Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

NGÀY GIỖ MẸ

 
Buổi sáng đầu tháng 7, sau cơn mưa đêm qua trời đất có chút gì đó đổi thay. Mặt trời vẫn lên cao như mọi ngày, nhưng dường như bớt đổ lửa. Mặt đường nhựa đang nóng bức cũng dịu đi. Lòng tôi cũng cảm thấy thư thái hơn nên bỗng muốn đi bộ từ nhà đến chùa, chỉ mất khoảng 15-20 phút.
Thiền viện vẫn êm ả, vắng vẻ thanh tịnh như mọi ngày khi không nhằm vào những ngày sóc vọng hay lễ lớn. Chính sự yên tĩnh êm đềm này làm cho bao nhiêu năm nay tôi vẫn thích đến, không phải như một thói quen, mà mỗi lần đến đây tôi đều thấy lòng mình thật nhẹ nhàng thanh thản.
Và cũng như mọi lần khi đến chùa, đập vào mắt tôi khi bước vào cũng như lúc đi ra luôn là 4 chữ Duy Tuệ Thị Nghiệp ngay trên cổng chùa phía mặt trong. Nghe nói 4 chữ này đã có từ lúc đại học Vạn Hạnh được thành lập.
Theo wikipedia: "Trước năm 1964, Sài Gòn có trường cao đẳng Phật học với tên Phật học Đường Nam Việt thuộc chùa Ấn Quang. Sau cuộc chính biến 1963 và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trương đào tạo nhân sự và đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật được Giáo hội xúc tiến qua việc xây dựng một cơ sở giáo dục bậc đại học. Với nỗ lực đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu: xây dựng nhà giáo dục... làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ... với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt để phát triển trí tuệ. Viện đại học chọn mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam thời nhà Lý. Một trong những người sáng lập viện đại học này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Năm 1964, Thượng tọa Thích Minh Châu làm viện trưởng và Thượng tọa Thích Mãn Giác làm phó viện trưởng.
Sĩ số năm 1970 là 3.210 sinh viên. Tính đến năm 1973, tổng số sinh viên ghi danh nhập học là 3.661. Thư viện của viện đại học có hơn 25.000 đầu sách"... (1)
Tuy nhiên, giải thích gọn ghẽ như trên không làm tôi hài lòng, vì chỉ như một châm ngôn nói lên mục tiêu của trường. Và 4 chữ này nếu chỉ hiểu nghĩa Hán Việt thôi thì không hề đủ.
 "Trong Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, Đức Thế tôn có dạy các bậc Bồ tát cần phải: “Thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp”. Nghĩa là “Cần thường phải nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình”
Điều răn này nằm trong bài kệ thứ ba của Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác (Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân). Kinh này chỉ gồm tám bài kệ ngắn nói về tám điều giác ngộ lớn, song chỉ cần một phần của bài kệ thứ ba này cũng đủ làm kim chỉ nam cho những hành giả thành tâm tu học. Không những thế đó là một chân lý, một sự thật sáng tỏ cho mọi con người sống trên trần thế."
Nội dung chính của bài kệ thứ ba Đệ tam giác tri (Điều giác ngộ thứ ba) trong Kinh Bát Đại Nhân Giác là :
    Tâm vô yểm túc,
    Duy đắc đa cầu,
    Tăng trưởng tội ác.
    Bồ tát bất nhĩ,
    Thường niệm tri túc,
    An bần thủ đạo,
    Duy tuệ thị nghiệp.
Nghĩa là :
    Tâm nếu không biết đủ,
    Chỉ lo việc tham cầu,
    Sẽ tăng thêm tội ác.
    Bồ tát không như vậy,
    Thường nhớ đến biết đủ,
    Vui cảnh nghèo giữ đạo,
    Lấy tuệ làm sự nghiệp.
Duy tuệ thị nghiệp hiểu một cách đúng đắn nhất là: Chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Đó là cách hiểu đầy trí tuệ, cách hiểu bát nhã ba la mật của các bậc thánh nhân và các bậc hành giả chân tu đạt đạo. Còn phàm nhân thì điều đó có nghĩa là phải lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của cả đời mình hay nói một cách khác là con người ta phải phấn đấu rèn luyện để có trí tuệ, có hiểu biết đầy đủ, có nhận thức đúng đắn cho mình mới là sự nghiệp chính của đời mình và mới làm nên sự nghiệp của đời mình." (2)
Hôm nay thì trong khuôn viên chùa lại càng yên ắng, vì đang trong mùa an cư kiết hạ của chư tăng ni từ sau rằm Phật đản cho đến rằm tháng 7 âm lịch.
Với gia đình tôi, tháng 6 âm lịch trong mùa an cư kiết hạ cũng là tháng có nhiều đám giỗ nhất trong năm. Ông, bà ngoại, chị, và mẹ. Cùng với cha tôi, tất cả đều được thờ cúng ở đây. Tôi ghé vào bàn thư ký và gặp chị V. hỏi thêm về việc hiến cúng hồi hướng công đức cho mẹ hiền. Chị biết mẹ tôi từ lúc bà còn khỏe hay đến chùa sinh hoạt và ngày mẹ mất chị cũng có đến nhà viếng đám tang. Chị hướng dẫn cho tôi một số việc, không hiểu sao tôi lại thấy nhẹ nhõm hơn trong lòng. Tôi biết mẹ sẽ rất vui lòng về việc làm này của mình vì lúc còn sống bà đã hết lòng khi làm công quả cho nhà chùa và những việc từ thiện khác. Chị còn nói thỉnh thoảng các thầy vẫn nhắc đến những mâm bánh bèo hay những món ăn Huế mẹ hay làm cho bếp nhà chùa vì biết đa số các thầy ở đây gốc Huế, xa nhà chắc các thầy nhớ lắm. Tôi cũng đã từng nghe một số thầy tâm sự: "Thầy xem bà như mẹ". Nói chuyện một lát thì gần đến giờ chư tăng thọ trai tại trai đường. Có chứng kiến cảnh chư tăng ni thọ trai mới biết. Trước và sau khi dùng bát cơm, chư tăng ni đọc kinh không biết bao nhiêu lần, và nâng bát cơm cung kính ngang trán hơn vật báu. Và sau khi thọ trai xong, chư tăng lặng lẽ đi theo hàng qua chính điện, đi vòng quanh điện thờ từ trước chính điện ra phía sau các bàn thờ vong 3 vòng, vừa đi vừa niệm Phật, rồi dừng lại đứng hai hàng hai bên tượng Tam thế Phật, đọc kinh tiếp cho đến khi xong buổi lễ. Khung cảnh trang nghiêm này làm tôi nhớ lại sau khi mẹ qua đời 3 năm về trước, cũng thời gian này các chị em tôi đã đi Đà Nẵng và Huế 4 ngày để cúng dường. Tuy ngắn ngày vì các em không có nhiều thì giờ ở lại VN, nhưng chúng tôi cũng đi viếng được khoảng 15 ngôi chùa, viện dưỡng lão và viện mồ côi ngay tại quê mẹ, và cũng được cơ duyên tham dự một bữa thọ trai của 40 vị sư nữ tại chùa Diệu Viên. Thật là một chuyến đi nhiều ý nghĩa rất khó quên. 
Trong 3 tháng an cư kiết hạ này, chư tăng ni khắp nơi thường quy tụ về những ngôi chùa lớn, nên đây cũng là dịp để các Phật tử cúng dường.
"Cúng dường và bố thí là pháp tu quen thuộc, phổ biến của hàng Phật tử tại gia nhằm gieo trồng phước báo cho tự thân và gia đình trong hiện đời cũng như những đời sau.
Có hai hình thức cúng dường là trai phạn và trai tăng. Cúng dường trai phạn có nghĩa là chỉ dâng cúng thức ăn uống cho chư Tăng. Cúng dường trai tăng thì gia chủ phải sắm sanh tứ sự (gồm thực phẩm, y phục, thuốc men, sàng tòa).
Cúng dường trai tăng dựa trên nền tảng tự phát tâm, tự nguyện của gia chủ Phật tử. Do đó, "lễ bạc mà lòng thành" là một trong những nguyên tắc quan trọng, không thể thiếu trong khi thực thi Phật sự cúng dường này." (3)

* Nguyễn Diệu Tâm
Lược trích, tham khảo:

1 nhận xét:

  1. ... trang nhà NTHQN có Tang Lễ Mẹ ... Tâm có liên lạc với Diệu Minh Sang không ... dh

    Trả lờiXóa