Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

LỮNG LỜ MÂY PHỦ NÚI BÀ



Vào ngày rằm tháng tám năm nay, 2016, một cái duyên đã đưa tôi đến với Tây Ninh. Hôm đó tôi vừa đi Bến Tre về, một cô bạn rủ: "Ngày mai rằm tháng tám, ở Tây Ninh có lễ hội trăng rằm, đi không?" Trong câu bạn nói, những từ như "Tây Ninh", "lễ hội trăng rằm" ... thu hút tôi ngay lập tức. Cách đây mấy năm tôi đã đến Tây Ninh tháp tùng vài người bạn đi tìm xưởng gỗ, nhưng chỉ vội vàng ghé Trảng Bàng ăn bánh canh, đi ngang qua Tòa thánh Tây Ninh rất vội rồi trở về, từ đó cũng chưa trở lại và chưa có ấn tượng gì. Vì thế lần này tôi đồng ý và chúng tôi lên đường ngay trưa hôm sau.
Cách Sài Gòn chừng 100 km, nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng. Tây Ninh nằm sâu trong lục địa, có địa hình cao núp sau dãy Trường Sơn, ít chịu ảnh hưởng của bão và có những yếu tố thuận lợi khác để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc. 

Dưới chân núi Heo, thuộc quần thể di tích núi Bà. Ảnh: Diệu Tâm

Trên đường đi đến Tây Ninh, bạn sẽ thấy những cánh đồng lúa mênh mông xanh ngắt, những ngọn núi xa xa, từng đàn bò nhởn nhơ ăn cỏ, vịt ngỗng lội trong ao... Cảnh vật và nhà cửa hai bên đường cho thấy một Tây Ninh rất trù phú.
Chúng tôi nghỉ qua đêm ở nhà cô bạn gần Tòa thánh Tây Ninh nơi đã có lễ hội trăng rằm rất lớn và ngay đêm hôm ấy chúng tôi đã được thưởng thức và chứng kiến một hội Yến Diêu Trì cung vô cùng long trọng, đầy ý nghĩa với sự tham dự của hàng chục ngàn tín đồ Cao Đài từ khắp nơi đổ về và khách tham quan.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường vào rẫy trồng cây củ mì và mãng cầu của gia đình bạn. Thấp thoáng ngọn núi Bà với mây trắng phủ lững lờ trước mặt thật nên thơ. Lúc đó tôi mới biết đây thuộc khu vực quần thể di tích núi Bà trải rộng trên diện tích 24 km2 gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đặc biệt núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam bộ (986 m), quanh năm có mây trắng phủ nên có tên Vân Sơn. Tên gọi núi Bà Đen bắt nguồn từ truyền thuyết về cô gái có tên Thiên Hương quê ở Trảng Bàng xinh đẹp với làn da bánh mật từ thế kỷ 18 đã hiển linh sau khi chết nên về sau người dân gọi cô là Bà Đen, được lập đền thờ để nhân dân tiện việc cúng bái. Các cuộc hành hương về chùa diễn ra vào mùa xuân - Lễ Thượng ngươn, còn gọi là Hội Xuân núi Bà - đã trở thành tập tục tâm linh quen thuộc từ đây. Nơi đây cây cối xanh tươi, đường lên núi quanh co, uốn khúc, gập ghềnh đá núi thiên nhiên, mây trời luôn bao phủ nên cảnh rất thần tiên. Lên đến núi khách hành hương sẽ chiêm bái Điện Bà (Linh Sơn Thánh mẫu) và chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự).

Quanh năm mây trắng bao phủ núi Bà. Ảnh: Diệu Tâm

Nhờ có người địa phương hướng dẫn, chúng tôi được nghe câu chuyện kể về một sư bà gần trăm tuổi hiện vẫn còn ở chùa Bà. Mỗi lần xuống núi là sư bà đi bằng kiệu có người khiêng. Sư bà sẵn lòng giúp đỡ những ai nghèo khó, bệnh nặng. Nhưng để lên được trên núi và gặp được bà không phải là chuyện dễ dàng.
Hôm ấy là mùa thu hoạch mãng cầu. Chúng tôi được vào tận vườn xem cảnh thu hoạch. Nhà vườn tiết lộ cách trồng cây, từ cắt cành tuốt lá, tỉa bông cho đến ra trái mất chừng 3, 4 tháng. Trái mãng cầu nhờ đất tốt vùng núi Bà mà ngon ngọt lạ thường. Về Tây Ninh ăn đặc sản như bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng đã lâu, thêm nhiều loại rau rừng mọc quanh núi Bà, bò ăn cỏ núi Bà ... vừa ngon miệng, lại yên tâm vì "vườn nhà trồng". Vườn nhà bạn cũng đang trồng mãng cầu và thanh long, cùng nhiều loại cây ăn quả khác, lại nuôi hàng trăm con gà tre, bạn kể ban đầu nuôi gà mái dầu, đêm đêm vẫn bị ăn trộm, anh chồng tức mình nuôi gà tre, đêm chúng bay trên cây ngủ, trộm không bắt được nữa. 

Mây trời trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Internet

Từ rẫy mãng cầu, chúng tôi đi vòng quanh chân núi, đến khu du lịch Ma Thiên Lãnh, nơi có rừng nguyên sinh và những dòng suối trong vắt. Có những chiếc cầu gỗ đơn sơ bắc qua suối. Đâu đó có tiếng chim rừng hót. Khung cảnh thật bình yên, thơ mộng. 
Vẫn còn nhiều nơi đến hấp dẫn ở Tây Ninh mà chúng tôi chưa đi hết. Một năm Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh có hai lần hội lớn, một là vào mồng chín tháng giêng, hai là đêm rằm tháng tám, cùng hội Xuân núi Bà ... Chúng tôi cùng hẹn mùa xuân sẽ đến.
Từ Sài Gòn, phương tiện dễ nhất là bạn đi xe bus ra bến xe An Sương, đón xe về Tây Ninh. Giá vé chỉ chừng 55.000 đ. Đến nơi lại có xe trung chuyển chở về tận nơi nghỉ qua đêm. Đường đi chỉ mất chừng 2 tiếng rưỡi. Không xa, lại được thưởng thức không khí núi rừng trong lành, được ăn bò tơ nhiều món, gà thả vườn, bánh tráng, bánh canh ... với rau rừng. Sẽ là những cuối tuần vui vẻ thú vị.

Tháng 10, 2016
Nguyễn Diệu Tâm

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

NHỮNG CHIẾC LU KIÊN GIANG



Lên đường đi Rạch Giá vào một đêm mưa gió đầu tuần của tháng mười, chúng tôi hẹn nhau tập trung tại nhà Kim Nga, nhóm trưởng Hiểu & Thương. Những ngày này Sài Gòn mưa rất nhiều, đến hôm nay vẫn còn mưa và cơn mưa rất lớn. Vậy mà tất cả mọi người đã đăng ký chuyến đi đều có mặt đầy đủ, khi tôi đến nơi đã thấy một số bạn đang chuẩn bị sắp xếp hàng hóa cho chuyến từ thiện. Cơn mưa như trút nước suốt 2 tiếng đồng hồ mãi đến hơn 22:30 mới nhẹ hạt dần. Những người cuối cùng xuất hiện, Tiến Danh với bộ đồ ướt sũng, một cô bạn khác đang tất tả chạy xe đạp từ Thủ Đức cũng vừa đến. 11 giờ khuya, xe khởi hành đi Kiên Giang. Lần này đoàn sẽ đi hai xe, cùng đến huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang phát lu trước rồi một đoàn quay về, riêng đoàn dẫn đầu bởi sư cô An Nghĩa sẽ đi tiếp khánh thành cầu ở Rạch Giá.
7:00 giờ sáng, xe đến Kiên Lương. Suốt đêm đi qua nhiều tỉnh, trời vẫn còn mưa lâm râm, may sao khi đến nơi thì mưa đã tạnh hẳn. Trên những con đường còn ẩm nước, một ngày mới bắt đầu ở Kiên Giang. Anh Bảo, nhóm từ thiện Rạch Giá đón chúng tôi và đưa đi ăn sáng, uống cà phê ở một quán khá đẹp đối diện nhà thờ giáo xứ Kiên Lương. Không khí sau cơn mưa vừa mát mẻ trong lành, cộng thêm sự yên tĩnh của phố tỉnh vùng xa khác hẳn một Sài Gòn ồn ào đem lại cho chúng tôi cảm giác thật dễ chịu khó tả. 


9:00 xe đưa chúng tôi đi vào xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. Càng vào sâu, con đường càng vắng vẻ, hẹp dần và khó đi. Nhiều đoạn đang làm dở dang trong các công trình cầu đường, thêm cơn mưa những ngày qua làm con đường thêm lầy lội. Tài xế phải vững tay lái lắm mới đưa được chiếc xe 16 chỗ lách qua những cây cầu cao lêu nghêu mà rất hẹp bề ngang rồi ngoắt vào những khúc cua “nín thở”. Những lúc như thế này chỉ đành phó thác sinh mạng cho bác tài, vậy mà các bạn vẫn còn rú lên suýt xoa khi xe chạy ngang qua những bãi cỏ bên đường nở đầy hoa mười giờ màu cánh sen rực rỡ hay khi lao qua những cánh đồng mênh mông có hàng cây tràm nở rực bông vàng trên các bờ đê soi bóng nước, những bụi hoa mua màu tím nên thơ và cây mắt mèo nối tiếp trùng trùng trên quãng đường dài. 


Đã đến nơi tập trung lu. Lần này đoàn từ thiện nhóm Hiểu & Thương đóng góp 200 cái lu. Mỗi chiếc lu có chiều cao chừng 1.10 mét, dung tích 1 mét khối (= 1.000 lít nước). Nặng từ 300 – 310 ký. Giá xuất xưởng là 850 ngàn đồng/cái. Vận chuyển khá khó khăn vì lu nặng nề, bên sản xuất đồng ý vào tận nơi, sản xuất tại chỗ. Nhờ vậy mà chúng tôi được nhìn thấy tận mắt người thợ đã làm cái lu như thế nào.
Thông thường những cái lu đất nung chúng ta thường thấy, có qui cách và dung tích nhỏ hơn gọi là “kiệu”. Ở các tỉnh miền Tây thường sử dụng lu đất nung để chứa nước mưa, lâu ngày dễ vỡ, còn ở đây lần đầu tiên tôi nhìn thấy chúng được làm bằng xi măng cốt thép, tựa như cách làm các bể nước hình tròn. Trong những giải pháp giúp các vùng khô hạn thì lu xi măng cốt thép là hợp lý nhất vì giữ được lâu bền tương đương bể nước, lại có thể phân bổ dễ dàng hơn đến riêng từng nhà dân để họ chứa nước sinh hoạt.


Bạn có thể thắc mắc tại sao ở đây người dân cần cái lu đến thế! Ở những vùng miền núi, hay biển đảo, sông nước xa xôi, địa hình trắc trở không có giếng nước ngọt để dùng, thì khát nước mưa là chuyện thường ngày. Ở đồng bằng sông Cửu Long, kênh rạch chằng chịt nhưng nước sạch nhiều nơi xa xôi không có. Hẳn bạn cũng từng nhìn thấy những chiếc cầu “tỏm” nằm bên bờ ao, hay buồng tắm che phên sơ sài. Cũng dòng nước ấy, tắm giặt, vệ sinh, ăn uống… Nhiều nơi người dân chẳng đặng đừng cũng phải dùng nước kênh rạch mà lóng phèn, khá hơn thì mua nước ngọt có ghe chở từ trên núi về mà dùng thì quá tốn kém, không phải ai cũng có thể làm được. Tôi nhớ lại những năm 80 ở Phú Quốc, tôi từng ao ước có cái lu thật to để chứa nước mưa khi cả xóm chỉ có chung một cái giếng để dùng, tắm rửa hay giặt giũ. Có lúc đông người chen nhau hay nước giếng cạn, vẫn phải thả cái gàu xuống gần đáy giếng múc nước đục ngầu lên mà dùng. Có người  chèo thuyền lên núi nơi có giếng Tiên chở nước về phố bán, mỗi ngày tôi chỉ dám mua 1, 2 can nhỏ nước sạch để nấu cơm hay đun sôi lấy nước uống…
Đó là chuyện năm xưa, ngày nay nhiều nơi xa xôi đã có nước máy, nhưng không phải nơi nào cũng có như ở xã Vĩnh Điều này. Dọc theo con đường vào xã, bên trái là dòng kênh, nhiều túp nhà tranh lụp xụp tơi tả, riêng tôi thì hay để ý đến những cái “cầu tỏm” … vì cũng như các bạn ở thành phố, chúng tôi rất sợ loại cầu này. Và cứ nghĩ làm thế nào người ta có thể sống mà không có nước sạch. 


Vào tháng mười là lúc lượng mưa nhiều nhất trong năm, thì cái lu là vật chứa nước để dành nước sử dụng cần thiết nhất đối với người dân nơi đây. Vì vậy, khi được hỏi cần gì nhất thì đa số đều trả lời: “Cái lu”!
Anh Bảo cho biết ở Giang Thành, có khoảng 10 ngàn hộ dân nghèo. Cho đến nay, các nhóm từ thiện, mạnh thường quân đã giúp được 4.000 chiếc xuồng gỗ cho người dân.
Sư cô An Nghĩa là người đi nhiều tỉnh miền Tây xây cầu, làm giếng, phát lu v.v suốt 10 năm nay. Riêng ở Kiên Giang thì lần đầu nhóm cứu trợ được 500 cái lu và 300 xuồng gỗ cho xã Nam Thái Sơn và Mỹ Hiệp Sơn Huyện Hòn Đất. Kế đến là 100 cái lu và 100 xuồng gỗ cho xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. Ngoài ra nhóm từ thiện của sư cô còn tặng 5 chiếc thuyền cấp cứu bằng composite có gắn động cơ cho huyện Giang Thành dùng vào việc cứu thương, cứu hộ. Và hôm nay sư cô tiếp tục tặng thêm 200 lu dung tích 1 mét khối. Vì lần này số lu lên đến hơn 100 nên nhà sản xuất đề nghị sẽ mang nhân công và vật liệu đến làm tại chỗ. Nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển, cứ mỗi trăm cái lu họ tặng thêm 5 cái.



Giờ đây chúng tôi đang đứng tại chỗ sản xuất lu. Phía bên trái là đồng ruộng mênh mông và có một cái ao nơi những con vịt trắng và nâu xinh xắn đang hồn nhiên bơi lội. Vài con gà tây đủng đỉnh đi lại trên bờ. Các bạn ùa đến bên những cái lu có khắc tên mình để chụp hình. Có bạn còn nghịch ngợm chui vào trong lu để cho biết lu lớn cỡ nào. Những chiếc lu còn dang dở chưa hoàn thành trong lán trại cho thấy những khoanh sắt cuốn bên trong để giữ lu trước khi nhiều lớp xi măng được bao bọc bên ngoài. Người ta sẽ vận chuyển những chiếc lu này đến từng nhà người dân nghèo trong huyện bằng "chẹt", một loại ghe máy vận tải đường sông chứ ở đây không có phương tiện nào khác. Mỗi chiếc chẹt có thể chở 6 cái lu.


Sau đó, cả đoàn xuống “chẹt” để đi đến một số điểm nhà dân đã được cấp lu. Hai bên bờ kênh là những túp nhà tranh lụp xụp nằm chênh vênh trên những cột đỡ, nhiều túp lều nát bươm. Có một ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở ở Vĩnh Điều, cùng một trường mầm non cách đó chừng trăm mét, nằm bên một ao sen đang nở đầy hoa. Anh Bảo cho biết những ngôi trường này cũng xin lu để đựng nước mưa cho các cháu uống, nhưng nhóm từ thiện chỉ cấp cho trường trung tiểu học 4 cái, còn trường mầm non thì không dám vì sợ các cháu nhi đồng còn nhỏ quá không nên uống nước mưa mà nhà trường cần phổ biến cho phụ huynh nấu nước sôi để nguội vào bình cho các cháu đem theo khi đến trường.


Giữa đồng không mông quạnh, nhìn hai ngôi trường khang trang trái ngược với cảnh nghèo của các hộ dân nằm đọc theo bờ kênh, tôi vừa thấy vui vừa thấy buồn. Vui vì ở một nơi xa xôi như thế này lại có những ngôi trường đẹp đẽ mọc lên không khác gì những bông sen thanh khiết giữa đầm lầy. Hy vọng cuộc đời các em về sau sẽ khá hơn nhờ được học hành tử tế, tương lai sáng sủa hơn. Buồn vì cảnh nghèo, nghèo quá của các hộ dân ở đây, nơi ước mơ lớn nhất của họ chỉ là “cái lu”. Một vài cụ già đi qua dừng lại, móm mém cười chào. Một cụ ông nói: “Tụi tui vui lắm, mừng lắm khi nhà có được cái lu đựng nước! Thiệt cám ơn cám ơn các cô chú”… Qua trao đổi, anh Bảo tươi cười bảo: “Vẫn còn thiếu nhiều lu lắm, nhưng góp gió thành bão, mong sao nhóm Hiểu & Thương sẽ còn giúp đỡ thêm một trăm cái nữa”.


Trên con đường đất đỏ dẫn vào làng, vài học sinh nhỏ đang đèo nhau trên xe đạp đến trường. Trong đầm sen những bông hoa to nhất đang cố vươn lên, trắng muốt giữa đám lá biếc xanh. Ngọn nắng trên những cây tràm bông vàng chợt dịu xuống. Mây đen kéo về. Trời lại mưa…

Tháng 10, 2016
Bài viết và hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Mời các bạn xem thêm hình trong chuyến đi phát lu đây:

Vận chuyển lu đến nhà người dân


 
Những mái nhà tranh ở xã Vĩnh Điều, nơi các h dân nghèo được cấp lu.


Lên chẹt đi phát lu

Cổng trường mầm non ở Xã Vĩnh Điều, Huyện Giang Thành, Kiên Giang.

Một góc sân trường mầm non ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, KG

Cầu tre chênh vênh bắc qua dòng kênh ở xã Vĩnh Điều, Giang Thành, KG

Chiếc xuồng gỗ cũ nằm trên bờ sông
Con đường vào xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.