Tết Nguyên đán vừa qua, Tết Nguyên Tiêu - rằm tháng Giêng, ngày rằm
đầu tiên của năm đã đến. Đến Hội An nhiều lần nhưng chưa bao giờ đúng
dịp trăng rằm, lần này tôi mới được hưởng trọn vẹn không khí một đêm rằm
tinh khôi của năm mới.
Ngày xưa, Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên, là dịp nhà vua mời các Trạng nguyên vào vườn Thượng Uyển thưởng trăng, ngắm hoa và làm thơ. Ngày nay, Tết Nguyên Tiêu là dịp cúng tế cầu an giải hạn, lễ hội hoa đăng, thả đèn lồng, ngâm thơ... Với cộng đồng người Hoa, đây còn là ngày “Thiên quan tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành, do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước. Ở Chợ Lớn cũng như Hội An, các Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Tụy tiên đường Minh Hương ... cúng rất lớn kéo dài từ 2 đến 3 ngày.
Ngày xưa, Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên, là dịp nhà vua mời các Trạng nguyên vào vườn Thượng Uyển thưởng trăng, ngắm hoa và làm thơ. Ngày nay, Tết Nguyên Tiêu là dịp cúng tế cầu an giải hạn, lễ hội hoa đăng, thả đèn lồng, ngâm thơ... Với cộng đồng người Hoa, đây còn là ngày “Thiên quan tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành, do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước. Ở Chợ Lớn cũng như Hội An, các Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Tụy tiên đường Minh Hương ... cúng rất lớn kéo dài từ 2 đến 3 ngày.
Đặc biệt ở Hội An, không khí Tết Nguyên Tiêu thật đặc biệt. Bình thường khi đến đây ta vẫn nhìn thấy những con đường treo đèn kết hoa, nhưng trong đêm rằm tháng giêng phố cổ rực rỡ hơn rất nhiều. Những góc phố cổ nằm lặng yên soi bóng bên dòng sông Hoài nay như thức dậy bởi tiếng trống dồn thì thùng xa xa từ khu trò chơi dân gian diễn xướng bài chòi, dân ca, bịt mắt đập nồi .... Những con đường đèn lồng đỏ treo cao. Dòng người đi lễ và khói hương nghi ngút từ chùa Cầu, các Hội quán...
Khách du lịch đến Hội An dịp Tết Nguyên Tiêu đông hơn bình thường gấp bội. Ngày nay, những khu phố cổ mở ra nhiều hơn mấy năm về trước. Đi loanh quanh không có bản đồ cũng dễ lạc đường vì con đường nào cũng giống nhau. Có khu toàn là nhà hàng món ăn Tây, có cả quán bar, cà phê và âm nhạc phục vụ cho khách nước ngoài. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt thích thú hớn hở của những người du khách phương xa đang chen chân vào dòng người địa phương. Có lẽ họ thấy vui khi bỗng dưng được hòa mình vào một không gian cổ kính yên bình xa lắc, vừa lạ lẫm vừa thú vị.
Lần này, tôi đã tìm ra quán cao lầu có lịch sử trên 100 năm tưởng đã biến mất giữa phố cổ hào nhoáng hôm nay. Không như 4 năm về trước thực khách ngồi ken kín, hôm nay quán vắng, nhưng ghế bàn sạch sẽ lịch sự hơn, chuyên nghiệp hơn với cuốn menu vừa tiếng Việt lẫn tiếng Anh và còn có hình ảnh minh họa. Ông chủ quán ngày nào chỉ mặc cái áo may-ô và chiếc quần cộc tất bật chạy ra chạy vào bưng thức ăn thì nay lên đồ tươm tất. Chọn đặc sản Hội An: tô mì cao lầu, dĩa bánh vạc. Khi thức ăn dọn ra thì thật tình tô cao lầu đáng ăn hơn là dĩa bánh vạc, vì cao lầu ở đây - như có lần tôi đã viết một bài dài về cao lầu và cái quán nấu món cao lầu ngon nhất mà tôi từng ăn, rất ngon. Từ sợi mì vàng bóng, giòn, dẻo và khô - có lẽ được làm bằng gạo thơm ngâm vào nước tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm. Nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Thịt xá xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc, dùng với rau thơm làng Trà Quế v.v... Thú thật tôi cũng không biết ngày nay chủ quán có áp dụng đúng bài bản như truyền thống không, nhưng ăn tô cao lầu ngon, lại rẻ quá so với Sài Gòn, chỉ có 30 ngàn đồng, nên càng khó quên!
Chị em tôi, không quên tự thưởng cho mỗi người thêm một chén đậu hủ nóng của người bán gánh ngoài đường nữa rồi mới từ biệt cao lầu quán. Lúc đó có một nhóm khách Nhật bước vào. Người hướng dẫn gọi đặc sản Hội An: Cao lầu và bánh vạc.
Trên đường, vẫn còn nhiều gánh hàng rong: Gánh chè đủ thứ, bắp nướng trộn mỡ hành, bánh khoai mì v.v... thoảng mùi thơm phức.
Bóng tối dần buông. Đêm rằm, Hội An sáng rực nhờ ánh trăng và những ngọn đèn lồng treo trên cao. Trên sông, có những chiếc thuyền giấy nhỏ chứa lễ vật cúng rằm tháng giêng đang trôi. Rất nhiều đèn giấy lung linh ánh nến tràn khắp một khoảng sông. Những bà cụ già tay cắp rổ đèn, tay cầm gậy đứng dọc theo bờ, ánh mắt thoáng mỏi mệt chờ khách mua hàng.
Trong gió thoang thoảng mùi trầm nhang. Tiếng xôn xao cười nói, nhạc Tây nhạc ta nhạc trò chơi dân gian từ xa vẳng lại âm thanh hỗn độn. Tôi len qua dòng người tìm đường đi qua cầu, về phía bờ bên kia nơi thanh vắng chỉ có tiếng chèo khua thuyền ai đi câu.
Tưởng như mình đang ở tận đâu, nơi nào xa lắm!
Dieu Tam Nguyen
Hội An, rằm tháng giêng 2017
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1382698738460552.1073742223.100001613180918&type=3&pnref=story
Hội An, rằm tháng giêng 2017
https://www.facebook.com/ngdieutam/media_set?set=a.1382698738460552.1073742223.100001613180918&type=3&pnref=story