèo mướn ai bây giờ? Vậy thì để con cái đi giữ nó. Ngày trước trẻ con đi theo con trâu, áo quần không có, mùng mền không có, gạo cơm thiếu, đó là cả một chuyện khó khăn"... 

Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Mùa nước nổi, mùa vịt chạy đồng, mùa len trâu, đi kèm với mùa sen, mùa bông điên điển nở ... Người miền Tây dường như quên mất khái niệm bốn mùa như lẽ thường là Xuân, Hạ, Thu, Đông, thế nhưng quen sống trên sông nước với con đò, đàn vịt, con trâu ... đó mới là cuộc sống thật sự của họ. Và nói đến miền Tây sẽ còn rất nhiều "đặc sản", trong đó không thể thiếu là cải lương và hò đối đáp. Hình như chàng trai, cô gái miền Tây nào cũng biết hò và ca cải lương. Trên con tàu đi chợ nổi Cái Răng, cô gái hướng dẫn viên gốc miền Tây đã hát vài câu cải lương rất "mùi", hò vài bài hò đối nam nữ thật hay. Tôi cũng nghe được một câu chuyện khá thú vị về phong tục rằng trên những nhà bè thường bày rau quả bán, nếu trong gia đình có con gái đến tuổi lấy chồng thì gia đình treo lên một cặp trái vú sữa, còn trai kiếm vợ thì treo củ cải trắng, đàn ông góa vợ muốn kiếm vợ hai thì treo ... củ cải muối.
Chợ nổi Cái Răng, Cần thơ. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
  
Đến đây, lanh lảnh đâu đó có tiếng hò cất lên từ ghe bên cạnh:
“Hò ơ… Một đàn cò trắng bay chung
Bên nam bên nữ ta đồng cất lên
Cất lên một tiếng linh đình
Cho loan sánh phụng, ờ…
Hò ơ… Cho loan sánh phụng, cho mình sánh ta, ơ…
Hò ơ… Cất lên một tiếng la đà.
Đàn ông hát trước đàn bà hát sau, ơ…”

Tháng 8- 2017
Dieu Tam Nguyen


(*) "Mùa Len Trâu" cũng là tên bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi quay tháng 9 năm 2003. Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20.
Bộ phim có kinh phí khoảng hơn 1 triệu USD, với sự tham gia của ba hãng: Hãng phim Giải Phóng Việt Nam, 3B Productions Pháp và Novak Prod Bỉ. Bộ phim được trình chiếu ở Pháp với tên Gardien de buffles và ở Mỹ với tên Buffalo boy.

Ảnh: netdepvietwiki.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét